NAM BỘ trong buổi đầu GIAO LƯU với VĂN HOÁ PHƯƠNG TÂY qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH (Phần 2)
HUỲNH THỊ LAN PHƯƠNG 1
NGUYỄN VĂN NỞ 2
(1. ThS, Trường Đại học Cần Thơ
2. PGS TS, Trường Đại học Cần Thơ)
Hồ Biểu Chánh tỏ ra rất trân trọng và tin tưởng ở phụ nữ. Hơn thế, ông còn nhận ra, trong cuộc hội nhập văn hoá, phụ nữ đã biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội thuận lợi để phát huy vai trò của mình trong xã hội. Báo chí Nam Bộ phát triển mạnh trong thời kì giao lưu với văn hoá phương Tây. Có những phụ nữ đã mạnh dạn bước vào làng báo, biến báo chí thành phương tiện hữu hiệu để cất tiếng nói đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, như trường hợp của cô Hai Tân trong Tân Phong nữ sĩ. Đọc tác phẩm của Hồ Biểu Chánh chúng ta sẽ hình dung về một giai đoạn khởi đầu nhưng thịnh phát của báo chí Nam Bộ. Báo chí được đi vào đời sống thường nhật của mọi người. Dân Nam Bộ đã có thói quen đọc báo để nắm bắt tin tức, mở mang tri thức. Không chỉ người lớn, mà trẻ con cũng quan tâm theo dõi báo chí, để học tập kinh nghiệm sống. Trong Vì nghĩa vì tình, Hồi là đứa trẻ 12 tuổi, đã từng cho bạn nó biết: “Nhựt trình biểu phải đi du lịch để mở mang trí khôn. Mày nhớ hôn?” [dẫn theo tài liệu tham khảo số 1, tr. 564]. Nhờ báo chí mà mọi người có thể biết được tin tức người thân bị mất liên lạc. Gia đình bà Cả Kim trong Tại tôi biết tin Như Thạch đã chết cũng qua báo chí. Nội dung báo chí thời này rất đa dạng về đề tài, thuộc đủ mọi lĩnh vực, liên quan đời sống kinh tế, xã hội, đạo đức, chính trị. Công việc làm báo có phần tự do. Bất kì ai cũng có thể đứng ra thành lập một tờ báo, miễn sao lo nổi vốn liếng, nhân lực và có đủ khả năng để tạo được chất lượng cho tờ báo. Cô Hai Tân trong Tân Phong nữ sĩ từng lập nên tờ Tân phụ nữ, tạo nhiều uy tín nhưng đâu cần một tổ chức nào hỗ trợ. Hiện thực được tái hiện trong tiểu thuyết là đã qua sự hư cấu của nhà văn. Nhưng sự hư cấu của Hồ Biểu Chánh vẫn giữ được tính chân thực, cụ thể cho mọi vấn đề của cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm. Cho nên, đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ta như được sống lại những ngày tháng đầu thế kỉ XX, với một đời sống văn hoá có rất nhiều biến chuyển đầy phức tạp mà cũng rất đa dạng.
Trong thời kì giao lưu văn hoá ở đầu thế kỉ XX, dù cái mới đang tấn công ồ ạt, lấn át mọi giá trị văn hoá truyền thống, Nam Bộ vốn không phải là đất ngàn năm văn vật nhưng những gì thuộc về bản sắc văn hoá Nam Bộ vẫn không thể nào bị mai một dễ dàng. Con người Nam Bộ cần cù trong lao động, kiên cường trong chiến đấu, mà cũng rất bản lĩnh trong hội nhập. Nam Bộ, qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, vẫn còn đó những đặc trưng văn hoá của vùng sông nước phương Nam. Tập quán cất nhà dọc theo hai bên sông, chất liệu được lấy từ cây lá có sẵn: tre, nứa, dừa nước, còn rất phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long thời này, nhất là ở nông thôn. Chất liệu đơn sơ nhưng qua bàn tay lao động khéo léo của con người, nhà lá vẫn mang những nét “đặc thù” thể hiện lối “kiến trúc miệt vườn”: “… Nhà ba căn, cột bằng cây bần, nóc lợp lá xé, cửa cặp lá chằm, vách gài bằng tre, trước sân một bên vắt một đống rơm, một bên trồng một cây me, sau hè chuối lá xiêm xơ rơ ít bụi, mía xanh dịu lố xố mấy giồng. Cái nhà đó là nhà Cai tuần Bưởi” (Con nhà nghèo, tr. 7). Trong Cha con nghĩa nặng, tác giả một lần nữa giới thiệu đến người đọc ngôi “nhà lá ba căn xịch xạc” của anh nông dân Trần Văn Sửu, tất cả đều gợi lên đời sống ở một xứ nông nghiệp.
Đầu thế kỉ XX, để kích hoạt thương nghiệp, thực dân Pháp thực hiện nhiều chủ trương phát triển thành thị. Những phố lầu mọc lên san sát, nhất là ở Sài Gòn, hình thành lối kiến trúc đô thị hiện đại. Thế nhưng, các căn nhà hiện đại ấy không thể nào che lấp được nét bình dị vốn có, gợi lên hình ảnh của một vùng đồng bằng, với các loại cây trái đặc trưng Nam Bộ. Kiến trúc truyền thống vẫn được người Nam Bộ sống ở thành thị ưa chuộng. Nhà ở ba căn, lợp ngói đỏ, vách ván, cửa lá sách…từng làm nên nét đặc thù về nhà ở trên vùng đất Nam Bộ, giờ đây, vẫn hiện hữu giữa các đô thị sầm uất, bên cạnh những phố lầu hiện đại, như đang kiêu hãnh khẳng định cho sự tồn tại bản sắc văn hoá quê hương: “Nhà bà Huyện Hớn ở phía sau chợ Tân Định. Một cái nhà ngói ba căn nền đúc, vách gạch, cửa lá sách, sơn màu xanh dương, nhà tuy nhỏ, song cao ráo sạch sẽ, nên người qua kẻ lại ai cũng khen: “chỗ ở phải thế”” (Từ hôn, tr. 56).
Nói về trang phục của người Nam Bộ, Hồ Biểu Chánh tỏ ra có sự quan sát rất cẩn thận. Ông miêu tả tỉ mỉ trang phục của các nhân vật. Người giàu thường chuộng vải lụa, hàng bom bay, hoặc lãnh, hay satanh. Như cô Ba Nhân (Con nhà nghèo): “mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu đội khăn màu bông hường, chân đi giày thêu nhung đỏ…” (tr. 178), hay cô Bạch Yến (Từ hôn): “bận một đồ lụa mỏng màu trứng gà, trao dồi thiệt khéo, trang điểm thiệt đẹp” (tr. 80). Một người đứng tuổi như ông Chánh Bái (Tại tôi) lại có cách ăn mặc trang trọng hơn: “Ông mặc một cái áo xuyến đen dài, vai vắt khăn bàn lông, chân mang giày hàm ếch” (tr. 3). Hương hào Hội (Cha con nghĩa nặng), một kẻ giàu có háo sắc, đến nhà tá điền để làm chuyện bất chính trong bộ y phục “áo vải trắng, quần lãnh đen” (tr. 39). Anh nông dân Trần Văn Sửu là người nghèo khổ, quanh năm cày sâu, cuốc bẫm, lem luốc nơi ruộng đồng, cho nên ăn mặc khác hẳn giới trung lưu, giàu có: “Anh ta mặc một cái áo đen màu nhùn nhục, một cái quần vắn lai đứt tả tơi, đầu bịt trùm cái khăn rằn, miệng ngậm trầu một búng” (Cha con nghĩa nặng, tr. 5). Với hình thức kể chuyện theo lối bạch miêu, Hồ Biểu Chánh đã dụng công miêu tả thật chi tiết cách ăn mặc của người Nam Bộ, gợi lên hình ảnh của cuộc sống gắn liền với nền văn hoá vật chất của vùng đồng bằng sông nước, chuyên nghề trồng lúa. Cuộc sống ấy như đang chuyển động từng ngày theo nhịp đổi thay của thời cuộc nhưng bản sắc văn hoá không thể nào phai nhạt.
Kinh tế Nam Bộ thời này có biểu hiện phát triển mạnh hơn hẳn Bắc và Trung bộ. Nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt lành. Bởi sự phát triển không hề nhằm mục đích và mang đến quyền lợi thật sự cho người dân Việt Nam. Tất cả đều nằm trong kế hoạch xâm lược của Pháp. Dù sao đi nữa, sự phát triển ấy cũng đã tạo nên lối sống, tiện nghi hiện đại. Hàng hoá, nhất là thực phẩm trở nên đa dạng, tiện dụng. Rambon, xúc xích, patê hiện diện trong bữa ăn của người Nam Bộ thời này. Thế nhưng, người Nam Bộ không thể nào quên được một loại thực phẩm từng làm nên đặc thù văn hoá ẩm thực miệt vườn: mắm. Ăn cá mắm là thói quen được hình thành do môi trường tự nhiên ở Nam Bộ. Người nông dân đã tận dụng lương thực có sẵn để tạo nên nguồn dinh dưỡng, ngon bổ tiện lợi. Cứ thế mà bao lớp người đến đây đều có thói quen như thế, dần dần tạo nên một nét văn hoá miệt vườn và sông nước. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, nét văn hoá ấy từng hiện diện ở nhiều tác phẩm, dù nhạt nhoà nhưng đó vẫn là những chấm phá độc đáo làm cho bức tranh cuộc sống tăng thêm phần sinh động, gần gũi. Nông dân đi làm đồng thường mang cơm gói để ăn trưa, thức ăn thiệt đơn giản nhưng đậm đà hương vị đồng quê: mắm sống. Tác phẩm Cha con nghĩa nặng đã gợi đến chi tiết này. Anh Trần Văn Sửu gặt xong một công lúa, leo lên bờ ngồi nghỉ “phành gói cơm ra mà ăn. Một tay cầm con mắm sặc, một tay bốc cơm nguội, trên đầu trời nắng, dưới chơn lấm bùn mà anh ta ăn cơm coi bộ ngon lắm. Ăn hết cơm rồi, bèn bước lại cái vũng gần đó bụm tay múc nước mà uống...”. Những lúc có việc phải đi xa, lương thực mang theo dọc đường cũng là cơm nắm với mắm sống. Bà Thủ Thành (Chúa tàu Kim Quy) chuẩn bị thức ăn mang theo cho chồng để lên huyện: “Cơm chín rồi bèn vắt làm hai vắt, giở hũ mắm móc vài con mắm sặc, lấy lá chuối gói lại rồi trao cho chồng xách lên huyện…” (tr. 25). Bất ngờ có khách ghé nhà, sống giữa đồng hoang sông vắng, lấy gì để thết khách? Mắm lại là món ăn duy nhất, quý nhất mà người nông dân có thể sẵn sàng để tiếp khách. Sau khi thoát khỏi nhà ngục, vượt qua một chặng đường rừng hoang vắng, Thủ Nghĩa (Chúa tàu Kim Quy) gặp được nhà của một bà lão nông dân. Nghe nói Thủ Nghĩa đã qua mấy ngày đói khát, bà “lật đật vô buồng bưng rá cơm nguội ra thì còn được vài chén, bèn để trên sập rồi trở vô móc ít con mắm lóc nhỏ đem ra cho Thủ Nghĩa ăn.” (tr. 44). Dân Nam Bộ luôn thể hiện văn hoá ứng xử tích cực với môi trường tự nhiên. Họ đã biết cách tận dụng và tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng, để tạo nên những hình thức ẩm thực rất văn hoá: ăn sầu riêng rưới cà phê (Ái tình miếu). Có lẽ khó tìm được ở nơi nào khác cách ăn sành điệu này. Văn hoá ẩm thực đang tồn tại trên vùng đất Nam Bộ thời bấy giờ như một lời khẳng định cho sự bền vững của tập quán, lối sống người Việt ở phương Nam, trước sự tấn công của văn hoá phương Tây.
Và còn biết bao vấn đề khác của đời sống đang diễn ra trên vùng đất Nam Bộ, thời hội nhập, ở đầu thế kỉ XX, được Hồ Biểu Chánh tái hiện trong tác phẩm. Tất cả đều góp nên tiếng nói chung nhằm khẳng định nhiều giá trị văn hoá truyền thống vẫn được người dân Nam Bộ ý thức giữ gìn.
3. Kết luận
Giao lưu với văn hoá phương Tây, ở đầu thế kỉ XX, qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, có nhiều điều bất ổn, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống của con người Nam Bộ thời này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác dụng kích thích của nó đối với sự phát triển văn hoá, đời sống, xã hội ở Nam Bộ. Điều này nằm ngoài sự mong đợi của thực dân Pháp. Bản lĩnh và tài trí, những yếu tố đó đã giúp người Việt Nam trong bao lần hội nhập, dù ở bất kì hoàn cảnh nào, vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Hồ Biểu Chánh đã chứng minh dù ta bị mất mát nhiều trong quá trình hội nhập nhưng vẫn đủ bản lĩnh để bảo vệ những gì ta vốn có. Chất đề kháng tốt nhất để chống lại sự phá huỷ các giá trị truyền thống là phải biết sống cho đúng đạo làm người, hướng thiện, trừng ác. Dù có mạnh dạn phê phán những hiện tượng tiêu cực do sự hội nhập mang đến, Hồ Biểu Chánh vẫn muốn chứng minh người Nam Bộ tán thành giao lưu với văn hoá phương Tây. Tuy nhiên, ông đã trăn trở không ít cho vấn đề nên tiếp nhận cái gì của phương Tây và bảo vệ các giá trị nào của truyền thống? Những câu hỏi đó luôn khiến ông phải giằng co, đắn đo rất nhiều, trước khi quyết định: vừa tiếp nhận cái mới, vừa bảo vệ cái cũ. Mới hay cũ, được ông lựa chọn đều phải mang giá trị tích cực, không làm bại hoại phong hoá xã hội, đạo đức của con người. Hồ Biểu Chánh cũng không mổ xẻ sự việc theo quan điểm chính trị. Với ông, điều gì có lợi cho quần chúng, nhân dân, cho đạo đức xã hội, thì ông ủng hộ. Sự sáng suốt và thức thời theo chiều hướng tích cực đã tạo cho tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh sống mãi theo thời gian. Chuyện của thế kỉ trước được ông nói đến, thế mà hôm nay vẫn thấy gần gũi, thiết thực.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, NXB Trình bày, Sài Gòn, 1967, tr. 441.
2. Mã Giang Lân, Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900-1945, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 303.
3. Nguyễn Văn Nở, Môi trường tự nhiên, văn hoá và con người trong thành ngữ, tục ngữ Nam Bộ, Ngôn ngữ & Đời sống, số 9, 2005.
4. Huỳnh Thị Lan Phương, Đời sống văn hoá ở nông thôn Nam Bộ trong một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Nghiên cứu Văn học, số 7 (413), 2006.
5. Huỳnh Thị Lan Phương – Nguyễn Văn Nở, Cảm hứng thế sự – Điểm gặp gỡ và khác biệt giữa tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tiểu thuyết miền Bắc giai đoạn 1900 – 1930, Nghiên cứu Văn học, số 4 (458), 2010.
TÁC PHẨM KHẢO SÁT
6. Hồ Biểu Chánh, Con nhà nghèo, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 1997.
7. Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
8. Hồ Biểu Chánh, Cha con nghĩa nặng, NXB Văn hoá Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, 2005.
9. Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1997.
10. Hồ Biểu Chánh, Cười gượng, NXB Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1935.
11. Hồ Biểu Chánh, Chúa tàu Kim Quy, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
12. Hồ Biểu Chánh, Nợ đời, NXB Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1936.
13. Hồ Biểu Chánh, Cư Kỉnh, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
14. Hồ Biểu Chánh, Tơ hồng vương vấn, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2006.
Xem lại: NAM BỘ trong buổi đầu GIAO LƯU với VĂN HOÁ PHƯƠNG TÂY qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH (Phần 1)