Nhận thức rõ thêm về kênh Thoại Hà (An Giang) qua một số tài liệu tiếng Pháp
Tác giả bài viết: BÙI THỊ HÀ
(Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Năm 1817, Thoại Ngọc Hầu nhận trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, kiêm quản trấn Hà Tiên. Việc làm đầu tiên của ông khi đến vùng đất này là huy động nhân dân đào kênh Thoại Hà năm 1818. Trải qua thời gian, nhất là trong thời Pháp thuộc, kênh Thoại Hà không chỉ tiếp tục được nạo vét, mở rộng, mà còn định vị những giá trị mới trong thuỷ nông, giao thông, thương mại và biên phòng, là hiện thân của sức lao động sáng tạo của các lớp dân cư, minh chứng cho chính sách trọng nông để phát triển nông nghiệp. Dòng kênh này cũng thu hút sự quan tâm khảo cứu của chính quyền thực dân Pháp và giới nghiên cứu nước ngoài (chủ yếu là học giả sử dụng tiếng Pháp), được thể hiện trong các hồ sơ lưu trữ và các công trình nghiên cứu từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Nguồn tài liệu bằng tiếng Pháp nói trên đã góp phần phác họa rõ thêm bức tranh sinh động về quá trình hình thành, phát triển và vai trò của kênh Thoại Hà trong khu vực Tây Nam Kỳ lúc bấy giờ. Từ việc vận dụng phương pháp sử liệu học, văn bản học, bài viết so sánh và rút ra nhận xét về giá trị của tài liệu tiếng Pháp trong việc làm rõ thêm quá trình phát triển của kênh Thoại Hà trên các phương diện: i Lịch sử hình thành và các thông tin về kênh Thoại Hà; ii. Tên gọi kênh Thoại Hà thời Pháp thuộc; iii Vai trò của kênh Thoại Hà.
Từ khóa: Thoại Ngọc Hầu; kênh Thoại Hà; Nam Kỳ.
x
x x
1. Mở đầu
Đường thuỷ Nam Kỳ là một hình thái giao thông – thủy nông đặc biệt với nhiều loại hình khác nhau, từ các con sông lớn, những dòng chảy tự nhiên đến hệ thống kênh đào chằng chịt. Người Pháp phân loại kênh rạch ở Nam Kỳ thành hai nhóm chính là những dòng chảy tự nhiên (canaux naturels) và những con kênh nhân tạo, kênh đào (canaux artificiels). Những kênh đào này lại bao gồm những kênh mới được đào khi Pháp sang xâm lược; và những kênh được đào từ trước đó, người Pháp đến và chỉ làm nhiệm vụ mở rộng, kéo dài, cải tạo, chỉnh trang. Trong số những kênh đào thuộc nhóm thứ hai này, đáng chú ý hơn cả là kênh Thoại Hà (được Trấn thủ Trấn Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại hay còn gọi là Thoại Ngọc Hầu chỉ huy nhân dân đào vào năm 1818) – nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá – tuyến đường thuỷ – thuỷ nông quan trọng đảm bảo sinh kế, vận tải và thương mại cho khu vực Long Xuyên, Rạch Giá và miền Tây Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Từ trước đến nay, kênh Thoại Hà được đề cập khá nhiều trong các công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp viết về chủ đề này cũng không phải là hiếm, nhưng chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp và bổ sung một số tài liệu tiếng Pháp và thêm lời bàn về diện mạo kênh Thoại Hà thời Pháp thuộc trên các phương diện: lịch sử hình thành và các thông tin về kênh Thoại Hà; tên gọi kênh Thoại Hà thời Pháp thuộc; vai trò kênh Thoại Hà.
2. Lịch sử hình thành và các thông tin về kênh Thoại Hà
2.1. Lịch sử hình thành kênh Thoại Hà
Năm 1817, Thoại Ngọc Hầu nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh, nhận chỉ lệnh của vua Gia Long đào kênh từ Đông Xuyên (Long Xuyên) đến Rạch Giá. Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu chính thức tiến hành công việc này. “Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính được vua trao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818), vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên” (Nguyễn Văn Hầu 1972: 371). Về sự kiện đào kênh Thoại Hà, Đại Nam thực lục chép như sau: “Vét sông Tam Khê, sông cách trấn lỵ Vĩnh Thanh 214 dặm (Phía Tây 4 dặm rưỡi, đến ngã ba hợp với sông cần Đăng, phía Tây Nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục, từ đấy về nam 57 dặm rưỡi đến Song Khê). Vua thấy đất ấy gần Chân Lạp, mênh mông lầy rậm, đường sông đi qua Kiên Giang bị bùn cỏ ùn tắc, thuyền bè không đi được, bèn sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thuỵ sửa sang đường sông, điều động dân Hán [Việt] dân Di [Miên] 1.500 người để vét, nhà nước cấp cho tiền gạo, khiến nhân lối cũ mà đào sâu rộng thêm… Vua khen công của Thuỵ, đặt tên sông là Thuỵ Hà” (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 958). Tuy nhiên thời điểm ông tổ chức đào tuyến kênh này được các sử liệu ghi chép khá lệch nhau ở cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Trên thực tế, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp (về lịch sử Nam Kỳ, lịch sử Đông Dương) đề cập tới quá trinh hình thành kênh Thoại Hà, với nhiều ý kiến nhận định khác nhau. Sớm nhất là Cochinchine Frangaise, Excursions et reconnaissances (Nam Kỳ thuộc Pháp, du ngoạn và nhận dạng) năm 1879 cho rằng: Kênh Rạch Giá được đào vào tháng thứ 11, năm thứ 16 đời Gia Long (1817) bởi Tổng đốc Vĩnh Thanh, vị quan họ Thoại (Cochinchine Francaise, Excursions et reconnaissances: 56). Người Pháp nhận định lý do kênh Thoại Hà được đào là bởi những lợi ích to lớn về giao thông và thuỳ nông mà nó mang lại cho những vùng đất đi qua: Rạch Long Xuyên đô ra sông Hậu, qua tỉnh lỵ, chảy về hướng Rạch Giá và tạo thành một đường thuỷ tự nhiên với lợi ích lớn. Những viên đại thần của tiền triều, hoàn toàn có thê tính toán được tình trạng đặc biệt này, kéo dài con rạch này bằng một con kênh được đào bởi những người nhận trợ cấp và rằng chính quyền vừa mới tiến hành nạo vét (Annuaire general de l’Indochine: 1218).
Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp khác có sự nhầm lẫn về thời gian đào kênh hay niên đại của vị vua trị vì trong thời gian công việc này được tiến hành. Năm 1894, khi viết về lịch sử huyện Rạch Giá, Baurac cho rằng: Chỉ dưới triều vua Minh Mạng, vào năm 1832, các đại thần đã đào một con kênh nối liền giữa rạch Giá và rạch Long Xuyên (Baurac 1894: 306). Có lẽ Baurac đã nhầm lẫn giữa thời gian bắt đầu đào kênh (1818) với một đợt sửa chữa lớn, cải tạo lớn (1832). Không chỉ riêng Baurac, ngay cả Duvemoy trong tập Địa chí tỉnh Long Xuyên (Monographic de la province de Longxuyên (Cochinchine), xuất bản năm 1924 cũng nhận định kênh Thoại Hà được đào dưới thời vua Minh Mạng: Ngoài vai trò quan trọng của mạng lưới đường sông, tỉnh Long Xuyên còn có nhiều kênh đảm bảo cho việc liên lạc giữa các vùng và sự tiêu nước. Những con kênh này được đào bằng nhân công, bằng các tàu cuốc. Vào thời vua Minh Mạng nàm 1817, việc đào kênh Thoại Sơn nối Long Xuyên với Rạch Giá được tiến hành. Những công việc này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một vị đại thần Thoại Ngọc Hầu (Duvemoy 1924: 10). Thậm chí, Duvemoy còn nhầm lẫn cho rằng kênh Thoại Hà được đào sau dòng Vĩnh Te: “Ông ta (Thoại Ngọc Hầu – Bùi Thị Hà chú thích) đào kênh Vĩnh Tố (Hà Tiên) trong năm thứ 18 thời Vua Gia Long, lập ra các làng trong vùng Châu Đốc, và vào năm thứ 3 thời vua Minh Mạng, đào kênh Thoại Sơn (Rạch Giá)” (Duvemoy 1924: 40).
2.2. Các thông số kỹ thuật
Các nghiên cứu từ các tác giả Việt Nam cho biết, kích thước của tuyến kênh Thoại Hà là 12.410 tầm (26,33km), rộng 10 trượng (42,4 m), sâu 18 thước (7,63m)1. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp đã đưa ra những thông số khác biệt về chiều dài, chiều rộng, độ sâu của kênh. Nghiên cứu năm 1879 ghi rõ: Kênh trải dài 30km, có nguồn gốc từ dòng Thoại Hà, gần núi Sập. Ban đầu, con kênh này rộng 45m và sâu 2m (Cochinchine Franẹaise, Excursions et reconnaissances: 56). Năm 1894, trong công trình của mình, Baurac khẳng định: Con kênh này được mở trên chiều dài là 30km, bề rộng 45m và độ sâu là 2m. Hiện nay (tính vào thời điểm năm 1894), kênh chỉ còn rộng từ 8-1 Om, và hoàn toàn không the lưu thông được vào cuối mùa khô (Baurac 1894: 306). Những nghiên cứu khác thì cho rằng kênh Thoại Hà hoặc không dưới 35km chiều dài và chiều rộng trung bình là 50m, phần qua tỉnh Long Xuyên dài 16km (Annuaire general de rindochine: 1218), hoặc có tổng chiều dài là 43km, chiều dài trong tỉnh Long Xuyên là 14,6km, rộng 30m, độ sâu 5m, noi hội tụ của những trung tâm lớn là Đinh Mỹ và Thoại Sơn (Duvemoy 1924:11). Những nghiên cứu vừa nêu đều đề cập không chính xác, thậm chí còn vượt xa thông số chiều dài trên thực tế của kênh Thoại Hà. Tuy nhiên, những chỉ số về chiều rộng, độ sâu mà các tài liệu cung cấp cũng là điều đáng lun ý. Nó cho thấy sự thu hẹp hay mở rộng của bề rộng con kênh ở những thời điểm khác nhau, có thể xuất phát từ vị trí đo, thời điểm đo (trước hoặc sau khi bị bồi lắng, trước hoặc sau khi được cải tạo, sửa chữa, khơi dòng, v.v..).
