Nghề in và đồ họa sách thời Nguyễn (TBHNH 1998)

Tác giả bài viết: LÊ QUỐC VIỆT, CUNG KHẮC LƯỢC
(ĐH Mỹ thuật – Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

1. Tìm hiểu nghề in và đồ họa sách ở Việt Nam thời xưa không thể không nhắc đến Lương Nhữ Hộc và nghề làm giấy của tiền nhân ta

     Phần Chư công nghệ tổ trong sách Liệt tiên truyện có chép: Hộc người Hồng Lục huyện Trường Tân lộ Hải Dương. Đỗ Thám khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Làm quan đến chức Đô ngự sử. Từng hai lần sang sứ Tầu và học được cách chế bản in. Sứ về, Hộc dạy cho dân Hồng lục và Liễu Tràng (gọi liền là Hồng – Liễu). Vì vậy dân Hồng – Liễu mới có nghề này. Sau Hộc mất, dân lập đền thờ, tôn làm Tổ Sư. Triều đình cũng ban Sắc chỉ phong làm Phúc thần.

     Điều này cần được coi là một sự kiện quan trọng mang ý nghĩa căn bản với cơ sở pháp lý chính thống khẳng định rằng: có một vị Tổ nghề và làng nghề khắc in mộc bản trong lịch sử ở nước ta. Song vẫn có thể cân nhắc suy xét cho thật kỹ thì không có nghĩa là trước đó ở nước ta không có nghề khắc in mộc bản. Dầu sao trên thực tế mà nói, sự hoạch định thành Làng nghề hay Phường hội thì lại rất có thể phải từ sau khi Lương Nhữ Hộc đi sứ về nước và đem nghề khắc in mộc bản truyền dạy cho dân Hồng – Liễu. Hơn nữa cho đến nay chúng ta cũng chưa tìm thêm được tư liệu mang tính chất văn kiện lịch sử của Nhà nước phong kiến Việt Nam nào để có thể chứng minh sâu sắc hơn về vấn đề này.

2. Vậy còn vấn đế nghề làm giấy?

     Mọi người đều biết rõ, giấy là một trong Văn phòng tứ bảo (bút, giấy, mực và nghiên). Giấy thực sự cần thiết không riêng gì đối với các quốc gia sử dụng Văn tự hình khối vuông.

     Việt Nam là một nước có nền văn hiến lâu đời. Nhu cầu ghi chép, sáng tác và chế định các văn bản thành văn từ trung ương xuống các địa phương đến người có học, thậm chí đối với dân thường đã trở thành một tất yếu từ ngàn đời nay. Do đó nghề làm giấy ở nước ta ắt phải có truyền thống rất lâu đời, như một lẽ không có gì khó hiểu.

     Có một tư liệu của người phương Bắc đã ghi nhận sự kiện quan trọng mà ta đặt thành vấn đề khảo cứu ở trên. Đó là cuốn sách Giao lưu văn hóa và quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Trung – Việt (Bắc Kinh, 1957), tác giả Trần Tu Hòa có viết: “vào thế kỷ 3 sau Công Nguyên, người Việt đã dùng gỗ mật hương làm thứ giấy bản rất tốt gọi là giấy Mật Hương. Loại giấy này vào năm 284 đã được các thương nhân La Mã mua đến hàng vạn tờ”.

     Ngoài ra qua các sách như Thập di ký của Vương Gia (thế kỷ IV), Vân đài loại ngữ (phần Âm Tự Loại), Phủ Biên Tạp Lục (phần Vật phẩm phong tục) của Lê Quý Đôn, cùng với một số chi tiết ghi trong các bộ sử lớn đều hé mở cho biết về những địa danh sản xuất của các loại giấy. Đó là các làng xung quanh khu vực Bưởi – Cầu Giấy như làng Yên (An) Thái, Tây Dương (tên nôm là Cầu Giấy) là hai làng chuyên làm Giấy Lệnh; làng Yên (An) Hoà, Yên (An) Quyết (tên nôm là làng Cót) là hai làng làm giấy thô; làng Hồ Khẩu (gọi nôm là Hồ) thường làm Giấy Moi; làng Động Xá thì làm Giấy Quỳ; làng Trung Nghĩa và Nghĩa Đô lại tập trung vào làm Giấy Sắc. Còn một số làng khác ở gần nhau thành Cụm Làng ở các xứ như Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh và cả Bắc Giang), Nghệ – Tĩnh (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh), Thanh Hoa (nay gọi là Thanh Hóa)… cũng đều có làm các loại giấy.

