Một trường hợp trường tồn của tinh thần nho giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 20 Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân
(NGHIÊN CỨU HUẾ, tập 4-2002)
Trong số khoảng sáu mươi tờ báo xuất hiện trong những năm 1920 thì tờ Tiếng Dân đáng được chú ý đặc biệt. Đó là tờ báo đầu tiên dùng toàn quốc ngữ, ra hai số mỗi tuần (kể từ đầu năm 1936 mỗi tuần ba kỳ), xuất bản ở miền Trung, và cũng là tờ báo quan trọng nhất và sống lâu nhất ở vùng này: số đầu tiên phát hành vào ngày 10 tháng Tám năm 1927 và cho đến sau ngày 24 tháng Tư 1943 nó mới phải đình bản. Trong khi đó, do thiếu nguồn tài chính, những tờ báo định kỳ khác ở Trung kỳ đều chết yểu. Trong khoảng thời gian 16 năm, con số đáng kể 1.766 số báo đã được in ra. Phần lớn các vấn đề văn hóa-xã hội của người dân miền Trung suốt giai đoạn khó khăn này đã được phản ánh trong những số báo Tiếng Dân. Kết cục, tờ Tiếng Dân cho thấy rằng, dù cho các truyền thống chính trị cổ xưa đã bị hủy diệt, không phải tất cả các bậc thâm nho còn sống sót đều đã tránh né tình trạng chính trị và tinh thần sôi động thời đó. Người biên tập của tờ báo, cụ Huỳnh Thúc Kháng, tỏ ra là hiện thân của một loại trí thức được nuôi dưỡng trong Nho giáo và thấm nhuần Nho học, nhưng, để đối phó với thái độ của thế hệ trẻ hơn từ chối hệ thống các giá trị, thể chế và tập tục của xã hội cổ truyền, lại là những người dùng báo chí một hình thức thông tin công cộng của phương Tây, để tham gia vào cuộc tranh luận về việc hiện đại hóa và xây dựng lại đất nước.
Bối cảnh ra đời của tờ Tiếng Dân
Khi số Tiếng Dân đầu tiên xuất hiện ngày 10-8-1927, nhà biên tập tờ báo mới 51 tuổi. Nhưng theo Andrée Viollis, một nhà báo người Pháp, thì Huỳnh Thúc Kháng trông già hơn nhiều so với Phan Bội Châu (1867-1940), người bạn vong niên và người đồng chí trong hoạt động cách mạng của cụ, hơn cụ đến 9 tuổi, khi ấy đang bị quản thúc tại gia ở Huế. Đến thăm cụ Huỳnh vào tháng 11 năm 1931, Andrée Viollis đã mô tả cụ như sau: “Ngồi bó gối trên chiếc ghế đôn trước chiếc bàn cao, ông có cái vẻ ranh mãnh của một con khỉ già sau cặp kính gọng sắt. Ông mở ra và nắm lại đôi bàn tay vàng lạnh, nhăn nhúm, nhưng mềm mại, mang những móng tay dài và uốn cong của nhà nho. Song chính quyền Pháp đã có thể cắt các móng ấy đi rồi”(1).
Huỳnh Thúc Kháng dấn thân vào ngành báo sau những gian truân của một cuộc đời tận tụy với hoạt động tìm giải pháp cho tương lai đất nước(2). Đỗ Tiến sĩ khoa thi Hội năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng đã giùi mài kinh sử từ khi còn trẻ. Nhưng trong khoảng thời gian từ 1900 đến 1905 cụ đã tiếp xúc với các văn thơ của các nhà cải cách Trung Quốc và với các bản dịch qua Hoa văn những tác phẩm của các nhà xã hội học phương Tây(1) . Từ đó, cụ chắc rằng xã hội Nho giáo và các thể chế chính trị Nho giáo không thể đương địch nổi sự cạnh tranh kỹ thuật và tinh thần của Tây phương. Cụ kết họp lực lượng với Phan Châu Trinh (1872-1926), Trần Quý Cáp (1871-1908), Ngô Đức Kế (1878-1929) và các nhà nho khác để phát động một phong trào canh tân Việt Nam qua sự tạo dựng một nền giáo dục mới và một xã hội mới. Sau sự đàn áp nối tiếp các cuộc biểu tình cự sưu ở các tỉnh miền Trung năm 1908, cụ bị kết án tù chung thân và giam ở Côn Đảo, tại đó cụ sống 13 năm trời. Hầu hết các năm ở Côn Đảo này là những năm khổ cực, dù cho tù nhân chính trị không bị đối xử tàn tệ quá mức và Huỳnh Thúc Kháng được miễn lao dịch trong một thời gian cũng được giữ một chân thư ký trong văn phòng của viên giám thị trại giam.
Nhìn lại quá khứ, cụ thổ lộ rằng những năm tháng sống ở Côn Lôn đã cho cụ cơ hội học tiếng Pháp và đọc sách Pháp, nhờ thế mà đạt được một số vốn hiểu biết có ích sau này(2). Năm 1921 cụ được ân xá và phóng thích. Những năm sau đó cụ sống ẩn dật tại tỉnh nhà ở Quảng Nam, khước từ cả đề nghị của Khâm sứ Pierre Pasquier trao cho cụ một chỗ làm tại Viện Bảo tàng Huế.
Trong giai đoạn này, miền Trung ở trong một tình trạng đình đốn nặng, với cơ cấu lạc hậu vì triều đình Huế bị người Pháp tước hết mọi đặc quyền. Song sau năm 1925, chính quyền thuộc địa tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe dư luận quần chúng. Sự thiết lập Viện Dân Biểu Trung Kỳ ở Huế hiện ra với nhiều người như là cơ hội để tham dự sinh hoạt chính trị hợp pháp, mặc dù đó chỉ là một hội đồng tư vấn. Nhiều người quen biết Huỳnh Thúc Kháng thúc đẩy cụ ra tranh cử. Đắc cử đại biểu các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước và Thăng Bình (thuộc tỉnh Quảng Nam) năm 1926, cụ được các đồng viện cử làm chủ tịch Nghị viện. Cùng lúc ấy, cụ quyết định với vài người bạn cho ra đời một tờ báo để cung ứng cho miền Trung một cơ quan ngôn luận. Quả vậy, kể cả sau khi ngành báo chí đã trưởng thành ở Việt Nam vào đầu thập niên 1920, với sự lưu hành trong Nam và ngoài Bắc của các tờ nhật báo như Trung Bắc Tân Văn, các tờ tuần báo như Đông Dương Tạp chí, các tờ nguyệt san như Nam Phong hay Phụ Nữ Tân Văn, lại đã không có một tờ báo nào ra đời ở miền Trung cả.
