Nghiên cứu địa danh từ phương diện văn hóa dân tộc và trường hợp lai lịch địa danh “Kinh Môn” (Hải Dương)

Tác giả bài viết: VŨ THỊ SAO CHI
(Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
NGUYỄN ĐỨC TỒN
(Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Bài viết tổng kết những nội dung nghiên cứu địa danh từ phương diện văn hóa dân tộc. Nghiên cứu trường hợp địa danh Kinh Môn, dựa trên các cứ liệu về địa lý, lịch sử và đặc trưng khu biệt làm cơ sở đặt địa danh, bài viết đưa ra giả thuyết: Tên gọi “Kinh Môn” xuất hiện vào thời nhà Trần. Thoạt tiên, địa danh “Kinh Môn” chỉ cửa sông lớn (nơi có trang ấp cổ của nhà Trần cư ngụ, lập nghiệp và an táng) là đường thủy (quốc lộ) chính để vua nhà Trần và Hoàng tộc đi về Kinh thành Thăng Long. Về sau, “Kinh Môn” từ tên gọi cửa sông đã chuyển hóa thành tên gọi vùng đất có cửa sông này. Đây là sự chuyển hóa địa danh theo phương thức hoán dụ, diễn ra giữa loại hình thực thể địa lý địa hình tự nhiên và loại hình thực thể địa lý dân cư.

Từ khóa: Địa danh, văn hóa dân tộc, Kinh Môn.

Phân loại ngành: Ngôn ngữ học.

ABSTRACT

     The article summarizes the research contents of place names from the perspective of national culture. Studying the case of Kinh Môn place names, based on geographical, historical and distinctive features as the basis for nominating geographical entites, the article hypothesizes: The name “Kinh Môn” appeared in the dynasty Trần. At first, the name “Kinh Môn” refers to the mouth of the large river (in the place of Trần Dynasty’s old manor house where they lived, settled and buried) was the main waterway (national highway) for the Trần king and the Royal Family to go to Thăng Long Capital City. Later, from the name of the river mouth, “Kinh Môn” was transformed into the name of the land having this estuary. This is the transformation of place names in a metonymy manner, taking place between the type of natural topographic geographical entity and the type of residential geographical entity.

Keywords: Place name, national culture, Kinh Môn.

Subject classification: Linguistics.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Thuật ngữ địa danh có nguồn gốc tương ứng với các từ toponima haytoponoma trong tiếng Hy Lạp: topos -địa điểm và onoma/ onima-tên gọi, có nghĩa là “tên gọi điểm địa lý”. Nếu chiết tự thì địa danh là “tên đất”. Song địa danh với tư cách là đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học (Địa danh học -Toponomastics) thì cần phải được hiểu rộng hơn, khái quát hơn, đó là tên gọi của thực thể địa lý tồn tại trên trái đất. Mỗi thực thể địa lý được gọi bằng một đơn vị từ vựng -tên riêng. Những tên riêng địa lýnày tạo thành một hệ thống riêng trong từ vựng của mỗi ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau vềđịa danh. Theo quan điểm của chúng tôi, để định nghĩa khái niệm “địa danh” chỉ cần nêu những đặc trưng cần và đủsau đây của nó theo cấu trúc của một định nghĩa khái niệm khoa học: chỉ ra khái niệm loại và sự khác biệt về chủng.

     Trước hết, địa danh thuộc phạm trù tên riêng (tên riêng bao gồm cả nhân danh, vũ trụ danh, thần danh, tên các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tên ấn phẩm, tên sự kiện lịch sử, tên năm tháng,…).

     Thứ hai, sự khác biệt về chủng của địa danh so với các loại tên gọi khác đã nêu trên đây cùng nằm trong phạm trù tên riêng, đó là: đối tượng được đặt tên/ định danh là thực thể địa lý.

     Xuất phát từ các đặc trưng cần yếu nêu trên, chúng tôi định nghĩa: địa danh là tên riêng của một thực thể địa lý (Nguyễn Đức Tồn, 2009: 6).

     Trong các công trình địa danh học từ trước tới nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu địa danh từ nhiều phương diện, như: phân loại địa danh; nguồn gốc, lịch sử của địa danh; các mô hình, phương thức, quá trình tạo ra địa danh; sự nảy sinh, phổ biến, sự phân bố của địa danh qua không gian, khoảng thời gian khác nhau; chuẩn hóa địa danh. Song, từ phương diện lý thuyết của chuyên ngành Tâm lý ngôn ngữ học tộc người nghiên cứu lĩnh vực đặc trưng văn hóa -dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, chúng tôi nhận thấy rằng, địa danh không chỉ cho thấy những đặc điểm định danh mang tính chất thuần túy ngôn ngữ học mà nó còn cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn và lý thú về đặc trưng văn hóa -dân tộc của chủ thể đã sáng tạo ra địa danh. Có nhiều vấn đề về văn hóa dân tộc mà nay không còn hoặc không có tài liệu ghi chép để lại, thì chúng ta có thểdựa vào các địa danh để tìm hiểu. Bởi vậy, từnăm 2009, Nguyễn Đức Tồn đã đề xướng nghiên cứu địa danh theo hướng từ phương diện đặc trưng văn hóa -dân tộc khi hướng dẫn cho các học viên làm luận văn thạc sĩ, như: Trương Thị Mỵ nghiên cứu “Đặc điểm của các địa danh thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) từ góc độ văn hoá”; Hoàng Thị Phượng tìm hiểu về “Đặc điểm lịch sử- văn hoá của các địa danh huyện Việt Yên -Bắc Giang”,…

     Trong bài viết này, chúng tôi tổng kết những nội dung nghiên cứu địa danh từ phương diện văn hóa dân tộc,chỉ ra các phương diện văn hóa dân tộc được phản ánh, nhận biết qua địa danh. Từ góc độlý thuyết địa danh học kết hợp với các cứ liệu về địa lý và lịch sử, sử dụng phương pháp so sánh lịch sử và phương pháp phân tích văn bản học, phương pháp phân tích hình thái bên trong của từ, chúng tôi nghiên cứu trường hợp lai lịch địa danh Kinh Môn để lý giải tên gọi “Kinh Môn” có từ bao giờ và tại sao lại gọi vùng đất mà nó trỏ là “Kinh Môn”; từ đó góp phần làm rõ thêm đặc điểm địa -văn hóa và văn hóa -lịch sử của Kinh Môn, một địa danh gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, cũng là vùng đất linh thiêng, địa linh nhân kiệt.

