Nghiên cứu về Kinh tế và Bản sắc của người H’mông ở Việt Nam (Phần 2)

Jean Michaud
Người dịch: Phan Ngọc Chiến
Người hiệu đính: Lương Văn Hy

     1.2. Thời kỳ thuộc địa (1883 – 1954)

     Sự xâm nhập của chính quyền thực dân châu Âu đã chấm dứt sự phụ thuộc về hoạt động thương mại của các tộc người thiểu số vùng núi cao vào các nhóm dân vùng trung du. Ngay khi người Pháp đến, họ thấy cần phải nắm quyền chỉ huy chặt chẽ các vùng núi cao, trong khi triều đình trước kia muốn phát triển mối quan hệ với các chư hầu. Sự có mặt của thực dân và những phụ tá người Kinh, là những người hiếm gặp ở các vùng cao nguyên trước giai đoạn lịch sử này, đã được thiết lập thông qua các đồn bốt quân sự kết hợp với việc thị sát các chợ và thị trấn chính trong vùng. Sự hiện diện tích cực này đã ngắt mạch hệ thống trao đổi buôn bán trước đó và thay những giao diện lịch sử giữa các cư dân vùng núi cao và người Thái bằng sự giao lưu mới trực tiếp giữa người cư dân vùng núi cao, người Kinh và thực dân. Mục đích phát triển mối quan hệ trên cơ sở tin cậy với các dân cư vùng núi cao của thực dân là nhằm đảm bảo an ninh vùng biên giới và tăng thêm lợi nhuận kinh doanh cho người Pháp (Galliéni, 1941). Những trật tự mới này dẫn đến một sự xáo trộn trong quan hệ buôn bán của các nhóm cư dân địa phương, những người mà trong chế độ trước là kẻ bị thống trị thì nay đã trở thành đối thủ cạnh tranh với chủ nhân cũ của họ. Savina (1924:220,222) qua đó khẳng định rằng, trong dịp đi chợ trong vùng mỗi năm, vào đầu thế kỷ XX, người H’mông ở Sa Pa có thể quan hệ với các nhà buôn người Trung Quốc và người Kinh, là đại diện cho thực dân, và không còn bị hạn chế buôn bán chỉ với người Thái. Những người thực dân, truyền giáo và lính người Pháp, những doanh nhân người Thái và Trung Quốc, những người lao động và nhà buôn người Kinh, cùng với người dân miền núi, tất cả bây giờ có thể gặp gỡ và trao đổi buôn bán trên các khu chợ cao nguyên.

     Ngay từ những chuyến thăm đầu tiên của mình tới các bản làng vùng cao như Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương hay Sa Pa, các quan sát viên người Pháp báo cáo rằng họ thấy người dân miền núi họp chợ mỗi tuần một lần để đổi thú vật, thuốc phiện nguyên chất, gỗ làm quan tài và các dược phẩm khác trong rừng lấy các dụng cụ kim loại, đồ dùng nhà bếp, muối, thuốc súng, đạn để bắn, thép cho xưởng rèn, bạc để mua/kén vợ và làm đồ trang sức. Chính quyền thực dân đã nhanh chóng xâm nhập vào các hoạt động trao đổi buôn bán này và bắt đầu đánh thuế vào các giao dịch ở địa phương cũng như các hoạt động buôn bán qua biên giới để cung cấp hàng cho các chợ vùng cao. Chú trọng đặc biệt vào các lĩnh vực kinh doanh của nhà nước như rượu, muối và thuốc phiện (xem thêm Niollet, 1998), thông qua các kho dự trữ chính thức, chính quyền thực dân đã bắt đầu mua hết lượng thuốc phiện sản xuất tại địa phương và cả lượng thuốc phiện được các nhà buôn mang đến từ Vân Nam (Hill, 1998). Lượng thuốc phiện này sau đó được chuyển trực tiếp đến Hà Nội và Sài Gòn, nơi Tổng Đại lý thuốc phiện Đông Dương (Régie générale de l’opium de l’Indochine, một công ty do nhà nước điều hành) quản lý việc chế biến và tiêu thụ thuốc phiện.

