Những dấu mốc lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Minh Hóa
Tác giả bài viết: CN. NGUYỄN ĐĂNG TUẤN
(Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN Quảng Bình)
Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Minh Hóa luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình. Minh Hóa là một vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có dấu tích cư trú của người tiền sử, ít ra từ thời đại “Đồ đá giữa” cách đây trên dưới một vạn năm.
Theo các thư tịch cũ thì vùng đất Minh Hóa đã từng hiện diện trong cơ cấu hành chính Nhà nước Văn Lang, thời kỳ các vua Hùng trong lịch sử Việt Nam, tương ứng với thời đại đồ đồng. Nhà nước Văn Lang được thành lập trên cơ sở thống nhất các bộ lạc Lạc Việt do nhu cầu trị thủy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cùng chống ngoại xâm. Trong các bộ lạc Lạc Việt có bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả và thủ lĩnh Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử, đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt thành lập Nhà nước Văn Lang.
Theo sự phân chia bộ lạc dưới thời kỳ Văn Lang, Minh Hóa thuộc bộ Việt Thường, một bộ ở phía Nam trong 15 bộ lạc của Nhà nước Văn Lang. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thủy Kinh chú và một số thư tịch cũ, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên, Việt Thường tồn tại như một tổ chức hành chính tự quản, gọi là Việt Thường Thị.
Trong khi đó ở phương Bắc, nhà Tần đã thống nhất toàn Trung Quốc và tổ chức nhiều cuộc chiến tranh xâm lược xuống phía Nam.
Trước âm mưu xâm lược của phương Bắc, hai bộ tộc Lạc Việt (thuộc Nhà nước Văn Lang) và Âu Việt đã liên hiệp hợp nhất thành Nhà nước Âu Lạc.
Sau khi chiếm được Âu Lạc năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà sáp nhập Âu Lạc vào nước Nam Việt, nước này chỉ tồn tại đến năm 111 trước công nguyên, sau đó Âu Lạc chịu sự thống trị của triều đình phong kiến nhà Hán, vào giai đoạn này vùng đất Minh Hóa thuộc quận Nhật Nam ở phía Nam quận Cửu Chân (cực giới quận Cửu Chân phía Nam là Hoành Sơn).
Trước chính sách bóc lột nặng nề và âm mưu đồng hóa, thôn tính nước ta về lâu dài của triều đình nhà Hán, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhân dân các dân tộc của nước Âu Lạc trước đây đã nổi lên chống lại ách đô hộ của nhà Hán và sau này là nhà Tấn. Nhân dân quận Nhật Nam mà nồng cốt là nhân dân ở huyện Tượng Lâm đã bền bỉ kiên cường suốt gần 70 năm và cuối cùng đã giành được độc lập, thành lập nước Lâm Ấp (năm 192), vùng đất Quảng Bình, trong đó có Minh Hóa trở thành lãnh thổ biên ải phía Bắc của quốc gia Lâm Ấp (sau là Hoàn Vương năm 758 và Chiêm Thành năm 877) với các châu Bố Chinh và Địa Lý. Minh Hóa thuộc châu Bố Chinh là mảnh đất biên ải miền Tây Bắc của nước Lâm Ấp độc lập.
Chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn một nghìn năm, giành lại quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước Đại Việt.
Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình xảy ra biến loạn và xung đột làm cho chính quyền Trung ương suy yếu, đó là thời kỳ loạn “Mười hai sứ quân”. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đặt kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị sát hại năm 979, trước yêu cầu kháng chiến chống Tống, Lê Hoàn lên làm vua gọi là Lê Đại Hành, lập nên triều đại mới gọi là triều Tiền Lê.
Đến năm 1009, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi đã quyết định dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là Đại Việt, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền, củng cố quân đội, chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước và khởi đầu công cuộc mở cõi về phương Nam.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cùng tướng tiên phong Lý Thường Kiệt tổ chức cuộc Nam chinh phá tan âm mưu của Chiêm Thành, không để chúng cấu kết với quân Tống tiến công xâm lược nước ta, buộc chúng dâng nộp ba châu Bố Chinh, Địa Lý (tức vùng đất Quảng Bình ngày nay) và Ma Linh (vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay) cho nhà Lý. Từ đó vùng đất của Minh Hóa thuộc về lãnh thổ quốc gia Đại Việt.
