“Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong

Tác giả bài viết: ANDREW HARDY
(Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O).
Bài do Đào HùngNguyễn Thị Hồng Hạnh dịch từ Andrew Hardy, The Nguon in the Hybrid Commercial Economy of Dang Trong)

     Giai đoạn cai trị của chúa Nguyễn đánh dấu một thời điểm đặc biệt trong quá trình chuyển đổi kinh tế ở miền Trung Việt Nam1. Trước giai đoạn này, mô hình kinh tế chủ đạo là mô hình Chămpa chủ yếu dựa trên buôn bán. Sau giai đoạn này, buôn bán chỉ giữ một vị trí ngoài lề trong nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hai mô hình này có thể được trình bày như hai trục tương ứng với hai định hướng địa lý khác nhau (xem hình 1).

Định hướng kinh tế của Đại Việt (Bắc – Nam)

Định hướng kinh tế của Chămpa (Đông – Tây)

Định hướng kinh tế của các chúa Nguyễn (lai tạp)

     Trong mô hình Chămpa, sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào vấn đề buôn bán hàng hoá có giá trị cao giữa miền núi và miền biển: mô hình này mang định hướng đông – tây. Trong khi đó, nền tảng của mô hình Việt Nam là kinh tế trồng lúa của dân di cư và có định hướng bắc – nam. Tuy nhiên, trong khoảng từ thế kỷ XVI đến XVIII, hai mô hình này đã kết hợp lại với nhau: dân di cư đã khai khẩn đất đai từ Quảng Nam vào Gia Định, đồng thời phát triển buôn bán từ miền núi xuống đồng bằng và ra nước ngoài thông qua Hội An và những cảng nhỏ hơn dọc theo bờ biển. Trong giai đoạn này, Đàng Trong có một nền kinh tế “lai tạp”, một sự kết hợp của hai mô hình mà tôi gọi là “mô hình hậu Chămpa” “mô hình Việt mới nổi lên”1.

     Mô hình Việt mới nổi lên, thường được nghiên cứu dưới tên gọi nam tiến, được các nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam biết đến nhiều2. Mô hình Chămpa được biết đến nhiều hơn qua những nghiên cứu về Mã Lai và Đông Nam á3. Bài viết này xem xét một yếu tố trong mô hình Chămpa và chức năng của nó ở Đàng Trong

Mô hình kinh tế hậu Chămpa

     Chúng ta đã lưu ý sự đối lập giữa hai mô hình trong định hướng của chúng (bắc – nam và đông – tây). Ngoài ra còn có hai sự đối lập nữa giữa hai mô hình này: trên địa hình mà hai hệ thống này bao phủ và các tộc người sống trong đó. Mô hình Việt thuần nhất về địa lý và tộc người. Mô hình này dựa vào vùng đất bằng phẳng nơi có thể trồng được lúa nước và do đó có khuynh hướng sáp nhập các tộc người khác vào hệ thống kinh tế – xã hội mang tính thống nhất của mình. Trái lại, mô hình Chămpa hoạt động trên những vùng địa lý khác nhau, từ rừng núi xuyên qua đồng bằng ra cảng và biển cả. Do đó, nó kết nối các tộc người khác nhau mà không hợp nhất họ lại: mô hình kinh tế – xã hội của nó có tính đa dạng. Tính chất đặc trưng của mô hình Việt là tập trung và ổn định, nó có khuynh hướng ngăn cản sự di chuyển. Mô hình Chămpa khuyến khích sự đa dạng và di chuyển.

     Hệ thống Chămpa đã duy trì như thế nào trên các bối cảnh khác nhau về địa hình và tộc người? Trong giai đoạn Đàng Trong, nó được xây dựng trên hai yếu tố.

     1. Yếu tố thứ nhất là hệ thống các “điểm buôn bán”, một thuật ngữ bao gồm:

     – Các cảng biển, quan trọng nhất là Hội An1. (Dưới thời Chămpa, những đảo gần bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré v.v… cũng được sử dụng như là những điểm chuyển hàng lên tàu: yếu tố này đã biến mất dưới thời các chúa Nguyễn).

     – Các chợ hoạt động như là những điểm thu gom hàng hoá và thu thuế đối với hàng hoá di chuyển giữa miền núi và đồng bằng: các thị trấn này nằm tại vùng trung du và được gọi là “nguồn”, “đầu nguồn”, hay “nguyên”.

