Những bài học rút ra từ QUÁ TRÌNH GIAO LƯU, HỘI NHẬP của NỀN VĂN HOÁ VIỆT NAM trong lịch sử

TRỊNH XUÂN THẮNG
(Học viện Chính trị khu vực IV, TP Cần Thơ)

     Nằm trên những trục đường giao thông quan trọng của thế giới, Việt Nam có điều kiện để giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới. Đây vừa là một cơ hội nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với nền văn hoá nước ta. Bởi còn văn hoá thì còn nước mà mất văn hoá là mất nước. Nhân dân ta trong lịch sử trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực thù địch thì đồng thời cũng phải chống lại sự “đồng hoá” của các nền văn hoá đó. Hiện nay chúng ta trở thành một nước độc lập, tự do, điều đó cũng chứng tỏ sức mạnh của văn hoá Việt Nam trước các cuộc “xâm lăng” về văn hoá. Những bài học kinh nghiệm của văn hoá Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hoá đó vẫn rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay khi giao lưu, hội nhập về văn hoá đã trở thành tất yếu trong cơn lốc toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ.

     Có thể nói, nước Việt Nam đất không rộng, dân không đông nhưng chúng ta có quyền tự hào vì ông cha ta đã biết gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình, không bị đồng hoá trước những nền văn hoá lớn, tầm cỡ nhân loại. Những bài học rút ra từ quá trình giao lưu, hội nhập của văn hoá Việt Nam trong lịch sử có thể khái quát ở mấy điểm sau:

     Thứ nhất, muốn giao lưu, hội nhập thành công phải có một nền văn hoá bản địa, văn hoá riêng có bản sắc, yếu tố nội sinh phải mạnh

     Nền văn hoá Trung Hoa là một nền văn hoá lớn của thế giới, chính vì vậy, nhiều dân tộc nhỏ như Đại Kim, Đại Liêu đã bị “Hán hoá” về mặt văn hoá để rồi hoà lẫn trong Hán tộc mặc dù người Mông Cổ, người Nữ Chân từng chiếm được trung nguyên và dựng lên vương triều Nguyên, Thanh vang bóng một thời. Riêng người Lạc Việt và Cao Li đã thoát ra khỏi bản đồ này bởi trước khi chiếm nước ta (năm 111 Tr. CN) thì dân tộc ta đã xây dựng được một nền văn hoá riêng. Đó là lí do tại sao trải qua 1050 năm Bắc thuộc, mặc dù các thế lực cầm quyền ở Trung Quốc luôn luôn chủ trương thực hiện chính sách đồng hoá về văn hoá song văn hoá Việt Nam thậm chí không bị mất mà còn tiếp tục phát triển. Đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định điều này “Phải có một nghìn năm văn hoá trước đó, mới có chuyện Hai Bà Trưng thắng quân Hán… Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, không bị đồng hoá là vì sao? Vì sớm có nền văn hoá của mình mà cao nhất là chủ nghĩa yêu nước” 1. Trước khi nhà Hán xâm chiếm nước ta, chúng ta đã có một nền văn hoá Đông Sơn phát triển khá rực rõ, nền văn hoá ấy phát triển trên cơ tầng văn hoá bản địa Đông Nam Á, cơ tầng văn hoá này là một vùng riêng biệt phi Ấn, phi Hoa. Trên dải