2.3. Việc đi lại trên kênh Thoại Hà
Kênh Thoại Hà cũng như một số tuyến kênh khác trong vùng đã tham gia tích cực vào hoạt động vận tải, thương mại, với những phương tiện vận tải hiện đại như tàu sà lúp (Chaloup) của Công ty Vận tải đường sông của Pháp (Compagnie des Messageries Fluviales), bên cạnh việc duy trì các phương tiện vận tải truyền thống như thuyền mành và thuyền tam bản (Russier 1931: 106). Những chiếc tàu sà lúp của Messageries Fluviales đảm bảo vận tải cho các tuyến đường thuỷ, trong đó có tuyến từ Long Xuyên đi Rạch Giá và Cho-thu (Notice de la Carte No 40 Cochinchine 1912: 27,46). Vào đầu thế kỷ XX, tuyến hành trình từ Rạch Giá đi Sài Gòn qua Long Xuyên, Sa Đéc và Chợ Lớn bằng các con kênh rạch như kênh Rạch Giá, rạch Lap-vo và Sa Đéc, rạch Ba-vai và rạch Thương mại, rạch Kinh-moi, sông Ben Lức, kênh Poterie và rạch Tàu (Beau 1908: 372). Cũng vào lúc này, kênh Thoại Hà có thê hoạt động tất cả các mùa, và một dịch vụ chạy tàu sà lúp đều đặn cuối cùng có thể được thiết lập giữa hai tỉnh lỵ nói trên (Long Xuyên và Rạch Giá) (Annuaire general de rindochine: 1218).
Năm 1924, hành trình từ Sa Đéc – Long Xuyên – Rạch Giá qua kênh Thoại Hà đều tuân theo quy trình: Tất cả các tàu sà lúp Trung Hoa rời Sa Đéc vào 6 giờ sáng, đến Long Xuyên khoảng 10 giờ và tiếp tục đến Rạch Giá. Hôm sau, tàu sẽ rời Rạch Giá lúc 6h sáng, đến Long Xuyên vào trưa và tiếp tục đến Sa Đéc (Duvemoy 1924: 20). Còn trên tuyến đường trực tiếp từ Mỹ Tho đến Long Xuyên và Rạch Giá, tàu sà lúp xuất phát từ Mỳ Tho hàng ngày từ 8h (Tàu số 1 xuất phát từ Sài Gòn lúc 5h09 và đến Mỹ Tho lúc 7h29), sau đó đến Rạch Giá lúc 24h. Các sà lúp gồm có Pélican, -Abeille, Guêpe. Vé cho hành khách đi tàu sà lúp bán tại Long Xuyên có 2 loại: hạng nhất: 7,60 đồng Đông Dương, hạng hai: 5,70 đồng Đông Dương; bán tại phía Rạch Giá cũng với hai loại là hạng nhất: 12,40 đồng Đông Dương và hạng hai: 8,00 đồng Đông Dương (Guide pratique renseignements & adresses Saigon: 23). Giá vé và thời gian di chuyển các tàu sà lúp qua kênh Thoại Hà cho thấy sự tiện dụng, nhanh chóng và hiệu quả, chứng tỏ ưu thế của tuyến kênh này so với việc di chuyển bằng phương tiện và lộ trình truyền thống trước đây.
2.4. Quá trình cải tạo
Trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, kênh Thoại Hà đã được nạo vét một số lần. Tuy nhiên, từ năm 1867 đến năm 1895, thực dân Pháp không cải tạo dòng kênh này. Chính bác sĩ Baurac cũng phát biểu: Nhiều lần vào trước cuộc chinh phạt, con kênh này từng được nạo vét, nhưng từ năm 1867 trở đi, chúng ta (thực dân Pháp – Bùi Thị Hà chú thích) chưa từng bảo dưỡng con đường tuyệt vời này (Baurac 1894: 306). Rõ ràng là trong một thời gia khá dài, các con kênh ở vùng đồng bằng Nam Kỳ trong đó có kênh Thoại Hà đã không được nạo vét, nâng cấp. Bởi theo quan điểm của người Pháp, thời điểm trước năm 1875, tất cả các công trình có liên quan đến cải tạo và xây dựng đường sông ở Nam Kỳ đều có mục đích chiến lược và đều nhằm đảm bảo việc nối các lưu vực của các con sông Sài Gòn và Mekong, phục vụ các mục tiêu quân sự và chính trị. Chỉ từ năm 1875 trở đi, chính quyền mới quan tâm đến việc cải tạo những tuyến giao thương bằng đường thủy, gồm cả việc cải tạo những con kênh cũ và đào thêm những con kênh mới. Từ năm 1875 đến những năm đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp cho thực thi 12 nhóm công trình sông, kênh ở Nam Kỳ (gồm cả đào mới, mở rộng và cải tạo công trình cũ). Trong đó, nhóm thứ 12 được thực thi bắt đầu từ năm 1895 do hãng Montvenoux nhận thầu gồm việc cải tạo kênh từ Long Xuyên đến Rạch Giá (Canal de Longxuyen à Rachgia) và một số kênh khác trong khu vực (Doumer 1902: 203). Duvemoy thì cho rằng kênh Thoại Hà được nạo vét lần đầu vào năm 1897 và lần thứ hai vào năm 1914. Trên con đường này, tàu bè có thể qua lại trong cả năm. Con kênh này đảm bảo giao thông cho các làng Định Mỹ và Thoại Sơn (Duvemoy 1924:10).
