Nhà thờ Bà Chúa tàm tang Đoàn Quý Phi bên dòng chợ Củi
Tác giả bài viết: LƯƠNG MỸ LINH
(Phòng Văn hóa Thông tin huyện Điện Bàn)
Ven quốc lộ 1A, cách cầu Câu Lâu về phía Bắc khoảng 500 m, có một tấm biển chỉ dẫn nhỏ, ghi: Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi. Men theo con đường bê tông về phía tây khoảng 50 m sẽ gặp một ngôi nhà thờ với kiến trúc ba gian truyền thống. Đó là nhà thờ “Bà Chúa tàm tang” Đoàn Quý Phi do con cháu tộc Đoàn Công (ở thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thờ tự.
Địa phận tọa lạc của nhà thờ nằm trong khu vực Chợ Củi xưa, gần địa danh Gò Xử và cách bến sông Chợ Củi (Sài Thị giang, về sau đổi thành sông Thu Bồn), không xa. Nhà thờ quay về hướng Đông trong khuôn viên gần 500 m2. Qua cánh cổng đơn sơ với mấy bậc tam cấp là bức bình phong, rồi khoảng sân nhỏ là đến từ đường với biển khắc trên chính diện Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi. Mái ngói âm dương trang trí lưỡng long chầu nguyệt trên đường nóc đã nhuốm màu. Bên trong, gian chính tự là nơi thờ phụng Đức bà. Ngôi nhà thờ này được trùng tu vào thời điểm gần nhất là năm Canh Thìn (2000) do con cháu tộc Đoàn Công thực hiện. Từ dáng vẻ bên ngoài đến cách bài trí bên trong không khác biệt nhiều (và khá khiêm tốn) so với những ngôi nhà thờ đang có trên vùng đất Điện Phương, Điện Bàn. Thế nhưng, lật mở trang sử, đặc biệt là những văn tự mà gia tộc Đoàn Công còn lưu giữ mới thấy được giá trị lớn lao của ngôi nhà thờ này.
Câu chuyện tình được dân gian cổ tích hóa “Đám mây ngũ sắc hình lá sen”
(Theo Văn học dân gian Điện Bàn)
Chuyện rằng: Có một hoàng tử thất trận chạy trốn trên chiến thuyền cùng tàn quân, trôi dạt trên dòng Chợ Củi. Thuyền lạc vào một bến vắng. Hoàng tử mỏi mệt chìm vào giấc ngủ. Chàng bị đánh thức bởi ánh mặt trời chói chang với tâm trạng đầy uể oải. Chợt trong đám dâu mênh mang ven bờ rung động vang lên câu hát véo von:
Thuyền rồng gác phượng đâu đâu
Cảm thương phận thiếp hái dâu một mình.
Hoàng tử bỏ bữa ăn. Chàng men theo tiếng hát. Nhưng bốn bên mịt mù dâu xanh. Tiếng hát lại chỉ vang lên một lần như trêu ghẹo. Chợt hoàng tử thấy một đám mây hạ xuống lưng chừng không gian. Một đám mây ngũ sắc hình lá sen.
Hoàng tử vạch lá dâu bước gấp. Đám mây vẫn lững lờ phô vẻ đẹp rực rỡ trong ánh sáng chói chang. Hoàng tử hồi hộp chạm vào chân mây, chạm vào cánh lá sen vĩ đại che mát cả một vùng.
Một thôn nữ đang đơn độc hái dâu. Tay nàng thoăn thoắt. Mắt nàng đậu vào đôi mắt chan chứa khát vọng yêu đương của hoàng tử. Những lá dâu bị buông rơi.
Hoàng tử chạy đến nhặt những lá dâu còn ướt đẫm sương mai trao cho nàng. Nàng run rẩy nhận lấy…
Cô gái hái dâu xinh đẹp bên dòng Chợ Củi trở thành Đoàn Quý Phi trong lịch sử đời chúa Nguyễn, là vợ chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, được tấn phong Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Bà Chúa tàm tang xứ Quảng
Năm Tân Sửu (1601), tại châu Đông Yên, huyện Hy Giang, gia đình ông Đoàn Công Nhạn và bà thứ thất Võ Thị Ngọc Thành đã sinh hạ một mỹ nữ, tên là Đoàn Thị Ngọc. Gia đình ông Đoàn Công Nhạn sống bằng nghề nông tang. Năm 15 tuổi, cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc đã có cơ duyên gặp được nhị công tử Nguyễn Phúc Lan, trở thành con dâu của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Hơn 30 năm chung sống với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, bà Đoàn Thị Ngọc đã sinh hạ 3 công tử và 1 công nữ: Nguyễn Phúc Vũ, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Quỳnh và Nguyễn Phúc Ngọc Dung. Trừ vị công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Tần sau này trở thành chúa Hiền thì 3 người con còn lại đều mất sớm.
