Những ĐỘNG HƯỚNG ĐẦU TIÊN trong cách ĐẶT VẤN ĐỀ PHỤ NỮ (Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX từ diễn giải của DAVID MARR) – Phần 2
ThS. ĐẶNG THỊ THÁI HÀ
(Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
2. Vấn đề “quyền phụ nữ” (nữ quyền) và khả năng thách thức với truyền thống
2.1. Từ giai đoạn mở đường
Trong thập niên đầu của thế kỉ 20, một thế hệ trí thức Việt mới đã xuất hiện, với ý thức quyết tâm hành động vì độc lập dân tộc và chủ trương hiện đại hóa xã hội Việt Nam (David Marr, 1971, ch4-8). Ban đầu còn mơ hồ, rồi càng lúc càng rõ rệt hơn, những trí thức hiện đại đầu tiên của thế kỷ bắt đầu ý thức được rằng: một cuộc cách mạng văn hóa đích thực đòi hỏi một khả năng chất vấn lại tình trạng lệ thuộc của người phụ nữ; cũng thế, bất cứ một cuộc đấu tranh dân tộc đích thực nào cũng sẽ có được cơ hội thành công lớn hơn nếu có thành phần tham gia tích cực là những người phụ nữ. Bên cạnh đó, cơn giận dữ bất bình trước sự bóc lột của chính quyền thực dân Pháp thường sẽ khai mở cho người đàn ông trong xã hội tự nhìn ra được những dạng thức khác của sự áp bức bất công đang tồn tại, mà một trong số đó phải kể đến sự trấn áp trong quan hệ của nam giới với nữ giới; trong khi đó, phụ nữ là đối tượng có được sự nhạy bén hơn cả trong việc nhận thức bản chất của quan hệ thống trị thuộc địa. Nếu như còn phải mất đến hai thập kỉ nữa phụ nữ mới có cơ hội cất lên tiếng nói công khai trước cộng đồng và bắt đầu thực sự lên được những chương trình hành động có tổ chức, có vẻ như không nghi ngờ gì, trong khoảng những năm 1905-1910, những quan điểm cũ đã bắt đầu bị thách thức và chuyển đổi, ít nhất ở một vài nhóm thiểu số trong xã hội.
Đến thời kì này, phụ nữ đã được công nhận như là một phần của chính thể quốc gia, được thể hiện ít nhất qua đề xuất mở rộng các cơ hội học tập cho nữ giới; mà một trong số đó phải kể đến Đông Kinh Nghĩa Thục – một phong trào ngắn ngủi nhưng có sức ảnh hưởng sâu rộng. Đông Kinh Nghĩa Thục (Trường Đông Kinh vì nghĩa) được khai giảng, khuyến khích nữ giới tham dự các bài giảng cộng đồng về văn hóa, lịch sử và chính trị. Vào thời điểm đó, động thái này đánh dấu một bước đổi mới triệt để. Rộng hơn, những cuộc hội họp mang tính xã hội hơn được tổ chức bên ngoài khuôn viên trường học, trong đó rất nhiều lần, truyền thuyết về hai nữ anh hùng trong lịch sử (hai Bà Trưng) được chọn làm đề tài diễn thuyết. Không những thế, hai nhân vật nữ, đều là con gái của các gia đình có học thức, được trao một vinh dự chưa từng có là tham gia dạy học tại trường trong tư cách là giáo viên tiếng Trung và giáo viên quốc ngữ. Tuy nhiên, nam giới vẫn nắm giữ tất cả các vị trí quản lí trong trường, và cũng chỉ những người đàn ông mới bị thực dân Pháp tống giam vào thời điểm diễn ra cuộc đàn áp. Phan Bội Châu (1867-1940) dường như là người dành nhiều mối quan tâm đến địa vị của phụ nữ Việt Nam hơn hẳn so với những người đàn ông cùng thời. Ông cũng đã soạn một vở tuồng hấp dẫn về Hai Bà Trưng (Tướng Trưng Nữ Vương). Gần như có thể chắc chắn rằng mục đích chính mà Phan Bội Châu nhắm đến khi soạn vở tuồng này là đặt vấn đề về vai trò của phụ nữ Việt trong cuộc kháng chiến chống thuộc địa trước mắt. Ông đặt ra một tình huống mà trong đó, hành động của người phụ nữ cũng xuất phát từ những nguyên tắc của lòng yêu nước không khác gì những người cha, người chồng, người anh của họ, chứ không còn là hành động theo những ý niệm về sự phục tùng và bổn phận của người phụ nữ. Nói cách khác, trong khi hầu hết các nhà văn khác trong thế kỉ 20 vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến khát vọng chung thủy của Trưng Trắc, muốn ra trận để trả thù cho chồng đã bị giết bởi tay tướng giặc, thì Phan Bội Châu mô tả sự kiện đó chỉ như một chất xúc tác tiếp thổi bùng thêm ngọn lửa của tình yêu nước và ước vọng đánh đuổi quân xâm lược sẵn có trong bà. Cũng thế, nếu như Trưng Nhị thường được khắc họa như là nhân vật tham gia cuộc chiến vì nghĩa chị em, Phan Bội Châu lại đặt động lực này xuống thứ yếu so với tinh thần yêu nước.