Năm 1939, một cây cầu bằng bê tông cốt thép được xây dựng trên kênh Thoại Hà (hay còn gọi là Ba Thê) (Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam, GOUCOCH 15261). Ngày 14-5-1939, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y một dự án đào kéo dài kênh Thoại Hà (còn gọi là kênh Ba Thê) tại vùng Bassac. Ngày 30-12-1939, một ủy ban (được bầu bởi Nghị định số 217 ngày 23-12-1939) đã họp và đưa ra biên bản xác định: i. Các khoản phụ cấp dành cho việc hòa giải nhằm phá bỏ lúa, sự thuyên chuyển của các nhà tranh, ii. Giá tậu những khu đất bị băng qua bởi việc đào kéo dài con kênh Rạch Giá – Ba Thê -Mac-can-dung đến tận Bassac. Cuộc họp có sự hiện diện của các vị đại lý tỉnh Long Xuyên, kỹ sư trưởng Chi khu Thủy nông tỉnh Long Xuyên, viên chức kỹ thuật Sở Đo đạc và các chức sắc của tổng Đinh Thanh, Vĩnh Hanh. Cuộc họp xác định giá trợ cấp cho các chủ đất ven bờ kênh như sau: chỗ ở: nhà tranh thường là 0,20 đồng Đông Dương/lm2; nhà tranh với cột gỗ hoặc chủ yếu bang gỗ là 0,25 đồng/lm2; cây ăn quả: không; mộ: không; trồng trọt: giá cả cho việc phá thóc là 20,00 đ/1 ha; đất: giá đất (ruộng lúa hạng 4) là 20,00 đ/1 ha (Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam, GOUCOCH 31442).
Trên cơ sở đó, vào ngày 20-5-1940, tại Sài Gòn, Thanh tra chính, Giám đốc Nha đường sông R.M.Jourdan đã đệ trinh một báo cáo về các khoản phụ cấp cho các chủ đất ven bờ kênh Thoại Hà (Ba Thê). Bản báo cáo cho biết: Những công việc nạo vét khoảng 12,19km kênh Thoại Hà dựa trên tài khoá 1939 đã kéo theo sự ban cấp cho các chủ đất ven bờ kênh những khoản phụ cấp đe: ràng buộc sự bồi phù sa của sông, việc đốn hạ cây cối và sự thuyên chuyển của dân cư. Một uỷ ban được bầu bởi người đứng đầu tỉnh Long Xuyên để xác định các khoản phụ cấp cho các chủ đất. Tổng số tiền phụ cấp lên tới 421,80 đồng Đông Dương (Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam, GOỤCOCH 31442). Ngày 19-6-1940, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định dành 421,80 đồng Đông Dương chi trả cho các chủ đất sinh sống tại làng Vinh Hanh (tinh Long Xuyên) để bồi thường từ công việc nạo vét đào kéo dài kênh Thoại Hà vùng Bassac.
3. Tên gọi kênh Thoại Hà thời Pháp thuộc
Trong các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, bên cạnh cách phiên âm tên kênh Thoại Hà/Thoại Sơn (cùa người Việt) ra tiếng Pháp là Canal du Thoai Ha/Canal du Thoai Son, kênh Thoại Hà còn được gọi bằng một số tên gọi khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kênh Rạch Giá (Canal de Rachgia, Canal du Rachgia), kênh từ Long Xuyên đi Rạch Giá (Canal de Longxuyen à Rachgia), kênh Long Xuyên (Canal de Longxuyen) và kênh Ba Thê (Canal Bathé). Cách đặt tên này dựa vào việc định vị vị trí địa lý không gian, tên địa danh của điểm đầu, điểm cuối nơi con kênh đi qua.
Tên gọi kênh Rạch Giá (tiếng Pháp là Canal Rachgia hoặc Canal de Rachgia) (theo tiếng Khmer là Comnik Prêk Kramuon So, có nghĩa là Kinh rạch Sáp Trắng) (Lê Trung Hoa 2006: 152) để chi kênh Thoại Hà xuất hiện lần đầu trong tác phẩm Petit cours de geographic de la Basse – Cochinchine của Trương Vĩnh Ký, năm 1875: Dòng Mekong khi đi qua Cao Miên nơi nó được chia thành 3 nhánh chính. Trong đó nhánh thử hai chảy về phía Tây mang tên sông Hậu (Hậu Giang – Sông sau) (Fleuve Postérieur), chảy theo hướng từ Tây Bắc đến Tây Nam và thông với Vịnh Thái Lan bằng kênh Vĩnh Te của Hà Tiên và kênh Rạch Giá, và đồ ra biển Đông về phía Đông Nam của Trà Vinh và phía Tây Nam của Sóc Trăng (Trương Vĩnh Ký 1875: 25). Cũng vần trong công trình này, Trương Vĩnh Ký đã dày công sưu tầm và phân loại cách gọi tên các sông, kênh, rạch ở Nam Kỳ theo phiên âm tiếng Việt và tiếng Hoa. Theo đó, tính An Giang có 32 con sông, trong đó thứ tự thứ 19 là Ba Lạch (Kênh Rạch Giá) (phiên âm theo tiếng Việt – En annamite vulgaire), tức là kênh Toại (Thoại) Hà (được đào bỡi Thoại Ngọc Hầu, năm thứ 16 Gia Long) (En caractère chinois) (Trương Vĩnh Ký 1875: 43-44).
