Nhìn lại quan hệ làng – nước ở người Việt qua các hướng tiếp cận nghiên cứu

Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
(Viện Dân tộc học)

Trong các thập niên 1960 – 1990, giới khoa học nhân văn đã dành nhiều quan tâm cho các nghiên cứu về làng xã châu Á nói chung và làng Việt Nam nói riêng, trong đó vấn đề quan hệ làng xã và nhà nước (được giới sử học, dân tộc học gọi là làng – nước) trở thành mối quan tâm đặc biệt. Sở dĩ có hiện tượng đó bởi làng là đơn vị dân cư, xã là đơn vị hành chính nhỏ nhất thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, là đối tượng mà nhà nước ở tất cả các thời kỳ đều hướng đến việc quản lý, kiểm soát và áp dụng các chính sách, chương trình phát triển (Kleinen 2006). Chính vì vậy, nghiên cứu quan hệ làng – nước ở thời kỳ nào cũng có giá trị trong việc tìm hiểu các vấn đề kinh tế – xã hội của người Việt nói riêng và những chuyển đổi trong đời sống chính trị, xã hội của cả nước nói chung.

     Tuy nhiên, trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, chủ đề này ít được quan tâm, trao đổi. Còn thiếu vắng những trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận trong nghiên cứu quan hệ làng – nước cũng như xem xét, đánh giá diễn biến, động thái của mối quan hệ đó một cách có hệ thống.

     Bài viết này nhìn nhận lại mối quan hệ làng – nước từ trước đến nay thông qua các tiếp cận nghiên cứu chính về chủ đề này đã được công bố của các học giả và của bản thân tác giả, trong đó đặc biệt tập trung vào một số nghiên cứu của các học giả quốc tế. Bài viết cho rằng cấu trúc, cơ cấu xã hội của làng xã thay đổi qua các thời kỳ nên động năng của mối quan hệ làng – nước cũng trải qua nhiều chuyển biến. Mặc dầu vậy, đến nay làng vẫn là một cộng đồng cư trú, một đơn vị phân tích quan trọng nên nhiều vấn đề kinh tế – xã hội ở nông thôn Việt Nam đương đại vẫn có thể được xem xét dưới góc độ quan hệ làng – nước. Tuy nhiên, cần hiểu và đặt quan hệ đó trong bối cảnh mới với nhiều nhân tố mới.

1. Quan hệ làng – nước trong lịch sử

     Các nghiên cứu của học giả trong nước về làng Việt truyền thống chủ yếu theo hướng tiếp cận lịch sử, đã khẳng định rằng trong thời kỳ phong kiến, quan hệ giữa nhà nước và làng xã là mối quan hệ hai mặt: “thống nhất là chủ yếu nhưng vẫn bao hàm những mâu thuẫn. Làng, thông qua bộ máy quản lý hành chính cấp cơ sở (xã) có nghĩa vụ nộp thuế (thuế đinh và thuế điền), bảo đảm phu phen và binh dịch cho nhà nước, ngược lại nhà nước có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho làng, hỗ trợ làng khi gặp mất mùa, đói kém, dịch bệnh. Đặc biệt, khi gặp họa xâm lăng và khi nông thôn xảy ra những “tao loạn”, nhà nước và làng hiệp đồng chiến đấu, để bảo đảm sự vẹn toàn của làng, cũng là của nước” (1). Nhìn chung, làng và nước có quan hệ đồng thuận, nhiều khi “đồng tâm”.

     Tuy nhiên, trên bình diện dân tộc học – lịch sử, làng người Việt ở trung du, châu thổ Bắc Bộ và ở Bắc Trung Bộ hình thành từ rất sớm, mang tính cộng đồng, tính tự quản và tính độc lập rất cao. Khi chính quyền đô hộ nhà Đường áp đặt đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn thì từng đơn vị tụ cư ấy vẫn là những cộng đồng tự quản, chúng luôn có xu hướng “ly tâm” trước “lực hướng tâm” của nhà nước (2). Trong suốt thời kỳ phong kiến tự chủ sau này, làng luôn muốn thoát khỏi sự can thiệp của nhà nước trong việc kiểm soát nguồn lực của họ như đất đai và lao động. Nhà nước khó có thể nắm được chính xác dân số ruộng đất của làng bởi làng (thông qua bộ máy quản lý cấp xã) thường khai man để giảm đỡ gánh nặng sưu thuế. Mỗi khi nhà nước thi hành một chính sách đụng chạm đến lợi ích của làng như tăng sưu thuế, mở đường đi qua làng, khám đạc ruộng đất… thường vấp phải ít nhiều sự đối phó của làng xã. Cho nên nhà nước phong kiến tiền thuộc địa đã kiểm soát quyền lực của địa phương bằng cách trao cho làng xã quyền tự giải quyết những vấn đề riêng trên cơ sở tuân thủ theo luật pháp của nhà nước. Ba lĩnh vực quan trọng mà các nhà nước đã cố gắng can thiệp vào làng xã là đất đai, hương ước và tôn giáo tín ngưỡng (đặc biệt là việc công nhận chính thức thành hoàng làng) nhưng từng cộng đồng dân cư dưới các đơn vị hành chính vẫn tìm cách duy trì ở những mức độ khác nhau quyền tự quản cơ sở.

