Những biến đổi của giai cấp nông dân và quan hệ địa chủ- tá điền ở Nam Bộ thời kỳ Cận đại
Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ LÂM QUANG HUYÊN
(Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)
Mở đầu
Nam Bộ gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) với diện tích tự nhiên 85.000 km2 (Đông Nam Bộ 45.000 km2, Tây Nam Bộ 40.000 km2).
*Đông Nam Bộ: Được coi là vùng có động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước, có nhiều tiềm năng về kinh tế và xã hội thuận lợi cho phát triển. Ngày 10-01-1999, tại Hội nghị triển khai kế hoạch Nhà nước năm 1999. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: mỗi bước phát triển của Đông Nam Bộ có tác động mạnh mẽ tới cả nước. Miền Đông là đầu tàu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH). Theo Thủ tướng, vùng đất Nam Bộ có mấy cái nhất:
– Trung tâm kinh tế lớn nhất: sản lượng công nghiệp chiếm 52%, xuất khẩu chiếm 57,2%.
– Có nguồn thu lớn nhất: tổng thu 42.000 tỷ đồng bằng 53% cả nước, nhu cầu ngân sách cả nước chủ yếu điều tiết từ khu vực này (35.000 tỷ đồng).
– Cơ sở hạ tầng tốt nhất.
– Cơ cấu kinh tế đi trước cả nước ít nhất 10 năm: tỷ trọng công nghiệp bình quân cả nước 20%, trong khi miền Đông chiếm đến 80%.
–Vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước: Đông Nam Bộ có diện tích cây công nghiệp lâu năm (cao su, tiêu, cà phê…) và cây hằng năm (bông, mía…) chiếm đến 400.000 ha (32% tổng quỹ đất trồng cây công nghiệp của cả nước).
* Đồng bằng sông Cửu Long: là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, có tiềm năng to lớn về nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lương thực, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực và phần lớn lương thực xuất khẩu của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long là châu thổ lớn nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 10 đồng bằng lớn nhất của khu vực Đông Nam Á.
Những thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long: 1 là cây lúa nước, 2 là thuỷ hải sản, 3 là cây ăn trái, 4 là gia súc gia cầm và 5 là rau màu xuất khẩu.
1. Quan hệ ruống đất thời phong kiến
Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, đến thời kỳ có Nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỷ 10-11 đời Tiền Lê, Lý), đất nước ta vượt Đèo Ngang vươn vào phía nam với dân số khoảng 3 triệu người. Chế độ sở hữu ruộng đất dần dân hình thành có quy củ theo luật định ngày càng nghiêm cùng với thiết chế làng xã ngày càng hoàn chỉnh.
Theo lịch sử, chính vua Lê Đại Hành (980 – 1005) là vị vua đầu tiên tổ chức lễ tịch điền, hô hào khai phá đất hoang, đào kênh mương làm thuỷ lợi, mở mang giao thông, cổ suý thâm canh nông nghiệp, quý trọng đất đai.
Có thể quy gọn chế độ sở hữu ruộng đất từ thời phong kiến tập quyền đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (khoảng 1000 năm) theo ba hình thức:
– Chế độ ruộng đất công của Nhà nước.
– Chế độ ruộng đất công làng xã.
– Chế độ ruộng đất tư
– Ruộng đất công của Nhà nước phong kiến: có nhiều loại từ nhiều nguồn sung công, nhưng chung quy là các vùng đất hoặc những nơi đất tạo nên “quốc khố” tức ngân sách nhà nước và thuộc Nhà vua chỉ dùng vào các việc công như ban thưởng, lễ hội, xây dựng công trình, dân sinh xã hội, quốc phòng an ninh…
– Chế độ ruộng đất công làng xã: xuất hiện rất sớm, tuy cũng thuộc sở hữu Nhà nước nhưng do làng xã quản lý sử dụng. Nhà nước giao đất công cho làng xã quản lý, phân bổ nộp thuế. Từ năm 1837, chế độ công điền công thổ được áp đặt vào Nam Kỳ.
