NGỮ ĐOẠN MỞ ĐẦU trong GIAO DỊCH MUA BÁN ở Việt Nam và Pháp (Phần 2)
TS. TRỊNH ĐỨC THÁI
(Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, ĐH Ngoại ngữ, ĐH QG Hà Nội)
3) Trong dữ liệu tiếng Việt, địa điểm không đóng vai trò quan trọng, vì các cửa hàng thường mở rất rộng nhằm xoá đi ranh giới giữa cửa hàng và đường phố, làm cho cửa hàng trở thành một nơi công cộng như là chợ. Trái lại, việc xuất hiện của ngữ đoạn mở đầu phụ thuộc vào sự quen biết giữa người mua và người bán. Tại chợ thực phẩm, tỉ lệ xuất hiện là cao nhất (22,2%) vì khách hàng đi chợ hàng ngày và người bán rất biết họ. Trong khi đó ở chợ hoa Tết, các thành viên tham thoại chỉ gặp nhau một lần một năm, họ không quen nhau và họ không sử dụng nghi lễ chào hỏi(0,0%). Trong cửa hàng khung tranh nghệ thuật, người bán có một số khách quen, họ thường chào hỏi số khách đó (14,2%). Nhưng trong cửa hàng giày dép, họ không chào nhau (0,0%) vì không có khách quen.
Có thể khẳng định sự xuất hiện ngữ đoạn có tính nghi lễ này phụ thuộc vào loại hình giao tiếp, địa điểm diễn ra giao tiếp, mức độ quen biết của các thành viên tham thoại và cũng như môi trường xã hội văn hoá. Khi các thành viên tham thoại không chào hỏi nhau, họ bắt đầu giao tiếp như thế nào? Họ đi thẳng vào ngữ đoạn trung tâm trao đổi buôn bán hay bắt đầu ngữ đoạn này bằng một phát ngôn mở đầu có bản chất khác nhau?
Trong dữ liệu tiếng Pháp
Người bán có thể bắt đầu bằng:
a) một lời mời trong đó có lẽ đã hàm ẩn một lời chào
– Et madame? (Thưa bà?)
b) Một câu hỏi khuyến khích người mua đưa ra yêu cầu
– Qu’est-ce que je vous sers? (Tôi phục vụ bà gì nhỉ?)
c) Một lời khen về sản phẩm của mình (một quảng cáo nhỏ) liên quan đến:
giá cả
– Allez, on se bat pour 100 F. (Nào người ta đánh nhau vì 100 F)
chất lượng
– Ils sont beaux ceux-là, Madame hein? (Những cái đó, chúng rất đẹp phải không thưa bà?)
Người mua có thể bắt đầu bằng:
a) Một câu hỏi về thông tin liên quan đến sản phẩm
có hàng hay không
– Il n’y a pas de mimosas? (Có hoa trinh nữ không?)
Giá cả của sản phẩm
– Il fait combien celui-là? (Cái này bao nhiêu?)
kích cỡ của sản phẩm
– Quelle taille, s’il vous plaît? (Kích cỡ thế nào ạ?)
b) Một yêu cầu giảm giá (Mặc cả, nhưng chỉ có ở chợ trời)
– Vous faites un prix pour deux? (Bà có giảm giá nếu tôi mua hai cái không?)
c) Một lời xin lỗi
– Excusez-moi. (Xin lỗi bà.)
d) Một lời hô gọi
– S’il vous plaît. (Này bà)
e) Một lời khẳng định đến lượt mình khi phải xếp hàng
– C’est à moi, je crois. (Tôi chắc là đến tôi.)
Trong dữ liệu tiếng Việt
Người bán có thể bắt đầu bằng:
a) Một lời mời mọc
– Nào mang vào đây. Bản đồ à?
b) Một câu hỏi khuyến khích người mua đưa ra yêu cầu
– Anh thích kiểu nào?
c) Một lời khen về sản phẩm của mình (một quảng cáo nhỏ)
– Cành này đẹp quá bác ơi.
(Nếu như ở Pháp, dạng quảng cáo nhỏ chỉ có tại chợ trời, ở Việt Nam nó diễn ra ở cả chợ và cửa hàng.)
d) Một lời mời mua hàng
– Mua cành này đi anh.
Người mua có thể bắt đầu bằng:
a) Một câu hỏi về sản phẩm liên quan:
có hàng hay không
– Có đôi giày Tiệp nào không hả em?