     Tìm hiểu về chủng loại giấy thời xưa, ta có thể thấy mấy loại như sau:

1. Giấy Bản, thường dùng để viết sách,

2. Giấy Lệnh, được dùng để viết lệnh chỉ,

3. Giấy Nghè, lại chuyên dùng viết sắc phong,

4. Giấy Quỳ, thường được dát vàng quỳ,

5. Giấy Moi, dân chúng thường dùng gói hàng,

6. Giấy Xuề, thường dai, bèn và dùng phất quạt giấy,

7. Giấy Thô, cũng dai và bền. Hai thứ giấy Xuề và Thô được dân các làng làm quạt như Kim Lũ (Lủ) Thanh Đàm (Thanh Trì nay), Lũ Xá (Lủa) Hà Đông,… mua về làm quạt giấy.

8. Giấy Nhũ Tương, dùng để viết đối liễn (câu đối), nền giấy thường có ngân nhũ điểm xuyết như hoa Mai trông rất đẹp;

9. Giấy Điệp, thường được các làng in khắc tranh dân gian như Hàng Trống (Trinh Kỳ, nay là Hà Nội), làng Đông Hồ (Hà Bắc), làng Kim Bảng và làng Hoàng Bảng (gọi liền là Kim – Hoàng, còn gọi theo nghề in tranh là làng Tranh Đỏ) rất ưa chuộng.

     Đấy là chưa kể đến các loại giấy quý thuộc vào hàng thượng phẩm như:

1. Giấy Mật Hương,

2. Giấy Trắc Lý(1),

3. Giấy Hoa Tiên,

4. Giấy Ngự(2)…

     Điểm qua các thuyết nói về vấn đề in khắc, có thể thấy như sau:

     Theo Trí Văn trong Tìm hiều Kinh Pháp Hoa (đặc san Vu Lan 2, TC Hoằng Pháp, Hội Phật giáo Sài Gòn, 1973) thì: Suốt từ thế kỉ I đến TK III, đất Luy Lâu đã là một trung tâm Phật giáo và đã từng cho khắc in kinh Phật.

     Còn theo Mâu Bác (tài liệu Lý hoặc luận), hay qua chùm thư tranh luận giữa Đạo Cao, Pháp Minh, Lý Miễu(3) thì sẽ có thể hiểu Phật giáo ở nước ta thời Bắc thuộc như thế nào.

     Nếu án cứ vào ngôn từ trong lá thư của Đàm Thiên gửi Tùy Văn Đế nói về việc in khắc các bộ kinh ở Giao Châu cơ hồ ít chứng liệu để ta có một ý niệm tự hào về lịch sử ngành in nước nhà. Vì thế muốn đi đến một nhận định khoa học lại là điều phải hết sức dè dặt. Ta biết, Trung Quốc vào đầu thế kỷ II, Thái Luân mới cải tiến phương pháp làm giấy. Mãi tới trước sau thế kỷ VIII, họ mới phát minh ra công nghệ in ván khắc. Vì thế thuyết nói trên là không đích thực. Còn công nghệ khắc in sách ở ta thì qua các bộ sử lớn ít nhiều đều có đề cập đến, nhất là vào hai thời đại Lý – Trần. Khi mà Phật giáo đang được sùng thượng từ chốn triều trung râ đến ngoài thôn dã, thì triều đình đã biết lợi dụng cho san khắc nhiều lần bộ Đại Tạng kinh thỉnh được từ Trung Quốc về, rồi phổ biến cho các tự viện trong nước. Nhưng tất cả những gì chúng ta đã có được vào giai đoạn này đều đã bị Minh Thành Tổ ra sắc lệnh hủy diệt tất, nhất là khi Trương Phụ sang nước ta lần thứ hai. Suốt một thời kỳ từ lúc Nguyễn Trãi đọc Đaịi cáo Bình Ngô cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vàng với không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, vì nhiều lý do tác hại đã khiến cho sách vở của nước ta mất mát nhiều. Theo thống kê ban đầu thì 70% số sách còn lại thuộc di sản Hán Nôm lại là sách chép tay, còn các sách in mà có niên đại sớm nhất chỉ được tính vào thời Lê trung hưng trở lại đây, trong đó số sách in vào thời Nguyễn chiếm phần nhiều.