– Chế ruộng đất tư: gồm sở hữu lớn của địa chủ, sở hữu vừa của địa chủ nhỏ và phú nông, sở hữu nhỏ của nông dân. Sang thế kỷ 18, sự chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của địa chủ trở thành hiện tượng phổ biến và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở Nam Kỳ.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (giữa thế kỷ 19), trong quan hệ ruộng đất có thêm “người chủ mới” tham gia chiếm đoạt và có chính sách thực dân hóa, tư bản hóa, khai thác sử dụng đất đai trên nền sở hữu phong kiến về ruộng đất.
Trong số một triệu hécta thực dân Pháp chiếm đoạt của nhân dân ta, ngót 1/3 là ruộng lúa (chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long) còn lại là các đồn điền trồng cây công nghiệp.
2. Tình trạng bóc lột nông dân của địa chủ phong kiến và thực dân
Địa chủ Việt Nam không tham gia lao động mà sống và làm giàu dựa vào bóc lột nông dân dưới các hình thức địa tô, nợ lãi và thuê mướn nhân công. Địa tô là hình thức bóc lột đặc trưng của chế độ phong kiến, còn nợ lãi cũng là hình thức bóc lột rất phổ biến.
– Hình thức địa tô phổ biến nhất là hiện vật. Một số ít địa chủ thu tô bằng tiền. Ngoài địa tô chính, nông dân còn phải nộp địa tô phụ cho địa chủ, dưới hình thức lễ lạt, biếu xén, dịch vụ không được trả công những ngày lễ, Tết, giỗ chạp của nhà địa chủ.
– Nợ lãi: địa chủ cho nông dân vay bằng thóc hay bằng tiền, mua lúa non cũng là hình thức cho vay lãi cắt cổ khá phổ biến của địa chủ. Còn vay tiền, tỷ lệ lãi thường một vốn một lãi (100%) nếu đáo hạn không trả được phải gán đất gán nhà.
– Bóc lột nhân công: là hình thức bóc lột khá phổ biến của loại địa chủ nhỏ và một số địa chủ vừa. Bóc lột nhân công có mấy kiểu: công năm, công tháng, công mùa và công ngày. Những người đi ở năm cho địa chủ thường là những lực điền có khả năng lao động tốt. Địa chủ còn mướn cả đàn bà hay trẻ con ở năm để bảo đảm những việc như chăn trâu, cắt cỏ, tát nước, gánh phân… quan hệ giữa cố nông và địa chủ không chỉ là quan hệ giữa người mua và người bán sức lao động mà trong nhiều trường hợp còn quan hệ lệ thuộc giữa chủ nợ và con nợ, giữa tá điền với chủ đất.
Mức tô dưới thời phong kiến và thực dân rất cao và cực kỳ nặng nề đối với nông dân, thường chiếm trên 1/2 thu hoạch. Biểu tô thuế áp dụng ở Nam Kỳ nặng nề đến mức bần cùng hóa nông dân, cưỡng bức tập trung ruộng đất, hình thành nhanh chóng giai cấp địa chủ lớn.
Địa tô thường chiếm ít nhất một nửa giá trị hoa lợi thu hoạch phải nộp cho địa chủ, còn tá điền hưởng phần còn lại nhưng phải chịu mọi chi phí sản xuất, chưa kể những khoản tô phụ và đóng góp khác cho địa chủ.
Chế độ bóc lột phong kiến nặng nề không cho phép nông dân có tích luỹ để đầu tư mở rộng sản xuất vì ngay việc tái sản xuất giản đơn sức lao động của bản thân và nuôi sống gia đình cũng không có đủ. Còn bọn địa chủ và thực dân bóc lột và ăn bám trên lưng nông dân lại không quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nên ruộng đất ngày càng bạc màu, năng suất cây trồng dẫm chân tại chỗ (1 ha lúa chỉ đạt 1,2 tấn/năm – trước CMT8 năm 1945).
Theo phúc trình của Nha tín dụng nông nghiệp chính quyền Sài Gòn năm 1959 thì trước năm 1939, tình hình phân phối ruộng đất tại Đồng bằng sông Cửu Long như sau: Tình hình sở hữu ruộng đất tại Miền Tây Nam Bộ trước năm 1939.
