Nguồn gốc của một số thành ngữ tiếng Việt

THE ORIGIN OF VIETNAMESE SAYINGS

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HẠNH
(Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày, có khoảng 75% là những ngôn từ được vay mượn trực tiếp từ tiếng Hán, chúng ta thường gọi là từ Hán-Việt. Ngoài ra còn rất nhiều những từ ngữ khác cũng có xuất xứ từ nguồn gốc Hán-Việt, nhưng đã được ông cha chúng ta dịch hẳn sang tiếng Việt và chúng đã trở thành những ngôn ngữ thuần thục của người Việt. Trong quá trình sử dụng tiếng Việt, có rất nhiều trường hợp chúng ta dùng xen vào những câu tục ngữ, thành ngữ hoặc ngạn ngữ bằng tiếng Việt để cho lời nói được ngắn gọn hơn, câu văn được tế nhị hơn, có sức thuyết phục hơn, nhằm làm cho người nghe cảm nhận dễ dàng được ý nghĩa và tư tưởng trong những câu nói của người xưa, mà chúng ta không biết được những câu nói đó vốn có nguồn gốc từ những từ Hán-Việt.

     Những câu nói đó, hầu như đa số chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa của chúng và biết chúng được sử dụng trong những ngữ cảnh như thế nào, mà không mấy ai biết được nguồn gốc của chúng lại có xuất xứ từ những điển cố văn học của Trung Hoa. Xin giới thiệu đến quí độc giả một số điển cố Trung Hoa nhằm giải thích xuất xứ và nội dung của một vài thành ngữ đã được người Việt Nam chúng ta sử dụng hàng ngày như những thành ngữ thuần Việt.

Từ khóa: Từ Hán-Việt, ngôn ngữ, nguồn gốc, điển cố.

ABSTRACT

     75% of the Vietnamese language used daily is directly imported from Chinese, the socalled “Han-Viet”. Besides, there are many other words and phrases which have roots from Chinese which were translated into Vietnamese and earned their identity as authentic Vietnamese. In Vietnamese usage, there are many language contexts where idioms, proverbs, or sayings are inserted to enhance the language expression with precision, with tact, and with persuasion as well as to facilitate the audience’s reception of the meaning and thoughts implied by descendants without an awareness of the Chinese roots of those words. As we use these words, many of us know their meaning and the contexts to use it, however, not all of us are aware of the ancient stories from which these idioms or sayings were formed. Therefore, we present a collection of ancient stories explaining the origins and meanings of idioms and sayings that are used daily as a part of authentic Vietnamese.

Keywords: “Han-Viet”, language, origin, idioms and sayings.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Việt Nam và Trung Hoa là hai quốc gia “Núi liền núi, sông liền sông”, đã cùng song song tồn tại và trải qua mấy nghìn năm văn hóa dù quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, cả hai dân tộc xưa kia lại cùng dùng chung một thứ chữ, vì thế sự tác động qua lại giữa hai nền văn hóa của hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa là điều không thể tránh khỏi. Sự ảnh hưởng sâu sắc nhất và cũng phổ biến nhất của nền văn hóa Trung Hoa đối với nền văn hóa của người Việt nam chúng ta chính là ngôn ngữ, bởi vậy trong tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày, có khoảng 75% là những ngôn từ được vay mượn từ tiếng Hán mà ngày nay chúng ta thường gọi là từ Hán-Việt. Chính vì thế, trong sự hình thành ngôn ngữ hoàn chỉnh của người Việt Nam chúng ta ngày nay, có sự đóng góp rất to lớn và phong phú của từ Hán-Việt. Trải qua lịch sử hàng mấy ngàn năm cả hai dân tộc cùng song song tồn tại bên nhau, rất nhiều nếp sống văn hóa và những phong tục tập quán của hai dân tộc hầu như đã hòa trộn vào nhau, rất nhiều từ Hán-Việt đã được người Việt Nam chúng ta chấp nhận và sử dụng hết sức thuần thục trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, và vì thế hầu như đã được Việt hóa nhưng vẫn giữ nguyên gốc từ Hán-Việt. Còn lại rất nhiều những từ ngữ khác nữa cũng có xuất xứ từ nguồn gốc Hán-Việt, nhưng đã được ông cha chúng ta dịch hẳn sang tiếng Việt và chúng trở thành những ngôn ngữ thuần thục của người Việt.

