Nguồn gốc và ý nghĩa của các khái niệm chỉ lúa ngô, ngô, bắp, bẹ… của các tộc người Việt Nam

ORIGIN AND MEANING OF THE VARIOUS CONCEPTS OF MAIZE
OF VIETNAM’S ETHNIC GROUPS

Tác giả bài viết: LÝ TÙNG HIẾU
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Bài viết nhằm mục đích tìm hiểu lai nguyên và ý nghĩa của những từ ngữ như: “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”, “bí ngô”, “nước Ngô”, “người Ngô”, “thằng Ngô”, “giặc Ngô”, “giặc bên Ngô”, … Bài viết vận dụng cách tiếp cận liên ngành, phương pháp phân tích – tổng hợp và phương pháp so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xuất phát từ miền Nam Mexico, lúa ngô hay ngô, bắp, bẹ đã được người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha đưa sang châu Á, và được đưa đến Đại Việt muộn nhất là từ cuối thế kỷ XVII (Đàng Ngoài) đến giữa thế kỷ XVIII (Đàng Trong). Do được du nhập từ xứ sở của người Ngô, giống lúa mới ấy đã được người Việt Đàng Ngoài dựa theo xuất xứ mà gọi là “lúa ngô” và “ngô”. Còn người Việt Đàng Trong thì dựa theo hình dáng để gọi nó là “bắp” hay “bẹ”. Các tộc người Hmôngz, Tày, Nùng, Mường, Nguồn cũng du nhập giống cây này và gọi tên nó bằng cách tạo từ hoặc mượn từ. Từ đó, người Việt và các tộc người này đã biết gieo trồng “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”, … Họ thích ăn “ngô”, “bỏng ngô”, “ngô rang”, “bắp”, “bắp nướng”, “bắp luộc”, “bắp xào”, “bí ngô”, … và sẵn sàng chào đón những sản phẩm văn hoá có ích đến từ xứ sở “người Ngô”. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân sâu xa trong lịch sử, người Việt không thích “nước Ngô”, “thằng Ngô”, và căm ghét “giặc Ngô”, “giặc bên Ngô”. Từ kết quả nghiên cứu ấy, có thể nói rằng, sự phát triển và biến đổi về từ vựng phản ánh sự phát triển và biến đổi về văn hoá của một tộc người. Tương tự, sự khác biệt về từ vựng giữa các phương ngữ phản ánh sự phân ly và sự hợp nhất của một tộc người trong quá trình lịch sử.

Từ khoá: bắp, bẹ, giặc Ngô, ngô, người Ngô, nước Ngô.

ABSTRACT

     The article aims to learn the origin and meaning of words such as: “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”, “bí ngô”, “nước Ngô”, “người Ngô”, “thằng Ngô”, “giặc Ngô”, “giặc bên Ngô” … The article applies an interdisciplinary approach, analysis-synthesis method, and comparative method. Research results show that, “lúa ngô” (corn rice) or “ngô”, “bắp”, “bẹ” (maize, corn) originated from Southern Mexico and was brought to Asia by the Spaniards and Portuguese. It was introduced to the Dai Viet Kingdom by no later than the end of the 17th century (in Tonkin) and the middle of the 18th century (in Cochinchina). Because of being imported from the land of “người Ngô” (Wo people), the new rice variety was called “lúa ngô” (corn rice) and “ngô” (maize, corn) by the Vietnamese people in Tonkin, based on its origin. As for the Vietnamese in Cochinchina, based on its shape, it is called “bắp” or “bẹ” (maize, corn). The Hmong, Tay, Nung, Muong, and Nguon ethnic groups also introduced this plant and named it by creating words or borrowing words. Since then, the Vietnamese and these ethnic groups have known how to cultivate “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”, etc. They like to eat “ngô”, “bắp” (maize, corn), “bỏng ngô”, “ngô rang” (popcorn), “bắp nướng” (baked corn), “bắp luộc” (boiled corn), “bắp xào” (fried corn), “bí ngô” (Wo pumpkin), etc., and are ready to welcome cultural products that have benefit from the land of “người Ngô” (Wo people). However, due to deep historical reasons, Vietnamese people do not like “nước Ngô” (Wo country), “thằng Ngô” (Wo guy), and hate “giặc Ngô” (Wo invaders), “giặc bên Ngô” (Wo enemy). From the research results, it can be said that the development and change of vocabulary reflects the development and change of culture of an ethnic group. Similarly, the lexical differences between dialects reflect the separation and unification of an ethnic group throughout history.

