Ngữ nghĩa của từ chỉ con số trong tiếng Hán và tiếng Việt: Trường hợp số 9

NUMBER 9: AN EXAMPLE OF WORDS THAT DESCRIBE NUMBERS
IN CHINESE AND VIETNAMESE

Tác giả bài viết: PHẠM NGỌC HÀM
(Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN)

TÓM TẮT

     Mỗi ngôn ngữ trên thế giới đều có một lớp từ chỉ con số. Con số không chỉ phục vụ tính toán mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của mỗi dân tộc. Ngoài nghĩa gốc ra, con số còn mang một số nghĩa biểu trưng, khiến cho việc bày tỏ tư tưởng tình cảm, truyền đạt thông tin trong giao tiếp đạt hiệu quả cao hơn. Tiếng Hán và tiếng Việt cũng không phải là ngoại lệ. Hai nước Việt Trung cùng nằm trong một không gian văn hóa, dẫn tới tâm lý sùng bái hay kiêng kỵ đối với con số, và ngoài những điểm tương đồng là chính, vẫn có những khác biệt nhất định. Con số 9 là một ví dụ tiêu biểu. Trong khuôn khổ bài viết này, bằng các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu như thống kê, phân tích, so sánh đối chiếu, chúng tôi mong muốn góp phần làm sáng tỏ đặc trưng ngữ nghĩa và nội hàm văn hóa của con số 9 cũng như từ ngữ chứa nó trong tiếng Hán và tiếng Việt.

Từ khóa: số 9, tiếng Hán, tiếng Việt, ngữ nghĩa, hàm ý văn hóa.

ABSTRACT

      Each language has a certain amount of vocabulary that identifies numbers. Numbers are not only used to indicate a quantity but also associated with the culture of people in a country. Besides the primary meaning, each number embraces symbolic meanings, which helps people to express feelings and exchange information more effectively. Chinese and Vietnamese are no exceptions. China and Vietnam lie in the same cultural space, so people may prefer or avoid some certain numbers. Number 9 is a typical example. In the article, various research methods and research techniques, such as statistics, analysis, and comparison are used to clarify the meanings and cultural implications of number 9 as well as the words that contain this number in Chinese and Vietnamese.

Keywords: number 9, Chinese, Vietnamese, meaning, cultural implications.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Cùng với quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, con số xuất hiện, đóng vai trò quan trọng trong đời sống và góp phần thúc đẩy ngôn ngữ phát triển phong phú hơn. Con số không chỉ phục vụ tính toán mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Người Việt Nam thường nói anh ấy số khổ/ số sướng/ tốt số/ xấu số/ ngắn số… Từ số trong các trường hợp này tương đương với 命 mệnh trong tiếng Hán. Từ điển tiếng Việt giải thích rằng, số (数) là “những sự may rủi gặp phải trong cuộc đời của mỗi người, đã được định sẵn từ trước một cách thần bí, theo quan niệm duy tâm” (Hoàng, 2020, tr. 1375). Điều đó cho thấy giữa sốmạng/ mệnh có mối liên hệ với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam thường nói chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba, bảy nổi ba chìm/ ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh. Bài dân ca Bình Trị Thiên Mười cái trứng được đưa vào chương trình văn học trường phổ thông cũng dùng hai con số này để diễn tả nỗi long đong lận đận của người dân trong cuộc mưu sinh với vốn liếng vay mượn được vẻn vẹn chỉ một con gà mái. Sau khi đẻ mười cái trứng, mẹ gà ấp ủ chỉ nở được ba con, bảy cái trứng còn lại đều ung, và ba con gà xấu số vừa ra đời cũng bị diều tha, quạ bắt, mắt cắt lôi. Số 3 và số 7 trong tâm thức người Việt Nam là biểu trưng của cuộc sống khó khăn, chật vật, xui xẻo. Người Trung Quốc thường kiêng làm nhà 4 tầng, tránh ở tầng số 4, đó là do xét trong quan hệ hài âm, âm đọc của 4 là sì/ tứ (四), hài âm với sĭ/ tử (死: chết). Người Việt Nam và người Trung Quốc đều ưa chuộng các con số như 6, 8, 9…, vì số 6 âm đọc là lục (六), hài âm với lộc (禄: tiền của/ bổng lộc), số 8 âm đọc là bát (八), hài âm với phát (发: phát triển/ đi lên), số 9 âm đọc là cửu (九), hài âm với cửu (久: lâu bền). Người dân các nước phương Tây thường kiêng kỵ con số 13, họ cho rằng, con số này thường mang lại những điều không may mắn, dần dần hình thành quan niệm không nên xuất hành vào ngày 13. Điều đó chứng tỏ mỗi dân tộc trên thế giới đều có ấn tượng riêng với từng con số, coi nó là biểu trưng cho sự may mắn hoặc rủi ro. Quan niệm về con số phản ánh sinh động trong đời sống ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ trên thế giới đều có một lượng nhất định chỉ từ con số và ngữ cố định chứa con số, tiêu biểu là thành ngữ, tục ngữ. Ngoài nghĩa gốc ra, chúng còn mang ý nghĩa biểu trưng. Trải qua thực tiễn cuộc sống, mỗi dân tộc hình thành nên tâm lý sùng bái và kiêng kỵ đối với những con số nhất định. Có thể nói, con số trong tâm thức của mỗi dân tộc đều ẩn chứa nội dung văn hóa vô cùng sâu sắc. Đi sâu tìm hiểu ngữ nghĩa của từ chỉ con số, không chỉ thấy được chiều sâu của ngôn ngữ, mà còn nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong đó. Số 9 trong tiếng Hán và tiếng Việt là một ví dụ tiêu biểu.

     Hai nước Việt Trung núi sông liền một dải, thuộc cùng một không gian văn hóa. Tiếng Hán và tiếng Việt lại có chung đặc điểm là ngôn ngữ âm tiết tính, hơn nữa, trải qua quá trình giao lưu văn hóa, tiếng Việt từ xa xưa đã tiếp thu một lượng khá lớn (khoảng 60%) từ vựng tiếng Hán và trở thành từ Hán Việt. Lớp từ Hán Việt này chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong giao tiếp ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ viết. Với tư cách là từ chỉ con số, trong tiếng Việt, chín là từ thuần Việt, tồn tại song song với cửu (九) là từ Việt gốc Hán nhưng phạm vi sử dụng và sắc thái nghĩa có những điểm khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, bằng các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu như thống kê, phân tích, so sánh đối chiếu, chúng tôi muốn làm sáng tỏ nghĩa biểu trưng và hàm ý văn hóa cũng như giá trị nghệ thuật của con số 9 trong ngôn ngữ và văn học của hai nước Việt Trung.