2. Nghiên cứu địa danh từ phương diện văn hóa dân tộc

     Có thể nghiên cứu địa danh để nhận biết các phương diện văn hóa dân tộc sau đây.

     2.1. Nghiên cứu địa danh về phương diện địa – văn hóa

     Văn hóa là sản phẩm được con người sángtạo ra. Các thực thể địa lý tựnhiên (sông, suối, vịnh, biển, núi, hang, động, đèo, đầm,…) vốn tồn tại hàng ngàn năm nay, nhờ con người đặt tên gọi cho chúng mà chúng đã trở thành các hiện tượng địa -văn hóa. Đặc trưng địa -văn hóa được phản ánh qua các thành tố chung trong phức thể địa danh. Mỗi phức thể địa danh là một tổ hợp từ gồm có thành tố chung chỉ loại hình của thực thể địa lý (được viết bằng chữ thường) và địa danh là tên riêng (được viết hoa) của thực thể địa lý này, ví dụ: “biển Đông”, “sông Cửu Long”, “kênh Nhiêu Lộc”, “hồ Ba Bể”, “núi Ba Vì”, “khe Sanh”, “gò Đống Đa”, “làng Sen”, “huyện Củ Chi”, “tỉnh Sóc Trăng”,… Chính thành tố chung trong phức thể địa danh là cứ liệu chứa thông tin về những đặc trưng địa -văn hoá của vùng địa lý được định danh. Chẳng hạn, hệ thống địa danh của một vùng nào đó mà có phần lớn các thành tố chung chỉ những loại hình địa lý như: đồng, ruộng, biển, sông, hồ, ao, đầm, ngòi, kênh, rạch, mương, máng,… thì đây là một chỉ báo cho biết đó là vùng đồng bằng với nền văn hóa sông nước; ngược lại, nếu như phần lớn các thành tố chung mà chỉ các loại hình địa lý như: núi, dốc, đèo, đồi, gò, vực, rừng, thác, suối, ngàn,… thì đó là dấu hiệu đặc trưng địa -văn hóa miền núi.

     Ví dụ, theo số liệu thống kê của Trương Thị Mỵ, trong số 617 phức thể địa danh của huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) thì có 71 thành tố chung chỉnúi; 81 thành tố chung chỉ đồi; 17 thành tố chung chỉ hang; 3 thành tố chung chỉ thắng cảnh; 78 thành tố chung chỉ sông, suối, ao hồ; 87 thành tố chung chỉ ruộng đồng; 189 thành tố chung chỉ đơn vịdân cư làng xã, 40 thành tố chung chỉ con đường chính, 36 thành tố chung chỉ cầu bắc qua sông suối và 15 thành tố chung chỉ đập thuỷ lợi. Như vậy, xét riêng về số lượng các thành tố chung chỉ thực thể địa lý tự nhiên thì chỉ có 87 thành tố chung chỉ ruộng đồng, trong khi đó có trên 200 thành tố chung chỉ núi đồi, hang động, suối… Các con số thống kê trên đây đã chứng tỏ huyện Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên là một huyện miền núi, là “một huyện có địa hình khá phong phú các dạng: nhiều đồi, núi, ruộng, đồng, sông, suối” (Trương Thị Mỵ, 2009: 68).

     2.2. Nghiên cứu địa danh về phương diện cộng đồng dân cư là chủ thể tạo ra địa danh

     Mỗi vùng miền địa lýcó thểcó cư dân sinh sống thuộc những tộc người khác nhau, hoặc những cộng đồng người khác nhau tuy thuộc cùng một dân tộc nhưng vốn ở những địa phương khác nhau về tụ cư. Qua hệ thống các địa danh, nhất là địa danh ở những vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, chúng ta có thể thấy được phần nào đặc trưng văn hóa đặc thù về tộc người của cư dân nơi đó. Bởi lẽ, mỗi dân tộc đã sáng tạo ra những địa danh riêng bằng ngôn ngữ của dân tộc mình để gọi tên các thực thể địa lý ở vùng mà dân tộc đó sinh sống.

     Ví dụ, trong hệ thống phức thể địa danh huyện Võ Nhai, bên cạnh các địa danh bằng tiếng Việt chiếm số lượng tuyệt đại đa số, còn có khá nhiều địa danh được cấu tạo bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, chủ yếu là ngôn ngữ Tày -Nùng. Theo nghiên cứu của Trương Thị Mỵ, các địa danh là tiếng dân tộc thiểu số được phân bố ở tất cả các loại hình thực thể địa lý, như: tên núi: đán Lân Tô (vách núi hình cái bát tô), pà Đao Choong (ngọn núi nhiều cây lau), Đán Mạkhao (núi ngựa trắng),…; tên sông, suối: khuổi Kheo (suối xanh), suối Pác Ma (suối miệng chó),…; tên đơn vịdân cư: xóm Nà Lay (xóm ruộng thụt), xóm Khuổi Uốn (xóm Suối Uốn),… Tất cả những địa danh này chỉ các thực thể địa lý thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cư trú từ lâu đời, chủ yếu tập trung ở các xã phía bắc của huyện Võ Nhai. Chính đặc điểm cộng đồng dân cư này đã để lại dấu ấn đậm nét trong những địa danh ở huyện Võ Nhai được hình thành trên cơ sở ngôn ngữ bản địa. Ngoài ra, Trương Thị Mỵ còn cho biết, trong hệ thống địa danh Võ Nhai còn có một số địa danh được cấu tạo bằng sự hỗn hợp tiếng dân tộc thiểu số với tiếng Việt, ví dụ: nà Phú (ruộng Giàu) hay đường Khau Vàng (đường Rừng Vàng) đã phản ánh rất rõ tính đa tầng và hội nhập văn hoá trong địa danh của Võ Nhai. “Đây chính là hiện tượng song ngữ trong cách đặt địa danh của Võ Nhai -hệ quả của sự tiếp xúc ngôn ngữ của cư dân nơi đây. Việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong địa danh Võ Nhai cho thấy Võ Nhai là một mảnh đất có nhiều dân tộc thiểu số chung sống từ lâu đời. Họ sinh cơ lập nghiệp tại đây và dùng tiếng nói của chính dân tộc mình để gọi tên sự vật, hiện tượng địa lý xung quanh. Những cách gọi tên cũng thật gần gũi với lối tư duy của họvà phản ánh được bức tranh địa lý toàn cảnh của địa phương” (Trương Thị Mỵ, 2009: 69).