Keywords: bắp, bẹ, giặc Ngô, ngô, người Ngô, nước Ngô.

x
x x

Đặt vấn đề

     Ở Việt Nam, bên cạnh truyền thống canh tác lúa nước lâu đời, từ nhiều thế kỷ qua, người Việt và các tộc người miền núi còn có thêm một loại cây lương thực bổ sung là lúa ngô hay còn gọi là ngô, bắp, bẹ, … Ngày nay, ngô, bắp, bẹ, … là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa ở các đồng bằng và các vùng núi, cao nguyên từ Bắc chí Nam. Do đó, tuy du nhập muộn, ngô, bắp, bẹ, … cũng để lại dấu ấn trong ngôn ngữ của các tộc người Việt Nam. Ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, người Việt dùng danh từ “lúa ngô” hay “ngô” để chỉ loại cây lương thực ấy, và đã phát triển thành một loạt từ ngữ liên quan như: lúa ngô; cây ngô; quả ngô; bắp ngô; râu ngô; ngô nếp; ngô tẻ; bỏng ngô; ngô rang; Chuyện nở như ngô rang; …

      Vấn đề thú vị là danh từ “ngô” còn được người Việt trước đây dùng để gọi người Trung Hoa và đất nước Trung Hoa, và họ đã phát triển thành một loạt từ ngữ liên quan như: nước Ngô; giặc Ngô; thằng Ngô; người Ngô; Giặc bên Ngô không bằng bà cô không chồng; “Bình Ngô đại cáo”; …

     Thực tiễn ngôn ngữ ấy đã làm nảy sinh ba câu hỏi:

     – Các tên gọi “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”, … bắt nguồn từ đâu và ý nghĩa của chúng là gì?

     – Tộc danh “Ngô” bắt nguồn từđâu và ý nghĩa là gì?

     – Hai danh từ “ngô” và “Ngô” ấy có liên quan với nhau không? Và dựa vào chứng lý nào để chứng minh là có hay không?

     Đây là những câu hỏi chưa từng được giải đáp trong các nghiên cứu trước đây. Bài viết này có mục đích tìm kiếm sự giải thích khoa học cho những câu hỏi ấy.

     Để giải đáp các câu hỏi nêu trên, chúng tôi vận dụng các phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp so sánh, và vận dụng cách tiếp cận liên ngành, huy động những tri thức và dữ liệu liên quan của ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, văn hoá học,…

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”

     Lúa ngô hay ngô, bắp, bẹ là một loại cây lương thực được người bản địa ởmiền Nam Mexico thuần hóa đầu tiên vào khoảng 10.000 năm trước đây, sau đó lan ra khắp châu Mỹ. Sau chuyến đi đầu tiên của Christopher Columbus (1451-1506) đến Trung Mỹ (1492-1493), ngô đã được đưa về Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha đã dựa theo cách gọi ngô trong tiếng Taino bản địa của vùng Caribbean là “mahiz” để gọi ngô là “maiz”. Người Bồ Đào Nha thì đọc trại thành “milho”. Người Pháp đọc trại thành “mais”. Người Anh đọc trại thành “maize”. Sau chuyến hải hành kết nối châu Âu với châu Á qua cực nam châu Phi của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco da Gama (1460-1524) vào năm 1498, ngô đã được đưa sang châu Á. Năm 1535, người Bồ Đào Nha đã đến buôn bán ở Macao thuộc Quảng Đông, và bắt đầu đưa ngô vào Trung Quốc.

     Từ Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ XVII, cây ngô đã được du nhập vào miền Bắc Việt Nam. Kết nối các nguồn tư liệu, chúng ta biết được rằng, những người Việt đầu tiên đưa các giống ngô về nước gieo trồng có thể là Phùng Khắc Khoan và Trần Thế Vinh, sau các chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Phùng Khắc Khoan (1528-1613) là một danh nhân văn hoá thời Lê trung hưng, vào năm Đinh Dậu 1597 đã được cử làm Chánh sứ sang triều Minh tuế cống và cầu phong (Đỗ Đức Hùng và cộng sự, 2001: 279). Tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, có truyền thuyết nói rằng Phùng Khắc Khoan khi đi sứ nhà Minh, đã học nhập tâm cách dệt the lượt mỏng, và cách trồng ngô, vừng. Về nước, ông truyền dạy lại cho dân, vì vậy mà được tôn làm ông tổ các nghề ấy. Vào thời điểm năm 1597, lực lượng vua Lê chúa Trịnh đã đẩy lùi nhà Mạc lên các tỉnh miền núi Đông Bắc (1592) và vương quốc Đại Việt đã tái thống nhất, liền một dải từ đồng bằng Bắc Bộ đến Thuận Hoá, Quảng Nam. Tuy nhiên, ngoài thông tin ít ỏi từ truyền thuyết nói trên, không có nguồn tư liệu nào khác xác nhận ngô đã được gieo trồng ở Đại Việt ngay sau thời điểm ấy.