2. Điểm qua tình hình nghiên cứu về từ ngữ chỉ con số ở Việt Nam

     Con số có ý nghĩa lớn lao trong đời sống. Đối với các ngôn ngữ trên thế giới nói chung, tiếng Hán và tiếng Việt nói riêng, con số luôn là vấn đề thuộc lĩnh vực ngôn ngữ – văn hóa hết sức thú vị, cần được đi sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, ở nước ta, nghiên cứu về từ ngữ chỉ con số chủ yếu tập trung vào tiếng Việt. Thành quả nổi bật nhất là Trần Thị Lam Thủy (2013) với luận án Tiến sĩ nhan đề Đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của con số trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam. Trên cơ sở khái quát các vấn đề lí luận có liên quan, tác giả đã bàn luận về đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa, vai trò và giá trị văn hóa của con số trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt Nam. Vấn đề ngữ nghĩa chủ yếu tập trung vào nghĩa biểu trưng của số lẻ, số chẵn, số lớn và số thứ tự. Có thể nói, đây là nghiên cứu có tính hệ thống, vĩ mô về con số trong tiếng Việt dưới góc nhìn ngôn ngữ học. Ngoài ra, tác giả còn công bố một số bài viết có liên quan, tiêu biểu là Con số và các biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn và Sự hoạt động và biến đổi ngữ nghĩa của con số ba trong mối quan hệ với những con số khác (qua thành ngữ, tục ngữ và ca dao người Việt) đăng trên Tạp chí Từ điển học Bách khoa thư. Trong những bài viết này, ngữ nghĩa của con số được xem xét dưới góc độ quá trình hành chức dựa trên ngữ cảnh nhất định qua việc khảo sát thành ngữ (456 đơn vị), tục ngữ (2132 đơn vị), ca dao (2951 bài). Như vậy, cơ sở ngữ liệu phục vụ phân tích đầy đủ, đáng tin cậy, kết quả nghiên cứu có sức thuyết phục cao.

     Nghiên cứu đối chiếu về con số trong tiếng Hán với tiếng Việt cũng được các tác giả xem xét chủ yếu dựa trên đơn vị thành ngữ, coi thành ngữ làm đối tượng khảo sát. Đáng lưu ý nhất là Giang Thị Tám (2001) với luận văn Thạc sĩ nhan đề Khảo sát thành ngữ tiếng Hán có yếu tố chỉ con số trong sự đối chiếu với thành ngữ tiếng Việt có yếu tố là con số. Trong luận văn này, tác giả đã thống kê và phân tích đối chiếu nhóm thành ngữ có chứa con số trong tiếng Hán và tiếng Việt, chỉ ra những tương đồng và khác biệt về cấu trúc, ngữ nghĩa và hàm ý văn hóa của con số xuất hiện trong thành ngữ, chỉ ra những điểm giống và khác nhau của thành ngữ có chứa con số trong hai ngôn ngữ vốn có nhiều điểm tương đồng này. Mạc Tử Kỳ (2009) với luận văn Thạc sĩ nhan đề Khảo sát thành ngữ có con số trong tiếng Hán và cách thức chuyển dịch sang tiếng Việt cũng chọn thành ngữ làm đơn vị nghiên cứu chính để bàn luận về con số. Nội dung nghiên cứu về phương thức chuyển dịch thành ngữ có con số từ tiếng Hán sang tiếng Việt đã góp phần làm rõ những tương đồng và khác biệt trong cách biểu đạt đơn vị ngôn ngữ đặc thù có chứa con số này. Như vậy, con số được các tác giả nghiên cứu dưới góc nhìn gián tiếp và xem xét trong tổng thể của mỗi đơn vị thành ngữ cụ thể. Ngoài ra, còn có luận văn thạc sỹ nhan đề Khảo sát thành ngữ, tục ngữ có thành tố chỉ con số trong tiếng Lào, có so sánh với tiếng Việt của lưu học sinh Lào Phoukham (2018). Trong luận văn này, thành ngữ chỉ con số trong tiếng Lào là đối tượng nghiên cứu chính, thành ngữ tiếng Việt chỉ là tham tố so sánh, do đó, đặc điểm thành ngữ chỉ con số tiếng Việt không được tác giả khảo sát và phân tích sâu. Những công trình khoa học trên đây ở chừng mực nhất định đều có giá trị gợi mở cho chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về lĩnh vực con số và văn hóa. Nghiên cứu này đã tiếp thu thành quả của các học giả đi trước, đồng thời là sự kế thừa và phát triển nội dung tham luận Hội thảo Quốc gia năm 2021 nhan đề Số 9 trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Việt của chúng tôi.

3. Nghĩa của số 9 và từ ngữ có chứa số 9 trong tiếng Hán và tiếng Việt

     3.1. Nghĩa của số 9 trong tiếng Hán và tiếng Việt

     Trước hết, số 9 xuất hiện trong Chu dịch (周易) với vai trò là số dương cao nhất. Hào thượng cửu được ví với bậc quân tử ở ngôi vị cao, không mắc lỗi lầm (君子无咎 quân tử vô cữu). Từ cửu ngũ (九五) trong tiếng Hán dùng để chỉ ngôi vị đế vương cũng bắt nguồn từ quan niệm về con số trong cuốn sách triết học này. Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch hằng năm, Trung Quốc đón tết Trùng dương (重阳), còn gọi là Trùng cửu (重九: lặp lại hai lần con số 9). Cứ đến ngày cuối thu đặc biệt này, người Trung Quốc có tập tục leo núi, ngắm cúc, uống rượu hoa cúc, tôn vinh đạo hiếu, thể hiện tâm nguyện của những người con xa xứ luôn ngóng trông về nơi quê cha đất tổ để vơi đi nỗi nhớ quê hương.

