Nghiên cứu LỊCH SỬ và VĂN HỌC VIỆT NAM ở NHẬT BẢN (Phần 1)

VIETNAMESE HISTORY AND LITERATURE RESEARCH IN JAPAN

NGUYỄN TIẾN LỰC
(Phó Giáo sư. Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG-HCM)

MỞ ĐẦU

     Theo GS Furuta Motoo thì, trong việc nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài (ngoài Việt Nam), xét về quy mô, tổ chức, số lượng báo cáo học thuật lẫn cơ quan nghiên cứu thì Nhật Bản chiếm một vị trí hàng đầu (Furuta Motoo, 2000, tr.227). Trong các Hội thảo Việt Nam học quốc tế, lần nào họ cũng tham dự một số lượng hùng hậu, chiếm giữ nhiều vị trí chủ đạo trong các diễn đàn. Báo cáo của các nhà nghiên cứu Nhật Bản được đánh giá cao bởi nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy, những kết luận rút ra mang tính học thuật cao. Không nghi ngờ gì nữa, xét về nhiều mặt, Nhật Bản trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu về Việt Nam mạnh nhất ở nước ngoài.

     Tuy gần đây, việc nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản trở nên đa dạng hơn, những lĩnh vực như kinh tế, quan hệ quốc tế, nhân học – văn hóa ngày càng thu hút nhiều người nghiên cứu, nhưng nhìn một cách tổng thể, hai lĩnh vực nghiên cứu có truyền thống nhất và đạt nhiều thành quả nhất vẫn là sử học và văn học. Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên những thành tựu chủ yếu trong việc nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản và rút ra những đặc điểm của việc nghiên cứu Việt Nam ở hai lĩnh vực này1 .

1. Những thành tựu nghiên cứu về lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản

     1.1. Thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ II

     Có thể coi Kondo Juzo (1771-1829), vị đại thần Bakufu, giữ chức Ngự thư vật Phụng hành của Bakufu (tương đương chức Giám đốc Thư viện Quốc gia ngày nay) thời Edo là người khởi đầu cho các hoạt động nghiên cứu về Việt Nam. Trong thời gian giữ là chức Ngự thư vật Phụng hành, ông đã thu tập, khảo cứu, biên soạn một khối lượng đồ sộ các thư tịch của Nhật Bản, đặc biệt là Gaiban Tsusho (Ngoại phiên thông thư), tức là tư liệu về quan hệ giữa Nhật Bản với nước ngoài. Trong Gaiban Tsusho có bốn tập ghi chép về quan hệ Nhật Bản và Việt Nam thế kỷ XVI-XVII, bao gồm các bức thư trao đổi giữa chúa Trịnh, chúa Nguyễn của Việt Nam với Tướng quân của Nhật Bản, rất có giá trị, được các nhà nghiên cứu Nhật – Việt khai thác, nghiên cứu. Đặc biệt, Kondo sử dụng nguồn tư liệu đó để nghiên cứu, biên soạn và cho xuất bản tập An-nan kiryaku-ko (An Nam kỷ lược cảo). Tập sách này có thể coi là công trình sưu tập và khảo cứu đầu tiên và toàn diện nhất về Việt Nam ở Nhật. Tập sách này có tác động lớn đến giới trí thức Nhật Bản thời Minh Trị, kích thích họ quan tâm, nghiên cứu về Việt Nam (Nguyễn Tiến Lực, 2010, tr.248-249).

     Tuy nhiên, việc nghiên cứu Việt Nam một cách thực sự có lẽ bắt đầu từ Hikita Toshiaki, giáo sư lịch sử, Trường Đại học Lục quân. Ngay sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Hikita nghiên cứu và xuất bản Futsu-An kankei shimatsu (Lịch sử quan hệ Pháp – An Nam), gồm 4 tập vào năm 1888. Hikita còn cho in Đại Việt sử ký toàn thư làm tài liệu nghiên cứu về Việt Nam. Về sau, ông xuất bản cuốn Annan-shi (An Nam sử), được coi là bộ thông sử Việt Nam đầu tiên ở Nhật (Sato Shigenori, 1972, tr.89-92).