     Quyền tự quản này có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức và công cụ, trong đó công cụ chính yếu và hữu hiệu nhất là phong tục (3). Làng vẫn sùng kính những vị thần hoàng làng không được nhà nước phong kiến công nhận (4). Nhờ đó mà từng cộng đồng cư dân có được một quyền “bán tự trị” và quan hệ làng – nước trước thuộc địa được xem là khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp phản kháng bảo vệ lợi ích riêng của làng, rất ít trường hợp làng xã chống lại nhà nước một cách cực đoan. Ngay cả với những phong trào nông dân nổi dậy, không phải lúc nào làng cũng sẵn lòng tham gia. Không những thế, đối với những việc thiết thân với quyền lợi của mình, làng xã còn tích cực tham gia chẳng hạn như đắp đê trị thủy hay tham gia kháng chiến chống ngoại xâm (5).

     Khi chính quyền thực dân được thành lập, quan hệ làng – nước trở nên lỏng lẻo hơn bởi sự thiết lập quyền lực của thực dân Pháp dẫn tới những mâu thuẫn kinh tế – xã hội trong cộng đồng làng xã với việc ruộng đất của nông dân ngày càng bị mất vào tay địa chủ – những thế lực được thực dân Pháp ưu đãi. Những yêu sách hà khắc của chính quyền thuộc địa cũng khiến cho làng xã phản ứng lại sự xâm chiếm và xác lập cai trị của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, do thiếu sự đoàn kết, có sự phân hoá trong tầng lớp tinh hoa trong làng xã nên các cuộc đấu tranh này (dưới các hình thức khác nhau) trở nên khó khăn (6). Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, những khả năng tiềm ẩn quan trọng chống lại chủ nghĩa thực dân của các làng xã mới trở thành cơ sở cho Đảng gây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám và phong trào cách mạng sau này (7).

     Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trở thành tâm điểm cho các tranh luận học thuật mang tầm quốc tế về làng Việt và mối quan hệ làng – nước. Đi đầu trong các phân tích về nguyên nhân phản kháng của nông dân Việt Nam trước chính quyền thực dân, các tác phẩm ‘Vai trò của làng xã trong vấn đề Việt Nam” (8) và “Các cuộc chiến tranh nông dân trong thế kỷ 20” (9), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính cố kết đóng kín của cộng đồng làng xã. Eric Wolf (1969) cho rằng sự suy giảm ruộng đất công trong làng xã làm giảm tính cố kết trong các cộng đồng và người dân đã phản kháng lại để vượt qua hay tìm cách hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ cộng đồng.

     Các nghiên cứu, học thuyết nổi tiếng “kinh tế đạo đức” (Moral economy) của James Scott (10) và “nông dân duy lý” (Rational peasant) của Samuel Popkin (11) sau này cũng phần nào xem xét sự phản kháng của nông dân, làng xã với các nhà nước. Thuyết “kinh tế đạo đức” cho rằng, người nông dân sống trong các cộng đồng làng xã cổ truyền đã lập ra một trật tự đảm bảo sự sinh tồn với nguyên tắc “an toàn là hàng đầu”. Trong một hoàn cảnh chỉ một rủi ro hay hoạn nạn nhỏ như ốm đau, mất mùa cũng có thể đe dọa đến cuộc sống của gia đình họ nên người nông dân luôn tìm cách tránh rủi ro, đảm bảo cho mỗi thành viên cộng đồng làng một quyền lợi tinh thần để tồn tại. Khi nhà nước hay giới địa chủ có những yêu sách đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức sinh tồn, làm phá vỡ cấu trúc xã hội và các tập tục truyền thống vốn nuôi dưỡng các đặc tính duy tình trong xã hội nông dân thì người nông dân nổi dậy. Trong khi đó, thuyết “nông dân duy lý” lập luận rằng nông dân Việt Nam là những người duy lý cá thể, luôn quan tâm đến lợi ích cá nhân của gia đình họ và đầu tư cho chính mình thông qua những kế hoạch ngắn và dài hạn. Tính duy lý đã chỉ đạo người nông dân trong tất cả các hành động của họ, từ chuyện đắp một con đê đến việc tham gia vào một cuộc cách mạng nếu họ cảm thấy mình có thể thu được một cái gì đây theo tính toán duy lý của họ (12).

     Nghiên cứu của Lương Văn Hy (1992) “Cách mạng ở làng: truyền thống và chuyển đổi ở miền Bắc Việt Nam, 1925-1988” (13), cho rằng, cơ cấu xã hội cổ truyền làng Việt vẫn còn được duy trì ở cuối thời kỳ thực dân và đầu thời kỳ hậu thuộc địa. Cấu trúc xã hội truyền thống của làng xã miền Bắc Việt Nam được đặc trưng bởi tính cố kết cộng đồng, sự phân biệt thứ bậc, tính gia trưởng của nam giới và vai trò trung tâm của dòng họ. Ông cho rằng, sự phân chia sâu sắc giữa người “nội tịch” và “ngoại tịch”, người trong dòng họ và ngoài dòng họ trong cấu trúc làng xã cổ truyền trở thành cơ sở cho sự cố kết bên trong – một nguồn lực về tư tưởng và tổ chức để chống lại chủ nghĩa thực dân sau này (14). Các lô-gic hay cơ cấu văn hoá – xã hội trong đời sống cổ truyền của làng Việt Nam thời tiền thực dân trở thành một nguyên lý chi phối quan hệ làng – nưởc. Các lôgic này, theo ông, có tính trường tồn, rất khó để chuyển đổi và vẫn tiếp tục định hình xã hội Việt Nam đương đại (15).

     Cùng với những tranh luận, thảo luận về vai trò nổi bật của làng Việt trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, làng Việt bước vào thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp những thập niên 1960 – 1980. Với sự hình thành các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã bậc cao, cơ cấu tổ chức của làng xã truyền thống bị thủ tiêu, tính tự quản của làng hoàn toàn bị suy giảm nghiêm trọng. Chỉ ở những trường hợp “nhất xã nhất thôn” – hợp tác xã bậc cao được xây dựng trên quy mô thôn làng truyền thống thường thì nhịp độ phát triển của làng còn giữ được và trở thành những điển hình về quản lý kinh tế – xã hội (16). Với sự quản lý tập trung, nhà nước, thông qua hợp tác xã đã huy động được sức người và sức của to lớn để thiết lập hệ thống thủy lợi, cải tạo và nâng cấp hệ thống đường giao thông, đặc biệt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, càng ngày cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp càng bộc lộ những hạn chế khiến cho nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, đời sống nhân dân đình trệ và suy giảm. Trong bối cảnh đó, phản ứng của nông dân với chính sách tập thể hoá nông nghiệp được miêu tả là sự phản đối ngấm ngầm, bất hợp tác.

     Nghiên cứu của Ben Kerkvliet (17) được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu các nguồn tư liệu lưu trữ và điều tra thực địa tại hàng chục xã ở đồng bằng Bắc Bộ cho rằng quá trình giải tập thể hoá nông nghiệp trong thực tế được bắt nguồn từ những căng thẳng giữa một bên là người nông dân trong các làng xã vốn thường tỏ ra hoài nghi, nếu không nói là phản đối, hình thức tập thể hoá và một bên là nhà nước muốn tìm cách khắc phục về chế ngự những hạn chế của mô hình đó. Kerkvliet đã phát triển lập luận “Chính trị hàng ngày” (Everyday politics) với quan điểm luôn có sự tồn tại song hành của cả hợp tác và mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa giai cấp phụ thuộc và tầng lớp nắm quyền lực trong quá trình sử dụng, sản xuất và phân chia các nguồn lực. Mâu thuẫn trong chính trị hàng ngày được thể hiện ở những giá trị tranh cãi và sau đó dẫn đến những phản kháng liên quan đến đòi hỏi, và thường diễn ra dưới “các hình thức phản kháng hàng ngày” – đó là những hành động phản kháng ngấm ngầm, không có tổ chức, tránh đối kháng trực diện với giai cấp nắm quyền hay chính quyền của các cá thể riêng lẻ. Mặc dù vậy, phản kháng hàng ngày lại là một nguồn sức mạnh tạo nên biến đổi.

