Nhân đọc bài “ĐẶC ĐIỂM của PHÉP TỈNH LƯỢC trong NGỮ PHÁP THƠ ĐƯỜNG LUẬT”
NGUYỄN NGỌC SAN
Tạp chí Hán Nôm số 4/1997 có đăng bài “Đặc điểm của phép tỉnh lược trong ngữ pháp thơ Đường luật” của Nguyễn Thị Bích Hải. Bài viết ngắn gọn, nêu một vấn đề lý thú có liên quan đến đặc trưng thi pháp thơ Đường luật, cũng thuộc loại vấn đề đã có nhiều bài tranh luận trên các báo chí về một bài thơ nào đó, nên tuy luận điểm và các dẫn chứng tác giả nêu ra là thỏa đáng nhưng thiết tưởng vì là vấn đề thường gặp khi lý giải thơ cổ, nên cũng cần bàn bạc thêm. Vì vậy bài viết này không phải là một bài tranh luận mà là những ý kiến góp bàn thêm.
Chúng tôi không đặt vấn đề có hay không có phép tỉnh lược trong thi pháp thơ Đường mà là tại sao có thể dùng phép tỉnh lược ở thơ Đường luật cũng như ở thơ cổ nói chung. Và ở đây cần phải lùi sâu vào dĩ vãng để có thể nhìn vấn đề đầy đủ hơn, với tầm khái quát cao hơn.
1.
Ở Đông phương (Trung Quốc cũng như Việt Nam) ngữ pháp là một ngành phát triển khá muộn. Trong khi các môn âm vận, huấn hỗ, biện tự, cách luật… phát triển sớm hơn nhiều. Ngữ pháp theo cách hiểu ngày nay, cho đến thời Minh Thanh vẫn còn là mảnh đất chưa được khai phá. Điều này có nguyên nhân từ trong đặc trưng ngôn ngữ của tiếng Hán và tiếng Việt, các ngôn ngữ châu Âu thuộc loại hình chắp dính có biến thái. Một từ xuất hiện bao giờ cũng nằm trong thế đối lập về giống, cách, thời, thái, thức v.v… và không thể nào lẫn lộn về vị trí và chức năng với các từ khác. Thế đối lập này được biểu thị trong bộ khuất chiết thuộc hậu tố đứng liền sau căn tố và xác định ô chức năng của căn tố. Một lời nói bất kỳ nào cũng phải tuân theo cú pháp, vì thế mà ngành ngữ pháp ở châu Âu phát triển rất sớm, đến thời Trung cổ nó đã được giảng dạy phổ biến trong các tu viện. Do một từ đều gắn với một chức năng cụ thể trong câu, nên câu phải có chủ ngữ và vị ngữ; dù đại từ nhân xưng không xuất hiện, nhưng nhìn vào hậu tố động từ người đọc vẫn hiểu được chủ ngữ là ai, là cái gì. Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, trong từ không có căn tố, phụ tố và không nhất thiết phải giữ một chức năng cố định trong câu. Một từ có thể di chuyển tương đối tự do trong chuỗi lời nói để tạo ra nhiều dạng phát ngôn khác nhau với những sắc thái tinh tế khác nhau. Tuy nhiên cũng cần đặt câu hỏi là xưa kia chưa có môn ngữ pháp thì người Hán, người Việt viết văn như thế nào ?
Tuy không có khái niệm ngữ pháp, nhưng từ lâu người Hán đã viết văn dựa vào sự phân chia thực từ, hư từ (còn gọi là nặng, nhẹ). Hư từ phần lớn do thực từ chuyển thành và lúc đầu chỉ gồm những từ tình thái (thán từ, phủ định từ…) và cũng rất ít dùng, nhất là trong thơ. ở châu Âu, hư từ xuất hiện sớm và được sử dụng nhiều ngay từ thời A-rit – xtốt, vì nó là công cụ của tư duy lí tính, nó làm cho tư tưởng thêm mạch lạc, khúc chiết. Nhưng đồng thời nó cũng làm cho tư tưởng hẹp lại. ở Trung Quốc ngay trong các văn bản triết học (Lão, Trang) tần số xuất hiện của hư từ cũng rất thấp, vì người Trung Hoa xưa ưa sự phô diễn tư tưởng dựa vào trực giác và tâm linh chứ không phải là dựa vào óc phân tích lôgíc. Do đó họ cố làm cho phát ngôn mang tính chất châm ngôn, lời nói thánh hiền, không đóng khung vào không gian – thời gian cụ thể mà mang tính vĩnh hằng bất biến. Văn xuôi đã vậy, huống gì là thơ. Sự tỉnh lược hư từ trong thơ là điều dễ hiểu.