Tên gọi kênh Rạch Giá tiếp tục xuất hiện trong nghiên cứu của A.Bouinais và A.Paulus (1886) và Baurac (1894). Baurac viết: về kênh rạch, huyện Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên) có kênh Rạch Giá (Canal de Rachgia), nằm giữa Rạch Giá và Long Xuyên và kinh Cha-va nằm giữa rạch Óng-chương và sông Tien (Fleuve antérieur) (Baurac 1894: 260). Notice de la Carte No 40 Cochinchine xuất bản năm 1912 củng nhắc tới kênh Rạch Giá khi phân loại các con kênh ở Nam Kỳ thành 5 nhóm như sau: nhóm giữa sông Sài Gòn và Vàm cỏ Đông; nhóm giữa hai sông Vàm cỏ; nhóm giữa sông Vàm cỏ lớn, Vàm cỏ Tây và Mekong; nhóm giữa Mekong và Bassac; Nhóm giữa Bassac và Vịnh Thái Lan. Trong nhóm thứ 5 giữa sông Bassac và Vịnh Thái Lan có kênh Rạch Giá, từ Long Xuyên tới Rạch Giá (Le canal de Rachgia, de Longxuyen à Rachgia) (Notice de la Carte No 40 Cochinchine 1912: 26 (Chú thích về bản đồ số 40 của Nam Kỳ năm 1912: 26)). Các nghiên cứu trong những năm 20-30 của the kỷ XX vẫn tiếp tục sử dụng khái niệm kênh Rạch Giá để chì kênh Thoại Hà: Con kênh của vùng giữa sông Bassac và Vịnh Thái Lan gồm kênh Vĩnh Te, kênh Rạch Giá, kênh Omon, kênh Xano (Xà No), và những con kênh của 1’Estoile (Không rõ là kênh gì) (Le Cambode abrégé d’histoire et de geographic, Suivi d’unabrege de geographic de l’Indochine Franqaise 1916: 39 (Cao Miên, lịch sử và địa lý rút gọn, địa lý rút gọn của Đông Dương thuộc Pháp năm 1916: 39)); Những dòng chảy quan trọng nhất được phân chia theo địa lý thành 9 nhóm sông kênh. Trong đó nhóm thứ 9 là giữa sông Hậu và Vịnh Thái Lan gồm có kênh Hà Tiên hay Vĩnh Tế (từ Châu Đốc đến Hà Tiên), kênh Rạch Giá và Rạch Long Xuyên, giữa Long Xuyên và Rạch Giá (Canal de Rachgia et Rach Longxuyen, entre Longxuyen et Rachgia), kênh Xà No và Rạch cần Thơ, kênh từ Cà Mau đến Daingai2 qua Bạc Liêu và Baixau (Russier 1931:106).
Tên gọi kênh Long Xuyên đi Rạch Giá hoặc kênh Long Xuyên có mặt trong những nghiên cứu của Pau Doumer (1902), Duvemoy (1924), 1’Union Coloniale Franqaise (1931) hoặc trong các báo chí bằng tiếng Pháp đương thời như l’Information d’Indochine: économique et financiere (2-7-1938), L’Echo Annamite, v.v.. Bảng thống kê các con kênh của tỉnh Long Xuyên (1924) cho thấy có hai nhóm là các kênh chính và phụ, trong đó kênh Long Xuyên đi Rạch Giá (Canal Longxuyên à Rachgia) được xếp vào nhóm kênh chính (Duvemoy 1924: 11).
Tên gọi kênh Ba Thê (Canal Bathé) (trong tiếng Khmer là Tà Thner) (Lê Trung Hoa 2006: 217) xuất hiện trong các hồ sơ lưu trữ bằng tiếng Pháp những năm 30-40 của thế kỷ XX, tại Phông Phú Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Việt Nam: Dossier relatif à ìa construction d’un pont en béton armé sur le canal Bathe année 1939 (Hồ sơ số 15261); Dossier relatifaux lotissements sur le canal Bathe dans les villages de Đông Thạnh. Vĩnh Bình etc… Rachgia année 1931-1932 (Hồ sơ số 27860); Dossier relatif aux indemnités deverse aux riverain du canal Bathe au Bassac année 1940 (Hồ sơ số 31442). Ngoài tên gọi Ba Thê, những hồ sơ lưu trữ này cũng cho biết các dữ liệu về quá trình cải tạo sửa chữa kênh Thoại Hà, việc đền bù các chủ đất ven bờ kênh khi cải tạo kéo dài, cũng như việc di dân lập làng mới hai bên bờ kênh.
4. Vai trò của kênh Thoại Hà
Cũng giống như các công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp đánh giá cao vai trò của kênh Thoại Hà – kênh Rạch Giá trên các phương diện giao thông – vận tải, thuỷ nông, thương mại và sự phát triên chung của vùng tứ giác Long Xuyên lúc bấy giờ. Trước khi có kênh Thoại Hà, để đi từ các tỉnh vùng ruột Nam Kỳ tới biển Tây, có nhiều đường ngang lối tắt phù hợp với phương tiện thô sơ; nếu dùng phương tiện lớn có thể qua lộ trình dích dắc của các kênh lớn: Châu Đốc – Hà Tiên, cần Thơ – Rạch Giá. Cửa Trang-De3 – Rạch Giá, V.V.. Tài liệu của Cochinchine Francaise còn cho biết: “Trước khi đào kênh Thoại Sơn, nối Rạch Giá với Bassac, giao thông với tỉnh An Giang phải diễn ra ở vùng nước cao, các tuyến Cai-bè và rạch Bà-lang, chảy dồn về Rạch-cần-thơ, bởi đường Cay-lơn và rạch Ngang-dừa, dần đến Ba-xuyên. Hành trình này đi bằng thuyền mành phải mất từ 8-10 giờ (Cochinchine Franẹaise, Excursions et reconnaissances: 54).