     Với trường hợp giải tập thể hóa nông nghiệp ở Việt Nam, Kerkvliet cho rằng chính những hành động nhỏ lẻ ấy đã tạo nên các rào cản được hình thành từ sự do dự kéo dài, tình trạng bàng quan, sự phản đối kín đáo, không có tổ chức của người dân ở nhiều vùng (chẳng hạn không chịu hợp tác, làm cho xong để lấy công điểm, tình trạng “cha chung không ai khóc”, lấy của công về làm của riêng…) đã dần dà đẩy con thuyền của các nhà lãnh đạo quốc gia đên một điểm dừng và buộc nó phải thay đổi. Dù tác giả đã khẳng định rằng “chính trị hàng ngày” không phải là lý thuyết duy nhất giải thích cho quá trình giải tập thể hoá trong nông nghiệp ở Việt Nam, còn có những nhân tố khác, đặc biệt là bối cảnh tình hình quốc tế những năm cuối 1970, đầu 1980 làm thúc đẩy hơn nữa tác động của “chính trị hàng ngày” nhưng lý thuyết này đã có ảnh hưởng lớn tới nghiên cứu về nông dân Việt Nam nói chung và quan hệ làng-nước nói riêng trong suốt hơn một thập kỷ qua.

2. Quan hệ làng – nước thời đương đại

Công cuộc Đổi mới của đất nước từ cuối những năm 1980 đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi toàn diện đời sống của các làng quê Việt Nam. Làng Việt Nam trở nên cởi mở và hội nhập với thế giới bên ngoài một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Về kinh tế, các chính sách đất đai, cải cách kinh tế của Nhà nước đã giao khoán ruộng đất lâu dài cho nông dân, cho phép các hộ gia đình trở thành các đơn vị tự chủ, được tự do đa dạng hoá, phát triển các ngành nghề, thương mại. Về xã hội, vai trò trưởng thôn được khôi phục. Cùng với đại diện các đoàn thể chính trị trong thôn, ban quản lý thôn (gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn) thực hiện triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Về văn hoá, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, việc quản lý chặt chẽ đời sông văn hoá tinh thần của làng xã, Nhà nước đã có những chính sách cởi mở hơn đối với đời sông tôn giáo, tín ngưỡng: cấp bằng công nhận các di tích lịch sử và văn hoá; cho phép các làng tu bổ, phục dựng các di tích và tổ chức lễ hội truyền thống. Trong quá trình đó, ở nhiều địa phương đã diễn ra một số hiện tượng như tranh chấp đất đai giữa các làng sau giải thể hợp tác xã và đi kèm với nó thường là đấu tranh chống tham nhũng ở địa phương; việc đòi lại đất đình chùa, nhà thờ Công giáo của làng đã được Nhà nước hoặc xã sử dụng vào các mục đích khác trước đó. Tuy nhiên, những vấn đề này chỉ được đề cập qua ở một số nghiên cứu mà không có thảo luận chuyên sâu (18).

     Sự kiện bất ổn ở Thái Bình và hiện tượng nhiều vụ biểu tình, khiếu kiện chính quyền địa phương về các khoản lạm thu ngoài quy định của nhà nước ở một số địa phương đồng bằng châu thô sông Hồng vào những năm trong thập niên 1990 được xem là biểu hiện của khủng hoảng trong quan hệ làng – nước thời kỳ đầu Đổi mới (19). Cho đến nay, mới chỉ có nghiên cứu của Lương Văn Hy (20) đề cập đến một trường hợp phản kháng điển hình của làng Sơn Dương, tỉnh Phú Thọ. Trong những năm 1997-1998, một bộ phận lớn người dân trong làng Sơn Dương đã kiện, tố cáo chính quyền xã biển thủ thủy lợi phí, khai thiếu diện tích đất canh tác để giảm thuế nông nghiệp, bán đất nông nghiệp bất hợp pháp và thu chi tài chính không minh bạch. Khi cảm thấy không hài lòng với kết luận của cơ quan điều tra các cấp, nhiều người dân trong làng đã từ chối giao nộp tiền thủy lợi phí và các khoản nghĩa vụ đóng góp cho địa phương trong vài năm ròng. Sự phản kháng này chỉ thực sự dừng lại vào năm 2004 sau khi một số cán bộ địa phương bị đưa ra xét xử và các chính sách của nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn được cải thiện. Lý giải về hiện tượng này, Lương Văn Hy khẳng định cùng ở thời điểm những năm 1990 nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng phải đối mặt với tình trạng khó khăn về kinh tế, phân hoá xã hội nhưng không thấy xuất hiện phản ứng của các làng xã Nam Bộ. Sự phản kháng của nhiều làng xã miền Bắc trong những năm đầu Đổi mới này, một lần nữa, được tác giả giải thích là do cấu trúc văn hoá – xã hội truyền thông làng đồng bằng Bắc Bộ thường đề cao tính cộng đồng và bình quân chủ nghĩa; cấu trúc dòng họ, cộng đồng làng xã cũng là nguồn lực quan trọng để các cá nhân trong làng cùng vận động nhau tham gia phong trào (21).

     Qua nghiên cứu trường hợp này trong sự so sánh với tư liệu liên quan đến sự kiện Thái Bình, Lương Văn Hy (22) cho rằng, phản hồi đối với phản ứng của làng xã những năm 1990, ở cấp trung ương, nhà nước đã ban hành một số chính sách như Nghị định 29 về dân chủ ở cơ sở năm 1998 và bỏ thuế nông nghiệp năm 2003. Kể từ đó, người dân địa phương được tham gia nhiều hơn và có tiếng nói trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong thu chi tài chính ở địa phương. Từ đó, có sự thay đổi và cải thiện rõ rệt trong quan hệ làng – nước ở cấp cơ sở.

     Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước trong hơn một thập niên vừa qua khiến cho tranh chấp đất đai trở thành một vấn đề xã hội nóng bỏng ở phạm vi toàn quốc. Chỉ trong vòng 5, 7 năm qua, đã có hơn 1 triệu đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai được gửi tới các cơ quan của chính phủ. Mỗi năm, cả nước có hàng trăm vụ tranh chấp đất đai, chủ yếu xoay quanh vấn đề thu hồi và đền bù đất đai trong quá trình mở rộng khu công nghiệp, đô thị hay phát triển cơ sở hạ tầng.

     Khác với thời kỳ tập thể hoá khi nông dân trong các làng xã chỉ chủ yếu thể hiện sự không hài lòng, bất hợp tác với chính quyền trong sản xuất thông qua “chính trị hàng ngày”, trong bối cảnh gần đây, phản ứng của người dân ở các cộng đồng làng xã chịu ảnh hưởng quá trình thu hồi đất cho phát triển là đấu tranh trực diện. Người dân thường tập hợp trong cộng đồng, soạn đơn thư gửi chính quyền các cấp, trực tiếp đi gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan, chính quyền các cấp, nhờ đến sự điều tra, phản ánh của báo chí, của các trang mạng xã hội, và có những lúc dùng vũ lực để cản trở công tác giải phóng mặt bằng mà điển hình và đỉnh điểm của phương thức phản kháng này là trường hợp của Văn Giang (23).

     So với mối quan hệ làng – nước trước đây, các tranh chấp, khiếu kiện đất đai của các cộng đồng nông thôn ngày nay rất phức tạp và đầy mâu thuẫn bởi nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa nhà nước trung ương, chính quyền địa phương với người dân trong làng xã, mà còn bao gồm sự liên quan của cả các tập đoàn công ty quốc tế, các tập đoàn công ty nhà nước, các nhà đầu tư bất động sản, những người có tiếng nói trong cộng đồng, các nhà báo và cả các bloggers. Có lẽ nói chính xác hơn, đang diễn ra sự tương tác giữa các nhóm xã hội và nhà nước (24). Người dân thường thể hiện sự bất bình về chính sách đền bù thông qua việc đề cao các chủ trương, chính sách của cách mạng, của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; thể hiện sự tiếc nuối những tư tưởng về đất đai đôi với nông dân từ thời cách mạng và thời kỳ tiền công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

     Đứng trước bản chất phức tạp, mâu thuẫn trong xung đột đất đai ở các cộng đồng làng xã gần đây, các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng nghiên cứu từ tiếp cận “phản kháng hàng ngày” (khi nghiên cứu về giải tập thể hoá trong nông nghiệp ở Việt Nam) sang tiếp cận “đấu tranh hợp pháp” (Rightful resistance) một lý thuyết được khởi nguồn thông qua nghiên cứu xung đột đất đai ở Trung Quốc (25). Áp dụng lý thuyết này vào nghiên cứu hơn 60 trường hợp tranh chấp đất đai ở Việt Nam, Kerkvliet (26) cho rằng, nông dân thường đấu tranh bảo vệ quyền đất đai của mình dựa trên cơ sở luật pháp và quy định của nhà nước. Tuy nhiên, cơ sở lập luận của họ thường dựa nhiều vào tình cảm đạo đức, những chuẩn mực bất thành văn về công bằng xã hội, đôi khi còn nhấn mạnh vào sự hy sinh, cống hiến của những người khiếu nại cho đất nước trong thời kỳ cách mạng.