Tháng 8 năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt tiếp tục cuộc Nam chinh để bình định vùng đất mới, vẽ bản đồ ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh. Triều đình nhà Lý (Lý Nhân Tông) quyết định đổi tên châu Bố Chinh thành Bố Chính, châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và bắt đầu chiêu mộ dân chúng đến khai hoang, lập ấp, sinh sống và bảo vệ vùng biên cương phía Nam vừa mới sáp nhập vào Đại Việt.
Những thế kỷ sau đó, các triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp nhau trị vì đất nước như nhà Trần (1226-1400), Lê Sơ (1428-1527)… Năm 1471, nhà Lê định lại bản đồ đất nước, miền đất phía nam đèo Ngang vào đến Hải Vân được gọi là xứ Thuận Hóa và Bố Chính trở lại đơn vị hành chính châu.
Đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy yếu. Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất triều Lê lập triều Mạc. Một viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim ra sức tập hợp các thế lực chống Mạc, rồi chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, thành lập một chính quyền riêng với danh nghĩa là triều Lê Trung Hưng. Năm 1545, Nguyễn Kim chết, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Cuộc xung đột giữa các phe phái phong kiến đã đưa đến hậu quả đất nước bị chia làm hai miền. Chính quyền nhà Mạc thống trị vùng Bắc Bộ ngày nay gọi là Bắc triều và họ Trịnh nắm quyền hành từ vùng
Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều.
Ở Đàng Trong, vùng đất Đoan Quận công Nguyễn Hoàng trấn giữ (từ năm 1558) lúc này gồm hai trấn: trấn Thuận Hóa và trấn Quảng Nam. Vùng đất Minh Hóa thuộc châu Bố Chính, phủ Tiên Bình.
Sau khi chúa Trịnh đưa quân vào chiếm vùng phía Bắc sông Gianh và sau cuộc chiến tranh 1672 lấy sông Gianh làm ranh giới Đàng Ngoài, Đàng Trong. Cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong, Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn hai trăm năm, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện. Vùng đất Quảng Bình có phủ Quảng Bình, sau đó châu Bố Chính được chia thành hai. Phía nam sông Gianh (Bố Trạch ngày nay) được gọi là Bố Chính nội thuộc chúa Nguyễn, bắc sông Gianh (gồm Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa ngày nay) gọi là Bố Chính ngoại thuộc đất chúa Trịnh.
Năm 1771, phong trào nông dân Đàng Trong chống áp bức đã phát triển mạnh mẽ với đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia vì mang tính cộng đồng và nhân văn sâu sắc.
Thắng lợi của phong trào Tây Sơn – Nguyễn Huệ (1771-1786) trong chiến dịch tiến công đánh bại tập đoàn phong kiến nhà Trịnh, thống nhất đất nước, đánh đuổi quân Thanh xâm lược đã chấm dứt một giai đoạn đau thương trong lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ ổn định trong một quốc gia thống nhất, xây dựng triều đại Tây Sơn hùng cường. Trên địa bàn Quảng Bình, thắng lợi của phong trào Tây Sơn – Nguyễn Huệ chấm dứt sự khủng hoảng chính trị – xã hội kéo dài trên 200 năm. Người dân trên địa bàn Quảng Bình có cơ hội để hàn gắn những tổn thất của chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đối với Quảng Bình, năm 1788, Quang Trung quyết định nhập hai châu Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính lại làm một và đặt tên là châu Thuận Chính. Việc làm của Quang Trung thể hiện ý chí thống nhất đất nước ngay trên vùng đất bị chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài dưới thời Trịnh – Nguyễn.
Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn lên làm vua, lập ra triều Nguyễn (1802-1883). Năm 1827, vua Minh Mạng cho thành lập huyện Bình Chính. Miền thượng nguồn sông Gianh là bộ phận đất đai của huyện Bình Chính, phủ Tân Bình. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính trên quy mô toàn quốc để từ đó dinh Quảng Bình được gắn với phiên hiệu hành chính mới là “tỉnh” để thành đơn vị hành chính là “tỉnh Quảng Bình”, với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương.
Năm 1838, vua Minh Mạng mới cho đặt phủ Quảng Trạch.