Một đặc điểm hành văn khác đã tạo thành một mã đặt câu đặc biệt của người Hán là phép đối ngẫu. Đối ngẫu là đặc trưng của các ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính có thanh điệu như tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Thái… có thanh điệu thì mới có đối bằng / trắc, còn có mang tính đơn lập đơn tiết thì các từ mới có khả năng di động trong câu một cách tương đối tự do để tạo ra các thế đối đa dạng và phong phú. Và cái mã đối xứng này cùng với các thế đối xứng của nó đã tạo ra thứ ngữ pháp đối xứng, một bộ phận của ngữ pháp ngữ nghĩa. Dựa vào các cấu trúc đối xứng vững chãi này, người ta có thể căn cứ vào nghĩa của một vế đối dễ hiểu hơn để tìm hiểu nghĩa của vế đối khó hiểu hơn. Hình thức đối xứng rõ ràng đã tạo ra một mã ngữ pháp riêng. Và kết quả thống kê thực tế cho thấy các câu đối xứng này không mang cấu trúc chủ ngữ – vị ngữ mà lại mang cấu trúc vị ngữ – vị ngữ, ví dụ:
– Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
(Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Gục đầu nhớ quê xưa).
(Lý Bạch)
– Vén trúc bước qua lòng suối
(Tìm mai về đạp bóng trăng).
(Nguyễn Trãi)
Các câu đối xứng có từ trong phú đời Hán, tuy đối chưa chặt về âm luật, vì lúc này tiếng Hán còn đọc theo âm Thượng cổ, tới đời Đường tiếng Hán đọc theo âm Trung cổ nên âm luật đã rõ ràng và đối được sử dụng trong phú và thơ Đường luật, lúc này phép đối đã chỉnh. Sang đời Tống bắt đầu có thú chơi câu đối. Sự đối xứng hay hình thức biền ngẫu từ xưa đã cho phép tạo ra các câu không theo ngữ pháp thông thường của văn xuôi mà đặt câu tuỳ thuộc vào sự hô ứng giữa hai cặp đối nhau.
2.
Hiện tượng câu thơ không chủ ngữ ở Đông phương còn có thể giải thích bằng nguyên nhân kinh tế xã hội – văn hóa. Cái chủ ngữ thường gắn liền với ý niệm về sự sở hữu. Văn hóa châu Âu bắt nguồn từ vùng Địa Trung Hải ấm áp, tài nguyên phong phú, thuận lợi cho sự phát triển thương nghiệp. Mà trong thương nghiệp thì quan hệ sở hữu phải rõ ràng không thể mơ hồ lẫn lộn: hàng hóa này là của anh và tiền này là của tôi. Trong khi ở Trung Hoa nghề buôn bán hàng hóa vừa loé lên ở đời Ân thì sang đời Chu đã sớm còi cọc. Suốt mấy ngàn năm nền kinh tế cơ bản là nông nghiệp với hình thái công xã tỉnh điền, công điền công thổ. Đất đai là của nhà vua, nông dân được chia đất theo suất đinh để sản xuất lương thực sinh sống và nộp tô cho nhà vua, mấy năm phân lại một lần. Nghĩa là đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất không phải của họ tuy họ bị gắn chặt vào nó, vì vậy ý niệm về sự sở hữu của họ rất mờ nhạt. Tất cả những gì ở dưới bầu trời này (thiên hạ) đều là của nhà vua. Văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ thượng lưu sông Hoàng Hà giá lạnh, tài nguyên nghèo nàn, nên thương nghiệp cũng chậm phát triển và văn hóa thai nghén từ đây cũng mang tính chất “thượng dụng” khác với tính chất “thượng tú” ở châu Âu, văn chương lại càng thế. Văn chương Phương Đông là để giáo hóa mang tính “cầu hảo” mà giáo hóa là dành cho tất cả mọi người không chỉ riêng ai. ý thức “cộng đồng” át hẳn ý thức “sở hữu”. Vai trò của cá nhân trong nền kinh tế tiểu nông bị hòa tan vào trong gia đình, họ tộc. Để duy trì sự bền vững của dòng họ – với tư cách là đơn vị sản xuất – con người phải hy sinh tất cả những gì quí nhất vì chữ hiếu và chữ trung, bị đè nặng bởi nghĩa vụ đối với người trên: cha mẹ và đấng quân trưởng. Hy sinh các lợi ích cá nhân hay bản thân cá nhân cho lợi ích cộng đồng là điều kiện sống còn của xã hội nông nghiệp Phương Đông.