Mức sở hữu | Số người sở hữu (người) | Diện tích sở hữu (ha) |
0-1 ha | 85.933 | 42.986 |
1-5 ha | 97.060 | 194.120 |
5-10 ha | 37.616 | 263.312 |
10-50 ha | 28.141 | 562.820 |
50-100 ha | 3.613 | 253.910 |
100-500 ha | 2.449 | 489.800 |
Trên 500 ha | 244 | 244.000 |
Nguồn: Phúc trình của Giám đốc Tín dụng nông nghiệp ngày: 9/10/1959
Như vậy, những địa chủ sở hữu trên 100 ha ở miền Tây Nam Bộ đã chiếm tới 733.800 ha, trong đó có 430 chủ đồn điền Pháp chiếm 245.000 ha. Còn 71,7% dân số nông nghiệp chỉ chiếm 12,5% diện tích canh tác, hầu hết là các mảnh ruộng dưới 5 ha, cứ 3 gia đình nông dân thì 2 gia đình không có ruộng. Mức địa tô phổ biến là 50%.
Một nhà nghiên cứu Pháp, Yves Henry, trong cuốn Kinh tế nông nghiệp Đông Dương (1930) đã tính toán mức thu nhập của địa chủ và của tá điền như sau:
– Phần điền chủ (loại trung bình có 20 ha)
Giá trị điền sản | 400 đ/mẫu x 20 | 8.000 đ |
Tô | 40 giạ/ha hợp tác xã 20 x 1đ/1 giạ | 800 đ |
Trừ thuế điền thổ | 2,4 đ/ha hợp tác xã 20 | 48 đ |
Còn lại | 752 đ |
– Phần điền tá: (lĩnh canh 5 ha)
Thu hoạch | 5mẫu x 80 giạ/ mẫu | 8.000 đ |
Trừ bớt:tô | 200 giạ | 200 đ |
Chi phí sản xuất | 2,4 đ/ha hợp tác xã 20 | 130 đ |
Còn lại: | 70 đ | |
Tiền ăn (hay 11 giạ/người mỗi năm) | 50 đ | |
Còn lại chi tiêu | 20 đ |
Ghi chú: đ là đồng Đông Dương, đơn vị tiền tệ.
– Sự bóc lột của địa chủ thực dân Pháp:
Trong số một triệu hécta thực dân Pháp chiếm đoạt của nhân dân ta, như trên đã nêu, ngót 1/3 là ruộng lúa. Khái thác loại ruộng này bọn thực dân chủ yếu áp dụng phương thức bóc lột phong kiến phát canh thu tô. Chúng thường dùng bọn quản lý quá điền người Việt Nam để dễ bóc lột nông dân. Ngoài địa tô chính dưới hình thức hiện vật, nông dân tá điền còn phải thông qua bọn quản lý để lễ lạt “quan chủ đồn điền” trong những dịp Thiên chúa giáng sinh, Tết tây, rượu tây do bọn quản lý bổ cho nông dân tá điền đóng góp để mua…
Trong các đồn điền trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su, cà phê và chè, bọn thực dân áp dụng một phương thức kinh doanh khác; chúng trực tiếp quản lý và thuê mướn công nhân nông nghiệp. Vì các đồn điền này nằm tại những vùng mới khai phá ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đất rộng người thưa nên chúng phải “mộ phu” từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào.
Bọn thực dân tổ chức những cơ quan mộ phu được bọn cai trị hành chính giúp đỡ bằng mọi cách. Gọi là mộ phu nhưng thực tế việc đó diễn ra gần như là mua bán nô lệ, còn bọn mộ phu đúng là bọn buôn người. Trong những năm 1927-1928 cứ mộ được một người phu giao cho bọn chủ điền thì chúng lãi được 15 đồng tương đương hai tạ gạo. Tính đến cuối năm 1929 số công nhân công nghiệp ở nước ta lên tới 8 vạn người.
