Nhân vật được phong thần qua di sản Hán nôm ở Phú Yên

DEITY-CONFERRED FIGURES IN SINO-NOM HERITAGE IN PHU YEN

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  VÕ THỊ NGỌC HOA
(Trường Đại học Phú Yên)

TÓM TẮT

     Phú Yên hiện có 16 sắc phong thần cho năm nhân vật lịch sử, gồm Lương Văn Chánh, Chu Văn Tiếp, Mạnh Tuyển, Lê Trung Lập, Lê Văn Hiến. Việc sưu tầm, phiên dịch và giới thiệu các đạo sắc phong nhân thần này đã góp phần truyền tải đến hậu thế những thông tin xác thực. Góp phần tìm hiểu về tên tuổi, công lao đóng góp của các nhân vật lịch sử đối với quê hương đất nước. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý hiểm để bổ sung, hiệu chỉnh thông tin lịch sử và cũng là nguồn tư liệu để nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian của nước ta.

Từ khóa: sắc phong, nhân thần, Phú Yên, di sản Hán Nôm, thần hoàng.

ABSTRACT

     Phu Yen currently has 16 deity-conferment ordinances to 5 historical figures, including Luong Van Chanh, Chu Van Tiep, Manh Tuyen, Le Trung Lap and Le Van Hien. The collection, translation and introduction of the Phu Yen’s deity-conferment ordinances convey to posterity the authentic information about the historical figures’ names. Besides, their contribution to their homeland, but also are a valuable document for supplementing, correcting historical information and a source for cultural studies on folk religion in our country.

Keywords: conferment ordinance, deity-conferred person, human deity, Phu Yen, Sino-Nom heritage, tutelar genius, tutelary deity

x
x x

1.

     Các nhân vật lịch sử được triều Nguyễn ban sắc phong phúc thần là những người có công trạng to lớn đối với đất nước, làng xã (bổn thổ Thành hoàng, bổn xứ Thành hoàng, Đông Chinh Thành hoàng, Tiền hiền, Khai canh, Khai khẩn…), đã linh ứng rõ rệt từ lâu, được dân làng sùng tín phụng thờ. Nhiều trường hợp đã được đưa vào tự điển (điển chế thờ tự của quốc gia).

     Phú Yên là một tỉnh nằm vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trong lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1611 đến nay, các tầng lớp nhân dân Phú Yên đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình của lịch sử dân tộc. Nhiều nhân vật ở Phú Yên đã có những cống hiến nhất định trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội – chính trị cho Phú Yên và cho các vùng miền khác của đất nước. Công trạng của họ đã được các triều đại phong kiến ghi nhận trong sử sách, trong các bản sắc phong. Vì vậy, việc sưu tầm, phiên dịch và giới thiệu các sắc phong nhân thần Phú Yên không chỉ giúp nắm được những thông tin xác thực về quê quán, sự nghiệp của họ mà còn là nguồn tư liệu quý hiếm để bổ sung, hiệu chỉnh thông tin lịch sử. Ngoài ra, đây còn là nguồn tư liệu để nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian ở nước ta.

2.

     Phú Yên có số lượng các nhân vật được ban sắc phong thần không nhiều, tập trung vào các đối tượng là những người có công mở mang vùng đất, có công lao lớn đối với đất nước, hoặc trong công cuộc khai canh, khai cơ ngay tại chính quê hương. Hiện chúng tôi sưu tầm được 16 sắc phong phúc thần cho năm nhân vật lịch sử được phong nhân thần ở Phú Yên, cụ thể: Lương Văn Chánh (12 sắc), Chu Văn Tiếp (1 sắc), Mạnh Tuyển (1 sắc), Lê Trung Lập (1 sắc), Lê Văn Hiến (1 sắc). Nội dung cơ bản của các đạo sắc là phong tặng các thần hiệu, mỹ tự và cấp bậc xếp hạng phù hợp (thượng đẳng thần, hạ đẳng thần) tùy theo vị thế và công trạng của thần đối với làng xã.

     2.1.

