Nền hành chính thuộc địa pháp và làng xã Việt Nam
Tác giả bài viết: NGUYỄN THẾ ANH
(Giáo sư Ưu tú Ecole Pratique des Hautes Etudes Paris Sorbonne – Paris)
Lê Khắc Cầm dịch từ bản tiếng Anh
(Nghiên cứu Huế tập 6 – 2008)
Đối với Việt Nam, sự thành lập liên bang Đông Dương có nghĩa là sự thống nhất lãnh thổ quốc gia bị phá vỡ, trong khi tổ chức hành chính của vua Việt Nam “được bảo hộ” bị hợp vào một hệ thống rất tập trưng chỉ phụ thuộc thẩm quyền của các đại diện của nước Pháp, là những người thế chân nhà vua một bên và quan lại của nhà vua một bên để thi hành quyền bính. Dưới một chế độ bảo hộ như thế, sự phân biệt giữa sự cai trị trực tiếp và sự cai trị gián tiếp chỉ có tính cách pháp lý hơn là thực tế. Song đặc điểm bề ngoài tạo cho chế độ của Pháp tính chất một sự cai trị gián tiếp chính là sự duy trì quyền tự trị của làng xã. Quả vậy, mặc dầu có một số chi tiết (như việc đăng bạ đất đai) qua đó sự thực hành mang những nét khác nhau giữa xứ thuộc địa Nam kỳ và hai xứ bảo hộ Trung kỳ và Bắc kỳ, các nét chính của sự điều hành xã thôn truyền thống bởi các hào mục và sự phân phối nội bộ các ràng buộc về mặt thuế đinh, sưu dịch và binh dịch vẫn tiếp tục như trước.
Tuy nhiên, phải nói ngay rằng chế độ thuộc địa Pháp đã thay thế quyền hành lưỡng hợp của quan viên và hội đồng hào mục bằng một nền hành chính hợp nhất chú trọng đến sự biến cải không gian của đời sống nông thôn thành một không gian kinh tế giao tiếp với quốc nội và quốc ngoại. Các thể chế địa phương không những biến chất vì tác dụng trực tiếp của chính phủ thuộc địa, mà còn biến đổi triệt để vì tác động xã hội kinh tế của công cuộc khai thác thuộc địa. Trách nhiệm kinh tế của giới người lãnh đạo làng xã trước cộng đồng của họ đã giảm bớt vì chế độ thuộc địa đem vào những cách thức và phương tiện mới để củng cố quyền thế của chính phủ trung ương, cùng thực hiện một sự thâm nhập kinh tế lấy mất đi những tỉ lệ tài nguyên càng ngày càng cao. Sự thống trị của người Pháp cũng mở xứ sở ra cho sự phát triển kinh tế tư bản, và sự phát triển này gây nên những hậu quả sâu rộng cho đời sống nông thôn. Sự chuyên môn hóa, sự hội nhập và sự tiền tệ hóa nền kinh tế làm rối loạn hàng loạt các quan hệ xã hội, không kể các sự can thiệp thực dân biến đổi các quan hệ xã hội trong làng bằng cách tạo nên một khoảng cách ngày một rộng giữa các tổng thể tiêu chuẩn về quyền lãnh đạo đối nghịch với nhau (giá trị Khổng giáo dựa trên tuổi tác và thế hệ phải đương đầu với đường lối mới đưa đến học thức, giàu sang và quyền thế xã hội). Vậy nên sự liên tục và mật thiết của các giá trị chia xẻ trong quá khứ giúp cho việc ngăn chặn các sự nhũng lạm phải chịu thua các đòi hỏi mạnh hơn của kinh tế hiện đại. Đặc biệt là sự thương phẩm hóa miền nông thôn đã gây nên sự tan rã của các khối nông dân, bởi vì sức lao động và đất cày bị bay ra khỏi gốc rễ lịch sử của chúng và bị huy động làm tài nguyên (1); bằng chứng là đầu thập niên 1930 khi cho thực hiện các sự thống kê kỹ lưỡng về địa sản và sự phân phối đất đai, chính quyền Pháp đã không để ý gì đến các cơ cấu hương thôn, để chỉ liệt kê những thể loại “tân thời” gồm các tư sản hay đất lĩnh canh của mỗi cá nhân (hay mỗi gia đình) [Henry 1932].