     Bốn mươi năm đầu của vua Gia Long và Minh Mạng là thời kỳ vàng son trong sự trì trệ chung của thế cuộc nhà Nguyễn cho dù cũng có những thành công ghi nhận về các mặt hành chính, kinh tế, văn hóa… Song do bản chất lạc hậu, nền tàng tư tưởng bảo thú, cổ hủ, nằm trong khuôn sáo Nho giáo, bấy giờ chỉ còn là những công thức ràng buộc chết cứng mà thôi. Còn về phương diện Phật giáo nhìn ở không gian các làng xã và hệ Tam giáo mà lâu nay người ta vẫn gọi là “Tam giáo đồng nguyên”, theo chúng tôi thì có lẽ nên bám chặt vào không gian mà nó thực hiện cũng như khả thi lại chỉ đóng khung trong những ngôi chùa hẻo lánh ở trong các làng xã cụ thể, thì thực chất chỉ là Tam giáo đồng đường, chính bản thân nó cũng đã nhạt nhẽo đi nhiều chứ không còn là chỗ dựa tinh thần thực sự của giới trí thức và dân lao động. Người ta có đến những nơi ấy hành hương thì cũng chỉ đến trước những bệ thờ ba hình tượng: Khổng Tử, Thích Ca và Lão Tử, chứ không được trao cho một chất bổ dưỡng nào được gọi là hệ thống tư tưởng…

     Nếu như công nghệ xuất bản sách ở Trung Quốc hưng thịnh nhất vào các đời Tống – Minh, thì ở Việt Nam đỉnh cao đó lại được đúc kết ở triều đại cuối cùng và là vương triều phong kiến Nguyễn. Dẫu có coi đó lầ sự cố gắng đi nữa thì vẫn không khỏi tỏ rõ sự cực kỳ chậm trễ so với các nước trong khu vực chứ chưa kể đến các phương trời khác.

     Về sách vở và cơ sở in thời Nguyễn, thì theo thống kê của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi thì ở nước ta thời này có khoảng 318 “nhà in”(4), đại bộ phận đều mang niên đại Nguyễn. Có một số sách gắn với vài cơ sở in có tiếng và tuổi thọ khá lâu như Phường in Hồng – Liễu 211 tuổi (1683-1904), Đa Bảo Tự 216 tuổi (1665-1881), Vinh Khánh Tự 157 tuổi (1750-1907), Đoan Nghiêm Tự 216 tuổi (1763-1903), Quốc Tử Giám 89 tuổi (1820-1909), Liễu Văn Đường 91 tuổi (1834-1925)…

     Việc in sách còn gắn đến một số nhân vật khởi xướng phục hưng công nghệ in khắc trong giai đoạn này như: Hòa Thượng Phúc Điền (chùa Liên Phái), Trần Công Hiến (Hải Học Đường), Kiếu Oánh Mậu (Áng Hiên Hiệu), Trương Đăng Quế, Cao Xuân Dục…

