Nghiên cứu LỄ CÚNG CẦU PHÚC qua Văn bản tục lệ Hán Nôm huyện Từ Liêm, tỉnh HÀ ĐÔNG xưa

RESEARCH OF THE FESTIVAL OF PRUCTION THROUGH THE TRADITIONAL DOCUMENTS OF “HAN NOM” IN TU LIEM DISTRICT, HA DONG PROVINCE

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HOÀNG YẾN
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

TÓM TẮT

     Đời sống tâm linh người dân Việt Nam từ xưa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống làng xã. Chính vì vậy, văn bản tục lệ của làng ghi chép rất nhiều lệ thờ cúng như: cầu an, khai ấn, động thổ, thường tân, thượng điền, hạ điền và việc thờ cúng Thành hoàng làng là việc quan trọng nhất của cả làng. Trong các lễ cúng ấy, cúng cầu phúc được nhiều làng xã quan tâm nhất. Cho đến hiện nay, lễ cúng cầu phúc đầu năm ở đình, chùa, miếu vẫn được người dân coi trọng, thể hiện mong muốn một năm mới mạnh khỏe, bình an. Thông qua việc tìm hiểu lệ cúng này ở huyện Từ Liêm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Từ khóa: lễ cầu phúc, văn bản tục lệ, huyện Từ Liêm, thờ Thành hoàng làng.

ABSTRACT

     The spiritual life of Vietnamese people has played a very important role in the countryside since ancient times. Therefore, the village’s customary documents record many rituals of worship such as: praying for peace, opening seals, breaking ground, “thuong tan”, “thuong dien”, “ha dien” and the worship of the Village’s Emperor is the most important thing of the whole village. Among those worshiping ceremonies, praying for blessings is the most interested in many villages. Until now, the ceremony to pray for good fortune at the beginning of the year in communal houses, pagodas and shrines is still respected by people, expressing their wish for a healthy and peaceful new year. Through studying this ritual in Tu Liem district, we will better understand the cultural and spiritual activities of the people in the ancient Northern Delta.

     Keywords: Blessing ceremony, customary documents, Tu Liem district, worshiping the village god.

x
x x

1. Mở đầu

     Trong cuộc sống làng xã thời xưa, đời sống tâm linh của người dân đóng vai trò quan trọng, trong đó đình, chùa, miếu,… không chỉlà các cơ sở tín ngưỡng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân địa phương. Đình và miếu là nơi thờ thánh, có vị là nhân vật lịch sử khai cơ lập nghiệp cho làng chết được thờ thành Thần (Thành Hoàng), phù hộ cho người dân địa phương sống sung túc, no đủ. Chùa thờ Phật hầu như làng nào cũng có chùa. Thống kê mục cúng tế trong các văn bản tục lệ huyện Từ Liêm xưa cho thấy các điều lệ quy định về việc cúng cầu phúc được nhiều văn bản quy định nhất. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu về lệ cầu phúc ở huyện Từ Liêm, qua đó để hiểu hơn về đời sống tâm linh của người dân Việt Nam xưa.

2. Nội dung

     2.1. Vài nét chung

     Tiết cầu phúc thường tiến hành vào tháng 2 Âm lịch và diễn ra trong nhiều ngày. Lễcúng tùy làng xã và năm được mùa hay mất mùa mà tổ chức to hay nhỏ. Lúc mới vào đám thì gọi là “Nhập tiệc” và khi lễ xong ra đám gọi là “Xuất tiệc” hay “Mãn tiệc” đều có cúng tế. Trước ngày vào đám, người dân thường làm lễ mộc dục (tắm rửa) cho thần vị, lau rửa đồ tế khí, rước nước. Sau đó, tổ chức lễ rước thần từ đình, miếu với đầy đủ các đồ tế khí, nghi trượng như tàn lọng, chiêng trống. Trong những ngày lễ hội, địa phương tổ chức ca hát thờ thần, đánh cờ, đấu vật, vui chơi, ăn uống. Hết đám, họlại rước thần vị về miếu, đình và làm lễ “Xuất tiệc” hay ” Mãn tiệc”. Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu một số đặc điểm của huyện Từ Liêm xưa như vị trí địa lý, phong tục tập quán và khí hậu.