Một công ty ấn loát cổ phần được thành lập, mà ban quản lý giao việc điều hành tờ báo và công ty cho Huỳnh Thúc Kháng. Sự lựa chọn tên gọi nôm na Tiếng Dân cho tờ báo, thay vì những danh hiệu Hán Việt như Trung Thanh hoặc Dân Thanh, xác định rõ rệt ngay từ đầu mục đích vói tới quảng đại quần chúng ở miền Trung. Chính quyền thuộc địa cấp giấy phép xuất bản ngày 12-2-1927, và sáu tháng sau thì số báo đầu tiên ra mắt độc giả. Huỳnh Thúc Kháng đảm trách phần hành cả chủ nhiệm lẫn chủ bút, Trần Đình Phiên làm quản lý và tòa soạn đặt tại 123 đường Đông Ba, Huế(1).
Với tư cách Nghị trưởng của Viện Dân Biểu, Huỳnh Thúc Kháng sớm bất đồng ý kiến với các viên chức người Pháp vốn nghi ngờ cụ sẵn. Cụ giải thích rằng: “Mỗi lần tôi mở miệng để phát biểu một nguyện vọng, là quan Khâm sứ trách móc tôi phá hoại chủ quyền của người Pháp […]”(2). Cuộc tranh chấp tối hậu xảy ra trong khóa họp năm 1928 của Viện Dân Biểu. Trong diễn văn khai mạc ngày 1 tháng 10, Huỳnh Thúc Kháng phát biểu một lời tuyên bố nẩy lửa vê các sự oán thán của dân chúng miền Trung, đặc biệt nêu ra tình trạng không thích đáng của học vụ, sự gia tăng quá đáng của thuế má tại nông thôn và sự áp dụng hình luật một cách bất công và thất thường(3). Đáp từ của viên Khâm sứ là dứt khoát từ chối thảo luận vấn đề nêu ra. Tiếng Dân cho rằng:”Nghe đến bài đáp từ của quan quyền Khâm sứ thì ai cũng tưởng chừng như ông Nghị trưởng là một nhà lãnh tụ cách mạng đứng giữa tòa án mà nghe tuyên đọc bản cáo trạng của mình”(4). Sau đó, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện Dân Biểu, giải thích rằng, vì sự hiện diện của cụ là chướng ngại đối với công việc của Viện, cụ thấy nên hoàn toàn dốc chí cho tờ báo thì hơn(5). Từ đó trở đi, cụ chuyên chú vào tờ báo, trung thành với nguyên tắc chỉ đạo mà cụ đã long trọng công bố trong số báo đầu tiên: “Theo tâm lý chân chánh của quốc dân mà phô bày trên mặt giấy; công lý là hướng đường đi; công lợi là nơi qui túc; không thiên vị về đảng phái nào, không cổ động về ảnh hưởng trống. Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, đối với chánh phủ xin làm người bạn ngay“(1).
Trong bối cảnh chính trị của miền Trung, tư thế ấy hẳn không dễ chút nào. Nhưng dầu sao Huỳnh Thúc Kháng vẫn cam kết làm cái loa cho quần chúng. Thái độ hay động lòng của các viên chức Pháp trước các sự chỉ trích quyền lực của người Pháp có thể có hiệu lực răn đe. Vấn đề thường xuyên Tiếng Dân phải đối phó là các sự quấy rầy của chế độ kiểm duyệt thuộc địa. Cho đến năm 1935, báo chí Quốc ngữ đều phải được nhà chức trách chấp thuận nội dung đã rồi mới được đem in. Thế nhưng Tiếng Dân lại còn bị đặt dưới một chế độ đặc biệt không áp dụng đối với bất cứ một báo quốc ngữ nào khác trong Nam hay ngoài Bắc: các bài trong báo đều phải được dịch toàn bộ sang tiếng Pháp và nộp cho Sở Liêm phóng chính trị 48 tiếng đồng hồ trước để kiềm duyệt. Đó là lý do giải thích tại sao trong nhiều số báo có xen những khoảng trống, nhất là trong những năm rối loạn 1930-1931. Trước các sự cản trở ấy, Huỳnh Thúc Kháng không ngớt giữ vững lập trường của mình một cách can đảm. Cụ tỏ rõ quan điểm của cụ trong một bức thư đề ngày 10-9-1931 gửi đến Khâm Sứ Trung Kỳ: “[…] Kể từ khi tôi được phép xuất bản tờ báo đầu tiên ở An Nam cách đây 4 năm, tôi chưa bao giờ không làm tròn trách nhiệm mà tôi đảm nhận và luôn luôn thẳng thắn tuyên bố, tức là đứng về phía dân chúng và làm cái loa cho các nguyện vọng của dân chúng trước chính phủ […]. Tôi phải thú nhận rằng có những bài báo mà tôi biết trước là sẽ bị gạt bỏ. Nhưng bổn phận của tôi trong vai trò một nhà báo và một đại diện dư luận đã nghiêm khắc và cay đắng buộc tôi vẫn phải đưa các bài ấy lên mặt báo. Ngài cũng rõ rằng gần đây những trường hợp sai lầm hay bất công hành chánh không phải là hiếm. Nạn nhân của chúng không có cách nào khác để nói lên tiếng nói của mình ngoài nhờ cậy tờ báo duy nhất của xứ họ bày tỏ các sự khiếu nại của họ. Các nạn nhân ấy đã dồn dập gửi đến tôi thư thường cũng như bảo đảm, hay không ngớt đích thân đến gặp tôi. Làm sao tôi có thể thờ ơ với các sự xin xỏ của họ ? Làm sao tôi có thể từ chối đưa các lời kêu ca của họ lên mặt báo để khiến nhà chức trách lưu ý đến chúng, hay ít nhất là để cung cấp vài chỉ dẫn bổ sung cho các cuộc điều tra mà chính quyền đang tiến hành? […] Đem in những bài báo loại này, vấn đề đối với tôi không phải là để biết liệu chúng có thể được xuất bản hay không. Chúng mà được Sở Kiểm duyệt đọc và trình lên nhà chức trách, thì tất nhiên tôi đã đạt mục đích rồi”(1).
Việc quản lý do một nhân vật điều hành duy nhất
Tuy mục đích của chủ biên của nó là lấy tờ báo làm một cơ quan ngôn luận hơn là thông tin, Tiếng Dân sự thực không khác mấy các tờ báo hằng ngày cùng thời. Trong năm đầu tờ báo gồm bốn trang, rồi về sau sáu hoặc tám, hoặc hơn nữa, với các phụ trương đặc biệt cho nhiều số trong những năm từ 1935 đến 1939, có thể coi là giai đoạn tuyệt đỉnh của nó. Nhưng sau khi chiến tranh bùng nổ, tình trạng khan giấy buộc nó phải giảm số trang xuống kể từ cuối năm 1939. Năm 1943, báo chỉ còn vỏn vẹn mỗi một tờ giấy mà khổ cũng còn thu nhỏ.
Tiếng Dân chứa đựng tất cả mọi mục của một tờ báo hằng ngày: bài xã luận, bản tin (nhấn mạnh đến đời sống nông thôn miền Trung), phóng sự đặc biệt, cột dành cho độc giả, v.v. Nhưng nó tỏ rõ sự ưa thích đặc biệt đối với các vấn đề văn học và giáo dục: gần như số nào cũng đều có những bài về văn học hay lịch sử, thơ, truyện mang tính giáo huấn. Ngoài ra, còn có những bản tường thuật về những lớp người bị bạc đãi(1) và những bản dịch các tiểu thuyết Trung Hoa hay Pháp đăng dần từng kỳ(2). Các mục này không mảy may thay đổi trong suốt thời gian tờ báo tồn tại. Ở góc trên bên phải trang đầu của mỗi số báo cũng vậy, luôn luôn có một châm ngôn một cách ngôn hay một câu văn triết lý in đậm nét và đóng khung, chọn lựa thế nào cho phù hợp với các đề tài đề cập đến trong số báo.
Tuy nhiên, với hiện trường quốc tế ngày thêm căng thẳng, có thể nhận thấy một sự diễn biến. Điều này được Huỳnh Thúc Kháng công nhận trong một bài xã luận đánh dấu ngày “kỷ niệm năm thập nhị chu niên của Tiếng Dân”: “Hoàn cảnh tờ báo riêng ở xứ Trung Kỳ trải 12 năm nay đã thay đổi nhiều [….]. Cái chứng rõ ràng là trước đây mười năm. Tiếng Dân chú trọng phần nội tình nhiều hơn việc ngoài; mà gần vài năm nay tin ngoài dồn tới quá nhiều, như cái tuồng “khách mạnh lấn chủ mà thị thuyền phần đông độc giả trở xoay ra mặt ngoài nhiều hơn là chăm chú vào mặt trong [….]. Tờ báo và cả độc giả ở trong vòng không khí thay đổi dĩ nhiên không tránh cả ảnh hưởng chung quanh tiếp xúc đến. Bởi vậy nên trước 10 năm kia đây Tiếng Dân và bạn đọc ở Trung Kỳ như đứng riêng một góc trời trong nhà nông thôn quê, mà gần vài năm nay không khác gì sống giữa đám chợ đông mỗi ngày tiếp xúc tin ngoài gấp đến choáng tai và lòa mắt, nhất là các bạn đồng nghiệp ra hàng ngày ở Nam Bắc mỗi ngày cứ dồn tới luôn”(1).
Kết quả của sự diễn biến này là tờ báo đã dành nhiều chỗ hơn cho các vấn đề quốc tế, đặc biệt chú ý đến sự bành trướng của Nhật Bản ở Á Châu, và xuất bản nhưng bản dịch các bài tiểu luận dài về chiến tranh.
Ban biên tập của tờ Tiếng Dân không đông cho lắm(2). Tuy nhiên, nếu ban biên tập chỉ có ít người thì cơ bản là vì Huỳnh Thúc Kháng đã đồng hóa với tờ báo đến mức cụ soạn phần lớn các bài đăng trong báo. Quả thực sự nghiệp văn học của Huỳnh Thúc Kháng chủ yếu là ở các bài khảo luận dồi dào cụ viết cho tờ Tiếng Dân. Các bút hiệu khác nhau mà độc giả nhìn thấy(1) thực sự là bút hiệu của Huỳnh Thúc Kháng. Một số bút danh được dùng nhiều hơn những bút danh khác; các bài bình luận về tình hình thế giới thường ký Khách Quan; các bài châm biếm ở mục “Chuyện Đời”, Chuông Mai; bài viết về sử, Sử Bình Tử, thơ, Mính Viên, Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch. Chỉ những bài có tính chất quan trọng mới ký Mính Viên và tên Huỳnh Thúc Kháng chỉ xuất hiện với những vấn đề có tính chất cấp bách hay chủ yếu.
Vì thế số cộng tác viên của Huỳnh Thúc Kháng rất giới hạn: Phan Bội Châu, Ngô Đức Diễn, Phi Bằng, Lạc Nhân, Nam Cầm, Anh Minh, và trong một thời gian ngắn có Võ Nguyên Giáp…Người cộng tác quý nhất là Đào Duy Anh, người có trách nhiệm giới thiệu các trào lưu mới trong văn chương và triết học Tây phương, và chuyển dịch các bài trong báo sang tiếng Pháp cho Sở Kiểm duyệt(2). Tương truyền Huỳnh Thúc Kháng có tính đa nghi nên cụ chỉ chọn người cộng sự gốc Quảng Nam và Nghệ Tĩnh mà thôi(3). Thêm nữa, những người này phải giỏi Hán học, phải là những người đứng tuổi mà lòng ái quốc không thể ngờ vực. Có thể Huỳnh Thúc Kháng đã có ước vọng dùng tờ Tiếng Dân làm nơi qui tụ những người còn sống sót của thế hệ các nhà nho đã tham gia phong trào cái cách những năm 1905-1908, và những người tuy trẻ hơn và cấp tiến hơn, song nói chung vẫn còn tán đồng các chính kiến của lớp đàn anh.
Sự đóng góp của Huỳnh Phúc Kháng vào việc điều hành tờ báo cực kỳ là lớn. Song le, dù làm việc trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày, cụ không đòi hỏi một đền bù vật chất nào cho sự tận tụy của mình. Trái lại, trước những khó khăn tài chánh Tiếng Dân gặp phải, cụ đã hai lần tự động hạ mức lương mà đại hội đồng “Huỳnh Phúc Kháng Công ty” lần thứ nhất đã ấn định cho cụ. Thật vậy, trong các điều kiện. kinh tế xã hội của miền Trung thời bấy giờ, ngành báo chỉ khó có thể là một kinh doanh có lợi lộc: Với lương công nhật của dân lao đến 20 xu, bỏ ra 4 xu (rồi 5 xu sau năm 6 ,1938 xu sau năm 1940 và 7 xu sau tháng 6 năm 1942) để mua một số báo thì quả là một tiêu pha xa xỉ ít người có thể tự cho phép. Do đó báo Tiếng Dân buộc phải tùy thuộc số người mua báo dài hạn (mà thường phải thôi thúc lắm mới gửi tiền trả), và phải tính số lượng báo phát hành trên căn bản hằng năm hơn là hằng tuần. Tuy nhiên, so với các tờ báo khác, số độc giả của báo Tiếng Dân cũng không phải là ít, thậm chí còn vượt ra ngoài khung cảnh miền Trung: tờ báo đã khích động sự thông cảm của giới báo chí Việt Nam khi tiết lộ năm 1935 các điều kiện lao tù tại trại giam Ban Mê Thuột chẳng hạn(1). Tổng số báo lưu hành năm 1929 là 336.331 số(2), trong đó có khoảng 3.250 người đăng ký mua báo dài hạn, một số lượng mà ít báo có thể tự hào có được.
Có thể nói rằng từ đầu đến cuối Tiếng Dân mang dấu ấn của vị chủ biên. Về phương diện này, quan điểm chính trị và văn hóa của tờ báo phần lớn chịu ảnh hưởng của căn bản Nho giáo của Huỳnh Thúc Kháng. Thực ra cụ vẫn là một nho sĩ, kể cả khi cụ tỏ rõ những nhược điểm của Nho giáo(1). Cụ không bác bỏ giá trị của Nho giáo như là một học thuyết đáng quí, giúp ích rất nhiều cho nhân sinh xã hội. Nhưng học thuyết này phải là chân Khổng học, phải là tinh hoa của sự giảng dạy của Khổng Tử và Mạnh Tử, chứ không phải là lối học Tống Nho “tìm tòi nghiên cứu mọi sự” vốn là yếu tố căn bản trong tư tưởng của nhiều triết gia Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, nó không thể là cái học mà nhiều thế hệ học trò Việt Nam theo đuổi để dự các kỳ thi tuyển làm quan, chỉ là những bài tập văn chương không mấy liên quan với sự giảng dạy cốt yếu của thánh hiền(2).
Huỳnh Thúc Kháng không ngớt cố gắng sống theo những nguyên tắc của các hiền nhân, gìn giữ sự trong sạch và phẩm chất của một nhà Nho chân chính. Đối với cụ, đạo đức phải đặt trên tài năng; không có đạo đức thì tài năng sẽ chẳng có giá trị gì. Nội dung của tờ Tiếng Dân do vậy đã khuôn theo chủ nghĩa đạo đức Nho giáo của vị chủ biên. Huỳnh Phúc Kháng tin rằng chữ viết phải được dùng trước tiên để trình bầy các châm ngôn đạo đức. Do vậy, cụ gán cho tờ báo sứ mệnh giáo dục dân chúng để giải phóng xã hội.
Khác với các phần tử cấp tiến của giai đoạn những năm 1920 và 1930, Huỳnh Thúc Kháng chủ trương một phương pháp tiến hành tuần tự, bất bạo động, và các sự cải thiện kinh tế và xã hội trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa. Về mặt này cụ tỏ ra trung thành với quan điểm văn hóa của phong trào cải cách trong thập niên đầu của thế kỷ. Cụ bi quan, nghĩ rằng bối cảnh chính trị của Việt Nam không cho phép thực hành hành động chính trị. Ngược lại, cụ đặt tất cả hy vọng vào sự tiến hóa của dân chúng. Ý thức được tình trạng chậm tiến về mặt kinh tế xã hội của dân miền Trung, cụ mong muốn dùng tờ báo của cụ làm một công cụ giáo dục để phổ biến tư tưởng tiến bộ và thông tin. Cụ hy vọng nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tinh thần của dân chúng để họ có thể “nhận thức được rằng họ là người Việt Nam” và được trang bị đầy đủ để hoạt động cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam.
Sự chú trọng đến việc đổi mới từ bên trong giải thích tại sao có nhiều bài viết về hệ thống giáo dục, về sự cần thiết có một nền giáo dục thực dụng, áp dụng những cải cách cho các phong tục tập quán làng xã, và đào tạo giai cấp lãnh đạo mới. Nó cũng giải thích cho sự bác bỏ mọi hình thức cách mạng bạo động [….].
Tóm lại, Tiếng Dân muốn đóng vai trò của một người thầy cho dân chúng miền Trung. Vì vậy mà nó có thiên hướng sẵn sàng phê bình, gạt bỏ các hình thức hoa mỹ và công kích trật tự xã hội hiện hữu. Nó tự gắn với một cuộc vận động bất tận chống lại những lề thói lỗi thời cũng như những đổi mới nguy hại, chống lại tất cả những gì nó coi là phi đạo đức, bất công và vô nhân đạo. Tất cả mọi bài viết trong tờ báo, do ngọn bút bao quản của vị chủ biên hay do những tác giả khác dưới sự giám sát của cụ, đều đóng góp cho mục đích chính là tuyên truyền đạo đức. Kể cả khi Tiếng Dân tổ chức cuộc thi thơ năm 1939 và 1940, các chủ đề được chọn lựa (“Mảnh đất hình chữ S này” và “Cây cầu trên sông Hương”) đều có dụng ý gợi tình cảm ái quốc.
Những quan niệm về văn học của Tiếng Dân
Chủ nghĩa truyền thống, dù đã được tiết chế bởi các khái niệm triết học của chủ nghĩa tiến bộ xã hội mà Huỳnh Thúc Kháng luôn luôn bảo vệ, sự thực hình như là đặc tính của cả hình thức lân nội dung của Tiếng Dân. Tờ báo không thoát khỏi một kiểu cách khá cổ xưa, vì Huỳnh Thúc Kháng chỉ bắt đầu sử dụng quốc ngữ làm phương tiện diễn đạt tư tưởng khi bước vào nghề làm báo. Dù cho cụ vận động không biết mệt mỏi cho sự cải thiện dụng cụ ngôn ngữ học này và làm nó thêm phong phú qua cách chấp nhận áp dụng những hình thái từ ngữ địa phương, con người có căn bản văn học cổ điển sâu rộng này đã không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn khỏi các tác phẩm của mình các khái niệm văn học cổ điển và văn phong Trung Hoa. Văn xuôi của ông vẫn bị ảnh hưởng bởi loại biền văn cổ và đôi khi quá đầy điển cố. Điều này làm bối rối ít nhiều các độc giả không quen thuộc lắm với lịch sử và triết học Trung Hoa. Nhưng Huỳnh Thúc Kháng hoàn toàn bảo vệ lề thói này: “văn dùng điển gần như thông lệ của nhà văn, nên thiếu nó không khác gì nhà nghèo thiếu gạo”(1). Các bài thơ đăng trong Tiếng Dân cũng vậy, toàn rườm rà những điều trừu tượng triết lý, đòi hỏi nơi độc giả nhiều lý trí hơn là nhạy cảm để có thể tương hợp với tác giả.
Các khái niệm văn học mà Tiếng Dân bênh vực cũng chia xẻ cùng một quan điểm đạo đức biểu lộ trong các lãnh vực khác. Đấy không phải là vì sự đam mê học hỏi đã làm cho Huỳnh Thúc Kháng trở thành con mọt sách không có được sự nhạy cảm thẩm mỹ như chính cụ đã thú nhận(2), mà là vì cụ tin rằng văn chương và nghệ thuật phải có một sứ mệnh giáo huấn, và mục đích của chúng là giúp con người nâng cao đời sống tinh thần của mình. Theo cụ thì chủ nghĩa duy mỹ là phù phiếm, bởi vì một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải phản ánh mối quan hệ giữa con người và thực tế của đời sống; nó không thể chỉ được tạo ra để làm trò tiêu khiển vô cớ. Khi bác bẻ lý luận nghệ thuật vị nghệ thuật, quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng thật không khác mấy quan điểm của nhà báo mác-xít Hải Triều trong cuộc phản kích chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” lúc bấy giờ phổ biến trong giới phê bình văn học.
Quan niệm về văn học này, phối hợp với quan tâm thường xuyên về sự đổi mới xã hội, xác định phản ứng thù địch của Huỳnh Thúc Kháng đối với tiểu thuyết hiện đại. Cụ cương quyết lên án chủ nghĩa lãng mạn mà cụ coi là mầm mống của sự băng hoại đạo đức. Cụ đặc biệt’ biểu lộ sự kinh tởm đối với các tác phẩm hư cấu tân thời mà cụ gọi là “rặt những đồ tiểu thuyết hoa tình, thơ văn yếm thế, đọc đến thì chết lòng tối trí, không khác gì vị thuốc độc cùng đạo bùa mê cho tinh thần”(1). Các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay của Vũ Trọng Phụng được cụ xếp hầu như ngang hàng với các sản phẩm thuộc loại văn chương khiêu dâm đã phát triển mạnh trong thập niên 1930 mà Huỳnh Thúc Kháng nghiêm khắc chỉ trích(2). Cuốn tiểu thuyết duy nhất làm Huỳnh Phúc Kháng hài lòng có lẽ là cuốn Bạn Gái của nhà văn Thiếu Sơn, vì nó có được dành một bài điểm sách dài trong Tiếng Dân. Tuy vậy, người điểm sách chẳng nói gì đến giá trị văn chương của cuốn sách mà lại dài dòng về các đức tính của nhân vật chính trong truyện(3).
Thơ của Huỳnh Thúc Kháng phần lớn cũng được gợi cảm bởi cùng một quan niệm. Tờ Tiếng Dân luôn luôn bầy tỏ sự ưa thích của vị chủ biên của nó đối với các đề tài thi ca. Các bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng và các đồng chí của cụ lập nên phần lớn các hồi tưởng thời Côn Đảo của cụ(4), và đối với cụ nghệ thuật thơ luôn luôn là một phương tiện giải trí, nếu không là một cách thức biểu lộ các tình cảm sâu kín nhất. Những ở đây cụ cũng lại quan tâm đến nội dung nhiều hơn là với hình thức hay với những sự tế nhị của thể thơ: “Song chúng ta đọc qua một ít thi của danh nhân, nhất là những nhà văn hào, học thức cao, kinh nghiệm giàu, trong não đã sẵn có cái lò đúc lại thêm lịch duyệt, tài liệu được dồi dào, tự nhiên phát hiện ra câu thi, chỉ văn vắn mươi mấy chữ thu rút cái thế giới phồn hoa, vũ trụ mới lạ cùng tình cảnh phức tạp vào trong một cách bao quát khiến ai đọc đều cũng như thấy bức tranh hay tấm ảnh tả chân, đọc nghe như dễ dàng mà thực khó”(1). Theo Huỳnh Thúc Kháng thì những đức tính ấy chỉ có ở rất ít nhà thơ Việt Nam. Sự thực thì cụ đã chỉ hoàn toàn bầy tỏ sự ngưỡng mộ của cụ đối với vỏn vẹn ba người là Đặng Trần Côn (thế kỷ 18), Cao Bá Quát (?-1854) và Phan Thanh Giản (1796-1867)(2).
Mặt khác, cụ cho rằng nếu thơ phải biểu trưng cho tư tưởng của thi sĩ, nó cũng còn phải phản ánh các thực tế xã hội vào một giai đoạn nào đó và trong một bối cảnh nào đó. Thi hứng sẽ thành ra vô ích nếu không dựa trên thực tại, dù là thực tại xã hội, lịch sử, kinh tế hay chính trị. Các tác động qua lại giữa nhà thơ và môi trường sống là điều kiện cần thiết cho việc sáng tạo: “Thời bình, tự nhà thi chẳng thấy có gì đáng nói. Đấy là lý do tại sao thơ thời bình lại nhạt nhẽo”(3).
Chủ nghĩa giáo huấn và cổ điển của Huỳnh Thúc Kháng là những lý do giải thích ác cảm cụ biểu lộ đối với phong trào Thơ Mới nẩy nở vào cuối thập niên 1930. Cụ coi phong trào này như là một trong những thời thượng ngu xuẩn mà giới trẻ sẵn sàng chạy theo, còn cụ thì luôn luôn chiến đấu. Theo cụ thì thơ mới là một thảm họa cho nền văn học Việt Nam. Từ bỏ niêm luật và không tuân thủ vần cũng như điệu, loại thơ này không thể là một hình thức phát biểu nghệ thuật được. Đây là một ví dụ trong rất nhiều những bình luận nghiêm ngặt của cụ về thơ mới: “Gần 10 năm nay trong những phong triều không gốc tứ đâu tràn vào mà người mình hoan nghinh theo mù, thì phong triều thơ mới là một. Một phần thanh niên óc non thấy cạn mới tập tểnh viết văn quốc ngữ, chưa rõ nguồn gốc thi học là thế nào, thể thi với các văn thể khác là thế nào, chợt thấy có thứ thơ không cần phải học, không cần có qui luật, đua nhau soạn và ấn hành những thơ vô nghĩa”(1).
Huỳnh Thúc Kháng không thực sự tham dự cuộc tranh luận về thể loại văn học mới này. Những, phản ứng lại sự phát triển của nó, cụ dành cho thơ cổ điển một chỗ lớn hơn trong tờ Tiếng Dân. Từ đó trở đi tờ báo triệt để nỗ lực làm cho độc giả quen với thơ cổ điển bằng chữ Nho và chữ Nôm, cũng như với nghệ thuật thi ca của Trung Hoa và Nhật Bản. Một công trình hợp tuyển đích thực đã được thực hiện từ 1941 đến 1943(2) qua đó tờ Tiếng Dân đã góp công cho lịch sử văn học Việt Nam, vì nó gìn giữ cho hậu thế những tác phẩm thi ca mà nếu không thì có thể đã thất lạc mà không còn vãn hồi được(3).
Quan niệm của Huỳnh Thúc Kháng về vai trò của văn học có lẽ còn biểu hiện rõ rệt hơn qua thái độ khinh miệt của cụ đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du, và tầm quan trọng cụ dành trong tờ Tiếng Dân cho cuộc bút chiến nổi tiếng quanh kiệt tác ấy. Cuộc tranh luận bắt đầu từ năm 1924 khi Ngô Đức Kế, người bạn đồng thời là chiến hữu của Huỳnh Thúc Kháng, phản đối lại sự ca ngợi Truyện Kiều bởi Phạm Quỳnh, coi tác phẩm này như là hiện thân của quốc hồn quốc túy Việt Nam. Ngô Đức Kế cho rằng tác phẩm ấy cần phải bị loại bỏ vì nó là một phần của nền văn hóa cũ đã ru ngủ Việt Nam và đưa quốc gia vào một tình trạng thua kém. Sáu năm sau, Phạm Quỳnh tái khẳng định lập trường của ông trong tờ Phụ Nữ Tân Văn, và đã chuốc lấy một bài trả lời rất là kịch liệt của Huỳnh Thúc Kháng. Vị chủ biên tờ Tiếng Dân bênh vực Ngô Đức Kế, mới qua đời trước đó không lâu, và tiếp tục cuộc tấn công Phạm Quỳnh và Kiều của Ngô Đức Kế trong một bài báo độc địa(1). Lập lại nhận xét của Ngô Đức Kế về Truyện Kiều, xem nó như là một tà thuyết, Huỳnh Thúc Kháng viết: “[Ông Ngô] phải căm tức là chính phải. Con đĩ Kiều kia, có cái giá trị gì. Người tô vẽ Kiều kia có công đức gì mà hoan nghênh ? […] Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chứ không phải là thứ sách học, mà nói cho đúng truyện Kiều là thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại […]. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít. “Sự nghiêm khắc thái quá của Huỳnh Thúc Kháng khiến Phan Khôi ( ?-1960), một gương mặt lỗi lạc khác trong giới trí thức và báo chí trong những năm 1920 và 1930, cố hướng cuộc thảo luận trở lại lãnh vực nghệ thuật. Trong một bài báo xuất bản vào tháng Mười năm 1930 trong tờ báo Trung Lập Phan Khôi khẳng định rằng ca ngợi kiệt tác của Nguyễn Du chẳng có gì là đáng trách cả, bởi lẽ làm vậy tức là tôn vinh cái đẹp(1). Điều này khiến Huỳnh Thúc Kháng giận dữ tuyên bố rằng theo ông vấn đề nằm ở chỗ phán xét Kiều trên bình diện chính trị và đạo đức chứ không phải theo tiêu chuẩn thẩm mỹ(2).
Quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng có vẻ thiên vị quá mức, như thể cụ đã không tự kềm chế được trong cuộc tranh cãi sôi nổi đó. Thật ra thì trong những lời đánh giá Kiều sau đó, cụ tỏ ra bình tâm hơn, phân biệt rõ rệt giữa nghệ thuật cừ khôi của tác giả Truyền Kiều và tính xấu xa của nàng Kiều, nhân vật chính. Khi nhà thơ lãng mạn Lưu Trọng Lư tuyên bố vào năm 1934 rằng giá trị của Kiều chủ yếu nằm trong hình thức và ngôn ngữ của tác phẩm chứ không phải trong chủ đề của nó, thì cụ Kháng khẳng định rằng: “Vương Thúy Kiều ở trong con mắt người Nam ta mà có giá trị xấp mấy đó là cái giá trị của văn ông Nguyễn Du, chớ bản thân và chân tướng cùng phẩm hạnh của Kiều chẳng có chút gì đáng chép, chỉ là con đĩ thường như trăm hàng ngàn chị em khác ở xóm Bình Khang mà thôi”(1).
Trong số 1021 xuất bản ngày 9 tháng Hai năm 1939, Huỳnh Thúc Kháng tiến thêm một bước trong việc tạ tội với Nguyễn Du: cụ đồng ý cho đăng bài báo của một người bạn, nhan đề là “Văn pháp Truyện Kiều trong con mắt của Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn”. Từ đầu đến cuối bài báo này là một sự tán dương bài thơ, hoàn toàn ngược lại với quan điểm mà Huỳnh Thúc Kháng bảo vệ từ lâu. Tuy nhiên, nhân danh đạo đức luân lý, Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ thái độ thù địch với Kiều. Về sau, cụ ngỏ lời tiếc rằng, vay mượn của Trung Hoa chuyện một gái mãi dâm để tạo nên một tuyệt phẩm, Nguyễn Du đáng lẽ phải được tôn kính gấp bội lần so với Nguyễn Trãi (1380-1442), bầy tôi đáng khen của nhà Lê(2).
Thái độ khắc nghiệt Huỳnh Thúc Kháng khăng khăng bày tỏ đối với Kiều sẽ là nguyên nhân gián tiếp của việc đóng cửa báo Tiếng Dân. Cuối năm 1942 chính quyền thuộc địa yêu cầu các báo Việt Nam ca ngợi Kiều để kỷ niệm Nguyễn Du. Huỳnh Thúc Kháng viết một loạt bài, không phải để ca tụng tuyệt tác này, mà là để gièm pha nó. Hình như tất cả trừ một bài đã bị Sở Kiểm duyệt từ chối(1). Sau đó Huỳnh Thúc Kháng viết một bài khác trong đó cụ mở đầu bằng cách ngợi khen giá trị văn chương của Kiều, nhưng ở phần cuối lại phê phán toàn bộ tác phẩm, đặc biệt lên án khuynh hướng chung (mà cụ cho là đáng trách) muốn coi nó như là biểu tượng của quốc hồn quốc túy Việt Nam. Phần cuối này bị kiểm duyệt bỏ, trong khi Huỳnh Thúc Kháng được chính thức bảo phải đăng phần đầu. Trái lại, cụ Kháng đem bỏ tất cả bài. Ngay lúc ấy Toàn Quyền Đông Dương Decoux ký quyết định đình bản tờ Tiếng Dân vào tháng 4 năm 1943.
Ngày 24 tháng Tư năm 1943 (số báo 1766), Tiếng Dân loan báo rằng vì nhằm lễ Phục Sinh số báo tiếp theo sẽ không phát hành trước ngày 1 tháng 5. Tuy nhiên, số này sẽ không bao giờ ra mắt độc giả: quyết định của Decoux đã được chuyển đến Huỳnh Phúc Kháng giữa lúc đó. Như thế sau 16 năm trên trường báo chí, tờ báo đã lẳng lặng biến đi, không có lấy một lời chia tay cùng độc giả.
Hiển nhiên là, sau thời gian dài tồn tại, tờ Tiếng Dân đã thu phục được sự quý mến của rộng rãi quần chúng, không chỉ gồm có giới trí thức. Mặc dù tờ báo ra đời vì chuyên tâm với các vấn đề chính trị, nó cũng đã để ý nhiều đến văn học và thi ca. Nó giữ một vai trò quan trọng trong việc phổ biến và phát triền quốc ngữ bằng cách đem du nhập một số thuật ngữ văn chương, triết học và khoa học mới, và đã góp phần vào việc tạo lập ngôn ngữ và văn chương Việt Nam hiện đại, nhưng có thể tờ báo đã không thành công trong việc tạo nên mối quan hệ tổ chức giữa báo chí, hoạt động chiến đấu, và đời sống hằng ngày của quần chúng. Sự thực, vì bản chất nghiêm túc của tờ báo, phần lớn độc giả của nó dường như là những người trong đầu óc các truyền thống Nho giáo còn dai dẳng. Tiếng Dân như thế phần nào phản ánh cái vẻ đoan trang của thành phố Huế. Giống như kinh đô cổ, nó hiện ra như là hơi chậm với thời gian.
__________
(1) Andrée Viollis, Indochine S.O.S, Paris. 1935, Tr. 90.
(2) Đời tư của Huỳnh Thúc Kháng có thể phác họa lại một cách khá chính xác qua những dữ kiện tự thuật mà đôi khi ông đưa vào trong tờ Tiếng Dân mặc dù ông chủ trương không nói quá nhiều về bản thân, có cùng quan điểm với người Pháp rằng “cái ta là cái khả ối”. Các dữ kiện này sau đó được sưu tập lại trong tập: HUỲNH THÚC KHÁNG. TỰ TRUYỆN, Anh Minh dịch và xuất bản tại Huế năm 1963.
(1) “Chung quanh vấn đề người Nam học tiếng Pháp”, Tiếng Dân, số 880. ngày 5-3-1936.
(2) Tiếng Dân, số 881, ngày 7-3-1936.
(1) “Tôi và báo Tiếng Dân với giai đoạn lịch sử Dân Viện Trung Kỳ”, Tiếng Dân, số 1043, 10-4-1937.
(2) Tiếng Dân, số 121, ngày 13-10-1928.
(3) Toàn văn bài phát biểu được in trong tờ Tiếng Dân số 119, ngày 8-10-1928.
(4) Tiếng Dân, số 120, ngày 10-10-1928.
(5) Tiếng Dân, số 121, ngày 13-10-1928.
(1) Tiếng Dân, số 55, ngày 22-2-1928.
(1) Centre des Archives d’Outre-Mer, Indochine N.F., Hp 54, hồ sơ 633.
(1) Ví dụ: “Tôi làm ét ô tô” trong Tiếng Dân số 1025-1074, từ 25-2 đến 24-6- 1937; “Tân Thế Giới hay là năm năm ở Nouméa” trong các số 1347-1376, từ 2-5 đến 13-7-1939; “Chuyến xe ngựa” trong các số 1377-1402, từ 18-7 đến 16-9-1939.
(2) Tên tác giả của những tiểu thuyết được dịch ít khi được nêu ro, ngoại trừ cuốn Bá tước Monle-Cristo của Alexandre Dumas và cuốn 80 ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne.
(1) Tiếng Dân, số 1387, ngày 10/8/1939.
(2) Điều này phù họp với nhận xét của Alexander B. Woodside rằng các tờ báo tiếng Việt phản ánh truyền thống các nhóm nhỏ gồm các quan chức và nhà nho kết hợp lại để lập nên những câu lạc bộ thi ca kén lựa (ALEXANDER B. WOODSIDE. Communily and Revolution in Modern Vietnam, Boston, Houghton Mifflin. 1976, Tr. 79).
(1) Mính Viên, Khách Quan, Sử Bình Tử, Chuông Mai, Tha Sơn Thạch, Khí Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Ưu Thời Khách, Ngu Sơn, Hải Âu, Điền Dân, Thức Tự Dân, Hà Hử Nhân, Hoài Cổ…
(2) NGUYỄN Q.THẮNG, Huỳnh Thúc Kháng, Còn người và Thơ văn. Sài Gòn, 1972, Tr. 3.
(3) VƯƠNG ĐÌNH QUANG, Thơ Văn Huỳnh Thúc Kháng. Hà Nội, 1965, Tr.39.
(1) DANIEL HÉMERY, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine. Paris, 1975, Tr. 155.
(2) WOODSIDE, Sách đã dẫn, Tr.79.
(1) Những điều khuyết điểm của Khổng Giáo”, Tiếng Dân, số 324, ngày 11- 10-1930.
(2) Lối học khoa cử và lối học Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không” ? Tiếng Dân, số 431-437, từ 28-10-1931 đến 18-11-1931.
(1) “Văn học và Điền cố”, Tiếng Dân, số 1667, ngày 15-4-1942.
(2) “Một vài cái mỹ cảm trong đời tôi”, Tiếng Dân, số 1387, ngày 10-8-1939.
(1) “Ta nên cần có sách gì” ?, Tiếng Dân, số 30, ngày 19-11-1927.
(2) “Nên kết án bọn vân sĩ này”, Tiếng Dân, số 1556, ngày 19-2-1941.
(3) “Đọc sách: người bạn gái ấy phải chăng chỉ là người trong tiểu thuyết Người bạn gái” ? Tiếng Dân, số 1645-1647, từ 14 đến 21 tháng 1-1942.
(4) Thi Tù Tùng Thoại, đăng nhiều kỳ trong Tiếng Dân từ tháng 11 năm 1937 đến tháng 4 năm 1938, sau đó được in thành sách năm 1939.
(1)“Một ít đặc điểm của thi nhà danh nhân” Tiếng Dân, số 1337, ngày 10-8-1939.
(2) “Vài điều kiến giải hùn với bài “Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta của ông Phan Khôi”, Tiếng Dân, số 1336, ngày 4-4-1939.
(3) “Vai tuồng nhà thi và thi văn với hoàn cảnh trong thời đại có ảnh hưởng là thế nào” ? Tiếng Dân, số 1527, ngày 30-10-1940.
(1) “Cùng ông Thông Reo và ông Phan Khôi trong Dự Báo về chuyện thơ mới”, Tiếng Dân, số 1602, ngày 6-8-1941.
(2) “Việt Ngâm Thi Thoại”, số 1594-1645, từ 9-7-1941 đến 14-1-1942; “Việt Ngâm Thi Thoại tục biên”, số 1662-1687, từ 25-3-1942 đến 4-7-1942; “Thi Vịnh Sử”, số 1694-1736, từ 21-7-1942 đến 2-1-1943…
(3) Ví dụ, theo như tôi nghĩ, thì có lẽ không tìm đâu ra được những tác phẩm như Gia Huấn ca của Tam khôi Trần Hy Tăng, một nhà nho ở thế kỷ 19 còn có tên khác là Trần Bích San. Tác phẩm này được in trong Tiếng Dân, từ số 1638 đến số 1662 (12-1941 đến 25-3-1942).
(1) “Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không ? Chiêu tuyết nhưng lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời”, Tiếng Dân, số 317, ngày 17-9-1930.
(1) Trích trong Jean CHESNEAUX & Georges BOUDAREL, “Le Kim Vân Kiều et 1’esprit Vietnamien aux XIXe ẹt XXe siècles” trong Mélange sur Nguyễn Du, Paris, EFEO, 1966, Tr. 162.
(2) “Lại vấn đề chánh học cùng tà thuyết”, Tiếng Dân, các số từ 326 đến 328, từ 18 đến 25 tháng Mười 1930.
(1) “Mê người trong tiểu thuyết cùng mê người trong tuồng hát”, Tiếng Dân, số 661, ngày 24-1-1934.
(2) “Vài danh nhân: Nguyễn Trãi với Nguyễn Du”, Tiếng Dân, số 1599, ngày 26-7-1941.
(1) “Quốc hồn quốc túy ta ở đâu?”, Tiếng Dân, số 1739, ngày 13-1-1943.
(Nghiên cứu Huế, tập 4-2002)
Nguồn: Các sự kiện văn hóa, chính trị Việt Nam (từ thế kỉ XIX – XX), trang 254-276
Giáo sư NGUYỄN THẾ ANH
(Giáo sư Ưu tú Ecole Pratique des Hautes Etudes Paris Sorbonne – Paris)
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)