đất Việt Nam khoảng 2000 năm TCN đã hình thành các nền văn hoá ở các lưu vực sông, đó là văn hoá sông Hồng – Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, dòng văn hoá ở sông Mã, sông Cả. Chính sự giao lưu văn hoá giữa dòng văn hoá sông Hồng – Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, với dòng văn hoá ở sông Mã, sông Cả đã dẫn đến hình thành văn hoá Đông Sơn. Như vậy, thời kì rực rỡ của văn hoá đồng thau Đông Sơn không xuất hiện từ mảnh đất trống không mà là kết quả của sự phát triển nhảy vọt khi kết hợp các dòng văn minh và văn hoá của các lưu vực sông. Sự lưỡng hợp văn minh và nhân chủng – tộc người đã dẫn tới sự hình thành văn hoá Đông Sơn. Trong khoảng 700 TCN, sự lưỡng hợp của 2 bộ phận dân cư có nguồn gốc khác nhau đã dẫn tới sự cộng cư tộc người trong văn hoá Đông Sơn, một bộ phần nói ngôn ngữ Tày – Thái ở phía Bắc, gồm vùng Việt Bắc, Yên Bái, đồng bằng sông Hồng đang hình thành (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc – Phong Châu – Việt Trì – Bạch Hạc); bộ phận thứ hai nói tiếng môn Khmer (Nam Á) thuộc vùng phía Nam gồm khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình, một số cùng nhóm ngôn ngữ với người Cơ-tu, người Bru-Vân Kiều, người Ta-ôi,… Nền văn hoá Đông Sơn phát triển khá rực rõ, đã có sức mạnh lan toả tới nhiều khu vực khác xung quanh. Văn hoá Đông Sơn trong thời gian cực thịnh, đã toả ảnh hưởng ra khắp vùng Đông Nam Á, sang cả khu vực văn hoá Sa Huỳnh, tràn lên Tây Nguyên, lưu vực sông Mê Kông, sang đất Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, sang cả Java, Nam Dương quần đảo (In đô nê xia) và Philippin. Văn hoá Đông Sơn còn lan toả ánh sáng sang tận Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam, Quảng Đông và miền Hoa Nam nói chung. Với độ sâu và bền về văn hoá đó, văn hoá Đông Sơn là cơ sở quan trọng để chúng ta hình thành nên một nhà nước độc lập là nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. Có thể nói, nếu dân tộc Việt Nam không xây dựng cho mình được một nền văn hoá độc lập, có sức mạnh riêng là nền văn hoá Đông Sơn mà gốc rễ của nó là nền văn hoá tiền Đông Sơn đã phát triển hàng nghìn năm thì có lẽ chúng ta đã không thể chống lại cuộc xâm lăng của văn hoá Hán kéo dài liên tục hàng nghìn năm. Do đó, bài học rút ra trong quá trình giao lưu, hội nhập về văn hoá là phải chăm lo củng cố và xây dựng được một nền văn hoá dân tộc bản địa đủ mạnh, đủ độ sâu, bền với những đặc trưng riêng có. Nhiều nhà văn hoá đã nhìn thấy được bài học này, “Việt Nam trước tiên phải chuẩn bị nội lực để tiếp nhận sự hội nhập của văn hoá quốc tế vào để từ nội lực của mình có được những gì gọi là văn hoá mang bản sắc dân tộc mà quốc tế chịu chấp nhận” 2. Nếu không có nội lực văn hoá mạnh thì khó có thể đứng vững được trước sức mạnh của nhiều nền văn hoá lớn.