     Tuy không đặt trọng tâm nghiên cứu về Việt Nam nhưng Shiratori Kurakichi (1865- 1942), GS của Đại học Tokyo, nhà nghiên cứu lịch sử theo trường phái Đông phương học, cũng có các công trình khảo cứu về lịch sử châu Á. Ngoài ra ông còn đào tạo ba nhà nghiên cứu xuất sắc về lịch sử Việt Nam theo trường phái Đông phương học là Matsumoto Nobuhiro (1897-1981), Yamamoto Tatsuro (1910-2001) và Fujiwara Riichiro (1915-2008). Trước chiến tranh, Matsumoto đã xuất bản Indoshina Minzoku to Bunka (Dân tộc và văn hóa Đông Dương), Yamamoto tập trung vào nghiên cứu về lịch sử An Nam (Việt Nam), còn Fujiwara nghiên cứu lịch sử vùng Nanpo (Đông Nam Á).

     Về nghiên cứu văn học: đây là thời kỳ các nhà nghiên cứu Nhật Bản bắt đầu tiếp xúc với các tác phẩm văn học cổ điển của Việt Nam. Komatsu Kiyoshi đã dịch, chú giải và xuất bản Kim Vân Kiều vào năm 1942. Đó là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch và xuất bản ở Nhật. Ngoài ra, Fukao Sumako dịch Truyện cổ An Nam của Nguyễn Tiến Lãng, Oku Yoshiaki dịch Lòng nhiệt tình của người An Nam của Nguyễn Thục Oanh và đều xuất bản vào năm 1942. Tuy nhiên, các tác phẩm này đều dịch từ tiếng Pháp nên chưa thể lột tả hết cái đẹp của tác phẩm văn học tiếng Việt. Cũng trong năm 1942, Matsumoto xuất bản Annango Nyumon (Nhật môn tiếng An Nam) để phục vụ cho nhu cầu học tiếng Việt của giới trí thức và quân đội Nhật lúc đó. Có lẽ đó là cuốn giáo trình tiếng Việt đầu tiên ở Nhật Bản.

     1.2. Thời kỳ sau chiến tranh thế giới lần thứ II (những năm 1945-1991)

     Sau chiến tranh, việc nghiên cứu Việt Nam từng bước được khôi phục và phát triển. Chịu ảnh hưởng của không khí học thuật sau chiến tranh, Yamamoto Tatsuo đã sáng lập ra trường phái Đông Phương học mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản bằng việc kết hợp trường phái Đông phương học Nhật Bản cũ với trường phái Đông phương học phương Tây. Thành quả xuất sắc của trường phái mới này là cuốn Annan-shi Kenkyu (Nghiên cứu lịch sử An Nam) vào năm 1950. Công trình này đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật.

     Trên lĩnh vực nghiên cứu văn học: đã xuất hiện các công trình khảo cứu và dịch thuật các tác phẩm văn học cổ điển của Việt Nam. Takeuchi Yonosuke (1922-2004) dịch và chú giải Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Kawamoto Kunie (1929-2017) bắt đầu dịch và khảo cứu Truyền kỳ mạn lục và công bố nhiều bài viết về văn học cổ điển Việt Nam. Công trình tập trung nhất của ông về Truyền kỳ mạn lụcTruyền kỳ mạn lục san bản khảo, Đại học Keio xuất bản, 1998.

     Vào những năm 1960, khi vấn đề “chiến tranh Việt Nam” nổi lên thì sự quan tâm của trí thức Nhật đến Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Trong hoàn cảnh đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam theo trường phái Mác-xít gặt hái được nhiều thàng tựu đáng kể. Trong số đó phải kể đến công trình đồ sộ mang tên Betonamu Kaiho-shi (Việt Nam giải phóng sử) gồm 3 tập, được dịch thuật, nghiên cứu, biên soạn và ấn hành vào những năm 1970-1971; Cũng theo trường phái này, Goto Kinpei xuất bản Betonamu Kyukoku Koso-shi (Lịch sử đấu tranh cứu quốc của Việt Nam) năm 1975; Shimbo Junichiro dịch và xuất bản hồi ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù không chỉ chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam những Tanikawa Saehiko trong công trình Tonan Ajia minzoku kaiho undo (Phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á), 1969, đã dành một số trang rất lớn viết về cách mạng Việt Nam.