Về mặt triết học, người Hán cổ coi con người cũng như cỏ cây, sông núi … chỉ là sự biểu hiện của nhân tố đầu tiên vô hình có trước bất kỳ tồn tại nào, làm cơ sở hàng đầu của Tạo hóa, đó là Đạo. Nó là “phương thức tồn tại của Vũ trụ”, mọi cái sinh ra từ Nó. Vậy thì tất cả mọi cá nhân và vạn vật sẽ chẳng là gì đối với nguồn gốc của chúng là “Đại Đạo”. Cái “sở hữu” cũng chẳng là gì và suy sang ngôn ngữ cái “chủ ngữ”, cái “anh, tôi hay nó” có ý nghĩa gì đâu.
3.
Còn trong văn chương Phương Đông với tính chất “thượng dụng”, thiên về “giáo hóa”, “cầu hảo, “đạo”, “tình”, “chí” là của mọi người không của riêng ai. Văn thơ trước tiên là để “tải đạo”, chưa khắc hoạ tâm tình cá nhân của một con người. Và thơ trước nhất là để tỏ chí, đó là điều ký thác trong thơ. Sách Tả truyện: Văn Tử nói với Thúc Hướng: “thơ nhằm bày tỏ chí”. Thiên Thiên hạ trong sách Trang Tử cũng có câu: “Thơ để nói về chí”. Thiên Nho hiệu trong sách Tuân Tử cũng nói: “lời thơ là chí đó”. Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp viết: “… cho nên ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ, con người bẩm sinh có thất tình ứng với vật mà cảm xúc, cảm vật mà nói chí”. Nhà sư đời Trung Đường là Thích Hiệu Nhiên, tác giả các tập Thi thức, Thi nghị, Bình luận cũng chủ trương “thi dĩ ngôn chí”. Ông cho rằng vật là của trời, tình là của người (con người nói chung – NNS). Ông thống nhất một cách hữu cơ giữa hai nhân tố cơ bản của thơ là tình và cảnh, nhà thơ “thủ cảnh” (chọn lựa sự vật khách quan) nhằm “thể tình”. Các nhà thi thoại Phương Đông thường thống nhất con người với vũ trụ, giữa con người với con người để tìm sự “hòa đồng”. Điều này có nguồn gốc từ trong triết học Đông, Tây. Lịch sử triết học Phương Tây là lịch sử đấu tranh của con người chống lại số phận, chống lại thần quyền; còn lịch sử triết học Phương Đông là lịch sử sự chứng minh cái “hòa đồng” giữa con người với vũ trụ. Từ đó đi đến cách nhìn của Phương Tây là đi từ bộ phận, con người tách khỏi vũ trụ, tách khỏi thiên mệnh và tách khỏi nhau, tách rời các sự vật với cái nhìn thực chứng mà sau này sẽ dẫn đến mâu thuẫn, đến bi quan và cuối cùng phải tìm đến cấu trúc luận và điều khiển học… Còn Phương Đông nhìn vũ trụ và con người bằng con mắt toàn bộ, tổng thể trước khi đi vào bộ phận. Văn thơ cũng không thoát khỏi cách nhìn này. Người Phương Đông nhìn bài thơ như một đơn vị thẩm mỹ hoàn chỉnh mà ít chú ý tách rời các câu, các từ, các ý, nhất là trong thơ trữ tình. Tư Không Đồ coi “thơ là kết tinh của muôn vàn sự tài tình kỳ diệu…” từ đó mà luận bàn thi đức, thi thể và thi đạo. Ông nói: “thơ không nhằm vào từng chữ mà vẫn có được vẻ độc đáo thường tình”, “thơ siêu thoát ngoài hiện tượng”, “tình trong thơ ở cái không nhìn thấy”, “ý tiềm tàng sau ngôn từ”, “nếu chỉ chú ý xét chữ, xét câu thì không thể thấy được tình và ý”. Cái đó gọi là “ý tại ngôn ngoại”, Nghiêm