Như thế, qua các chính sách kinh tế, chính quyền thuộc địa buộc làng xã phải nhập vào thế giới của quốc gia chi phối mọi sự. Vài sự tái tổ chức thể chế được thực hiện với sự bắt buộc các viên chức lãnh đạo làng và các hội đồng hào mục phải thi hành các nhiệm vụ hành chính cho chính quyền thuộc địa. Nói cách khác, họ bị đòi hỏi phải trở thành nhân viên và người giúp việc cho một chính quyền trưng ương lại còn – tệ hại hơn nữa – có những quan điểm lạ thường gieo rắc hoang mang. Những gì đến với hội đồng hào mục trong thời thuộc địa đều lệch lạc khuôn mẫu cũ : sự tan biến đột ngột của thế quân bình truyền thống giữa nông thôn và thành thị, mà vai trò không còn hạn chế trong phạm vi một trung tâm hành chính đơn giản mà thôi, và giữa giới nho sĩ và người thường dân làm rối loạn cơ chế của quyền hành. Vì quyền thế chuyển dịch, rời quê ra tỉnh, trong khi lĩnh vực của kiến thức chỉ còn là ngoại biên đối với chính trị, chức năng của khuôn khổ làng xã phải chấm dứt.
Tất cả các sự cải cách mà người Pháp cố gắng đưa ra ở cấp địa phương xác định thêm sự thực là các thể chế địa phương không còn đáp ứng các nhu cầu địa phương nữa. Các người lãnh đạo làng xã phải nhân danh chính quyền thuộc địa thu những loại thuế gia tăng gấp mười lần các thuế má trong quá khứ (1). Họ bị bắt buộc phải thi hành luật pháp của chính quyền thuộc địa. Kể cả đạo luật rất không hợp lòng dân như cấm nấu rượu tại địa phương. Họ chịu trách nhiệm kiểm soát nạn giặc cướp và ngăn ngừa các vụ nổi loạn trong làng xóm họ. Làng nào ủng hộ hay chấp chứa một cuộc nổi loạn thì bị trừng phạt nặng nề. Các hình phạt có thể được áp dụng là giải tán cộng đồng làng xã và sáp nhập vào các làng lân cận, tịch thu tài sản của dân làng, và bắt các viên chức điều hành xã và các hào mục phải đóng tiền phạt vạ.
Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người có tư cách thường tránh né tham dự hội đồng hào mục hay nhận những chức vị lãnh đạo xã, thay vì nhận làm nhân viên cho một chính quyền không những không mang lại cho họ được mấy lợi lộc mà lại còn làm họ dễ bị oán giận cả bởi dân làng và các nhà chức trách. Những ai tìm kiếm địa vị trong các hội đồng thường là những người lưu tâm đến cơ nghiệp riêng tư của họ hơn là đến sự thăng tiến quyền lợi của cộng đồng. Ngay từ năm 1902, sự khủng hoảng tác động đến nền hành chính các cộng đồng nông thôn đã là hiển nhiên đối với Thống đốc Nam Kỳ khi ông viết : “Sự tuyển lựa các hào mục đã chẳng may trở nên càng ngày càng khó tại vài tỉnh; các gia đình phồn vinh và đáng kính phần nào tỏ vẻ chán ghét các chức vụ nguy hiểm ấy, khiến chúng thường rơi vào tay những kẻ không có kinh nghiệm, và đôi khi cả những kẻ bất lương nữa” [Osbome 1969 : 151].
Khó khăn này không chỉ hạn chế ở Nam Kỳ, tại đó chính phủ thuộc địa không phải lấy cớ cai trị gián tiếp; vùng nông thôn của hai xứ bảo hộ Trung kỳ và Bắc kỳ cũng bị ảnh hưởng y hệt. Cốt lõi của vấn đề là ở sự cưỡng bức của người Pháp để kiểm soát làng xã Việt Nam bằng những đường lối trước đây triều đình Việt Nam chưa bao giờ theo. Sự e sợ, sự kháng cự dai dẳng trong miền nông thôn là lý do khiến chính phủ thuộc địa khẳng định sự kiểm soát này bằng nhiều cách, kể cả bằng cách áp đặt các quan niệm của mình về đường lối cai trị một nước, nghĩa là luôn luôn từ trung tâm trở đi. Vì các lý do ấy, không lạ gì người Pháp chỉ muốn thấy trong hội đồng hào mục những người mà họ có thể tin cậy lòng trung thành. Vì thế, chính phủ thuộc địa lặp đi lặp lại các cố gắng, với mọi phương tiện có trong tay, để nhét vào các hội đồng hạng xã càng nhiều càng tốt những ứng viên tự mình chọn, hoàn toàn bất chấp các tiêu chuẩn chọn lựa của xã thôn truyền thống(1).