     Chính vì vậy, thời kỳ thuộc địa, đối với dân cư vùng cao cũng như đối với người H’mông, là thời kỳ mà nền kinh tế hỗn tạp ngày càng khuếch trương, bao gồm nền nông nghiệp tự cung tự cấp (là khu vực kinh tế chủ đạo), và nền thương mại trên cơ sở cung cầu – một bộ phận của nền kinh tế địa phương đang trên đà phát triển. Việc sử dụng tiền cũng tăng lên, cùng với kết quả của việc tăng lượng tích trữ bạc.

     Ở những vùng xa xôi này (xa vùng đồng bằng trung tâm của Nhà nước Việt), những sự kiện lịch sử như cuộc đảo chính của người Nhật năm 1945, sự hiện diện của quân đội cộng hòa Trung Hoa năm 1946 (cả hai đoàn quân tạm đóng ở Lào Cai), chiến tranh Việt – Pháp (1946 – 1954) với kết quả chấm dứt sự hiện diện của người Pháp ở tỉnh Lào Cai vào thập niên 50 của thế kỷ XX, cũng không có tác động gì lớn đến nền kinh tế H’mông ngoại trừ tạm đưa cán cân quyền lực trong vùng trở lại tình hình ngày trước, với những nhóm nói tiếng Thái thống lĩnh.

     1.3 Thời kỳ xã hội chủ nghĩa (1954 – 1986)

     Thời kỳ buôn bán tự do này đã hoàn toàn chấm dứt sau Hội nghị Geneva năm 1954 và sau sự phân chia đất nước, với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc. Những người cộng sản chiến thắng đã ra sức củng cố sự đóng góp của các dân tộc miền núi ở các vùng núi cao và trung du, những người đóng vai trò quan trọng trong cả hai phe trong chiến tranh Việt – Pháp (1946 -1954; xem Michaud, 2000). Sự thay đổi này ban đầu mang tính chất chính trị, với sự cải cách hành chính lớn ở địa bàn vành đai miền núi. Phần lớn các cơ chế mà chế độ mới áp dụng vào các vùng cao hoạt động theo hai hướng. Các cơ chế này chính thức góp phần vào sự phát triển của các vùng hẻo lánh và cư dân của vùng. Nhưng trên tất cả, nó đã hợp nhất các cộng đồng khác nhau vào thành một xã hội Việt Nam và nhờ vậy giúp cho cuộc cách mạng lan khắp toàn bộ lãnh thổ đất nước (De Hartingh, 1997:414). Đặc biệt, nhà nước xã hội chủ nghĩa đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến suy đồi, là chế độ bao gồm các quan hệ phụ thuộc và bóc lột truyền thống, nhờ đó đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của mối quan hệ cộng sinh và không đối xứng giữa người Thái và người dân vùng cao nguyên.

     Trong mối quan hệ chặt chẽ với những quyết định chính trị trên là một quyết định kinh tế, gọi là dự án quốc gia về cải cách ruộng đất được thiết lập vào cuối những năm 1950 (Fall, 1967). Nhà nước đã nỗ lực thiết lập một nền móng nông – công nghiệp tập thể cho toàn bộ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tất cả đất đai đều thuộc về nhà nước và được quản lý bởi các hợp tác xã nông nghiệp, lao động chỉ được trả công khi làm việc trong các tập thể lao động. Mong muốn chính trị về liên kết cư dân các tỉnh biên giới với nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng yêu cầu phải áp dụng những biện pháp đặc biệt để đảm bảo cho sự thành công (Việt Chung, 1967). Đây là một trong những mục tiêu của dự án xây dựng các vùng kinh tế mới (Hardy, 2002). Mục tiêu này đã được đặt ra nhằm giảm bớt sự quá tải của dân số ở khu vực châu thổ đồng thời cũng nhằm Việt Nam hóa các vùng cao nguyên. Những người nhập cư, hầu hết là người Kinh, bị đưa ra khỏi vùng đồng bằng và đưa đến cư trú trong và quanh một vài thị trấn miền núi đã hoặc mới được hình thành. Những người dân này trở thành lao động trong các hợp tác xã ở các vùng cao nguyên. Nhà nước cũng giúp đỡ việc tái định cư bằng cách giao cho mỗi người một vài lô đất nhỏ làm vườn riêng để cung cấp thức ăn (đất 5%) và nguồn thu nhập cho họ, vì lượng sản phẩm dư có thể được đem bán ngoài chợ.