     Đến thời nhà Thanh, một Phó sứ là Trần Thế Vinh (1634-1701) lại tiếp tục đem giống lúa ngô về Việt Nam trong chuyến đi sứ vào năm Ất Sửu 1685.

     Trong tác phẩm Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn (1773, Trần Văn Giáp và cộng sựbiên dịch, 2006: 420) viết về sự kiện này khá kỹ: “Về ngọc thục thử, sách Bản thảo nói rằng: ‘Ngọc thục thửcũng giống như cây ý dĩ, cây cao độ ba, bốn thước, trong giữa cây có một cái bọng, trên cái bọng có râu trắng, cái bọng ấy mà nứt, thì lòi hạt ra chi chít với nhau, sắc vừa vàng, vừa trắng, đem rang lên ăn được. Khi rang thì nó nởbỏng trắng, như rang thóc nếp; ăn bỏng ấy thì thân thể điều hoà, miệng ăn biết ngôn (điều trung khai vị)’. Nước Nam ta gọi thứ ngọc thục này là lúa ngô. Trồng ngô, chỉ lấy con dao ngoáy đất, rắc hột vào. Hồi đầu đời Khang Hi (1662-1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong (Sơn Tây), sang sứnhà Thanh, mới lấy giống lúa ngô đem về nước. Suốt cả hạt Sơn Tây nhờ có lúa ngô thay cho cơm gạo. Trẻ con ăn nhiều, cũng có thể đầy bụng. Ngô trồng ở Nghệ An, phần nhiều là giống lúa ngô trắng. Ngô trồng ở Lạng Sơn có đủ năm sắc. Còn như giống thục thử cao như cây lau, bông to như cái chổi, hạt to như hạt tiêu, có đủ các sắc: hồng, đen, vàng, đỏ, còn gọi là cao lương. Giống ấy ở Sơn Tây có nhiều, mà ở tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn nước ta cũng có, gọi là Thục truật”.

     Các sử liệu ấy đã cho ta biết rằng, do được du nhập từ xứ sở của người Ngô, giống lúa mới ấy đã được người Việt đương thời dựa theo xuất xứ mà gọi là “lúa ngô”. Tên gọi này thịnh hành ở Đàng Ngoài từ cuối thế kỷ XVII đến tận cuối thế kỷ XVIII, khi Lê Quý Đôn (1726-1784) viết Vân Đài loại ngữ vào năm 1773. Sau đó, tên gọi “lúa ngô” mới được rút ngắn thành “ngô”, kéo theo các tên gọi các bộ phận của nó là cây ngô, quả ngô, bắp ngô, râu ngô; tên gọi các chủng loại của nó là ngô nếp, ngô tẻ; tên gọi các cách chế biến nó là bỏng ngô; ngô rang; và làm phát sinh câu thành ngữ Chuyện nở như ngô rang. Tương tự như trước đó, khi du nhập các giống lúa của Chiêm Thành, người Việt đã gọi đó là các giống “lúa chiêm” hoặc “lúa chăm”.

     Các sử liệu ấy cũng cho biết rằng, từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, lúa ngô chẳng những đã được trồng nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Sơn Tây, Nghệ An) mà cả ở vùng núi Việt Bắc và Đông Bắc (Lạng Sơn, Thái Nguyên) là vùng cư trú của các tộc người Tày, Nùng, Hmôngz, Yao, … Quả vậy, người Tày và người Nùng, cư trú ở vùng núi Việt Bắc và Đông Bắc, đã biết trồng ngô từ lâu, và gọi ngô là băp, hay khẩu tấy (Hoàng Văn Ma và Lục Văn Pảo, 1984: 35). Cách gọi ngô là khẩu tấy có thể là sản phẩm tạo từ bằng cách ghép từ tiếng Tày-Nùng khẩu nghĩa là “lúa, gạo” với định tố tấy (chưa rõ nghĩa). Còn người Hmôngz, di cư từ Trung Quốc đến vùng núi Việt Bắc – Đông Bắc Việt Nam vào thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, sau khi tiếp thu kỹ thuật trồng ngô, thậm chí đã lấy ngô làm lương thực chính thay cho lúa gạo. Và họ gọi ngô là paoz cư, hoặc mil (Nguyễn Văn Chỉnh và cộng sự, 1996: 613). Do quả ngô và hạt ngô sau khi phơi sấy rất cứng, người Hmôngz xay hạt ngô thành bột rồi chế biến thành một món ăn mà nay đã trở thành đặc sản truyền thống gọi là mèn mén, nghĩa là bột ngô hấp.