     Thứ hai, để giao lưu, hội nhập văn hoá thành công phải luôn đứng vững trên cơ sở của văn hoá bản địa

     Giao lưu, hội nhập về văn hoá đã trở thành quy luật tất yếu của mọi nền văn hoá. Một nền văn hoá là một cơ thể sống và nếu muốn cơ thể ấy có đủ sinh lực và dưỡng khí để tồn tại và lớn lên thì buộc nó phải tự biến đổi bản thân và tiếp biến với các nền văn hoá bên ngoài. Nếu khép kín, chắc chắn nó sẽ xuống cấp và chết mòn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những nền văn hoá khi giao lưu, hội nhập với các nền văn hoá khác, đặc biệt là những nền văn hoá lớn đã không lớn lên được mà bị đánh mất chính mình. Như vậy, nếu xây dựng được một nền văn hoá riêng biệt, độc đáo được coi là điều kiện cần thì phải luôn lấy chính những giá trị của nền văn hoá dân tộc là cơ sở, tiêu chí trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hoá khác được coi là điều kiện đủ để giao lưu, hội nhập về văn hoá một cách thành công. Nói cách khác, phải lấy bản sắc văn hoá là bộ lọc trong việc tiếp cận, hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Chính vì vậy, Đảng ta rút ra bài học “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá” 3. Bản sắc văn hoá phải là cơ sở của sự giao lưu văn hoá và cơ sở để sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới. Kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hoá phải là những tiếp biến văn hoá, là việc nội sinh hoá những yếu tố ngoại sinh, biến đổi những giá trị văn hoá mới của nền văn hoá bên ngoài thành những giá trị bên trong phù hợp với những giá trị nội tại của nền văn hoá ấy. Theo Trương Vĩnh Ký, quá trình giao lưu văn hoá phải đạt đến mục tiêu là tiếp nhận những giá trị văn hoá mới ở chiều sâu, chứ không phải là dừng lại ở những biến đổi bề mặt. Tiếp nhận những giá trị văn hoá mới ở chiều sâu tức là tiếp nhận trên cơ sở những giá trị văn hoá bản địa của chính dân tộc mình. Chính vì vậy, bài học rút ra từ quá trình giao lưu, hội nhập về văn hoá trong lịch sử Việt Nam cho thấy càng đi vào dân tộc sâu sắc bao nhiêu, thì càng nhanh chóng hiểu biết, dễ tiếp nhận cái hay, cái đẹp của thế giới bấy nhiêu. Quá trình giao lưu văn hoá của Việt Nam trong lịch sử không phải là sự lai căng, học hỏi sống sượng, mô phỏng, bắt chước hoàn toàn theo nền văn hoá bên ngoài mà chính là tạo ra những nhân tố mới để biến đổi theo chiều hướng tích cực, chiều hướng phát triển nhưng những giá trị tinh thần cốt lõi thì vẫn được bảo tồn và phát huy. Bản chất của nền văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá mở, Việt Nam không khước từ các nền văn hoá khác, nhưng luôn biết chọn lọc để tiếp nhận những gì vừa tầm, phù hợp với mình. Khả năng “Việt hoá” những yếu tố bên ngoài đã giúp cho chúng ta hội nhập mà không hoà tan, vừa lớn lên cùng thời đại nhưng vẫn giữ được là mình. Không có một yếu tố văn hoá nào được thu nhận vào Việt Nam lại còn nguyên vẹn như cội nguồn, gốc rễ của nó. Không có cuộc tiếp xúc văn hoá nào ở Việt Nam, sớm hay muộn, không xảy ra quá trình tiếp biến văn hoá, tức là Việt hoá những yếu tố mà văn hoá Việt Nam đã tiếp thu. Điều đó thể hiện trên những nét chính sau.

     Văn hoá Đông Sơn đã không bị đồng hoá mà hội nhập với nền văn hoá Trung Hoa trong hàng nghìn năm Bắc thuộc để hình thành nên nền văn hoá tiền Đại Việt để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, luôn lựa chọn những yếu tố phù hợp và dựa trên cơ sở văn hoá Lạc Việt. Nho giáo vào nước ta khá sớm nhưng những yếu tố văn hoá Lạc Việt vẫn tồn tại và tầng lớp trên tiếp thu có chọn lọc văn hoá Hán. Người Việt tiếp thu Nho giáo trên cơ sở văn hoá Lạc Việt chứ không phải thu nhận toàn bộ, chính vì vậy Nho giáo Việt Nam trọng chữ nhân, hiếu hơn cả, nhưng không mặn mà với Thiên Mệnh như Nho giáo chính gốc.

     Khi tiếp nhận văn hoá của Ấn Độ, người Việt không mô phỏng, bắt chước một cách hoàn toàn, mà có độ tinh lọc khá lớn trên các phương diện từ tôn giáo, chữ viết đến đẳng cấp xã hội,… dựa trên nền tảng văn hoá bản địa. Chính vì thế, ngay từ những giai đoạn đầu tiên ở Bắc Bộ, Phật giáo đã có tính chất dân tộc 4. Người Việt thích ứng và tiếp biến đạo Phật trên cơ tầng văn hoá bản địa, bởi trong giáo lí Phật có tư tưởng gần gũi với đời sống và quan niệm sống của người Việt. Đó là tinh thần bình đẳng, bác ái, dân chủ, không phân biệt giàu nghèo và đẳng cấp xã hội. Người Việt vốn có đời sống tâm linh phong phú và bản thân tín ngưỡng đa thần là điều kiện thuận lợi để tiếp thu Phật giáo Đại thừa. Chính vì vậy, trong Phật giáo, người Việt tiếp thu tinh thần bố thí, từ bi cứu độ của Phật giáo Đại thừa, nhưng không khuyến khích xuất gia khất thực. Hình thành nhiều danh lam có ruộng đất và tam bảo nô cày cấy, mở đầu cho hình thái đại sở hữu ruộng đất. Đó là đặc điểm không xuất hiện trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa thì tài sản chùa do vua ban và dân cúng dâng. Người Việt hấp thu tinh thần đại bi của Phật giáo nhưng không sa vào xuất thế mà mang tinh thần nhập thế. Chính vì vậy, tiếp biến các giá trị của văn hoá Phật giáo, Việt Nam không những không đánh mất mình mà lại nâng cao những giá trị văn hoá của chính mình. Hội nhập Phật giáo góp phần phát huy tư tưởng phồn thực, mặt khác nâng cao tinh thần đồng bào qua bố thí, cứu khổ cứu nạn để hình thành một tính nhân bản đủ lí luận để đối trọng với Nho giáo.