Tuy nhiên, mặc dầu công nhận rằng tổ chức xã hội nông thôn ngày một hư hại, người Pháp vẫn áp dụng các chính sách coi như sẽ đem lại chút trật tự cho sự hỗn độn của hành chính nông thôn, song đã có hậu quả trái ngược là gây thêm tan rã cho đời sống thôn xã. Năm 1904, một sắc luật giảm bớt số hào mục trong các hội đồng xã và xác định chức vụ của các hội viên lấy theo các đòi hỏi của chính quyền thuộc địa địa phương hơn là theo các nhu cầu của cộng đồng địa phương. Năm 1921, sự bầu cử hội viên hội đồng xã thôn được thiết lập ở Bắc kỳ, rồi năm 1927, quyền tự trị của hội đồng được gia tăng cả ở Bắc kỳ và Nam kỳ, song với điều quy định là các hào mục phải được chuẩn y bởi tỉnh trưởng. Mục đích của các biện pháp ấy là để chỉ trao trách nhiệm thực hành cho một số hào mục hạn chế trong mỗi xã, để thay thế các hội đồng không chính thức thời trựớc, mà tất cả các hội viên đều có tiếng nói nhưng không có trách nhiệm. Các biện pháp này được trình bày như là một bước tiến đến sự thiết lập các thể chế dân chủ ở cấp địa phương, nhưng trên thực tế chúng làm giảm uy quyền của các hào mục trước mắt người dân làng. Trong khi chúng lại làm gia tăng chứ không làm bớt đi những cãi vã, thói tham nhũng và tinh thần bè phái địa phương vốn là truyền thống trong đời sống nông thôn Việt Nam [Pinto 1946 : 38-42].
Trên thực tế, hậu quả của sự can thiệp của chính quyền thuộc địa vào công việc làng xã là làm các hào mục xa cách với các người khác trong dân chúng. Dù cho có vài hào mục đặc biệt vẫn tiếp tục được dân làng chọn lựa, hay trên thực tế họ nhận sự bổ nhiệm của họ từ chính quyền, điều này không quan hệ mấy, thực sự họ hết là đại diện cho đồng hương của họ một cách nhanh chóng. Ngược lại, họ trở thành nhân viên của một chính quyền trung ương đòi hỏi nơi họ một sự phục tùng trọn vẹn, mà không có tiền công tưởng thưởng, vì chính phủ không trả lương cho họ. Chính phủ chỉ sửa đổi hương ước truyền thống của làng để ghi rằng từ nay các hào mục chỉ hành động thay cho chính phủ mà thôi. Do đó, óc sáng kiến nhường chỗ cho lề thói hành chính, và các quan hệ cá nhân phải rút lui trước sự dửng dưng của cơ quan hành chính. Các sự lạm quyền hiển nhiên của các hào mục được mô tả trong các tiểu thuyết hay những tác phẩm khác thời thuộc địa phần lớn sinh ra từ các quan hệ biến chất này(1).
Các viên chức hạng xã nay không còn cần đến khối người họ cai quản nữa. Họ có một tự do mới trong địa vị của hội cho phép họ thao túng các sự phân phối đất đai, thuế má, v.v…(2). Người đồng hương của họ không còn có thể làm nên họ hay gạt bỏ họ nữa, vì quyết định cuối cùng nay thuộc một thế lực ở bên ngoài.
Hoặc vì vô tình, hoặc vì cần thiết, chính quyền thuộc địa chuyển qua các hào mục những đòi hỏi vượt xa mức mà triều đình cũ ở Huế thường trông đợi. Chẳng hạn, với lý do áp dụng một cách thức quản lý hợp lý, nhà cầm quyền đòi thay đổi cách tính thuế dựa trên toàn bộ xã đã có từ nhiều thế kỷ bằng cách tính dựa trên từng cá nhân một và từng thửa ruộng một. Trong khi trước kia các hào mục đôi lúc giảm bớt số thuế làng phải trả và tỏ ra uyển chuyển trong việc ấn định năm này qua năm khác số tiền dân làng phải nộp, thì nay mỗi người dân bị buộc, một cách riêng rẽ và không thể nào tránh khỏi, vào phần đã được quy định cho cá nhân mình. Các kỹ thuật đăng ký và kiểm sát cải tiến đi đôi với các sự đo đạc ruộng đất chính xác và thường xuyên không cho phép dân làng có thể khai những con số dưới sự thật, như họ vẫn thường làm từ thuở xa xưa. Để bảo đảm rằng các hào mục thi hành nhiệm vụ theo đúng chỉ thị, nhà chức trách Pháp tách tài sản của cá nhân họ ra làm bảo lãnh cho phần thuế làng phải trả.