     Từ người Tày, cây ngô có thể đã được truyền sang vùng người Mường, cư trú ở Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ. Người Mường gọi lúa ngô là lõ khãu, gọi ngô là khãu. Những cách gọi này có thể đã vay mượn từ tiếng Tày-Nùng khẩu tấy để chỉ ngô, chứ không phái sinh từ các danh từ tiếng Mường có liên quan như lõ là “lúa, thóc”, cảo là “gạo”, lõ cảo là “thóc gạo” (Nguyễn Văn Khang và cộng sự, 2002: 215, 275, 51). Và từ người Mường, cây ngô có thể đã được truyền sang vùng người Nguồn, một nhóm địa phương tách ra từ người Việt từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIV, cư trú ở miền núi Quảng Bình. Người Nguồn gọi ngô là sậu. Cách gọi này có thể đã vay mượn từ tiếng Mường khãu để chỉ ngô, chứ không phái sinh từ các từ tiếng Nguồn có liên quan như thoóc nghĩa là “thóc, lúa”, cấu nghĩa là “gạo” (Võ Xuân Trang và Đinh Thanh Dự, 2011: 348, 365, 262).

     Đó là những diễn biến trên lãnh thổ của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (tức Bắc Hà, người nước ngoài gọi là vương quốc Tonkin hoặc Tunquin, Tonqueen, Tonquin, Ton Kin, …), tồn tại từ năm 1613 đến năm 1775. Còn ở Thuận Hoá, Quảng Nam và phủ Gia Định sau này, do từnăm 1613 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đoạn tuyệt với vua Lê chúa Trịnh để tự lập vương quốc Đàng Trong (tức Nam Hà, người nước ngoài gọi là Quảng Nam Quốc hay Canglan, Quinan, Cochinchina, Cocincina, … tồn tại đến năm 1775), việc du nhập ngô đã diễn ra theo con đường riêng biệt, để hình thành nghề trồng “bắp” hay “bẹ” và các danh từ chỉ loại cây này.

     Ở Đàng Trong, không thấy có sử liệu nào cho biết đích xác cây “bắp” hay “bẹ” được du nhập lúc nào, mặc dù lịch sử cho biết các nhà truyền giáo và thương nhân phương Tây đã tiếp cận vùng này rất sớm: Năm 1550, Linh mục Gaspar de Santacruz thuộc dòng Đa Minh theo tàu buôn Bồ Đào Nha vào cảng Cần Cảo (Hà Tiên) truyền giáo. Năm 1586, Linh mục Grégoire de la Motte (người Pháp) và Luis de Fonseca (người Bồ Đào Nha) đến truyền giáo ở Quảng Nam. Năm 1606, nhân sự kiện tàu Hà Lan bị bão dạt vào bờ biển Quy Nhơn, người Hà Lan biết đến Việt Nam. Năm 1613, Công ty Đông Ấn Hà Lan cho thuyền đến buôn bán với Đàng Trong và Đàng Ngoài; thương gia Anh Peacok cập cảng Hội An, mang theo tặng phẩm của vua Anh dâng chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1614, Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ cho phép giáo sĩ xây dựng nhà thờ ở Kẻ Chàm; Jean Lacroix người Bồ Đào Nha được chúa Nguyễn giao trông coi một xưởng đúc súng ở Đàng Trong. Năm 1617, Nguyễn Phúc Nguyên viết thư mời Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Malacca đến buôn bán; năm 1624 lại gởi thư và tặng phẩm cho Toàn quyền Hà Lan ở Nam Dương (Indonesia) để mời thuyền buôn Hà Lan đến Đàng Trong buôn bán. Năm 1617, người Bồ Đào Nha đến buôn bán ở Hội An. Năm 1624, Linh mục Alexandre de Rhodes cùng 6 giáo sĩ dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Giêsu, tiếng Latinh là Societas Iesu, một dòng tu Công giáo có trụ sở tại Roma) đến Đàng Trong; đến năm 1627 thì ra truyền giáo ở Đàng Ngoài, … (Đỗ Đức Hùng và cộng sự, 2001). Vào năm 1651, khi xuất bản cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum tại Roma, Alexandre de Rhodes đã đưa vào đó mục từ báp chóêi với ý nghĩa “Hoa của ngành cây vả Ấn-độ, bắp chuối, hoa chuối”, mục từ bí ngô với ý nghĩa “Bí ngô”, và mục từ Ngô, nước Ngô với ý nghĩa là “Vương quốc của người Trung Hoa; kiểu nói khinh bỉ. Thằng Ngô: Thằng người Tàu” (de Rhodes, 1651; Thanh Lãng và cộng sự phiên dịch, 1991: 36, 38, 164). Nhưng trong cuốn từ điển quý giá này, Alexandre de Rhodes hoàn toàn không đưa vào mục từnào liên quan đến “lúa ngô” hay “ngô”, “bắp”, “bẹ”.