     Chính vì thế mà có rất nhiều những câu thành ngữ, ngạn ngữ quen thuộc hàng ngày khi mới nghe qua, ai cũng tưởng đó là những thành ngữ và ngạn ngữ thuần Việt, nhưng thực sự chúng lại có xuất xứ từ ngôn ngữ của người Trung Hoa và bản thân chúng lúc đầu vốn là từ Hán-Việt. Chính vì thế, trong quá trình sử dụng tiếng Việt hàng ngày, có rất nhiều trường hợp chúng ta dùng xen vào những câu tục ngữ, thành ngữ hoặc ngạn ngữ bằng tiếng Việt để cho lời nói được ngắn gọn hơn, cho câu văn được tế nhị hơn, cho ý nghĩa của câu nói được sâu sắc hơn, có sức thuyết phục hơn, nhằm làm cho người nghe cảm nhận dễ dàng được ý nghĩa và tư tưởng trong những câu nói của người xưa, mà chúng ta không biết được những câu nói đó vốn có nguồn gốc từ những từ Hán việt. Ví dụ như hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe những câu như: “Treo đầu dê bán thịt chó”, “Gương vỡ lại lành”, “Cưỡi ngựa xem hoa”, “Mặt người dạ thú”…v…v…nhưng hầu như đa số chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa của câu nói đó và biết nó được sử dụng trong những ngữ cảnh như thế nào, mà không mấy ai biết được nguồn gốc của chúng lại có xuất xứ từ những điển cố của Trung Hoa, bởi ngôn ngữ Việt Nam đã chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ ngôn ngữ, văn hóa của người Trung Hoa. Vì thế, nếu hiểu được văn hóa của người Trung Hoa thì cũng là hiểu được nền văn hóa của chính dân tộc mình.

2. Nội dung

     Dưới đây xin giới thiệu đến quí độc giả một số điển cố Trung Hoa nhằm giải thích xuất xứ và nội dung của một vài thành ngữ đã được người Việt Nam chúng ta sử dụng hàng ngày như những thành ngữ thuần Việt.

     2.1 Điển cố “treo đầu dê bán thịt chó”

     Có xuất xứ từ “Quải dương đầu, mại cẩu nhục”

     Trong cuộc sống hàng ngày, khi muốn nói tới những kẻ thường dùng những chiêu bài giả mạo để lừa bịp người khác, gian lận tráo trở trong buôn bán, danh không phù hợp với thực, người Trung Hoa thường nói: “Quải dương đầu, mại cẩu nhục”, câu thành ngữ này được ông cha ta xưa kia dịch sang tiếng Việt là “Treo đầu dê bán thịt chó”, lai lịch của câu thành ngữ này có nguồn gốc như sau:

    Ngày xưa, ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) có một người tên là Trương Thành vốn rất thích ăn thịt chó. Có một lần, trong lúc đi buôn ngựa tới một thị trấn nhỏ, từ xa anh ta đã nhìn thấy một tấm biển hiệu rất to, trên tấm biển đó viết bốn chữ lớn “Chuyên bán thịt chó”. Quả thực có một con chó lông vàng trông béo tốt đang bị xích trước cửa quán . Anh ta mừng rỡ đi vào bên trong. Chủ quán thấy Trương Thành quấn một túi căng phồng quanh thắt lưng, chắc mẩm rằng đây nhất định là một vị khách sộp lắm tiền, bèn ân cần mời anh ta ngồi. Trương Thành gọi liền 5 cân thịt chó, một bình rượu trắng. Khi rượu thịt đã bày lên, anh ta ăn rất nhanh, trong nháy mắt đã ăn hết 5 cân thịt chó, uống hết cả bình rượu. Lúc này, anh ta cũng đã chếnh choáng hơi men, bèn chỉ con chó lông vàng trước cửa cất giọng lè nhè hỏi chủ quán: “Anh có bán con chó lông vàng trước cửa không?”. Chủ quán biết đây là cơ hội kiếm tiền, liền nói: “Đó là một con chó béo tốt, bình thường không bán. Nhưng nếu anh trả giá cao thì tôi sẽ để lại cho anh”. Trương Thành liền lấy 10 lạng bạc ra trả cho chủ quán. Chủ quán thấy tiền mắt sáng lên, không chần chừ vội cầm lấy 10 lạng bạc đồng thời giao ngay con chó cho Trương Thành. Con chó dường như biết được Trương Thành xem trọng nó nên cứ vây quanh Trương Thành nào ngửi nào kêu luôn miệng, còn vẫy đuôi mừng rỡ. Trương Thành vô cùng thích con chó. Anh ta bèn rời khỏi tiệm, con chó cũng đi theo không rời một bước. Chủ quán nhìn thấy Trương Thành bước đi lảo đảo, bèn nảy ra ý xấu, thế là anh ta bèn lặng lẽ theo sau Trương Thành. Đi một quãng tới một bãi cỏ, bất chợt có một cơn gió lạnh thổi tới làm Trương Thành cảm thấy hoa mắt chóng mặt rồi lảo đảo ngã xuống. Chủ quán từ xa nhìn thấy, đợi một lát không thấy động tĩnh gì liền chạy đến, thấy Trương Thành nằm bất động, ông ta vẫn chưa an tâm. Ông ta lật người Trương Thành lại, con chó thấy vậy tưởng anh ta muốn cõng chủ của mình nên cứ đi tới đi lui bên Trương Thành. Ông chủ quán chắc mẩm Trương Thành đã bất tỉnh nhân sự, bèn định gỡ lấy cái hầu bao trên người Trương Thành. Không ngờ con chó thấy vậy liền sủa to mấy tiếng rồi chạy tới vừa che chắn cho Trương Thành, vừa gầm gừ rất dữ tợn và trừng cặp mắt sắc lạnh nhìn gã chủ tiệm thịt chó đầy đe dọa. Lão chủ tiệm thịt chó thấy vậy sợ quá lùi ra xa, không dám tiến lại nữa. Lúc này, gió bắc thổi càng lúc càng mạnh. Lão chủ tiệm thấy gió to nổi lên, bèn nghĩ ra một mưu kế ác độc và tàn nhẫn khác. Ông ta chạy ra xa rồi lấy lửa châm vào bãi cỏ khô trên cánh đồng nhằm giết chết Trương Thành để chiếm bằng được số bạc mà Trương Thành đang mang trong người. Lửa gặp gió to cháy lan rất nhanh về phía Trương Thành đang nằm. Con chó thấy lửa sắp cháy tới nơi người chủ mới của nó đang nằm thì tỏ ra vô cùng lo lắng, nó vừa cuống quýt sủa vừa cắn vào vạt áo Trương Thành mà lôi nhằm đánh thức cho chủ tỉnh lại, nhưng anh ta vẫn nằm bất động. Nhìn thấy gần đó có một dòng sông nhỏ, con chó bèn lao như tên bắn về phía dòng sông rồi nhảy “ùm” xuống nước. Sau khi thân mình đã ướt sũng nước, nó lao trở lại rồi lăn lộn trên đám cỏ khô xung quanh chỗ Trương Thành đang nằm mê mệt. Nó cứ làm như thế cho tới khi bãi cỏ khô xung quanh nơi Trương Thành cũng ướt sũng nước. Mặc dù vừa lạnh vừa mệt nhưng con chó khôn ngoan vẫn chú ý cảnh giác để canh giữ cho người chủ mới.