Trong 3 tuyến đường này, tuyến ngắn nhất từ Cần Thơ tới Rạch Giá có chiều dài gấp khoang 2,5 lần so với tuyến từ Long Xuyên tới Rạch Giá qua kênh Thoại Hà. Rõ ràng việc di chuyển trên kênh Thoại Hà với quãng đường chì bằng xấp xỉ 1/3 so với trước đã tiết kiệm về thời gian, chi phí và công sức cho những người sống ở miền Tây Nam Kỳ lúc bấy giờ. Chưa kê đến những ưu thế khác mà con kênh Thoại Hà mang lại như ít rủi ro hơn, và khả năng lưu thông, di chuyển trong tất cả các mùa trong năm. Do đó, từ khi có kênh Thoại Hà, các lĩnh vực vận tải, thương mại ở khu vực miền Tây Nam Kỳ được thúc đẩy rõ ràng hơn trước: Việc đào kênh Rạch Giá có kết quả làm chuyển hướng tinh hình thương mại từ cần Thơ về phía Long Xuyên, những tuyến đường cũ từ Cay-bè, Cây-lơn4 bị bỏ lại
(Cochinchine Francaise, Excursions et reconnaissances: 56).
Thậm chí, kênh Thoại Hà còn tạo ra nhũng khu vực dân cư mới dọc hai bên bờ kênh ở cả địa giới tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá: Những ngôi làng mới, khu di dân của Vân-tập (Tấn-phu, Phú-hoi, Binh-thànhthốn, Binh-thành-đông) chiếm các bên bờ kênh (Cochinchine Francaise, Excursions et reconnaissances: 56). Trong các năm 1931- 1932, Công sứ Rạch Giá gừi thông báo đến Thống sứ Nam Kỳ về việc nhiều người dân An Nam và Cao Miên ở các làng Đông Thái, Đông Yên, Thọ Sơn – những làng mới lập bên bờ kênh Thoại Hà (Ba Thê) – yêu cầu phân lô, chuyển nhượng đất đai. Thư gửi kèm các báo cáo phân giới đã được đệ trình phê duyệt thời gian gần đây. Quỹ đất hiện có sẵn của Đông Thái là 1.993ha, được phân chia theo mức 5ha/người gây bức xúc do vi phạm quy định hiện có là lOha/người vốn được chính quyền thừa nhận. Đây là vấn đề bức thiết cần được giải quyết vì các tá điền, đặc biệt người nghèo cần quỳ đất để sinh nhai. Tinh trưởng Rạch Giá đề nghị: A. Được cấp quyền phân đất; B. Được phép cho thuê đất (theo các điều khoản 3,6,9?) đối với các làng, với thời hạn sử dụng đất 3 năm. Diện tích đất yêu cầu được chuyển nhượng của Đông Thái là 1.644.60.79ha, làng Đông Yên là 349.38.32ha. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Rạch Giá cũng nhận được yêu cầu phân lô của làng Thọ Sơn, với số lượng là 120 lô, cộng vào thành 400 lô trong dự án năm 1932 của tỉnh Rạch Giá. Chính quyền tỉnh cũng dự định dành 23 lô đất cho quân đội bản xứ khi trở về từ bên ngoài (Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam, GOUCOCH 27860).
Không những thế, sự hiệu quả trong hoạt động của kênh Thoại Hà – kênh Rạch Giá còn tạo ra những thúc đẩy mạnh mẽ trong sự phát triển chung của vùng tứ giác Long Xuyên, nhất là trên phương diện thúy nông, thủy lợi: Những công trình nạo vét đầu tiên ở Nam Kỳ được thực hiện vào năm 1894 và từ lúc này trở đi, công việc này đeo đuối trong 30 năm không ngừng, V.V.. Những công trình dự kiến cho mục đích bổ sung, chỉnh trang và kiến tạo đồng bằng Nam Kỳ. Các công trình này có liên quan đến 3 vùng chính: Vùng 1 là những khu vực tại Vịnh Thái Lan trong các vùng sông Ong-Dôc, sông Trem, Sông Canh Dên và sông Cai Lơn. Vùng thứ hai là khu vực gồm tất cà các tỉnh thuộc tứ giác Hà Tiên – Châu Đốc – Long Xuyên – Rạch Giá nơi mà 250.000ha đất có sẵn có thể sử dụng ngay được. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Sở Địa chính Đông Dương dự kiến về việc mở một lối đi trong vùng Tứ giác Long Xuyên của một con kênh song song với Vịnh Thái Lan và trước đường nối Rạch Giá – Hà Tiên. Con đường giao thông bằng đường sông này sẽ tạo ra một dịch vụ rất lớn về đường thuỷ trong một vùng mà việc mở cảng biển có thể nói là gần như không thể, với lý do độ sâu cũa nước khá yếu. Để thâm nhập vào vùng đất và những công việc nạo vét, 5 con kênh thẳng góc với Vịnh Thái Lan đã được đào. Những kết quả tuyệt vời nhận được với các con kênh từ Long Xuyên đến Rạch Giá (kênh Thoại Hà – Chú thích của Bùi Thị Hà) và từ Rach-soi đến sông Hậu đã khiến sự chỉ đạo – việc đào con kênh mới nói trên được chấp thuận. Tuy nhiên, có một điểm vẫn phải tuân thủ quy tắc chính là cách thức mà những con kênh này cần phải nối đến vùng Bassac để đảm bào việc đưa lúa gạo từ vùng này đi (Tholance 1924: 24), v.v..