     Chưa bao giờ nghề in phát triển nở rộ như ở giai đoạn này. Xét về tính chất học thuật cùng nội dung các sách được in thì thấy liên quan đến khá nhiều vấn đề, từ tôn giáo, pháp chế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, văn học, sử học đến nghệ thuật. Sách in ra được chia theo: Tạng (Phật điển) hoặc theo các Bộ: Kinh, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ… và đều có lưu trữ trong các thư viện lớn thời Nguyễn như; Thư viện Tụ Khuê (1802-1840), Thư viện Quốc Sử Quán (1814), Thư viện Nội Các, Thư viện Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole francaised’ Extrême – Orient), thậm chí cả thư viện gia đình như của nhà Lê Nguyên Trung (1846)(5). Ngoài ra phải kể đến các thư viện và những nơi tàng bản thuộc các tổ đình quan trọng như chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Bổ Đà (Bắc Ninh), Vĩnh Khánh (Hải Dương), Bích Động (Ninh Bình), Liên Phái, Bà Đá, Hoằng Ân và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) (vì Ngọc Sơn trước khi chuyển thành Đền vốn là Chùa). Đấy là chưa nhắc nhở đến một số nơi khác cũng có khắc ván in và tự in sách vở, ví dụ: chùa Đông Bộ Đầu (Vạn Điểm – Hà Tây) chùa Kim Hoàng (Hoài Đức – Hà Tây), chùa Quang Minh (Đồng Lao – Hà Tây).

     Phân hoạch các đầu sách được khắc in ta có thể xếp thành 3 khu vực: 1 – Do triều đình phong kiến tổ chức và quản lý. 2 – Do Chùa, Đình, Đền, Quán, Miếu tiến hành. 3 – Do các Phường Hội, tổ chức Tư nhân đảm nhiệm.

     Sự ưu viện về tài chính đã giúp cho các cơ sở do Nhà nước phong kiến quản lý tiến hành in các bộ sách đồ sộ và có giá trị điển hình như các bộ: Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện, Đăng khoa lục v.v… đều do Quốc sử quán đứng ra in khắc. Còn các Kinh sách thuộc phạm vi nhà chùa, đình, đền, quán, miếu, in ấn thì tính chất căn bản thường đi liền với những vấn đề liên quan tới tôn giáo. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Đạo giáo, Phật giáo không hề khắc in các đầu sách liên đới đến những vấn đề khác. Hiện tượng điển hình là bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác được khắc in ngay tại Chùa Đồng Nhân (Bắc Ninh). Nhiều ván in các bộ kinh lớn hiện vẫn còn được tàng bản ở các Chùa như Vĩnh Khánh, Bổ Đà, Dư Hàng, Bà Đá, Liên Phái, Bích Động… Cũng có nơi chỉ in 1, 2 đầu sách. Nhưng cũng có nơi như Đền Ngọc Sơn in hàng loạt sách, cho nên mới có cả một quyển thư mục sách do bản Đền in ra. Đủ thấy rõ khối lượng sách Tôn giáo được in ra vào giai đoạn này nhiều thế nào!

     Mảng sách thuộc khu vực tư nhân tổ chức, phải nhắc đến 2 Phường in Hồng – Liễu (Hải Dương), sự kỳ cựu về tay nghề của họ khiến cho họ đã lưu tên tuổi ở hầu hết các bộ sách thuộc mọi khu vực quản lý. Sự đóng góp không nhỏ bởi những Hội chủ Hưng công và những Hưng công Tín thí đều là những tư nhân trực tiếp bỏ tiền lo liệu công việc khắc và in. Không ít những bộ sách được thực hiện bởi những Hội chủ Hưng công có tước vị ở chốn triều trung. Sự lỏng lẻo về vương quyền cùng với sự biến chuyển dữ dội của xã hội Việt Nam và cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX đã khiến cho nhu cầu về sách vở và các tri thức khoa học trở nên thiết yếu hơn bao giờ, thúc đẩy hàng loạt những Hiệu, Đường, Trai, Lâu ra đời, báo hiệu một thời kỳ mới của nghề in nước ta, đồng thời kéo theo sự lụi tàn “dối già” của nền Nho học nước nhà, song song với tình trạng “vứt bút lông đi…”! Dù thế nào đi nữa thì thời này ở ta cũng đã có nhiều “nhà in” tương đối có tiếng như: Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, Áng Hiên Hiệu (Hà Nội)…, Hải Học Đường, Hướng Thiện Đường (Hải Dương), Ninh Phúc Đường (Hà Nam Ninh), nhà in Đắc Lập (Huế) v.v… đã đáp ứng đầy đủ những đầu sách theo đơn đặt hàng. Bên cạnh những tác phẩm in ra có thể gọi là Thiện bản, Chân bản, không ít những tác phẩm cạnh tranh mà ở đó thiếu sự khảo đính dẫn đến tình trạng chữ tác đánh thành chữ tộ, chữ ngộ đánh thành chữ quá