Vốn xuất thân từ gia đình nông tang, với vị thế là chánh phi của chúa Thượng, mẫu thân của chúa Hiền nên thời gian ở chính dinh, Đoàn Quý Phi đã đem nghề tàm tang từ xứ Quảng Nam truyền lại cho dân miền Thuận Hóa. Năm 1638, khi chúa Thượng sai Thế tử Thái phó Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần vào Thanh Chiêm để trấn thủ dinh Quảng Nam, bà Đoàn Quý Phi theo con trở lại xứ Quảng. Bà sống và làm việc tại dinh trấn Thanh Chiêm cùng con trai Nguyễn Phúc Tần trong vòng 10 năm. Sau khi thế tử Nguyễn Phúc Tần ra Thuận Hóa để lên ngôi chúa Hiền, bà vẫn ở lại Thanh Chiêm cho đến cuối đời. Trong 22 năm còn lại sống tại Quảng Nam, bà Đoàn Quý Phi hết sức chăm lo cho việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Hàng loạt các làng nghề dệt lụa được mở ra và được lan truyền vào tận Phú Yên. Bà Đoàn Quý Phi đã có công lớn trong việc khuếch trương nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải ở hai miền Thuận – Quảng. Nhân dân yêu quý gọi là “Bà Chúa tàm tang”.
Những trang gia phả của tộc Đoàn Công
Ông Đoàn Công Bá, hậu duệ đời thứ 13 của tộc Đoàn Công hiện đang sống tại thôn Đông Khương 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Ông là người đang lưu giữ những trang gia phả quý giá của tộc Đoàn Công. Gọi là “những trang” bởi qua bao thời gian, loạn lạc, thiên tai, gia tộc Đoàn Công may mắn chỉ còn lưu lại một số trang gia phả với thời điểm ghi chép không liền nhau. Những bản gốc đã bị mối mọt đục thủng lỗ chỗ. Các trang giấy dó dính lại với nhau, giòn tan, không cẩn thận khi lật mở sẽ bị vỡ ra nhiều mảnh. May mắn thay, nội dung bằng Hán tự vẫn còn khá rõ. Ông Bá đã nhờ người chép tay và tạm chú dịch Việt ngữ sang một bản khác.
Trang thứ nhất (tạm gọi), được lập vào tháng 3 năm Chánh Hòa thứ 4 (1683) ghi rõ, thủy tổ tộc Đoàn từ Hải Dương theo dòng người Nam tiến đến Quảng Nam, rồi định cư ở châu Đông Yên, huyện Hy Giang thuộc Duy Xuyên. Cũng theo tài liệu này, dưới triều Chánh Hòa (không ghi rõ năm), châu Đông Yên bị phân chia thành hai: Đông Yên Tây và Đông Yên Đông. Tộc Đoàn Công sinh sống tại Đông Yên Đông, còn gọi là Đông châu nhưng vẫn thuộc Duy Xuyên. Những trang kế không liền nhau về thời gian nhưng cũng đủ cung cấp cho người đọc về gia phả tộc Đoàn Công, bắt đầu từ ông Đoàn Công Huyền tổ phụ. Trang gia phả về Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc được lập vào năm Thành Thái thứ 6 (1894).
Theo lịch sử, ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu (12.7.1661), bà Đoàn Quý Phi qua đời tại dinh trấn Thanh Chiêm, hưởng thọ 60 tuổi. Chúa Hiền an táng mẫu phi tại gò Cốc Hùng, làng Chiêm Sơn, xây lăng Vĩnh Diên đồng thời cho dựng nhà thờ Đức bà tại Đông Yên.
Một tài liệu khác ghi rõ, đến năm Canh Thìn 1680 thời vua Chánh Hòa Lê Hy Tông (1679 – 1705), tức năm chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 32, một trận lũ lớn đã gây xói lở, sông Chợ Củi chia cắt châu Đông Yên thành hai vùng ở đôi bờ bắc nam. Nội dung này trùng với sự kiện được ghi trong trang gia phả tộc Đoàn. Sau trận đại hồng thủy này, nhà thờ bà Đoàn Quý Phi hoàn toàn bị hủy hoại. Đến thời chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ, thường gọi là Nguyễn Phúc Trú (1725 – 1738), nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi được xây dựng lần thứ hai trên đất Đông Yên Đông, lùi xa bờ bắc Sài Thị giang.
Đến thời Tây Sơn, ngôi nhà thờ này bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, nhà thờ Đức bà lại được dựng lại trên nền đất cũ. Năm Gia Long thứ 5 (1806), bà được truy tôn là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu và được thờ cùng chồng là Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế ở án thứ nhất bên hữu tại Thái Miếu (Đại Nội Huế).
Về sau, do sông Chợ Củi bị đổi dòng nên nhà thờ Đức bà bị nước xoáy cuốn trôi phần tiền sảnh. Đến năm Thành Thái thứ 6 (1894), nhà vua ra chiếu chỉ ban cho tộc Đoàn Công một ngàn lạng bạc để dựng lại nhà thờ tại vị trí hiện nay (thuộc thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương). Dưới thời vua Bảo Đại, năm 1930, nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi tiếp tục được trùng tu. Sau hiệp định Genève, năm 1958, lại tiếp tục trùng tu và đến năm Canh Thìn (2000), nhà thờ Đức bà lại được tộc Đoàn Công trùng tu lại khang trang hơn cho đến hôm nay.