     Quan điểm, nhận định, đánh giá trong các công trình của những nhà sử học Mac-xít gần gũi với quan niệm của các nhà sử học miền Bắc Việt Nam. Các tác phẩm của họ hoặc dịch thuật, giới thiệu các quan điểm và thành quả của sử học miền Bắc, hoặc là dựa trên các công trình của các nhà sử học miền Bắc, sử gia Mác-xít Pháp, rồi viết lại nên đồng điệu với sử học Việt Nam.

     Trường phái Đông phương học mới vẫn tiếp tục được khẳng định với công trình đồ sộ Betonamu-Chogoku Kankei-shi (Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc) xuất bản năm 1975. Cho đến bây giờ, nó vẫn được coi là tập đại thành lịch sử Việt Nam và quan hệ Việt – Trung, một thành tựu xuất sắc, không thể thay thế của Đông phương học Nhật Bản, một tác phẩm “tất đọc” của bất kỳ nhà nghiên cứu Việt Nam nào ở Nhật.

     Chiến tranh Việt Nam cũng tác động rất lớn đến nghiên cứu và dịch thuật văn học Việt Nam. Các nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam cho độc giả Nhật Bản. Đó là cuốn Truyện Tây Bắc, tuyển tập nhiều truyện của Tô Hoài, Xuân Thiều, Nguyễn Địch Dũng, Chu Văn (1962), là cuốn Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu, Bước dường cùng của Nguyễn Công Hoan và Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh. Tập thơ nổi tiếng này của Hồ Chí Minh do Akiyoshi Kukio dịch, được xuất bản vào 1969, là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Về sau, Kawamoto Kunie, Giáo sư Đại học Keio, một nhà Việt Nam học nổi tiếng đã dịch, nghiên cứu và xuất bản Hồ Chí Minh – Thơ và Nhật ký.

     Tuy nhiên, các sách dịch về đề tài chiến tranh mới chiếm vai trò chủ đạo. Kurita Kimiaki dịch Trong khói lửa (Tập truyện ngắn miền Nam Việt Nam) của Phan Tứ và những người khác, Tiệm đồng hồ ở Điện Biên Phủ và Tiếng sáo trúc của nhiều tác giả, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai; Watanabe Akira dịch Viết trong khói lửa của nhiều tác giả; Ikegami Hideo dịch Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Oshima Hiromi dịch Việt Nam thi tập của nhiều tác giả,…

     Cùng với sự phát triển mạnh mẽ nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam, tiếng Việt cũng trở thành nhu cầu học tập và nghiên cứu ở các trường đại học Nhật Bản. Năm 1964, đã có các lớp học tiếng Việt ở Đại học Ngoại ngữ Tokyo và hai năm sau, năm 1966, Khoa tiếng Việt đầu tiên ở Nhật do Giáo sư Takeuchi Yonosuke đứng đầu đã được thành lập ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Ngoài các giáo trình tiếng Việt, Takeuchi đã có công lao lớn trong việc biên soạn và xuất bản các tập Nhật – Việt và Việt – Nhật tiểu từ điển, sách “gối đầu giường” của sinh viên và những người học tiếng Nhật nhiều thế hệ. Sau năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng và đất nước Việt Nam thống nhất, giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản theo trường phái Marxist đã cho công bố nhiều công trình có giá trị lớn hơn. Katakura Minoru cho công bố Betonamu no Rekishi to Higashi Ajia (Lịch sử Việt Nam và Đông Á), 1977, Nihonjin no Ajia Nishiki – Sono Rekishi to Genjo (Nhận thức về châu Á của người Nhật – Lịch sử và hiện tại), 1982, Betonamu zenkindai ho no kisoteki kenkyu (Nghiên cứu cơ bản về pháp luật tiền cận đại Việt Nam), 1987; Goto Kinpei xuất bản Nihon no naka no Betonamu (Việt Nam trong lòng Nhật Bản), 1979; Shimbo Junichi công bố công trình lớn về lịch sử cách mạng Việt Nam Betonamu Gendai-shi: Teikokushugika no Indoshina Kenkyu Josetsu (Lịch sử hiện đại Việt Nam: Nghiên cứu về Đông Dương dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc), 1978. Còn Yoshizawa Minami nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công trình Betonamu Gendai-shi no naka no shominzoku (Các dân tộc trong lịch sử Việt Nam hiện đại), 1982, v.v.