     Phải đến những năm 1772-1773, khi Giám mục Pierre Pigneau de Béhaine hoàn tất cuốn từ điển Dictionarium Anamitico Latinum thì mới thấy ông đưa vào đó mục từ bắp với ý nghĩa là “Cây ngô”, mục từNgô với ý nghĩa là “Nước Trung Hoa cổ xưa”, mục từ bí ngô với ý nghĩa là “Một thứ bí”, mục từ đủ đủ ngô với ý nghĩa là “Thứ trái cây gọi là đu đủ”, và mục từ thằng Ngô với ý nghĩa là “Tên gọi khinh bỉ người Trung Hoa” (de Béhaine, 1773; Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch, 1999: 33, 324). Pierre Pigneau de Béhaine (tên Việt là Bá Đa Lộc hay Cha Cả, 1741-1799) là Giám mục người Pháp hoạt động ở Đàng Trong, là Đại diện Tông tòa Đàng Trong, Campuchia và Ciampa, đã tích cực giúp Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn và được phong tước hiệu Bí Nhu Quận Công. Cho nên, những tư liệu mà ông đưa vào từ điển trên rất có giá trị trong việc phản ánh những chuyển động văn hoá và ngôn ngữ ở Đàng Trong. Theo đó, có thể khẳng định ngô được đưa đến Đàng Trong trễ nhất là vào giữa thế kỷ XVIII. Người Đàng Trong đã dựa theo hình dáng để gọi nó là bắp, hay bẹ, vì nó có hình dáng giống bắp tay, bắp chân, hay bẹ chuối, bẹ cau. Kể từđó, tiếng Việt có bốn danh từ để gọi tên sản vật này: “lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ” (Bảng 1).

Bảng 1. Từ chỉ lúa ngô, ngô, bắp, bẹ, lúa, thóc, gạo trong một số ngôn ngữ

Ngôn ngữDanh từ chỉ
“lúa ngô”, “ngô”, “bắp”, “bẹ”
Danh từ chỉ
“lúa”, “thóc”
Danh từ chỉ
“gạo”
Bồ Đào Nhamilhopaddyarroz
Hányùmǐ “ngọc mễ”dào “đạo” fàn “phạn”
Hmôngzpaoz cư;milblêxnjaz
Tày, Nùngkhẩu tấy; băpkhẩukhẩu
Mườnglõ khãu; khãu lõ; thóccảo
Nguồnsậuthoóccấu
Việt Đàng Ngoài TK XVII-XVIIIlúa ngô; ngôlúa; thócgạo
Việt Đàng Trong TK XVIIIbắp; bẹlúa gạo

2. Nguồn gốc và ý nghĩa của tộc danh “Ngô”

     Đến đây, những tư liệu dùng để giải thích nêu trên lại tiếp tục làm nảy sinh câu hỏi mới: Vì sao “ngô” lại được chọn làm tên xuất xứ của các nông sản từ Trung Quốc: lúa ngô, ngô, bí ngô? Trước đây, người Trung Hoa và đất nước Trung Hoa không có tộc danh và quốc danh cố định, mà những danh xưng ấy thay đổi trong lịch sử theo tên các triều đại. Do đó, người Việt đã sử dụng nhiều tộc danh khác nhau để gọi cư dân của nước láng giềng phía bắc: Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, Tàu, Hoa, Chệt, Khách, Cắc Chú, … Ngần ấy tộc danh cũng đã nhiều rồi, vậy vì sao người Việt còn lưu hành danh từ “Ngô” để gọi người Trung Hoa và đất nước Trung Hoa? Để truy nguyên, chúng ta phải lùi xa về thời điểm lần đầu tiên tổ tiên của người Việt sử dụng tộc danh này.