Phủ Quảng Trạch nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, phía Tây men theo núi (biên giới với nước Lào), phía Đông giáp biển, phía Bắc giáp địa giới huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), phía Nam giáp huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh. Địa bàn phủ Quảng Trạch đông tây cách nhau 55 dặm, nam bắc cách nhau 102 dặm.
Ba huyện của phủ Quảng Trạch là huyện Bố Trạch, huyện Bình Chính và huyện Minh Chính; sau tách huyện Minh Chính mà lập thêm huyện Minh Hóa1 vào năm Tự Đức 27 (1874).
Huyện Minh Hóa2 vốn là đất cũ của huyện Minh Chính tách ra, tạm thời mở rộng đồn tuần ở phường Đồng Lê làm lỵ sở. Huyện Minh Hóa nằm ở phía Đông huyện Minh Chính, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Bắc giáp với Trại Bái huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Toàn huyện có 1 tổng, 20 xã, thôn, phường, 2 nguồn, 7 sách.
– Tổng Thượng Lưu có 20 xã, thôn, phường, gồm: xã Cao Trạch, xã Thạch Sơn, xã Thiết Sơn, phường Đồng Giang, phường Thượng Phú, phường Đồng Ái, phường Bảo Thế, phường Đại Hòa, phường Sảo Phong, phường Huyễn Nĩu, phường Minh Cầm Ngoại, phường Minh Cầm Nội, phường Đồng Ca phường Xuân Canh, phường Đồng Lê, phường Đồng Bang, phường Bà Tâm, phường Tam Đăng, phường Đồng Nạp, trang Minh Cầm.
– Nguồn: có hai nguồn là nguồn Kim Linh, nguồn Cơ Sa.
– Sách: có 7 sách là sách Kim Lũ, sách Thanh Lãng, sách Sâm Sâm, sách Ma Năng Thượng, sách Ma Năng Hạ, sách Hung Đặng, sách Hung Ốc3.
Về thời điểm thành lập huyện Minh Hóa và việc huyện Minh Hóa nằm trong huyện Tuyên Hóa hay huyện Tuyên Hóa nằm trong huyện Minh Hóa đang còn nhiều lý giải khác nhau.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8: Tháng 12 năm Giáp Tuất, Tự Đức năm thứ 27 (1874): “Bắt đầu đặt huyện Minh Hóa ở tỉnh Quảng Bình. (7 sách ở 2 nguyên Kim Linh, Cơ Sa về miền thượng du phủ Quảng Trạch, địa thế chơ vơ xa cách phủ khó trông coi khắp được. Gần đây được quan tỉnh xin đem 7 sách ở 2 nguyên ấy gồm với tổng Thượng Lưu, huyện Minh Chính, đặt làm huyện Minh Hóa. Đến nay mới đặt quan, lấy người Thổ trước làm chức ấy)”.
Đến tháng giêng năm Nhâm Ngọ, Tự Đức năm thứ 35 (1882): “Định lại lệ phủ, huyện nhiều việc và nhiều việc vừa ở trong kinh và các tỉnh ngoài”4, trong đó có huyện Minh Hóa “là nơi nhiều việc”.
Đến tháng 10 năm Ất Dậu (1885), “thân hào các phủ, huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch thuộc hạt Quảng Bình khởi loạn, dựng các hiệu cơ: “Cần Vương cử nghĩa” (thủ xướng là nguyên Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân). Nhiều lần các phủ, huyện ấy hoặc trốn tránh, hoặc bị bắt. Vua chuẩn cho Viện Cơ mật bàn với phó đô thống Pháp, phải định liệu rất khẩn; một mặt tư cho tỉnh ấy bàn với người Pháp đóng ở tỉnh ấy, hiệp sức đánh dẹp, không cho chúng lan tràn ra”5.
Tuy nhiên, đáng chú ý là đoạn trích dẫn này đã không còn nói đến huyện Minh Hóa, thay vào đó là huyện Tuyên Hóa. Tra cứu ngược về trước, từ thời điểm tháng 10 năm Ất Dậu (1885) lùi về thời điểm tháng 9 năm Quý Mùi (1883), Quốc sử quán triều Nguyễn đã không có một ghi chép nào trong Đại Nam thực lục về việc huyện Minh Hóa đổi tên (?) thành huyện Tuyên Hóa hoặc huyện Minh Hóa đã sáp nhập thêm một địa bàn nào đó lân cận (?) để lập ra một huyện mới là huyện Tuyên Hóa.