Người Pháp, sau khi đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu năm 1908, tống giam và vô hiệu hóa các trí thức Việt Nam có xu hướng chống thực dân; đã từng bước quay trở lại với những động hướng chính trị ôn hòa hơn. Sự kiện trí thức quan trọng nhất (ít nhất là từ thời điểm ra đời vào tháng 7 năm 1917 cho đến 7, 8 năm sau đó) là sự xuất hiện của tờ báo Nam Phong. Chủ bút Phạm Quỳnh (1892-1945), như đánh giá của David Marr, là người tự ý thức cao độ về trí tuệ và trình độ để lên tiếng bàn luận các vấn đề nhân sinh dưới tư cách một trí thức. Một trong những vấn đề ông quan tâm nhất là vai trò của nữ giới ở các xã hội phương Đông và phương Tây, trong quá khứ cũng như hiện đại. Trong bài luận “Sự giáo dục đàn bà con gái” viết năm 1917, Phạm Quỳnh phác thảo những phương án cải cách nghiêm cẩn cần được thực hiện trong thập kỉ tới cũng như trong tương lai lâu dài, hướng tới đối tượng là người Việt Nam thuộc tầng lớp trung – thượng lưu ở cả hai giới. Rõ ràng, động lực ngầm sau ngòi bút Phạm Quỳnh là những tư tưởng mới lạ về quyền bình đẳng nam nữ đã bắt đầu được du nhập sang Việt Nam, cũng là khi những chuẩn mực đạo đức cũ đang đến hồi lung lay từ gốc rễ. Phạm Quỳnh cho rằng, nếu phụ nữ muốn đạt được quyền “tự-chủ tự-thủ” họ cần một chế độ giáo dục cẩn trọng, bằng không sẽ “khó biết nương tựa vào đâu mà giữ được phẩm hạnh, dễ mắc những phong thói bại hoại ngày nay” (Thượng chi văn tập, Tập 1, tr.26).
Mặt khác, ông công kích những người Việt còn “đeo cái não đời trung cổ” khi khăng khăng rằng giải pháp hữu hiệu nhất là để cho nữ giới mù chữ, không muốn cho họ “thông hiểu điều gì”. Quan điểm thiển cận đó, theo ông, sẽ dẫn tới sự đồi phong bại tục; không chỉ thế, còn thiếu thực tế về lâu dài. Từ đó, Phạm Quỳnh, với sự hậu thuẫn của chính quyền thực dân Pháp, đề ra những chính sách mới với những cơ hội mới dành cho phụ nữ Việt. Vấn đề then chốt trong quan điểm của Phạm Quỳnh là ông đề xuất một chương trình giảng dạy cho nữ giới dựa trên sự phân tầng xã hội: “Ở nước ta ngày nay, đàn bà con gái có thể dạy học được, thuộc về hạng thượng lưu cùng trung lưu trong xã hội”. Ông dành hơn một nửa dung lượng bài luận của mình để bàn chi tiết đến cách giáo dục phụ nữ ở tầng lớp thượng lưu (“những nhà thế gia cự tộc, cùng đại để những bậc nền nếp giàu sang, không bí bách về đường doanh sinh mà có thể lưu tâm sự học vấn”) và tầng lớp trung lưu (hay “cao cấp trung lưu”). Không đề cập chút nào tới nữ giới ở giai tầng thấp hơn. Với tầng lớp thượng lưu, ông đề xuất mở một học viện dành riêng cho nữ giới. Phần lớn chương trình dạy học sẽ bằng tiếng Việt và chú trọng đến văn chương quốc ngữ, bắt đầu từ Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Nhị độ mai, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên cùng các tác phẩm khác “hợp tính chất người đàn bà”. Những học viên sáng dạ hơn sẽ được học thêm Hán học, và thậm chí, Pháp văn. Tuy nhiên, trong lời khuyến khích sự học dành cho giới nữ, Phạm Quỳnh vẫn lưu ý họ nên dành thời gian để học tập trước khi đến tuổi đi đến hôn nhân – hay bước vào một quãng đời hoàn toàn mới: “Thiết tưởng đến khi kiêm thông được ba thứ chữ thì nhà nữ sĩ đã đến tuổi hôn nhân, mà sắp bước vào một cuộc đời mới vậy” [tr33]. Trong những năm tiếp đó, Phạm Quỳnh viết và dịch nhiều bài báo khác liên quan đến vấn đề phụ nữ. Tiếng nói bảo vệ nổi tiếng của ông dành cho Thúy Kiều, có thể thấy, chịu nhiều ảnh hưởng từ chủ nghĩa trữ tình lãng mạn phương Tây, và thực chất, có thể xem những luận bàn của ông như một nỗ lực đề xuất một nền đạo đức phù hợp hơn hay một tư tưởng mới trong giáo dục phụ nữ. Nghịch lí là, dù nâng tình cảm cá nhân cùng đời sống nội tâm phong phú của Thúy Kiều lên thành lí tưởng, nhưng