Nhận diện kiến trúc đình làng vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn (Phần 2)

Tác giả bài viết: PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI, TRẦN THÀNH NHÂN
(Trường Đại học Khoa học Đại học Huế, 77 Nguyễn Huệ, Huế, Việt Nam)

    2.6. Đình làng Lại Thế

     Theo Trần Đại Vinh: “Đình Lại Thế chính thức xây dựng quy mô vào năm 1741, đời chúa Nguyễn Phúc Thụ”. Như vậy, trước đó đình Lại Thế đã được lập nên với các nguyên liệu tranh tre đơn giản, phên dậu dựng khung và dùng rơm rạ để lợp mái. Đình có hình dáng gần như ngày hôm nay là nhờ vào cuộc đại trùng tu và xây mới vào năm 1741. Ngoài ra, “trên các xà đã chạm đủ các dòng chữ Hán ghi lại các thời điểm tái thiết trùng tư đình: 1781, 1845, 1891, 1998”[6]. Đình Lại Thế không hề có sự dịch chuyển, chỉ là phát triển hơn về mặt kiến trúc và quy mô. Ngày nay, đình gồm có ba gian hai chái kép, mái hiên trước lưng chừng tạo thành năm gian, đắp thêm một đường nóc thấp trang trí lưỡng long triều nhật tương đồng với nóc đình. Đây là một kiểu giả tiền đường nhưng thực chất ngôi đình không tiền đường, hệ thống vì kèo gỗ đặt trên 54 cột chịu lực (trong đó, cột nhất tả tiền D = 280 mm), với kiểu thượng trến hạ xuyên, kích thước thon gọn làm cho đình thanh thoát. Đình Lại Thế nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, theo quyết định số 05-2001/QĐ-BVHTT ngày 19-01-2001.

     2.7. Đình làng An Hòa

     Làng An Hòa có An Hòa Thượng và An Hòa Hạ. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã ghi cả hai làng thuộc tổng An Hòa, huyện Hương Trà. An Hòa Thượng nay thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà. Trước đây, địa hình gò đồi nơi này thường được chọn làm phần mộ táng các vị tổ tiên thuộc các dòng họ của làng An Hòa[7].

     Trên vùng đất của làng An Hòa, đình làng An Hòa ngày nay tọa lạc gần cầu An Hòa, đi từ đầu đường Lý Nam Đế dọc theo bờ bắc của sông Kẻ Vạn, đi vào khoảng 100 m. Đình làng An Hòa cũ vốn được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, tre. Đến cuối thế kỷ XVIII đình được lợp ngói. Như vậy, có thể nhận định rằng, đình cũ của làng An Hòa được dựng vào khoảng thời kỳ thành lập làng 1776 và khoảng năm 1804 đình được dời đến như vị trí hiện nay. Dưới đời Tự Đức và Khải Định, đình đã trải qua 2 đợt trùng tu. Đến năm 1947, đình làng An Hòa đã bị triệt giải theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Năm 1958, đình được xây dựng lại với hệ kết cấu cột kèo bằng gỗ, riêng các cột phần tiền đình được đúc bằng xi măng. Một lần nữa, đình lại bị hư hỏng nặng do cuộc chiến mùa xuân năm 1968 (Mậu Thân), sau đó đình làng An Hòa đã được xây dựng trở lại vào năm 1970. Những năm sau 1975, đình bị tận dụng làm kho chứa muối nên lại bị hư hỏng nặng. Đến năm 1995 nhân dân đóng góp trùng tu lại các bức tường vách của đình. Đình An Hòa có được như ngày hôm nay là nhờ vào cuộc đại trùng tu năm 2008 với sự đóng góp của người dân đang sinh sống trong làng và ở xa quê hương.

3. Dấu ấn văn bia cho thấy buổi đầu xây dựng đình làng

     Vào giai đoạn này, văn bia đình làng là vết tích gần như duy nhất và quan trọng còn hiện hữu gắn liền trên khuôn viên sân đình, hiên đình hoặc trên tường của kiến trúc ngôi đình ở Thừa Thiên Huế. Văn bia đình cho thấy nhiều giá trị văn hóa, thông tin quan trọng của dân cư bản địa trong suốt quá trình mở cõi, nhưng ba dấu mốc nổi bật nhất là: quá trình quần tụ của cư dân thành lập làng, quá trình xây dựng và thời gian trùng tu đình làng.