     Đó là thời kỳ Tam Quốc, khi Giao Châu thuộc quyền cai trị của nhà Ngô, sử gọi là Đông Ngô (220-280). Khi nhà Hán sụp đổ, hình thành Tam Quốc: Nguỵ, Thục, Ngô, nhà Ngô đã thế chân nhà Hán, và liên tiếp gây ra nhiều tội ác đối với cư dân ởGiao Châu. Năm 210, thừa cơ nhà Hán suy yếu, quân phiệt Giang Đông là Tôn Quyền đã sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu, lập trị sở ở Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay). Lúc bấy giờ, Sĩ Nhiếp, quan cai trị của nhà Hán, đang làm Thái thú Giao Chỉ, đã đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh của Tôn Quyền. Sĩ Nhiếp được Tôn Quyền cho làm Tả tướng quân, rồi thăng làm Vệ tướng quân, tước Long Biên Hầu. Năm 226, Sĩ Nhiếp mất, Tôn Quyền, lúc này đã tự lập làm Ngô Vương (220-252), bèn chia đất từ Hợp Phố về bắc đặt làm Quảng Châu, dùng LữĐại làm Thứ sử; từ Hợp Phố về nam là Giao Châu, sai Đái Lương làm thứ sử, và sai Trần Thì làm Thái thú quận Giao Chỉ. Lúc bấy giờ, con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tự nối ngôi Thái thú Giao Chỉ, đem quân chống lại. LữĐại bèn xua quân sang đánh. Lữ Đại lừa dụSĩ Huy ra hàng, rồi sát hại. Dư đảng của Sĩ Huy tiếp tục kháng cự, Lữ Đại bèn mang quân vào Cửu Chân (Thanh Hoá) tàn sát hàng vạn người. Với công trạng ấy, LữĐại được Tôn Quyền cho làm Thứ sử cả Quảng Châu và Giao Châu.

     Năm 248, thấy quan lại nhà Ngô tàn ác, Bà Triệu tức Triệu Thị Trinh (225-248) cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa ở Cửu Chân, tiêu diệt Thứ sử nhà Ngô ở Giao Châu. Hay tin, Tôn Quyền liền sai Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, An Nam Hiệu uý, dẫn 8.000 quân sang đàn áp. Sau khoảng năm sáu tháng đương cự, Bà Triệu thua trận, tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá), lúc mới 23 tuổi.

     Sau khi tàn sát quân khởi nghĩa của anh em Bà Triệu, nhà Ngô cho một tôn thất là Tôn Tư làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tôn Tư là một kẻ khét tiếng tham lam, bạo ngược, làm cho nhân dân thống khổ. Chẳng những tận thu của cải, Tôn Tư còn vơ vét cả nhân tài Giao Chỉ. Năm 263, Tôn Tư đã chọn bắt hơn ngàn người thợ thủ công khéo ở quận Giao Chỉ, đưa sang kinh đô nhà Ngô là Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay). Do đó, năm 263, một viên lại ở quận Giao Chỉ là Lã Hưng đã giết Tôn Tư, đem Giao Chỉ theo về nhà Ngụy. Nhà Nguỵ cho Lã Hưng làm An Nam Tướng quân, sai Hoắc Giặc làm Thứ sử Giao Châu, Thoán Cốc làm Thái thú Giao Chỉ. Để đối phó, năm 264, Cảnh Đế Tôn Hưu (258-264) của nhà Ngô tách Giao Châu thành hai châu Giao, Quảng một lần nữa, trong đó Giao Châu mới chỉ gồm 4 quận phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Năm 264, Lã Hưng và Thoán Cốc bị thủ hạ sát hại. Năm 265, nhà Tấn thay nhà Nguỵ, cử Mã Dung rồi Dương Tắc làm Thái thú Giao Chỉ. Năm 268, Mạt Đế Tôn Hạo (264-280) của nhà Ngô phong Lưu Tuấn làm Thứ sử Giao Châu, cùng với Tu Tắc, Cố Dung đem quân đánh xuống Giao Châu, nhưng bị Dương Tắc đánh bại. Thừa thắng, Dương Tắc tấn công lên Quảng Châu, chiếm được quận Uất Lâm, giết Lưu Tuấn và Tu Tắc. Năm 269, Tôn Hạo lại đưa quân đánh xuống Giao Châu nhưng bất thành. Năm 271, Tôn Hạo lại sai Đào Hoàng đi theo đường biển, tiến thẳng vào Giao Châu, phá được thành và bắt Dương Tắc. Nhà Ngô lấy lại Giao Châu và tổ chức đàn áp, cai trị, vơ vét, cho đến khi bị nhà Tấn đánh bại vào năm 280 (Đỗ Đức Hùng và cộng sự, 2001).

     Như vậy, từ năm 226 đến năm 271, trong vòng 45 năm, nhà Ngô đã năm lần đem quân sang đánh Giao Châu: 226, 248, 268, 269, 271. Và trong hàng ngũ quan tướng của nhà Ngô, có đến ba tên nổi tiếng về hành vi tàn ác đối với dân chúng Giao Châu, và tàn ác với cả những quan quân người Hán chống lại chúng: Lữ Đại, Lục Dận, Tôn Tư. Bối cảnh lịch sửđó giải thích vì sao các danh từ nước Ngô, giặc Ngô, thằng Ngô, người Ngô và tục ngữ Giặc bên Ngô không bằng bà cô không chồng tồn tại trong tiếng Việt xưa nay đều có ý nghĩa xấu xa và sắc thái ác cảm rất rõ ràng. Và ấn tượng ấy sâu đậm đến nỗi kể từ thời nhà Ngô, trong ngôn ngữ của người Giao Châu, Ngô đã trở thành một tộc danh, một quốc danh đại diện cho người Hán, đất Hán, mặc dù nhà Ngô cai trị Giao Châu – Quảng Châu trước sau không quá 70 năm (210-280). Cho đến năm 1428, sau khi đánh đuổi quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi thừa lệnh vua Lê Thái Tổ viết bố cáo trước thần dân về sựnghiệp bình định giặc Tàu, đã hạbút đặt tiêu đề: “Bình Ngô đại cáo”. Bất kể khi ấy, Trung Hoa đang sử dụng quốc danh Đại Minh. Đến tận năm 1895-1896, danh từ “nước Ngô” vẫn còn xuất hiện trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895: 51). Bất kể khi ấy, Trung Hoa đang sử dụng quốc danh Đại Thanh.

     Do đó, cùng với lúa ngô và ngô, danh từ bí ngô lưu hành ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng bắt nguồn từ cách gọi nước Ngô, thịnh hành trong tiếng Việt suốt từ thời Bắc thuộc cho đến thế kỷ XIX. Cư dân ViệtMường đã biết trồng bầu bí từ rất sớm, và trồng một số giống bí khác nhau. Nhưng riêng bí đỏ hay bí ngô là giống “bí quả to, hình cầu dẹt có khía dọc, thịt màu vàng đỏ, hạt có thể dùng làm thuốc” (Hoàng Phê và cộng sự, 1998: 58), thì lại có nguồn gốc ngoại lai. Người Việt Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gọi nó là bí ngô, biểu thị xuất xứ của nó là từ xứ sở của người Ngô. Vào năm 1651, mục từ bí ngô với ý nghĩa “Bí ngô” đã có trong từ điển Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum của Alexandre de Rhodes (1651; Thanh Lãng và cộng sự phiên dịch, 1991: 38). Năm 1772-1773, mục từ bí ngô với ý nghĩa là “Một thứ bí” cũng đã có trong từ điển Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneau de Béhaine (1773; Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch, 1999: 324). Và năm 1895- 1896, mục từ bí ngô với ý nghĩa là “Thổ sản nước Ngô” cũng có trong từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của; Ngày nay, người Việt Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn dựa theo màu sắc, gọi bí ngô là bí đỏ. Người Việt Nam Bộ, ngoài danh từ bí ngô với ý nghĩa là “Thổ sản nước Ngô”, còn gọi bí đỏ dựa theo xuất xứ của nó là bí rợ với ý nghĩa “Thứ bí tròn trái có khía, da đỏ. Thổ sản của mọi, cho nên gọi là bí rợ” (Huình Tịnh Paulus Của, 1895: 51). Người Tày và người Nùng cũng dựa theo màu sắc, gọi bí đỏ, bí ngô là fặc đeng, qua đeng, có nghĩa là “bí đỏ”, “dưa đỏ” (Hoàng Văn Ma và Lục Văn Pảo, 1984: 45). Người Mường thì gọi bí đỏ là pỉl thénh (Nguyễn Văn Khang và cộng sự, 2002: 386). Người Hmôngz gọi bí đỏ, bí ngô là tsaoz tâuz đăngs, luz tâuz đăngs (Nguyễn Văn Chỉnh và cộng sự, 1996: 780).

     Như vậy, xuất phát từ miền Nam Mexico, lúa ngô hay ngô, bắp, bẹ đã được người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha đưa sang châu Á, và được đưa đến Đại Việt muộn nhất là từ cuối thế kỷXVII (Đàng Ngoài) đến giữa thế kỷ XVIII (Đàng Trong). Do được du nhập từ xứ sở của người Ngô, giống lúa mới ấy đã được người Việt Đàng Ngoài dựa theo xuất xứ mà gọi là “lúa ngô” và “ngô”. Còn người Việt Đàng Trong thì dựa theo hình dáng để gọi nó là “bắp” hay “bẹ”. Các tộc người Hmôngz, Tày, Nùng, Mường, Nguồn cũng du nhập giống cây này và gọi tên nó bằng cách tạo từ hoặc mượn từ. Do những nguyên nhân lịch sử đã trình bày, ngày nay người Việt vẫn còn ba danh từ để gọi tên sản vật này: “ngô” phổ biến ở phía bắc sông Gianh, và “bắp”, “bẹ” phổ biến ở phía nam sông Gianh. Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước, nhờ giao lưu văn hoá, người Việt ởcác địa phương khác nhau đã hiểu biết vềngôn ngữ và văn hoá của nhau, nên những từ địa phương như “ngô”, “bắp”, “bẹ” cũng được người địa phương khác thông hiểu dễdàng. Từ đó, đã ra đời câu đốdân gian “Con lợn khác với con heo ở chỗ nào?”, và lời giải: “Con lợn ăn ngô; còn con heo ăn bắp”…