     Về vị trí địa lý: Theo sách Đồng Khánh địa dư chí, huyện Từ Liêm do phủ Hoài Đức kiêm lý. Huyện hạt phía đông giáp giới huyện Vĩnh Thuận, phía tây giáp giới huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây, phía nam giáp giang phận huyện Yên Sơn, phía bắc giáp sông Nhị Hà, đối bờ với hai huyện Yên Lãng, Yên Lạc. Đông tây cách nhau 17 dặm 13 trượng lẻ. Nam bắc cách nhau 33 dặm 90 trượng 2 thước lẻ. Huyện có 13 tổng, gồm xã, thôn, trại, châu, sở1.

     Về phong tục: các xã Đông Ngạc, Tây Tựu, Hương Canh, Vân Canh, La Khê, La Nội, Phú Diễn có nhiều nhà khoa bảng, nên tương đối hào hoa phong nhã. Còn lại thì chất phác nhưng ương ngạnh. Việc cưới xin, ma chay trong huyện nói chung giản tiện. Hàng năm đến mùa xuân mở hội tế thần, có ca hát, kéo dây, múa rối, vui chơi hàng tuần mới thôi. Dân Cổ Nhuế, Hạ Mỗ hung hãn. Các xã Thượng Thụy, Phú Gia, Phùng Khoang rải rác có dân theo đạo [Thiên chúa].

     Khí hậu: các tháng giêng, hai, ba ấm áp, có mưa phùn. Các tháng tư, năm, sáu, bảy nắng nóng, thường có mưa rào, nước sông dâng cao. Tháng tám mát dịu, nhiều mưa, thỉnh thoảng có bão. Tháng chín ít mưa, nước sông rút dần. Tháng mười đến đầu tháng chạp gió bấc rét lạnh. Kết quả thống kê cho thấy, huyện Từ Liêm có 46 văn bản tục lệ Hán Nôm ghi chép lễ cúng cầu phúc. Tài liệu thành văn sớm nhất ghi chép về tục lệhiện còn thấy được là văn bản của xã Minh Tảo lập năm Chính Hòa thứ 19 (1698). Văn bản được biên soạn gần đây nhất là bản tục lệ của sở Quán La, tổng Phú Gia lập năm Khải Định thứ 1 (1916).

     Về thời gian diễn ra lễ cúng cầu phúc, các làng xã huyện Từ Liêm thường tổ chức cúng nhiều kỳ trong năm và mỗi kỳ diễn ra nhiều ngày. Lệ cúng được tổ chức vào tất cả các tháng trong năm. Qua khảo sát của chúng tôi, lễ cúng diễn ra nhiều nhất vào tháng 2 và tháng 8. Các làng xã thường tổ chức cúng 1 kỳ/năm (30 lần), 2 kỳ/năm (11 lần). Một số làng xã không ghi thời gian cúng, số kỳ cúng trong một năm. Thôn Hạ xã Hạ Trì tổ chức 6 kỳ/năm, vào các tháng 2, 3, 4, 8, 9, 11. Xã La Dương cúng 9 kỳ/năm, vào các tháng 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11. Các làng xã cúng 1 kỳ/năm, thường vào các tháng 1 (4 lần), tháng 2 (20 lần), tháng 3 (xã Hoàng Xá), tháng 8 (2 lần), tháng 10 (xã Mạc Xá) và tháng 12 (xã Thụy Phương). Các làng xã cúng 2 kỳ/năm, thường vào các tháng 2 và tháng 8 (6 lần), tháng 1 và tháng 2 (2 lần), vào các tháng 2 và tháng 10 (2 lần), tháng 1 và tháng 9 (1 lần), tháng 2 và tháng 11 (xã Mạc Xá). Các làng xã cúng 3 kỳ/năm vào các tháng 1, 2, 3 (thôn Trung, xã Hạ Trì); các tháng 1, 2, 8 (2 lần); các tháng 1, 2, 10 (xã Thụy Phương). Các làng xã thường cúng một kỳ hàng năm, tuy nhiên có nơi cúng 2, 3, 4 thậm chí 6 kỳ một năm. Điển hình là ghi chép về phong tục ởthôn Hạ, xã Hạ Trì, tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (Hà Đông tỉnh Hoài Đức phủ Từ Liêm huyện HạTrì tổng HạTrì xã Hạ thôn phong tục), kí hiệu AF a2/58, lập năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), cúng 6 kỳ một năm vào tháng 2, ngày 8 tháng 3, ngày 10 tháng 4, tháng 8, ngày 10 tháng 9 và ngày 13 tháng 11. Địa điểm tổ chức cúng là ở đình, chùa, miếu. Theo thống kê, đình là nơi chủ yếu diễn ra lễ cúng (24 lần), miếu (9 lần). Ngoài ra, lễ cúng còn được tổ chức tại chùa (2 lần), từ chỉ (1 lần) nhưng hầu hết các văn bản tục lệ không ghi nơi tổ chức cúng (32 lần). Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo cứu lễ cúng cầu phúc ở huyện Từ Liêm về các phương diện lễ vật cúng tế, kinh phí mua sắm lễ vật và thành phần thụ lộc sau cúng tế.