Tổn hại trầm trọng nhất đối với trách nhiệm của làng được gây nên khi chính quyền thuộc địa đòi các hào mục phải báo cáo cho cấp trên mọi hoạt động trong làng có thể đụng chạm đến quyền lợi của chính phủ, ngoài việc lập hồ sơ báo cáo thường xuyên về một số vấn đề đã được phân định. Còn về pháp luật theo tập quán, nhà cầm quyền Pháp bắt phải chiếu theo luật của Pháp, nếu có thể được. Trong khi trong truyền thống Việt Nam các vụ tranh chấp được giải quyết chủ yếu bằng sự phân xử của trọng tài và hầu hết các tội lỗi không phải là tội ám sát hay mưu phản đều được xét xử ngay trong làng mà không có một sự can dự nào từ bên ngoài, các hào mục nay có thêm nhiệm vụ làm viên chức tư pháp phải hiện diện tại huyện lỵ hằng ngày nếu có một vài vụ kiện tụng phải được giải quyết. Các trách vụ thêm vào này đồng thời đè nặng rất nhiều lên các hào mục vì chúng khích động sự oán giận của các người đồng hương. Vì những lý do ấy, tuy một ghế trong hội đồng hào mục có thể được dùng để làm ra tiền, nhiều người tránh né sự ô nhục dính liền với nó: Vì vậy mà những người có trách nhiệm được kính nể vì các đức tính truyền thống của họ không thấy có lý do gì mà lãng phí uy tín xã hội của họ cho một chức vụ vẫn lệ thuộc lợi ích của người Pháp, dù cho đã có những đổi thay. Điều này, thật đáng tiếc, hiến cơ hội cho các phần tử ngoài lề xã hội nhô lên trong các hội đồng hạng xã(1).
Khi thế chiến thứ II bùng nổ, người Pháp vẫn còn phải bận tâm với sự tranh đấu để giành lấy sự trung thành của những người có khả năng. Chiến tranh lại khiến họ thấy cần hơn nữa giật người Việt ra khỏi ảnh hưởng của Nhật Bản. Do đó, một sắc luật được ban hành năm 1941, bãi bỏ mọi sự tuyển cử chính thức các hào mục và cho phép chọn lựa họ bằng sự ưng thuận không định thức. Nhưng khi ấy đã quá muộn. Sự thoái biến của thể chế chính trị xã hội hội đồng hào mục, bị giảm giá quá đáng vì lệ thuộc guồng máy hành chính Pháp, đã đạt đến mức khiến sự hư hại của mối quan hệ giữa dân làng và cấp lãnh đạo của họ không còn có thể cứu chữa được nữa(1). Ở mức hương thôn, nền móng của quyền lãnh đạo đã hoàn toàn lánh xa dân chúng. Bổ nhiệm bởi chính quyền thuộc địa hay tự bổ nhiệm lẫn nhau với sự đồng ý của chính quyền thuộc địa, các hào mục bị coi như là làm hại cho lợi ích của dân làng.
Tính chính đáng của họ từ lâu đã hết sinh ra từ sự công nhận một uy tín xuất phát từ đức hạnh và thành tựu cá nhân như trong quá khứ. Vì thế mà sự tuyên truyền của phong trào Việt Minh dễ dàng tố cáo họ là tay sai của một chế độ không thể chấp nhận, khi phong trào này tập trung sức lực vào việc huy động nông dân chống thuế má. sưu dịch và lệnh trưng thu thóc gạo của chính phủ thuộc địa để đáp ứng đòi hỏi cung cấp lương thực của Nhật Bản(2).