Giá cả của sản phẩm (đó là hành động mở đầu phổ biến nhất)
– Cây này bao nhiêu đấy?
Về chất lượng sản phẩm (có sự nghi ngờ)
– Quất có cắm không đấy?
Về nguồn gốc (quyết định chất lượng)
– Đào lấy ở đâu về đấy?
b) Một lời chỉ trích về chất lượng sản phẩm (cũng rất phổ biến)
– Ít hoa ở dưới thế nhỉ?
c) Một yêu cầu được phục vụ
– Làm hộ cái này cái.
d) Một lời thỉnh cầu.
– Mua đôi tất nào.
e) Một lời khen ngợi sản phẩm (rất hiếm)
– Trông cây này đẹp phết.
Như vậy, khi nói về các phát ngôn mở đầu giao tiếp, ở hai nước, các thành viên tham thoại thường bắt đầu bằng một câu hỏi hay lời khẳng định liên quan đến sản phẩm. Nhưng có sự khác biệt giữa hai bên:
Tại Pháp, các phát ngôn mở đầu thường liên quan nhiều hơn đến dịch vụ so với sản phẩm. Các câu hỏi đến giá cả có tồn tại nhưng chỉ ở ngoài chợ trời vì trong cửa hàng giá cả đã được niêm yết. Trái lại, người Việt thường quan tâm đến sản phẩm trước tiên sau đó mới đến dịch vụ. Các câu hỏi liên quan đến giá cả rất phổ biến và các lời chỉ trích cũng khá nhiều vì giá cả thường không được niêm yết. Tất cả đều để chuẩn bị cho việc mặc cả tiếp theo.
Theo Traverso, [6, 17], tại Pháp, phát ngôn mở đầu giao tiếp đồng thời với việc đi vào nơi bán hàng của người mua: ngay khi người mua đi vào, anh ta thường được chú ý, cả khi trao đổi buôn bán không diễn ra ngay. Cách mở đầu này thường có hai giai đoạn có thể lồng vào nhau hay không tùy theo số lượng khách:
1) Việc đi vào nơi bán hàng của người mua (kèm hoặc không một lời chào, một cái nhìn, một nụ cười) và việc xác nhận bằng mắt của người bán (kèm hay không một lời chào, một cái nhìn hay một nụ cười) rồi mở đầu trao đổi buôn bán.
2) Mở đầu trao đổi buôn bán được tiến hành ngay lập tức nếu có một mình người mua trong cửa hàng; còn nếu người bán đang giao dịch với khách hàng trước đó thì người mua phải đợi đến lượt mình được giao dịch.
Nhưng chúng tôi quan sát thấy rằng tại Việt Nam cũng như tại một số cửa hàng tại Pháp (quần áo hay giày dép), việc đi vào của người mua không nhất thiết là một sự chuẩn bị cho trao đổi buôn bán. Người mua, dù chỉ có một mình, có thể đi vào và đi một vòng. Nếu anh ta không thấy thứ mình cần, anh ta có thể đi ra mà không cần nói gì. Người bán cũng thường quan sát và chờ đợi một dấu hiệu bằng hành động lời nói hay bằng hành động phi ngôn ngữ của người mua là anh ta muốn trao đổi để đến gần. Hơn thế nữa người mua Việt Nam thường coi chừng cách đón tiếp quá nồng hậu của người bán. Tốt nhất là cho người mua được hoàn toàn tự do hành động trong cửa hàng như một nơi công cộng. Sau khi nghiên cứu sự có mặt hay vắng mặt của ngữ đoạn mở đầu trong các giao dịch mua bán ở Pháp và ở Việt Nam, chúng tôi có thể sơ đồ hóa việc mở đầu giao tiếp như sau:
Tại Pháp | Tại Việt Nam |
Ngữ đoạn mở đầu với nghi lễ chào hỏi …………………………………… Phát ngôn mở đầu trao đổi mua bán | Phát ngôn mở đầu trao đối mua bán |
Sơ đồ này cho chúng ta thấy rằng, tại Pháp, ranh giới giữa ngữ đoạn mở đầu và ngữ đoạn trung tâm là khá rõ ràng. Trong khi đó tại Việt Nam, các thành viên tham thoại thường đi thẳng vào giai đoạn trao đổi buôn bán, phát ngôn mở đầu trao đổi buôn bán chiếm vị trí chuyển tiếp giữa ngữ đoạn mở đầu và ngữ đoạn trung tâm, vì vậy phát ngôn này thực hiện cùng lúc một số nhiệm vụ như là đảm bảo tính thông suốt của kênh giao tiếp, biểu thị sự nhận biết đối tác, mở đầu trao đổi, định nghĩa sắc thái của giao tiếp, nhiệm vụ của giao tiếp: Chúng ta gặp nhau chỉ đơn giản là trao đổi buôn bán, không gì khác.