     Lão chủ tiệm thấy ngọn lửa cháy tràn qua chỗ Trương Thành nằm mà Trương Thành vẫn bình an vô sự, trong khi đó con chó vừa khôn ngoan vừa trung thành lại không chịu rời xa chủ của nó nửa bước nên rất bực tức, luôn miệng chửi rủa con chó, cuối cùng cũng đành phải chán nản bỏ đi. Con chó canh chừng đến lúc thấy tên chủ tiệm thịt chó đã đã đi thật xa, lúc đó vì đã quá kiệt sức, nó mới khuỵu xuống nằm bên cạnh chủ rồi từ từ nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng. Một lúc lâu sau đó Trương Thành mới tỉnh rượu, khi đưa mắt nhìn quanh mới biết trong lúc vì quá say rượu, mình đã nằm trên một cánh đồng cỏ khô, nhưng cả một vùng cỏ khô đã bị cháy thành than mà riêng xung quanh nơi mình nằm thì cỏ không hề bị cháy, khi chợt nhìn thấy con chó thân mình ướt sũng nằm chết bên cạnh và phát hiện ra dòng nước gần đó, Trương Thành chợt hiểu ra tất cả, thì ra con chó chính là kẻ đã liều mạng để cứu chủ. Trương Thành vốn chỉ có ý định mua con chó đó về nhà để làm thịt mời bạn bè, nhưng ai ngờ con chó lại đối với anh có tình có nghĩa tới như vậy! Trương Thành không kìm được những giọt nước mắt vì cảm động và trong lòng cũng cảm thấy vô cùng đau đớn, cuối cùng đành phải đào hố để chôn con chó. Anh ta nghĩ tới cái quán rượu kia hàng ngày vẫn tàn sát biết bao những con chó khôn ngoan để bán thịt một cách không thương tiếc! Nghĩ tới đó, Trương Thành liền quay trở lại quán rượu. Tên chủ quán thịt chó thấy Trương Thành quay trở lại thì sợ quá, tưởng anh ta hỏi tội mình. Nhưng Trương Thành móc hầu bao ra, lấy hết số tiền định dùng để mua ngựa đưa ra trước mặt gã chủ quán, và nói: “Chỗ bạc này tôi sẽ đưa hết cho anh, chỉ cần anh thả hết những con chó đang bị nhốt để chuẩn bị làm thịt kia ra, và phải hứa rằng từ nay trở đi anh sẽ không giết chó nữa, mà cũng không được bán thịt chó nữa”. Thấy tên chủ quán có vẻ còn ngại ngần, anh ta nói: “Ông có thể quay sang bán thịt dê để mưu sinh, tôi có thể mua trước cho ông mấy con dê để ông làm thịt, sau đó ông hãy chặt lấy một cái đầu dê rồi treo lên trước cửa tiệm thay cho bảng hiệu, ông thấy thế nào?” Chủ tiệm lúc này chỉ muốn có ngay chỗ bạc trắng kia, vì thế đương nhiên là gã đồng ý. Trương Thành đích thân đi mua dê về, chặt đầu dê xong bèn đưa cho lão chủ quán để treo lên trước cửa tiệm. Sau khi trông thấy lão chủ quán treo lên xong bèn dặn rằng: “Ông nhớ đấy, phải giữ lời hứa, từ nay trở đi không được giết chó và bán thịt chó nữa”. Chủ quán nhìn lên trời thề rằng: “Tiệm tôi luôn giữ uy tín, anh cứ yên tâm đi”. Nói xong, quả thực ông ta bắt tay vào nấu thịt dê. Lúc này Trương Thành mới giao bạc cho chủ quán và yên tâm ra đi.