__________
(1) Chẳng hạn xem Nguyên Thế Anh, 1987. Trong miền châu thổ sông Cửu Long, tiến trình phát triển nông nghiệp giữa cuối thế kỷ 19 và thập niên 1920 đã phát sinh ra tại vài vùng một kiểu địa sản và đất lĩnh canh không còn chút đặc tính truyền thống Việt Nam nào với sự thành lập hai nhóm xã hội, điền chủ và tá điền, nhóm đầu gồm cả các đại địa chủ vắng mặt và các tiểu địa chủ, mà các điều kiện sinh sống không nhất thiết khác biệt với các điều kiện sinh sống của giới tá điền, bị ép chặt giữa chà cầm quyền thuộc địa Pháp và các đại địa chủ (xem Brocheux 1995).
(1) Chế độ thuế khóa Đông Pháp được thiết lập năm 1897 bởi toàn quyền Paul Doumer, đã đưa ra một tổng ngân quỹ chung được cung cấp bằng các thu nhập của thuế gián thâu (thuế nhập khẩu, thuế công quản đánh lên thuốc phiện, rượu, muối v.v…), trong khi thu nhập của thuế trực thâu (thuế đất và thuế thân) được giao cho chính quyền của ba Kỳ. Cho đến giữa thập niên 1920, rượu, muối, và thuốc phiện cung cấp đến 70 phần trăm tổng số thuế mà chính quyền thuộc địa thu được. Nói chung, gánh nặng thuế má chính thức đè trên các gia đình nông dân Việt Nam, tính cả bằng tiền và bằng số gạo sản xuất, đã gia tăng đáng kể tử giữa thập niên 1890 đến giữa thập niên 1930. Thế nhưng các nỗ lực nhằm áp dụng một loại thuế trực thâu “lũy tiến” nào đó trong vùng nông thôn đều thất bại, vì các hạn chế của hành chính nông thôn. Mặt khác, chính phủ thuộc địa cố hết sức loại bỏ các sự miễn thuế thân chính thức do quy chế quan chức. Một cải cách quan trọng là sự bãi bỏ đại công dịch (grande corvée – lao dịch không thường xuyên để xây cất các đại công tác công cộng) tại Nam Kỳ vào năm 1881 và sự thay thế các tiểu công dịch (năm ngày lao dịch cho làng) bằng một số tiền thuế nhờ đóng cho ngân sách xã, để xã mướn lao động khác làm thay. Cải cách này sau đó dược áp dụng cho Bắc kỳ và Trung kỳ: giảm sưu dịch xuống 48 ngày mỗi năm, và sau vài giảm thiểu, xen kẽ khác, tính sưu dịch nhập vào thuế thân ở Trung kỳ năm 1918 và Bắc kỳ sau 1920. Tuy nhiên sự kiện này đã phát động một phong trào phản kháng rộng lớn năm 1908 ở miến Trung Việt Nam [xem Nguyễn Thế Anh 1973 & Nguyễn Thế Anh 216-214 : 1992].
(1) Chẳng hạn như điều mà Smith 1968 : 61-63 thuật lại, cho thấy một danh sách người công giáo đã nắm lấy cả một hội đồng hào mục trong tỉnh Tân An năm 1895-1896.
(1) Đặc biệt Ngô Tất Tố với tác phẩm Việc Làng, xem Boudarel 1991.
(2) Sự đánh thuế, trực thâu và gián thâu, chắc chắn đã tạo cơ hội cho các phần tử giàu có trội hơn mọi người trong làng lợi dụng ảnh hưởng của họ để làm thiệt cho các gia đình nghèo hơn, vì sự phân phối gánh nặng thuế má gia tăng ít công bằng hơn giữa người giàu và người nghèo trong mỗi cộng đồng xã.
(1) Trích dẫn từ Smith 1968 : 64 : “Trong một bản báo cáo năm 1922, Thống đốc Nam Kỳ phàn nàn rằng các hào mục của các xã phần lớn rất là thấp kém cho nhiệm vụ họ được giao phó, không phải chỉ vì học vấn của họ hầu như không đến mức sơ đẳng, mà nhất là vì họ đem vào công việc của họ một tinh thần thủ cựu thù địch với mọi tư tưởng mới mẻ”. Sự thực là bản báo cáo viết tiếp, càng ngày càng có ít người muốn trở thành hào mục đến nỗi mà các ứng viên giỏi không mấy khi ra trình diện để dược chọn lựa.
(1) Về các phân tích khác về các thay đổi trong làng xã xem Woodside 1976 : 118-148; Popkin 1979 : 83-183; Lương V. Hy 1992 : 51-126.