     2.3. Nghiên cứu địa danh về phương diện văn hoá sản xuất của cư dân

     Qua hệ thống địa danh của một địa phương, chúng ta có thể nhận ra đặc điểm nền sản xuất vật chất của địa phương đó. Các nhà nghiên cứu đã nêu đặc trưng nổi bật của văn hóa Việt Nam là nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Theo Phạm Đức Dương, “nền văn hoá đó có cội nguồn và bản sắc riêng, đã phát triển liên tục trong lịch sử. Đó là phức thể văn hoá của các cư dân thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với ba yếu tố: văn hoá núi, văn hoá đồng bằng và văn hoá biển. Trong đó, yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng lại đóng vai trò chủ đạo…” (Phạm Đức Dương, 2000: 42). Nghiên cứu địa danh ở huyện Việt Yên (Bắc Giang), Hoàng Thị Phượng đã cho thấy rằng, có thể nhận ra nghề trồng lúa nước ở Việt Yên qua các địa danh chỉ vùng đất nhỏ phi dân cư như: cánh đồng, bãi, vườn,… và các hệ thống thuỷ lợi như: sông, hồ, máng, kênh, ngòi, rộc,… Huyện Việt Yên có 6 phức thể địa danh mang thành tố chung là cánh đồng (cánh đồng Đông Tiến, cánh đồng Quang Biểu,…); 3 phức thể địa danh có chứa thành tố chung là bãi (bãi Vậng, bãi Nương Không,...); 2 phức thể địa danh có thành tố chung là vườn (vườn Lò, vườn Hạnh); 7 phức thể địa danh có thành tố chung là sông (sông Cầu, sông Khả Lý,...); 8 phức thể địa danh có thành tố chung là hồ (hồ Chàng, hồ Tăng Quang,…); 6 phức thể địa danh có thành tố chung là ngòi (ngòi Cầu Quân, ngòi Lái Nghiên,...); 1 phức thể địa danh có thành tố chung là kênh (kênh N3); 2 phức thể địa danh có thành tố chung là máng (máng Minh Đức, máng Trung Sơn) (Hoàng Thị Phượng, 2009: 99).

     Ngoài ra, phương diện văn hóa sản xuất của huyện Việt Yên còn được nhận thấy qua những địa danh có liên quan đến làng nghề truyền thống. Đây là những nghề cổ truyền có từ rất lâu đời, đã được chọn làm đặc trưng khu biệt để đặt tên cho làng. Do vậy, làng nghề đã trở nên quen thuộc với nhân dân trong vùng đến mức người ta chỉ gọi tên làng theo sản phẩm làng làm ra mà không gọi tên riêng chính danh của làng được ghi trong văn bản hành chính, ví dụ: làng Gốm, làng Rượu, làng Mây Tre Đan thay cho tên riêng: làng Thổ Hà, làng Vân, thôn Tăng Tiến,… hay dấu vết của nghề rèn còn lưu lại trong địa danh thôn Rèn (thôn Lò Rèn).

     Nghiên cứu của Trương Thị Mỵ về các địa danh ở Võ Nhai lại còn cho thấy phương diện văn hóa sản xuất ở đây có nét khác biệt so với Việt Yên. Võ Nhai là vùng có nhiều dãy núi đá vôi, ruộng đồng, sông suối đan xen với núi đồi. Người dân Võ Nhai chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề rừng. Dấu ấn văn hóa sản xuất này cũng đã được phản ánh phần nào qua hệ thống địa danh. Trong đó có 48 địa danh có các yếu tố nà/ na (đồng, ruộng), đồng, ruộng, ví dụ: xóm Nà Kháo, xóm Na Đồng, xóm Đồng Quán,… Hay các địa danh -tên riêng là những yếu tố phản ánh những loại cây gắn với nghề rừng như: đồi Chuối, đồi Sim,… (Trương Thị Mỵ, 2009: 77-78).

     2.4. Nghiên cứu địa danh về phương diện văn hoá sinh hoạt của cư dân

     Hệ thống địa danh của mỗi vùng miền cũng có thể giúp chúng ta nhận ra phần nào những nét văn hóa sinh hoạt của cư dân nơi đó. Văn hoá sinh hoạt được phản ánh trước hết qua những địa danh chỉ vị trí quần cư của các cộng đồng người.

     Chẳng hạn, ở huyện Việt Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung, người Kinh chiếm đa số. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương này, “văn hoá sinh hoạt của người Việt (tức người Kinh) ở đây nhìn chung có cùng diện mạo với văn hoá miền Đông Bắc sông Hồng, nhưng là tiểu vùng bán sơn địa” (Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang, 2006: 373). Theo nghiên cứu của Hoàng Thị Phượng, trong hệ thống địa danh chỉ các đơn vị dân cư ở Việt Yên có chứa những yếu tố tên riêng vốn là danh từ chung chỉ thực thể địa lý tự nhiên, như: sông, hồ, núi, gò, đồi… Các địa danh này đã cho thấy thói quen của tập quán chọn địa vực cư trú của người Việt Yên là gần đồi núi hoặc gần sông hồ. Ví dụ: thôn Núi Hiểu là thôn nằm dưới chân núi Hiểu, thôn Núi Trùng là thôn nằm dưới chân núi Trùng, xóm Gò Găng là xóm nằm cạnh gò đất mọc rất nhiều cây găng, làng Thổ Hà là làng nằm ven sông Cầu,… (Hoàng Thị Phượng, 2009: 96).

     Hay từ nghiên cứu của Trương ThịMỵ, chúng ta cũng có thể thấy phương diện văn hoá sinh hoạt của cư dân ở Võ Nhai qua các địa danh thể hiện rõ cách lựa chọn vị trí quần cư, lập làng. Ví dụ: xã Lâu Thượng, xã Phú Thượng, xã Thượng Nung, xóm Cao Lầm, bản Nưa (bản ở trên),… Ở Võ Nhai, các địa danh chỉ đơn vị dân cư chứa yếu tố “sơn” chiếm số lượng khá lớn (13 đơn vị), ví dụ: xóm Hùng Sơn, xóm Kim Sơn, xóm Ngọc Sơn,… Các địa danh đó biểu hiện rõ nét vịtrí không gian của các làng bản, thôn xóm được cư dân nơi đây lựa chọn, đó là vị trí được núi đồi bao bọc. Những địa danh này cho thấy người dân Võ Nhai thường chọn nơi cư trú, sinh sống làm ăn ở vị trí trên cao. Vị trí trên cao giúp họ tránh được thú dữ, lại dễ đối phó với thời tiết khắc nghiệt ở miền núi (Trương Thị Mỵ, 2009: 76).