     2.2. Lễ vật cúng tế

     Lễ vật cúng tế ở huyện Từ Liêm rất đa dạng phong phú, với các sản phẩm sẵn có tại địa phương như gia súc, xôi, rượu, bánh trái, hoa quảvà kim ngân. Tuy nhiên, việc sắm sửa lễ vật cúng tế còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và phong tục từng làng xã. Chúng tôi đã tiến hành thống kê các văn bản tục lệ Hán Nôm huyện Từ Liêm thì thấy gia súc được nhiều làng xã dùng cúng tế nhất là gà (76 lần), lợn (59 lần), xôi (151 lần), rượu (106 lần), trầu cau (102 lần), kim ngân (30 lần). Lễ vật ít được cúng hơn chuối, cam (13 lần), cơm (7 lần), đồ mã (xã La Dương). Tuy nhiên, một số làng xã không ghi cụ thể lễ vật cúng (14 lần). Một số làng xã có lệ ca hát thờ thần (14 lần) nhưng không nhiều nơi có lệ này.

     Lễ vật cúng ngoài các thứ như gia súc, xôi, rượu, trầu cau thì làng xã cũng bày một số loại lễ vật khác như: cỗ chay, mâm cỗ thịt, cỗ gà, mâm cỗ xôi thịt, cỗ tiên thường, cỗ gà xôi, thủ lợn, tim lợn, miếng thịt, chân giò lợn, thức ăn chín, giò, tràng hoa lợn. Người đứng ra mua sắm lễ vật cúng gồm: thôn trưởng, giáp trưởng2, tuần phiên3, hội lão4, giáp5, giáp cai6, quan viên7, giáp Đương cai8, thủ phiên9, Đương cai10, thủ từ. Theo thống kê, lễ vật cúng chủ yếu do giáp mua sắm. Khảo sát lệ cúng tế trong văn bản tục lệ huyện Từ Liêm cho thấy lệ cúng thờ thần của xã Đông Ngạc11 diễn ra trong thời gian dài, quy định chi tiết các loại lễ vật cũng như các nghi thức diễn ra lễ hội. Trong đó, có 34 điều về việc thờ cúng thần ngày Nhập tịch. Có thể nêu ra một số tục lệ tiêu biểu trong lệ cúng cầu phúc này như sau: Ngày mồng 8 có tục lau rửa đồ tế khí như hương án, chùy, búa đồng, rìu đồng, long đao, giá chiêng, trống, hạc thờ,… Lệ rước văn cúng, rước nước, rước cỗ gà, rước cỗ lớn từ các ngõ, xóm lên đình. Lệ đi tuần quanh đình và cỗ cúng vào đêm Nhập tịch. Lệ định vào giờ Tị ngày mồng 9, phụng rước long mã. Lệ phân công người, giáp phụtrách khiêng các đồthờ.

     Tục lệ quy định kích thước, hoa văn, màu sắc ba bộ triều phục, triều đai, mũ chầu… cho thần. Sáng sớm ngày mồng 9 mang trầu cau cúng thần xin chọn các đồ ngự phục. Sáng sớm mồng 10, lễ phụng rước. Đầu tiên rước cỗ, rước nước, rồi rước văn tế. Giờ Dậu mồng 10, lệ Nhập tịch rước tế. Sáng sớm ngày 11, Đương cai làm cỗ chay, có các loại bánh. Ngày 12, lệ làm cỗ chay và cỗ mặn. Đến sáng sớm ngày 19, phụng rước cỗ gà và rước nước, giống như lệ rước nước, rước cỗ ngày mồng 10. Lệ giờ Mùi ngày 22 làm lễ khao tiễn đàn. Pháp sư phát hịch12.