     – Các chợ phụ nối các “nguồn”: Những chợ này hoặc nằm trên miền núi, điểm mua hàng hoá từ người Thượng, hoặc phổ biến hơn là tại những điểm giữa “nguồn” và cảng, nơi chúng hoạt động như những điểm thu gom hàng hoá di chuyển giữa miền núi và đồng bằng.

     – Các chợ phiên nhỏ hơn tại các vùng chân núi, nơi cung cấp hàng trực tiếp cho các điểm thu gom ở đồng bằng.

     – Tại miền núi, có rất nhiều điểm để người Thượng trao đổi hàng hoá, thường là thông qua sự thương lượng không chính thức ở trong làng hay trên đường mòn trong rừng hơn là tại chợ, phụ thuộc vào vai trò trung gian của già làng.

2. Các điểm buôn bán được nối bởi nhiều “kíp” khác nhau, theo mô hình “tiếp sức”, trong đó các nhóm di chuyển qua những địa hình mà họ quen thuộc. Hình 2

Các ‘kíp’ tham gia buôn bán theo hướng Đông – Tây giai đoạn chúa Nguyễn

     Là mô hình lý thuyết về hệ thống các đoạn buôn bán qua Tây Nguyên, nơi mỗi nhân tố xuất hiện tại một địa hình cụ thể: Người Hoa tại vùng biển và đồng bằng, người Việt tại đồng bằng và trung du, từng nhóm người Thưng tại những khu vực cụ thể ở miền núi. Mỗi nhóm di chuyển giữa các điểm buôn bán trên một đoạn của con đường thương mại. Không có nhóm nào hoạt động trên suốt toàn bộ hệ thống, do đó mà bảo đảm được tính đa dạng về tộc người của hệ thống này.

     Dấu vết hậu Đàng Trong của hệ thống này có thể tái tạo từ sự so sánh các tư liệu khác nhau: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, sử liệu chính thống của triều Nguyễn, ghi chép của các nhà du khảo Pháp, tư liệu điền dã. Từ những nguồn tư liệu đó, chúng ta có thể đánh giá được tầm quan trọng của “nguồn”, thị trấn ở vùng trung du, đối với hệ thống này.

“Nguồn”

     Ghi chép về hành trình được nhà truyền giáo Pierre Dourisboure xuất bản năm 1863 lần lại bước đi của những người sáng lập hội truyền giáo Kontum trong cố gắng ban đầu vươn tới cao nguyên thời cấm đạo những năm 1840. Vào năm 1842, hai nhà truyền giáo người Pháp từ Phú Yên tới cao nguyên đã bị thương nhân người Việt bắt tại địa bàn của người Thượng và giao nộp cho quan. Những nỗ lực khác tại Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng gặp phải thất bại tương tự.

     Sau đó vào năm 1848, giám mục Pháp đã cử một thanh niên Công giáo người Việt tới nguồn An Sơn để tìm đường tới cao nguyên thông qua vùng trung du của tỉnh Bình Định. Dourisboure mô tả An Sơn là “một trung tâm thương mại lớn giữa người Việt với người mọi” (tr. 9), ở đó “người Việt thực hiện (…) buôn bán đáng kể đối với người mọi. Họ không ngừng đi lại qua các bộ lạc, nhưng không một ai nghĩ đến việc định cư ở đấy. Về phía mình, người mọi xuống núi bán hàng và mua hàng tận An Sơn, nhưng không bao giờ dám vượt qua ranh giới đó” (tr. 9). Ông còn đánh giá ngắn gọn về đặc điểm chính trị quan trọng của vùng này trong quá khứ: “Vào cuối thế kỷ trước, chính ngôi làng này là cái nôi của cuộc khởi nghĩa chống vua Gia Long (…). Từ cái thời đáng ghi nhớ đó, An Sơn (xưa là Tây Sơn) luôn luôn gây nên sự lo ngại trong nền chính trị đầy nghi kỵ của các vua Việt; vì vậy luật lệ nghiêm cấm bằng những hình phạt nặng nề, những người Việt không được định cư trên đất mọi, và người mọi không được đi quá An Sơn để vào đất Việt”.