     Không ngờ khi chủ quán bán hết chỗ thịt dê do Trương Thành mua về thì lại vẫn bán thịt chó y như cũ. Nhưng do sợ Trương Thành quay lại phát hiện ra sự gian dối của mình, cho nên hắn không bỏ cái đầu dê xuống mà vẫn treo y như cũ, như vậy rõ ràng là chủ quán vẫn treo đầu dê bên ngoài nhưng lại lén lút bán thịt chó bên trong, để kiếm những đồng tiền bất chính đối với những lời mà mình đã hứa.

     Xuất phát từ câu chuyện này mà từ đó về sau người ta thường dùng câu thành ngữ: “Treo đầu dê bán thịt chó” để chỉ những sự việc mà bên trong và bên ngoài bất nhất, lời nói và việc làm trái ngược nhau. Người Việt Nam cũng thường nói câu này để phê phán những người nói một đằng làm một nẻo, không từ một thủ đoạn nào để lừa bịp hoặc dối trá người khác, do bị lợi lộc làm cho tối mắt.

     2.2 Điển cố “gương vỡ lại lành”

     Có xuất xứ từ câu “Phá kính trùng viên”

     Thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, vị vua cuối cùng của nước Trần là Trần Hậu Chủ có một người em gái rất xinh đẹp là công chúa Lạc Xương. Công chúa Lạc Xương là người tính tình dịu dàng hiền hậu, lại biết vẽ tranh và làm thơ. Trần Hậu Chủ rất thương yêu nàng, thường đàm luận với nàng về thơ ca. Khi công chúa Lạc Xương 18 tuổi làm đám cưới với một chàng trai tài mạo vô song tên là Từ Đức Ngôn. Hai vợ chồng họ đã trải qua những ngày tháng rất hạnh phúc.

     Bỗng nhiên chiến tranh xảy ra, Tùy Dương Kiên và Trần Hậu Chủ cùng tranh giành thiên hạ. Lực lượng của Tùy Dương Kiên rất mạnh, vì thế giành được ưu thế về quân sự. Trần Hậu Chủ vô cùng lo lắng, nói với em gái rằng: “Tình hình nguy cấp lắm rồi, vợ chồng em cũng nên lo liệu trước cho mình đi!” . Công chúa Lạc Xương và Từ Đức Ngôn nghĩ tới lúc một khi nước Trần bị diệt vong, thì nhất định sẽ không thể tránh được chuyện sinh li tử biệt, vì thế cảm thấy rất đau lòng. Từ Đức Ngôn nghĩ rằng công chúa Lạc Xương đẹp như vậy, nếu đất nước bị diệt vong, nhất định sẽ bị người khác chiếm mất. Nhưng chàng vẫn hi vọng có dịp được đoàn tụ, thế là chàng liền lấy một tấm gương đập làm hai mảnh, tự mình giữ một mảnh, còn mảnh kia đưa cho công chúa Lạc Xương và dặn nàng vào ngày rằm tháng giêng năm sau đem mảnh gương vỡ ra chợ ở Kinh đô bán, chàng cũng sẽ lấy mảnh gương vỡ của mình tới làm vật chứng để đoàn viên. Sau đó, quả nhiên nước Trần bị diệt vong, Hậu Chủ bị bắt và trở thành tù nhân. Công chúa Lạc Xương bị ép làm ái thiếp của Dương Tố là công thần của Dương Kiên. Đến ngày hẹn, Từ Đức Ngôn ra chợ chỉ tìm thấy một bà lão đang cầm mảnh gương vỡ để rao bán.

     Sau khi đem hai mảnh ghép lại với nhau, Từ Đức Ngôn biết được đây chính là người của Công chúa Lạc Xương liền yêu cầu bà lão kể rõ tình hình của Công chúa Lạc Xương. Bà lão kể lại hoàn cảnh hiện nay của công chúa Lạc Xương cho Từ Đức Ngôn nghe. Nghe xong, Từ Đức Ngôn liền viết một bài thơ lên mảnh gương vỡ đó:

Kính dữ nhân cụ khứ

Kính qui nhân bất qui !

Vô phục Thường Nga ảnh,

Không lưu minh nguyệt huy !