     Như vậy, công việc chuẩn bị cho ngày nhập tịch, thờ thần và tổ chức lễ rước bắt đầu từ ngày mồng 8 kết thúc ngày 22, diễn ra trong 14 ngày với nhiều nghi thức, đồ tế khí, làm cỗ cúng và có sự tham gia của rất nhiều người trong làng. Như vậy có thể thấy lệ cầu phúc ở huyện Từ Liêm xưa đã là ngày hội của dân làng, thường sau phần lễ cúng, cả làng cùng vui chơi, ăn uống vui vẻ. Tuy nhiên, việc thờ cúng cầu phúc ở một số nơi có lúc diễn ra trong nhiều ngày, tổ chức ăn uống, vui chơi linh đình, bỏ bê công việc làm ăn sinh sống, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nên đến các triều vua Gia Long, Minh Mệnh đều có các luật lệ nhằm giảm bớt tình trạng này. Lệ cúng tế trong giai đoạn này cũng đã có nhiều lần sửa đổi nhằm giảm bớt các tiết cúng tế và mua sắm lễvật cúng trong năm so với tục cũ theo lệnh vua Minh Mệnh. Đồng thời giảm gánh nặng đóng góp cho người dân trong thôn như bản tục lệ của thôn Kim Hoàng lập vào ngày 2 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) quy định13.

     2.3. Kinh phí mua sắm lễ vật cúng

     Kinh phí mua sắm lễ vật ở huyện Từ Liêm được thu từ nhiều nguồn khác nhau như: tiền mua lễ vật chia cho số người trong hương ẩm14 (giáp/thôn), do giáp/thôn/xã chi tiền, hoa lợi từ ruộng tế, thu tiền của các chàng rể ngoài làng, thu tiền các phường hương, đai, vạn (làng chài), chợ, từ nguồn lợi ao hồ kênh mương, tiền thuế, tiền lan giai, tiền giải, tiền công. Kinh phí được thu từ nhiều nguồn khác nhau, rất phong phú, tùy theo điều kiện tựnhiên, kinh tế và phong tục của từng làng xã. Cụ thể, chúng tôi thống kê được như sau: Bảng 1. Nguồn kinh phí mua lễ vật.

     Theo thống kê từ bảng 1. ở trên, kinh phí mua sắm lễ vật cúng ở huyện Từ Liêm chủ yếu do các giáp/thôn/xã chi tiền (39/71 lần), hoa lợi thu được từ ruộng tế (12/71 lần). Một số làng xã chia tiền mua lễ vật cho sốngười trong hương ẩm hoặc không ghi tiền lấy từnguồn nào. Ngoài ra, một số làng xã còn có nhiều nguồn thu khác như: xã Đông Ngạc thu tiền của các chàng rể ngoài, phường hương, đai, vạn (làng chài), chợ. Thôn Kiều Trì, xã Phù Diễn có ba nguồn thu từ ruộng tế, tiền hương ẩm và giáp chi tiền. Xã Phúc Lý thu tiền hoa lợi từ 1 cái hồ 7 sào, 1 cái mương và hoa lợi từ ruộng tế (bản khoán lệ lập năm Minh Mệnh thứ 7 (1826)), hoa lợi từ ruộng tế và tiền thuế 7 quan tiền cổ (bản khoán lệ lập năm Khải Định thứ 3 (1918). Thôn Nội, xã Thượng Trì thu tiền lan giai, tiền giải, tiền công. Thôn Hậu Ái, xã Vân Canh lấy tiền công và do bàn 4 đóng góp. Ngõ Long Trung do người bàn 2 sắm lễ. Giáp Ngạc Nhất xã Đông Ngạc thu tiền của những chàng rể ngoài làng, các phường hương, đai (bản tục lệ lập năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741). Bản tục lệ của giáp Ngạc Nhất lập năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), tiền mua lễ vật lấy từ tiền thu của đất chợ, xóm chài và con rể của giáp. Bản tục lệ giáp Ngạc Nhất, lập năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) do quan viên, hương lão15, người ngoài đến buôn bán nộp tiền cho giáp này. Xã Thụy Phương mỗi người nộp cho giáp 10 quan gạo.