     Như đã trình bày với vị giám mục, kế hoạch của người thanh niên Công giáo là như sau: “Tôi giả làm người đi buôn (…) làm ra vẻ đang mua hàng, tôi đi sâu vào trong, qua khỏi ranh giới mà những nhà buôn khác không vượt qua” (tr. 11). Sau khi làm đầu bếp cho một thương nhân người Việt, anh ta đã tự mình buôn bán, học ngôn ngữ và tìm hiểu tình hình của vùng đất này cho đến “một hôm, người mọi quyết định cướp lấy hàng của anh mà họ cho là rất quí giá, và bắt anh ta cùng với người của họ bán cho người Lào làm nô tì” (tr. 14-15). Anh trốn thoát được và sau đó báo với giám mục về con đường lên miền núi mà những thương nhân người Việt ít biết đến.

     Một năm sau, hai nhà truyền giáo là Combes và Fontaine đã đi theo con đường này. Từ Trạm Go, nằm ở mép đồng bằng Bình Định, họ đã đi tới làng có tên Kon Phar: “Đến đấy, họ đã vượt qua ranh giới mà các nhà buôn Việt không bao giờ đi quá, và họ có thể đi về phía tây-nam mà không lo sợ gì” (tr. 27). Trước khi đi, vị giám mục đã khuyến cáo họ nên đi đường vòng qua An Sơn, đặc biệt là phải tránh gặp một già làng Bana, tên là Kiêm: “Vì ông ta nói thạo tiếng Việt và có buôn bán lớn với các nhà buôn Nam Kỳ, những nhà buôn Nam Kỳ thường nhờ ông làm trọng tài để giải quyết các tranh chấp giữa họ với người mọi. Vị trí cao của ông được mọi người thừa nhận, và quan lại người Việt đã cấp cho ông một chứng chỉ để lấy lòng và lợi dụng uy tín của ông. (…) [Các quan] đã biến ông trở thành một nhân viên trung thành với chính quyền Việt” (tr. 29).

     Thật không may, khi đến Kon Phar, “người đầu tiên mà họ gặp là ông Kiêm nổi tiếng đó…”.

     Vài năm sau khi hội truyền giáo Kontum được thiết lập thành công, một viên quan người Việt tại huyện Tuy Viễn, nơi thị trấn An Sơn trực thuộc, đã báo cáo với triều đình về các mặt đời sống chính trị và kinh tế của huyện. Nội dung của báo cáo này được sắp đặt dưới các đề mục hành chính – “Phong tục”, “Sản vật” “Sông núi” v.v… – và chứa đựng chi tiết về người vùng cao nơi các nhà truyền giáo sinh sống cũng như những thông tin về thị trấn An Sơn (ở đây được gọi là nguồn Phương Kiệu), nơi những nhà truyền giáo lúc bấy giờ đã có thể đi qua mà không sợ bị bắt.

Phong tục

     Người Thượng ở các sách động làm nhà sàn để ở, làm nghề chăn nuôi súc vật (trên sàn người ở, dưới sàn súc vật ở), kết giây làm tin, ăn mặc tiết kiệm, không ăn trộm của nhau, thích có các vật dụng bằng đồng như mâm, nồi, chiêng, côn và đồ đựng như chỉnh sành.

Sản vật

     Gỗ kiền kiền, song, nhựa trám, dầu hoả, trầm hương, tốc hương, ngà voi, mật ong, sáp ong, củ nâu, chim công, trâu, ngựa sản ở hai tổng Phú Phong, Nhơn Nghĩa, các nguồn và ở vùng người Thượng (đều không nhiều).

Sông núi

     Nguồn Phương Kiệu: thuộc thôn An Khê ở địa giới phía tây tổng Phú Phong của huyện hạt. Đất quá nhiều lam chướng. Có dựng một đồn canh phòng. Trước đây là nơi buôn bán, đặt viên tấn thủ để trông coi. An Khê vốn là trại cũ của Tây Sơn, đất khá bằng phẳng rộng rãi. Nguồn này có sông Ba, phía trên sông vài dặm tiếp liền với vùng người Thượng. Đi vài ngày đường lại có sông Đôn. Các sông đều chảy xuống phía nam, đổ vào sông Đà Diễn đạo Phú Yên. Lại đi về phía tây 12 – 13 ngày đến sông Ba La, chảy về phía tây rồi đổ vào Khung Giang1. Thỉnh thoảng có đạo trưởng người Tây dương đến, còn đạo trưởng người nước ta thì thường trú ở đây để dạy đạo cho người Man.