     Tạm dịch văn như sau:

“Gương với người đều cùng ra đi. Nay gương đã trở về với nhau rồi mà người thì vẫn không thấy trở về cùng nhau. Vì thế mà vẫn chưa được nhìn lại bóng dáng của Hằng Nga thuở trước, chỉ còn giữ lại được ánh trăng suông mà thôi.

     Tác giả bài viết này tạm dịch thơ như sau:

Người đi gương cũng ra đi,

Bây giờ gương về người chẳng thấy đâu!

Vắng Hằng Nga khiến lòng đau,

Chỉ còn trăng với nỗi sầu cô đơn !

     Công chúa Lạc Xương đọc xong bài thơ này thì vô cùng buồn bã, bèn bỏ cơm nhất định không chịu ăn. Sau khi Dương Tố biết được câu chuyện thì rất cảm động, lập tức cho công chúa và Từ Đức Ngôn được đoàn viên.

     Từ đó, người đời sau thường dùng câu thành ngữ “Phá kính trùng viên” này để nói đến việc vợ chồng sau khi ly tán lại được đoàn tụ. Trong cuộc sống, chúng ta có thể hôm nay ly biệt, nhưng về sau có thể trùng phùng, nên xem đó là chuyện bình thường. Thế mới biết: từ xưa tới nay, chuyện buồn vui, ly hợp là qui luật khách quan tất yếu của con người.

     2.3 Điển cố “mặt người dạ thú”

     Có xuất xứ từ câu “Nhân diện thú tâm”

     Trong cuộc sống, câu thành ngữ này thường được dùng để chỉ loại người có phẩm chất đạo đức kém, những người trong lòng chứa đầy những âm mưu nham hiểm, ác độc như loài dã thú. Vậy, nguồn gốc câu thành ngữ này từ đâu mà có?

     Xưa kia, có một thương gia thường hay đi lại mấy nước vùng Nam Hải để buôn bán những thứ như đá quý, mai rùa…v…v…Có một lần, con thuyền buôn đang lênh đênh trên biển thì gặp phải gió lớn và con thuyền bị lật. Quá sợ hãi, anh ta cứ nhắm mắt lại rồi ôm chặt lấy cột buồm, mặc cho con thuyền bị lật trôi dạt tới đâu thì tới. Cuối cùng con thuyền cũng trôi dạt đến một bờ biển của một hòn đảo nọ.

     Khi đã lên được bờ, anh ta tìm đến một hang núi để trú thân. Bỗng có một con tinh tinh đi vào hang, thấy dáng vẻ anh ta đói khát và tiều tụy, nó cảm thấy rất đáng thương, liền đi tìm thức ăn như hạt đậu, củ cải về cho anh ta ăn, còn nhường nệm trải từ lông chim cho anh ta nằm ngủ. Tinh tinh còn ngồi bên cạnh anh ta và kêu thành tiếng dường như muốn an ủi anh ta. Cứ như vậy nó đã phục vụ anh ta hơn một năm. Một hôm, trong lúc đi kiếm ăn, con tinh tinh trông thấy có một chiếc thuyền lớn cập vào ven đảo để tìm nước ngọt, con tinh tinh mừng rỡ đỡ anh ta đi ra phía con tàu. Rất may là những người trên con thuyền đó lại là những bạn đã từng buôn bán với anh ta. Sau khi đã lên được trên tàu, anh ta kể với mọi người lý do về sự có mặt của mình trên đảo và cuối cùng nói với các bạn rằng: “Máu của loài tinh tinh có thể dùng để nhuộm vải, hàng trăm năm cũng không phai, tại sao không bắt con tinh tinh đó?” Các bạn anh ta vừa nghe xong bèn nổi giận và nói với anh ta: – “Tinh tinh tuy là loài thú vật nhưng lại có cái tâm của một con người, còn anh tuy là con người nhưng lại có cái lòng của loài thú vật”. Và bọn họ bèn xúm lại rồi đẩy anh ta xuống biển, thật đáng đời.

