Mỹ thuật Việt Nam nhìn từ diện mạo văn hóa truyền thống và sắc thái thẩm mỹ

Tác giả bài viết: Tiến sĩ PHAN THANH BÌNH

      Trong giao lưu văn hoá mỹ thuật quốc tế, hình ảnh nghệ thuật của mỗi dân tộc luôn hiện ra với những gì đã được chắt lọc, tiêu biểu và tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải hiểu cho được chiều sâu bên trong của cả một nền văn hoá qua tác phẩm nghệ thuật của mỗi dân tộc, đặc biệt là hiểu, thẩm thấu bản chất văn hoá và mỹ cảm trong cấu trúc nghệ thuật đa tầng đó. Trong những năm qua, các giá trị của mỹ thuật cổ và hiện đại Việt Nam, đã dần được giới thiệu với bè bạn quốc tế, trong đó có công chúng Thailand, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga … nhưng dường như chúng ta chỉ mới đưa ra được ở góc nhìn cảm thụ thị giác đơn tuyến, đơn sắc mà chưa có cơ hội đi sâu vào một số đặc trưng và tính biểu cảm đa sắc, giàu xúc cảm nhân văn của chúng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nêu một số luận giải nhằm góp phần vào việc hướng về vấn đề nói trên.

1. Mỹ thuật Việt Nam được hình thành rất sớm và có những dấu ấn thẩm mỹ đặc trưng

      Từ đầu thế kỷ XX, dù lúc đó Việt Nam đang là thuộc địa của người Pháp, qua các phát  hiện khảo cổ học, người Pháp đã công bố về sự xuất hiện nhiều di chỉ khảo cổ có tính lịch sử, tính văn hoá và mỹ thuật độc đáo ở Việt Nam. Ngay từ những lớp cắt đầu tiên của các tầng văn hoá, đã cho thấy người nguyên thuỷ trên nhiều vùng đất ở Việt Nam đã có những hoạt động tạo hình trên các hang động và tạo tác công cụ lao động, trang trí vật dụng bằng đá. Nổi bật là tại hang Đồng Nội (Hoà Bình) vào năm 1929, nhà khảo cổ học người Pháp là bà Madeleine Colani (1866-1943) đã tìm ra những hình khắc mặt người rất dị biệt, độc đáo ở hang này, với 3 hình mặt người và một hình mặt thú, nét khắc sâu vào hang 2cm. Sau này các nhà khảo cổ tìm ra tượng người đàn ông ở Văn Điển (Hà Nội), cũng thuộc thời nguyên thuỷ với sự nhấn mạnh phồn thực nam tính táo bạo. Đến thời Đông Sơn, cách ngày nay 2500 năm, người Việt cổ tạo nên một nền văn hoá đồ đồng phong phú, đa dạng với vô số tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là tác phẩm mang tính ứng dụng có trang trí tinh xảo, điêu luyện đạt đến trình độ nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao như tượng: Người thổi khèn trên một cái môi đồng, tượng Người trên cán dao, Người cõng nhau thổi khèn, Nam nữ giao hoan, hàng trăm tượng cóc, gà … Những tác phẩm đó trở thành điểm nhấn quan trọng trong hình ảnh phác hoạ về mỹ thuật Việt Nam thời sơ sử.