Hơn thế nữa, trong tiếng Việt có thuật ngữ “mời chào”. Như vậy ta có thể hiểu rằng khi người bán mời người mua anh ta là đã chào người mua. Vậy có thể nói có phát ngôn chào hỏi lồng vào phát ngôn mở đầu của người bán?
Bây giờ chúng tôi chuyển sang một vấn đề khác, chúng tôi muốn biết: Trong giao dịch mua bán, các thành viên tham thoại thích sử dụng loại hình chào hỏi nào hơn?
3.2. Các loại hình chào hỏi và trao đổi chào hỏi
Trong phần này, trước hết chúng tôi muốn biết loại hình chào hỏi nào được sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp mua bán: chào hỏi thuần túy hay chào hỏi phụ trợ. Sau đó chúng tôi muốn biết các trao thoại chào hỏi có đối xứng hay khuyết.
Chúng tôi xin trình bày trước hết các kết quả nghiên cứu thống kê trong hai bảng sau.
Các loại hình chào hỏi và tính đối xứng của các trao thoại trong ngữ liệu tiếng Pháp.
Phạm vi giao tiếp |
Chào hỏi thuần túy |
Chào hỏi phụ trợ |
||
Đối xứng |
Khuyết |
Đối xứng |
Khuyết |
|
Cửa hàng giày dép |
09 |
02 |
00 |
00 |
Cửa hàng hoa |
03 |
03 |
01 |
04 |
Cửa hàng thịt |
09 |
01 |
00 |
00 |
Chợ trời |
02 |
00 |
00 |
00 |
Tổng cộng |
23 |
06 |
01 |
04 |
29 |
05 |
Các loại hình chào hỏi và tính đối xứng của các trao thoại trong ngữ liệu tiếng Việt
Phạm vi giao tiếp |
Chào hỏi thuần túy |
Chào hỏi phụ trợ |
||
Đối xứng |
Khuyết |
Đối xứng |
Khuyết |
|
Cửa hàng giày dép |
00 |
00 |
00 |
00 |
Cửa hàng khung tranh |
00 |
00 |
02 |
00 |
Chợ hoa Tết |
00 |
00 |
00 |
00 |
Chợ thực phẩm |
00 |
00 |
02 |
02 |
Tổng cộng |
00 |
00 |
04 |
02 |
00 |
06 |
Qua các kết quả trình bày trong hai bảng trên, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt lớn giữa các ngữ đoạn mở đầu trong dữ liệu tiếng Pháp và tiếng Việt. Ngoài hiện tượng vắng mặt có hệ thống các ngữ đoạn mở đầu trong dữ liệu tiếng Việt và sự xuất hiện thường xuyên của ngữ đoạn này trong dữ liệu tiếng Pháp mà chúng tôi vừa trình bày, chúng tôi nhận thấy rằng người Pháp thích dùng các phát ngôn chào hỏi thuần túy hơn là phụ trợ (29 so với 5) và trong các trao thoại chào hỏi thuần túy, phần lớn là đối xứng (23 so với 6). Điều đó có thể cho phép kết luận rằng người Pháp có thói quen chào hỏi nhau trong các cuộc giao tiếp buôn bán. Các phát ngôn chào hỏi phụ trợ ít xuất hiện hơn và thường khuyết tham thoại phản hồi vì các trao thoại này đòi hỏi một mức độ quen biết nào đó.
Trong khi đó, ở dữ liệu tiếng Việt, việc vắng mặt hoàn toàn các trao thoại chào hỏi thuần túy. Và các trao thoại chào hỏi phụ trợ thường đối xứng: Khi một trong hai bên bán hoặc mua chào, thì bên kia sẽ chào lại. Có thể khẳng định người Việt thích dùng loại chào hỏi phụ trợ hơn. Như vậy có thể nói tại Việt Nam, trong giao dịch mua bán, khi người ta quen nhau thì chào nhau, còn không thì thôi.