Tiền công của công nhân đồn điền cao su rất rẻ mạt. Lương một ngày chỉ từ 0,3 – 0,4 đồng lại bị bọn cai ký bớt xén nên chỉ còn 0,2 đồng. Ngày lao động kéo dài tới 14 – 16 giờ.
Khí hậu độc, mức sinh hoạt thấp cộng thêm sự hành hạ đánh đập của bọn cai bọn chủ đã làm nhiều công nhân phải bỏ xác ở tại đồn điền trước khi hết hạn giao kèo. Tình trạng ấy đã được phản ánh trong câu ca dao của dân ta thời đó “cao su đi dễ khó về”. Năm 1927, theo tài liệu điều tra của chính quyền thực dân ở một số đồn điền cao su, tính trung bình cứ 1000 công nhân thí có tới 474 người chết. Trong đó, hơn 4 vạn công nhân người Bắc Kỳ và Trung Kỳ ở các đồn điền cao su thì tỷ lệ chết có nơi lên tới 26%, có nơi 40-50%.
Về thực chất, người công nhân công nghiệp trong các đồn điền của thực dân Pháp trước Cách mạng tháng Tám 1945 không phải là người công nhân tự do. Mối quan hệ giữa họ và kẻ mua sức lao động mang tính chất chiếm hữu nô lệ hơn là tính chất tư bản chủ nghĩa.
Nên Tố Hữu có thơ rằng:
Anh chạy vào đất đỏ làm phu
Bán thân đổi mấy đồng xu
Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng!
3. Những biến đổi của giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ Nam Bộ thời kỳ cận đại
3.1. Những biến đổi của giai cấp nông dân
Nông dân gồm các tầng lớp: cố nông, bần nông, trung nông và phú nông. Phú nông có bóc lột nhân công và nợ lãi nhưng tham gia lao động sản xuất là chủ yếu nên vẫn thuộc giai cấp nông dân.
– Cố nông: (vô sản nông thôn): là lớp người không có ruộng đất hoặc có ruộng đất nhưng không đáng kể (20,6% dân số nông thôn với chỉ có 1,2% ruộng đất), cố nông làm tá điền cho địa chủ hoặc làm thuê cho địa chủ phú nông.
– Bần nông: là lớp người có ít ruộng đất, đây là ruộng đất phần lớn của trung nông bị phá sản và cũng là phần ruộng đất dễ bị địa chủ tước đoạt nhất. Bần nông cũng phải làm tá điền cho địa chủ hoặc làm thuê cho địa chủ phú nông như cố nông.
– Trung nông: chiếm 32,9% dân số nông thôn và 39,4% ruộng đất. Trung nông là tầng lớp nông dân có đủ ruộng đất cày cấy. Trong điều kiện bình thường với số ruộng đất có trong tay, họ có thể duy trì đời sống của mình ở mức trung bình, nhưng gặp mất mùa nặng thì đời sống của họ cũng rất khó khăn. Ruộng đất của họ cũng là miếng mồi ngon cho địa chủ, vì khi gặp rủi ro trong đời sống, do thiên tai nặng, hoặc do bị đế quốc phong kiến chèn ép áp bức bọc lột phải bán bớt ruộng đất rồi rơi xuống hàng ngũ cố nông. Tuy nhiên, cá biệt có một số bần nông làm ăn khá tiến lên trung nông, hoặc một số địa chủ nhỏ, phú nông bị phá sản trở thành trung nông.
– Phú nông: trong nông dân là số người có nhiều ruộng đất hơn cả. Với 2,2% dân số nông thôn, họ có 7,1% ruộng đất. Bình quân sở hữu ruộng đất của một nhân khẩu phú nông gấp 3 lần một nhân khẩu trung nông, gấp 9 lần một nhân khẩu bần nông… ruộng đất của họ thường là ruộng đất, ruộng gần. Phú nông không bị bóc lột mà có tham gia bóc lột nhân công, nợ lãi nhưng họ tham gia lao động sản xuất là chủ yếu.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nông dân chiếm 95% dân số Việt Nam nhưng làm chủ không quá 30% diện tích ruộng đất. Riêng tầng lớp bần cố nông không có và thiếu ruộng đất chiếm 60% dân số nông thôn nhưng chỉ có khoảng 10% ruộng đất. Còn giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam, địa chủ thực dân Pháp, địa chủ Nhà chung (Công giáo) và số hào lý chiếm không tới 5% dân số nhưng chiếm hữu và lũng đoạn 70% ruộng đất để bóc lột nông dân qua địa tô, nợ lãi và các khoản tô phụ, dịch vụ khác.