2. Người Việt luôn thể hiện tính lạc quan, yêu đời qua tác phẩm mỹ thuật cổ

     Có thể nói, trên nền tảng của nền văn hoá lúa nước, người Việt thể hiện sự lao động cần cù và niềm vui cuộc sống, khát khao hoà bình qua nhiều bức tranh, bức tượng đậm đặc tinh thần nhân văn và tâm thức văn hoá lúa nước, tâm linh thuần khiết của mình. Nhiều giá trị văn hoá mỹ thuật được hình thành và trở thành thuộc tính truyền thống trong mỹ cảm và trong suốt lịch sử lâu dài của dân tộc. Có thể thấy điều này qua những tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh thờ cúng thế mạng làng Sình (Huế). Như tranh Mục đồng thổi sáo với sự ẩn dụ, nhân cách hoá sinh động, Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) với nét thi vị, tao nhã, chan hoà với thiên nhiên. Hứng dừa với sự vui tươi giản dị làng quê, niềm vui và cả sự nghịch ngợm, nô đuà của trai gái làng quê Việt. Đánh ghen với sự dí dỏm tinh tế, đặc biệt là các câu thơ trong tranh đã diễn giải tất cả tình thế bi hài của sự đa thê sinh động, hài hước của các nhân vật. Trong tranh ông chồng khuyên can hai bà vợ nuốt giận làm lành, nhưng hình ảnh cánh tay âu yếm vợ lẽ của anh ta lại cho thấy đang đổ dầu vào lửa. Trong khi vợ cả lao vào đòi cắt tóc thì bà vợ lẽ được chồng yêu chiều đã đanh đá giơ tóc ra thách thức: Măng non nấu với gà đồng, thử chơi một trận xem chồng về ai. Tranh Bịt mắt bắt dê cũng cho thấy sự dí dỏm, tinh quái khi cả hai anh chị không bắt dê mà cố ý tìm đến bắt nhau bởi họ dù bị bịt mắt nhưng đã đeo chuông vào chân để nhận biết. Tranh Gà đàn, Lợn đàn lại là lời cầu mong con cháu sinh sôi, nảy nở (Ngày nay không ai còn tặng tranh này cho bạn trẻ trong đám cưới nữa), với sự diễn tả sinh động, hài hước qua thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ. Tranh Bát Âm tinh nhã, mềm mại như các cung nữ trong Hoàng Cung, bộ tranh thế mạng của làng Sình là một nhu cầu tâm linh của người dân miền Trung nói chung và Huế nói riêng, trước bao tai ương, bất trắc và cầu xin sự yên bình, tai qua nạn khỏi. Đó là những bức tranh với nét khắc đẹp, tinh xảo và sự diễn tả đầy sinh khí.

3. Tính phồn thực-tính dục và quan niệm đẹp độc đáo của người Việt

     Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng ở khắp mọi vùng miền ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực là những biểu hiện tự nhiên, bình dị, sâu lắng trong tâm thức của các dân tộc. Bình diện của tín ngưỡng phồn thực cũng rất rộng mà trước hết là sự cầu mong cuộc sống đủ đầy và đối với cư dân lúa nước thì ngũ cốc (đạo: nếp hương, lương: gạo, thúc: đậu, mạch: lúa mì, tắc: kê) là lương thực chủ đạo. Có thể nói hầu như ở đâu ta cũng thấy vết tích của tín ngưỡng phồn thực, như ở những hình chạm khắc trong các hang động, tượng nam, nữ với sự nhấn mạnh bộ phận sinh dục và hành vi giao hoan, những biểu tượng vật thể hay tự nhiên như chày cối, đùi gỗ, cọc, cột, giếng nước, ống bầu đựng nước, hình chóp của núi, hang đá, nước suối từ khe đá. Việt Nam là nơi tín ngưỡng phồn thực trở thành những phẩm chất, thuộc tính văn hóa sâu đậm và cũng là những dấu ấn đặc sắc của nghệ thuật tạo hình dân tộc, trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là những tác phẩm mỹ thuật thẩm thấu sâu sắc cội nguồn lịch sử dân tộc và những giá trị tinh thần nhân văn lớn lao, khát vọng tâm linh sinh tồn thuần khiết của người xưa.

     Tính dục, là một thuộc tính không thể thiếu trong suốt cả lịch sử mỹ thuật của người Việt, từ thời nguyên thuỷ cho đến thời Nguyễn đều thấy có tác phẩm về đề tài tính dục. Khoảng 4.000 năm trước, đồ đá đạt đến trình độ cực thịnh với kỹ thuật chế tác đa dạng. Người Việt cổ ứng dụng nghệ thuật chế tác đá vào trong đời sống hàng ngày, mà trước hết là làm đẹp cho chính bản thân con người. W.Goloubew là người phát hiện ra bãi đá cổ Sapa – Lào Cai năm 1925 tại thung lũng Mường Hoa, kéo dài hơn 4km, rộng 2km với gần 200 hòn đá lớn nhỏ khắc hình mặt trời, nắng, mưa, suối, ruộng bậc thang, hình người, cảnh giao phối … Có thể nói, rất nhiều hình ảnh tính dục đã được tìm thấy ở bãi đá cổ độc đáo này.

     Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn và cũng là loại hiện vật có ở nhiều nước Đông Nam Á. Trống đồng Đông Sơn dù to nhỏ khác nhau, trang trí nhiều ít khác nhau và thời gian đúc sớm muộn khác nhau, nhưng đều cho thấy, có khá nhiều hình ảnh tính giao của động vật và con người được khắc trên mặt trống, thân trống và cả phần đế (Đôi cá úp bụng giao phối, hươu đực cái đang chạy, bò đực cái, nam nữ giã gạo, nhảy múa, thuồng luồng giao nhau, chơi chồng nụ chồng hoa … cá sấu – rồng giao hoan, chim đạp mái, tượng cóc giao phối, điệu múa nam nữ úp mặt).

     Hình ảnh nam nữ nô đùa, chọc ghẹo nhau, ân ái được thể hiện hầu hết các ngôi đình ở Bắc Bộ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống kê được hàng loạt cảnh tượng mang tính phồn thực như vậy, được chạm khắc ở đình Lỗ Hạnh, đình Phú Lưu, đình Diềm, đình Trà Cổ, đình Chu Quyến, đình Phú Lão, đình Hồi Quan … với những hình ảnh sống động như trên một tấm ván có đôi trai gái âu yếm nhau, bá vai nhau đùa nghịch. Hình ảnh trai làng chọc ghẹo các cô gái tắm dưới đầm sen (Đình Đông Viên-Hà Tây), Quan binh ghẹo gái (Đình Đệ tam- Nam Hà) Trai gái vui đùa (Đình Hưng Lộc- Nam Hà) … là những hình chạm sinh động, dí dỏm và thấm đượm tính phồn thực dân gian. Đáng chú ý là những tác phẩm mang màu sắc phồn thực, dục tính táo bạo như: bốn đôi Nam nữ giao hoan đầy trực diện trên nắp một cái thạp đồng tìm thấy ở Đào Thịnh, thạp cao 97 cm (tính cả nắp), đường kính miệng rộng 61cm, đường kính đáy 60cm, nắp cao 1,5cm, tìm thấy ở Yên Bái năm 1966. Trên một đĩa sứ có cảnh người đẹp tắm khoả thân, một đĩa sứ khác là cảnh nam nữ ân ái đầy khát khao, mãnh liệt, có cả một kẻ đang nhìn trộm trong bụi cây, đó là hình ảnh vừa đậm chất tính dục, vừa dí dỏm, hài hước, lạc quan về cuộc sống bình dị, chân chất ở làng quê Việt Nam xưa.

4. Mỹ thuật cổ Việt Nam đậm đặc tinh thần tam giáo đồng nguyên (Nho-Phật -Lão)

     Từ thời Lý (1009- 1225), Phật giáo đã rất phát triển và trở thành Quốc đạo của người Việt. Tâm thức người Việt phù hợp với cảm quan Phật giáo về sự yên bình, hướng nội và đề cao những giá trị tâm linh nhân văn trong sáng. Điều này có thể thấy qua tác phẩm Adida bằng đá, cao 3m77 ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Điều đó còn thấy qua hình tượng con rồng thời Lý, mang phong thái và tâm hồn Việt vươn lên, kiêu hãnh. Đến thời Trần (1226-1400) Nho giáo dần lấn át Phật giáo và đặt nền móng trước hết trong giáo huấn, trị vì và tạo dựng kỷ cương xã hội. Nghệ thuật Nho giáo sớm hình thành vào cuối triều Trần và tạo nên nhiều tác phẩm khác lạ như tượng Quan hầu, tượng Hổ lăng Trần Thủ Độ Thế kỷ XVII, thời Hậu Lê (1427-1788) bức tượng Quan Âm ngìn mắt ngìn tay bằng gỗ sơn son thếp vàng ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) lại là một đỉnh cao mới về tượng Phật giáo với 11 đầu, 42 cánh tay lớn trong 1020 chi tiết rời tháo lắp tạo nên bức tượng. Tượng Tuyết Sơn bằng gỗ phủ sơn ở chùa Tây Phương (Hà Nội) thể hiện điển tích Phật trong sự liên hệ về thân phận con người và xã hội bấy giờ. Đến thời Nguyễn (1802-1945), đã có sự bùng nổ về các biểu tượng tôn giáo trên tinh thần tam giáo đồng nguyên với vô số điển tích trở thành hình tượng mỹ thuật như Cành vàng lá ngọc (Kim chi ngọc diệp), Lưỡng long tranh châu, Hoa lá hoá rồng … Đạo Lão ảnh hưởng đến mỹ thuật Việt qua những hình ảnh tôn giáo và ước vọng cuộc sống mang màu sắc huyền bí nhưng lại rất gần với tự nhiên như hình ảnh cỏ cây hoa lá, biến hoá thần tiên, sự hoà mình vào thiên nhiên sông nước và vũ trụ như hình ảnh Bát tiên quá hải (Tám vị tiên vượt biển), Bát bửu (Tám vật quý) với những hình tượng đặc trưng như: quạt ba tiêu, gậy trúc, dép rơm, sáo trúc …