     Trong tiếng Hán, số 9 viết dưới dạng chữ Hán là 九 và dạng phồn thể là 玖. Cuốn Hán ngữ đại tự điển đã dẫn ra quan điểm của Hứa Thận trong Thuyết văn cho rằng, 九 cửu là biến của dương, tượng hình biến đổi (khuất khúc) đến cùng cực (cứu tận) (九,陽之變也。象其屈曲究盡之形), đây là cách dùng đồng âm cứu để giải thích cho chữ 九 cửu. Hán ngữ đại tự điển còn dẫn ra ý kiến của nhà văn tự học Đinh Sơn trong Số danh cổ nghị (數名古誼) để giải thích thêm, chín (9) vốn là chữ 肘 trửu, nghĩa là khuỷu tay, hình ảnh giống như chỗ gấp khúc của cánh tay. Khuỷu tay có thể co duỗi, nên có nghĩa cuộn tròn lại (九,本肘字,象臂節形。……臂節可屈可伸,故有纠屈意) (Xu, 2010, tr. 36, 37). Hán ngữ đại tự điển đưa ra 6 nghĩa của từ 九 jiu gồm (1) số từ, nghĩa là 8 thêm 1; (2) phiếm chỉ số nhiều; (3) hào dương trong Chu dịch; (4) từ chỉ thời gian, cứ 9 ngày sau tiết đông chí được coi là một “cửu”; (5) thông với 久 cửu nghĩa là lâu; (6) tên nước thời xưa (Xu, 2010, tr. 36-37). Trong các bộ từ điển tiếng Hán như Từ điển quy phạm tiếng Hán hiện đại (现代汉语规范词典) giải nghĩa về 九 jiu khá đơn giản, gồm ba nghĩa: (1) chữ số, là con số có được nhờ phép cộng giữa 8 và 1; (2) danh từ, cứ 9 ngày sau tiết đông chí được coi là một “cửu”, tổng cộng có 9 “cửu”, như trong cách nói sổ cửu hàn thiên (数九寒天) chỉ ngày đông tháng giá; (3) biểu thị nhiều lần hoặc đa số, như cửu tiêu (九霄: chín tầng mây) (Li & Tang, 2001, tr. 576). Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (新现代汉语词典) giải thích rằng, 九 jiu nghĩa gốc là khuỷu tay, cấu tạo theo nguyên tắc tượng hình, khắc họa lại hình ảnh khuỷu tay khi co lại. Bên cạnh đó là nghĩa chỉ con số, phiếm chỉ số nhiều; 九 jiu chỉ con số lớn hơn 8 một đơn vị, bình phương của ba, hay ba lần ba; tiếp đó là các nghĩa như thứ 9, tháng 9 và là đơn vị thời gian chỉ mỗi 9 ngày kể từ sau ngày đông chí;jiu là nơi sâu nhất của lòng đất (cửu tuyền); chỉ trời trong từ cửu trùng; nơi ở của Hoàng đế (Wang, 1993, tr. 853).

     Số 9 trong tiếng Việt tồn tại dưới hai dạng cửuchín, trong đó, cửu là từ gốc Hán. Theo Từ điển tiếng Việt, từ chín trong tiếng Việt là danh từ, chỉ con số, [ghi bằng 9] liền sau số 8 trong dãy số tự nhiên (Hoàng, 2020, tr. 272). Ngoài ra, trong cuốn từ điển này còn giải thích, chín làm động từ chỉ quả hạt hoặc hoa ở vào giai đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm vị ngon. Chúng tôi cho rằng, trường hợp chín làm động từ được coi là đồng âm với chín làm danh từ chỉ con số. Số 9 trong tiếng Việt chỉ đơn thuần là con số, nghĩa biểu trưng của nó chỉ được thể hiện trong quá trình sử dụng và trở thành vấn đề cần bàn luận của ngôn ngữ học.

     3.2. Nghĩa của từ ngữ có chứa số 9 trong tiếng Hán và tiếng Việt

     Con số 9 có thể làm thành tố cấu tạo từ, ngữ cố định, đặc biệt là thành ngữ. Theo thống kê của chúng tôi, Tân hiện đại Hán ngữ từ điển thu thập được 18 đơn vị từ ngữ, chẳng hạn như cửu trùng (九重), cửu đỉnh (九鼎), cửu thiên (九天), cửu tuyền (九泉), cửu thu (九秋), cửu khiếu (九窍), cửu cửu quy nhất (九九归一: rốt cuộc, cuối cùng lại trở về bản nguyên), cửu tuyền (九泉), cửu châu (九州), cửu tử nhất sinh (九死一生)… Cuốn Từ điển quy phạm tiếng Hán hiện đại thu thập được 13 đơn vị, so với Tân hiện đại Hán ngữ từ điển thì có thêm từ cửu tộc (九族), nhưng lại ít hơn 5 đơn vị. Tuy nhiên, trên thực tế, số từ ngữ chứa con số 9 cao hơn hai cuốn từ điển này rất nhiều, trong đó, có một số từ ngữ được tiếng Việt tiếp nhận như cửu tộc (九族), cửu đỉnh (九鼎), cửu trùng (九重), cửu tuyền (九泉)… Từ Cửu Châu (九州) trong tiếng Hán ban đầu dùng để chỉ 9 khu vực của đất nước Trung Quốc thường gặp trong truyền thuyết gồm Ký Châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Lương Châu, Ung Châu và Dự Châu, sau dùng làm tên gọi khác chỉ Trung Quốc cổ đại. Cửu thu (九秋) dùng để chỉ 90 ngày của mùa thu. Cửu thiên (九天) là tầng trên cùng, cao nhất của tầng không, tương đương với trời cao. Cửu đỉnh (九鼎) chỉ chín cái vạc tượng trưng cho chín châu, cũng là biểu tượng của quyền lực chính trị cao nhất thời Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc cổ đại. Cửu khiếu (九窍) chỉ chín cửa thông với bên ngoài trên cơ thể người, hiển thị nhất là đôi mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, miệng… Cửu đầu kê (九头鸡) vốn là danh từ chỉ loài gà lạ có 9 đầu, sau dùng để ví với những kẻ gian ác xảo quyệt. Trong tiếng Hán còn có Hồng phạm cửu trù (洪范九畴: pháp chế lớn chín chương) do Hạ Vũ định ra, được ghi trong thiên Hồng phạm sách Thượng thư (尚书). Cách đọc của số 9 hài âm với 酒 jiu/ tửu (rượu) và 久 jiu/ cửu (lâu bền) tạo cơ sở cho việc vận dụng thủ pháp tu từ hài âm trong giao tiếp ngôn ngữ Hán và sáng tác văn học nghệ thuật.