     Với ý định tạo dựng mô hình một đất nước Việt Nam, dự án lớn này được thi hành mạnh mẽ tại các khu vực đồng bằng và trung du, nhưng chỉ một phần tại các cao nguyên vì thiếu các biện pháp quản lý hành chính cần thiết. Sự khác biệt này rồi cũng không quan trọng mấy vì khi việc tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp đang ở thời kỳ cao điểm vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, báo chí chính thống hân hoan tuyên bố rằng công cuộc tập thể hóa là một thắng lợi và đã mang tới một cuộc thay đổi xã hội và kinh tế (Quang Canh, 1967). Ví dụ, người ta nói là công cuộc tập thể hóa đã góp phần vào việc:

Giúp đỡ người dân miền núi bắt kịp với người dân vùng đồng bằng; người dân vùng biên giới bắt kịp với người dân vùng trung tâm, người dân tộc thiểu số bắt kịp với dân tộc Kinh, và khuyến khích mỗi dân tộc phát triển tinh thần cách mạng và khả năng đoàn kết tiến lên chủ nghĩa xã hội (Việt Chung, 1967:18)

     Trong cùng lối nói như vậy, sự có mặt của những cơ sở công nghiệp đầu tiên và sự ra đời của tầng lớp lao động trong các tộc người thiểu số đã được tán dương bởi vì: “… sự hình thành của giai cấp vô sản là đảm bảo tốt nhất rằng cách mạng bén rễ ở các khu vực hẻo lánh. Thu hút người thiểu số tới đập nước, khu mỏ hay nhà máy là con đường vững chắc để trao cho họ tinh thần giai cấp, tách họ ra khỏi xã hội “phong kiến” cả từ phương diện kinh tế lẫn tâm lý” (De Hartingh, 1997:414).

     Báo chí còn tuyên bố rằng những cộng đồng kiểu bộ tộc này cũng hoàn thành chặng đầu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, sự mê tín đã giảm đi, và các thầy phù thủy, pháp sư và lang băm đã dần loại bỏ những hoạt động cổ hủ của họ. Thuyết duy linh, kiểu sống du cư, kết cấu chính trị không có người lãnh đạo, các hoạt động kinh tế tự cung tự cấp, và các phân biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng, tất cả trở thành những chỉ báo bản sắc đáng lên án và sự gắn bó, ít ra là công khai, với những nét văn hóa này không còn được chấp nhận. Nếu muốn tránh cho bản sắc dân tộc khỏi bị san bằng bởi sự đồng hóa xã hội chủ nghĩa của chính quyền của người Kinh, thì điều đó phải được thực hiện một cách bí mật phía sau một vẻ ngoài đẹp đẽ. Sau thành công như vậy, họ tuyên bố rằng: “phong trào nhân dân đã làm tất cả trong khả năng của mình để phục hồi và phát triển các giá trị đạo đức và tôn giáo của các dân tộc thiểu số, [và đã góp phần] để đổi mới lề thói tổ tiên của người dân tộc thiểu số” (Việt Chung, 1967:20-21).

     Ở Sa Pa và Bắc Hà, những người dân miền núi cao đã thích ứng với những thay đổi về dân số, chính trị và kinh tế của những năm chủ nghĩa xã hội, và đã đóng vai trò đáp ứng sự kỳ vọng của nhà nước, tuy không phải với một niềm tin mãnh liệt, nhưng vừa đủ mức độ nỗ lực. Sau mười năm chiến tranh giành độc lập và sự tan vỡ của những pháo đài cuối cùng chống lại cộng sản trong khoảng 1954 – 1957, hòa bình đã trở lại trên đường phố và các hàng hóa thiết yếu như muối và kim loại đã có trong các cửa hàng mậu dịch. Thuốc phiện giờ được dùng để đổi lấy mặt hàng công nghiệp, rượu, gạo và thịt, còn rau xanh và các sản phẩm rừng được buôn bán tự do trong các khu chợ đã được tân trang lại cho mục đích này.