Vũ gọi là “nhập thần”, “diệu ngộ”, là “lời đã hết mà ý chưa hết”, Vương Sĩ Trinh gọi là “thần vận”. Sách Bội văn vận phủ cũng có câu: “Thơ hay ở chỗ dùng lời, nhưng hay hơn nữa ở ở chỗ không có lời”. Đó là cái thực trong hư. Bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị cũng có câu: Thị thời vô thanh thắng hữu thanh (khi ấy không có tiếng mà còn hơn là có tiếng). Mạnh Tử cũng chủ trương không nên quá chú trọng vào mặt chữ nghĩa. Còn Trang Tử trong thiên Nhân gian thế bàn về thưởng thức thơ như sau: “Không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng khí. Tai dừng lại ở chỗ nghe, còn tâm thì đạt tới chỗ diệu hợp. Khí vốn hư để đón chờ muôn vật. Riêng có đạo tập hợp được hư, đó chính là tâm trai”.
Như vậy thì muốn hiểu và cảm thụ đựơc một bài thơ Đường luật hay thơ xưa nói chung, không chỉ căn cứ vào ngữ pháp, tất nhiên vẫn có lúc phải viện dụng đến ngữ pháp – Trước hết phải dùng cái tình, cái tâm chay tĩnh (tâm trai) để lắng đón lấy cái chí, cái tình, cái tâm linh nhà thơ ký thác bên trong đã được người xưa quan niệm là “thần”, “thần tứ”, “vận vị” nổi lên trên khí cốt bài thơ, thế là đã lãnh hội thơ theo đúng cái mã sáng tác của tác giả ngày xưa.
Biết thế rồi thì sẽ thấy phép tỉnh lược chủ ngữ và hư từ trong thơ Đường luật là điều không đáng lạ, vì chưng nó quá phổ biến. Ví dụ bài sau của Lý Bạch:
Bạch nhật y sơn khán,
Hoàng Hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cách thượng nhất tầng lâu.
(Ngày tựa núi ngóng xa,
Thấy Hoàng Hà đổ ra biển.
Muốn dài thêm con mắt ngàn dặm,
Bước thêm lên một tầng lầu nữa).
Không chủ ngữ, cũng không hư từ. Bài thơ rắn chắc, tứ thơ man mác. Con người đứng trước phong cảnh hùng vĩ, vũ trụ bao la mà muốn hòa nhập vào chúng. Không hư từ nên cảm giác này dành cho con người mọi miền và mọi thời đại. Do đó, tình ở đây là vĩnh hằng, không biên giới.
Cũng cần chú ý là có những bài thơ đầy ắp chủ ngữ, nhưng là chủ ngữ hình thức. Chủ ngữ lô-gíc, chủ ngữ thơ ở đây chỉ có một, đó là chủ thể cảm xúc, là nhân vật trữ tình nhưng nó lại ẩn mình đi và không được biểu thị bằng bất kỳ từ ngữ nào. Ví dụ bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ bay vèo.
…
Ở đây ao thu, thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc… chỉ là chủ ngữ hình thức, còn chủ ngữ lô-gíc hay chủ ngữ thơ là con người đang cảm thấy, bất lực, cô đơn và nhỏ nhoi trước trời nước mùa thu lồng lộng, nên đang tìm thú thanh tao yên ổn nơi đồng nội quê nhà để rũ hết mọi ưu phiền. Người đi câu gì mà chẳng chú ý gì đến cần câu, phao câu, chỉ lăm lăm ngắm cảnh sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc… cho đến khi giật mình bừng tỉnh vì tiếng động thì cũng chẳng ngó ngàng đến lưỡi câu mà lại chỉ chú ý đến chân bèo.
Thơ cổ như thế nào thì cũng cần hiểu nó, lãnh hội nó như thế ấy.
Nguồn: hannom.org.vn
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)