(2) Để có nhiều chi tiết hơn. xem Nguyễn Thế Anh 2002.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Boudarel, Georges, 1991, “L’insertion du pouvoir central dans les cultes villageois au Vietnam : Esquisse des problèmes à partin des écrits de Ngô Tất Tố” [Sự thẩm nhập của chính quyền trung ương vào việc thờ cúng tại làng xã ở Việt Nam: đề cương các vấn đề từ những bài viết của Ngô Tất Tố trong : Alain Forest, Yoshiaki lshizawa, Léon Vandermeessch (eo.). Cultes populaires et sociétés asiatiques [Thờ cúng dân gian và các xã hội châu Á, Paris : L’Harmattan : 87-146.
Brocheux, Pierre, 1995, The Mekong Delta : Ecology, Economy and Revolution 1880-1960 [Châu thổ sông Cửu Long, Sinh Thái, Kinh tế và Cách mạng. 1860-1960]. Madison : University of Wisconsin, Center for Southeast Asian Studies.
Cương Mục : 1998, thay cho : Khâm Định Việt sử Thông giám Cương Mục Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 2 tập.
Điển lệ, 1962, thay cho : Đại Nam Điển Lệ Toát yếu, Nguyễn Sĩ Giác dịch, Sài Gòn : Đại học Luật khoa.
Ducanson, Dennis J., 1968, Government and Revolution in Vietnam [Chính quyền và Cách mạng ở Việt Nam]. London : Oxford University Press.
Grossheim, Martin, 1996, “Village laws (hương ước) as a source for Vietnamese studies” [Hương ước như là một nguồn cho việc nghiên cứu Việt Nam], trong : Philippe Le Failler và Jean Marie Mancini, Viet Nam Sources et Approches [Việt Nam Tư liệu và cách tiếp cận]. Aix-en-provence : Pub. de L’Université de Provence : 103-123.
Grossheim, Martin 2001, “The Vietnamese hương ước” [Hương ước Việt Nam], trong : Tai Culture, Intemational Review on Tai Cultural Studies. Vol VI: Special issue “Law and
Values in Tai baan-muang”.
Henry, Yves, 1932, Economie agricole de l’Indochine [Kinh tế nông nghiệp ở Đông Dương]. Hà Nội : Imprimerie D’Extrême-Orient.
Hickey, Gerald C., 1964, Village in Vietnam [Làng xã ở Việt Nam]. New Haven : Yale Univesity Press.
Hiến Chương, 1974, thay cho Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Nguyễn Thọ Dực dịch, Sài Gòn: Bộ Văn hóa Giáo dục & Thanh niên; Tập III, Quan Chức Chí; tập VI, Quốc Dụng Chí.
Huỳnh Lứa, 1987, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Kleinen, John, 1998, “Village-state Relations in 19th Century Vietnam : The case of Lang To. A Small Village in the Red River Delta” [Mối quan hệ làng-nước trong thế kỷ 19 ở Việt Nam: Trường hợp Làng Tơ, một ngôi làng nhỏ ở châu thổ sông Hồng], trong : Nguyễn Thế Anh & Alain Forest (ed.), Guerre et Paix en Asie du Sud-Est [Chiến tranh và Hòa bình ở Đông Nam Á]. Paris : L’Harmattan : 175-209.
Lương V. Hy, 1992, Revolution in the Village. Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925-1988 [Cách mạng và Làng xã, Truyền thống và Biến đổi ở Bắc Việt Nam, 1925-1988]. Honolulu : Univ. of Hawaii Press Mc Alister, John T., 1971, Việt Nam : The Origins of Revolution [Việt Nam. Các nguồn gốc của cách mạng], New York: Doubleday.
Mus, Paul, 1952, Viet Nam. Sociologie d’une guerre [Việt Nam. Xã hội học của một cuộc chiến tranh]. Paris : Ed. Du Seuil.
Ngô Kim Chung, 1987, “Le développement de la propriété privée dans le Vietnam d’autrefois” [Sự phát triển của tư sản tại Việt Nam ngày xưa, trong : Propriété privée et propriélé collective dans l’ancien Viêtnam [Tư sản và sở hữu tập thể tại Việt Nam ngày xưa], Georges Boudarel dịch và giới thiệu. Paris : L’Harmattan : 81-110.
Nguyễn Thế Anh, 1970, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn. Sài Gòn : “Lửa Thiêng (xb lần hai) NXB Văn học, Hà Nội, 2008.
Nguyễn Thế Anh, 1973, Phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân. Sài Gòn : Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, NXB Văn học, Hà Nội, 2008.