     Việc so sánh hai tư liệu này cấp cho chúng ta những thông tin sau:

     – Trong quá khứ, An Sơn từng là một địa điểm buôn bán quan trọng. Sau đó hậu quả của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã dẫn đến những cấm đoán sự đi lại tới địa phương này cũng như từ đó đi nơi khác. Tuy nhiên các thương nhân người Việt và người Thượng vẫn tiếp tục gặp nhau ở đó.

     – Thương nhân người Việt dựa vào mối quan hệ cá nhân với các già làng để củng cố quan hệ buôn bán của họ.

     – Các loại hàng hoá được buôn bán trên cả hai hướng ở đó (mặc dầu sản phẩm mà người vùng cao cần nhất từ đồng bằng là muối lại không thấy có trong danh sách của viên quan).

     – Có một giới hạn về khu vực đi lại của người Việt lên miền núi cũng như của người Thượng xuống đồng bằng. Điều này được thiết lập bằng luật của triều Nguyễn trong trường hợp An Sơn và bằng thực hành buôn bán trong thực tế tại những nơi khác.

     – Triều đình Việt Nam đã thiết lập những đồn canh phòng và đặt viên tấn thủ thu thuế tại đây.

     Những tư liệu trên cho chúng ta cái nhìn quý giá vào dấu vết của “nguồn” tại thời gian ngay sau khi sự phát triển kinh tế ở đây lên đến đỉnh điểm. Sự suy tàn của “nguồn” trong thế kỷ XIX được ghi lại đầy đủ trong trường hợp An Sơn. Có những nguyên nhân cụ thể đối với sự suy tàn này liên quan tới hậu quả của khởi nghĩa Tây Sơn. Nhưng sự suy tàn của An Sơn còn được chia sẻ bởi các “nguồn” khác nằm tại những điểm thuộc vùng trung du suốt dọc Đàng Trong.

     Như những tư liệu trên chỉ ra, “nguồn” có ba chức năng chính. Đây trước hết là một cái chợ, nối bằng đường sông xuống đồng bằng và bằng đường mòn lên miền núi. Thứ hai, là địa điểm đánh thuế hàng hoá, nơi đây có sự hiện diện của quân đội. Cuối cùng, đây là một đơn vị hành chính, gần tương đương với một tổng ở đồng bằng: vào thế kỷ XIX, 80 sách miền núi được xếp dưới sự quản lý của “nguồn” Phương Kiệu1.

     Như vậy Đại Nam Nhất Thống Chí liệt kê bảy “nguồn” ở Bình Định, mỗi “nguồn” với thủ sở, trường giao dịch và đồn bảo của nó2. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu và rõ ràng là lâu đời nhất của “nguồn” là kinh tế, có niên đại từ thời Chămpa. Dưới thời các chúa Nguyễn, chức năng kinh tế tiếp tục làm nền tảng cho những chức năng khác: hoạt động chủ yếu của quan lại triều đình là đánh thuế hàng hoá trong khi các đồn là để bảo vệ cả hoạt động buôn bán lẫn các nguồn thuế mà nó sinh ra. Không còn chức năng kinh tế, các hoạt động khác sẽ trở thành dư thừa.

     Chức năng kinh tế của “nguồn” được thấy rõ trong nghiên cứu điền dã tại An Khê do nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc thực hiện năm 1977:

    Ở thôn An Luỹ hiện nay vẫn còn An Khê trường được xây dựng từ lâu và được trùng tu lại vào năm 1968 – 1969 trên khu vực trường sở giao dịch ngày xưa. Nhân dân địa phương đều giải thích thống nhất là trường có nghĩa là trường sở buôn bán, trường giao dịch. ở phía nam An Khê trường hiện nay còn khu ruộng trũng mang tên thô Rộc trường và cây ké Rộc trường cao 30m chu vi 4,5m. Đáng chú ý là ở cách An Khê trường 300m về phía tây, nay còn một gò đất cao mang tên gò chợ, theo nhân dân kể lại là chợ An Khê trước đấy3.