     Theo Nguyễn Lãm Thắng thì có đến 19 văn bia đình làng, trong đó 18/19 văn bia đề cập đến quá trình xây dựng, trùng tu đình làng Huế, 16 bia có ghi cụ thể thời gian (triều đại, niên hiệu, can chi, ngày tháng)[8].

     Để nhìn nhận rõ hơn từ các thông tin văn bia trên các đình làng, trong khuôn khổ bài viết, xin dẫn nhập một số văn bia của đình làng trong thời kỳ Phú Xuân này.

     Trong bản dịch của văn bia đình làng Văn Xá có đoạn …“Kính nghĩ đình cũ lợp ngói, quy chế rộng lớn, gặp chiến tranh Tây Sơn tàn phá không còn gì, thần nhân khổ sở. Đầu đời Gia Long, đất nước đại định, dân làng khôi phục lại đình tranh để thờ”[9]. Như vậy, theo Lê Nguyễn Lưu thì đình làng Văn Xá “không rõ thời điểm khởi dựng chính xác, đại ước vào thế kỷ XVII, nguyên tại mặt trước đường làng cũ, bị phá hủy thời Tây Sơn”[10] (Hình 2).

     Ngoài ra, ở phần cuối của bia đình làng Văn Xá còn có bài thơ được viết theo thể tứ ngôn, trong đó có đoạn viết về việc trùng tu đình làng. Bài thơ có đoạn dịch rằng:

“…Cung kính cẩn thận

Chầy ngày mới lên

Đình này vòi vọi

Đất nước đẹp thay!

Mở mang xây cất

Như xưa đến nay

Mây thì rờ rỡ

Gió lại phong phanh

Giữ lại linh tích

Cung kính thơm lành…” [11 ]

     Đình làng Văn Xá đã bị tàn phá không còn gì bởi thời Tây Sơn. Sau đó, vào đầu đời vua Gia Long, ngôi đình đã được người dân dựng tạm lại bằng tranh tre để thờ Thành hoàng. Trải qua thời gian, đến năm Tự Đức thứ 18 (1865) thì đình làng Văn Xá được dời ra vị trí hiện nay và được kiến tạo và có hình dáng như bây giờ. Năm 1961, đình làng Văn Xá được đại trùng tu. Sau đó là những năm 1994–1995, đình làng lại được trùng tu thêm lần nữa, nhưng kiến trúc nguyên thủy của đình vẫn được giữ nguyên.

Hình 2. Văn bia đình làng Văn Xá được đặt dựng ở giữa bức bình phong của đình

     Văn bia đình làng Long Hồ Thượng ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, được gắn sát vào tường. Ở đoạn cuối của văn bia có đoạn dịch rằng: “Bèn vào ngày mồng 10 tháng 9 năm ngoái, bổn xã cùng nhau bàn bạc cử hương chính Lê Văn Niên làm hội chủ, đêm ngày siêng năng ra sức cố gắng, cùng với tú tài Hoàng Đình Cử, viên tử Nguyễn Văn Kỷ, Nguyễn Văn Thanh lo đôn đốc mua cây gỗ, bắt dân chở về quy trí. Lại mời quan viên chức sắc và dân làng cùng nhau bàn bạc đóng góp đầy đủ vật liệu, lấy ngày 16 tháng 6 năm Tự Đức thứ 21 (1868) khởi công qua mùa thu thì hoàn tất. Lại chiếu theo trên chấn tâm của đình có khắc: “Năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) Hoàng Đình Chương trùng tu”, nay thiết nghĩ chấn tâm vốn ở chỗ gian giữa thờ thần, ghi rõ họ tên sợ không hợp, bàn tạo đá làm bia để truyền mãi mãi. Kính soạn văn bia: bổn xã Trần Thiện Toán [12]. Như vậy, từ văn bia ở đình làng Long Hồ Thượng có thể thấy rằng kiến trúc ngôi đình đã được dựng trước năm Cảnh Hưng 14 (1753), sau đó đã được Hoàng Đình Chương trùng tu và được khắc trên chấn tâm (đòn dong thượng lương) của đình.