     Diễn trình công việc để ra được một cuốn sách là cả một quá trình rất phức tạp và tốn kém. Công việc này chỉ được thực hiện bởi những người có uy tín thế lực, có tiền của và lòng nhiệt thành. Nhưng làm thế nào để có được một cuốn sách mà ở đó có đồ hình đẹp và chữ nghĩa nghiêm cẩn lại do sự quyết định của họa công (thợ vẽ) và kinh sinh nhân (thợ viết chữ).

     Đi sâu vào kiểu thức sách ở nước ta thời kỳ này thì thấy có hai loại: 1- Loại Kinh xếp và 2- Loại sách đóng gáy.

     Sự triệt để trong cách trình bày một trang sách đã được người Trung Quốc chuẩn hóa từ lâu đời thành truyền thống, như: Biên lan (viền trang), Thư nhĩ (tai sách), Bản tâm (lòng sách), Ngư vĩ (đuôi cá)(6)… Ý thức bố cục các loại sách có đồ hình minh họa theo các dạng: Thượng đồ hạ văn, Nhất thư nhất họa, Trừu đồ(7) hay là dạng Thượng phong đồ mục lưỡng bàng liên cú (trên có đề tên tranh, hai bên câu đối) cũng được chuyển dịch áp dụng triệt để trong các loại sách Hán Nôm ở nước ta. Những Tổ chức, Thư tứ, Thị phường, Hội in khắc sách ở nước ta thì có cả nhưng để xây dựng thành một phong cách riêng cho từng dòng, từng trường phái in khắc thì lại rất mờ nhạt. Thông qua Tự dạng (dạng chữ), cách trình bày, Đồ hình minh họa và nội dung sách cũng nói nên được sách thuộc vào loại bản nào trong các loại sách sau đây: 1- Tân san, 2- Tân tục, 3- Hậu bổ và 4- Trùng thuyên. Những công đoạn khắc in sách được phân việc một cách cụ thể từ người viết chữ đến thợ khắc ván, đôi khi cần có cả thợ vẽ, cuối cùng mới đến người in đóng. Thợ khắc ván Hồng Liễu trước thời Nguyễn không ít người có khả năng kiêm tất cả các công việc từ viết, vẽ đến khắc in. Xét cho cùng thì dù là sách Nho học hay Tôn giáo, sách thuộc phạm vi quản lý nào đi chăng nữa thì cũng do đôi bàn tay vàng của người thợ khắc mà ra cả. Bởi lẽ họ chẳng thuộc quyền quản lý của ai cả! Ai trưng dụng! Ai thuê mướn? Ai trả tiền xứng đáng thì bấy giờ họ làm. Như vậy đấy!

     Nếu như ở cuối thời Lê, triều đình ra sắc lệnh cấm dân chúng dùng gỗ làm ván khắc kinh kệ của Phật giáo, Lão giáo hoặc thơ văn trái với quan điểm chính thống của triều đình, thì sang đến đời Nguyễn, vào năm 1820, việc in ấn lại được tập trung ở kinh đô Huế, các ván in ở ngoài Bắc đều phải chuyển cả về Văn miếu Huế. Ai muốn in gì thì phải làm đơn từ, cùng giấy mực gửi lên cho Sử quán xem xét mới được. Như thế chứng tỏ ở đây ý thức tàng bản đồng nghĩa với việc giữ bản quyền và tập trung quản lý không cho phép khắc in tràn lan. Điều này trước đó đã khá lâu vốn chỉ xuất hiện trong các Tự viện và Đạo quán.