     2.5. Nghiên cứu địa danh về phương diện văn hoá tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân

     Hệ thống địa danh của mỗi vùng miền, đặc biệt là tên gọi các công trình xây dựng liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng, đã phản ánh rõ nét phương diện văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng của cư dân trong vùng miền ấy Chẳng hạn, địa danh ở huyện Việt Yên phản ánh rất rõ nét sự tồn tại của các di sản văn hoá vật thể thông qua các thành tố chung chỉ những công trình xây dựng, như chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ, am,… Theo số liệu thống kê của Hoàng Thị Phượng, huyện Việt Yên có 73 phức thể địa danh có chứa thành tố chung chùa: chùa Bổ Đà, chùa Bài Xanh, chùa Núi Đất,…; 15 phức thể địa danh có chứa thành tố chung đền: đền Bà Chúa Kho, đền Thượng, đền Phủ Xe...; 38 phức thể địa danh có chứa thành tố chung đình: đình Kép, đình Thôn Núi, đình Mật Ninh…; 3 phức thể địa danh có chứa thành tố chung miếu: miếu Trịnh Mẫu, miếu Đạo Ngạn… và 1 phức thể địa danh có chứa thành tố chung am: am Tứ Đức. Việt Yên có 4 nhà thờ Thiên Chúa giáo được gọi tên bằng các phức thể địa danh có chứa thành tố chung nhà thờ: nhà thờThiết Nham, nhà thờ Đạo Ngạn, nhà thờ Nếnh Sen,...Tất cả các thực thể địa lý được gọi tên bằng những địa danh này đều là những công trình xây dựng – kiến trúc gắn với đời sống văn hoá tâm linh của nhân dân trong huyện (Hoàng Thị Phượng, 2009: 91).

     Qua các địa danh trên, có thể nhận thấy ở Việt Yên có đủ cả ba tôn giáo lớn ở Việt Nam là: Phật giáo, Đạo giáo và Thiên Chúa giáo. Thực tế, địa danh nơi đây đã phản ánh rõ nét sự tồn tại và ảnh hưởng của các tôn giáo đối với đời sống văn hoá của cư dân trong huyện, đặc biệt là đạo Phật. Cũng theo Hoàng Thị Phượng, các địa danh ở huyện Việt Yên còn phản ánh khá rõ nét dấu ấn tín ngưỡng của cư dân, như:

     1) Tín ngưỡng thờ thần: Tuỳ theo địa vực cư trú của mình mà người Việt Yên lập nên các đền thờ: làng nào ven chân đồi, núi thì thờthần núi Cao Sơn -Quý Minh, ví dụ: đình Sơn Quang, đình thôn Núi,… Nếu ở cạnh sông thì người ta thờ thần sông Tam Giang là Trương Hống -Trương Hát, ví dụ: đền Vân (đền Chính), đình Vân,…

     2) Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Nhà nào ở Việt Yên cũng có bàn thờ tổ tiên. Những dòng họ lớn còn xây dựng nhà thờ họ, ví dụ: nhà thờ họ Đạo (Nếnh), nhà thờ họ Chu Danh,…

     3) Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng: Như số lượng các địa danh đã cho thấy, Việt Yên có 38 đình, 15 đền. Ví dụ: đình Thổ Hà được xây dựng từ thế kỷ XVII thờ Thái thượng Lão Quân hay còn gọi là Lão Tử, Lão Đam. Đây là vị thần có nguồn gốc ở Trung Quốc, nhưng có lẽ do nghề chính của Thổ Hà thành bại đều trông ở việc đốt lửa nung chum vại -gần với sự tích Lão Quân trông coi lò bát quái trên thiên đình, nên nhân dân nơi đây thờngài là thành hoàng. Tuy vậy, hình tượng Lão Quân đã được Việt hóa khá nhiều: ngài dẹp Xích Quỷ, giúp An Dương Vương xây thành ốc và hóa ở chùa Đoan Minh. Đình Trung Đồng thờ thành hoàng là Hoắc Công Thực – người có công khai phá đồng hoang, lập ấp…

     4) Tín ngưỡng thờ người có công với nước: chẳng hạn, các phức thể địa danh ở Việt Yên, như: đình Chàng, đình Ải Quang,… là nơi thờ Cao Sơn -Quý Minh đánh giặc phương Bắc; hay những địa danh: đình Khả Lý, đình Sen Hồ là nơi thờ Trương Hống -Trương Hát phò tá Triệu Quang Phục…

     Ngoài ra, địa danh ởViệt Yên còn phản ánh tín ngưỡng thờ đá, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân trong huyện: đền thờ Bà Chúa Lẫm, đền thờ Bà Chúa Kho chỉ nơi thờ các Mẫu sinh ra từtín ngưỡng nông nghiệp; miếu Ngõ Thón chỉ nơi thờ Liễu Hạnh công chúa; đình Hoàng Mai là nơi thờ Thiều Dương công chúa (Hoàng Thị Phượng, 2009: 95). Các địa danh ở Võ Nhai cũng mang đậm dấu ấn tôn giáo và tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Theo Trương Thị Mỵ, các địa danh ởhuyện Võ Nhai cho thấy nơi đây có ba tôn giáo khác nhau là đạo Phật, Công giáo và đạo Tin lành: chùa Xả, đền Đình Cả, nhà thờ Đồng Chăn,… Trong địa danh Võ Nhai, có khá nhiều thành tố chung vốn chỉ loại hình thực thể địa lý là các công trình xây dựng phục vụcho nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã được chuyển hoá thành các yếu tố tên riêng trong phức thể địa danh. Ví dụ: núi Chùa là ngọn núi có ngôi chùa, cánh đồng Tủng Đình là cánh đồng trước đây có ngôi đình và thường diễn ra các lễ hội, thị trấn Đình Cả là thị trấn có ngôi đình rất lớn, xóm Chùa là xóm có dấu vết của ngôi chùa cổ… (Trương Thị Mỵ, 2009: 73-74).