     Ngày nay, ngay các viên chức nhà nước Việt Nam cũng công nhận rằng phong trào tập thể hóa ở vùng cao nguyên chỉ thành công một phần. Tuy thế, phong trào này cũng để lại một số kết quả làm thay đổi cấu trúc: cụ thể là kết nối chặt chẽ hơn giữa vùng cao và thị trường vùng và quốc gia. Tiền giấy quốc gia và tem phiếu đã khuếch tán từ người Kinh đến những làng miền núi. Khi hợp tác xã được thành lập, thì người vùng cao có thể có thu nhập từ công việc của họ trong những hợp tác xã nông và lâm nghiệp vốn cung cấp hàng hóa cho các thị trấn và làng xã. Những cụ già người H’mông và người Dao ở Sa Pa cho biết là thuốc phiện vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong kinh tế vùng núi, dù không có thông tin về số lượng. Chỉ có người vùng núi trồng thuốc phiện cho đến năm 1982, thì chỉ có nhà nước được mua thuốc phiện này, sau khi nhà nước không mua nữa, thì nhà nước cũng còn chấp nhận việc trồng thuốc phiện cho đến năm 1993. Điều này giải thích tại sao những nông dân trước kia trồng thuốc phiện gần đây mới chuyển sang trồng nhiều loại cây trồng khác như rau hay hoa quả.

     1.4. “Đổi mới kinh tế” năm 1986: bỏ tập thể hóa và mở rộng thị trường tự do

     Đổi mới là chính sách cải tổ nền kinh tế được ban hành năm 1986 và áp dụng vào những năm sau đó, chấm dứt ba mươi năm tập thể hóa xã hội ở miền Bắc. Sự giải thể dần các hợp tác xã kèm theo hai thay đổi khác trong sự cân bằng kinh tế vùng đã có tác động lớn đến nền kinh tế ở vùng cao Lào Cai: cấm việc chặt cây rừng để lấy gỗ thương mại hoặc để lấy đất, và nghiêm cấm việc trồng cây thuốc phiện cho các mục đích thương mại. Cả hai điều này được hoạch định vào năm 1992 và được ban hành năm 1993, là một phần trong cuộc tranh luận lớn hơn dẫn tới sự ban bố Luật Đất đai năm 1993, trong đó giao cho người nông dân một phần quyền sở hữu ruộng đất và các sản phẩm của chúng. Có thể dễ dàng hiểu rằng hoàn cảnh mới này dẫn đến sự thâm hụt trầm trọng trong nguồn thu nhập từ thương mại của những người nông dân miền núi và làm xói mòn khu vực được tiền tệ hóa quan trọng trong nền kinh tế của họ, khu vực đã được dựa vào việc bán thuốc phiện, gỗ và đối với các hộ khá giả hơn, là nhờ bán vật nuôi. Với sự gia tăng dân số đáng kể so với trước do điều kiện vệ sinh được cải thiện, nhưng điều này làm tăng thêm khó khăn cho cộng đồng mà dân số của họ hiện đã trở nên quá tải để có thể tiếp tục những biện pháp tái sản xuất quen thuộc. Các chương trình thay đổi cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp mà nhà nước đưa ra không đủ để bù đắp sự thiếu hụt về thu nhập (tham khảo Do Dinh Sam, 1994; Rambo và các tác giả khác, 1995; Cooper, 1984 để xem các phân tích tương tự đối với người H’mông ở Thái Lan) bởi vì sự thiếu vốn là yếu tố ngăn cản người dân miền núi mua quyền sử dụng đất đai sẵn bán trên thị trường tự do để canh tác.