Nguyễn Thế Anh, 1987, “La campagne nordvietnamienne, de la dépression économique de 1930 à la famine de 1945” [Nông thôn Bắc Việt Nam, từ khủng hoảng kinh tế năm 1930 đến nạn đói 1945], Revue franςaise d’Histoire d’Outre-Mer, n0 274: 43-54.
Nguyễn Thế Anh, 1992, Monarchie et fait colonial au Viêtnam (1875-1925). Le crépuscule d’un ordre traditionel [Chế độ quân chủ và sự kiện thuộc địa ở Việt Nam (1875- 1925). Buổi hoàng hôn của một trật tự truyền thống]. Paris: L’Harmattan.
Nguyễn Thế Anh, 1994a, “La réforme de l’impôt foncier de 1875 au Vietnam”.[Cuộc cải cách thuế điền thổ năm 1875 ở Việt Nam], Bulletin de l’Ecolefrancaise d’Extrême-Orient, 78: 287-296.
Nguyễn Thế Anh, 1994b. “State and Civil Society under the Trinh Lords in Seventeenth Century Viêtnam” [Nhà nước và xã hội công dân dưới thời các chúa Trịnh vào thế kỷ 17 ở Việt Nam], trong : La société civile face à l’Etat dans les tradition chinoise, japonaise, coréenne et vietnamienne [Xã hội công dân trước chính phủ trong các truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam]. Léon Vandermeersch ed., Paris : EFEO: 367-380.
Nguyễn Thế Anh, 1995, “La conception du bon gouvemement au Viet Nam au XIXe siècle, à travers une composition au concours du Palais de 1865” [Khái niệm về lương chính ở Việt Nam vào thế kỷ 19, qua một bài thi khoa thi Đình năm 1865] trong : Nguyên Thế Anh & Alain Forest (chủ biên), Notes sur la culture et la Religion en Péninsule indochinoise [Ghi chú về Văn hóa và Tôn giáo tại Bán đảo Đông Dương]. Paris : L’Harmattan : 157-187.
Nguyễn Thế Anh, 1998, “La féodalité en Asie du SudEst”, [Chế độ phong kiến ở Đông Nam Á] trong : Eric Bournazel & Jean-pierre Poly (chủ biên), Les féodalités [Các chế độ phong kiến]. Paris : Presses Universitaires de France: 683-714.
Nguyễn Thế Anh, 1999, “Trade Relation between Vietnam and the Countries of the Southern Seas in the First Haft of the 19th Century” [Giao thương giữa Việt Nam và các Quốc gia vùng Nam Hải vào tiền bán thế kỷ 19]. trong : Nguyễn Thế Anh & Yoshiaki Ishizawa (ed), Commerce et navigation en Asie du Sud-Est (XIVe-XIXe siècles) – Trade and Navigation in Southeast Asia (14th–19th centuries) [Thương mãi và hàng hải ở Đông Nam Á (từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19)]. Paris : L’Harmattan : 171-187.
Nguyễn Thế Anh, 2002, “The Formulafion of the National Discourse in 1940-45 Vietnam” [Sự diễn đạt của luận thuyết quốc gia ở Việt Nam năm 1940-1945], Journal of International and Area Studies (Seoul), tập 9, n01 : 57-75.
Nguyễn Thiệu Lâu, 1951, “La réforme agraire de 1839 dans le Bình Định” [Cuộc cải cách ruộng đất năm 1839 ở Bình Định], Bulletin de 1’Ecole franςaise d’Extême-Orient, 45: 119- 129.
Osborne, Milton, 1969, The French Presence in Cochinchina and Cambodia : Rule and Response (1859-1905). [Sự hiện diện của người Pháp tại Nam Kỳ và Cambodia : Cai trị và Đáp ứng]. Ithaca : Cornell Univ. Press.
Papin, Philippe, 1996, “Terres communales ẹt pouvoirs villageois à la fin du 19e siècle. La cas du village vietnamien de Quynh Lôi”, [Đất công và quyền dân làng vào cuối thế kỷ 19. Trường hợp làng Quỳnh Lôi Việt Nam], Annales HSS, n0 6: 1303-1323.
Papin, Philippe, 1999. Viêtnam. Parcours d’une nation [Hành trình của một quốc gia]. Paris : La Documentation franςaise.