2.6. Nghiên cứu địa danh về phương diện lịch sử

     Ở Việt Nam có nhiều địa danh gắn với các sự kiện lịch sử dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước của tổ tiên ta, như: Cổ Loa, Bạch Đằng, Yên Tử, Lam Sơn, Đống Đa, Ngọc Hồi, Pác Bó, Tân Trào, Điện Biên Phủ, Hiền Lương, Lao Bảo, Củ Chi,... Nhiều địa danh ở một địa phương cũng gắn với dấu ấn lịch sử của địa phương ấy. Chẳng hạn, ở hai huyện Võ Nhai và Việt Yên đều có những địa danh gắn liền với quá trình đấu tranh lịch sử lâu dài của huyện, của dân tộc. Chẳng hạn, ở huyện Việt Yên có phòng tuyến Sông Cầu gắn liền với chiến công của quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống. Hay núi Bình Voi chỉ nơi huấn luyện tượng binh của Trần Hưng Đạo chuẩn bị kháng chiến chống giặc Nguyên -Mông (thế kỉ XIII),… (Hoàng Thị Phượng, 2009: 102). Ở huyện Võ nhai cũng có nhiều địa danh gắn với dấu ấn lịch sửcủa địa phương, ví dụ: địa danh đỉnh Cột Cờ chỉ ngọn đồi cắm cờ trong thời chiến tranh; đồi K1 chỉ nơi thành lập đội quân K1 trong chiến tranh; đồi Thông Tin chỉ ngọn đồi là nơi đội Cứu Quốc quân II đóng trại giao liên chỉ huy chiến đấu giữa các vùng; đồi Quan Sát là tên gọi ngọn đồi có bố trí tổ quan sát để bắn máy bay Mỹ; đồi Chòi Tây là tên ngọn đồi để canh người Pháp đi càn thời chống Pháp… (Trương Thị Mỵ, 2009: 78-80). Võ Nhai có một di tích lịch sử cấp Quốc gia là rừng Khuân Mánh. Đây là địa danh gắn với di tích lịch sử thành lập đội cứu Quốc quân II vào ngày 15/9/1941 ở tại rừng Khuân Mánh thuộc xóm Đồng Ruộng (Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên, 2003).

     Kinh Môn cũng là một trong những địa danh gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc. Nghiên cứu vềlai lịch địa danh Kinh Môn trong mục dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm đặc điểm địa -văn hóa và văn hóa -lịch sử của Kinh Môn.

3. Lai lịch địa danh “Kinh Môn”

     Hiện nay, Kinh Môn là tên của một thị xã thuộc tỉnh Hải Dương, nằm ở phía đông bắc của tỉnh; phía Bắc giáp thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), phía nam giáp huyện Kim Thành, phía đông giáp huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), phía Tây giáp huyện Nam Sách và thành phố Chí Linh (Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương). Ngày11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số768/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã Kinh Môn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Kinh Môn và thành lập phường An Lưu trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Kinh Môn.

     Sách Đại Nam nhất thống chí, mục “Phủ Kinh Môn” có ghi rằng: “Nguyên xưa là lộ Hà Đông. Thời thuộc Minh là đất phủ Tân An. Năm Quang Thuận nhà Lê đặt tên là phủ Kinh Môn, thuộc Hải Dương. Đời Tây Sơn đổi cho thuộc về Quảng Yên. Đầu năm Gia Long (1802), lại cho thuộc về Hải Dương như cũ, gồm bảy huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, Thủy Nguyên, Kim Thành, An Dương, Nghi Dương và An Lão…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2012: 1225-1226).

     Ngoài ra, “Kinh Môn” còn là tên của một con sông mà trong dân gian gọi là sông Vận (thongdong, 2019). “Sông Kinh Môn là một nhánh nhỏ ngắn của hệ thống sông Thái Bình, (…) bắt đầu từ địa phận xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tách ra từ sông Kinh Thầy. Dòng sông chảy cơ bản theo hướng tây bắc -đông nam để nhập với sông Hàn tại ngã ba Nống tạo ra sông Cấm. Điểm cuối của sông Kinh Môn thuộc địa phận xã Minh Hòa (thị xã Kinh Môn) và xã Đại Bản (huyệnAn Dương-thành phố Hải Phòng)” (Bách khoa toàn thư mở, mục sông Kinh Môn).

     Những thông tin trên cho thấy rằng, địa phận hành chính và cả con sông chảy qua địa phận này trước khi được đặt tên là “Kinh Môn” có tên gọi khác. Vậy, gốc tích, lýdo của tên gọi “Kinh Môn” khởi nguồn từ đâu?

     Theo các tư liệu địa lý-lịch sử-văn hóa liên quan đến địa danh Kinh Môn: “Kinh Môn là thị xã nằm ở vùng bán sơn địa, được bao bọc xung quanh và chia cắt bởi nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình như: sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, sông Kinh Môn bao quanh và các con sông nhỏ như: sông Đò Than, sông Nguyễn Luân. (…). Về Lịch sử, vào năm 40, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, “nữ tướng Lê Chân lập trang An Biên khai phát khu vực thượng nguồn sông Cấm ngày nay, chắc chắn Kinh Môn không xa biển. (…). Ngày xưa, con sông Bạch Đằng đổ vào hệ thống sông Thái Bình rồi lên Kinh thành chính là đường thủy quốc lộ chính, địa vật ngày nay chắc khác xưa nhiều.” (Bách khoa toàn thư mở, mục thị xã Kinh Môn), (Các chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh có liên quan đến lai lịch của địa danh Kinh Môn).

     “Kinh Môn là mảnh đất có bề dày lịchsử lâu đời. Nơi đây xưa kia vốn là trang ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, thân sinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trang ấp này ngày nay thuộc xã An Sinh, dưới chân núi An Phụ. Vì vậy, chắc chắn vùng núi An Phụ có vịtrí tâm linh đặc biệt đối với họTrần. (…) Sự kết nối giữa hệ thống sông ở Kinh Môn với sông ngòi vùng Đông Bắc là rất rõ ràng. Vì vậy, mối quan hệ giữa các con sông ở Kinh Môn với trận chiến trên sông Bạch Đằng trong lịch sử là điều có thể hiểu được. (…) chiến trường Bạch Đằng với trận đánh lịch sử của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông năm 1288 là một chiến trường liên hoàn được bố trí trong một khu vực rộng lớn từ vùng Lục Đầu Giang cho đến cửa sông Bạch Đằng. Trên một trận địa rộng được bố trí theo địa hình của các con sông, Hưng Đạo Đại Vương đã bố trí các trận địa bãi cọc, các đội quân phục kích, dẫn dụ để đưa quân Nguyên Mông đi theo đúng ý đồ của người chỉhuy trận chiến” (VịThủy, 2019).