Và như Duvemoy đã tổng kết trong nghiên cứu của mình: Bản dịch này biểu lộ những sự trợ giúp lớn lao của Thoại Ngọc Hầu trong các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại; và vùng Basse-Cochichine chịu ơn các con kênh Vĩnh Tế, Thoại Sơn và con đường từ Châu Đốc đến Nui-sam (Victor Duvemoy 1924:40).
5. Một vài nhận xét
Sự phong phú trong tài liệu cho thấy từ rất sớm (cuối thế kỷ XIX) các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là các tác giả sử dụng tiếng Pháp đã dành sự quan tâm nhất định đối với kênh Thoại Hà nói riêng và hệ thống kênh rạch ở Nam Kỳ nói chung. Các tài liệu bằng tiếng Pháp có nhiều hình thức thể hiện như: báo cáo, nghị định của chính quyền thực dân, công trinh nghiên cứu về lịch sử Nam Kỳ, lịch sử Đông Dương, địa chí, bản đồ, v.v.. Một số tài liệu tuy không tránh khỏi những nhầm lẫn nhất định (đặc biệt là thời gian đào, thông số kỹ thuật) nhưng cũng đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về quá trình hình thành, các thông số kỹ thuật, và phương tiện vận tải tại khu vực kênh Thoại Hà trong những năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Thông qua đó, người đọc và giới nghiên cứu có thể hình dung cụ thể và toàn diện hơn về diện mạo, sự phát triển, so sánh sự biến đổi của kênh Thoại Hà từ khi được đào cho đến thời Pháp thuộc.
Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, kênh Thoại Hà được chỉnh trang, cải tạo một số lần. Sự chinh trang này nằm trong chính sách phát triển thủy nông phục vụ nhu cầu giao thông và khai thác kinh tế của thực dân Pháp ở miền Tây Nam Kỳ. Tuy nhiên, trong phạm vi tài liệu mà tác giả có thể tiếp cận được cho đến lúc này, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp (của người Pháp và người Việt) chỉ quan tâm đến vai trò giao thông, thủy nông và kinh tế của kênh Thoại Hà – Những vấn đề mà chính quyền thuộc địa đang cần quan tâm trong thời kỳ khai thác thuộc địa tại Nam Kỳ nhằm đem lại lợi nhiều nhuận cho giới tư bản Pháp. Các vai trò thiết thực khác như giao lưu trao đổi, mưu sinh với đánh bắt cá, văn hóa, xã hội, v.v. và ngay cả giá trị an ninh quốc phòng, chắc chắn không thể bỏ qua khi nói về dòng kênh chiến lược mang tên Thoại Hà. Hy vọng sẽ có thêm nguồn tài liệu tiếng Pháp trong các kho lưu trữ trong và ngoài nước tiếp tục được khai thác để có thể bổ sung và làm phong phú hơn những chủ đề vừa nêu trong những nghiên cứu tiếp theo. Kênh Thoại Hà không chỉ gắn liền với dấu ấn của Thoại Ngọc Hầu trên mảnh đất An Giang nửa đầu thế kỷ XIX mà còn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển cùa vùng Tây Nam Bộ trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thủy nông, kinh tế thương mại và quốc phòng an ninh từ đó cho đến ngày hôm nay.
__________
1. ThS. Võ Nguyên Phong (Thành phố Quảng Ngãi) sưu tầm từ các công trinh lịch sử Việt Nam và quy đổi sang các hệ số đo lường hiện đại.
2. Một số tên riêng được chúng tôi giữ nguyên như trong bản gốc tài liệu tiếng Pháp.
3. Chúng tôi giữ nguyên cách viết trong bản gốc tiếng Pháp. Hiện không rõ đây là địa danh nào.
4. Chúng tôi giữ nguyên cách viết trong bản gốc tiếng Pháp. Hiện không rõ đây là địa danh nào.
Tài liệu trích dẫn
Lê Quang Định. 2005. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Phan Đãng dịch. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Trịnh Hoài Đức. 1972. Gia Định thành thông chí, Tập thượng. Tu trai Nguyễn Tạo dịch. Sài Gòn: Nha Văn hóa. Phú Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa.
Nguyễn Văn Hầu. 1972. Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. Hương Sen xuất bản. Nam Cường phát hành.
Lê Trung Hoa. 2006. Địa danh học Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục, tập 1. Viện Sử học dịch. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
Trường Đại học Thủ Dầu Một. 2018. Nam Bộ từ năm 1698 đến cuối thế kỷ XIX qua nghiên cứu của người nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ.
Uỷ ban Nhân dân tinh An Giang, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. 2009. Kỳ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân Thoại Ngọc Hâu Nguvên Văn Thoại. An Giang.
Trần Hoàng Vũ. 2017. Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
GOUCOCH 15261: Dossier relatif à la construction d’un pont en béton armé sur le canal Bathe année 1939 (Tài liệu liên quan đến việc xây một cây cầu bê tông bắc qua kênh Ba Thê năm 1939), Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam.
GOUCOCH 27860: Dossier relatif aux lotissements sur le canal Bathe dans les villages de Đông Thạnh, Vĩnh Bình etc… Rachgia annẻe 1931-1932 (Tài liệu liên quan đến việc phân lô bên bờ kênh Ba Thê trong các làng Đông Thạnh, Vĩnh Bình… Rạch Giá các năm 1931-1932 ), Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam.
