Một số yếu tố VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG Ở CHỢ LÀNG vùng Đồng Bằng BẮC BỘ

1. Chợ là một thực thể xã hội có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người. Chợ ra đời từ rất sớm trong lịch sử loài người, khi con người đã sản xuất được hàng hoá nhiều hơn nhu cầu của họ, nên phải mang nó đi trao đổi với người khác để lấy một loại hàng hoá nào đó. Ở Việt Nam, chợ xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử. Nhiều truyền thuyết cho thấy ngay từ thời kì Hùng Vương đã có chợ. Câu chuyện Chử Đồng Tử có nói đến việc sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung lấy nhau thì họ đã không trở về Phong Châu nữa mà ở lại vùng đầm Dạ Trạch sinh sống và mở ra chợ Hà Thám cho nhân dân buôn bán làm ăn. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá mà nó còn hàm chứa nhiều khía cạnh xã hội và văn hoá. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu về chợ của các nhà khoa học từ trước đến nay chủ yếu tập trung nghiên cứu về những nội dung kinh tế được phản ánh trong các chợ. Còn về góc độ văn hoá được thể hiện qua việc xây dựng chợ cũng như các hoạt động trong chợ thì ít được các tác giả đề cập đến trong các nghiên cứu.

2. Yếu tố văn hoá trong vị trí xây dựng chợ

     Chợ thường được dựng ở những nơi đông đúc dân cư và nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá cao. Tuy nhiên, ở các khu dân cư đông đúc, việc xây dựng chợ ở vị trí nào cho thuận tiện nhất, phát huy hiệu quả cao nhất cũng là một lựa chọn thể hiện tâm lí, lối sống của nhân dân.

     Trước hết, chợ thường xuất hiện ở các ngã ba đường giao thông là nơi thuận tiện cho cả người bán và người mua. Người bán hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hoá đến nơi tiêu thụ. Còn người đi mua cũng dễ dàng dừng lại mua hàng ở những con đường lớn mà ít bị cản trở giao thông so với các con đường nhỏ. Việc họp chợ ở các ngã ba đường là phổ biến. Phổ biến hơn là các chợ thường họp ở các ngã ba sông hoặc gần bờ sông. Khu vực sinh sống chính của người Việt là lưu vực của các sông ngòi lớn nhỏ. Chợ sẽ nằm tại các ngã ba nước để thuận tiện cho việc giao dịch trao đổi hàng hoá. Nghiên cứu về các chợ làng truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cho thấy những chợ cổ truyền nhất thường là những chợ nằm ở ngã ba sông hoặc gần bờ sông nơi có những luồng giao thông đường thuỷ tấp nập nhất. Ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đều có những tên chợ phổ biến như chợ Sông, chợ Bến, chợ Cầu. Các chợ này không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện ở những vùng ven sông. Mà nó thể hiện một điểm quan trọng trong văn hoá truyền thống của người Việt – đặc biệt là vùng Bắc Bộ. Đó là yếu tố nước trong quá trình hình thành các nền văn minh cổ của chúng ta. Nền văn minh Sông Hồng cũng như những nền văn minh sau này hình thành ở trung tâm vùng Bắc Bộ ngày nay đều gắn với yếu tố nước. Không chỉ là nghề trồng lúa nước, mà nó còn là cả một nền văn minh sông nước. Với một vùng đồng bằng có mạng lưới sông nước dày đặc như Bắc Bộ thì cuộc sống của nhân dân luôn luôn gắn chặt với sông nước, nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Phương tiện đi lại chủ yếu của người Việt cổ là những con thuyền độc mộc, những chuyến đò ngang, đò dọc để đi lại từ địa phương này sang địa phương khác. Cơ cấu bữa ăn thường ngày của cư dân thời Văn Lang – Âu Lạc theo các nhà Sử học, Dân tộc học cũng là: “cơm – cá – rau”. Bên cạnh nghề nông trồng lúa nước chiếm vị trí quan trọng nhất cung cấp lương thực cho chúng ta thì việc cung cấp thực phẩm được đảm bảo bằng nghề đánh cá trên các con sông. Đây chính là nghề quan trọng thứ hai của người Việt cổ thời kì Văn Lang – Âu Lạc. Đến nền văn minh Đại Việt sau này thì nghề đánh cá trên sông nước vẫn được duy trì trong một bộ phận không nhỏ nhân dân. Sông nước cũng góp phần quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Dân tộc ta. Rất nhiều trận đánh quyết định giành chiến thắng bảo vệ độc lập Dân tộc ta đã diễn ra trên sông nước: chiến thắng Bạch Đằng (938, 981, 1288) bảo vệ Dân tộc ta khỏi âm mưu xâm lược của quân xâm lược nhà Nam Hán, nhà Tống và nhà Nguyên, chiến thắng sông Như Nguyệt (1077) đánh đuổi quân Tống, trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785) đánh đuổi quân Xiêm,… Vậy việc họp chợ trên sông hay ngay bờ sông cũng chính là một hiện tượng cho thấy truyền thống văn hoá sông nước của người Việt.