     Vào năm 2015, nhân dân thôn Nghĩa Lộ, xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương đào ao thả cá ở cánh đồng Cầu Thủ, đã phát hiện bãi cọc Kinh Môn. “Bãi cọc này được các nhà khảo cổ khai quật đầu năm 2018. (…) Bãi cọc Kinh Môn nằm cách bãi cọc Bạch Đằng khoảng gần 40km đường sông. Điều đó cho thấy khả năng quân dân Đại Việt không chỉ cắm cọc ở Bạch Đằng, mà còn ởdọc đoạn sông chảy ra cửa Bạch Đằng, có một hệ thống bãi cọc mà bãi cọc Kinh Môn chỉlà một trong số đó. Đáng chú ý, Kinh Môn khi đó là nơi đóng đại bản doanh của Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông để chỉ huy quân sĩ chiến đấu”(Trịnh Sinh, 2018).

     Như vậy, Kinh Môn chính là vùng sông nước, nơi vua tôi nhà Trần lập nghiệp và cư ngụ, an táng khi qua đời. Từ đó đi theo đường thủy quốc lộ chính về Kinh thành Thăng Long. Nhận định này cũng phù hợp với các tài liệu địa lý, lịch sử. Xin dẫn thêm một số thông tin quan trọng sau:

     “Nguyễn Hoàng từ Kinh thành Thăng Long đã kéo quân theo đường thủy đến phủ lỵ Kinh Môn làm bản doanh để làm cuộc chinh phạt các thếlực chống lại triều đình”; “vùng sông nước từ Kinh Môn đến Đồ Sơn, nằm trong khu vực phủ Kinh Môn xưa”. (Bách khoa toàn thư mở, mục thị xã Kinh Môn).

     Đến đây, tư liệu địa lý-lịch sử-văn hóa cần được kết hợp với lý thuyết địa danh học để tìm câu trả lời về lai lịch địa danh Kinh Môn. Về phương diện lý luận, khác với tên riêng là tên chính của người, các lý do để đặt địa danh thường là lý do khách quan, nghĩa là đặc trưng khu biệt nằm trong chính thực thể địa lý được đặt tên. Lý do này được thể hiện rất rõ qua “hình thái bên trong” của địa danh.

     Chúng tôi xin giải thích rõ hơn khái niệm “hình thái bên trong” của từ nói chung, của địa danh nói riêng. Việc định danh một thực thể địa lý cũng tuân theo nguyên lý định danh các sự vật, hiện tượng… nói chung (gọi chung là khách thể được định danh), tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt riêng. Theo nguyên lýđịnh danh (Gak B.G. 1977), Nguyễn Đức Tồn đã chỉra rằng, để định danh một khách thể bất kỳ, trước tiên, người ta quy loại khái niệm cho khách thể này rồi chọn dấu hiệu đặc trưng khu biệt cho nó. Cả “khái niệm loại” và “dấu hiệu đặc trưng khu biệt” này trong ngôn ngữ đều đã có từ biểu hiện. Sự phối hợp của các từ này theo quy tắc cấu tạo từ trong mỗi ngôn ngữ tạo thành “hình thái bên trong” cũng là cấu tạo hình thức của tên gọi. Ví dụ: để định danh một loài hoa có màu hồng, trước hết nó được quy loại vào khái niệm loại đã có từ biểu hiện là hoa. Sau đó là việc chọn dấu hiệu đặc trưng khu biệt màu sắc của loài hoa này được biểu hiện bằng từ hồng, rồi đưa vào “hình thái bên trong” tạo ra tên gọi hoa hồng... (Nguyễn Đức Tồn, 2015: 191-193). Hay việc đặt địa danh cho ngọn núi có tên gọi “núi Voi” cũng theo nguyên lý định danh như vậy: trước hết người ta quy loại thực thể địa lý này vào khái niệm loại đã có tên gọi là núi. Đây chính là thành tố chung trong phức thể địa danh. Bước tiếp theo là chọn đặc trưng khu biệt làm thành tên riêng của núi này: có hình thù giống con vật đã có từ biểu thị là voi. Từ đó, người ta ghép từ là “thành tố chung” (núi) với từ chỉ “đặc trưng khu biệt” (voi) để tạo thành “hình thái bên trong” và cũng chính là cấu tạo hình thức của tên gọi ngọn núi này là núi Voi (Nguyễn Đức Tồn, 2009: 7-8). Do vậy, ngoại trừ các trường hợp địa danh có sự biến đổi vỏ ngữ âm thì việc tìm hiểu nguồn gốc ra đời của địa danh thường có thể dựa vào hình thái bên trong của địa danh.

     Dựa vào kết quả nghiên cứu định danh trên tư liệu các từ nói chung qua các trường từ vựng chỉ bộ phận cơ thể người, hướng dẫn luận án, luận văn cao học nghiên cứu các từ chỉ động thực vật và địa danh ở một số địa phương, chúng tôi đã tổng kết được 15 đặc trưng khu biệt (hay lý do) thường được lựa chọn làm cơ sở đặt địa danh và làm thành hình thái bên trong của địa danh (được xếp theo thứ hạng giảm dần về mức độ phổ biến):

     1) Đặc trưng hình thức của thực thể địa lý, ví dụ: núi Vuông, núi Voi,…

     2) Đặc trưng vị trí địa lý, hướng không gian của thực thể địa lý so với thực thể địa lý khác, ví dụ: làng Thượng, thôn Đầu, xóm Giữa,…

     3) Đặc điểm, tính chất của thực thể địa lý, ví dụ: đồi Trọc, núi Xẻ, làng Thổ Hà,...

     4) Đặc trưng kích thước, số lượng bộ phận cấu thành thực thể địa lý, ví dụ: sông Cả, núi , núi Lùn, núi Tam Đảo, suối Huổi Hốc (suối sáu nhánh),…

     5) Đặc trưng màu sắc của thực thể địa lý, ví dụ: sông Lam, núi Bài Xanh, núi Đỏ,

     6) Tên người hoặc tên dòng họ cư trú, ví dụ: thôn Chu Xá, xóm Bùi Cáp,...

     7) Đặc trưng điển hình bởi có sự vật, hiện tượng hoặc sinh vật đặc thù tồn tại, sinh trưởng nhiều ở khu vực địa lý được định danh, ví dụ: hồ Hồng Khếnh (hồ Khe Kêu), rừng , bản Ta Pô (bản Bến Cây Đa), thác Bay (thác Cây Trám Đen),…

     8) Đặc trưng liên quan đến huyền thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, hoặc những biến cố lịch sử xảy ra tại khu vực địa lý mang tên, ví dụ: núi Phượng Hoàng, núi Bàn Cờ Tiên, núi Bộ Không, núi Bộ Kháng, núi Bộ Ngạch,

     9) Đặc trưng phương thức xây dựng, địa hình kiến tạo của thực thể địa lý, ví dụ: sông Đào, cầu Treo, bản Kéo (bản đèo), bản Na Ten (bản Ruộng Cao Phẳng),…

     10) Chất liệu địa chất kiến tạo, ví dụ: bản Đán Yên (bản Đá Gân Trắng), bản Pha Đin (bản Vách Đất), bản Noong Chứn (bản Ao Chì), suối Hồng Lếch (suối Khe Sắt),…

     11) Chức năng, mục đích sử dụng của thực thể địa lý, ví dụ: ao Gạo, núi Bình Voi, đồi Thông Tin, bản Chăn Nuôi,…

     12) Nghề nghiệp chủ yếu của cư dân trong vùng, ví dụ: phố Hàng Mã, làng Gốm, làng Rượu,…

     13) Đặc trưng thời gian thành lập hoặc xây dựng, ví dụ: thôn Tân Lập (mới thành lập), bản Mới; con số hoặc chữ cái, ví dụ: thôn Đông 1, thôn Đông 2, quốc lộ 3, đồi F, cầu C9,…

     14) Tâm lý, nguyện vọng của chủ thể định danh, ví dụ: thôn Mỹ Hưng (đẹp giàu), bản Thanh Bình (trong sáng, bình yên), tỉnh Hưng Yên (hưng thịnh, yên ấm),…

     15) Các yếu tố cấu tạo trong các địa danh đã có được ghép với nhau, ví dụ: huyện Lâm Hà (Lâm Đồng + Nội) thuộc tỉnh Lâm Đồng, xã Hoành Sơn (Giao Hoành+ Giao Sơn) thuộc tỉnh Nam Định, hay trước đây có tỉnh Bắc Thái (Bắc Kạn+ Thái Nguyên),…

     Từ những cơ sở lý luận và thực tế nêu trên đây, dựa vào hình thái bên trong của địa danh, chúng tôi đi tìm lai lịch địa danh “Kinh Môn” qua lý do đặt tên. “Kinh Môn” là địa danh Hán Việt. Theo Hán Việt từ điển giản yếu, kinh có nghĩa là: “to lớn -trải qua -thủ đô một nước”, còn môn có nghĩa là “cửa để ra vào” (Đào Duy Anh, 2013). Đối chiếu với 15 loại đặc trưng khu biệt làm cơ sở đặt địa danh đã nêu trên, có thể thấy loại đặc trưng thứ hai -“vị trí địa lý” và thứ tư -“kích thước, số lượng bộ phận cấu thành thực thể địa lý” phù hợp với địa danh “Kinh Môn”. Như vậy, từ góc độ lý thuyết định danh, có thể giả định rằng “Kinh Môn” là địa danh được đặt theo lý do khách quan (vị trí địa lý và kích thước) để chỉ “cửa lớn” hoặc “cửa đi về Kinh (kinh thành, kinh đô)”.

     Quay trở lại với các tư liệu địa lý- lịch sử- văn hóa đã dẫn ở đầu mục này cũng cho biết, vị trí địa lý và địa hình thời xa xưa của nơi đây là: “Vùng sông nước”, “được bao bọc xung quanh và chia cắt bởi nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình (…) và các con sông nhỏ…”; “Ngày xưa, thời nữ tướng Lê Chân lập trang An Biên khai phát khu vực thượng nguồn sông Cấm ngày nay, chắc chắn Kinh Môn không xa biển”; “Nơi đây xưa kia vốn là trang ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, thân sinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. (…) Sự kết nối giữa hệ thống sông ở Kinh Môn với sông ngòi vùng Đông Bắc là rất rõ ràng. Vì vậy, mối quan hệ giữa các con sông ở Kinh Môn với trận chiến trên sông Bạch Đằng trong lịch sửlà điều có thể hiểu được.”; Ngày xưa, con sông Bạch Đằng đổ vào hệ thống sông Thái Bình rồi lên Kinh thành chính là đường thủy quốc lộ chính”.

     Chính vì thời xưa, khu vực có trang ấp của An Sinh Vương Trần Liễu -thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là vùng sông nước nên giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Do vậy, vua tôi nhà Trần đã thường xuyên đi theo đường thủy này về Kinh thành Thăng Long, nên đã đặt tên cho cửa sông lớn dẫn vào đường thủy -quốc lộ chính về Kinh đô là Kinh Môn.

     Trên đây chúng tôi đã nêu lý do đặt địa danh Kinh Môn dựa vào “hình thái bên trong” là “cửa lớn” hoặc “cửa đi về kinh”. Cả hai lý do đều phù hợp với thông tin địa lý-lịch sử- văn hóa xưa của địa danh Kinh Môn. Do vậy, có thể nhận định gốc tích, lý do của tên gọi Kinh Môn được thể hiện qua hình thái bên trong của địa danh này như sau: “Kinh Môn là cửa sông lớn vua tôi nhà Trần đi về kinh thành Thăng Long”. Sau đó, đến thời nhà Lê (niên hiệu Quang Thuận), “Kinh Môn” vốn là tên gọi cửa sông đã được dùng để đặt cho vùng đất có cửa sông này, đó là: “phủ Kinh Môn” như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi (về sau là huyện/ thị xã Kinh Môn qua các lần thay đổi đơn vị hành chính). Đây là hiện tượng chuyển hóa địa danh/ tên gọi theo quan hệ hoán dụ (Nguyễn Đức Tồn, 2009: 11-12) diễn ra giữa các loại hình thực thể địa lý khác nhau: từ tên gọi loại hình thực thể địa lý là địa hình tự nhiên (cửa sông Kinh Môn) chuyển sang tên gọi loại hình thực thể địa lý dân cư (phủ/ huyện/ thịxã Kinh Môn).