     Trong giao lưu với văn hoá Đạo giáo, trên cơ sở tư tưởng Phồn thực của văn hoá bản địa, người Việt hấp thu tư tưởng sinh của Đạo giáo Trung Hoa, cầu chữa bệnh, an lạc, giải thoát căng thẳng cuộc sống qua lời ca điệu múa, mà không chú ý lắm đến Đạo giáo chính truyền. Đạo giáo Đại Việt Đạo giáo Việt Nam mơ ước một cuộc sống thần tiên trong đời sống hiện hữu, là giấc mơ tiên từ tầng lớp trên đến bình dân, một tinh thần lạc quan yêu đời, vui vẻ chứ không thoát tục lên tiên như Đạo giáo Trung Quốc. Người Việt vốn có tư tưởng Đực – Cái như hai mặt đối lập nên nhanh chóng tiếp thu thuyết Âm – Dương của Đạo giáo. Thuyết Âm – Dương hoà trộn với tư tưởng Đực – Cái được truyền bá rộng rãi và phát triển mạnh mẽ trong tư duy người Việt.

     Người Việt đã chứng tỏ khả năng Việt hoá các yếu tố ngoại sinh của văn hoá Hán thể hiện rõ nhất ở việc sáng tạo ra chữ Nôm. Chữ Nôm là thành quả hội nhập văn hoá Hán nổi bật nhất của người đại Việt. Chữ Hán là loại chữ viết lâu đời, có từ thời Phục Hi, Phương Hiệt với giáp cốt văn, đào văn,… Khi văn hoá Hán truyền vào nước ta thì chữ Hán được dùng làm văn tự quan phương. Chữ Nôm được hình thành trên cơ sở dùng chữ Hán và phương pháp cấu tạo chữ Hán để chế tạo chữ Nôm, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tiếng Việt. Có thể nói, với việc sáng tạo ra chữ Nôm, người Việt vừa tiếp thu được các yếu tố của văn hoá Hán nhưng lại giữ được cách phát âm của chính dân tộc mình. Nếu không có sự ra đời chữ Nôm thì người Việt hầu như đã bị Hán hoá hoàn toàn. Người Việt sáng tạo và duy trì được chữ Nôm là một khẳng định bản sắc văn hoá vững vàng của dân tộc. Càng về sau, chữ Nôm càng phát triển. Nhiều tác phẩm đặc sắc của Việt Nam viết bằng chữ Nôm như truyện Hoa Tiên, Phan Trần, Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồ Xuân Hương mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, chữ Nôm đạt đỉnh cao trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

     Khi giao lưu, tiếp xúc với văn hoá Pháp, văn hoá Việt Nam không tự bằng lòng là kẻ bắt chước, kẻ theo đuôi mà học tập có chọn lọc tinh hoa văn hoá Pháp, sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống Việt Nam, tạo nên những giá trị văn hoá dân tộc mình. Văn hoá Việt Nam giai đoạn này tuy thay đổi một cách hoàn toàn về diện mạo, nhưng về cốt lõi vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

     Chữ Quốc ngữ là sự thể hiện sự Việt hoá thành công ngôn ngữ của người Pháp. Chữ Quốc ngữ là phiên âm tiếng Việt của người bản địa theo tiếng La tinh. Như vậy, ngôn ngữ này vừa tiếp thu được những giá trị của văn hoá phương Tây, là cơ sở để Việt Nam hội nhập với thế giới nhưng vẫn không đứt gãy với truyền thống, vẫn mang chở hồn cốt của người Việt. Thậm chí, người Việt đã tạo dựng được một nền văn học hiện đại bằng Việt ngữ dưới thời Pháp thuộc. Đây là điểm khác biệt so với những nước thuộc Pháp khác như Ấn Độ, An-giê-ri, Ca-mơ-run,… Các nhà văn nước đó muốn nổi tiếng phải sáng tác bằng Anh ngữ và Pháp ngữ, không dùng được tiếng bản ngữ.