Papin, Philippe, sắp xb., “Power in the Village : Political Process and Social Reality” [Quyền lực ở làng xã : Diễn tiến chính trị và thực tế xã hội], trong : G. Bousquet & P. Brocheux (ed.), From Colonialism to Independence : Vietnamese Metamorphoses [Từ chế độ thuộc địa đến độc lập : các sự biến hóa của Việt Nam]. Michigan University Press.
Papin, Philippe & Tessier, Olivier, 2002, Làng ở vùng châu thổ sông Hồng : Vấn đề còn bỏ ngỏ – Le village en question – The Village in Question. Ha Noi : EFEO – Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân Văn Quốc gia.
Phan Huy Lê và các tác giả khác, 1993, The Traditional Village in Viet Nam [Làng truyền thống Việt Nam]. Hà Nội : Thế Giới Publishers.
Pinto, Roger, 1946, Aspects de l’evolution gouvemementale de l’Indochine franςaise [Những khía cạnh của sự tiến hóa chính quyền ở Đông Pháp]. Saigon-Paris: Etudes indochinoises et extrêmes-orientales.
Popkin, Samuel L., 1979, The Rational Peasant. The Political Economy of Rural Society in Vietnam [Người nông dân có lý trí. Kinh tế chính trị của xã hội nông thôn ở Việt Nam]. Berkeley : Univ. of California Press.
Sakurai, Yumio, 1987, Betonamu sonraku no keisei [Sự thành lập làng xã Việt Nam). Tokyo : Shobunshan. Scott, James C., 1976, The Moral Economy of the Peasant : Rebellion and Subsistence in Southeast Asia [Kinh tế đạo đức của nông dân : Nổi dậy và sinh kế ở Đông Nam Á]. New Haven : Yale University Press.
Smith, Ralph B., 1968, Viêtnam and the West [Việt Nam và Phương Tây]. Ithaca : Cornell Univ. Press.
Smith, Ralph B., 1973, “The Cycle of Confucianization in Vietnam” [Chu kỳ Nho giáo hóa Ở Việt Nam], trong : Walter F. Vella (ed), Aspects of Vietnamese History [Những khía cạnh của lịch sử Việt Nam]. Honolulu : University Press of Hawaii : 1-29.
Smith, Ralph B., 1974, “Politics and Society in Vietnam during the Early Nguyen Period (1802-62)” [Chính trị và xã hội Việt Nam trong giai đoạn đầu triều Nguyễn], Journal of the Royal Asiatic Society, 2 : 153-169.
Tạ Văn Tài, 1988, The Vietnamese Tradition of Human Rights. [Truyền thống nhân quyền Việt Nam]. Berkeley Univ. of California.
Toàn Thư, 1985, thay cho Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hoàng Văn Lâu dịch. Hà Nội : Nxb. Khoa Học Xã Hội.
Trương Bửu Lâm. 1982, New Lamps for Old : The Transformation of the Vietnamese Administrative Elite [Đèn mới cho điều cũ : sự chuyển hóa của giai cấp thượng lưu hành chính Việt Nam]. Singapore, Maruzen Asia. UBKHXH Việt Nam, 1971, Lịch Sử Việt Nam. Hà Nội : Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tập 1.
Whitmore, John K., 1997, “Literati Culture and Integration in Dai Viet, c. 1430-c. 1840” [Văn hóa nho sĩ và sự hòa nhập ở Đại Việt 1430-1840], Modern Asian Studies, 31, 3 : 665 687.
Woodside, Alexander B., 1971, Vietnam and the Chinese Model. [Việt Nam và mô hình Trung Hoa]. Cambridge : Harvard University Press.
Woodside, Alexander B., 1976, Community and Revolution in Modeern Vietnam. [Cộng đồng và cách mạng ở nước Việt Nam hiện đại]. Boston : Houghton Miffin.
Yu Insun, 1990, Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Vietnam. [Luật pháp và xã hội trong thế kỷ 17 và 18 ở Việt Nam]. Seoul : Asiatic Research Center, Korea Univ.
Yu Insun, 2001, “The Changing Nature of the Red River Delta Villages during the Lê Period (1428-1788)”, [Bản chất thay đổi của Làng xã vùng Châu Thổ sông Hồng dưới triều đại nhà Lê]. Journal of Southeast Asian Studies 32, 2: 151-172.
Nguồn: Các sự kiện văn hóa, chính trị Việt Nam (từ thế kỉ XIX – XX), trang 98-106
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nền hành chính thuộc địa pháp và làng xã Việt Nam (Tác giả: GS. Nguyễn Thế Anh) |