Tình trạng chiếm hữu ruộng đất bất công do địa chủ phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp đã gây ra nhiều vụ đấu tranh đẫm máu ở Nam Bộ trong có Vụ án đồng Nọc Nạn, một cánh đồng thuộc xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Đây là một cuộc đấu tranh tự phát của nông dân để bảo vệ ruộng đất do họ khai phá xảy ra vào ngày 28 tháng 1 năm 1928.
Anh em trong gia đình bác nông dân Mười Chức, con ông Tám Luông, đã kiên quyết chống lại bọn địa chủ câu kết với chính quyền địa phương nhằm cướp đoạt mấy chục mẫu đất do gia đình bác đã khai phá.
Cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra tại cánh đồng Nọc Nạn, giữa mấy anh em gia đình Mười Chức với bọn cò Tây và lính Mã Tà. Kết quả gia đình bác Mười Chức hy sinh 4 người, phía bên kia chết 1 cò Tây và một số lính bị thương. Sự việc đã làm xôn xao dư luận Sài Gòn, các tỉnh Nam Kỳ và làm cho bọn âm mưu cướp đất của nông dân phải chùn tay.
– Thực hiện chính sách ruộng đất từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Cương lĩnh ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ năm 1930, nhưng phải sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập mới có điều kiện triển khai.
Sau Cách mạng tháng Tám, việc làm được nhiều nhất và triệt để hơn cả là tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian đem chia cấp cho nông dân.
Ở Nam Bộ, hầu hết số địa chủ lớn đã chạy vào vùng địch chiếm. Tính đến năm 1954, số ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian, ruộng đất vắng chủ đã được chia cấp và tạm cấp cho nông dân là 564.547 ha cho 527.163 nhân khẩu.
Phong trào đấu tranh đòi giảm tô đã lan ra nhanh chóng vùng đồng bằng Nam Bộ, nơi mà cuộc đấu tranh giai cấp giữa nông dân và địa chủ từ lâu đã mang hình thái gay gắt. Việc thi hành chủ trương giảm tô đạt kết quả, ở Đông Nam Bộ, mức tô giảm được 20%, Trung Nam Bộ giảm 40-50%, Tây Nam Bộ giảm 25-50%.
Ở các địa phương được tạm cấp ruộng đất và thực hiện giảm tô, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều bần cố nông đã vươn lên mức sống trung nông.
Chính quyền cách mạng thực hiện từng bước chính sách ruộng đất đi đôi với chủ trương khuyến khích nông dân khai hoang phục hóa, làm thuỷ lợi, thực hiện các chế độ khuyến nông, giảm lãi suất vay, xoá nợ, hoãn nợ cho nông dân, bãi bỏ các thứ thuế bất công như thuế thân, thực hiện đóng góp công bằng. Các chủ trương chính sách nêu trên, cùng với chính sách ruộng đất đã cải thiện đáng kể đời sống nông dân, tăng cường khối liên minh công nông, tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.
Những thành quả về ruộng đất nêu trên mà nông dân Nam Bộ cũng như nông dân cả nước đã giành được từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 tuy mới là kết quả bước đầu nhưng có ý nghĩa kinh tế và chính trị sâu sắc, vì đây là lần đầu tiên, sau hàng ngàn năm bị địa chủ phong kiến và gần trăm năm bị thực dân áp bức bóc lột, đông đảo nông dân nghèo đã làm chủ được hơn một nửa diện tích ruộng đất, đồng thời làm chủ nông thôn.
Để hình dung được sự biến đổi của nông dân lao động do ảnh hưởng của chính sách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có thể tham khảo kết quả điều tra nông thôn do Ban Nông vận Trung ương Cục tiến hành ở một số xã giải phóng ở Tây Nam Bộ năm 1969.
– Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nông dân 4 xã này chiếm 96,8% tổng số hộ ở địa phương nhưng chỉ có 2.566,5 ha tức 13,5% ruộng đất địa phương, thì đến 1969, số hộ nông dân chiếm 97,7% và đã có 16.339,8 ha tức là 95,7% ruộng đất ở địa phương.
– Ở Đông Nam Bộ, tại hai huyện Bến Cát và Châu Thành tỉnh Thủ Dầu Một, nông dân đã làm chủ được 3.218,8 ha tức 90% diện tích ruộng đất ở địa phương.
– Tại các xã giải phóng ở Tây Nam Bộ nêu trên: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cố nông có 583 hộ chiếm 8,2% số hộ trong 4 xã, bần nông 4.394 hộ (64%) và trung nông 1.686 hộ (24,5%). Đến 1969, không còn hộ cố nông, hộ bần nông giảm còn 1.102 hộ (16,3%), trung nông tăng lên 5.494 hộ (81,3%), trong đó trung nông mới từ cố nông và bần nông chuyển lên là 3.854 hộ (57%). Nếu so với tổng số trung nông ở 4 xã thì trung nông mới chiếm đến 70% (còn 30% là trung nông cũ).
– Về mức sống của trung nông ở 4 xã giải phóng vùng Tây Nam Bộ:
– Số hộ dư ăn chiếm 28,1%
– Số hộ đủ ăn 58,2%
– Số hộ thiếu ăn 13,7%.
Như trên đã nêu, do thực hiện chính sách ruộng đất, trong nông thôn Nam Bộ, trung nông đã trở thành lực lượng đông đảo nhất ở nông thôn và tầng lớp trung nông mới từ cố nông và bần nông chuyển lên chiếm số đông trong trung nông.
3.2. Quá trình suy sụp của giai cấp địa chủ
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong nông thôn nước ta, chính quyền và phần lớn ruộng đất do giai cấp địa chủ nắm giữ để bóc lột nông dân lao động.
Sau Cách mạng tháng Tám, chế độ chiếm hữu ruộng đất và bóc lột phong kiến bị thu hẹp dần. Ruộng đất của địa chủ Việt gian bị tịch thu cùng với ruộng đất của thực dân đem chia cho nông dân nghèo. Ruộng đất của địa chủ vắng mặt đem tạm cấp,ruộng đất của địa chủ thường phải giảm tô. Thế lực kinh tế và uy thế chính trị của giai cấp địa chủ bắt đầu suy yếu.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân miền Nam đã làm chủ được một nửa diện tích canh tác, số địa chủ lớn hầu hết đã bỏ chạy vào vùng địch, một số làm tay sai cho thực dân Pháp trong vùng giải phóng.
“Những hoạt động của Việt Cộng kết hợp với việc truất hữu ruộng đất của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã làm cho vùng nông thôn Việt Nam nhất là đồng bằng sông Cửu Long không còn đại địa chủ nữa. Kết quả là ở Nam Bộ đã có sự thay đổi sâu sắc trong quan hệ cũ giữa địa chủ và tá điền, quan hệ cũ này chắc không bao giờ phục hồi được nữa”.
Trong số 187 địa chủ chạy vào Sài Gòn và Long Xuyên mà nhóm SRI đã phỏng vấn thì 15% còn thu tô đều, 25% thu được một phần tô và 60% không thu được tô hoặc ít khi thu được. Trong số địa chủ nêu trên:
– 29% bỏ vốn vào các cơ sở thương mại.
– 15% đầu tư vào các bất động sản đô thị.
– 6% có lợi tức về đầu tư công nghiệp.
– 14% làm các nghề chuyên nghiệp.
– 13% làm công chức (tại chức hay về hưu)
– 21% sống nhờ con cái, trong đómột số còn thu tô trên số 15 ha họ còn giữ lại (số này không ai giàu có, một số ít sống thiếu thốn).