     Lê Quí Đôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chức năng kinh tế của những thị trấn này trong nghiên cứu của ông về thuế mà họ gửi tới triều đình ở Phú Xuân. Ông viết về thuế thu được trong năm 1774 từ các “nguồn” ở tỉnh Bình Định như sau:

     Nguyên Hà – nhiễu thuộc phủ Qui – nhân hàng năm phải nạp số tiền thuế là 166 quan 5 tiền, cùng thuế thổ – nghi 27 quan 5 tiền, mật-ong 3 tĩn, chiếu mây hạng nhỏ 4 cuốn, bông gòn 99 cân, kỳ – hoa miên – hoa 3 bao cân nặng 105 quan tiền, cảm – lãm 25 lâu (sọt), long – đằng 60 cây, dầu thơm 2 tĩn, đèn lớn 3.325 chiếc, đèn nhỏ 60 chiếc, sáp – ong 70 bát.

     Nguyên Trà – đinh và nguyên Trà – vân hàng năm phải nạp số thuế là 2.250 quan tiền. Trước đây, tiền thuế nguyên Trà – đinh và nguyên Trà – vân được dành để cấp ngụ – lộc cho quan Ngoại – hữu Trương – Phúc – Loan, nên hai nguyên nầy phải nạp 5 thoi giáp – ngân.

     Nguyên Trà – vân còn phải nạp riêng 590 cây đèn dầu cảm – lãm để cất chứa vào kho dầu.

     Nguyên Cầu – bông [An Sơn] hàng năm phải nạp số thuế là 150[0] quan1. Trước đây, số thuế nguyên Cầu – bông được dành để cấp lương cho quan Nội – hữu – chưởng tên là Khoan, nên nguyên Cầu – bông nầy phải nạp 11 thoi 2 lượng giáp -nhân.

     Những “nguồn” khác ở trong tỉnh bao gồm Đá – bàn (1.000 quan tiền) và Ô – liêm (749 quan 5 tiền). Xa hơn về phía bắc, thuế thu được cũng ấn tượng như vậy: ở Quảng Ngãi là từ 610 quan tiền đối với nguyên Bà – địa tới 3.000 quan đối với nguyên Cù – ba Cây – mít; ở Quảng Nam là từ 198 quan đối với nguyên Đông – lỗ tới 2.060 quan đối với nguyên Chiên -đàn. Ngay cả khi chúng ta cho phép những khó khăn kinh tế và sự bóp méo số thuế thu được trong thời kỳ Trương Thúc Loan, rõ ràng là thuế trong buôn bán giữa đồng bằng và miền núi chiếm một tỷ lệ quan trọng trong ngân khố của triều đình Đàng Trong2.

“Nguồn” trong mô hình kinh tế hậu Chămpa

     “Nguồn” đã khớp vào hệ thống kinh tế lai tạp được mô tả ở trên như thế nào? Trước tiên, đây là yếu tố quan trọng nhất trong mô hình buôn bán hậu Chămpa: Li Tana từng gợi ý rằng bản thân từ tiếng Việt ‘nguồn’ ám chỉ nhiều đến vai trò kinh tế của nó như là nơi nguồn hàng hoá đổ xuống từ cao nguyên giống như vị trí địa lý của nó tại đầu nguồn của những con sông. Thêm vào đó, vai trò quan trọng của “nguồn” còn tăng lên bởi chức năng là nơi tiếp xúc giữa các tộc người: Đây là nơi người Thượng tập hợp và buôn bán với người Việt, người Hoa và người Chăm. Ta có thể đọc tường trình chi tiết về nguồn An Sơn tại chương một của cuốn Trên đất Nghĩa Bình. Đối với một tường trình ngắn gọn hơn, ta phải nhìn về phía bắc tới nguồn Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam, trung tâm chủ chốt trong việc thu gom quế3. Sau khi trình bày kết quả nghiên cứu chi tiết về quá trình thu gom và sơ chế lâm sản quí giá này, một tác giả người Pháp đầu thế kỷ XX đã quan sát thấy:

     “Nhiều công đoạn phức tạp đòi hỏi phải có số người làm đáng kể. Do vậy, tất cả dân cư sống trong các chợ buôn quế, vào mùa bán quế, đều hoàn toàn lo công việc đó. Ngoài những thời kỳ khi có một hoạt động thực sự ở các trung tâm trao đổi, thì dân chúng lại trở về với ruộng đồng và vườn tược của mình. Trung tâm quan trọng nhất ở đó là chợ Trà My. Không có gì đẹp hơn ngôi làng náu mình trong tận cùng thung lũng sông Tranh, ẩn sau những khu vườn tuyệt vời trồng cau, trồng tiêu, trồng chè, v.v… Khắp xung quanh là những dãy núi lớn cây cối rậm rạp. Đáng tiếc là vùng đất thì giàu có, nhưng nước lại rất độc. Khi đến thăm Trà My, ta thấy ngay dáng vẻ khốn khó của cư dân, mặc dầu đất đai mà họ trồng trọt thì phì nhiêu. Sốt rét tàn hại nặng nề, dân chúng hầu như hoàn toàn đắm mình vào thuốc phiện, tin chắc rằng dùng thứ thuốc đó sẽ giúp họ, trong một mức độ nào đó, chống lại ảnh hưởng độc hại của khí hậu miền núi. Nhà làm có hai mái, mái thứ nhất bằng tranh, mái thứ hai bằng đất và vôi nhằm bảo vệ bên trong khỏi cháy do người mọi đốt. Lâu lâu lại có một vụ tập kích của người mọi; một vài người dân bị bắt đi làm nô tì; tuy nhiên, dân cư vẫn tăng lên một cách chậm chạp, cư dân đồng bằng dần dần bị lôi cuốn vì miếng mồi lời lãi do buôn quế”1.

     Nghiên cứu điền dã tiến hành trong hai năm 2007-2008 cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về con đường nơi quế từ những cánh rừng ở miền núi – chủ yếu do người Co trồng – xuống cảng Hội An. Người Co mang quế xuống chợ phiên ở Trà My hoặc bán quế cho thương nhân người Việt làm cho những người Hoa chuyên thu gom quế. Từ những điểm thu gom ở Trà My, người Việt khuân vác quế qua đường mòn trong rừng xuống phố Tàu ở Tam Kỳ. Tại đây, quế đưc xếp lên thuyền mảnh và chở bằng đường sông tới Hội An2.

     Như Lê Quí Đôn đã ghi chép về việc buôn bán này:

     Đại phàm những hoá – vật được sản xuất từ các phủ Thăng – hoa, Điện – bàn, Qui -nhân, Quảng – nghĩa, Bình – khang cùng dinh – sở Nha – trang, chỗ thì người ta chuyên – chở hàng – hoá bằng thuyền theo đường thuỷ, hay chở bằng người theo đường bộ, đều đổ xô dồn về phố Hội – An cả3.

Kết luận: “Nguồn” ở Đàng Trong

     Như chúng ta đã thấy, ở Chămpa cũng như nhiều nơi khác tại Đông Nam á, người vùng cao phục vụ các vương triều đồng bằng như những “đầu sai”, cung cấp lâm sản cho các cảng biển, nơi chúng được bán lại như những hàng hoá có giá trị cao vào mạng lưới buôn bán toàn cầu của Đông á1. Sau sự suy tàn của Chămpa, một mô hình mới nổi lên dưới dạng di dân từ các tỉnh phía bắc tới định cư, khai khẩn đất đai, trồng lúa và từng người trong số họ đã đóng góp vào việc thiết lập một hệ thống kinh tế mới và cụ thể hơn là hệ thống Việt2. Vào thế kỷ XVII – XVIII, cả hai mô hình này đồng tồn tại ở Đàng Trong.

     Không nghi ngờ gì cả, hệ thống kinh tế lai tạp này là nhân tố chủ chốt trong sự thành công và trường tồn của chế độ các chúa Nguyễn: sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào việc buôn bán hàng hoá có giá trị cao tạo điều kiện thuận lợi cho chế độ này bảo vệ được mình trước chúa Trịnh ở phía bắc và chu cấp kinh phí cho sự mở rộng năng động về phía nam. Sau đó, dưới triều Nguyễn, mô hình Việt đã chiếm ưu thế. Mô hình hậu Chămpa chỉ tồn tại dưới dạng vết tích, dòng trao đổi miền núi – đồng bằng chỉ có giá trị kinh tế mang tính địa phương. Trong giai đoạn này, vùng biển miền Trung Việt Nam mang những tính chất kinh tế mà nó vẫn giữ hiện nay.