     Tuy nhiên, thời kỳ sau năm 1975 chính là thời kỳ đơm hoa kết trái của nghiên cứu Việt Nam theo trường phái khu vực học. Mặc dù đối tượng nghiên cứu là Việt Nam nhưng họ không nghiên cứu Việt Nam như một quốc gia riêng lẻ mà đặt nó không khu vực và quốc tế mà xem xét, đánh giá. Các công trình của họ luôn luôn có những khám phá mới, hấp dẫn, lôi cuốn cả chúng ta, những người Việt Nam nghiên cứu Việt Nam. Họ vượt lên khá xa những bậc thầy của họ khi triệt để sử dụng các công trình nghiên cứu của người Việt Nam, triệt để phân tích, chỉnh lý các văn bản, kết hợp một cách hữu cơ các quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về Việt Nam, trong đó đặc biệt coi trọng thành quả nghiên cứu của đồng nghiệp người Việt Nam. Nhờ đó mà hàng loạt ngôi sao trong giới mới trong nghiên cứu Việt Nam đã xuất hiện. Trong lĩnh vực sử học có “tứ trụ”: Sakurai Yumio, Tsuboi Yoshiharu, Shiraishi Masaya và Furuta Motoo. Sakurai Yumio sau nhiều năm nghiên cứu đã cho công bố công trình lớn Betonamu Sonraku no keisei- Sonraku (Sự hình thành làng xã ở Việt Nam), 1989, công trình tiêu biểu nghiên cứu về làng xã Việt Nam. Tsuboi Yoshihara xuất bản công trình có tiếng vang lớn L’Empire Vietnamien Face à la France et à la Chine, Paris: l’Harmattan, 1987 2. Năm 1991, công trình này được xuất bản bằng tiếng Nhật có tên Kindai Betonamu Seiji-Shakaishi (Lịch sử chính trị – xã hội Việt Nam cận đại). Shiraishi cho công bố Japanese Relations with Vietnam, 1951-1987, Cornell University, 1990 3, cuốn sách trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu cho những ai nghiên cứu về quan hệ Việt – Nhật. Furuta Motoo công bố hoàng loạt công trình về chiến tranh và cách mạng của Việt Nam tiếp cận từ bên ngoài Betonamu kara mita Chugoku (Trung Quốc – Nhìn từ Việt Nam), 1979; Rekishi-toshiteno-Betonamu-senso (Lịch sử chiến tranh Việt Nam), 1991; Betonamu-jin kyosanshugisha no minzoku seisaku-shi (Lịch sử chính sách dân tộc của Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam: Diễn biến của cách mạng), 1991.

     Về văn học: sau năm 1975, các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục dịch và xuất bản ở Nhật Bản. Đó là: Văn học giải phóng Việt Nam của Nguyễn Sáng và nhiều người khác do BEHETO 4 dịch, Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận do Kawamoto Kunie dịch, Hòn đất của Anh Đức do Tomita Kenji dịch, Trận tuyến đặc biệt của Khánh Vân do Miura Kazuo dịch, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng do Takano Isao dịch, Về làng của Phan Tứ, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Đôi bạn của Lê Văn Thảo, X30 phá lưới của Đặng Thanh đều do Higuma Masumi dịch,… Các giáo sư Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi và Imai Akio của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo tiếp tục dịch Tuyển tập truyện ngắn Việt NamTuyển tập truyện ngắn Việt Nam (tập tiếp theo),… Ở mảng văn học Việt Nam thời cận đại, Takeuchi và các cộng sự tiếp tục dịch và chú giải nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm,…

     Về giảng dạy tiếng Việt, năm 1977, Khoa Tiếng Việt thứ hai ở Nhật Bản được thành lập ở Đại học Ngoại ngữ Osaka (nay thuộc Đại học Osaka) do Giáo sư Tomita Kenji đứng đầu. Ngoài xuất bản nhiều giáo trình tiếng Việt, Tomita còn công bố nhiều bài viết rất có giá trị về tiếng Việt ở các Hội nghị quốc tế Việt Nam học.