     Thành ngữ chứa số 9 trong tiếng Hán khá nhiều. Theo thống kê của chúng tôi, Tự điển Hán ngữ trực tuyến (在线汉语字典) thu thập được 119 đơn vị thành ngữ chứa 九 jiu (số 9), trong đó 50/119 đơn vị có 九 jiu đứng trước, chiếm 42,01%, số còn lại đứng giữa hoặc đứng sau. Xét về thành tố cấu tạo, 九 jiu kết hợp với các con số khác tạo thành thành ngữ đạt tỷ lệ vượt trội: 78/119 đơn vị, chiếm 65,54%. Con số kết hợp với 9 để tạo thành ngữ chủ yếu là số 10, biểu thị số lượng nhiều hoặc tỷ lệ lớn gần như tuyệt đối. Chẳng hạn như thập nhân cửu mộ (十人九慕) chỉ diện mạo, tài hoa xuất chúng được nhiều người ngưỡng mộ, thập nho cửu cái (十儒九丐) chỉ trí thức nghèo khó, đại đa số bị coi thường, thập chi bát cửu (十之八九) chỉ đa số: tám chín mươi phần trăm. Những thành ngữ này thường mang nghĩa biểu trưng, như thập miên cửu tọa (十眠九坐) dùng để chỉ nguy cơ khó chống đỡ, lo lắng không yên, thập tử cửu hoạt (十死九活) chỉ nguy cơ khó có thể tồn tại, thập sinh cửu tử (十生九死) chỉ sự nếm trải hết mọi gian lao/ nếm mật nằm gai, thập mễ cửu khang (十米九糠) chỉ sự nghèo khó, ăn tấm ăn cám qua ngày, thập tuần cửu thực (十旬九食) dùng để chỉ gia cảnh khó khăn, bần hàn, hiếm có dịp được no đủ… Ngoài ra, 九 jiu còn kết hợp với con số 1, biểu thị sự chênh lệch lớn về lượng, từ đó mang nghĩa liên tưởng chỉ tình huống nguy kịch, ngàn cân treo sợi tóc, chẳng hạn như, cửu tử nhất sinh (九死一生), diễn tả một người nào đó vừa trải qua thử thách lớn lao, hiểm họa khôn lường nhưng may mắn được sống sót. Một số thành ngữ dạng này biểu thị sức ảnh hưởng lớn, vượt trội, chẳng hạn như nhất tử xuất gia, cửu tổ thăng thiên (一子出家九祖升天), nhất tử ngộ đạo, cửu tộc sinh thiên (一子悟道九族生天), tương đương với một người làm quan, cả họ được nhờ trong tiếng Việt. Cũng có trường hợp sự chênh lệch ấy lại dùng để chỉ số lượng quá nhỏ trong tương quan với số lượng quá lớn, trở nên không đáng kể, như thành ngữ cửu ngưu nhất mao (九牛一毛), tương đương với không thấm vào đâu, muối bỏ bể trong tiếng Việt… 九 jiu kết hợp với con số 3, như cửu liệt tam trinh (九烈三贞), miêu tả phẩm giá trung trinh, tiết hạnh của người phụ nữ theo quan niệm lễ giáo phong kiến, đáng được biểu dương; cửu lưu tam giáo hay tam giáo cửu lưu (九流三教/ 三教九流) trong đó, tam giáo dùng để chỉ Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và cửu lưu dùng để chỉ chín trường phái học thuật từ thời Tiên Tần đến đầu thời Hán, gồm Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia, Nông gia. Thành ngữ tam đẳng cửu ban/ tam đẳng cửu cách (三等九般/ 三等九格) dùng để chỉ số lượng nhiều, chủng loại đa dạng; cửu giang bát hà (九江八河) dùng để phiếm chỉ tất cả mọi sông ngòi. 九 jiu kết hợp với số 5, như cửu ngũ chi tôn (九五之尊) biểu thị sự tôn kính tối cao/ vua chúa, trong đó, từ cửu ngũ (九五) vốn chỉ một hào trong Chu dịch với lời hào là phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân (飞龙在天利见大人: rồng bay trên trời, thời cơ dành cho người hiền tài đã đến), về sau cửu ngũ dùng để chỉ bậc đế vương tôn quý. 九 jiu kết hợp với số 7, như cửu tông thất tổ (九宗七祖) dùng để chỉ dòng tộc, tổ tiên lâu đời, 九 jiu kết hợp với số 4 như cửu châu tứ hải (九州四海) dùng để chỉ đất nước rộng lớn 九 jiu kết hợp với số 2, như cửu ngưu nhị hổ chi lực (九牛二虎之力), chỉ sức mạnh to lớn. 九 jiu kết hợp với chính nó, như cửu thiên cửu địa (九天九地) vốn chỉ nơi cao nhất của bầu trời và nơi thấp nhất của lòng đất, sau dùng để ví với sự chênh lệch quá lớn, tương đương với một trời một vực trong tiếng Việt. 九 jiu kết hợp với 100, như bách lục dương cửu (百六阳九) dùng để chỉ tai họa, rủi ro. 九 jiu kết hợp với hai con số khác, như thập chi bát cửu/ thập hữu bát cửu (十之八九/十有八九) dùng để chỉ đa số, phần lớn; bát cửu bất li thập (八九不离十) biểu thị xấp xỉ, gần chính xác… Ngoài ra còn có một số thành ngữ chứa số 90, kết hợp với 100, biểu thị đa số, như hành bách lí giả bán vu cửu thập/ hành bách lí giả bán cửu thập (行百里者半于九十/行百里者半九十), chỉ sự việc càng gần đến đích càng khó khăn. Tuy nhiên, trường hợp 9 kết hợp với 2, 4, 7, 8 chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 1 đến 2 đơn vị. Các trường hợp khác trong thành ngữ chỉ xuất hiện duy nhất một con số 9, chẳng hạn như ngôn trọng cửu đỉnh (言重九鼎) tương đương với lời nói đọi máu, lời nói là vàng (khuyên người ta nói năng phải hết sức thận trọng) trong tiếng Việt, long sinh cửu tử (龙生九子) dùng để chỉ những người dù là ruột thịt, đồng bào nhưng mỗi người một vẻ, sở trường khác nhau; cửu niên chi trữ (九年之储) chỉ sự tích lũy lâu dài, cửu lưu nhân vật (九流人物) chỉ mọi tầng lớp trong xã hội, hạc minh cửu tuyền (鹤鸣九泉) chỉ hiền nhân quân tử tuy mai danh ẩn tích nhưng vẫn nổi tiếng, cửu thiên tiên nữ (九天仙女) chỉ người phụ nữ tuyệt mĩ vô song, cửu tiêu vân ngoại (九霄云 外) chỉ sự xa xăm đến mịt mùng…