Phạm Quỳnh rõ ràng không thấy có gì mâu thuẫn khi quay qua lên án những tuyên ngôn “tự do và bình đẳng” hay khát vọng của một số phụ nữ đương thời muốn làm một điều gì đó bên ngoài những bổn phận gia đình. Học hành, với Phạm Quỳnh, không phải là cánh cửa mở ngỏ cho người phụ nữ bước ra không gian xã hội, mà vẫn chỉ như một thứ đồ trang sức, “một cái hương thơm lạ ở nơi khuê các, chốn gia đình” (tr.34). Trong khi đó, Nguyễn Bá Học – một trí thức nổi tiếng khác – vẫn quả quyết bảo vệ việc sắp đặt hôn nhân, công khai công kích Phạm Quỳnh vì đề xuất xây dựng một trường học hiện đại dành cho một thiểu số nữ giới Việt. Lập luận ông đưa ra là đất nước còn quá kém phát triển, và ngay cả nam giới có học cũng còn chưa được ổn định, nữa là nữ giới. Bên cạnh đó, ông cho rằng, phụ nữ càng được học lên cao, thu nhập được càng nhiều, thì càng sa vào những ham muốn trụy lạc, và cuối cùng càng dễ sa vào bần hàn cơ cực. Ông kết luận, phụ nữ sẽ mất hết ý thức về phép tắc lễ nghi nếu hành động hệt như đàn ông (Theo Bàn về nghĩa tự do kết hôn).
Dưới chỉ thị của quan Toàn quyền, năm 1918 Phạm Quỳnh nam tiến vào vùng Nam Kỳ (Cochinchina) với sứ mệnh khuyến dụ những gia đình trí thức lâu đời. Ông đặc biệt chú trọng gia đình của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, và sau hơn ba mưới năm sau cái chết của cụ Đồ Chiểu – một biểu tượng kiên cường Nam Bộ, câu trả lời ông nhận được từ dòng họ ấy vẫn là lời từ chối không chấp nhận “bị đồng hóa” bởi chính quyền thực dân. Trong khi một số hậu duệ kiên quyết từ chối, Sương Nguyệt Anh (1864-1921) – con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu, được biết đến như một nhà thơ tài hoa cả về chữ Hán và chữ Nôm – lại đồng ý bắt tay với chính quyền. Kết quả là một tờ nguyệt san dành riêng cho nữ giới được ra đời dưới nhan đề Nữ giới Chung, xuất bản vào thứ 6 hàng tuần tại Sài Gòn, viết bằng chữ quốc ngữ và chịu sự kiểm soát tài chính của Henri Blaquiere, cũng là chủ biên của báo Sài Gòn thư tín (Le Courrier Saiginnais). Trong số đầu tiên của tờ Nữ giới Chung ra ngày 2 tháng 2 năm 1918, Sương Nguyệt Anh viết lời cảm ơn sự quan tâm của quan toàn quyền, tuyên bố cô sẵn sàng hợp tác trong các chương trình cải cách giáo dục, đặc biệt chiến dịch phổ biến và đào tạo chữ quốc ngữ, và hứa sẽ né tránh những vấn đề ‘chính trị’. Về định hướng, cô xác định tờ nguyệt san nhắm đến việc giữ gìn các chuẩn mực đạo đức, thúc đẩy thương mại và sản xuất thủ công mĩ nghệ, và mở rộng sự giao lưu kết nối. Sương Nguyệt Anh gần như hi vọng Nữ giới Chung sẽ trở thành một tạp chí quốc gia dành cho phụ nữ. Cô viết những bài thơ xây dựng hình ảnh về tình đoàn kết giữa người dân nước Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1918, lượng phụ nữ thành thạo chữ quốc ngữ vẫn còn quá ít ỏi, và sự thận trọng quá mức của biên tập viên đối với các vấn đề chính trị khiến tờ báo không thu hút được nhiều độc giả. Vào cuối 1918, sau chưa đầy một năm xuất bản, tờ tuần san dừng phát hành. Dẫu thế nào, Sương Nguyệt Anh vẫn là hiện thân của những giá trị truyền thống. Trong thực tế, khi chồng mất sớm, cô tuyên thệ không bao giờ tái hôn, và bảo toàn trọn vẹn hình ảnh góa phụ trong con mắt cộng đồng. Sự nhấn mạnh liên tục trong các bài báo của cô tới vai trò của phận làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình vẫn chứa một thông điệp truyền thống. Nhiều người ngưỡng mộ thậm chí đã ví cô với nhân vật lí tưởng Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cha cô. Tuy vậy, một người phụ nữ dám đứng ra đảm đương một tờ tuần báo, đã tạo một lực thúc đẩy mạnh mẽ cho những nữ giới thượng lưu ấp ủ một khát vọng vượt thoát ra bên ngoài không gian gia đình. Mười lăm năm sau, Phan Văn Hùm, một trí