     1.3. Thời kỳ sau Chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay (1991-nay)

     Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, đặc biệt sau khi Nhật Bản tái viện trợ cho Việt Nam (1992), nghiên cứu Việt Nam phát triển có tính bùng nổ. Trong những năm 1990, những thành quả nghiên cứu của trường phái khu vực học đã kết quả. Một loạt các công trình đồ sộ, kết tinh hàng chục năm nghiên cứu của nhóm “tứ trụ” được công bố. Sakurai công bố công trình Vetonamu koka deruta kaihatsu tokusei to suiden suiri no hattatsu kaitei ni kansuru kenkyu – Tonan Ajia shuyo kasen deruta kaihatsu tono hikaku ni oite (Quá trình phát triển hệ thống thủy lợi trong khai phá đồng bằng sông Hồng của Việt Nam – So sánh với việc khai phá đồng bằng của các sông chủ yếu ở Đông Nam Á); Tsuboi viết Vetonamu:Yutakasa eno yoake (Việt Nam: Buổi đầu vươn tới sự giàu có), 1995; Vetonamu Gendai Seiji (Chính trị hiện đại Việt Nam), 2002,… Shiraishi Masaya xuất bản đại công trình Betonamu minzoku undo to Nihon-Ajia: Phan Boi Chau no kakumei shiso to taigai ninshiki (Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á: Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới nhận thức đối ngoại), 1993 5, Betonamu: Kakumei to Kensetsu no Hazama (Việt Nam: Giữa cách mạng và xây dựng), 1993; đồng chủ biên Betonamu no Doimoi no Shintenkai (Việt Nam: Bước phát triển mới của sự nghiệp Đổi mới), 1999; Chủ biên: Betonamu no Kokka Kiko (Cơ cấu nhà nước của Việt Nam), 2000; Betonamu no Taigai Kankei: 21 seiki no chosen (Quan hệ đối ngoại của Việt Nam: Những thách thức trong thế kỷ XXI), 2004. Furuta hoàn thành Betonamu no sekai-shi: Chuka sekai kara Tonan Ajia sekai e (Việt Nam trong lịch sử thế giới – Từ thế giới Trung Hoa đến thế giới Đông Nam Á), 1995 6; Betonamu no genzai (Việt Nam ngày nay), 1996; Ho Chi Minh: Minzoku Kaiho to Doimoi (Hồ Chí Minh: Giải phóng dân tộc và Đổi mới), 1996 7; Ajia Nashionarrizumu (Chủ nghĩa dân tộc ở châu Á), 1996. Ông còn đồng chủ biên với Giáo sư Văn Tạo trong công trình khảo sát bằng tiếng Việt: Nạn đói 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử, 1995.