     2.4. Thành phần thụ lộc

     Sau khi cúng xong, lễvật kính biếu những người thi cử đỗ đạt, Hội Tư văn16, quan viên, chức sắc địa phương, những người tham gia cúng tế, người phục vụ cúng tế làm cỗ, đương thứ lý dịch, thôn trưởng, hương lão, thủtừ, tuần phiên, tuần phu17, bả lềnh18, phường bát âm19, phường trống, ca công20 và số lễ còn lại thì bày cỗ cho dân ăn uống tại đình. Tuy nhiên, việc kính biếu tùy theo tục lệ từng làng xã mà lễ vật được biếu cho những đối tượng nào, dân làng có được hưởng lộc hay không. Cụ thể, việc thụ lộc ở huyện Từ Liêm như sau: Hầu hết các làng xã ở huyện Từ Liêm không ghi cụ thể lễ vật kính biếu ai, những người nào thụ lộc (43/74 lần). Một số làng xã cúng xong bày cỗ cho dân ăn uống tại đình (10/74 lần) hay chia cho giáp/dân mang về ăn uống. Một số giáp/thôn/xã biếu quan viên, chức sắc (7/74 lần), những người đỗ đạt khoa trường, Hội Tư văn (4/74 lần). Có thể kể ra một số trường hợp như: Giáp Đoài Nhị xã Đông Ngạc biếu những người phục vụ lễ cúng, số lễ còn lại làm cỗ dân ăn uống. Giờ Dậu ngày nhập tiệc, thôn Hạ, xã Hạ Trì tế xong, thủ lợn biếu Tư văn, cổ biếu quan viên, còn lại thịt bao nhiêu chia đều cho 4 giáp làm lệ. Ngày 8 tháng 3 Nhập tịch thờ thần tại đình của bản xã biếu Hội Tư văn 4 cỗ tiên thường, 2 mâm gà xôi, 2 hộp trầu cau, 1 chĩnh rượu, còn biếu đãi tùy nghi, còn lại từ già đến trẻ uống rượu. Ai vắng thì không có phần. Bản tục lệ xã Hạ Hội cho quan viên, lý dịch, thôn trưởng nhận lộc 1 mâm (10 đấu) xôi, đãi Tư văn 1 mâm (5 đấu) xôi, đãi 16 người già 1 mâm (5 đấu) xôi.

3. Kết luận

     Cầu phúc là tiết cúng quan trọng nhất trong năm của người dân huyện Từ Liêm xưa. Qua việc cúng tế này, người dân cầu mong cuộc sống được bình an, mạnh khỏe, mùa màng bội thu,… Đối với nhiều làng xã, việc cúng tế không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là ngày hội của dân làng. Hơn nữa, đối với một số làng xã còn là dịp làng xã này kết giao với các làng xã xung quanh. Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục của từng làng xã mà lễ cúng ấy diễn ra một lần hay nhiều lần trong năm, sắm sửa lễ vật, tổ chức ca hát và các hoạt động khác. Hầu hết các làng xã huyện Từ Liêm tổ chức lễ cúng 1 đến 2 lần mỗi năm, lễ cúng thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Mỗi lần cúng diễn ra trong nhiều ngày. Lễ vật cúng rất phong phú, đa dạng. Đây đều là những sản vật dân dã và sẵn có tại địa phương như lợn, gà, xôi, rượu, trầu cau, bánh dày, bánh cuốn, kim ngân,… Nhiều làng xã không quy định cụ thể lễ vật dâng cúng, vì phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhiều hay ít, cũng như kết quả thu hoạch mùa màng của từng năm để mua sắm. Một số làng xã có quỹ ruộng đất rộng thì để ra một phần ruộng làm ruộng tế, đặc biệt là một số làng xã nằm ở ven sông Hồng, nơi có nhiều đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, kinh phí sắm sửa lễ vật còn được huy động từ nhiều nguồn thu khác nhau phục vụ cho lễ cúng tế. Sau khi cúng xong, đối tượng được làng xã biếu lễ vật thường là những người tham gia cúng tế, Hội Tư văn, quan viên chức sắc địa phương, người nhiều tuổi nhất trong làng, thủ từ, phiên tuần rồi số lễ còn lại làm cỗ những người có mặt ăn uống tại đình. Có nơi lễ vật còn lại được chia cho giáp mang về nhà Đương cai uống rượu. Nhìn chung, số người được thụ lộc khá đông. Sau lễ cúng, làng xã thường tổ chức lễhội, là dịp để người dân địa phương tụ họp giao lưu với nhau và diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí. Cho đến ngày nay, người dân nhiều địa phương huyện TừLiêm xưa (nay là các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hồ Tây, Cầu Giấy, một phần quận Thanh Xuân và Hà Đông) hàng năm vẫn tổ chức cúng cầu phúc, (tuy không còn cúng nhiều lần trong năm như xưa) với mong ước người dân có một năm mới bình an, mạnh khỏe, công việc thuận lợi.