5. Sự tự phát đổi mới và thay đổi của mỹ cảm tạo hình Việt Nam đương đại

     Mỹ thuật Việt Nam trước đổi mới là giai đoạn “tự cởi trói” những rào cản, đổi mới hoạt động, gia nhập một cách đàng hoàng, tự tin, có bản sắc vào đời sống mỹ thuật thế giới. Những hình thức nghệ thuật mới với những tiêu chí thẩm mỹ khác biệt cần, sự đổi thay thực sự, từ nội dung đến ngôn ngữ hình thức, chất liệu và quan niệm nghệ thuật đòi hỏi cần có những phương thức diễn giải mới trong thập kỷ 80 – 90. Trong đó có những motif quen thuộc như lễ hội, tâm linh, tình yêu, giới tính, sự dằn vặt quá khứ, hoài niệm… những loại hình nghệ thuật mới có lợi thế đặc thù khi bộc lộ thái độ trực tiếp về các vấn đề sinh thái, chiến tranh, tệ nạn xã hội, môi trường, thời hậu chiến, thân phận con người… phản ánh các chiều khác nhau của cảm thức thẩm mỹ, những chấn động tinh thần và hậu quả, thái độ, suy nghĩ của con người trước những biến đổi của đời sống xã hội và sự tác động đa chiều của yếu tố chính trị – toàn cầu nhất định và không thể né tránh đối với nghệ thuật.

     Tuy nhiên, cũng không khó nhận ra những hạn chế của mỹ thuật trong giai đoạn này. Các họa sĩ trẻ nhanh nhạy trong tiếp cận cái mới nhưng cũng đã thể hiện sự vội vàng trong chuyển hoá cái mới. Nhiều hoạ sĩ trẻ đã sa vào chủ nghĩa hình thức thuần tuý với những “tuyên ngôn nghệ thuật “và những triển lãm được các phương tiện thông tin đại chúng truyên truyền ầm ĩ nhưng vẫn còn hời hợt và thiếu chiều sâu mỹ cảm nghệ thuật. Mặt khác, do thị hiếu của khách mua tranh mà phần lớn tranh vẽ theo một vài “gout” như khoả thân, làng quê, tâm linh – lễ hội … So với yêu cầu của xã hội thì cũng đã thấy các hoạ sĩ trẻ ít quan tâm đến việc phản ánh cuộc sống sinh hoạt và lao động của nhân dân. Suy cho cùng đó cũng là quy luật khách quan của sự phản ánh nghệ thuật.

     Nền mỹ thuật Việt Nam đã được hình thành, phát triển và vượt qua bao thử thách để tồn tại, những giá trị tinh thần to lớn, bản sắc văn hoá và một phần lịch sử dân tộc Việt Nam đã được in dấu bởi những hình tượng nghệ thuật sống động, có giá trị thẩm mỹ. Năm biểu hiện và đặc điểm trên chưa phải là tất cả và càng không phải là chỉ dừng lại ở sự gợi mở, nhưng đó là những phác hoạ mà chúng tôi muốn chia sẻ, trao đổi trong diễn đàn Thông tin Mỹ thuật của trường Đại học Nghệ thuật của chúng ta ./.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Mỹ thuật Việt Nam nhìn từ diện mạo văn hóa truyền thống
và sắc thái thẩm mỹ (Tác giả: TS. Phan Thanh Bình)