     Từ điển tiếng Việt đã dẫn ra 7 đơn vị từ ngữ có chứa chín với nghĩa là con số như chín bệ, chín bỏ làm mười, chín chữ cù lao, chín người mười ý, chín suối, chín tầng mây, chín trùng. Trường hợp cửu là từ Hán Việt chỉ con số liền sau số 8, Từ điển tiếng Việt không giải thích thêm mà chỉ dẫn ra 8 đơn vị từ ngữ có chứa nó như cửu chương, cửu lí hương, cửu ngũ, cửu nguyên cửu phẩm, cửu trùng, cửu tuyền, cửu vạn (Hoàng, 2020, tr. 273, 394).

     Trong tiếng Việt, số 9 mang tính ước lệ chỉ số nhiều, số dương cao nhất, các lối nói chín sông, chín núi, chín đèo,… dùng để chỉ sự xa xôi cách trở, gian nan thử thách; chín suối dùng để chỉ thế giới của người đã chết, tồn tại song song với cửu tuyền, hoàng tuyền là từ Hán Việt, chín bệ dùng để chỉ nhà vua, chín tầng mây tương đương với cửu tiêu (九霄) trong tiếng Hán vốn chỉ nơi rất cao trên không trung, dùng để ví với sự xa rời thực tế. Chín thường kết hợp với mười như chín người mười làng, chín người mười ý…, dùng để chỉ sự pha tạp lẫn lộn, không thống nhất. Chín kết hợp với mười theo trình tự tăng tiến còn biểu thị thời gian dài, lòng kiên nhẫn, son sắt thủy chung. Chẳng hạn như chín đợi mười chờ, hay câu Anh về học lấy chữ Nhu, chín trăng em đợi, mười thu em chờ (Ca dao Việt Nam). Chín tháng mười ngày dùng để chỉ một quá trình thai nghén trọn vẹn, cũng là công ơn mang nặng đẻ đau của người mẹ để có đứa con khỏe mạnh ra đời. Chín nhớ mười thương/ chín thương mười nhớ chỉ tình cảm sâu nặng. Số 9 kết hợp với 10 còn tạo nên thành ngữ chỉ số đông, hỗn tạp, nhiều thành phần ô hợp, chẳng hạn như chín người mười làng. Số 9 kết hợp với 10 chỉ sự xấp xỉ, chênh lệch không nhiều, có thể xuê xoa, châm chước trong câu một chín một mười (năng lực của hai người này một chín một mười). Cũng từ độ chênh lệch của hai con số chỉ lượng lớn không xác định này đã hình thành lối nói chín bỏ làm mười dùng để khuyên can con người không nên cố chấp, dĩ hòa vi quý để giữ tình đoàn kết, thân ái. Thậm chí, con số 9000 có khi được kết hợp với số 1, nhấn mạnh sự chênh lệch vượt trội về lượng. Những người ngán ngẩm cho nhân tình thế thái vì thói đời đen bạc, coi trọng vật chất, phù thịnh không phù suy, thường than rằng Đói rách chẳng có ai nhìn, phất lên một cái chín nghìn anh em. Phép đối lập giữa 1 và 9000 gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo hiệu quả phê phán, châm biếm sâu cay cho câu ngạn ngữ về thói trọng phú khinh bần này. Trong đối nhân xử thế, câu một sự nhịn là chín sự lành đã trở thành phương châm sống và cách xử lý mâu thuẫn hữu hiệu nhất. Câu ngạn ngữ này khiến ta liên hệ đến những lối nói theo phong cách Hán học như thoái nhất bộ phong bình lãng tĩnh (lui một bước sẽ được biển lặng trời yên). Số 9 được mô tả bằng hình ảnh 百尺竿头更进一步 bách xích can đầu cánh tiến nhất bộ (đầu cành trúc dài trăm thước còn tiến thêm một bước), có nghĩa là sau số 9 còn có không gian phát triển, không như số 10 là số chẵn, tròn trịa, nhưng sẽ chững lại và trở về xuất phát điểm. Quan điểm triết học Trung Quốc được thể hiện trong Chu dịch là vật cùng tắc phản hạ (物穷 则反下), nghĩa là sự vật phát triển đến đỉnh điểm sau đó sẽ trở về vạch xuất phát. Đó cũng là lý do khiến con số dương cao nhất: số 9 được sùng bái hơn cả số 10.

     Tiếng Việt tiếp nhận 九 cửu với tư cách là một từ Hán Việt chỉ con số cao nhất trong dãy số tự nhiên, như cửu trùng (九重) vốn chỉ chín tầng trời cao, sau dùng để chỉ nhà vua hoặc nơi vua ở với sắc thái tôn kính, cửu phẩm (九品) là hạng quan chức thấp nhất (phẩm hạng thứ chín) đối lập với nhất phẩm là phẩm hạng đầu tiên, cao nhất thời nhà Nguyễn, cửu vạn (九万) vốn là tên một con bài trong tổ tôm, vì hình ảnh biểu trưng của quân bài này là một người đàn ông mang vác nặng nề, sau được dùng để chỉ người lao động thể lực, bốc vác vất vả, khó nhọc, cửu lí hương (九里香: hương thơm tỏa chín dặm) là tên một loài thực vật có ở cả Trung Quốc và Việt Nam, còn gọi là cửu thu hương, thất lí hương, thiên lí hương… Ca dao Việt Nam có câu gió đưa cây cửu lí hương, người trong một nước phải thương nhau cùng/ Gió đưa cây cửu lí hương, hai người hai họ mà thương nhau cùng. Những lớp học sinh tiểu học xưa tiếp xúc với môn Toán, trước tiên phải học thuộc cửu chương. Đó là bảng tính từ phép nhân 2 đến phép nhân 10. Như trên đã phân tích, nghĩa biểu trưng của số 9 cũng như những từ ngữ chứa chín trong tiếng Hán và tiếng Việt, có nhiều điểm tương đồng, song cũng có những điểm khác biệt, trong đó phải kể đến những trường hợp từ ngữ tiếng Hán sau khi gia nhập hệ thống từ vựng tiếng Việt vẫn giữ nguyên nghĩa, như cửu tuyền, cửu tộc, cửu châu, cửu chương… Một số trường hợp có sự chênh lệch về con số, như cửu tử nhất sinh/ 九死一 生, cửu thiên cửu địa/ 九天九地 (tiếng Hán) và thập tử nhất sinh, một trời một vực (tiếng Việt). Ngoài ra còn có trường hợp từ ngữ tiếng Hán có chứa con số nhưng cách biểu đạt tương đương trong tiếng Việt lại không xuất hiện con số, như cửu ngưu nhất mao/ 九牛一毛 (tiếng Hán) và muối bỏ bể/ không thấm vào đâu (tiếng Việt). Câu thành ngữ làm đĩ chín phương chẳng để một phương lấy chồng dùng để phê phán những người phụ nữ say mê sắc dục, bỏ qua chuẩn mực đạo đức cũng chứng tỏ ý nghĩa chỉ số lượng nhiều của số 9, cũng không có cách biểu đạt tương ứng bằng từ chỉ con số trong tiếng Hán. Sự kết hợp giữa số 9 và các con số khác để tạo nên ngữ cố định, nhất là thành ngữ trong tiếng Hán và tiếng Việt mà thường là sự kết hợp giữa số 9 và một con số khác, do điểm chung về tính chất âm tiết tính của hai ngôn ngữ đã tạo nên sự cân xứng về cấu trúc, đối lập hoặc ngang bằng về nghĩa, tạo nhịp điệu cho những đơn vị ngôn ngữ đặc thù này.

4. Giá trị văn hóa và vai trò của số 9 trong sáng tác văn học

     Con số nói chung và số 9 nói riêng trong tiếng Hán và tiếng Việt đều chứa đựng hàm ý văn hóa sâu sắc, thể hiện quan niệm về từng con số của mỗi dân tộc. Người Trung Quốc cho rằng, số 9 là số dương cao nhất, con số vương giả, biểu trưng cho sự cao thượng, sinh sôi nảy nở và tiếp tục phát triển. Quẻ số 1 trong 64 quẻ của Chu dịch là quẻ thuần càn/ kiền, tượng trưng cho trời. Trong quẻ này có hào cửu ngũ là quẻ tốt nhất với sự kết hợp hai số dương hoàn hảo nhất là 9 và 5, hào từ là 飞龙在天 phi long tại thiên (rồng bay trên trời), mang ý nghĩa biểu trưng cho người quân tử gặp thời cơ, thỏa sức vẫy vùng. Nhân (仁), nghĩa (义), lễ (礼), trí (智), tín (信), trung (忠), thứ (恕), hiếu (孝), đễ (悌) là 9 tiêu chuẩn đạo đức, cũng là 9 tư tưởng hạt nhân trong Nho học. Số 9 còn mang đậm sắc màu văn hóa tín ngưỡng dân gian. Tập tục thờ cúng tổ tiên, dòng tộc của nhân dân hai nước Việt Trung đều thường nhắc đến thất tổ cửu huyền (七组九玄), khái niệm này dùng để chỉ bảy đời trên TÔI gồm phụ, tổ, tằng tổ, cao tổ, thái tổ, huyền tổ, hiển tổ và chín đời sau TÔI gồm tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn, lai tôn, côn tôn, nhưng tôn, vân tôn, nhĩ tôn. Phật giáo quy định 9 bậc tu học từ thấp đến cao gọi là Cửu phẩm liên hoa hay chín tầng địa ngục dùng để răn con người nên làm điều thiện, không làm điều ác. Thiên chúa giáo có Cửu phẩm thiên thần. Mỗi khi cầu mong trời đất phù hộ độ trì, người ta thường dùng câu lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật làm lời khấn vái trước đấng tối linh. Điều đó chứng tỏ ý nghĩa của số 9 trong đời sống văn hóa ngôn ngữ Trung, Việt nói chung và tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân hai nước nói riêng là rất phong phú đa dạng. Số 9 còn làm thành phần cấu tạo tên đất. Chẳng hạn như Cửu Châu là đơn vị hành chính trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, Cửu Chân là tên một quận của Việt Nam thời Bắc thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa và một phần tỉnh Ninh Bình vào đời Vua Hùng. Cửu long dùng để chỉ con sông lớn tưới tiêu cho đồng bằng Nam bộ phì nhiêu màu mỡ mang tên Đồng bằng sông Cửu long và miền quê này còn mang tên Đất chín rồng đều gắn với số 9 mà trở thành đất thiêng. Cửu ca là tên tập thơ cổ gồm 11 thiên, gắn liền với Sở từ và tên tuổi của Khuất Nguyên. Trong xã hội phong kiến, tru di cửu tộc (giết sạch 9 họ thuộc dòng tộc của kẻ phạm tội) là hình phạt cao nhất, tàn bạo nhất đối với các tội khi quân phạm thượng, tội phản quốc, tư thông với địch. Ngay cả những doanh nhân có kinh nghiệm cũng tận dụng số 9 để làm “chiêu” thúc đẩy tiêu thụ. Chẳng hạn giá một mặt hàng 8000000 đồng, nhà kinh doanh thường “cố ý” niêm yết thành 7999990 đồng, mặt hàng giá 6000000 đồng được niêm yết thành 5990000 đồng. Cửa hàng chuyên kinh doanh máy massage địa chỉ tại số 555 Thụy Khuê có số điện thoại liên hệ chứa tới 5 số 9 và niêm yết giá “cực sốc” vào thời điểm tháng 1 năm 2022 là 11999000/ một cỗ máy. Điều đó cũng chứng tỏ ý nghĩa của con số 9 được vận dụng trong kinh doanh, cũng như tâm lí sùng bái con số may mắn của nhà kinh doanh. Có thể nói, con số nói chung và số 9 nói riêng đã thể hiện rõ nét triết lý âm dương cũng như sự tri nhận của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc về mối liên hệ giữa con số với tự nhiên và xã hội.