thức theo trường phát Trostkyist, đã đặt câu hỏi rằng, làm thế nào mà một người phụ nữ rất truyền thống lại có thể khơi gợi được những tư tưởng và hành động phi-truyền thống như thế. Câu trả lời nằm trong cách hành xử của Sương Nguyệt Anh – ở sự nghiêm khắc với chính mình nhưng đầy lòng khoan dung với người khác, chẳng hạn như việc cô kiên quyết thủ tiết nhưng không chỉ trích người khác tái hôn. Ở một mức độ nào đó, câu trả lời này không sai. Một bộ phận nam giới theo tư tưởng truyền thống bảo thủ giới đã cảm nhận được những nguy cơ mà tờ báo có thể đưa lại và bắt đầu lên tiếng phản bác ngay khi Nữ giới Chung còn chưa được lệnh đóng cửa.
2.2. Đến nỗ lực cất những tiếng nói đầu tiên
Sách giáo khoa với quyền phát ngôn nam giới
Trong suốt thập niên 1920, số lượng học viên nữ ở các trường sơ cấp mỗi lúc một tăng. Đến năm 1930, chính quyền Pháp ghi nhận đã có đến 40.752 trẻ em nữ được học ở trường hay đào tạo riêng tại nhà. Có thể khẳng định ít nhất một con số tương đương như thế học trò nữ đã được học chữ quốc ngữ tại nhà, hoặc tại các tổ chức dạy học tự phát đang bắt đầu được thành lập ở nhiều địa phương. Chính quyền thực dân ủng hộ việc phổ biến giáo dục cho nữ giới, nhưng trong một khuôn khổ rất hạn chế. Nói như một quan chức trong chính quyền thuộc địa Pháp thời đó, một cô gái trẻ nông thôn Việt Nam chỉ cần phải nhanh nhẹn, sạch sẽ, giỏi nấu nướng, thành thạo may vá, và thêm vào đó, nên biết đọc biết viết chữ quốc ngữ (Pierre Crossin). Trong thực tế, như đã chỉ ra trước đó, hầu hết các học sinh nữ được học hành đều thuộc các gia đình trung-thượng lưu. Tuy nhiên, thực tế ấy đủ để lần đầu tiên trên một thị trường sách vở khiêm nhường như Việt Nam xuất hiện và phát triển mặt hàng sách giáo khoa dành riêng cho học viên nữ. Nhu cầu này được đặc biệt chú trọng như một sự hồi đáp lại những lời than vãn phàn nàn của những người theo tư tưởng truyền thống, rằng những chuẩn mực nữ tính đang bị rơi vào quên lãng trong chương trình giáo khoa, và nữ giới đương thời thì đang bị làm hư hỏng đi vì những cuốn thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn bán nhan nhản bên ngoài trường học. Cốt truyện điển hình của những tác phẩm văn chương tình ái lãng mạn này là về tình yêu giữa một chàng trai trẻ thư sinh với một cô gái xinh đẹp, nhưng cặp tình nhân buộc phải chia tay vì những cấm đoán xã hội. Đó thường là những câu chuyện lấy nước mắt của người đọc, trong đó nhân vật nam chính hay nữ chính cuối cùng sẽ chết trong tuyệt vọng hay tìm sự an ủi trong tôn giáo hay sống trong cảnh trôi dạt không mục đích. Các nhân vật dường như luôn bị thao túng bởi những quyền lực nằm bên ngoài tầm kiểm soát của họ, và kết cục bao giờ cũng lâm ly bi thiết. Ngược lại, chủ đề chính của những văn bản giáo khoa được dự kiến sẽ chống lại những ảnh hưởng “tiêu cực” như trên chính là luân lý hay đạo đức. Có thể xác định cuốn sách giáo khoa đầu tiên thuộc loại này là cuốn Nữ học luân lý tập đọc của Phan Đình Giáp, xuất bản tại Hà Nội năm 1918 với một ngàn bản được phát hành trong lần xuất bản đầu tiên. Trong suốt thập kỉ sau đó, khoảng 25 đầu sách tương tự dành cho nữ giới được tung ra thị trường, có cuốn được tái bản nhiều lần với số lượng từ 1000 bản, 5000 bản, đôi khi lên tới 10.000 bản. Các tác giả truyền thống chắc chắn chiếm ưu thế, với lối cấu trúc cuốn sách xoay quanh những bài học liên quan tới “tam tòng”, “tứ đức”. Điểm nực cười là một số tác giả vốn trước kia thu lời từ việc sáng tác văn học đại chúng và văn chương lãng mạn đến bây giờ cũng nhận ra khả năng kiếm tiền từ việc rao giảng đạo đức khoa trương cho nữ giới. Chẳng hạn, Trần Phong Sắc vốn là một tác giả nổi tiếng với dòng truyện kiếm hiệp -ngôn tình kiểu Trung Hoa; đến bây giờ cũng cho xuất bản cuốn Nữ trung bá hạnh (1922), dẫn ra 100 nhân vật Trung Hoa, từ trinh tiết đến phong lưu. Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), từng nổi danh với những bài thơ đau đáu vận nước và mang ý thức cá nhân cao; giờ cũng viết những cuốn sách đạo đức dành cho trẻ nhỏ, trong đó có một cuốn riêng dành cho thanh thiếu nữ (Đài gương truyện) mà sau này đã được chính quyền thuộc địa tuyển chọn và in đi in lại nhiều lần. Đây có lẽ là nguồn tài chính giúp cho tác giả sống qua những năm tháng cuối đời. Dù trực tiếp đi vào đời sống thực tế hay dẫn lại những tích truyện cũ, triết lí căn bản trong mọi bộ giáo khoa gần như không thay đổi. Chẳng hạn, Nữ học thường hạnh (1926) của Đỗ Duệ Khôi mở đầu bằng lưu ý rằng chỗ của người phụ nữ là ở trong nhà, và vì thế nếu có tới trường, nữ giới cũng chỉ nên học những môn học có thể giúp mình trở thành một bà nội trợ giỏi hơn. Nội dung bài học, bởi thế, xoay quanh các vấn đề như vệ sinh cá nhân, bệnh truyền nhiễm, lợi ích của việc để ánh sáng chiếu vào trong nhà, cách dọn giường, cách làm sạch nhà bếp, hướng dẫn lượng sữa vừa đủ cho trẻ em, cách duy trì chế độ ăn cân bằng với trứng, thịt, rau… Điều hiển nhiên là, vì trong thời điểm đó không mấy gia đình Việt có đủ điều kiện để thực hiện chế độ ăn với sữa, thịt và trứng, đối tượng độc giả người viết nhắm tới đương nhiên chỉ là lớp phụ nữ trung-thượng lưu.
Tuy nhiên, theo David Marr, mặc dù độc giả chủ yếu chỉ được tiếp cận với những ấn phẩm lấy gia đình làm trung tâm (family-centered), điều ấy không có nghĩa là họ bị cô lập hoàn toàn khỏi các chiều hướng chính trị và xã hội rộng hơn thời đó. Như chúng ta sẽ được chứng kiến, đến khoảng giữa thập niên 1920, bắt đầu xuất hiện những phản ứng một cách có tổ chức từ phía nữ giới. Một trong những nguyên nhân góp phần làm nên động thái này là bởi một số tác giả viết sách giáo khoa, dù vẫn chia sẻ với nhiều quan niệm truyền thống, nhưng đã bắt đầu đặt ra được vấn đề về lịch sử, bản sắc dân tộc, cùng những chất vấn về sự cai trị của thực dân Pháp. Chẳng hạn, Trịnh Đình Rư (1893-1962) năm 1926 đã cho xuất bản một cuốn sách giáo khoa sơ cấp dành riêng cho học viên nữ với nhiều ẩn ý về tình yêu nước, đồng thời mở ra những hướng đi mới không quá nệ truyền thống để nữ giới có thể góp phần vào cuộc đấu tranh trong tương lai (Nữ sinh độc bản). Rất nhiều bài học trong sách giáo khoa của Trịnh Đình Rư lấy chủ đề về phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những nữ anh hùng từng đứng lên chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Hình ảnh bà Trưng, một lần nữa được nhắc đến như là tấm gương anh dũng biểu tượng cho tinh thần độc lập. Cuốn sách còn khuyến khích các độc giả trẻ đến thăm và tưởng niệm tại đền thờ Hai Bà Trưng vào ngày 5 tháng 2 hằng năm. Triệu Thị Trinh cũng là một hình tượng được ngợi ca trong cuốn sách, gắn với bài học: một khi tất cả đàn ông sợ hãi, phụ nữ phải đứng lên. Đặc biệt, có cả một bài học về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, dù không phải là một anh hùng khởi nghĩa như hai trường hợp trên, nhưng lại là tác giả của những bài thơ trần thế, phồn thực, thể hiện một cái nhìn phê phán những quan điểm phong kiến chính thống quy định và trói buộc phụ nữ. Và cuối cùng, để cuốn sách vừa mang tính cập nhật vừa tránh được nguy cơ kiểm duyệt, Trịnh Đình Rư dành nguyên một bài giảng về cô gái Nhật Bản đã quyên góp tất cả số tiền tiết kiệm mình có để giúp quân đội trong cuộc kháng chiến chống Nga năm 1904. Trịnh Đình Rư, có thể nói, giống như Phan Bội Châu, đã mở ra cho độc giả nữ những hướng mới trong khả năng can thiệp và gia nhập các không gian xã hội, vượt ra khỏi những công việc nội trợ đặc trưng của không gian gia đình.