Như vậy 50% địa chủ được nhóm SRI phỏng vấn đã chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp, 27% làm công chức và nghề chuyên môn. Phần đông con cái của địa chủ được phỏng vấn không có ruộng đất gì ngoài mấy miếng thổ cư và có khuyng hướng đi vào các ngành hành chính, quân sự, kinh doanh, y tế, sư phạm, luật.
Sự phân hóa và suy sụp của giai cấp địa chủ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta.
Một sự kiện đáng chú ý là Hồ Chủ Tịch đã biểu dương một số điền chủ hăng hái hiến đất, hiến ruộng cho kháng chiến như:
– Ở miền Bắc: ông bà Đỗ Đình Thiện hiến hơn 2.000 mẫu, ông bà Đỗ Thúc Phách hiến 600 mẫu.
– Ở miền Nam: 300 điền chủ đã hiến 24.500 mẫu trong số đó miền Tây nhiều nhất.
Theo báo cáo thì số ruộng đất hiến cộng lại đã đến 4 vạn mẫu. Một điều đáng quý là các điền chủ Hoa Kiều cũng hiến ruộng để tỏ lòng ủng hộ kháng chiến và tỏ tình đoàn kết giữa hai dân tộc anh em Việt Hoa. Phong trào hiến ruộng ở Nam Bộ do ông Huỳnh Thiện Lộc (cựu Bộ trưởng Bộ Canh Nông) xung phong hiến trước nhất.
Phần kết
Xin nêu những nội dung chủ yếu của tham luận như sau:
1- Cần khẳng định vị trí vai trò của Nam Bộ trước đây cũng như hiện nay đối với sự phát triển chung của cả nước.
2- Quan hệ ruộng đất thời phong kiến cho thấy có ba loại sở hữu: của Triều đình, ruộng công làng xã và ruộng tư. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều đất đai ở Nam Bộ và nơi khác đã bị chiếm để kinh doanh sản xuất lúa và cây công nghiệp.
3- Chế độ địa chủ phong kiến và chế độ thực dân đã bóc lột nông dân và công nhân nông nghiệp với hình thức chủ yếu là tô (tô chính, tô phụ), lương chết đói…
4- Những biến đổi của giai cấp nông dân và của giai cấp địa chủ từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đến sau này. Sau 1945 nông dân Nam Bộ cũng như cả nước bắt đầu được hưởng thành quả chính sách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 1955 ruộng đất bị chính quyền Diệm giúp địa chủ giật lại, nhưng Đồng khởi 1960 nông dân giành lại chính quyền và ruộng đất.
Còn giai cấp địa chủ bị suy yếu nhiều từ sau Cách mạng Tháng Tám nhưng phải đến sau Đồng Khởi 1960 và trong kháng chiến chống Mỹ, giai cấp địa chủ đã đi đến suy sụp hẳn, một thực tế mà chính phía Mỹ cũng phải thừa nhận.
Để minh họa rõ nét sự biến đổi của giai cấp nông dân và sự suy sụp của giai cấp địa chủ, chúng tôi đề nghị tham khảo kết quả điều tra nông thôn ở 4 xã giải phóng Tây Nam Bộ vào năm 1969.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lâm Quang Huyên: Vấn đề ruộng đất ở Việt Nam, Nxb KHXH, H.2007.
2. Lâm Quang Huyên: Cách mạng ruộng đất ở miền Nam Việt Nam Nxb KHXH, H.1997.
3. Lâm Quang Huyên: Nông nghiệp nông thôn Nam Bộ hướng tới thế kỷ 21, Nxb KHXH, H. 2002.
4. Đặng Phong: kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975, Nxb KHXH, H.2004.
5. Bốn xã giải phóng Tây Nam Bộ điều tra năm 1969 là:
– Xã Ninh Quới, huyện Phước Long, tỉnh Sóc Trăng.
– Xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Trà Vinh.
– Xã Đông Hưng, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá.
– Xã Trần Hợi, huyện Mười Tế, tỉnh Cà Mau.
Trích dẫn (File PDF); Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những biến đổi của giai cấp nông dân và quan hệ địa chủ- tá điền ở Nam Bộ thời kỳ Cận đại (Tác giả: PGS.TS Lâm Quang Huyên) |