     Như trên đã nói, đỉnh cao công nghệ khắc in sách ở Trung Hoa phát triển rực rỡ và thời Tống, thời Minh mà một trong những người cực lực cổ suý và đề xướng tính năng và tác dụng của Đồ và Tịch, tức là tranh và sách hay hình và chữ, là Trịnh Tiều(8). Cổ nhân sở dĩ nói Đồ là chỉ ngoài những bản còn gọi là bức vẽ bằng tay ra còn lại phiếm chỉ những tranh khắc mộc bản. Xét về cương vực thì Trung Hoa và Việt Nam phân minh Nam, Bắc đôi ngả, nhưng văn tự thì lại đã “một thời” những hàng nghìn năm chung nhất, dĩ nhiên với hệ thống chữ Nôm được sáng tạo, cũng vẫn không tách hẳn hình thể chữ khối vuông và các bộ Thủ của văn tự Hán, cho nên những ảnh hưởng vốn có từ trước trong quá trình tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ và văn tự vẫn kéo dài cho đến thời Nguyễn cũng là một điều không tránh khỏi.

     Vấn đề cần phải được phân giải tiếp ở đây là mảng Tranh khắc mộc bản trong các sách chữ Hán.

     Người xưa thường nói: “Khán đồ thực tự” (xem tranh biết được chữ). Qua đây đủ biết công năng giáo dục của Đồ hình minh họa sách lớn như thế nào đối với người mới thâm nhập sách vở, đi sâu vào tri thức. Lại nói như cách nói của Trịnh Chấn Đạc(9): “Một bức tranh minh họa đẹp, cũng giống như một áng văn trác tuyệt, khiến cho người xem như đang đứng ở trong cảnh”. Từ mối tương thông, tương hỗ giữa Tranh và Chữ, những người thợ khắc ở Thư phường Kiến An – Phúc Kiến (Trung Quốc) đã độc sáng ra cách trình bày theo lối Thượng đồ hạ văn và Nhất thư nhất họa, đã có ảnh hưởng lớn đến bố cục một tay sách ở Việt Nam sau này. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII với việc Thái tể Tuyên Quận Công là Trịnh Quán đã cho khắc bộ sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, theo lối bố cục Thượng đồ hạ văn, có thể tạm coi đây là một trong những cuốn sách sơ khai thuộc lối bố cục này còn lưu giữ đên ngày nay (xin xem văn bản photocopy hiện có tại TV Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa – Hà Nội). Đến năm Minh Mạng II (1821), Tì Khưu Tính Tình ở chùa Thiên Hòa (Huế) đã cho khắc in 2 bộ sách: Diệm khẩu Du già tập yếu thí thực khoa nghi và Phật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ đà la ni kinh, đều những sách Phật giáo tiêu biểu đại diện cho lối trình bày trên ở thời nhà Nguyễn. Sang thời Minh Mạng 13 (1832), Sa di Phổ Hòa ở chùa Bảo Quang đã cho khắc in bộ Như Lai ứng hiện đồ theo lối Nhất thư nhất họa có tính liên hoàn hoành tráng thật tinh xảo về cách trình bày, minh họa, kỹ thuật khắc chữ. Cùng dạng với lối trình bày này cũng phải kể đến những bộ kinh có quy mô không kém như Quan âm xuất tướng đồ, Phổ Môn xuất tướng đồ. Còn Đạo gia thì có các sách cùng dạng như: Văn Đế toàn thư, Âm chất văn chú

     Một dạng tranh minh họa khác tương đối phổ dụng thường thấy trong các sách chữ Hán đó là tranh Trừu đồ, còn gọi tranh Toàn đồ. Tranh được khắc kín trang giấy, phần nhiều khắc ở trang đầu (tờ mi) hoặc xem kẽ giữa sách. Tiêu biểu cho tranh ở loại sách này có các bộ: Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh khắc năm Thành Thái 4 tại chùa Bà Đá (Hà Nội), Vạn Phật danh kinh xuất tướng đồ do Tăng trụ trì Chùa Long Đọi Sơn (tên Nôm Chùa Đọi) là Đạo Tuân khắc năm Thiệu Trị 6 (1846). Nếu xét về nội dung biểu đạt, của phần lớn tranh trong sách Phật giáo thì có thể thấy sự phong phú hết cỡ về Thể loại, Cấu đồ và Phong cách. Đại khái có mấy loại tranh như sau:

1. Loại Đồ họa sách Phật giáo:

2. Tranh tượng Phật, Bồ tát, La hán v.v..

3. Tranh cao tăng.

4. Tranh truyện nhà Phật.

5. Tranh Kinh biến.

6. Tranh Cố sự.

7. Tranh Bản sinh.

8. Tranh phong cảnh chùa chiền.

9. Tranh Mạn đồ la.

10. Tranh Thuỷ lục.

11. Tranh Tạp loại.

12. Đồ họa sách Đạo giáo:

13. Tranh Tiểu truyện

14. Tranh Nhân vật

15. Tranh Tạp loại.

16. Các Đồ hình minh họa khác:

     Thường phục vụ cho nội dung các sách truyện, thơ Nôm (văn học), sách Y học, Phong thuỷ (địa lý), Toán số… cũng không phải là hiếm.

     Việc lợi dụng ký thuật ấn loát bằng ván khắc thịnh hành trong dân gian làm công cụ truyền giáo hoặc phổ cập kiến thức là việc không chỉ của riêng Chùa Viện và tín đồ Phật giáo, nhưng để đưa ra và định hình được một mảng tranh Đồ họa sách của cả một thời đại thì thế lực cơ bản vẫn thuộc về sức mạnh của dòng tranh Đồ họa trong sách Phật giáo.

     Phần lớn sách được in khắc ở Việt Nam đều y án khắc lại theo sách của người Trung Hoa. Bởi lẽ, sách do người Việt làm ra đại bộ phận là sách chép tay, hình vẽ tay. Hơn nữa trên thực tế lịch sử nền thư tịch cho đến nay hiện thấy không có bao nhiêu sách được khắc ván kể cả văn tự lẫn đồ hình. Cho nên mảng đồ họa sách mà phần lớn chịu ảnh hưởng và dập khuôn theo hình mẫu của người Trung Quốc đã trở thành một điểm yếu không khắc phục được. Đồ họa thời Nguyễn, nói cách khác đồ họa của người Việt thời Nguyễn chỉ cho ta ý niệm tự hào khi mà ở đó có sự bổ sung sinh khí của các dòng tranh khắc dân gian miền xuôi (Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng), dòng tranh khắc Đạo giáo miền núi 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái, và miền núi các tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh (trước CM Tháng 8/1945) và dòng tranh khắc Phật giáo nằm ngoài khuôn khổ của tranh sách. Ở bài này chúng tôi chưa có sự đối chứng, giám định nguồn tư liệu sách từ hai phía, giữa sách gốc của người Trung Hoa và sách do người Việt phục chế khắc lại (vì điều kiện tư liệu rất hạn chế), cho nên những nhận xét trên mới chỉ ở bước đầu mà cũng chỉ là những giả định khoa học trên cơ sở tư liệu có trong tay và hiểu biết do điều tra điền dã, chứ không dám phách lối đi vào phẩm bình nghệ thuật đối với mảng Đồ hình minh họa trong các sách in ở thời Nguyễn và trước Nguyễn. Việc phẩm bình nghệ thuật không thuộc chuyên môn hẹp của chúng tôi.