Sau những đối đầu bạo lực vào khoảng 1930-1931, các nhà cầm quyền Pháp cùng những cộng sự Việt đã cố gắng bác bỏ những lập luận của Trịnh Đình Rư và Phan Bội Châu. Chẳng hạn, trong một bài giảng dành cho lớp đệ tam và đệ tứ với đối tượng học sinh là nữ giới, Vũ Như Lâm lập luận rằng mỗi quốc gia đều lấy gia đình làm nền tảng. Bất cứ một người con gái nào yêu “nhà” thì đương nhiên cũng yêu “nước”, và nếu không vâng lời cha mẹ, sao có thể tuân thủ được theo đúng luật lệ của nhà nước. Những luận điệu nam quyền nhân danh nữ giới ấy, một lần nữa, đặt ra đòi hỏi cấp thiết về sự lên tiếng của chủ thể nữ giới.
Hành động và tiếng nói của chủ thể nữ giới
Trong hoàn cảnh gần như vẫn chỉ có tiếng nói nam giới được quyền phát ngôn cho/thay độc giả nữ, một bước chuyển quan trọng diễn ra khi nữ giới bắt đầu ý thức được việc họ phải tự thành lập nên các tổ chức của riêng mình để tương trợ lẫn nhau, tự khẳng định vị thế, và giành quyền phát ngôn. Ban đầu, nữ giới chịu phụ thuộc khá nhiều vào các tổ chức hiện có. Chẳng hạn, một tổ chức danh giá là Hiệp hội Hỗ trợ Nghiên cứu Pháp đã từ chối không chấp nhận một ứng cử viên nữ trong số 145 thành viên ứng tuyển từ khoảng những năm 1908 đến 1929. Trong khi đó, thái độ nước đôi của nam giới thuộc giai cấp tư sản có thể được thấy rõ nét qua quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh khi ông đề xuất bộ luật xã hội, trong đó Điều 9 là “Không phân biệt đối xử nam nữ”; nhưng ngay sau đó lại tuyên bố rằng: tất cả phụ nữ, nếu muốn làm gì, đều phải xin phép và thông qua sự đồng ý của chồng (Dân đạo và Dân quyền, 1926).
Đòi hỏi phụ nữ phải có một tổ chức riêng để cất lên tiếng nói của chính họ gần như trở nên khẩn thiết. David Marr nhận ra một điều khá đáng ngạc nhiên là một trong những tổ chức phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam lại xuất hiện ở ngay tại trung tâm của truyền thống: kinh đô Huế. Đầu năm 1926, madame Nguyễn Khoa Tùng (thường được biết tới dưới bút danh Đạm Phương) cùng một số phụ nữ ở Huế và các vùng lân cận quanh kinh đô đã tham gia sáng lập “Nữ công học hội” Huế. Đến 28 tháng 6 năm 1926, hội đã tổ chức một buổi lễ ra mắt công khai trọng thể, với sự góp mặt và phát biểu của Phan Bội Châu như một thách thức với chính quyền thuộc địa (khi ấy ông vẫn đang trong diện bị kết án). Phan Bội Châu tán dương việc thành lập Hiệp hội và dẫn lại nhiều tiền đề tương tự ở Nhật Bản, Trung Quốc, Anh Quốc, Hoa Kỳ. Mặc dù ban đầu ông được yêu cầu phát biểu về vấn đề đạo đức, Phan Bội Châu tập trung hơn cả đến sự kết hợp uyển chuyển các giá trị truyền thống và hiện đại, cùng sự tiếp thu có chọn lọc những chuẩn mực hành vi của cả phương Đông lẫn phương Tây. Có thể nói, trong tình thế này, với những đòi hỏi sống còn về sự tồn tại của quốc gia, Việt Nam cũng như phụ nữ Việt không có lựa chọn nào khác ngoài thay đổi. Không chỉ một lần Phan Bội Châu nhấn mạnh rằng việc duy trì một tổ chức như “Nữ công học hội” là điều không mấy dễ dàng và hoàn toàn chưa có bất cứ một tiền lệ nào ở một xã hội như Việt Nam. Cuối cùng, một ẩn dụ dụng công được Phan Bội Châu đưa ra khi ông chỉ vào chiếc bình cắm sen trước mặt và nói rằng, sẽ tốt thôi nếu những bông sen “phương Đông” nhận được chút nào nguồn nước mát lành của “phương Tây”. Dù vậy, việc có hay không nguồn nước “phương Tây” không ảnh hưởng gì đến sự sống còn của những bông hoa ấy; thay vào đó, nếu nhìn rộng ra, sẽ thấy đó không phải là những bông sen tự do hít khí trời mà là những đoá hoa bị cầm tù trong những chiếc bình nhân tạo. Chính hoàn cảnh ấy, chứ không phải là vấn đề nguồn nước nào, mới là nguyên nhân đưa tới nỗi khổ ở nữ giới.