     Bài viết ngắn này là khám phá bước đầu vào vị trí của nguồn trong hệ thống Chămpa. Nghiên cứu của chúng tôi cho phép suy đoán rằng nguồn không chỉ là một vị trí họp chợ quan trọng trong mô hình kinh tế Chămpa: đây còn là địa điểm quan trọng nơi “mô hình hậu Chămpa” “mô hình Việt Nam đang nổi lên” gặp nhau trong giai đoạn Đàng Trong. Hàng hoá xuất khẩu có giá trị cao của đất nước bắt nguồn từ đây; đây là điểm thu thuế chủ yếu; đây cũng là nơi gặp gỡ của các tộc người trong đất nước.

     Chúng ta biết rất ít về các mặt kinh tế quan trọng đối với sự suy sụp của chế độ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nếu nghĩ về nguồn gốc của khởi nghĩa Tây Sơn, chúng ta có thể đặt câu hỏi: những mâu thuẫn được tạo bởi sự đồng tồn tại của hai mô hình kinh tế rất khác nhau đã đóng góp ở mức độ nào vào sự suy sụp của chế độ các chúa Nguyễn thế kỷ XVIII?

     Tại nguồn Cầu Bông thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc đã làm hai nghề: ông buôn bán với người Thượng và thu thuế cho chính quyền ở nguồn. Chúng ta có thể nói rằng cả hai mô hình được thể hiện trong hoạt động kinh tế của ông. Liệu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có phải bắt nguồn từ sự khủng hoảng trong hệ thống kinh tế lai tạp, khi mô hình hậu Chămpa nhường chỗ cho mô hình Việt Nam đang nổi lên thông qua sự thay đổi về thuế, sự thất bại của hệ thống hành chính và sự chuyển đổi của hướng buôn bán đông – tây? Cần phải nghiên cứu thêm trước khi câu hỏi này có thể được trả lời đầy đủ.

     Trong những hành động sau đó, Nguyễn Nhạc rõ ràng khiến người ta chú ý bởi mối quan hệ chính trị gần gũi với người Chăm và người Thượng cũng như truyền thống của họ: điều này cũng gợi ý rằng ông gần gũi với mô hình kinh tế hậu Chămpa hơn. Rõ ràng chúng ta phải quan tâm tới sự thật là khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu từ một trong những nguồn quan trọng ở Đàng Trong. Nếu tôi cho rằng đây không phải là một điều ngẫu nhiên, đó là bởi nguồn đóng một vai trò tối quan trọng trong nền kinh tế đã giữ vững chế độ các chúa Nguyễn trong thời gian gần hai trăm năm.

___________
1 Mọi nghiên cứu của tôi về miền Trung Việt Nam được giúp ích nhiều từ những cuộc trao đổi với Nguyễn Tiến Đông. Kết quả được trình bày ở đây được giúp ích nhiều từ nghiên cứu của Cao Việt Anh, Lê Thị Liên, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Đoàn Minh Hoàng và Trần Hoài tiến hành tại tỉnh Quảng Ngãi.

1 Bài viết này là sự phát triển của những ý tưởng trong hai tác phẩm đã xuất bản mới đây: Andrew Hardy, “Núi và biển trong lịch sử kinh tế Chămpa và Việt Nam” trong Tô Ngọc
Thanh (chủ biên), Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam Bộ, Hà Nội: Nxb.Từ điển Bách khoa, 2008, trang 88-102; Andrew Hardy, Eaglewood and the Economic History of Champa and Central Vietnam (Trầm hương và lịch sử kinh tế Chămpa và miền Trung Việt Nam) trong Andrew Hardy, Mauro Cucarzi, và Patrizia Zolese (chủ biên), Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (Chămpa và khảo cổ học Mỹ Sơn (Việt Nam)), Singapore: NUS Press, 2008, trang 107-126.

2 Nghiên cứu về quá trình nam tiến của Việt Nam được các nhà sử học tiến hành tại miền Nam trong giai đoạn 1955-1975. Xem số đặc biệt của tập san Sử Địa về nam tiến của dân tộc Việt Nam, 19-20, 1970. Về những nghiên cứu gần đây hơn, xem Đặng Thu, Nghiên cứu lịch sử di dân của người Việt thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Hà Nội: Viện Sử học, 1994.