Kết luận

     Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy, từ khoảng bốn thế kỷ qua, người Việt và một số tộc người miền núi Việt Nam đã biết gieo trồng lúa ngô, ngô, bắp, bẹ, bí ngô, … Họ thích ăn ngô, bỏng ngô, ngô rang, bắp nướng, bắp luộc, bắp xào, bí ngô, … và sẵn sàng chào đón những sản phẩm văn hoá đến từ xứ sở người Ngô khi chúng phục vụ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của mình. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân sâu xa trong lịch sử, người Việt không thích nước Ngô, thằng Ngô, và căm ghét giặc Ngô, giặc bên Ngô.

     Từ kết quả nghiên cứu ấy, có thể nói rằng, sự phát triển và biến đổi về từ vựng phản ánh sự phát triển và biến đổi về văn hoá của một tộc người. Tương tự, sự khác biệt về từ vựng giữa các phương ngữ phản ánh sự phân ly và sự hợp nhất của một tộc người trong quá trình lịch sử. Do đó, về mặt phương pháp luận, để giải đáp những câu hỏi có vẻ thuần tuý ngôn ngữ học được đặt ra ở đầu bài, chúng tôi đã huy động và phối hợp tất cả các nguồn tư liệu sử học, dân tộc học, văn hoá học và từ điển có trong tay, hy vọng cung cấp một vài tri thức có ích về lịch sử và văn hoá liên quan đến nguồn gốc và ý nghĩa của các danh từ ấy. Đơn giản là vì lai nguyên và ý nghĩa của những từ ngữ ấy có liên quan đến lịch sử và văn hoá Việt Nam, tàng trữ một phần lịch sử văn hoá và ký ức tộc người. Bằng cách đó, chúng tôi hy vọng bài viết này có thể góp phần chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn. Cách làm này cũng có thể vận dụng để tiếp tục giải thích những trường hợp đồng nghĩa nhưng khác nguồn tương tự trong tiếng Việt, thay cho cách phỏng đoán chỉ dựa vào từ nguyên, chiết tự, hoặc những suy diễn vô căn cứ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     De Béhaine, P.P. (1773). Dictionarium Anamitico Latinum. Tự vị Annam Latinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu (1999). Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ.

     De Rhodes, A. (1651). Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum. Từ điển Annam – Lusitan – Latinh. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch (1991). Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội.

     Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần ThịVinh và Trương Thị Yến (2001). Việt Nam những sự kiện lịch sử (Từ khởi thuỷ đến 1858). Hà Nội, Nxb Giáo dục.

     Hoàng Phê (Chủ biên), Bùi Khắc Việt, Chu Bích Thu, Đào Thản, Hoàng Tuệ, Hoàng Văn Hành, Lê Kim Chi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thúy Khanh, Nguyễn Văn Khang, Phạm Hùng Việt, Trần Cẩm Vân, Trần Nghĩa Phương, Vũ Ngọc Bảo, Vương Lộc (2003). Từ điển tiếng Việt (In lần thứ 9). Hà Nội – Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học.

     Hoàng Văn Ma và Lục Văn Pảo (1984). Từ điển Việt-Tày-Nùng. Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội.

     Huình Tịnh Paulus Của (1895). Đại Nam quấc âm tự vị. Saigon, Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ in lại (1998).

     Lê Quý Đôn (1773). Vân Đài loại ngữ. Trần Văn Giáp (Biên dịch và khảo thích), Trần Văn Khang (Làm sách dẫn), Cao Xuân Huy (Hiệu đính và giới thiệu) (2006). Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin.

     Nguyễn Văn Chỉnh (chủ biên), Cư Hoà Vần và Nguyễn Trọng Báu (1996). Từđiển Việt – Mông (Việt – Hmôngz). Hà Nội, Nxb Văn hoá Dân tộc.

     Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ và Hoàng Văn Hành (2002). Từ điển Mường – Việt. Hà Nội, Nxb Văn hoá Dân tộc.

     Võ Xuân Trang (Chủ biên), Đinh Thanh Dự (2011). Văn hoá dân gian của người Nguồn ở Việt Nam. Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, Số 8 (2) 2022

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nguồn gốc và ý nghĩa của các khái niệm chỉ lúa ngô, ngô, bắp, bẹ… của các tộc người Việt Nam (Tác giả: Lý Tùng Hiếu)