     Đặc biệt, đã hình thành nhóm các nhà nghiên cứu thế hệ mới rất xuất sắc. Họ công bố hàng loạt các công trình có tiếng vang lớn và xác lập vị trí đại biểu của thế hệ “hậu tứ trụ” trong giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản. GS Momoki Shiro kết hợp giữa phương pháp Đông phương học mới và phương pháp nghiên cứu theo khu vực học cho xuất bản Chusei Daietsu Kokka no Seiritsu to Henyo (Sự hình thành và biến đổi của quốc gia Đại Việt thời Trung đại), 2011, được đánh giá là đại tác (tác phẩm lớn), đưa ông vào vai trò trung tâm trong các nhà nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản thời “hậu tứ trụ”. Takada Yoko tập hợp nghiên cứu hàng chục năm của mình trong công trình Futsuryoki Mekon Deruta ni okeru Daitochi Shoyusei no kenkyu (Nghiên cứu chế độ sở hữu ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long thời thuộc Pháp), 2011, xác lập vị trí hàng đầu trong nghiên cứu ruộng đất Nam Bộ Việt nam ở Nhật Bản; Kurihara Hirohide cập nhật các nghiên cứu của Việt Nam và thế giới, cho xuất bản Kominterun Sisutemu to Indoshina Kyousanto (Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương), 2005; Kikuchi Seiichi nổi tiếng về hoạt động khảo cổ ở Hội An và cho xuất bản Betonamu Nihonmachi no Kokogaku (Khảo cổ học phố Nhật ở Việt Nam), 2003; Yao Takao nghiên cứu sâu về triều Lê vừa cho xuất bản công trình lớn Resho Vetonamu no seiji to shakai (Chính trị và xã hội Việt Nam thời Lê sơ), 2009; Shimao Minoru chuyên nghiên cứu về làng xã Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Iwai Misaki tập trung nghiên cứu về nông thôn và phụ nữ thời hiện đại với công trình Doi Moi iko ni okeru Betonamu Koga Deruta soraku no henyo (Sự biến đổi của nông thôn ở Đồng bằng sông Hồng từ sau Đổi Mới), 2001; Nishimura Masanari đành cả cuộc đời cho khảo cổ học ở Đồng bằng Bắc Bộ và xuất bản Betonamu no Koko-kodaigaku (Khảo cổ và cổ đại Việt Nam), 2011; Shine Toshihiko chuyên nghiên cứu về các vấn đề dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gần đây cho xuất bản Betonamu no Shosuminzoku Teiju Seisaku (Chính sách định trú của các dân tộc thiểu số Việt Nam), 2007,… Có thể hy vọng thế hệ “hậu tứ trụ” kế thừa xứng đáng các thế hệ đi trước trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

     Về văn học: Kawamoto Kunie công bố công trình nghiên cứu rất công phu của ông về một kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam có tên là Truyền kỳ mạn lục san bản khảo, 1998. Gần đây ông đã hoàn thành và cho xuất bản “công trình đời người” Shokai Betonamugo Jiten (Từ điển tường giải Việt – Nhật), 2011.

     Về dịch thuật: nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại được dịch và xuất bản ở Nhật. Tiêu biểu là Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và các tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư.

     Sau Chiến tranh lạnh và Việt Nam tiến hành Đổi mới, cùng với sự phát triển của nghiên cứu Việt Nam, các bộ môn tiếng Việt cũng được thành lập ở Trường Đại học Ngoại ngữ Kanda và Trường Đại học Ritsumeikan Châu Á – Thái Bình Dương (APU), Trường Đại học Nagoya Shoka.

__________
1. Trong bài viết này chúng tôi có sử dụng tư liệu của Takada Yoko (1989), Furuta Motoo (2000) và Shimao Minoru (2006), Frédéric Roustan (2008), Vũ Minh Giang (2008), Đoàn Lê Giang (2010) và Kawaguchi Kenichi (2011).

2 Sau này xuất bản bằng tiếng Việt: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Thành ủy TP Hồ Chí Minh xuất bản, 1990; Hội Sử học Việt Nam xuất bản lần 2 năm 1993.

3 Bản tiếng Việt Quan hệ Nhật Bản đối với Việt Nam, 1951-1987, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,1994.

4. BEHETO là viết tắt của Betonamu no Heiwa to Toitsu no tame ni Tatakau Zainichi Betonamujin no kai (Hội những người Việt Nam ở Nhật Bản đấu tranh vì hòa bình và thống nhất Việt Nam).

5 Bản tiếng Việt: Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á: Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới nhận thức đối ngoại, Tập I và Tập II, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

6. Được xuất dịch ra tiếng Viêt: Việt Nam trong lịch sử thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

7 Bản dịch tiếng Việt: Hồ Chí Minh: Đổi mới và giải phóng dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 184 đến trang 195)

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

     Mời xem tiếp:

Nghiên cứu LỊCH SỬ và VĂN HỌC VIỆT NAM ở NHẬT BẢN (Phần 2)