     Chính bởi sự phức tạp, mâu thuẫn trong các tranh chấp đất đai ở nông thôn gần đây mà ngay cả khi áp dụng tiếp cận “đấu tranh hợp pháp”, các nghiên cứu vẫn cảm thấy chưa giải thích hết được bản chất mâu thuẫn trong quá trình đấu tranh. Mặc dù các cuộc đấu tranh thường là hợp pháp, theo đúng quy định của luật pháp nhưng đôi lúc, đôi chỗ vẫn xảy ra xô xát, bạo lực (27). Trong quá trình đấu tranh, vẫn thấy bóng dáng hình ảnh trong phản kháng của làng truyền thống qua việc sử dụng các ngôn từ, công cụ tập hợp hay mưu mẹo trong đấu tranh. Và điều quan trọng nữa là không phải tất cả các thành viên của cộng đồng làng xã đều tham gia vào phản kháng. Những biến đổi trong đời sống kinh tế – xã hội trong nhiều thập niên qua đã làm phân hoá một cách mạnh mẽ về nghề nghiệp, thu nhập và lối sống của dân cư trong làng. Khi có tác động của chính sách thu hồi đất của nhà nước, cộng đồng làng xã thường bị phân rẽ. Rất khó có thể hoàn toàn gọi đó là phản ứng hay đấu tranh của cả cộng đồng làng (28). Có quan điểm cho rằng quan hệ nhà nước và xã hội trong xã hội hiện đại là quan hệ nhà nước trong xã hội (state-in-society), ở đó nhà nước không chỉ đem lại thay đổi cho xã hội mà đồng thời có thể bị chuyển đổi bởi xã hội (29). Trong thực tế, trước phản ứng của các nhóm đấu tranh tập thể trong các cộng đồng làng xã gần đây đối với chính sách thu hồi đất nông nghiệp, nhà nước đã điều chỉnh luật đất đai và một số quy định về đền bù. Theo đó, nhà nước và xã hội vẫn đang tiếp tục có mối quan hệ chuyển đổi lẫn nhau (30).

3. Kết luận

      Làng là đơn vị tụ cư, xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn Việt Nam, thời phong kiến cũng như ngày nay. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định làng Việt là thiết chế tự quản, mang tính cộng đồng rất cao. Tính cộng đồng đó được nảy sinh trên cơ sở cư dân phải sống trong một môi trường khắc nghiệt với nhiều yếu tố bất ngờ, bất lợi luôn xảy ra, nên phải đoàn kết lại để duy trì nền sản xuất nông nghiệp, tổ chức các phong tục, các sinh hoạt tín ngưỡng…; đặc biệt để sự an toàn, an ninh của làng, nhất là khi có giặc ngoại xâm. Tính cộng đồng được thể hiện từ cộng đồng về huyết thống (qua thiết chế dòng họ), tuổi tác (qua thiết chế giáp, hội đồng niên), nghề nghiệp (các phường hội…), trong tổ chức các hoạt động chung của làng và của các cá nhân…

     Thực tế cho thấy, tính cộng đồng là một thực tế khách quan, nhưng nó chỉ đậm nét ở buổi đầu thành lập của làng và duy trì đến thời điểm xã hội chưa phân hóa sâu sắc (thể hiện ở chế độ ruộng đất công còn tồn tại đậm nét). Từ thời hậu Lê trở đi, xã hội phân hóa mạnh mẽ đã tác động đến tính cộng đồng đó.

     Hơn nữa, quan điểm khoa học về cấu trúc làng xã chặt, khép kín phổ biến ở Việt Nam và châu Á cũng đã được xem xét lại bởi các nghiên cứu nhân học dựa trên thực địa kể từ thập niên 1980 (31). Các nghiên cứu đã chứng minh rằng mặc dù có những đặc điểm đóng kín nhưng làng Việt không phải là cộng đồng tự quản hoàn toàn mà là cộng đồng ở đó di cư luôn là đặc điểm xuyên suốt chiều dài lịch sử của làng. Ngay từ thời phong kiến, những phong trào di cư rời làng để lập làng mới do sức ép của tăng dân số hay di cư do thiên tai, chiến tranh đã tạo ra một thành phần xã hội thứ ba hợp thành xã hội người Việt cổ truyền, bên cạnh nhà nước và làng xã. Lực lượng này trở thành yếu tố xã hội có tính chống đối không chỉ với nhà nước mà còn với làng xã. Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng không nên phân đôi cứng nhắc quan hệ giữa làng và nước. Sự phân hoá kinh tế-xã hội trong xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống còn được thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa những người bám làng, phụ thuộc vào làng và những người buộc phải rời khỏi làng đi nơi khác làm ăn. Làng không phải là những cộng đồng tự nhiên và bền vững, thay vào đó, nó khá giống những thế giới thu nhỏ có tổ chức và cũng chịu sự đe doạ của cả các thế lực bên trong và bên ngoài. Xã hội làng xã luôn chứa đựng cả sự cố kết, mâu thuẫn, phân rẽ và lỏng lẻo (32).

     Tuy nhiên, cho đến nay, làng vẫn là một đơn vị phân tích rất quan trọng bởi làng Việt là nơi quan trọng để nghiên cứu sự liên tục và quá trình chuyển đổi của xã hội Việt Nam nói chung. Ngay từ thời phong kiến, đặc biệt là từ khi chế độ thuộc địa của Pháp được xác lập, làng Việt luôn là mục tiêu của những chính sách thuộc địa và chính sách quốc gia. Từ một “biểu tượng của tinh thần kháng chiến dân tộc” trong các cuộc chiến tranh giữ nước, làng trở thành trọng tâm của những biến đổi trong xã hội thông qua các chính sách tập thể hoá trong nông nghiệp và gần đây íà các chính sách của Đổi mới và hiện đại hoá. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và toàn cầu hoá đang ngày càng thúc đẩy quá trình gắn kết làng với thế giới bên ngoài rộng lớn hơn.

     Nhìn lại quan hệ làng – nước trong suốt quá trình lịch sử từ trước đến hiện nay có thể thấy ở thời kỳ nào nhà nước cũng có các chính sách can thiệp nhằm phục vụ cho việc quản lý, khai thác các nguồn lực tài nguyên, con người hoặc cho các dự án, chương trình phát triển. Các chính sách thường vấp phải sự phản ứng khác nhau của làng xã: từ đồng thuận, miễn cưỡng chấp nhận đến ngấm ngầm phản đối và công khai đấu tranh trực diện. Trong quá trình đó, nhà nước ở nhiều thời điểm thường có những phản hồi tích cực để chuyển đổi mối quan hệ giữa hai bên: từ trao quyền tự chủ trong khuôn khổ tuân thủ luật pháp tới tăng cường dân chủ ở cấp cơ sở và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Do đó, có thể khẳng định mối quan hệ làng xã và nhà nước ở Việt Nam từ trước đến nay là mối quan hệ chuyển đổi lẫn nhau.

     Một điều thú vị khác cần lưu ý là nhiều thời kỳ khác nhau, quan hệ làng – nước không phải là mối quan hệ phân đôi cứng nhắc. Trong thời kỳ phong kiến, thuộc địa, luôn có một lực lượng thứ ba là những nông dân phiêu bạt, nổi loạn vừa chống lại nhà nước, vừa cướp bóc hoặc lôi kéo các làng xã về phía mình. Trong quá trình hiện đại hoá và hội nhập hiện nay ngày càng có nhiều tác nhân can dự vào mốì quan hệ giữa làng – nước: các tập đoàn kinh tế, doanh nhân, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, mạng xã hội… Quan hệ làng – nước ngày càng trở thành một phần của quan hệ nhà nước – xã hội trong xã hội hiện đại. Trong quá trình phát triển, sự phân hoá xã hội, phân hoá nghề nghiệp và lối sống ngày càng diễn ra mạnh mẽ tại các làng quê. Chính vì vậy, người dân trong làng ngày càng bị phân rẽ trước những tác động từ bên ngoài. Những phản ứng tập thể của làng liên quan đến đền bù, tranh chấp đất đai trong thời gian gần đây có thể được xem là tương tác của các nhóm xã hội (cũng giống như các nhóm xã hội khác bên ngoài làng) đối với nhà nước.

     Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu về làng, về người nông dân Việt Nam đã có sự chuyển hướng từ tiếp cận lịch sử, “kinh tế đạo đức”, “nông dân duy lý” hay “chính trị hàng ngày” sang tiếp cận mang tính chủ thể và tiếp cận nhà nước – xã hội để hiểu rõ các mối quan hệ xã hội bên trong làng cũng như quan hệ giữa người làng với các tác nhân bên ngoài.

Chú thích:

(1) Nguyễn Đổng Chi, Quan hệ giữa nhà nước và làng xã trước Cách mạng, in trong Viện sử học: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 53 – 63.

(2) Bùi Xuân Đính, Lệ làng phép nước, Pháp lý, Hà Nội, 1985; và Bùi Xuân Đính: Nhà nước và pháp luật thời phong kiến ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.

(3) Bùi Xuân Đính: Nhà nước và pháp luật thời phong kiến ở Việt Nam, sđd.

(4) Kleinen, John, Làng Việt đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ: Nghiên cứu biến đổi xã hội ở một làng Bắc Việt Nam. Tạp chí Xưa và Nay, Đà Nẵng, 2006, tr. 241, 15-58.

(5) Nguyễn Đổng Chi: Quan hệ giữa nhà nước và làng xã trước Cách mạng, in trong Viện sử học: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, sđd, 1978; và Bùi Xuân Đính: Hương ước và quản lý làng xã, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

(7) , (16). Nguyễn Quang Ngọc, Một số vấn đề làng xã Việt Nam. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr. 63, 65-66.

(8) . Mus, Paul, The Role of the Village in Vietnamese Politics, Pacific Affairs, 22: 265-271,1949.

(9) Wolf, Erik, Peasant Wars of the Twentieth Century, New York: Harper and Row, 1969.

(10) James Scott, The Moral Economy of the Peasant, New Haven: Yale

(11) Samuel Popkin, The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam, Berkeley, Los Angeles, London: University of California Press, 1979.

(12) Nguyễn Văn Chính, vấn đề nông dân và làng xã Việt Nam qua một vài nghiên cứu gần đây của tác giả nước ngoài, Tạp chí Dân tộc học, số 2- 1991, tr. 73.

(13), (14). Luong Van Hy, Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam. 1925-1988, Honolulu: University of Hawaii Press, 1992, tr. 53.

(15). Luong Van Hy, Gender Relations: Ideologies, Kinship Practices, and Political Economy, In Postwar Vietnam: Dynamics of a Transforming Society. H.v.e. Luong, ed. Lanham, Boulder, New York, Oxford: Institute of Southeast Asian Studies, Singapore and Rowman & Littlefield Publishers, INC, 2003.

(17) Kerkvliet, Ben, Quan hệ làng xóm nhà nước ở Việt Nam: Tác động của đời sống chính trị hàng ngày đối với quá trình xóa bỏ tập thể hóa theo mô hình cũ, trong: Một sô’ vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các nước và Việt Nam. Thế Giới, Hà Nội, 2001; và Kerkvliet J., Tria Benedict: The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca and London: Cornell University Press, 2005.

(18) Kleinen, John, Facing the future, reviving the past: A study of social change in a Northern Vietnamese village, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999; DiGregorio, Michael: Things held in common: Memory, space and the reconstitution of community life, in Journal of Southeast Asian Studies 38 (3)- 2007; và Nguyễn Thị Thanh Bình: Những biến đổi trong đời sống lễ nghi ở làng nghề La Phừ, Hoài Đức, Hà Tây. Tạp chí Dân tộc học, số 4-2006, tr. 15-24.

(19) Kleinen, John: Facing the future, reviving the past: A study of social change in a Northern Vietnamese village, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999; và Luong Van Hy: Tradition, Revolution and Market Economy in a North Vietnamese Village. 1925-2006, Honolulu: University of Hawaii Press, 2010.

(20), (21), (22). Luong Van Hy, Tradition, Revolution and Market Economy in a North Vietnamese Village. 1925-2006, Honolulu: University of Hawaii Press, 2010, tr. 260, 251, 257.

(23), (26), (27), (30). Kerkvliet, Benedic J. Tria: Protests over Land in Vietnam: Rightful Resistance and More, Journal of Vietnamese Studies, 9, No. 3-2014, pps. 19-54, 37.

(24), (29). Labbé, Danielle: Land Politics and Livelihoods on the Margins of Hanoi, 1920-2010. Vancouver and Toronto: UBC Press, 2014, tr. 13, 15.

(25) O’Brien, K, and L Li: Rightful Resistance in Rural China, Cambridge Univerisity Press, 2006.

(28). Nguyen Thi Thanh Binh, Multiple Reactions to Land Confiscations in a Hanoi Peri­urban Village. Southeast Asian Studies, Vol. 6, No. 1, April 2017, Kyoto University.

(31) Breman, Jan, The Shattered Image: Construction and Deconstruction of the Village in Colonial Asia, Centre Asian Studies, Amsterdam, 1987; và Kemp, Jeremy: Seductive Mirage: The Search for the Village Community in Southeast Asia. Centre for Asian Studies, Amsterdam, 1987.

(32) Kleinen, John, Facing the future, reviving the past : A study of social change in a Northern Vietnamese village, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999.

(64) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỳ, quyển CXL, tập 4, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.452.

(65) Man Soạn: Nghệ An.

(66) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Đệ tam kỷ, quyển XLIV, tập 6, Nxb. Giáo dục, 2007, tr.674.

Nguồn: Nghiên cứu lịch sử số 2. 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nhìn lại quan hệ làng – nước ở người Việt qua các hướng tiếp cận nghiên cứu (Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thanh Bình)