Ngoài xuân kỳ thu tế, ngày 17 tháng 5 âm lịch hàng năm, con cháu tộc Đoàn Công lại quây quần về ngôi nhà thờ, thành kính dâng hương hoa bánh quả, tưởng nhớ và giáo dục cháu con về truyền thống gia tộc, về lòng tôn kính cũng như tự hào về cuộc đời và những đóng góp của Đức bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu đối với quê hương đất nước.
Thay lời kết
Thân thế và cuộc đời bà Chúa tàm tang Đoàn Quý Phi được sử sách ghi lại khá rõ. Công lao của bà đối với nghề dâu tằm, dệt vải vùng Thuận – Quảng cũng được ghi nhận. Lăng Vĩnh Diên tại Chiêm Sơn đã được nhà nước công nhận là Di tích cấp quốc gia, hiện do huyện Duy Xuyên là đơn vị chủ quản.
Tuy vậy, đền thờ Đức bà bên dòng Chợ Củi tại làng Đông Yên xưa (Đông Khương nay), tính từ ngôi thờ đầu tiên được xây dựng khi Đức bà mất đến nay là vừa chẵn 355 năm. Thời gian và những bể dâu đã làm cho nhà thờ mất đi kiến trúc gốc cũng như bị dịch chuyển nhiều lần trên vùng đất ven sông Chợ Củi. Thế nhưng, những giá trị về văn hóa – lịch sử của ngôi nhà thờ vẫn cần được ghi nhận thích đáng để công tác bảo tồn, phát huy được tốt hơn.
Theo ông Đoàn Công Bá, con cháu tộc Đoàn Công hiện nay sinh sống rải rác nhiều nơi, tại địa phương không còn nhiều, đa phần làm nghề nông, mưu sinh vất vả. Việc tôn tạo, tu bổ cũng như tế tự tại Nhà thờ Đức bà tuy không ai xao nhãng, nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Nhất là trong điều kiện khu vực nhà thờ tọa lạc gần sông Thu Bồn, thấp trũng, vào mùa mưa lũ nước chảy rất xiết. Không gian chung của nhà thờ cũng nhỏ hẹp, nhiều hạng mục xây dựng còn sơ sài. Việc đề nghị công nhận thành di tích cho nhà thờ có lẽ không chỉ là nguyện vọng của riêng ông mà là của tất cả cháu con trong dòng tộc để Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi có thêm cơ sở để trùng tu tôn tạo cũng như công tác giáo dục phát huy công đức của Đức bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu được sâu sắc hơn.
Với tôi, không chỉ hoàn toàn ủng hộ ý nguyện của ông Đoàn Công Bá, mà chắc chắn, trong thời gian sớm nhất, tôi sẽ tích cực hơn nữa để hỗ trợ gia tộc trong việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di tích cho Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi tại khu vực Chợ Củi lịch sử này.
Tuy không dám nói với ông Đoàn Công Bá, nhưng thật lòng, tôi rất lo lắng, xót xa trước những trang gia phả gốc đang có dấu hiệu bị hư hỏng nghiêm trọng. Nếu không có sự lưu giữ, phục chế một cách khoa học hơn thì những trang giấy mong manh nhưng đầy giá trị kia ở một vùng quê đầy thiên tai gió bão, thấp lụt sẽ khó tồn tại lâu dài! Sự tồn tại của nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi là một dấu tích rất quý và có mối liên kết chặt chẽ để minh chứng sự tồn tại của dinh trấn Thanh Chiêm bên dòng sông Chợ Củi. Hơn nữa, có một vấn đề rất đáng lưu ý từ những trang gia phả của tộc Đoàn Công, đó là sự tồn tại của một châu Đông Yên rộng lớn. Sau trận đại hồng thủy đời vua Chính Hòa (1680) đã chia cắt Đông Yên. Đông Yên Đông (Đông châu) là vùng đất bắc sông Chợ Củi và cũng chính là nơi sinh sống của một số con cháu tộc Đoàn, trong đó gia đình thân phụ Đức bà Đoàn Quý Phi – ông Đoàn Công Nhạn. Từ đó có thể đoán định rằng Đông Yên là một châu rộng lớn, kéo dài từ Chiêm Sơn đến khu vực Cầu Mống hiện nay. Trang gia phả cũng ghi rõ, sau khi bị chia cắt, Đông Châu vẫn thuộc Duy Xuyên. Cho đến thời thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Đông Châu được cải thành Đông Giáp và đến thời vua Tự Đức, làng Đông Giáp mới được sáp nhập vào phủ Điện Bàn, đổi thành Đông Khương cho đến ngày nay.
Thiết nghĩ, đây cũng là một manh mối quan trọng để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, liên kết với vị trí tọa lạc đầu tiên của dinh trấn Thanh Chiêm (năm 1602) là địa danh Cần Húc, được ghi là thuộc huyện Duy Xuyên, đã gây nên bao tranh luận, đoán định khác về vị trí di tích dinh trấn Thanh Chiêm hiện nay!
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ”,
Quảng Nam, ngày 24, tháng 8, năm 2016.
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)