     Ở những nơi đông dân cư mà không gần các bến sông thì các chợ truyền thống lại có một cách lựa chọn vị trí khá đặc biệt là các chợ thường họp gần những nơi thờ tự linh thiêng như chùa, đền, đình,… nhưng các chợ này cũng được chọn vị trí sao cho vừa gần chùa, đình lại có khoảng cách từ chợ ra sông ngắn nhất. Nghiên cứu về chợ làng trước Cách mạng Tháng 8-1945 trên địa bàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, các tác giả Nguyễn Đức Nghinh và Trần Thị Hoà đã rút ra bảng thống kê về vị trí của 14 chợ ở đây:

Bảng: Vị trí 14 chợ trên địa bàn huyện Bình Lục trước năm 1945 1   

__________
1. Nguyễn Đức Nghinh – Trần Thị Hoà, Chợ làng trước Cách mạng Tháng Tám, Dân tộc học, số 2, năm 1981.

     Vị trí các chợ nằm ở gần đền, chùa không chỉ là đặc điểm riêng của các chợ ở huyện Bình Lục, mà nó còn là một đặc trưng chung của các chợ ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi có đời sống văn hoá tâm linh phong phú và sâu sắc.

     Nghiên cứu các văn bia chợ Việt Nam, Nguyễn Thị Bích Tuyển (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết “Trong số 88 văn bia chợ, có 33 văn bia chợ Tam Bảo. Đặc trưng của loại hình này là chỉ thấy xuất hiện và phát triển nở rộ vào thời Lê – Trịnh, tức là hai thế kỉ XVII và XVIII. Như vậy, nó chiếm tới một nửa số văn bia thời Lê1. Việc các chợ được chọn xây dựng gần chùa, đình hay dựng chợ trên phần đất của chùa hoặc chợ được xây dựng xong những người sở hữu chợ lại cúng chợ cho chùa không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Mà những hiện tượng này có một phần lí do xuất phát từ văn hoá, tín ngưỡng của người Việt. Phật giáo là một trong ba tôn giáo và hệ tư tưởng chính trong đời sống của người Việt (Nho, Phật, Lão). Vì vậy, đạo Phật gần như ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội của người Việt. Nghiên cứu về hiện tượng “chợ chùa” của GS Nguyễn Đức Nghinh cho thấy tên gọi chợ Chùa, chợ Tam Bảo xuất hiện ở hầu khắp các địa phương ở Bắc Bộ trong các thế kỉ XVII, XVIII như chợ Tam Bảo ở xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (thuộc Hà Nội ngày nay), chợ Tam Bảo ở xã Xạ Sơn, tổng Hà Trường, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn (Hải Dương), chợ Chùa Phúc Nghiêm ở xã Ngọc Lâm, tổng Mĩ Cầu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang),… “Sự kết hợp giữa chợ và chùa không phải là hiện tượng cá biệt trong một địa phương, một thời điểm nào đó. Tính phổ biến rộng rãi của chợ chùa ở nhiều địa phương đã có thể khẳng định – Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, cả ở Quảng Nam, Quảng Ngãi,… và có thể ở rất nhiều nơi nữa2. Việc cúng chợ cho chùa hay xây dựng chợ ở gần chùa thể hiện niềm tin tôn giáo của người Việt vào đạo Phật. Việc làm này nhằm mục đích dựa vào một thế lực có sức mạnh tối cao là Phật, Bồ Tát giúp nhân dân bảo vệ và duy trì chợ được tồn tại trường cửu không bị lấn chiếm và chống lại sự nhũng nhiễu, hạch sách, lũng đoạn của các thế lực có quyền thế trong xã hội. Lí giải về hiện tượng chợ Chùa, chợ Tam Bảo xuất hiện và phát triển nở rộ trong các thế kỉ XVII, XVIII: những thế kỉ này trong lịch sử Việt Nam chứng kiến sự phục hồi ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống nhân dân cũng như một bộ phận giai cấp cầm quyền đã quay trở lại dựa vào tư tưởng Phật giáo. Sau thời gian đạo Phật có phần bị hạn chế ảnh hưởng dưới thời Lê sơ trong các thế kỉ XV – XVI nhường chỗ cho Nho giáo độc tôn thì trong bối cảnh loạn lạc ở các thế kỉ XVII, XVIII với nhiều cuộc tranh đoạt quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến nhà Mạc, vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn và các cuộc nổi dậy của nông dân ở các thế kỉ này đã làm cho đời sống nhân dân đi vào lầm than, cực khổ. Lúc này tư tưởng nhân văn của Phật giáo chính là chỗ dựa văn hoá tinh thần cho nhân dân. Văn hoá Phật giáo đã lan tỏa ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá, xã hội. Trong đó có cả lĩnh vực thương mại, buôn bán. Và việc các chợ được lập ở cạnh chùa hay trên đất của chùa chính là một biểu hiện của văn hoá Phật giáo nở rộ trong lĩnh vực này. Như vậy, Chợ – Chùa, chợ họp ở gần đình, quán cũng luôn gắn liền với biểu tượng văn hoá Việt Nam, gắn với nhu cầu tâm linh của người Việt. Chợ không chỉ biểu thị mối quan hệ ứng xử giao đãi theo chiều ngang mà còn biểu thị mối quan tâm theo chiều dọc nội tâm. Đây là đặc điểm tự nhiên cân bằng, tự thích ứng và hài hoà của Dân tộc Việt Nam. Mọi việc mua bán sinh hoạt của người trần đều diễn ra dưới sự chứng giám của thần, phật.

     Cả hai yếu tố sông nước và tâm linh đều có ảnh hưởng sâu sắc đến việc chọn vị trí xây dựng chợ ở đồng bằng Bắc Bộ. Hầu hết các chợ truyền thống ở vùng này được mở ở những địa điểm phải thoả mãn một trong hai điều kiện là gần sông nước hoặc gần nơi thờ tự. Nếu chợ nào chọn được vị trí đẹp đảm bảo sự tương xứng cả hai yếu tố trên thì đó thường là những chợ rất lớn, hoạt động mua bán diễn ra sôi động và là trung tâm kinh tế quan trọng của cả một vùng. Như chợ Hành Thiện ở Nam Định là một chợ lớn, đóng vai trò trung tâm kinh tế của phủ Thiên Trường trong suốt quá trình lịch sử của vùng đất này bởi chợ Hành Thiện có một địa thế đẹp hiếm có như trong sách Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục miêu tả: “Địa thế xã Hành Thiện nước sông bao bọc, ở giữa là một đám cát lớn nổi lên như hình con cá dài rộng chừng hơn 80 mẫu. Đầu con cá làm chợ, đuôi cá làm chùa, đoạn giữa thì nhân dân ở3.

     Ngoài việc chọn vị trí xây chợ thì cách đặt tên chợ cũng thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Chợ họp ở khu vực chùa thì được gọi là chợ Chùa, chợ Tam Bảo thể hiện văn hoá Phật giáo. Ở nhiều nơi có những tên chợ như: chợ Xanh, chợ Rồng cũng mang đậm dấu ấn văn hoá nông nghiệp Việt Nam. Chợ Xanh ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, chợ Xanh ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình,… Chợ Rồng Nam Định, chợ Rồng Ninh Bình, chợ Rồng Hải Phòng, chợ Rồng (ở huyện Nam Sách) tỉnh Hải Dương,… Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng giải thích về những tên chợ này xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi: Nghề của dân Việt là trồng trọt và chài lưới, sản phẩm là rau cỏ và tôm cá. Chợ bán rau thì gọi là chợ Xanh (xanh như rau), chợ bán tôm cá thì gọi là chợ Rồng. Vì vậy, chợ Rồng thường xuất hiện ở những ngã ba sông lớn 4. Ngoài ra còn có những chợ mà tên gọi của nó gắn liền với đặc trưng kinh tế, văn hoá của địa phương như chợ Cá, chợ Dâu, chợ Vải, chợ Sắt.

__________
1. Nguyễn Thị Bích Tuyển, Văn bia chợ Việt Nam – giá trị tư liệu khi tìm hiểu các vấn đề sinh hoạt xã hội thời phong kiến, Hán Nôm, số 5 (78), 2006.

2. Nguyễn Đức Nghinh, Chợ Chùa ở thế kỉ XVII, Nghiên cứu Lịch sử, số 4 (187), 1979.

3. Nguyễn Ôn Ngọc, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục (Trần Lê Hữu dịch), tài liệu số hoá của Thư viện tỉnh Nam Định, tr. 22.

4. http://vi.wikipedia.org/wiki/Chợ_Việt_Nam (truy cập ngày 18-10-2013).

3. Yếu tố văn hoá trong các hoạt động ở chợ

     Họp chợ theo phiên chính là hình thức hoạt động phổ biến nhất của các chợ ở Việt Nam nói chung và ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Mỗi chợ thường có một quy định về chu kì phiên chợ riêng. Thường các phiên chợ được quy định phiên họp theo chu kì hàng tháng. Mỗi tháng thì một chợ thường có từ 6 đến 9 ngày phiên. Việc quy định phiên chợ như trên là nhằm mục đích tránh hiện tượng các chợ ở gần nhau cũng họp vào một ngày gây khó khăn cho cả người bán lẫn người mua. Mà mỗi chợ họp phiên vào một ngày sẽ đảm bảo việc phục vụ được tối đa nhu cầu của người mua muốn mua nhiều sản phẩm cùng một lúc tại một phiên chợ. Người bán hàng cũng có thể gánh hàng từ nơi này đến nơi khác để bán hàng trong những ngày phiên chợ. Từ đó tạo ra một mối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các địa phương với nhau. Việc các chợ họp luân phiên nhau cũng tránh được tình trạng tranh giành khách hàng dẫn đến tranh chấp và mâu thuẫn giữa các địa phương và giữa những người bán hàng. Nhiều câu ca dao dân gian đã phản ánh hiện tượng họp chợ luân phiên như trên:

“Một Râu, hai Mép, ba Ngà
Tư Cầu, năm Táng, sáu đà lại Râu
Bảy Ngà, tám Mép, chín Cầu
Mồng mười chợ Táng, một Râu lại về” 1.

Hay như:

“Ngày một, ngày bảy chợ Lương
Hai, sáu Ninh Cường, năm, chín Đông Biên
Cồn Chàm mươi, bốn là phiên
Ba, tám chợ Đền, thêm chợ xã Trung” 2.

     Việc họp chợ luân phiên này còn thể hiện văn hoá của cả một cộng đồng dân cư sống hoà hợp, đoàn kết cùng nhau tránh những tranh chấp về kinh tế. GS Phan Đại Doãn nhận xét sự phát triển của các chợ theo kiểu như thế này đã có vai trò tạo ra một “vùng liên làng” theo chu kì phiên chợ trong từng tháng. Một số làng gần nhau được phân chia họp chợ trước sau theo một thời gian tuần tự, tạo ra một sự lưu thông hàng hoá một “vòng khép”. Vùng liên làng đã tạo ra sắc thái phong phú trong một huyện 3.

     Hoạt động mua, bán và trao đổi sản phẩm là những hoạt động chính tại chợ. Tuy nhiên, tại chợ cũng có những hoạt động mang tính văn hoá như trong những chợ Chùa, chợ Đình, chợ Quán thông thường trong các ngày phiên chợ của những chợ này sẽ có ngày phiên diễn ra đúng vào ngày rằm hoặc ngày mùng một hàng tháng. Vào những ngày phiên chợ đó, người đi chợ thường đông hơn, vì những người này ngoài việc đi chợ mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình mình thì họ còn kết hợp đi lễ tại đền, chùa bên chợ nữa. Việc đi lễ chùa cầu may chính là một trong những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt được lưu truyền từ nhiều đời. Và các chợ Chùa, chợ Tam Bảo cũng chính là những nơi tạo điều kiện để mọi người thể hiện hoạt động văn hoá này.

__________
1. Ca dao vùng Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

2. Ca dao vùng Quần Anh, Hải Hậu, Nam Định.

3. Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế – văn hoá – xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 60.

     Chợ chính là nơi thể hiện rõ nhất trình độ văn hoá của con người trong đời sống thường ngày. Nếu như khi đi lễ hội hay tham gia vào một hoạt động quan trọng nào đó, con người thường có xu hướng làm đẹp và cố gắng thể hiện những gì tốt đẹp nhất cho mọi người thấy, thậm chí ngay cả khi những điều tốt đẹp đó chỉ là vẻ bên ngoài thì khi ra chợ, mọi người sẽ thể hiện rõ nhất những phẩm chất đời thường của mình cho mọi người thấy. Điều này giúp chúng ta có những đánh giá chính xác về tính cách cũng như trình độ văn hoá của một người. Từ cách ăn nói, giao tiếp, trang phục mặc ngày thường cho đến tính cách con người đều được lộ diện ra qua những hoạt động tại chợ. Vì vậy, đánh giá về con người khi đi chợ thường chính xác hơn so với đánh giá ở những nơi khác ngoài gia đình. Điều này đã được ông cha ta đúc kết qua câu tục ngữ “trai khôn kén vợ chợ đông” hay “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Đối với người phụ nữ trong xã hội nông thôn truyền thống thì tài buôn bán trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trình độ văn hoá. Vì vậy người con gái lớn lên trong gia đình, trước khi về nhà chồng phải học cách buôn bán ngoài chợ.

Con ơi mẹ dặn con này
Học buôn học bán cho tày người ta.

     “Thực tế ở các chợ nông thôn đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 80-90% người đi chợ mua bán là phụ nữ, Dumoutier vào cuối thế kỉ XIX quan sát tỉ mỉ những phiên chợ ở Hà Nội cũng thấy tương tự như vậy: cứ một trăm người đi chợ người ta đếm được 84 người là đàn bà con gái” 1.

     Một người khi mua, bán trả giá ngoài chợ thông qua cách ăn nói, đi đứng của họ thì chúng ta có thể hiểu được cách giáo dục trong gia đình họ. Ngoài việc đánh giá văn hoá, tính cách của một con người cụ thể thông qua hoạt động của họ tại chợ thì thông qua những hoạt động chung thì chúng ta cũng có thể hiểu được đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán của làng xã đó như văn hoá ăn, văn hoá mặc, văn hoá ở,… Thậm chí, chợ còn là nơi phân tầng các đối tượng trong xã hội theo thứ bậc xã hội và trình độ văn hoá: Những người quản lí chợ thường là những hương hào, quan chức địa phương, hoạt động mua bán thường dành cho phụ nữ, còn công việc quét dọn vệ sinh tại chợ thường là do những người có địa vị thấp trong xã hội như những anh mõ làng làm và được gọi là những anh “bốc chợ”.

     Ở đồng bằng Bắc Bộ, ngoài những chợ mua bán bình thường còn có những loại chợ đặc biệt mà trong đó mọi hoạt động của người đi chợ đều mang tính văn hoá, tín ngưỡng. Chợ Viềng ở tỉnh Nam Định là một trong những chợ đặc trưng của loại hình chợ tâm linh này. Chợ Viềng chỉ họp duy nhất một lần mỗi năm vào ngày 8 tháng giêng (âm lịch) trên địa bàn huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực. Mọi hoạt động mua bán, lễ bái,… tại chợ này chỉ mang tính cầu may. Người đi chợ này đầu năm thường mua về cho gia đình một sản phẩm bất kì: có thể là một con dao, cái kéo, lưỡi cày, lưỡi cuốc (đồ dùng gia đình) hay một chậu hoa, cây cảnh, hoặc cũng có thể là một miếng thịt bò (những sản phẩm truyền thống của chợ). Nhưng việc mua bán này chỉ mang tính tượng trưng, cả người bán và người mua đều cảm thấy vui vẻ, trong mua bán, họ không đặt nặng vấn đề lời lãi mà “mua được là tốt, bán được là may” việc mua bán các sản phẩm này chỉ mang tính cầu may dịp đầu năm. Hoạt động lễ bái, tín ngưỡng là không thể thiếu được trong chợ Viềng. Mọi hoạt động trong chợ Viềng đều là các hoạt động mang tính văn hoá truyền thống chứ không hề mang ý nghĩa kinh tế.

__________
1. Dẫn theo Nguyễn Quang Ngọc, Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỉ XVIII – XIX, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 64.

4. Văn hoá – nghệ thuật trong chợ

     Chợ không chỉ có những hoạt động kinh tế, trao đổi hàng hoá mà ở đó còn có cả những hoạt động mang tính chất nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp và thú chơi tao nhã của con người.

    Một hình ảnh quen thuộc trong những phiên chợ tết xưa là những ông đồ với bút, nghiên và giấy đỏ ngồi ở những vị trí trang trọng để cho chữ, viết câu đối cầu chúc những điều may mắn, tốt lành đến với mọi người trong dịp đầu năm. Việc cho chữ, viết câu đối là những thú vui tao nhã của những ông đồ nho xưa. Nó vừa thể hiện nét đẹp truyền thống trong tâm hồn người Việt là luôn cầu chúc những điều tốt lành nhất đến với mọi người. Nó cũng thể hiện ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống coi chữ Hán là chữ Thánh Hiền cần phải được tôn thờ ở những nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, nếu chỉ là việc xin và cho chữ giữa những ông đồ hay quan lại là những người có vốn kiến thức Nho học uyên thâm thì nét văn hoá độc đáo này lại không được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Vì vậy, việc các ông đồ cho chữ ở ngoài chợ chính là một trong những con đường truyền bá văn hoá Hán học đến đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Các ông đồ ngồi cho chữ ở chợ không chỉ viết nên những nét chữ “phượng múa rồng bay” tài hoa, mà họ còn giảng giải cho nhân dân những cái hay cái đẹp trong từng nét chữ “Thánh Hiền”. Có thể nói: chợ cũng là một trong những nơi truyền bá và lưu giữ những nét văn hoá Nho học thông qua việc cho chữ và viết câu đối của những ông đồ tại các phiên chợ tết. Cho đến đầu thế kỉ XX, hoạt động văn hoá này vẫn còn in đậm trong các phiên chợ tết như nhà thơ Vũ Đình Liên đã miêu tả trong bài thơ “Ông đồ”:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…

     Bên cạnh hoạt động cho chữ của các ông đồ trong các phiên chợ tết thì tại các phiên chợ ngày thường cũng như những phiên chợ tết xưa còn có một hoạt động mang tính văn hoá – nghệ thuật độc đáo nữa là hát xẩm. Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Về nguồn gốc hát xẩm có ở đâu và từ bao giờ thì các nhà nghiên cứu chưa khẳng định chắc chắn được. Còn theo tài liệu dân gian thì cho rằng hát xẩm có từ thời Trần. Nhưng về thể loại xẩm cổ truyền thì bao gồm hai loại là: xẩm chợ và xẩm cô đầu. Chợ chính là một nơi quan trọng để duy trì và phát triển nghệ thuật xẩm dân gian truyền thống của dân tộc. Đúng như tên gọi “xẩm chợ” thường được biểu diễn ngoài chợ bởi những người mù hoặc những người có hoàn cảnh đặc biệt, họ không có khả năng làm việc kiếm tiền như những người bình thường khác. Người xin ăn thường ngồi góc chợ trong những ngày phiên với cây đàn cò (đàn nhị) họ vừa kéo đàn vừa hát để những người đi chợ chú ý đến và bố thí cho họ một chút gì đó. Hát xẩm gắn bó với chợ trở thành một đặc trưng của một loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam đến mức ngày nay chúng ta vẫn dùng cái tên “xẩm chợ” để gọi loại hình nghệ thuật này.

5. Tóm lại, chợ không chỉ là nơi giao lưu kinh tế mà chợ còn hàm chứa trong nó nhiều yếu tố văn hoá truyền thống của người Việt là nền văn hoá sông nước thể hiện qua vị trí xây dựng các chợ, văn hoá tâm linh và ảnh hưởng của Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng tới chợ qua vị trí xây chợ, tên gọi “chợ chùa” và cả những hoạt động tâm linh ở những ngôi chùa gần chợ hoặc chợ được chùa quản lí. Chợ cũng không phải là nơi chỉ có những hoạt động mua bán vì lợi nhuận. Ngay tại chợ còn có nhiều hoạt động mang tính văn hoá, nghệ thuật dân gian tôn vinh vẻ đẹp trong tâm hồn của người Việt Nam.

BÙI VĂN HUỲNH 1

__________
1. ThS, Viện Sử học.