     Lương Văn Chánh, một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê Trung Hưng, là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Ông sinh khoảng thập niên 40 của thế kỉ thứ XVI. Theo sử liệu triều Nguyễn, ông là người huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nguyên quán xã Phụng (/Phượng) Lịch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

     Lúc trước, Lương Văn Chánh làm quan nhà Hậu Lê, trải đến chức Thiên Võ vệ đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558), ông theo tướng Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Đến năm Mậu Dần (1578), quân Chiêm Thành kéo đến đánh phá, ông đem quân tiến đến sông Đà Diễn (tức sông Đà Rằng) đánh chiếm thành Hồ của họ. Nhờ chiến công đó, ông được thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân. Sau đó ông được giao trông coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định). Năm 1593, Lương Văn Chánh theo Nguyễn Hoàng ra Bắc và cùng lập được nhiều chiến công ở Sơn Nam và Hải Dương trong hai năm 1593 và 1594 và được vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng năm thứ nhất (1578) tấn phong làm Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản 4 vệ Thần Vũ, tước Phù Nghĩa hầu. Đến năm 1597, Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái.

     Ông mất ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, thuộc xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa ngày nay. Được nhân dân an táng, lập đền thờ và suy tôn là Thành hoàng. Năm Chính Hòa thứ mười (1689) chúa Nguyễn truy phong cho Lương Văn Chánh tước Bảo quốc chi thần (nghĩa là thần bảo hộ đất nước). Năm 1693, ông lại được phong tước Bảo quốc Hộ dân chi thần (nghĩa là thần bảo hộ đất nước và dân chúng). Sau đó suốt từ 1689 đến 1767, Chúa Nguyễn đã năm lần gia phong cho Lương Văn Chánh, tước vị cuối cùng ông nhận được là Phù Quân công, Thần Bảo Hộ Dân, Hựu Thuận Phong Công, Tỉnh Tiết. Đến thời Nhà Nguyễn, ông đã được gia phong thêm 6 lần nữa: các năm Minh Mạng thứ ba (1822), Thiệu Trị năm thứ ba (1843), Tự Đức năm thứ ba (1850), Tự Đức năm thứ ba mươi ba (1880), Đồng Khánh năm thứ hai (1887), và Duy Tân năm thứ ba (1909). Tước vị cuối cùng ông được phong là Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Như vậy, hiện tại có 12 sắc phong thần cho Lương Văn Chánh. Ông được thờ phụng tại đền thờ ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị. Nội dung của đạo sắc phong thần (năm 1886) cho Lương Văn Chánh như sau:

     Phiên âm: Sắc Tráng du Cộng võ Linh ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Trấn Biên Dinh Tham Tướng Lương Phủ Quân Thượng đẳng thần, hướng lai hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Phú Yên tỉnh, Tuy Hòa huyện, Phụng Tường xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

     Khâm tai!

     Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.

     Dịch nghĩa: Sắc cho Tráng du Cộng võ Linh ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Trấn Biên Dinh Tham Tướng Lương Phủ Quân Thượng đẳng thần, từ trước đến nay bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp tặng sắc để thờ. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Vẫn chuẩn cho xã Phụng Tường, huyện Tuy Hòa phụng thờ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta.

     Kính thay!

     Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 3 (1886)

     2.2.

     Chu Văn Tiếp, nguyên quán huyện Phù Ly, Phủ Hoài Nhơn (nay là Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), cư ngụ ở Vân Hòa, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Gia đình ông chuyên nghề buôn bán (chủ yếu là buôn ngựa), nên ông đi nhiều nơi. Nhờ vậy, ông quen biết khá nhiều người mà sau này đều trở thành vương tướng của nhà Tây Sơn như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú…

     Lấy lý do chống lại sự áp bức của quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cất binh khởi nghĩa. Biết tài Châu Văn Tiếp, Nguyễn Nhạc có cho người đến mời tham gia, nhưng ông khéo từ chối. Để tạo cho mình một thế đứng trong việc mưu nghiệp lớn, bốn anh em Châu Văn Tiếp chiêu tập dân quân đến chiếm giữ núi Trà Lang (Chà Rang) ở Phú Yên. Một lần nữa, Nguyễn Nhạc cử người đến mời. Châu Văn Tiếp bày tỏ chính kiến của mình. Đó là không muốn thay ngôi chúa Nguyễn, chỉ muốn tôn phù hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, muốn diệt trừ những tham quan, những quyền thần. Ý kiến của ông đã được Nguyễn Nhạc đồng ý. Hứa hẹn vậy, nhưng khi kéo binh đến Quy Nhơn, Châu Văn Tiếp mới hay Nguyễn Nhạc không theo lời ước. Ông liền rút quân về núi cũ, dựng cờ khởi nghĩa ghi bốn chữ Lương Sơn Tá Quốc (Quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước), để đối đầu với quân Tây Sơn. Khi ấy, lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phúc Hiệp đang đóng quân ở Vân Phong (nay là Khánh Hòa), khuyên ông nên qui thuận chúa Nguyễn và ông đã nghe theo.

     Liên tục từ năm 1780 cho đến khi bị tử trận ngày 19 tháng 10 năm 1784 trên sông Mang Thít (thuộc Vĩnh Long), Châu Văn Tiếp luôn là một trong những viên tướng ưu tú nhất của Nguyễn Ánh trong sứ mạng bình định của nhà Nguyễn.

     Nhận được tin ông mất, Nguyễn Phúc Ánh sai lấy ván thuyền ghép thành hòm, dùng nhung phục khấn liệm, rồi cho chôn tạm Châu Văn Tiếp tại làng An Hội, Cồn Cái Nhum (Tam Bình, Vĩnh Long). Sau khi thu phục được Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh cho cải táng tại xã Hắc Lăng, huyện Phước An, thuộc dinh Trấn Biên (nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), là quê vợ của Châu Văn Tiếp.

     Năm Giáp Tý 1804, Châu Văn Tiếp được thờ nơi đền Hiển Trung. Năm Gia Long thứ 6 (1807), xét công lao các bề tôi qua Vọng Các (Xiêm), ông được liệt hàng Đệ nhất đẳng khai quốc công thần và được thờ tại Trung Hưng Công Thần miếu (Huế). Đến đời vua Minh Mạng, ông lại được truy phong Lâm Thao Quận Công. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), vua cho lập đền thờ ông tại Hắc Lăng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

     Sau khi ông mất, tại đình làng thôn Tân Long Hội (huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long), nơi Châu Văn Tiếp được chôn cất đầu tiên, nhân dân lập đền thờ ông. Tại đây có đạo sắc phong do vua Bảo Đại năm thứ 10 (1934) gia phong cho Châu Văn Tiếp là Đoan túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Toàn văn sắc phong như sau:

     Phiên âm: Sắc Vĩnh Long tỉnh Tam Bình quận Bình Chánh tổng Tân Long hội. Phụng sự khâm sai ngoại tả chưởng doanh Đại đô đốc, tặng tả vận công thần, đặc tiến tráng vũ tướng quan tả quân đô thống phủ chưởng phủ sự thái bảo, thụy tráng liệt, phong Lâm Thao Quận công Châu Văn Tiếp tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần phủ, trước phong vi Đoan Túc Dực Bảo TrungHưng tôn thần. Chuẩn kì phụng sự độ kỉ. Thần kì tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

     Bảo Đại thập niên thập nhị nguyện sơ bát nhật.

     Dịch nghĩa: Sắc cho Tôn thần Châu Văn Tiếp, Khâm sai Ngoại tả chưởng doanh Đại Đô đốc, tặng Tá Vận công thần, đặc tiến Tráng Vũ tướng quân Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thái Bảo, thụy Tráng Liệt, phong Lâm Thao Quận công, được thôn Tân Long Hội, tổng Bình Chánh, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thờ phụng, có công giữ nước giúp dân, từ lâu linh ứng rõ rệt. Nên nay vâng theo mệnh lớn, mãi nhớ ơn Thần, phong làm Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, chuẩn cho thờ phụng vị thần tài năng và đức độ. Thần hãy che chở dân ta. Hãy kính vâng theo!

     Ngày mồng 8 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 10 (1935).

     Qua nghiên cứu tư liệu Hán Nôm có đề cập đến nhân vật Châu Văn Tiếp tại tỉnh Vĩnh Long, chúng ta thấy: các vua triều Nguyễn đánh giá cao công lao của ông đối với công cuộc trung hưng của nhà Nguyễn. Châu Văn Tiếp là vị tướng tài năng, từng phò tá vua Gia Long qua Vọng Các (Thái Lan), vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công đối với triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ XVIII. Bằng tài năng, đức độ của mình, Châu Văn Tiếp được mọi người từ vua đến dân đều nhắc nhở, tôn thờ và trọng vọng. Ông là nhân vật lịch sử chiếm vị trí tuyệt đỉnh trong hàng công thần của triều Nguyễn vào thời trung hưng.

     Châu Văn Tiếp không chỉ được các vua triều Nguyễn ca ngợi, tán dương, phong cho tước hàm cao quý, ông còn được nhân dân các tỉnh Nam bộ tôn thờ, ghi nhớ như một vị phúc thần. Dù trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, tại nơi ông mất và nơi ông được cải táng, nhân dân đã lập đền thờ tôn kính ông như các vị thần của địa phương. Tại một số tỉnh Nam bộ tên của Châu Văn Tiếp còn được đặt tên đường phố (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Di tích đền thờ và mộ Châu Văn Tiếp tại Hắc Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận là di tích cấp tỉnh.

     2.3.

     Lê Trung Lập sinh năm Giáp Thìn 1844, tại thôn Hội Cư, tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa (nay là thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Lê Trung Lập xuất thân trong một gia tộc đã qua nhiều đời định cư tại địa phương. Thời trẻ, ông được học chữ Nho nhưng ông không theo con đường khoa cử, mà lấy việc khai khẩn mở mang đất đai, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho những người nghèo khổ ổn định cuộc sống làm con đường tạo lập cơ nghiệp.

     Từ khi khởi nghiệp, Lê Trung Lập phụ giúp Trần Lãng mộ dân khẩn hoang nhiều vùng (thuộc các tổng Hòa Mỹ và Sơn Lạc). Đến năm Tự Đức thứ 36 (1883), Lê Trung Lập được quan Bố chính tỉnh Phú Yên cấp bằng Quản mộ. Ông tự xuất tiền nhà, chiêu mộ và tổ chức dân chúng, tiến hành khai khẩn những vùng đất dọc chân núi phía nam của phủ Tuy Hòa (nay gọi là dãy đèo Cả). Nhờ uy tín và khả năng quy tụ nhân dân, biện pháp tổ chức khẩn hoang có hiệu quả của Lê Trung Lập, cùng với chính sách khuyến khích của nhà nước đương thời, nên việc khẩn hoang được xúc tiến mạnh mẽ. Những vùng đất hoang vu rừng rậm dần trở thành những khu vực sản xuất hoa màu, những đồng ruộng trù phú. Về sau, ông được triều Nguyễn cho giữ chức Chánh tổng Hòa Lộc.

     Trong thời gian giữ chức vụ Chánh tổng Hòa Lộc, ông đã có những đóng góp vào việc ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, xây dựng đình miếu và các thiết chế cộng đồng địa phương đi vào nề nếp. Năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình phong hàm Chánh bát phẩm văn giai cho Lê Trung Lập. Cùng năm ấy, ngày 14 tháng 7 Kỷ Mão ông qua đời thọ 76 tuổi. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được triều đình ban sắc phong là Đại lang chi thần, trật Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, giao cho thôn Hội Khánh phụng sự. Tại nhà thờ Lê Trung Lập ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây hiện đang thờ phụng sắc phong thần cho ông. Nội dung sắc phong như sau:

     Phiên âm: Sắc Phú Yên tỉnh, Tuy Hòa phủ, Hội Khánh thôn phụng sự Khai canh Lê Trung lập đại lang chi thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ, long đăng trật trứ phong vi Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

     Khâm tai!

     Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

     Dịch nghĩa: Sắc ban cho thôn Hội Khánh, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng sự Khai canh Lê Trung Lập Đại lang chi thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay nhân dịp tứ tuần đại khánh (40 tuổi) của Trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, tặng thêm mỹ tự là Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần. Chuẩn cho phụng thờ, thần hãy che chở trợ giúp dân ta.

     Kính thay.

     Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

     2.4.

     Lê Văn Hiến. Theo gia phả họ Lê làng Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa: ông có công khai phá lập làng Tân Mỹ. Lê Văn Hiến đã cùng với nhân dân nơi đây (chủ yếu là lực lượng thanh niên) chặt bỏ cây cối, san lấp ao đìa. Ở những nơi nước đọng lâu ngày, ông cho đào rãnh khơi thông dòng chảy rửa phèn cho đất, san lấp những vùng trũng. Ở những khu vực cỏ lác mọc dày, ông huy động nhiều người cắt bỏ, phơi khô đốt, sau đó dùng trâu bò cày đất, san bằng. Ở khu đất dọc sông Ba, ông cho trồng tre, cỏ lác để chống xói lở. Bằng phương thức khai hoang như vậy, không bao lâu cả vùng đất dọc sông Ba từ thôn Thạch Bàn đến Mỹ Thạnh được khai phá, nhân dân các nơi tụ họp về sinh sống định hình xóm ấp và làng Tân Mỹ ra đời. Sau khi khai hoang lập làng, Lê Văn Hiến còn cho tiến hành xây dựng đình làng, miếu làng làm nơi thờ tự và duy trì các thiết chế văn hóa tinh thần cho cộng đồng, đời sống cư dân bước đầu đi vào quy củ.

     Với những đóng góp lớn lao trong việc khai khẩn lập làng, Lê Văn Hiến được dân làng bầu làm lý trưởng. Nhưng ông từ chối, chỉ nhận mình là người góp sức cùng với nhân dân khai phá, định hình làng xóm. Khi ông mất, nhân dân trong làng tôn là tiền hiền, đưa bài vị vào đình làng thờ tự. Đến đời vua Bảo Đại thứ 20 (1945), thuận theo sự thỉnh cầu của nhân dân và chính quyền tỉnh Phú Yên, Lê Văn Hiến được triều đình ban sắc phong thần, cho phép nhân dân và kỳ hào trong làng thờ cúng với danh vị Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần. Đây là đạo sắc phong của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn tìm thấy ở Phú Yên. Lê Văn Hiến là một trong số rất ít vị tiền được phong vào hàng ngũ nhân thần ở Phú Yên. Ngày nay, sắc thần được cẩn thờ tại ngôi nhà từ đường của họ Lê tại thôn Tân Mỹ (do cháu đời thứ 9 là Lê Phát Lợi hương khói). Hình ảnh và nội dung sắc thần như sau:

     Sắc triều Nguyễn phong Lê Văn Hiến Là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần

     Phiên âm: Sắc Phú Yên tỉnh, Tuy Hòa phủ, Hòa Lạc tổng, Tân Mỹ thôn phụng sự tiền hiền khai khẩn Lê Văn Hiến chi thần, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu khả gia, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần, chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

     Khâm tai!

     Bảo Đại nhị thập niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật.

     Dịch nghĩa: Sắc cho thôn Tân Mỹ, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thờ phụng tiền hiền khai khẩn Lê Văn Hiến chi thần, linh ứng lâu năm, từ trước đến nay chưa được ban tặng sắc phong. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần nên phong tặng là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần, vẫn chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ trợ giúp dân ta.

     Kính thay!

     Ngày 15 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 20 (1945).

     2.5.

     Mạnh Tuyển thuộc dòng dõi họ Mạnh từ tỉnh Bình Định di cư vào Phú Yên sinh sống những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XVIII (phong trào Tây Sơn bùng nổ). Cha ông là Mạnh Thế Tài, tham gia nghĩa quân Tây Sơn lập nhiều công lớn và về sau là trọng thần của triều đại này. Năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, cũng là lúc nhà Tây Sơn suy vong, sụp đổ, Mạnh Thế Tài lui về sống ẩn dật bằng nghề nông nhằm che giấu thân phận để tránh họa truy sát của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Đặc biệt, Mạnh Thế Tài là người thức thời trong việc nhìn nhận vai trò của nhà Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc cũng như nguyên nhân khiến cho triều đại này suy vong. Theo ông, việc quan trọng của người quân tử là không phải sống với quá khứ vàng son của triều đại đã qua mà phải vận dụng sở học của mình vào cuộc sống hiện tại để giúp dân, giúp nước.

     Tháng 7 năm 1850 (Tự Đức thứ 3), Mạnh Tuyển tham gia ứng thí tại khoa thi Canh Tuất tổ chức tại trường thi Thừa Thiên. Kỳ thi này, Mạnh Tuyển đậu tứ trường với học vị cử nhân (khóa thi này, trường thi Thừa Thiên lấy đỗ 48 người). Năm đó Mạnh Tuyển 30 tuổi, đã lập gia đình.

     Sau khi đỗ đạt, Mạnh Tuyển được triều đình Huế bổ nhiệm làm quan ở Bình Định, Bình Thuận. Năm 1870, ông được giao nhiệm vụ là Phó Quản đạo đạo Quảng Trị. Nhờ tinh thần làm việc mẫn cán và thực hiện tốt thượng dụ của nhà vua về việc “tiết kiệm, không lạm dụng công khố, cấm bóc lột dân chúng” nên ông đã duy trì sự ổn định ở Quảng Trị và được triều đình đánh giá cao. Do vậy, đầu năm 1871, Mạnh Tuyển được thăng chức Quản đạo đạo Hà Tĩnh. Tại đây, ông tiếp tục phát huy năng lực trong việc thay mặt triều đình chăm lo dân chúng yên tâm sản xuất, tích trữ binh lương, chuẩn bị đối phó với âm mưu của thực dân Pháp (đang do thám các tỉnh Bắc kỳ và bắc Trung kỳ), ráo riết thực hiện mưu đồ mở rộng xâm chiếm cả nước.

     Tháng 10-1873, nhân việc tên lái buôn J. Duypuy gây rối ở Bắc kỳ, thực dân Pháp cử Gác-ni-ê đưa quân ra đánh chiếm thành Hà Nội, sau đó mở rộng chiếm các tỉnh thành Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình. Trước tình hình đó, vua Tự Đức ra mật dụ: truyền cho quan chức các tỉnh từ Bình Định đến Thanh Hóa tập hợp binh sỹ luyện tập, tăng cường việc canh phòng ở các nơi hiểm yếu, sẵn sàng lực lượng chiến đấu (1). Hưởng ứng chỉ dụ của triều đình, Mạnh Tuyển đã đốc thúc quan lại dưới quyền trong địa bàn Hà Tĩnh củng cố thành trì, bổ sung quân lính, sẵn sàng đối phó với âm mưu của thực dân Pháp. Đặc biệt, Mạnh Tuyển là một trong số ít quan lại thực hiện chính sách cầu hiền của triều đình, dâng tấu tiến cử những người hiền tài có đủ năng lực để giúp vua trị nước. Những việc này được sử sách triều Nguyễn ghi nhận: “gần đây có một tập xét cử của quan đạo Hà Tĩnh là Mạnh Tuyển kính đáp thịnh ý cầu tài” (2). Những việc làm trên đã cho thấy: Mạnh Tuyển là một vị quan luôn quan tâm đến sự an nguy của đất nước, lấy việc chăm lo cuộc sống của nhân dân làm nhiệm vụ hàng đầu của người được xem là “phụ mẫu chi dân”.

     Tháng 2 năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Tuất nhân nhượng cho thực dân Pháp một số quyền lợi về kinh tế, chính trị ở Bắc kỳ. Phản đối hiệp ước, tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai đã phát động cuộc nổi dậy ở Nghệ An và Hà Tĩnh “quyết đánh cả triều lẫn Tây”. Ngày 31/5/1874, tỉnh thành Hà Tĩnh bị lực lượng nổi dậy của Trần Quang Cán, Nguyễn Vĩnh Khang, Nguyễn Huy Điển đánh chiếm. Quản đạo Mạnh Tuyển, lãnh binh quan Lê Văn Thất bị giết. Sau đó không lâu, triều đình Huế cử Khâm sai Nguyễn Văn Tường, Tổng thống quân vụ Lê Bá Thận đem quân dập tắt cuộc nổi dậy.

     Cái chết của quản đạo Mạnh Tuyển gây sự tiếc thương trong hàng ngũ quan lại của triều đình Huế lúc bấy giờ. Vua Tự Đức truyền dụ đưa linh cữu của ông về quê chôn cất và sai cấp tiền tuất, đồng thời lệnh cho địa phương xây dựng mộ và đền thờ tại làng Thạnh Đức, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

     Ghi nhận công lao của Mạnh Tuyển đối với đất nước, tháng 2 năm 1880, vua Tự Đức chuẩn đưa bài vị Mạnh Tuyển vào thờ ở dãy đông, án thờ thứ nhất của đền Trung Nghĩa tại kinh thành Huế. Đến vua Khải Định năm thứ 2 (1917), triều Nguyễn ban sắc phong thần cho ông là Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần và lệnh cho thôn Thạnh Đức phải thờ phụng hàng năm. Nội dung sắc phong ghi rõ:

     Phiên âm: Sắc Phú Yên tỉnh, Đồng Xuân huyện, Thạnh Đức thôn phụng sự Mạnh Hầu Tuyển linh ứng chi thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng, cảnh mệnh miễn niệm thần hưu trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh phù tôn thần. Chuẩn hứa phụng sự thứ cơ, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

     Khâm tai!

     Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.

     Dịch nghĩa: Sắc ban cho thôn Thạnh Đức, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên được thờ vị thần Mạnh hầu Tuyển linh ứng, thật sự hiển linh. Nay ta vâng mệnh sáng nghĩ đến công lao của thần nên phong cho ngài là Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần. Chuẩn cho xã ấy được phụng thờ, ngõ hầu ngài sẽ phù giúp bảo vệ cho dân ta. Kính thay.

     Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).

3.

     Nội dung các sắc phong thần cho các nhân vật ở Phú cho thấy các nhân thần này là những người đã từng có nhiều công lao to lớn đối với vùng đất Phú Yên nói riêng và các vùng miền khác trong nước nói chung. Họ là những công thần có công khai phá, mở mang vùng đất trên phạm vi một tỉnh hoặc một tổng, một làng hoặc có công đánh giặc. Công lao của họ cũng đã được ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện hoặc chỉ lưu truyền trong dân gian. Sau khi mất, họ được các nhà nước phong kiến ban tặng phẩm trật, mỹ hiệu, lệnh cho làng xã thờ phụng. Đây là một ứng xử theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thừa nhận công lao to lớn của tiền nhân trong việc mở mang bờ cõi, tạo dựng làng xã.

     Bên cạnh giá trị to lớn về khía cạnh giáo dục đạo đức, các sắc phong nhân thần ở Phú Yên còn phản ảnh rõ đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân vùng này. Nó bổ sung những giá trị sử liệu về những nhân vật có những cống hiến to lớn đối với vùng đất Phú Yên khi mà chính sử chưa ghi chép đầy đủ.

__________
(1) Châu bản triều Tự Đức 1848-1883, Nxb văn học, 2003, tr.172.

(2) Đại Nam thực lục chính biên, Tập 32, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 34.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Châu bản triều Tự Đức 1848-1883 (2003), Nxb văn học.

2. Đại Nam thực lục chính biên (1974), Tập 32, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Đào Nhật Kim, Võ Thị Ngọc Hoa (2011), “Di sản Hán Nôm qua sắc phong và bằng cấp trên địa bàn huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, Thông báo Khoa học, Trường Đại học Phú Yên, số 6 (1/2011), tr.24-28.

4. Đào Nhật Kim, Võ Thị Ngọc Hoa (2011), “Di sản văn hóa Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập và phát triển”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Di sản văn hóa Nam Trung bộ với sự phát triển du lịch và hội nhập, Phú Yên, tr.48-52.

5. Đào Nhật Kim (2019), “Bảo tồn và phát huy giá trị sắc phong Hán Nôm trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên”, Tạp chí Khoa học Đại học Phú Yên, số 21 (6/2019), tr.62-68.

6. Đào Nhật Kim (2019), “Lê Văn Hiến, vị tiền hiền khai khẩn làng Tân Mỹ”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, số 1 (1/2019), tr.23-24.

7. Đào Nhật Kim (2019), “Di sản Hán Nôm ở Phú Yên”, Xưa và Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 508 (6/2019), tr.42-45.

8. Đào Nhật Kim (2018), “Chánh tổng Lê Trung Lập và các bằng sắc triều Nguyễn”, Tạp chí Trí thức Phú Yên, số 57-58, tháng 2-2018, tr.25-28.

9. Đoàn Nhật Trường, Võ Thị Ngọc Hoa (2017), “Về các đạo sắc phong thần tại đình làng Đông Bình và Phong Niên, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên”, Tạp chí Trí thức Phú Yên, số 54, tháng 6- 2017, tr.31-38.

10. Trần Nghĩa (2006), Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Viện Thông tin Khoa học xã hội (1996), Thư mục thần tích, thần sắc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nhân vật được phong thần qua di sản Hán nôm ở Phú Yên (Tác giả: Võ Thị Ngọc Hoa)