GOUCOCH 31442: Dossier relatifaux indemnités deverse aux riverain du canal Bathe au Bassac année 1940 (Tài liệu liên quan đến tiền bồi thường cho những hộ ven bờ khu vực từ kênh Ba Thê đến sông Bassac năm 1940) , Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Việt Nam.
Annuaire general de ITndochine. 1909 (Niên giám Đông Dương năm 1909).
Baurac. J.C.1894. La Cochinchine et ses habitants: provinces de TOuest Saigon: Imprimerie Commerciale Rey (Baurac. J.C. 1894. Nam Kỳ và cư dán: các tỉnh miền Tây. Sài Gòn: Nhà in Commerciale Rey)- Tài liệu do ThS.Võ Nguyên Phong (Thành phố Quảng Ngãi) cung cấp.
Beau Paul. 1908. Situation de Tlndochine de 1902 à 1907, tome 2. Saigon: M.Rey (Beau Paul. 1908. Đông Dương từ năm 1902 đến năm 1907, tập 2. Sài Gòn: Nhà in Commerciale Rey).
Bouinais A et Paulus A. 1886. La France en Indochine. Paris: Libraire Algérienne, Coloniale et Maritime (Bouinais A và Paulus A. 1886. Nước Pháp tại Đông Dương. Paris: Nhà xuất bản Algérienne, Coloniale et Maritime).
Cochinchine Franẹaise, Excursions et reconnaissances. Saigon: Imprimerie du Gouvemement 1879 (Nam Kỳ thuộc Pháp, du ngoạn và nhận dạng. Sài Gòn: Nhà in Phủ Toàn quyền. 1879)- Tài liệu do ThS.Võ Nguyên Phong (Thành phố Quảng Ngãi) cung cấp.
Congrès de 1’outillage économique coloniale et des communication (20-25 juillet 1931). organise par TUnion Coloniale Francais: Exposition coloniale Internationale de Paris. 1931 (Hội nghị về thiết bị kinh tế thuộc địa và sự liên kết (20-25/7/1931). Liên hiệp các thuộc địa Pháp tổ chức: Triển lãm thuộc địa quốc tế Paris. 1931).
Duvemoy Victor. 1924. Monographic de la province de Longxuyên (Cochinchine). Hanoi: Imprimerie d’Extreme-Orient (Duvemoy Victor. 1924. Địa chí tỉnh Long Xuyên (Nam Kỳ). Hà Nội: Nhà in Viễn Đông.
Doumer Paul. 1902. Situation de ITndo-Chine (1897-1901). Hanoi: F-H Schneider, Imprimeur-Editeur (Doumer Paul. 1902. Đông Dương các năm 1897-1901. Hà Nội: F-H Schneider, Chủ nhà in-Nhà xuất bản).
Guide pratique renseignements & adresses Saigon. Saigon: Editeur: J.Aspar, 24 rue Catinat (Sách chỉ dẫn những điều cần biết và các địa chỉ ở Sài Gòn. Sài Gòn: Nhà xuất bản. J.Aspar, số 24 phố Catinat).
L’Information d’lndochine: économique et financiere. 2-juillet-1938 (Thông tin Đông Dương: kinh tế và tài chính, 2-7-1938).
Le Cambode abrégé d’histoire et de géographie, Suivi d’unabrégé de geographic de l Tndochine Francaise. Saigon: Imprimerie de la Mission, 189, rue Paul-Blanchy, Tandinh. 1916 (Cao Miên, lịch sử và địa lý rút gọn, địa lý rút gọn của Đông Dương thuộc Pháp. Sài Gòn: Nhà in Truyền giáo, số 189 phố Paul-Blanchy, Tân Định, 1916).
L’Écho Annamite. ll-aoủt-1921 (Tiếng vọng An nam, ngày 11-8-1921).
Tholance M.Auguste. 1924. Discours prononcé par M.Auguste Tholance Gouvernetư p.i.de la Cochinchine à i’ouverture de la Session ordinaire du Conseil Colonial le 6 octobre 1924 (Tholance M.Auguste. Bài phát biểu của quyền Thống đốc Nam Kỳ M.Auguste Tholance trong phiên khai mạc của Hội đồng thuộc địa ngày 6-10-1924).
Notice de la Carte No 40 Cochinchine. Paris: Librairie Armand Colin, Rue de Mezieres, 5.1912 (Chú thích về bản đồ Nam Kỳ số 40 . Paris: Nhà xuất bản. Armand Colin, phố Mezieres, 5.1912).
Russier Henri. 1931. Indochine-Franẹaise. Hanoi – Haiphong: Imprimerie d’Extreme-Orient. Éditeurs (Russier Henri. Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội- Hải Phòng: Nhà in Viễn Đông. Nhà xuất bản).
Service géographique de ITndochine. Carte des routes et canaux de la Cochinchine. décembre 1909 (Bản đồ đường bộ và kênh Nam Kỳ. Tháng 12 năm 1909).
Trương Vĩnh Ký. 1875. Petit cours de geographic de la Basse-Cochinchine. Saigon: ler Edition. Imprimerie du Gouvemement (Trương Vĩnh Ký. 1875. Những bài giảng nhỏ về địa lý vùng hạ- Nam Kỳ. Sài Gòn: xuất bản lần thứ nhất. Nhà in Phủ Toàn quyền).
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 8, số 1 (2022) 49-60
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nhận thức rõ thêm về kênh Thoại Hà (An Giang) qua một số tài liệu tiếng Pháp (Tác giả: Bùi Thị Hà) |