     Mặc dù người Kinh chỉ chiếm 15% dân số ở huyện Sa Pa và 16% ở huyện Bắc Hà (thống kê năm 1999), họ vẫn chiếm số lượng lớn hơn các tộc người thiểu số khác trong ủy ban nhân dân, do vậy họ nắm quyền điều hành. Các thành viên này, do đồng cảm về văn hóa, thiên vị các doanh nhân người Kinh. Còn những người dân miền núi, phần lớn là mù chữ và rất nhiều trong số họ, nhất là phụ nữ, không biết nói tiếng Việt. Vì vậy, họ ít có tiếng nói trong các nghị quyết chính trị của địa phương thông qua các đại biểu trong bộ máy nhà nước, các nghị quyết vốn luôn luôn phải được Đảng tán thành. Do đó nền kinh tế địa phương mang tính giai cấp, trong đó các thương gia người Kinh, được thiên vị bởi các nhà chức trách ở địa phương, chi phối nền thương mại phồn thịnh, trong khi người dân miền núi, với khác biệt về văn hóa và không có được sự ủng hộ thực sự nào trong guồng máy nhà nước, hiếm khi có thể sản xuất vượt qua mức dành cho nhu cầu gia đình, đồng thời, sự trao đổi buôn bán của họ vì vậy cũng bị hạn chế tối đa.

     Việc hàng trăm người H’mông tụ tập ở các phiên chợ Sa Pa mà ta thấy vào mỗi ngày thứ 7 và chủ nhật, tạo một ấn tượng sai lệch về hoạt động kinh tế đầy sinh lực. Một cái nhìn kĩ hơn sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng sự có mặt của họ ở đây chỉ mang tính xã hội và giải trí, và sự buôn bán chỉ hạn chế trong vài món đồ gia dụng hàng ngày, vài loại phân bón, hay một bữa ăn nóng. Các trang phục/quần áo thông thường hiếm khi được người H’mông và người Dao ở Sa Pa làm vật để mang đi buôn bán vì hầu như toàn bộ quần áo của họ là tự gia đình làm, từ trồng cây gai dầu và cây chàm cho đến dệt và thêu. Chợ này họp hàng ngày, bị áp đảo bởi vài chục người Kinh, là những người bán hàng ở đây cả tuần (xem Michaud và Turner, 2003). Điều này trái ngược với trường hợp của Bắc Hà, nơi mà, mặc dù chỉ có một vài sạp hàng luôn do các nhà buôn người Kinh chiếm giữ, cung cấp cho thị trấn các loại hoa quả, rau xanh, thịt và đồ dùng thường ngày, sự áp đảo nói trên được đổi ngược lại vào các ngày cuối tuần, khi những người dân miền núi tràn về các chợ để buôn bán rượu ngô, hoa quả, củi đốt và động vật (trâu, bò, lợn, chó, mèo, vịt và gà). Và trong vài năm gần đây, một số lượng nhỏ người tham gia, nhưng đang tăng nhanh chóng, trong các giao dịch trao đổi, buôn bán nói trên là những người khách du lịch đi qua Bắc Hà. Còn ở Sa Pa, hàng trăm khách du lịch đến phiên chợ mỗi dịp cuối tuần, cung cấp thêm nguồn tiêu thụ cho các nhà buôn bán người Kinh và cho vài chục phụ nữ H’mông, những người đến đây để bán các mẫu quần áo truyền thống của tộc người, trong khi các cô gái H’mông và Dao trẻ nhận làm người địa phương dẫn đường cho các khách tham quan du lịch.

     Trong mọi hoàn cảnh, thì tiền Đồng, loại tiền tệ quốc gia của Việt Nam, vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên ở các bản làng và thôn xóm miền núi, người dân vẫn tích cực tham gia vào một mạng lưới không dùng tiền mà sử dụng các phương thức trao đổi trên cơ sở quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ huyết tộc, và qua lại lẫn nhau, như trao đổi vợ chồng, lao động, lương thực, thực phẩm dư thừa, và các dịch vụ chuyên dụng như việc thợ rèn và các dịch vụ lễ nghi. Cũng như trước, các mạng lưới này vẫn hoạt động song song với nền kinh tế thị trường trong khu vực và cung cấp một cơ sở quan trọng cho sự tái sản xuất cả trên phương diện kinh tế và văn hóa.

Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam:
Những cách tiếp cận nhân học – Quyển 1: Môi trường và Kinh tế.
Ban Biên soạn: 1. GS.TS. Lương Văn Hy 2. GS.TS. Ngô Văn Lệ
3. PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp 4. PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)