     Mọi người loan truyền câu chuyện này đi rất xa, rất xa, từ đó hình thành câu thành ngữ “Mặt người dạ thú”. Ngày nay, người Trung Quốc và người Việt Nam thường dùng câu thành ngữ này để nói đến những kẻ ác độc, những kẻ vong ân phụ nghĩa lại những người đã cưu mang mình, đã cứu giúp mình.

     2.4 Điển cố “cưỡi ngựa xem hoa”

     Có xuất xứ từ câu “Kị mã quan hoa”

      Xưa kia, có một anh chàng họ Tiền là con một gia đình giàu có, vì thế mọi người vẫn thường quen gọi là “Tiền công tử”. Bởi vì Tiền công tử ngay từ khi mới sinh ra đã bị tật thọt chân (chân bị tật đi cà nhắc), cho nên đã hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có ai chịu lấy anh ta làm chồng. Mặc dù Tiền công tử vẫn thường tự an ủi mình rằng “nhân vô thập toàn”, nhưng anh ta vẫn cảm thấy vô cùng buồn bã. Phía bắc thành có một nhà Viên ngoại họ Tôn có cô con gái thứ ba đã hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi rồi mà vẫn chưa gả chồng, lí do là bởi cô này bị tật sứt môi. Vào một thời gian nọ, cả hai nhà họ Tiền và họ Tôn vô tình cùng tìm tới một bà họ Lý chuyên sống bằng nghề mai mối, khẩn khoản nhờ bà ta nghĩ cho một “diệu kế”. Bà mối họ Lý có ý muốn sắp xếp sao cho hai người nhìn được mặt nhau, nhưng lại lo lắng rằng hai bên sẽ nhận ra và chê bai khuyết tật của nhau, như thế thì cuộc mai mối của bà ta sẽ khó mà thành công được. Đúng lúc đang bí thì thật là may mắn, vô tình bà ta đọc được một bài thơ của một nhà thơ nọ có tên là “Đăng khoa hậu” (sau khi thi đậu), trong đó có hai câu “Xuân phong đắc ý mã đề thanh, nhất mục khán biến Trường An hoa” (sau khi thi đậu, đắc ý cưỡi ngựa dạo khắp thành Trường An để ngắm hoa trong gió xuân). Sau khi đọc xong câu thơ, bà Lý bèn nảy ra một mưu kế từ hai câu thơ này, lập tức quyết định thiết kế ngay màn kịch “Cưỡi ngựa xem hoa” để tác thành cho hai người.

     Trước tiên, bà Lý đến nhà họ Tiền, rồi ngay trước mặt Tiền công tử, bà hết lời ca ngợi về mọi đức hạnh của “Tam tiểu thư” nhà họ Tôn, bà nói hay đến nỗi chàng công tử họ Tiền nóng lòng chỉ mong ước làm sao ngay lập tức hái được bông hoa xinh tươi là tam tiểu thư nhà họ Tôn để đưa về nhà họ Tiền. Nhưng vừa nghĩ đến cái chân bị dị tật của mình thì “Tiền công tử” lại cảm thấy nản lòng. Đang lúc chàng ngao ngán vì chưa biết làm cách nào để được toại nguyện, thì bà mối họ Lý bèn thì thầm to nhỏ bên tai và rót mật vào tai Tiền công tử cái diệu kế “cưỡi ngựa” để khéo léo dấu đi cái chân bị dị tật cà nhắc của mình. Tiền công tử nghe xong rất hài lòng, giống như phút chốc trút được gánh nặng, vội gọi ngay quản gia lấy một đĩnh bạc thật lớn để làm phần thưởng cho xứng đáng. Bà mối họ Lý lại hoan hỉ đi tới nhà họ Tôn. Bà ta lại cũng đủ lời tán dương tâng bốc về Tiền công tử với tam tiểu thư nhà họ Tôn, khiến tam tiểu thư nhà họ Tôn cứ như nở hoa trong lòng, chỉ ước ao ngay lập tức được Tiền công tử đưa xe hoa tới rước mình về. Nhưng bất chợt nhớ tới cái môi bị sứt của mình, thì Tôn tiểu thư lại ngậm ngùi buồn bã. Bà mối họ Lý nhân đó lại vờ vịt suy nghĩ ra vẻ căng thẳng lắm, cuối cùng lại hiến cho Tôn tiểu thư một diệu kế là “ngắm hoa” để khéo léo giấu đi cặp môi sứt không mấy đẹp đẽ. Tam tiểu thư nhà họ Tôn nghe xong “diệu kế”, bèn gỡ ngay chiếc trâm bằng vàng đang cài trên đầu xuống để tạ ơn.