     Hiện tượng chuyển hóa của địa danh “Kinh Môn”cũng giống như các hiện tượng chuyển hóa địa danh sau đây: chẳng hạn, ởThái Nguyên có một cái hang núi (tên chung chỉ loại hình thực thể địa lý là địa hình tự nhiên) trong đó có xây một ngôi chùa (công trình nhân tạo). Ngôi chùa này được gọi tên là chùa Hang, ngọn núi (loại hình thực thể địa lý là địa hình tự nhiên) có chùa Hang được gọi tên là núi Chùa Hang và địa bàn dân cư nơi này cũng được đặt tên là thị trấn Chùa Hang. Tương tựnhư vậy là những trường hợp chuyển hóa địa danh như: chợ nổi Cái Bè -huyện Cái Bè, núi La Hiên – dốc La Hiên – chợ La Hiên -xã La Hiên,…

     Cũng cần nói thêm rằng, trải qua quá trình phong hóa, xói mòn, vận chuyển và bồi tụ, địa hình Kinh Môn đã có nhiều biến cải. Cửa sông xưa mênh mông sóng nước dẫn vào con đường thủy (thủy lộ) chính đi về Kinh đô Thăng Long, nơi có bãi cọc (cạnh bãi cọc Bạch Đằng) trong trận đồ được nhà Trần thiết kế để chống quân Nguyên xâm lược, ngày nay đã bồi đắp thành bãi bờ, đồng ruộng. Do vậy, cửa sông có tên gọi “Kinh Môn” đã mất và bây giờ chỉ còn vùng đất (huyện/ thịxã) và con sông nhỏ chảy trong địa giới hành chính này mang tên “Kinh Môn”.

4. Kết luận

     Địa danh là tên riêng của một thực thể địa lý. Trên cơ sở lý thuyết của chuyên ngành tâm lýngôn ngữ học tộc người về đặc trưng văn hóa -dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, có thể nghiên cứu địa danh từ những phương diện văn hóa dân tộc khác nhau, trong đó có phương diện lịch sử của một dân tộc hoặc của một địa phương mang địa danh nhất định. Đặc biệt, dựa vào cơ sở lý thuyết định danh về cách đặt địa danh, các đặc trưng khu biệt (hay lý do) làm cơ sở đặt địa danh, chúng ta có thể nghiên cứu, truy tìm được lai lịch của một địa danh, nhất là các địa danh lịch sử lâu đời, trong đó có địa danh Kinh Môn. Từ sự phân tích dựa trên các cứ liệu địa lý-lịch sử- văn hóa, có thể đưa ra giả thuyết rằng, tên gọi “Kinh Môn” xuất hiện vào thời nhà Trần. Thoạt tiên, địa danh “Kinh Môn”chỉ cửa sông lớn (nơi có trang ấp cổ của nhà Trần cư ngụ, lập nghiệp và an táng) là đường thủy (quốc lộ) chính để vua nhà Trần và Hoàng tộc đi về Kinh thành Thăng Long. Về sau, “Kinh Môn” từ tên gọi cửa sông đã chuyển hóa thành tên gọi vùng đất (phủ/huyện/ thị xã) có cửa sông này. Đây là sự chuyển hóa địa danh theo phương thức hoán dụ, diễn ra giữa loại hình thực thể địa lý là địa hình tự nhiên và loại hình thực thể địa lý dân cư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bách khoa toàn thư mở(Wikipedia) (Nd). Mục “Kinh Môn”.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_M%C3%B4n

     Cổng thông tin điện tửtỉnh Hải Dương. Mục “Thị xã Kinh Môn”.
https://web01.haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=4176#:~:text=Th%E1%BB%8B%20x%C3%A3%20Kinh%20M%C3%B4n%20n%E1%BA%B1m,v%C3%A0%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20Ch%C3%AD%20Linh

     Đào Duy Anh. (2013). Hán Việt từ điển giản yếu. Nxb. Văn hóa -Thông tin.

     Gak B.G. (1977). Về loại hình học định danh ngôn ngữ học. Những vấn đề đại cương. Nxb. Khoa học Matsxcova [Гак, B.Г.(1977). K типологии лингвистических номинаций. Общие вопросы. М. Наука].

     Hoàng Phê (chủ biên, tái bản).(2010). Từ điển tiếng Việt. Nxb. Từ điển bách khoa.

     Hoàng Thị Phượng & Lan Hương.(2009). Đặc điểm định danh của địa danh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Ngôn ngữ. Số 9.

     Hoàng Thị Phượng. (2009). Đặc điểm lịch sử-văn hoá của các địa danh huyện Việt Yên -Bắc Giang. [Luận văn thạc sĩ,Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên].

     Lê Trung Hoa.(2004). Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở miền Đông Nam Bộ.Ngôn ngữ. Số 9.

     Lê Trung Hoa. (2006). Địa danh học Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội.

     Nguyễn Đức Tồn. (2009). Về địa danh và ý nghĩa của địa danh. Tạp chí Ngôn ngữ. Số 12.

     Nguyễn Đức Tồn. (tái bản 2015). Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Nxb. Khoa học xã hội.

     Nguyễn Văn Âu. (2008). Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

     Quốc sử quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. Tổng tài: Cao Xuân Dục; Toản tu: Lưu Đức Xứng, Trấn Xán. Bản dịch của Hoàng Văn Lâu. In lần thứnhất. Nxb. Lao động -Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

     Phạm Đức Dương. (2000). Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Nxb. Khoa học xã hội.

     Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang. (2006). Địa chí Bắc Giang, Địa lý và kinh tế. Xí nghiệp in Trung tâm thông tin thương mại.

     Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên. (2003). Thái Nguyên đất và người. Công ty in Thái Nguyên.

     Superanskaja, A.V. (2002). Địa danh là gì. Đinh Lan Hương dịch. Nguyễn Xuân Hoà hiệu đính. Matxcơva.

     Thongdong (18/6/2019). Sông Kinh Môn (sông Vận). Văn thế kỉ blogspot.
https://vanthekt.blogspot.com/2019/06/song-kinh-mon-song-van.html

     Trịnh Sinh. (2018). Hé lộ những bí ẩn từ bãi cọc Kinh Môn. Biên phòng.
https://www.bienphong.com.vn/he-lo-nhung-bi-an-tu-bai-coc-kinh-mon-post264646.html.

     Trương Thị Mỵ. (2009). Đặc điểm của các địa danh thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) từ góc độvăn hoá. [Luận văn thạc sĩ, TrườngĐại học Sư phạm Thái Nguyên].

     Vị Thủy. (2019). Kinh Môn: Phát hiện bãi cọc từ thời nhà Trần. Báo điện tử tỉnh Hải Dương.https://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/kinh-mon-phat-hien-bai-coc-tu-thoi-nha-tran-103868.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10-2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghiên cứu địa danh từ phương diện văn hóa dân tộc và trường hợp lai lịch địa danh “Kinh Môn” (Hải Dương) – Tác giả: Vũ Thị Sao Chi ; Nguyễn Đức Tồn