Tại các sách Lịch sử Đảng bộ huyện Minh Hóa, tập 1 (1930-1975) và Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Minh Hóa (1945-2000), thì ghi: Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất Minh Hóa nằm trong huyện Tuyên Hóa, gồm có hai nguồn Cơ Sa và Kim Linh, với 15 làng. Trong kháng chiến chống Pháp và sau ngày miền Bắc giải phóng (1946-1954), vùng đất Minh Hóa vẫn nằm trong huyện Tuyên Hóa. Năm 1965, do yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Tuyên Hóa được chia thành hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Tháng 4 năm 1977, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sát nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Minh Hóa sáp nhập lại với huyện Tuyên Hóa thành huyện Tuyên Hóa. Tháng 7 năm 1990, do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, huyện Tuyên Hóa được chia tách thành hai huyện: Tuyên Hóa và Minh Hóa. Minh Hóa trở lại với địa giới hành chính trước năm 1977.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân phải chịu cảnh áp bức, đô hộ của tư bản phương Tây. Năm 1885, triều đình Huế chính thức bị thất bại, thực dân Pháp chia đất nước ta thành 3 miền: Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Trung Kỳ. Quảng Bình thuộc Trung Kỳ.
Sau sự kiện “Kinh thành thất thủ” ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở – Quảng Trị, xuống dụ Cần Vương, mở đầu cho phong trào Cần Vương chống Pháp. Sau đó căn cứ được chuyển đến miền thượng du Tuyên Hóa, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước, nhân dân Minh Hóa đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời dụ Cần Vương của Hàm Nghi. Trong 3 năm (10/1885 – 10/1888) khi Sơn triều Hàm Nghi đóng quân trên vùng đất Minh Hóa đã có sự đóng góp máu xương của biết bao sĩ phu, quan lại và nhân dân Quảng Bình, trong đó có nhân dân Minh Hóa để bảo vệ Sơn triều, bảo vệ vua Hàm Nghi và kháng chiến chống Pháp. Chính lòng yêu nước, giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc là tiền đề tạo nên sức mạnh để người dân Minh Hóa đứng lên theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và chống đế quốc sau này.
Sau chiến thắng của 9 năm kháng chiến chống Pháp và hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước Việt Nam thu về một mối và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa đã không lùi bước trước những khó khăn, lạc hậu, cùng nhau đoàn kết, tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng quê hương Minh Hóa ngày càng giàu đẹp.
Đồng hành cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, cộng đồng cư dân Minh Hóa luôn vun đắp xây dựng và bảo lưu gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc của quê hương mình.
Vùng đất Minh Hóa nằm trong vùng giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn phía Bắc và nền văn hóa Sa Huỳnh phía Nam. Chính sự giao thoa văn hóa này cùng với môi trường sống giữa núi rừng bạt ngàn Trường Sơn và cách xa những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn, qua bao thế hệ đã hun đúc nên bản sắc văn hóa riêng cho mỗi tộc người và cả cộng đồng cư dân Minh Hóa.
Qua bao năm tháng của lịch sử, các thế hệ người dân Minh Hóa tạo dựng nên một nền văn hóa tinh thần mang bản sắc của núi rừng, giản dị, chân chất, mộc mạc thấm đượm tình người, tình yêu cuộc sống lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước. Những điệu hát sắc bùa, hát nhà trò, lẫy kiều, hò thuốc cá, hò kéo gỗ, hò đẩy thuyền, hò đối đáp giao duyên, hát ru… thường lấy lối thư lục bát làm nền. Đây là nét nghệ thuật dân ca dân gian đặc sắc của quê hương Minh Hóa. Lời ca, điệu hò thường ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, dễ hát, dễ nhớ, nhưng tính truyền cảm cao, mọi người có thể cùng hát, cùng xướng họa và ứng tác bất kỳ ở đâu và lúc nào khi có bạn hát và người xướng hát.