3 Geoffrey Benjamin, ‘On Being Tribal in the Malay World’ (Bộ lạc trong thế giới Mã Lai) trong Geoffrey Benjamin và Cynthia Chou, Tribal Communities in the Malay World, Historical, Cultural and Social Perspectives (Cộng đồng bộ lạc trong thế giới Mã Lai, nhãn quan lịch sử, văn hoá và xã hội), Singapore và Leiden: ISEAS và IIAS, 2003, trang 10. Kathleen D. Morrison và Laura L. Junker, Forager-Traders in South and Southeast Asia, Long-Term Histories (Kẻ cướp phá- thương nhân ở Nam và Đông Nam á, lịch sử lâu dài), Cambridge: Cambridge University Press, 2002. Những nghiên cứu gần đây của tôi, Trần Kỳ Phương và Oscar Salemink áp dụng những hiểu biết về hệ thống kinh tế tại những nơi khác ở Đông Nam á vào miền Trung Việt Nam.

1 Về ngoại thương tại Hội An, xem chương 2 và 3 của Li Tana, Nguyen Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Nhà Nguyễn Đàng Trong, miền Nam Việt Nam thế kỷ 17 và 18), Icatha, New York: Cornell, 1998; Chingho A. Chen, “Historical Notes on Hoi-An (Faifo)” (Ghi chép sử học về Hội An (Faifo)) trong Eclipsed Entrepots of the Western Pacific (Các trung tâm xuất nhập khẩu bị lu mờ ở Tây Thái Bình Dương), John E. Wills Jr. (chủ biên), Aldershot: Ashgate, 2002, trang 285-361. Về sự chung sống của người Chăm và người Việt quanh Hội An trong giai đoạn Đàng Trong, xem Charles Wheeler, One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hoi An (Một vùng đất, hai lịch sử: tiền lệ Chăm trong lịch sử Hội An) trong Viet Nam, Borderless Histories (Việt Nam, lịch sử không biên giới), Nhung Tuyết Trần và Anthony Reid (chủ biên), Madison: University of Wisconsin Press, 2006, trang 157-193.

1 Khung Giang, tức sông Khoãng (Mekong).

1 Đồng Khánh Dư Địa Chí, tỉnh Bình Định, huyện Tuy Viễn.

2 Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, 1997, trang 37-38.

3 Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc, Trên đất Nghĩa Bình, Qui Nhơn: Sở văn hoá thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr.16.

1 1500 quan.

2 Thuế bằng tiền thu được từ các nguồn tại tỉnh Bình Định (6.255 quan tiền) chiếm khoảng 8% tổng số thuế thu được từ miền núi, đầm hồ, đèo và chợ ở Đàng Trong năm 1774 (76.467 quan 2 tiền 54 chu). Phủ Biên Tạp Lục, tập 2, tr. 9 .

3 Lê Quí Đôn gọi là Chiên Đàn, nộp 2060 quan tiền năm 1774. Phủ Biên Tạp Lục, tập 2, tr. 29.

1 Brière, Culture et commerce de la cannelle en Annam, Bulletin économique de l’Indochine, No. 33, 9/1904, trang 945-6.

2 Nghiên cứu điền dã tiến hành tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 6/2007 và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 3/2008.

3 Phủ Biên Tạp Lục, tập 2, trang 72.

1 Geoffrey Benjamin, “On Being Tribal in the Malay World” trong Geoffrey Benjamin và Cynthia Chou, Tribal Communities in the Malay World, Historical, Cultural and Social Perspectives, Singapore và Leiden: ISEAS và IIAS, 2003, trang 10.

2 Về bức tranh chi tiết của Đàng Trong giai đoạn người Chăm và Việt chung sống quanh Hội An, xem Charles Wheeler, “One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hoi An” trong Viet Nam, Borderless Histories, Nhung Tuyết Trần và Anthony Reid (chủ biên), Madison: University of Wisconsin Press, 2006, trang 157-193.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): “Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong (Tác giả: Andrew Hardy ; Bài do Đào HùngNguyễn Thị Hồng Hạnh dịch từ Andrew Hardy, The Nguon in the Hybrid Commercial Economy of Dang Trong)