     Vào ngày hai bên gặp mặt nhau, Tiền công tử vừa hiên ngang vừa tự tin cưỡi trên lưng ngựa, phong độ khôi ngô tuấn tú, hùng dũng đi qua trước cửa nhà họ Tôn, trong lòng vui như hoa nở. Còn tam tiểu thư nhà họ Tôn thì dáng vẻ đầy thẹn thùng e ấp đứng trước cửa nhà mình, một tay vịn cửa, tay kia cầm một bông hoa đưa lên mũi vừa ngửi vừa ngắm nghía một cách đầy duyên dáng. Do hai bên đều rất khéo léo, cho nên không ai phát hiện ra bên kia bị dị tật cả, vì thế cả hai người đều cảm thấy rất mãn nguyện. Thế là chỉ cần qua vài ba lần đi lại mai mối, hai bên đã nhanh chóng đi tới quyết định ngày đưa lễ ăn hỏi và chọn ngày lành tháng tốt để rước dâu.

     Đêm động phòng, khi cả hai bên cùng phát hiện ra dị tật của nhau thì đã muộn, cả hai người đều vỡ mộng và đành phải chấp nhận rồi tự an ủi đó là do số phận.

     Xuất phát từ câu chuyện này, từ đó mọi người thường dùng câu thành ngữ “cưỡi ngựa xem hoa” để chỉ những người xem xét một sự vật nào đó một cách hết sức phiến diện, đầy chủ quan, qua loa đại khái.

3. Kết luận

     Trong quá trình sử dụng tiếng Việt hàng ngày, nắm vững được nguồn gốc, xuất xứ của những câu thành ngữ, tục ngữ và sử dụng chúng hợp lí thì ngôn ngữ chúng ta sử dụng sẽ hay, tế nhị và chính xác hơn, nhờ đó sẽ làm nâng cao khả năng và hiệu quả giao tiếp. Bản thân tôi trong quá trình dạy học thường dùng một số điển cố để giảng giải ý nghĩa của những thành ngữ và tục ngữ có trong bài học. Tôi nhận thấy việc giảng dạy như vậy rất cuốn hút học sinh, giúp họ nắm vững và sử dụng đúng những thành ngữ, tục ngữ này. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và phổ biến những điển cố Trung Hoa nhằm làm rõ nguồn gốc của những từ Hán – Việt trong ngôn ngữ tiếng Việt là thực sự cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Vương Đào (1992), Đại từ điển thành ngữ Trung Quốc, Thượng Hải từ thư xuất bản xã.

     Trương Nhậm Chi (1998), Điển cố Trung Quốc, Trung tâm xuất bản Phương Đông.

     Triệu Ứng Phong (1996), Đại từ điển Điển cố Trung Quốc, NXB văn nghệ Thượng Hải.

     Ủy ban biên tập Từ Hải (1989), Từ Hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã.

     Phòng biên tập từ điển Ban nghiên cứu Ngôn ngữ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (1996), Từ điển Hán ngữ hiện đại, Thương vụ ấn thư quán.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2009:12 134-141

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nguồn gốc của một số thành ngữ tiếng Việt (Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh)