Một vài suy nghĩ về tình hình xã hội và phong trào nông dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư NGUYỄN PHAN QUANG
(Tây Hồ, Hà Nội)

I

     Khoảng sáu, bảy năm cuối cùng của thế kỷ XVIII, sau khi vua Quang Trung qua đời, triều Tây Sơn của Nguyễn Cảnh Thịnh và phe cánh Bùi Đắc Tuyên đang trên con đường suy thoái thảm hại. Cuộc phản công thần tốc của chúa Nguyễn Ánh diễn ra và kết thúc như một hệ quả tất nhiên của lịch sử.

     Tiêu diệt xong triều Tây Sơn của Cảnh Thịnh, các vua Gia Long, Minh Mạng… quản lý một lãnh thổ rộng lớn chưa từng có từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và đối mặt với những yêu cầu lịch sử bức xúc, nhằm bảo vệ nền thống nhất quốc gia, phát triển kinh tế nông công thương, ổn định đời sống nhân dân mà tuyệt đại đa số là nông dân, cũng là bảo vệ sự thống trị bền vững của triều đại mới.

     Nghiêm túc mà nói, trong nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn – đặc biệt là các vua Gia Long và Minh Mạng – đã làm hết sức mình trong việc tìm kiếm và thực hiện những biện pháp nhằm củng cố triều đại và bảo vệ quốc gia. Có thể điểm qua vài nét khái quát nh- sau:

     Về nông nghiệp, chính sách khai hoang với các biện pháp “doanh điền”, “đồn điền” đã thu được những kết quả quan trọng, nổi bật là diện tích canh tác được mở rộng. Chỉ riêng 20 năm dưới triều vua Minh Mạng, diện tích ruộng đất đã tăng thêm hơn 20 vạn mẫu.

     Về công thương nghiệp, ngoài các xưởng của nhà nước (tượng cục) như đúc tiền, đúc súng, đặc biệt là chế tạo thuyền máy chạy bằng hơi nước được thủ nghiệm thành công trên sông Hương, việc khai mỏ phát triển mạnh với ngót 140 mỏ được khai thác (vàng, bạc, đồng, kẽm, chì…). Những người nghiên cứu ghi nhận công nghiệp khai mỏ thời Nguyễn có những bước phát triển mới về cả số lượng và quy mô, tuy còn hạn chế về kỹ thuật và tổ chức khai thác.

     Các nghề thủ công ở nông thôn và thành thị tiếp tục phát triển với nhiều làng và phường chuyên môn nổi tiếng (dệt, gốm, làm đường, đúc đồng, làm giấy, dệt chiếu…).

     Trong điều kiện quốc gia thống nhất, xu thế phát triển kinh tế thị trường càng rõ nét với sự xuất hiện những đô thị mới cùng với sự mở mang nhiều tuyến giao thông thủy bộ xuyên suốt và dọc ngang đất nước, chuyên chở thóc gạo từ Nam ra Bắc, sản phẩm thủ công từ Bắc hà vào tận Gia Định. Các vua Nguyễn cũng không coi nhẹ việc giao thương với nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực, đồng thời vẫn cho các tàu buôn phương Tây được tự do đến trao đổi hàng hoá với cư dân các địa phương tại một số cảng nhất định.

     Về mặt văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: triều Nguyễn để lại cho lịch sử một di sản văn hóa khổng lồ; tổng số sách được viết ra trong 2/3 thế kỷ XIX nhiều hơn số sách của 300 năm trước đó cộng lại…

     Lịch sử đã lùi vào dĩ vãng hơn hai thế kỷ (kể từ ngày vua Gia Long lên ngôi) và có lẽ những thế hệ hiện diện hôm nay – dù xuất phát từ góc nhìn nào – không thể không ghi nhận những cố gắng và thanh quả của triều Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX.

     Thế nhưng, tất cả mọi cố gắng và thành quả nói trên hình như chưa đạt được mục tiêu cơ bản là ổn định xã hội và đem lại cuộc sống yên bình cho người dân, trước hết là đông đảo tầng lớp nông dân. Có một thực tế cần được ghi nhận là: bên cạnh những ghi chép đầy đủ và chi tiết về công lao của triều đình trên mọi lãnh vực, những bộ sách của Sử quán triều Nguyễn không che giấu thực trạng bất ổn triền miên của xã hội và đời sống cơ cực của dân chúng.

     Vì sao lại có tình trạng đó ?

     Có ý kiến lên án chế độ thuế khóa nặng nề (theo như một bản tâu của Lê Văn Duyệt năm 1819: “lệ thuế hơi nặng, dân lấy làm khổ”; hoặc như một thừa sai người Pháp (Guérard) thì cho rằng thuế má d-ới triều vua Gia Long tăng lên gấp ba, so với thời Tây Sơn.

     Có ý kiến nhấn mạnh chế độ lao dịch (xây thành lũy, đào kênh rạch…) làm hao tổn sức dân. Loại ý kiến này thường dựa vào những ghi chép của một số người phương Tây hoặc dẫn ra mấy câu hò vè, đại để: “Bắt dân đào kênh…, Bắt đào cho được…, Dân tình ngao ngán, Trốn lên rú lên ri, Đào khoai mài củ chuối…”, đến nỗi “Vợ con nheo nhóc, Chồng phải phu phen, Muốn vạch cả trời lên, Kêu gào cho hả dạ…”. Hơn thế: “Vạn niên là vạn niên nào, Thành xây xương lính hào đào máu dân”.

     Thậm chí những nạn đói lớn thỉnh thoảng lại diễn ra, xóa sổ hàng vạn sinh mạng và hàng vạn người sống sót lưu vong phiêu tán (Còn một bộ xương sống, Vơ vất đi ăn mày) và chết dần mòn (Ngồi xó chợ lùm cây, Quạ kêu vang bốn phía, Xác đầy nghĩa địa, Thây thối bên cầu…). Có khi người ta táo tợn lên án: “Sẵn bút đây ta tả, Để giữ lại vài câu, Cho ngàn vạn năm sau, Biết cảnh tình cơ cực, Là cái thời Tự Đức” v.v…

     Có ý kiến đổ lỗi cho quan lại tham nhũng và cường hào ác bá chiếm đoạt ruộng đất, “biến công vi tư” khiến nông dân mất ruộng cày.

     Lại có ý kiến đổ lỗi cho các vua Nguyễn cố bám lấy hệ ý thức tư tưởng Nho giáo đã lỗi thời để thống trị dân, và về cơ bản vẫn thi hành chính sách “ức thương, bế quan tỏa cảng” của mấy thế kỷ trước; do vậy không thể nào đưa đất nước phát triển phù hợp với xu thế thời đại.

     Cũng có thể có tất cả các nguyên nhân nói trên; cũng có thể có một nguyên nhân cơ bản nào đó cần được phát hiện. Và có lẽ đây vẫn đang là một câu hỏi lớn đối với mọi người và giới sử học nói riêng.

     Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi chưa dám có ý định phân tích những nguyên nhân nào dẫn đến tình hình xã hội nói trên ở nửa đầu thế kỷ XIX. Chúng tôi chỉ xin phép được phát biểu một vài suy nghĩ về hệ quả trực tiếp của tình hình này, cụ thể là về vài nét đáng lưu ý của phong trào nông dân và các dân tộc diễn ra trong nửa đầu thế kỷ XIX – một thực tế lịch sử khách quan ở thời Nguyễn mà tất cả những người nghiên cứu sử học đều ghi nhận.

II

1/ Về phong trào nông dân ở nửa đầu thế kỷ XIX, cần có sự phân biệt giữa các cuộc nổi dậy của nông dân ở miền xuôi và các cuộc nổi dậy của các dân tộc miền núi, với những đặc điểm riêng về động cơ, tính chất, kể cả chủ đích của những người khởi xướng.

     Nhưng một thực tế khá đậm nét trong cục diện đấu tranh xã hội nửa đầu thế kỷ XIX là : các cuộc nổi dậy ở miền xuôi và ở miền núi thường có sự liên kết, phối hợp với nhau. Rất nhiều cuộc nổi dậy tiêu biểu như khởi nghĩa Vũ Đình Lục-Đặng Trần Siêu, khởi nghĩa Ba Nhàn-Tiền Bột, khởi nghĩa Lê Duy Lương, khởi nghĩa Cao Bá Quát, kể cả khởi nghĩa Phan Bá Vành, đều phản ánh thực tế này.

     Điều này đồng thời cho thấy các cuộc nổi dậy diễn ra trên địa bàn miền núi không phải là những cuộc đấu tranh đơn độc, cục bộ của tầng lớp thổ ty, lang đạo, mà đã trở thành một bộ phận khắng khít trong phong trào đấu tranh của các tầng lớp bị trị trên phạm vi cả nước.

     2/ Việc tìm hiểu tình hình xã hội Việt Nam và triều Nguyễn nói riêng ở nửa đầu thế kỷ XIX đòi hỏi giới nghiên cứu còn phải tốn thêm nhiều thời gian và giấy mực để có những kết luận ngày một “thấu tình đạt lý” hơn đối với tiền nhân. Nhưng có một nhận định hầu như đã được giới sử học nhất trí là: dưới triều Nguyễn, đại đa số tầng lớp nông dân ngày càng bị bần cùng hóa, do vậy tiềm lực đất nước ngày càng bị hủy hoại, và dù muốn dù không đã làm tổn thương khối đoàn kết thống nhất của cộng đồng dân tộc.

     Phong trào đấu tranh của nông dân và nhân dân các dân tộc ở nửa đầu thế kỷ XIX, xét cho cùng là nhằm chống lại sự hủy hoại tiềm lực dân tộc. Không cam chịu chết dần mòn vì đói rét bệnh tật, các tầng lớp bị trị đã vùng lên tìm lối thoát cho sự sống còn của bản thân mình, cũng tức là đấu tranh cho sự tồn tại của xã hội, của cả dân tộc.

     Từ ý nghĩa đó, những cuộc nổi dậy không mệt mỏi của nông dân miền xuôi và các dân tộc miền núi dưới triều Nguyễn đã đóng góp xứng đáng vào việc củng cố khối đoàn kết của cộng đồng. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chứng minh hùng hồn rằng không phải chỉ trong sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, các thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam mới kề vai sát cánh trong một khối cộng đồng thống nhất, mà phải nói đúng hơn là : cơ sở bền vững của khối thống nhất đó đã từng được hình thành và không ngừng củng cố trong cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền trải qua nhiều triều đại quân chủ.

     Cũng từ ý nghĩa đó, phong trào đấu tranh của nhân dân miền xuôi và các dân tộc miền núi ở nửa đầu thế kỷ XIX là sự kế thừa truyền thống đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột ở những thế kỷ trước, mà gần nhất là thế kỷ XVIII – thế kỷ của nông dân khởi nghĩa. Đó không chỉ là sự thống nhất trong hành động phối hợp, liên kết giữa các cuộc nổi dậy, mà chủ yếu là sự thống nhất ý chí của các thành viên trong một cộng đồng.

     Bằng thực tiễn đấu tranh, nông dân và các dân tộc càng tích lũy những kinh nghiệm mới, mà kinh nghiệm trước tiên là củng cố và phát huy khối đoàn kết của cả cộng đồng. Và rõ ràng là những người cầm súng chống thực dân Pháp khi chúng vừa đặt chân tới không phải là ai khác mà chính là những người ngày hôm qua đã được thử thách trong phong trào nông dân gay go, quyết liệt và liên tục hơn nửa thế kỷ.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một vài suy nghĩ về tình hình xã hội và phong trào nông dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX (Tác giả: PGS. Nguyễn Phan Quang)