Cùng với sự ra đời “giữa lòng tăm tối” (cách nói hình tượng của David Marr về sự xuất hiện ngay giữa kinh đô – trung tâm truyền thống) của “Nữ công học hội” là sự xuất hiện mỗi lúc một nhiều những tiếng nói công khai của Đạm Phương cùng các hội viên khác trên báo chí thời bấy giờ (Nữ công thường thức, Phụ nữ gia đình, Giáo dục nhi đồng, Phụ nữ tùng san,…). Những cuộc đi diễn thuyết của Đạm Phương cùng việc khuyến khích sáng tác văn chương đã đưa đến sự hình thành của nhiều nhóm hoạt động văn học nghệ thuật quy mô nhỏ hơn ở khắp Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Cần Thơ, Gò Công. Sự xuất hiện của nhóm phụ nữ ở Gò Công, một khu vực nằm sâu trong đồng bằng sông Cửu Long, chính là một chiến lược đáng kể, mở ra khả năng tự do xuất bản những cuốn sách đặc biệt dành riêng cho nữ giới mà các hoạt động nơi kinh thành có thể bị cấm đoán, hạn chế. Cũng tại đây, nhà in Nữ Lưu Thơ Quán được thành lập, và đến năm 1929 đã có sáu đầu sách hoàn thành cùng mười đầu sách chuẩn bị lên khuôn. Các ấn phẩm phổ biến rộng rãi khắp Việt Nam, thậm chí, xuất hiện cả ở hai cửa hàng dành cho sinh viên tại Paris.
Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1920 – đầu thập niên 1930, cũng là thời điểm những cuộc phản kháng dân tộc và sự đấu tranh theo tư tưởng cộng sản bùng lên dữ dội, chính quyền thuộc địa kiên quyết không cho phép những đối thoại công khai như thế được quyền tiếp diễn. Không những thế, “Nữ công học hội” bị nghi ngờ là nơi tuyển dụng ngầm cho tổ chức cách mạng. Kéo theo đó là lệnh cấm xuất bản ấn phẩm của Trần Thị Như Mận, và hiệp hội bị buộc ngưng hoạt động tạm thời. Khi được phép hoạt động lại vào cuối năm 1930, Đạm Phương không còn được giữ chức hội trưởng, và tạp chí hội, dù được phép tái xuất bản, đã phải giới thiệu 91 công thức nấu ăn để thế chỗ cho những bài nghị luận chính trị xã hội như trước kia. Không những thế, bài luận duy nhất trên số tạp chí này lại gần như một đơn tố cáo việc nữ giới đua đòi học theo tư tưởng phương Tây khi lên tiếng đòi hỏi quyền tự do bình đẳng. Các nhóm phụ nữ khác mới được thành lập vào cuối thập niên 1920 đến lúc này cũng phải chịu một số phận tương tự. Các ấn phẩm của Gò Công bị cấm lưu hành, và biên tập viên Phan Thị Bạch Vân bị đưa ra tòa, bị buộc tội lợi dụng văn chương và tư tưởng để phá vỡ hòa bình và an ninh khu vực. Bà bị phạt 2.50 francs và tòa soạn bị đóng cửa vĩnh viễn. Các hội phụ nữ ở Đà Nẵng và Hội An cũng bị xóa sổ và chìm vào câm tiếng. Chỉ còn duy nhất Phụ nữ tân văn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến vài năm sau nữa. Hiện tượng lạ lùng này cũng được David Marr tập trung xem xét và lí giải.