Ở Minh Hóa, nhân dân có phong tục thờ tổ tiên ông bà và những người có công với làng xã, với đất nước. Các ngày lễ, ngày tết trong năm đều được nhân dân hết sức quan tâm và giành nhiều thời gian, công sức cho việc đi lại thăm viếng nhau. Hàng năm khi tết đến xuân về, cư dân Minh Hóa có tục “Tết sống” ông, bà, cha, mẹ, các bậc cao niên trong gia đình để bày tỏ lòng hiếu thảo và tôn kính người cao tuổi. Đặc biệt, có lễ hội Rằm tháng Ba âm lịch.
Hội Rằm tháng Ba từ bao đời nay đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa, là lễ hội truyền thống đặc sắc, vui nhất và trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê sơn cước. Dù lễ hội này theo thời gian đã có nhiều đổi thay so với trước đây nhưng lễ hội vẫn mang nhiều đặc tính riêng biệt của con người và núi rừng nơi đây.
“Thà rằng ốm nặng mà nằm/ Ai ơi chớ bỏ hội Rằm tháng Ba”, câu ca ấy luôn nhắc nhở, mời gọi nhân dân từ miền núi rẻo cao giáp biên giới Việt – Lào, từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Quảng Trị… đến ngày 15/3 âm lịch về với hội chợ rằm. Đến hội chợ rằm không chỉ ngoài việc mua bán mà còn tìm lại những người bạn cũ, cùng nâng bát chè xanh, ly rượu nồng mời nhau. Nam thanh nữ tú tìm đến đến nhau kết bạn trao duyên. Ngày nay, hội chợ Rằm tháng Ba được tổ chức với nhiều cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao… Lễ hội Rằm tháng Ba thực sự trở thành ngày hội lớn của nhân dân Minh Hóa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Minh Hóa có thêm ngày lễ lớn mừng Quốc khánh đất nước 2/9.
Văn hóa ẩm thực của nhân dân Minh Hóa cũng rất phong phú và đa dạng. Trước Cách mạng tháng Tám, thức ăn hàng ngày của cư dân ngoài các thứ như thịt, cá, rau quả, ngô, khoai, sắn, đối với gạo thì còn khan hiếm, cư dân sống ở vùng núi cao thường phải dùng bột cây nhúc để nấu ăn thay cơm. Đặc biệt, người Minh Hóa từ người Kinh, đến các dân tộc ít người đều biết dùng cơm “Pồi”. Cơm Pồi ăn với ốc vặn khe hoặc mật ong là thứ ẩm thực mang đậm bản sắc riêng của người dân Minh Hóa từ xưa cho đến nay. Đi đôi với các món ăn ẩm thực, đồ uống cũng mang đậm sắc thái riêng của người Minh Hóa. Ngoài các loại lá cây rừng được thu hái về nấu nước dùng, người dân Minh Hóa trồng rất nhiều chè xanh. Nước chè xanh hòa cùng mật ong để dùng là thứ nước giải khát có chất lượng cao với mùi thơm chát của chè, vị ngọt của mật ong, vì vậy khi nhắc đến vùng quê Minh Hóa thường nhắc đến câu ca: “Ai lên Minh Hóa quê mình/ Chè xanh mật ngọt đượm tình quê hương”.
Đối với các tộc người thiểu số ở Minh Hóa vẫn gìn giữ bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa vật chất, tinh thần rất phong phú. Những truyền thống và mỹ tục trong các lễ hội, lễ cưới, ma chay được duy trì qua hơn trăm năm. Đó là văn hóa rượu cần, lễ cầu yên của người Khùa; lễ cúng cơm mới, lễ lấp lỗ của người Chứt;… Trong các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức đã tái hiện một phần đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, mô phỏng diễn trình lịch sử, văn hóa kết hợp dâng tiến, cúng bái đã góp thêm bức tranh làng xã sinh động, góp phần tô đẹp đời sống tinh thần của người Minh Hóa.
Ngoài ra, Minh Hóa được truyền tụng là đất “phượng hoàng” có 99 ngọn núi. Do điều kiện khó khăn, xa cách các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Bình, cuộc sống của nhân dân trước năm 1945 vô cùng khổ cực, nhưng người dân Minh Hóa vẫn tìm đến thầy đồ học chữ. Nhờ có học nên khi vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương, nhiều văn thân, sĩ phu, tướng sĩ và nhân dân Minh Hóa đã nhất tề hưởng ứng tham gia nghĩa quân Hàm Nghi kháng Pháp. Ngày nay, tinh thần hiếu học đó được nhiều thế hệ vun đắp và phát huy trong xây dựng và phát triển quê hương.