__________
     1. Theo Đồng Khánh địa dư chí (Tập 2). Nxb. Thế giới, tr.7.

     2. Giáp trưởng: người đứng đầu giáp. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, Đinh Khắc Thuân chủ biên, Nxb KHXH, 2006, tr. 829).

     3. Tuần phiên: làng xã tổ chức những trai tráng khỏe mạnh thành các phiên thay nhau đi tuần, canh phòng trong làng, ngoài đồng.

     4. Hội lão: là hội của những người già trong làng xã.

     5. Giáp: theo cố GS. Từ Chi, giáp là một tập hợp người theo lớp tuổi kết hợp với quan hệ huyết thống của nam giới. Các thành viên trong giáp được chia ruộng công, chịu sai dịch, lo tế lễ hàng năm của làng. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.829).

     6. Giáp cai: tương tự Giáp đương cai.

     7. Quan viên: người có địa vị và được miễn tạp dịch ở làng xã. Có cựu quan viên và tân quan viên. Tân quan viên là những người dùng tiền mua ngôi. Ngoài ra còn có quan viên tử và quan viên tôn là những con cháu quan lại, được ban tặng. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.833).

     8. Giáp Đương cai: giáp được phân công đảm trách việc lo lễ phẩm trong các kỳ tế lễ trong năm của làng. (Theo Tư liệu văn hiến Thăng Long -Hà Nội: Tuyển tập hương ước tục lệ, Nguyễn Tá Nhí chủ biên, Nxb Hà Nội, 2010, tr.1250).

     9. Thủ phiên: người đứng đầu phiên tuần.

     10. Đương cai: người được giao sắm lễ phẩm và lo liệu việc tế lễ trong năm. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.828).

     11. Đông Ngạc xã tục lệ, ký hiệu A.732.

     12. Đông Ngạc xã tục lệ, ký hiệu A.732, tờ 31a- 56a.

     13. Kim Hoàng thôn hương lệ, ký hiệu A. 727, tờ 10a -11a.

     14. Hương ẩm: gồm những nam giới của làng được ăn uống mỗi khi có tế lễ. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.830).

     15. Hương lão: người già cả trong làng. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.830).

     16. Hội Tư văn: Hội những vị Nho học ở làng xã. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.837).

     17. Tuần phu: người được cắt cử, sai phái việc làng. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.836).

     18. Bả lềnh: người được các giáp cắt cử hàng năm đảm nhận việc sắm lễ phẩm cúng Thần ở làng xã. (Theo Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, sđd, tr.825).

     19. Bát âm: là phường nhạc.

     20. Ca công: người hát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Phan KếBính (2017). Việt Nam phong tục. Nxb. Văn học.

     2. Ngô Đức Thịnh (2007). Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền. Nxb. Văn hóa Thông tin.

     3. Đinh Khắc Thuân (2006). Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam. Nxb. Khoahọc xã hội.

     4. Mai Viên Đoàn Triển (2008) An Nam phong tục sách. Nxb.Hà Nội.

     5. Chùa Nhất giáp khoán, ký hiệu A.730

     6. Đông Ngạc Ngạc nhị giáp tục lệ giao từ điền bạ, ký hiệu A.1569

     7. Đông Ngạc xã các giáp lệ bạ, ký hiệu A.2578/2

     8. Đông Ngạc xã hương lão giáp lệ bạ, ký hiệu AF a2/68

     9. Đông Ngạc xã hương ước điều lệ, ký hiệu A.2506

     10. Đông Ngạc xã tế văn thể thức, ký hiệu A.1977

     11. Đông Ngạc xã tục lệ, ký hiệu A.732

     12. Đông Ngạc xã Trung Hậu xóm lệ, ký hiệu AF a2/76

     13.Hà Đông tỉnh Hoài Đức phủ Từ Liêm huyện Cổ Nhuế tổng các xã thôn khoán lệ, ký hiệu AF a2/55.

     Ghi chúBảng biểu trong bài viết: Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Số 72, Tháng 5/2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghiên cứu lễ cúng cầu phúc qua văn bản tục lệ Hán Nôm huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông xưa (Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Yến)