     Hơn nữa, mở đầu bài văn bia của đình làng Long Hồ Thượng cũng đã có ghi “Ngày tháng 8 năm Tự Đức thứ 21 (1868), bổn xã dựng đình, thuật lại sự tích, làm ra văn bia, lời rằng: Thần dựa vào người để được cúng tế, người được thần giúp đỡ để được dài lâu. Trước đây tổ tiên dựng đình, rường cột rui mèn đã lo cho vững bền, vì muốn để cho đời sau, đời đời kế tục nối tiếp, hiềm vì cây gỗ lâu năm đã mục nát nhiều. Vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) ngày mồng 9 tháng 9 chợt gặp bão lớn, đình đã bị sụp đổ...”[13] (Hình 3)

Hình 3. Văn bia của đình làng Long Hồ Thượng và bia đá được dịch

      Thông tin từ bản dịch văn bia của đình trên cho thấy, trước đây đình làng Long Hồ Thượng đã được dựng theo hệ nhà rường với cột – rui – mèn rất bền vững. Tuy nhiên, do thời gian lâu năm, các cây gỗ, hệ cột – rui – mèn đã bị mục nát và bị sụp đổ bởi cơn bão lớn vào năm 1844. 

     Ngoài ra, nội dung dịch nghĩa trên văn bia được áp vào tường ở phía tả của đình làng Hạ Lang ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cũng cho biết năm xây dựng đình làng Hạ Lang là 1765 và các mốc thời gian trùng tu của đình cũng như yếu tố phong thủy rất được coi trọng. Việc chọn đất, xem hướng, định giờ cũng được chú trọng trong việc xây dựng đình ở thời Phú Xuân. Trên bia đó đoạn dịch: “Đình này tọa Tý, hướng Ngọ, kiêm Nhâm Bính. Trời tạo, đất sinh, núi làm nên án mạnh, nước bọc chầu về. Sáng tỏ thay, phúc đức thay, truyền đến nay đã lâu rồi. Cảnh Hưng năm thứ 26 (1765) Ất Dậu mùa thu, ngày 24 tháng 8 bói được nền tốt. Năm Mậu Thìn (1808) Gia Long thứ 7, mùa thu ngày 9 tháng 8 trùng tu. Năm Nhâm Tuất (1862), Tự Đức thứ 15 mùa thu, mồng 1 tháng 9 trùng tu như cũ…”[14].

     Như vậy, có thể khẳng định rằng, văn bia trên các đình làng ở Thừa Thiên Huế là dấu ấn quan trọng trong việc xác định mốc thời gian trong việc đặt nền móng xây dựng đình, năm tháng trùng tu, việc chọn địa thế, ngày lành tháng tốt cũng như kiến trúc và vật liệu được sử dụng trong xây dựng đình làng ở Phú Xuân thời ấy.

4. Định hướng bảo tồn và phát huy đình làng

     Tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng đất Phú Xuân nói riêng đã để lại một bề dày lịch sử trong hành trình mở cõi về phía Nam của các chúa Nguyễn. Để có thể khẳng định rằng trên các vùng đất làng mới được khai hoang, khai khẩn vốn dĩ là những vùng đất hoang sơ cỏ cây um tùm rộng lớn thì hình ảnh của các loại hình kiến trúc trong dân gian là đình – chùa – miếu vẫn luôn là dấu tích quan trọng để đánh dấu vị trí, mốc thời gian lập làng cũng như thể loại văn hóa kiến trúc của thời ấy.

     Vì vậy, công tác khảo tìm, bảo tồn và ghi lại nhằm phát huy giá trị di sản kiến trúc đình làng đã từng tồn tại với thời gian gắn liền với lịch sử vùng Phú Xuân. Có hay chăng bây giờ là những sự ghi chép lại từ Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục và văn bia còn giữa lại trên các ngôi đình, các sắc phong chiếu dụ của thời nhà Nguyễn, hay đâu đó trên các đòn dong, trụ gỗ của các đình xưa vẫn còn giữ lại bởi sự ghi chép của các bậc cao niên hoặc các sử gia nhà Nguyễn.

     Việc nghiên cứu kiến trúc đình làng ở Phú Xuân xưa và Thừa Thiên Huế nay cũng đã góp phần trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Huế, đồng thời lưu giữ lại các bản vẽ kiến trúc đình làng để cho thế hệ mai sau biết được giá trị của loại hình kiến trúc cộng đồng truyền thống này. Bởi lẽ, đình làng ở tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tương đồng với nhà Rường, phủ đệ của Hoàng tộc và cung điện của triều Nguyễn. Vì vậy, có thể nói rằng đình làng ở Thừa Thiên Huế là công trình giao thoa kiến trúc, kết nối chuyển thể giữa kiến trúc nhà ở dân gian và kiến trúc cung đình.