Trải qua mấy ngàn năm đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương, làng bản đã hun đúc nên trong các thế hệ người dân Minh Hóa đức tính cần cù trong lao động, thông minh sáng tạo, trung thực, thật thà, cương trực, chịu thương chịu khó, đoàn kết, trọng nghĩa tình, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương. Trong đó nổi bật là truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Những lúc đất nước bị ngoại xâm, tinh thần yêu nước đã biến thành sức mạnh đánh thắng kẻ thù.
Nhìn lại những dấu mốc lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Minh Hóa từ thời kỳ sơ sử cho đến nay, người dân Minh Hóa tự hào về các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của mình, tự hào về các thế hệ cha ông đã có công xây dựng và bảo về quê hương, tự hào về những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng, những trang sử vàng chói lọi của quê hương Minh Hóa anh hùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Đồng Khánh dư địa chí”, Mục “Quảng Bình”, Tài liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A537/17. Bản lưu trữ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, tập 8, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1963.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
4. Lương Duy Tâm, Địa lý – Lịch sử Quảng Bình, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình xuất bản 1998.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Minh Hóa, Lịch sử Đảng bộ huyện Minh Hóa, tập 1 (1930-1975), Đảng bộ huyện Minh Hóa xuất bản, 2000.
6. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa, Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Minh Hóa (1945-2000), Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa xuất bản, 2003.
___________
1. “Đồng Khánh dư địa chí”, Mục “Quảng Bình”, Tài liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A537/17. Bản lưu trữ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tr.1351.
2. Theo chú dẫn của người dịch “Đồng Khánh dư địa chí” thì huyện Minh Hóa thành lập năm Tự Đức thứ 27 (1874) do đất Tổng Thượng Lưu 20 xã của huyện Minh Chính tách ra để lập huyện mới Minh Hóa. Xem: “Đồng Khánh dư địa chí”, Mục “Quảng Bình”, Tài liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A537/17. Bản lưu trữ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tr.1359. Sau lại tách Minh Hóa ra làm 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, nhưng đến khi biên soạn sách “Đồng Khánh dư địa chí” thì địa danh Tuyên Hóa vẫn chưa thấy trong danh mục sách này mặc dù người dịch chú dẫn là “sau đó tách huyện Minh Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa”. Xem: “Đồng Khánh dư địa chí”, Mục “Quảng Bình”, Tài liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A537/17. Bản lưu trữ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tr.1359. Đến năm 1936, trong tài liệu thống kê dân số của Pháp chỉ có địa danh Tuyên Hóa, không còn địa danh Minh Hóa nữa, như vậy, việc tách hay đổi Minh Hóa thành Tuyên Hóa phải diễn ra sau khi bộ “Đồng Khánh dư địa chí” ra đời và trước năm 1936, đây là năm Pháp lập thống kê dân số. Xem: Lương Duy Tâm, “Địa lý – Lịch sử Quảng Bình”, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình xuất bản, 1998, tr.95.
3. Những dữ liệu về các đơn vị tổ chức chính quyền địa phương và hệ thống cộng đồng làng xã Quảng Bình dưới triều Nguyễn, chúng tôi dẫn nguyên văn từ bộ sách “Địa chí Đồng Khánh” lưu trữ tại Viện Hán Nôm, ký hiệu A.537/17 và bản lưu tư liệu Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, phần mục Quảng Bình từ trang 1.339 đến 1.364. Khi đối chiếu dẫn liệu trong bộ sách này với dẫn liệu trong sách “Quảng Bình thời khai thiết” của Phan Viết Dũng (từ trang 259 đến 265) thấy có sai lệch mộtsố làng, xã.Chúng tôi căn cứ bộ “Địa chí Đồng Khánh” để làm cơ sở dẫn liệu chính thức cho bài viế tnày.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.510.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.201.
Trích dẫn tệp PDF từ: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những dấu mốc lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Minh Hóa (Tác giả: Nguyễn Đăng Tuấn) |