     Nói tóm lại, luôn lấy những giá trị vĩnh hằng, mang tính bản sắc của dân tộc làm cơ sở cho sự tiếp thu, chọn lọc trong quá trình giao lưu, hội nhập về văn hoá là một bài học để văn hoá Việt Nam vẫn tích cực hội nhập để phát triển nhưng không đánh mất mình.

     Thứ ba, trong giao lưu, hội nhập văn hoá, chúng ta cần tiếp thu những giá trị tích cực của nhiều nền văn hoá khác nhau để không trở thành cái bóng của bất cứ một nền văn hoá nào

     Một trong những lí do để văn hoá Đông Sơn không bị đồng hoá với văn hoá Hán ngoài việc chúng ta đã xây dựng được một nền văn hoá riêng, phát triển rực rỡ và luôn biết lấy những giá trị văn hoá bản địa là cơ sở cho sự tiếp thu, chọn lọc những giá trị bên ngoài thì chính sự giao lưu với các nền văn hoá khác ngoài văn hoá Hán giúp chúng ta không trở thành cái bóng của nền văn hoá Hán rất đồ sộ. Quá trình hội nhập văn hoá ở nước ta diễn ra nhiều chiều, với nhiều nền văn hoá khác nhau. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thưở đầu dựng nước cho đến nay, văn hoá Việt Nam liên tục có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hoá khu vực và thế giới như văn hoá Trung Hoa, văn hoá Ấn Độ, văn hoá Pháp và các nước phương Tây, Liên Xô và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, văn hoá Mĩ. Việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hoá này, bổ sung và làm giàu cho nhau giúp văn hoá Việt Nam không bị “Hán hoá”, “Ấn hoá” hay “Tây hoá” và vẫn mang cốt cách văn hoá Việt Nam. Nếu chỉ hội nhập văn hoá Phật giáo thì nước ta sẽ biến thành một quốc gia Phật giáo như Thái Lan. Nếu chỉ hội nhập Nho giáo thì nước ta không thể thoát ra khỏi bản đồ của đế quốc Hán – Đường. Người Việt tiếp nhận văn hoá Ấn Độ song song với tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hoá Hán. Những ảnh hưởng này như những đối trọng mà văn hoá Việt có thể lựa chọn và dung hoà để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một nền văn hoá nào. Sau này, chính sự giao lưu văn hoá Pháp đã góp phần thúc đẩy nền văn hoá Việt Nam từ một nền văn hoá phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Trung Hoa phát triển thành một nền văn hoá dân tộc hiện đại, góp phần nâng cấp văn hoá Việt Nam. Văn hoá cổ truyền của người Việt trong quá trình giao lưu với văn hoá phương Tây qua dạng thức Pháp đã được cấu trúc lại để nhập vào nó những giá trị của văn minh công nghiệp phương Tây, từ đó giúp cho nền văn hoá ấy đáp ứng được yêu cầu phát triển và càng vượt thoát khỏi ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Như vậy, chính đặc tính mở, không khước từ bất cứ một nền văn hoá nào, sẵn sàng tiếp nhận những giá trị tích cực của các nền văn hoá trên thế giới đã giúp văn hoá Việt Nam dù tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá lớn, thậm chí nhiều nền văn hoá lớn đã từng muốn đồng hoá văn hoá Việt Nam nhưng văn hoá Việt Nam đã không trở thành cái bóng của bất cứ một nền văn hoá nào.