     Giá trị văn hóa kết hợp với ý nghĩa biểu trưng và thủ pháp hài âm của con số đã tạo chất liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật. Từ ca dao dân ca cho đến những sáng tác hàn lâm, các tác giả thường sử dụng con số với ý nghĩa biểu trưng như một phương tiện nghệ thuật thể hiện. Con số 9 là một ví dụ tiêu biểu, số 9 xuất hiện trong cả văn học Trung Quốc và Việt Nam, góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Trước hết phải nhắc tới Mã Trí Viễn (马致远) – nhà tản khúc đời Nguyên với tuyệt tác Thiên tịnh sa – thu tứ (天净沙–秋思) luôn gắn liền với tên tuổi của ông. Trong tổng số 28 chữ của bài tản khúc này thì có tới 9 danh từ song âm tiết chỉ 9 cảnh vật đơn lẻ nhưng lại gắn kết với nhau trong không gian và thời gian chiều cuối thu. Đó là khô đằng (枯藤: cây dây leo đã khô héo), lão thụ (老树: cây cổ thụ), hôn nha (昏鸦: tiếng quạ kêu chiều), tiểu kiều (小桥: nhịp cầu nhỏ), lưu thủy (流水: dòng nước chảy hoài), nhân gia (人家: ngôi nhà ai đó), cổ đạo (古道: đường xưa), tây phong (西风: gió tây hiu hắt), sấu mã (瘦马: ngựa gầy), và thời gian là lúc mặt trời đã dần khuất sau rặng núi phía tây (夕阳西下: tịch dương tây hạ), tất cả đều chỉ dừng lại ở mức gợi tả, khiến độc giả có thể hình dung, cảm nhận như đắm mình vào khung cảnh chiều cuối thu tàn úa, không gian càng rộng, càng mịt mù, con người càng nhỏ nhoi, cô đơn, tình cảm càng trở nên tự nhiên, sâu nặng hơn. Vì vậy, hình ảnh người con xa xứ đã bước vào tuổi mãn chiều xế bóng vẫn phiêu bạt xứ người để lại trong lòng độc giả cảm xúc sâu lắng hơn bao giờ hết.

     Nhiều nhà thơ đời Đường cũng dùng hình ảnh tết Trùng dương (ngày 9 tháng 9) để diễn tả nỗi niềm với quê hương, tiêu biểu là Vương Bột với bài Cửu nguyệt đăng cao 九月九日望乡台,他席他乡送客杯,人情已厌南中苦,鸿雁那从北地来, nghĩa là Ngày 9 tháng 9 (tết Trùng dương) leo lên cao hướng về quê cũ, xa quê hương nâng cốc tiễn bạn, cảm kích muôn phần, trong lòng đã ngán nỗi buồn nơi đất khách phương nam, lòng mong trở về phương bắc nhưng sao chim nhạn chưa về. Lí Bạch trong bài Cửu nhật Long Sơn ẩm có câu 九日龙山饮,黄花笑逐臣,醉看风落帽,舞爱月留人, nghĩa là Tết Trùng dương uống rượu ở Long Sơn, hoa cúc nở rộ như nhạo cười kẻ bề tôi bị cách chức, trong cơn say nhìn gió thổi bay mũ, nhảy múa dưới trăng, trăng lưu luyến với người. Ngoài ra, còn có Lưu Vũ Tích, Sầm Tham, Lô Chiếu Lân… cũng là những nhà thơ thường mượn cảnh tết Trùng dương để bày tỏ tâm tư.

     Đặc biệt là trong tiếng Việt có lối nói cù lao chín chữ, chín chữ cao sâu dùng để chỉ công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà phận làm con phải ghi nhớ và đền đáp. Trong Kiều có câu Nhớ ơn chín chữ cao sâu, một ngày một ngả bóng dâu tà tà (Nguyễn Du). Từ nguồn cảm hứng về “cái cầu thang chín bậc” của dân tộc Tày Bắc Thái, nhà thơ Trần Văn An đã sáng tác bài Chín bậc cầu thang, sau đổi thành Chín bậc tình yêu và được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc, bài thơ với âm hưởng dân ca ngọt ngào, đằm thắm được chắp cánh bay đi muôn nơi. Số 9 ở đây mang ý nghĩa sâu sắc, biểu trưng cho tình yêu nhen nhóm rồi đơm hoa kết trái, là quá trình thai nghén chín tháng mười ngày trong lòng người mẹ cho đứa con bé bỏng – kết quả của tình yêu ra đời. Có thể nói, con số 9 chính là tâm điểm cảm hứng để tác giả có được thành quả nghệ thuật này. Đoàn Thị Tảo đặt tên cho tập truyện ngắn của mình ra mắt bạn đọc năm 2012 do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản là Chín người mười làng. Tiêu đề này vừa khái quát được nội dung tác phẩm, vừa mộc mạc, nôm na, thu hút sự chú ý của độc giả.

     Ca dao Việt Nam có câu Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Đặc điểm nổi bật của câu ca dao này là ở chỗ, tác giả dân gian đã khéo léo tận dụng tính hài âm của hai từ chiều (buổi chiều và phương hướng/ chiều hướng). Buổi chiều, khi không gian lắng xuống, lòng người cồn lên, nỗi nhớ thương đong đầy; Ruột đau chín chiều mang nghĩa biểu trưng là nỗi niềm đau thương, nhung nhớ được dâng lên đến tột cùng. Việc vận dụng đắc địa con số 9 – số tối cao kết hợp với chiều diễn tả nỗi lòng xúc cảm lên đến đỉnh điểm, chính là bí quyết làm nên sức truyền cảm của câu ca dao, khiến nó dễ dàng đi vào tâm khảm của những con người nặng lòng vì quê hương.