Bây giờ chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn ngữ đoạn này để xem các cấu trúc nội tại của nó là gì. Chúng tôi tìm hiểu xem các loại trao thoại nào thường được sử dụng trong giao tiếp buôn bán.
3.3. Cấu trúc của ngữ đoạn mở đầu
Trong dữ liệu tiếng Pháp
* Các trao thoại đối xứng của các phát ngôn chào hỏi thuần túy:
Chúng có số lượng nhiều nhất (23). Nhưng mức độ đối xứng thay đổi theo từng trường hợp:
a) Các trao thoại đối xứng hoàn toàn
– Bonjour. (Xin chào)
– Bonjour. (Xin chào)
hay có thêm từ xưng hô
– Bonjour Madame/ Monsieur. (Xin chào bà/ông)
– Bonjour Madame/ Monsieur. (Xin chào bà/ông)
b) Sự vắng mặt của từ xưng hô trong một trao thoại
– Bonjour Madame/ Monsieur. (Xin chào bà/ông)
– Bonjour. (Xin chào)
c) Chỉ có từ xưng hô trong một tham thoại
– Madame/ Monsieur. (Chào bà/ ông)
– Bonjour. (Xin chào)
d) Cặp: salut-bonjour tuy rất hiếm
– Salut. (Chào)
– Bonjour Monsieur. (Xin chào ông)
e) Các trao thoại chào hỏi thuần túy có trao thoại chào hỏi phụ trợ kế tiếp
– Madame bonjour. (Chào bà)
– Bonjour, ça va? (Xin chào, khỏe không ạ?)
– Oui, ça va. (Vâng, khỏe a.)
f) Các cặp chào hỏi thuần túy và phụ trợ
– Bonjour Monsieur. (Xin chào ông)
–Vous allez bien? (Ông khỏe không)
– Ça va et vous? (Khỏe, còn ông?)
– Ça va. (Khỏe)
* Các trao thoại chào hỏi thuần túy khuyết
Các trao thoại này thường bắt đầu bằng lời chào của người bán và phản ứng của người mua là hành động mở đầu cho trao đổi buôn bán: một câu hỏi hay một lời thỉnh cầu.
– Madame…bonjour? (Bà… xin chào?)
– Je voudrais savoir si vous avez des amourettes? (Tôi muốn hỏi xem bà có tuỷ sống bò?)
Chúng tôi vừa trích dẫn các dạng trao thoại chào hỏi thuần túy và phụ trợ. Chúng tôi thấy rằng trong một hoạt động giao tiếp rất đặc trưng, và có tính lặp lại, với một số lượng tham thoại hạn chế, nhưng có thể có nhiều biến thể khác nhau do cá tính và tâm lí của từng đối tượng. Thí dụ:
– (Huýt sáo và đi đến gần bà bán hàng) Etudiante maîtrise de sciences du langage. (Sinh viên cao học ngôn ngữ đây)
– On se moque pas, on se moque pas. (Không trêu chọc. Không trêu chọc nhé)
– Quelle langue déjà! (Chưa gì đã!)
Người mua đã sử dụng một hành động bông đùa như hành động mở đầu cho giao tiếp (một lời bình phẩm về nghề nghiệp của chúng tôi khi đang ghi âm và đóng vai người bán hàng). Hành động mở đầu này tạo nên một tình huống giao tiếp có tính rất gần gũi gia đình.
Dùng từ xưng hô chỉ người thứ ba để chỉ đối tác, một phương thức lịch sự rất cao:
– Et la petite dame, qu’est-ce qu’elle veut? (Và quý bà bé nhỏ, bà ấy thích gì nào?)
– Qu’est-ce qu’elle veut la dame? (Quý bà ấy mua gì nào?)
– La dame voudrait du mimosas. (Bà ấy thích hoa trinh nữ)
Với các từ xưng hô như vậy, người bán hàng muốn bày tỏ sự thân thiện đặc biệt với khách hàng và tạo ra một cuộc trao đổi buôn bán dễ chịu. Đó là những thí dụ điển hình nói lên vai trò của ngữ đoạn mở đầu là thực hiện một định nghĩa đầu tiên mang tính quyết định về tình huống giao tiếp.
Phải chăng khi mua bán hoa người ta thường dùng các lời nói đẹp vì các thí dụ này đều nằm trong dữ liệu ghi được tại cửa hàng hoa.
Trong dữ liệu tiếng Việt
Tất cả các hành động chào hỏi đều là phụ trợ. Trao thoại thường đối xứng: 4/2. Và ngữ đoạn mở đầu thường có một cuộc trò chuyện nhỏ:
– À Thủy! Lâu lắm rồi mới thấy đi chợ. Mua gì cho chị đi.
– Vâng! Mọi khi toàn bà già đi cho.
– Sướng thế còn gì.
– Em cũng bận. Đang không biết mua gì đây.
Cách mở đầu này thường diễn ra tại chợ thực phẩm vì người mua hàng đi chợ hàng ngày do vậy họ quen biết nhau. Và các bà các cô có thói quen kể cho nhau về gia đình mình, về các vấn đề hàng ngày của họ. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi một người phụ nữ biết cháu của một bà bán hàng nào đó sắp cưới hay vợ của con một bà khách hàng như thế nào. Tất cả điều đó tạo nên một mối quan hệ gần gũi với các khách hàng quen biết.
4. Kết luận
Ngữ đoạn mở đầu bao gồm chủ yếu là các phát ngôn chào hỏi trong trao đổi mua bán. Ngữ đoạn này thường diễn ra rất nhanh.
Tại Pháp, các lời chào rất phổ biến. Các phát ngôn chào hỏi thuần túy nhiều hơn các phát ngôn chào hỏi phụ trợ: trong các cửa hàng là bắt buộc nhưng ở chợ trời thì không bắt buộc. Khi người mua là khách quen, các phát ngôn chào hỏi phụ trợ xuất hiện nhiều hơn.
Tại Việt Nam, trong tất cả các địa điểm giao tiếp, chào hỏi không bắt buộc. Các phát ngôn chào hỏi thuần túy hầu như không xuất hiện, vì đối với người Việt chúng quá hình thức và có lẽ không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp này. Trong khi đó các phát ngôn chào hỏi phụ trợ thường hay được dùng. Sự xuất hiện của các phát ngôn chào hỏi phụ thuộc vào mối quan hệ trước đó của các thành viên tham thoại. Cấu trúc của ngữ đoạn này có rất nhiều biến thể dù diễn ra rất nhanh. Sự vắng mặt có hệ thống của ngữ đoạn này cho chúng ta thấy đây là một tình huống giao tiếp rất đặc biệt trong xã hội Việt Nam vì trong các tình huống khác như đến chơi nhà ai đó, chúng tôi quan sát thấy ngữ đoạn này thường rất phức tạp và biến đổi theo nhiều yếu tố: tuổi tác, quan hệ v.v..
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gofman E., La mise en scène de la vie quotidienne: 1. La présentation du soi, Paris, Minuit, 1973.
2. Kerbrat – Orecchion C., Les interactions verbales, Tome 1, 2, 3, Paris, Armand Colin. 1990, 1992, 1994.
3. Kerbrat – Orecchion C., Les actes de langage dans le discours: théorie et fonctionnement, Paris, Nathan, 2001a.
4. Nguyễn Vân Dung, La présentation des rapports de politesse au Vietnam dans la littérature contemporaine: ouvertures, clôtures et système d’adresse, Thèse de Doctorat en Sciences du Langage, Université de Rouen, 2000.
5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (= A la recherche de l’identité de la culture vietnamienne), Ho Chi Minh Ville, Nxb GD, 1997.
6. Traverso V., “Interactions ordinaires dans les petits commerces: éléments pour une comparaison interculturelle”, Langage et société 95, Minuit, Paris, 5-31, 2001b.
7. Windisch U., Le K-O verbal: la communication conflictuelle, Paris, L’Age d’homme, 1987.
SUMMARY
Initial sequences always play an important role in communication because they enable interlocutors to manage their dialogues. We recorded business transactions in shops in Vietnam and France. We attempted to find out Whether or not initial sequences appear systematically?; What components these sequences consist of? And whether or not there are differences between Vietnamese and French initial sequences ?
The findings highlight that there are differences in the organization of initial sequences. They can create misunderstandings or cultural shocks in intercultural communication.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 10 năm 2012
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)