     Khắc ván in là cả một nghề tinh xảo, vốn được gợi mở tương truyền từ ông tổ nghề là Luơng Nhữ Hộc. Kỹ nghệ khắc ván in của các phường hội Hồng – Liễu không thu kém so với những tay Tử nhân (thợ khắc ván) của Trung Quốc, nhưng thực chất của vấn đề không chỉ dừng ở chữ nghĩa, kiến thức học vấn mà còn ở trình độ thẩm mỹ và nhất là ở lý tưởng thẩm mỹ. Đại đa số thợ khắc ván in chỉ biết khắc ván, ít có khả năng kiêm nghiệm các công đoạn chế bản khác như viết chữ, vẽ tranh. Một mặt khác hình thái xã hội phong kiến Việt Nam không thể có những họa gia như Đường Dần(10) hoạt động cho các Thư Phường, và ở dòng tranh Niên Họa như Dương Liễu Thanh để rồi thổi vào đó một nguồn sinh lực mới, tạo nên bộ mặt mới cho tranh đồ họa. Ở ta, lẩn khuất và thấp thoáng đâu đó một vài người thợ khéo cho nên mức độ chỉ mới là Họa Công dân gian mà thôi. Đây cũng là một nhược điểm nặng nề nữa khiến cho đồ họa sách Việt Nam vừa bị áp chế lại càng dễ bị đồng hóa hoặc mô phỏng ngay cả trong lúc sáng tạo, suy nghĩ, xét trên bình diện văn hóa, dẫn đến sự cáo chung tất yếu của nền Nho học nước nhà vào khoa thi Hội năm Kỷ Mùi (1919), nhường bước cho một thời kỳ mới – Thời kỳ in hoạt tự chữ Quốc ngữ dựa vào kỹ thuật tân tiến của phương Tây.

     Có thể nói, nghệ thuật ấn loát và khắc mộc bản là một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc thù và rất sâu sắc không riêng gì của Việt Nam, nhưng Đồ và Thư hay Đồ tịch có giá trị về văn vật còn được lưu giữ tương đối nhiều trong một số tự viện, đình quán ở nước ta. Đây là mảng di sản văn hiến do người Kinh (Việt) và do một số dân tộc ít người Việt Nam sáng tạo nên cần phải được bảo quản, gìn giữ và bảo vệ đồng hành với việc duy trì và phát triển nghề khắc bản in và nghề giấy cổ truyền, mặc dù hiện thời đã có công nghiệp in và chế giấy rất hiện đại với các phương tiện cực kỳ tinh xảo. Nhà nước ta nên quan tâm và có sự đầu tư cho công việc này.

     Cuối cùng, người viết bài này cũng hiểu rất rõ vì nhiều lý lẽ khiến cho nghệ thuật ấn loát và khắc mộc bản hiện giờ ít được mọi người nghiên cứu và đề cập đến, chứ chưa nói gì đến công chuyện quan tâm và đầu tư sức người, sức của cho nó, song bằng vào những gì hiện còn cũng đủ để tự hào và có căn cứ để minh chứng rằng: bản thân đồ họa sách và cả đồ họa ngoài sách là một dòng tranh lớn – dòng tranh khắc gỗ đen trắng – không thua kém bất kỳ một dòng tranh nào có ở Việt Nam thời phong kiến.

Khởi thảo ngày lành tháng 10 năm 1998

Hoàn chỉnh xong vào ngày lành tháng Giêng năm 1999

Viết tại Hào Nam. Sửa tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Chú thích:

1. Hoàng Hồng Cẩm, bài Bước đầu tìm hiểu nghề giấy cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm số 19.

2. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu đồ họa Hoàng Hải, Uỷ ban Dân tộc Trung ương cung cấp cho.

3. Trần Nghĩa, bài Sáu bức thư… TC Hán Nôm số 2/1995.

4. Mai Hồng – Nguyễn Hữu Mùi, bài Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, TC Hán Nôm số 1/1986.

5. Trần Nghĩa và Francois Gros chủ biên, sách Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, HN 1993.

6. Tiêu Chấn Đường và Đinh Du Đồng, sách Trung Quốc cổ tịch trang đính tu bổ kỹ thuật, thư mục Văn Hiến XB, Bắc Kinh 1980.

7. Tranh trên dưới chữ, một tranh một chữ, tranh kín trang.

8. Trịnh Tiều (1104-1162), sử học gia thời Nam Tống.

9. Trịn Chấn Đạc là một trong những người có công lớn cùng với đại văn hào Lỗ Tấn đã sưu tập và chỉnh lý lại toàn bộ các tác phẩm đồ họa cổ của Trung Hoa.

10. Đường Dần (1480-1523), họa gia nổi tiếng thời Minh.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.481-496)
Trích dẫn từ: http://www.hannom.org.vn/ 

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)