     Ngày nay, việc lựa chọn đối tượng khảo sát, việc nỗ lực đánh giá về mặt giá trị lịch sử của ngôi đình trên quan điểm của người nghiên cứu kiến trúc hơn là dựa vào yếu tố sự kiện văn hóa, lễ hội hay nhân vật lịch sử liên quan đến ngôi đình. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng giá trị về mặt kiến trúc của ngôi đình được ưu tiên xem xét từ phương diện kỹ thuật và biểu hiện hình dáng của công trình kiến trúc, ở nhiều mức độ, có sức ảnh hưởng đặc biệt nào đó về diện mạo, kết cấu, vật liệu của công trình kiến trúc hay không. Sự đánh giá được xem xét ở tầm quan trọng về ý nghĩa của việc các công trình kiến trúc đó có cùng thời kỳ, cùng phong cách và sự ảnh hưởng của nó đối với hệ thống đình làng xứ Huế nói chung và thời Phú Xuân nói riêng là điều đáng suy ngẫm và quan tâm.

5. Kết luận

     Như vậy, so với việc mô tả các công trình kiến trúc dân gian ở Phú Xuân thời các chúa Nguyễn thì kiến trúc chùa, am, miếu được nhắc đến nhiều dưới ngòi bút của các thiền sư và một số tác giả nước ngoài. Trong khi đó, kiến trúc đình làng giai đoạn đó lại bị bỏ ngõ, vậy nên những nhận diện ban đầu của chúng tôi về kiến trúc đình làng vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn phần nào tái hiện được một di sản văn hóa vật thể mà ở đó thể hiện đầy đủ các yếu tố địa hình, địa giới hành chính, văn hóa nghệ thuật, kiến trúc dân gian, văn tự, văn bia đình.

     Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, sự trùng tu ồ ạt của các đình làng đã vô tình phá vỡ nhiều tính hệ thống vốn dĩ đã trở thành hoài niệm trong đời sống của dân làng. Vậy nên, cần có những chính sách, kế hoạch nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo sao cho vừa giữ được nguyên trạng cấu kiện gỗ, hoa văn, họa tiết, hình vẽ, rường chái, mái, dầm… để còn có cái đặc trưng của văn hóa Phú Xuân thời chúa Nguyễn trên đất Huế cho hậu thế chiêm ngưỡng.

     Trong một chừng mực nào đó có thể, chúng tôi sẽ cố gắng tái hiện lại diện mạo kiến trúc đình làng trên địa bàn Thừa Thiên Huế bằng các phương pháp khảo sát, đo vẽ, hình ảnh, xác định vị trí, ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo… để chung tay bảo tồn và phát huy kiến trúc đình làng Thừa Thiên Huế xuyên suốt chiều dài lịch sử của một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, di sản kiến trúc.

__________
6 Trần Đại Vinh (chủ biên) (2018), Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 145–150.

7 Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 35.

8 Nguyễn Lãm Thắng (2010), Nghiên cứu hệ thống văn bia đình Thừa Thiên Huế, Luận văn thạc sĩ Hán Nôm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tr. 56.

9 Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 147.

10 Lê Nguyễn Lưu, Đình làng Văn Xá và bài văn bia của Vũ Phạm Khải, Trong sách, Tuyển tập Những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế xuất bản, Huế, 2002, tr. 463.

11 Nguyễn Lãm Thắng (2010), Nghiên cứu hệ thống văn bia đình Thừa Thiên Huế, Luận văn thạc sĩ Hán Nôm, Tlđd, tr. 44.

12 Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Sdd, tr. 163.

13 Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Sđd, tr. 164.

14 Trần Đại Vinh (2006),Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Sđd, tr. 166.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam. Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Trần Đại Vinh (chủ biên) (2018), Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

3. Lê Quý Đôn (2015), Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, Nxb. Đà Nẵng.

4. Dương Văn An (2001), Ô Châu cận lục. Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú và hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

5. Nguyễn Lãm Thắng (2010), Nghiên cứu hệ thống văn bia đình Thừa Thiên Huế, Luận văn thạc sĩ Hán Nôm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

6. Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

7. Lê Nguyễn Lưu (2002), Đình làng Văn Xá và bài văn bia của Vũ Phạm Khải, Trong sách, Tuyển tập Những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế xuất bản, Huế.

8. Wedside: http://hue.darkvn.net/diem-den/dinh-co-lao/, Truy cập lúc 21h10’ ngày 11.11.2019.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn;
ISSN 2588-1213, Tập 129, Số 6A, 2020, Tr. 93–105

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)