     Thứ tư, trong giao lưu văn hoá, tâm lí bảo thủ, tự kiêu ngạo dân tộc hoặc sùng bái mù quáng, tiếp thu xô bồ đều không mang lại thành công

     Sự bảo thủ, không chịu tiếp thu các giá trị của các nền văn hoá bên ngoài mình chắc chắn sẽ làm cho nền văn hoá ấy trở nên nghèo nàn và xơ cứng nhưng nếu tiếp thu một cách xô bồ, mù quáng nền văn hoá bên ngoài mà thiếu sự chọn lọc cũng sẽ đánh mất mình. Do đó, muốn giao lưu thành công thì phải hiểu nền văn hoá mà mình giao lưu. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở điều này “Văn hoá các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình” 5. Nghiên cứu toàn diện để phân biệt rõ những gì là tích cực và tiêu cực của nền văn hoá ấy để “gạn đục khơi trong” trong tiếp nhận. Nền văn hoá Việt Nam đã hiện đại hoá được khi giao lưu với văn hoá Pháp vì chúng ta đã biết tiếp thu những giá trị tích cực trong nền văn hoá của nước đi xâm lược, loại bỏ âm mưu dùng văn hoá để nô dịch dân tộc của Pháp. Chúng ta không giữ thái độ phủ nhận những giá trị văn hoá của nước đi xâm chiếm mình hay choáng ngợp trước những biểu hiện đầy mới mẻ của nền văn hoá mới. Thái độ tiếp thu có chọn lọc trong giao lưu văn hoá là bài học không chỉ của hôm qua mà còn là của hôm nay và mai sau “Chúng ta sẽ phân biệt cái gì là ảnh hưởng nô dịch của văn hoá thực dân, cái gì là ảnh hưởng tốt của văn hoá dân chủ Pháp để bỏ cái trên, giữ cái dưới. Chúng ta học tập văn hoá tiên tiến của thế giới, nhưng chúng ta phê bình, công kích văn hoá phản động của nước ngoài” 6. Bài học đó không chỉ được rút ra từ thành công mà cả những thất bại trong quá trình giao lưu với các nền văn hoá khác của văn hoá Việt Nam. Thực tế, có những giai đoạn nước ta thực hiện chính sách “bế quan toả cảng” khép kín đối với văn hoá bên ngoài dưới triều Nguyễn hoặc tiếp thu cả những mặt hạn chế trong xu hướng văn hoá của một số nước xã hội chủ nghĩa như sự đề cao vai trò của hệ tư tưởng, những hạn chế của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, xu hướng minh hoạ đường lối, tô hồng hiện thực, sự vi phạm nguyên tắc dân chủ trong hoạt động sáng tạo. Điều này đã phần nào có ảnh hưởng tiêu cực tới văn hoá Việt Nam, dần dần làm thui chột những tài năng đích thực, làm nghèo sức sáng tạo của văn hoá. Hiện nay, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hoá quốc tế, nền văn hoá Việt Nam cũng còn có những lúc chưa chủ động trong tiếp thu như Đảng ta đã nhận định “Giao lưu văn hoá với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở. Số văn hoá phẩm độc hại, phản động xâm nhập vào nước ta còn quá lớn, trong khi đó, số tác phẩm văn hoá có giá trị của ta đưa ra bên ngoài còn quá ít” 7. Chính vì vậy, nhận thức và quán triệt rõ bài học này lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

     Biết rút kinh nghiệm, rút ra bài học của quá khứ để có thể làm tốt hơn trong tương lai là một điều cần thiết. Nền văn hoá Việt Nam đã từng hội nhập với nhiều nền văn hoá khác thành công trong lịch sử, điều đó không chỉ để lại cơ sở, sức mạnh mà còn để lại những bài học quý giá cho việc giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hoá của Việt Nam hôm nay.

_________
1. Hà Xuân Trường, Con đường chân lí, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 77.

2. Trần Trọng Đăng Đàn, Việt Nam đầu thế kỉ XXI: Cần nhìn nhận khách quan về vấn đề hội nhập – giao lưu văn hoá, Cộng sản, số 9, 2003.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 63.

4. Trần Quốc Vượng, Lịch sử văn hoá Việt Nam.

5. Hồ Chí Minh, Tuyển tập văn học, NXB Văn học, Hà Nội, 1995, tập 2, tr. 438.

6. Đề cương văn hoá Việt Nam – chặng đường 60 năm, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 34.

7. Văn kiện lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, tr. 49-50.

Ảnh đại diện do Ban Tư thư thiết lập.

 Phụ nữ Việt Nam với áo tứ thân, áo dài, nón quai thao đang chơi các nhạc cụ như đàn bầu, tam thập lục, đàn tứ, k’lông pút. Trên tường treo đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị cùng tranh Tố Nữ. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Văn_hóa_Việt_Nam.