     “Ruột đau chín khúc” được lấy làm tiêu đề hai bài thơ, một bài của tác giả Quan Dương và một bài của Thiền sư Nhất Hạnh, đều nói về nỗi niềm của tác giả với người thân, quê hương, giống nòi… Về hình thức, cả hai bài đều được các tác giả chia thành 9 phần, mỗi phần đều đánh số từ 1 đến 9. Con số 9 ở đây mang nghĩa biểu trưng – số nhiều, số cao nhất. Vì vậy, ruột đau chín khúc là sự thể hiện nỗi niềm thương đau đến cao độ của những người ưu thời mẫn thế, đa cảm đa sầu. Số 9 còn được sử dụng với nghĩa chỉ sự vật siêu thực, dị thường, không thể tìm thấy trong đời thường. Tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa (封神演义) đời Minh, Trung Quốc đã xây dựng nhân vật phản diện Cửu đầu trĩ kê tinh là yêu quái mang trên mình 9 đầu gà. Truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam có nói đến hình ảnh Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là ba loại động vật không có trong thực tế, được tác giả dân gian hình dung ra để tăng thêm tính chất huyền bí và sức hấp dẫn của truyện, đồng thời nhấn mạnh những thách thức mà người ta cần vượt qua để đạt được mục đích của mình. Số 9 ở đây cũng mang ý nghĩa mức độ cao nhất, khó đạt được nhất, nhờ đó mà yếu tố thần linh, thiêng liêng, truyền kỳ trong truyện càng thêm đậm nét, phản ánh một phần văn hóa tín ngưỡng của người xưa. Người Việt Nam cho rằng, đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía. Lúc con người gặp nguy kịch hoặc khi hấp hối, hồn vía lên mây. Vì vậy, trong dân gian từ lâu đã có tục hú hồn. Khi anh Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố bị bọn lính lệ đánh bất tỉnh vì thiếu tiền nộp sưu, chị Dậu đã hô gọi Ba hồn bảy vía anh Dậu ở đâu thì về với vợ với con. Nếu người được hú hồn là nữ giới, người ta sẽ dùng ba hồn chín vía để hú kêu, mong người đang gặp nạn hồi tỉnh lại.

     Từ những phân tích kể trên, có thể thấy, nghĩa biểu trưng của số 9 được vận dụng để cấu tạo nên một lượng không nhỏ ngữ cố định, nhất là thành ngữ. Thành ngữ có chứa con số nói chung và số 9 nói riêng khá đa dạng. Số 9 còn được sử dụng trong các sáng tác văn học nghệ thuật, có giá trị như một biện pháp tu từ, góp phần nâng cao hiệu quả biểu đạt.

5. Kết luận

     Ngữ nghĩa của các con số nói chung, số 9 nói riêng trong tiếng Hán và tiếng Việt có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định, thể hiện đặc điểm nhận thức của hai dân tộc về con số. Nhận thức đó đã tạo ra tâm lý sùng bái hoặc kiêng kỵ với mỗi con số cụ thể. Số 9 trong tiếng Hán và tiếng Việt được coi là số dương cao nhất, phiếm chỉ số lượng lớn, sự cao quý, vượt trội…, được người Việt Nam và Trung Quốc đều ưa thích bởi nó biểu trưng cho sự cao cả, trường cửu và sinh sôi, phản ánh đặc điểm tri nhận của người xưa về mối quan hệ giữa con số với tự nhiên và đời sống xã hội. Số 9 làm thành tố cấu tạo từ ngữ, trong đó 9 kết hợp với các con số khác tạo ngữ cố định, chiếm tỷ lệ khá lớn, tới 65,54% và đều mang ý nghĩa biểu trưng. Sự kết hợp đó tạo nên tính cân xứng về cấu trúc, tương đồng hoặc tương phản về ý nghĩa, tạo nên tính nhạc trong ngôn ngữ. Tiếng Việt ngoài cửu là từ Hán Việt tương đương với 九 jiu trong tiếng Hán ra, còn có 9 (chín) cũng là từ chỉ con số tương đương với cửu. Tuy nhiên, chín thường dùng hơn so với cửu. 九 jiu trong tiếng Hán và cửu/ chín trong tiếng Việt cùng với lớp từ ngữ được tạo thành bởi sự kết hợp giữa chúng với các thành tố khác chứa đựng hàm ý văn hóa sâu sắc, mà nổi bật là văn hóa tín ngưỡng. Ngữ nghĩa phong phú đó còn tạo chất liệu trong sáng tác văn học nghệ thuật, làm giàu thêm cho ngôn ngữ và góp phần làm nên thành công của các tác giả từ những sáng tác dân gian, cổ điển đến hiện đại. Có thể nói, con số nói chung đặc biệt là số 9 có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống ngôn ngữ và văn hóa của nhân dân hai nước Việt Trung, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu cũng như dạy học ngôn ngữ và văn hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Giang, T. H. (2001). Khảo sát thành ngữ tiếng Hán có yếu tố chỉ con số trong sự đối chiếu với thành ngữ tiếng Việt có yếu tố là con số [Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội].

     Li, B. J., & Tang, Zh. Ch. (2001). 九 Jiu. In Xiandai Hanyu guifan cidian (p. 576). Jilin daxue chubanshe.

     Phạm, N. H. (2020). Đặc điểm nghĩa của nhóm chữ Hán có chứa “竹” (Trúc) trong hệ thống văn tự Hán. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 36 (2), 145-155.
https://doi.org/10.25073/2525-2445/vnufs.4544

     Phạm, N. H. (2020). Một cách định nghĩa từ “đoạn trường/ 断肠” bằng thơ. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, 37(2), 33-42. https://doi.org/10.25073/2525-2445/vnufs.4698

     Phạm, N. H. (2021). Số 9 trong ngôn ngữ văn hóa Trung Việt. Trong Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Chủ biên), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia 2021 (tr. 215-222). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

     Sheng, L. F. (2000). Youzi si xiang de dianfan zhi qu huanghun bei qiu de juemiao zhi tu – yougan Ma Zhiyuan “Tianjingsha – qiusi”. Xinjiang Shiyou jiaoyu xueyuan xuebao, (2), 96.

     Wang, J. (2016). Ma Zhiyuan “Tianjingsha – qiusi” yu Baipu “Tianjingsha – qiu” de duibi yanjiu. Shidai jiaoyu, (3), 119-141.

     Wang, T. Y. (1993). 九 Jiu. In Xin xiandai hanyu cidian (p. 853). Hainan chubanshe.

     Xu, Zh. (2010). Hanyu da zidian. Hubei Changjiang chubanjituan deng chubanshe danwei chuban.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 38, Số 4 (2022)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ngữ nghĩa của từ chỉ con số trong tiếng Hán và tiếng Việt: Trường hợp số 9 (Tác giả: Phạm Ngọc Hàm)