Được thành lập tại Sài Gòn vào tháng 5 năm 1929 và xuất bản định kì hằng tuần, Phụ nữ tân văn báo hiệu một bước tiến mới trong sự thảo luận về các vấn đề xã hội nói chung cũng như về vai trò của ngưỡi phụ nữ Việt Nam nói riêng. Cuốn hút công chúng ở cả hai giới, Phụ nữ tân văn đóng vai trò trên hết như một “bãi thí nghiệm” cho những tư tưởng mới, từ những cuộc thi sắc đẹp cho đến thuyết duy vật biện chứng, từ nghệ thuật đồ họa (thiết kế quảng cáo, phim hoạt hình) đến những phóng sự tức thời về đời sống của nữ công nhân mỏ, phụ nữ làm nông, ăn mày, và gái điếm. Vì đối tượng công chúng không dừng ở một vài thành phần tinh hoa thiểu số mà là hàng chục ngàn thanh niên thanh nữ biết đọc biết viết, các bài báo trên Phụ nữ tân văn thường ngắn gọn, với vốn từ vựng phổ biến, và gửi gắm những thông điệp đơn giản, trực tiếp. Chỉ cần nhìn vào số lượng phát hành đã có thể thấy được tờ tuần báo này có lượng tiêu thụ lớn đến thế nào, với trung bình 8.500 ấn bản/một tuần trong vòng hai năm, và cuộc Đại suy thoái chỉ làm giảm số lượng xuống còn 5.000 bản/tuần, rồi giảm hơn nữa xuống con số 2500 cho tới khi cuối cùng bị đóng cửa theo lệnh của chính phủ vào tháng 12 năm 1934. Tuy nhiên, theo David Marr, chìa khóa làm nên sự thành công cho Phụ nữ tân văn là vấn đề thời gian. Bởi cho đến năm 1929, giới trí thức Việt Nam đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nữ giới.
Tuy nhiên, vì chưa tới thời điểm để có thể đi đến một sự đồng thuận trong quan điểm về vai trò của người phụ nữ Việt Nam ứng với từng bối cảnh xã hội lịch sử nhất định, Phụ nữ tân văn chỉ có thể dừng ở việc lựa chọn một tư thế chiết trung, đưa lên mặt báo gần như tất cả các ý kiến, không có độ chọn lọc; và đồng thời, gặt hái được lợi nhuận từ các cuộc tranh luận khi những tư tưởng trái chiều ấy va chạm nhau. Trong khoảng 1929-1934, một giai đoạn diễn ra nhiều cuộc đàn áp thuộc địa có hệ thống, gần như điều khiến Phụ nữ tân văn né tránh được mọi nguy cơ kiểm duyệt từ phía chính quyền là ở chủ trương “bất bạo động”, chú trọng cải cách văn hóa thay vì dự phần vào những hành động và tranh luận chính trị của chủ bút khi đó là madame Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh). Vậy vấn đề phụ nữ được đề cập và giải quyết trong Phụ nữ tân văn như thế nào? Lựa chọn một chủ trương ôn hòa về chính trị, một trong những nội dung chính của tờ tuần báo là cung cấp rất nhiều thông tin mới mẻ về và cho nữ giới, từ những vấn đề sát sườn và nghiêm trọng (như cách bảo vệ thai nhi, cách điều trị bệnh ở trẻ sơ sinh) đến kiến thức lịch sử và giải trí (đưa tin về một phụ nữ diễn xiếc có râu, hay sự suy đồi của phụ nữ hoàng tộc trong lịch sử). Dù vậy, chủ đề nổi bật nhất của Phụ nữ tân văn là việc cải cách giáo dục cùng những cơ hội học vấn mới cho nữ giới, cả chính thống và không chính thống. Tuy nhiên, về mặt tư tưởng, Phụ nữ tân văn vẫn khẳng định nghĩa vụ chính với mỗi người phụ nữ Việt là trách nhiệm với gia đình. Công việc nội trợ vẫn là chủ đạo, và những công việc văn hóa xã hội bên ngoài chỉ được công nhận sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của người làm vợ, làm mẹ. Không những thế, Phụ nữ tân văn vẫn giữ quan điểm phản đối tự do hôn nhân. Bởi thế, đúng như David Marr nhận ra, cho đến những số báo cuối cùng được xuất bản, dù đã mở rộng đối tượng độc giả xuống tầng lớp bình dân, Phụ nữ tân văn gần như chưa thể được coi là một cơ quan ngôn luận của và dành cho mọi người phụ nữ, mà chủ yếu vẫn là một tờ báo phục vụ đấu tranh xã hội nói chung. Dù vậy, thay vì những bài luận thuyết khô khan về giải phóng phụ nữ thông qua giáo dục, việc làm hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế… điểm thành công của Phụ nữ tân văn có lẽ là đã đưa lên mặt báo những câu chuyện và luận bàn lên án trực diện sự phân biệt giới tính, chế độ đa thê, thói đánh vợ, mê tín dị đoan; hay những tin tức đáng quan tâm về hạn chế sinh sản, chứng rối loạn tâm thần ở nữ giới, và hiện tượng tự sát trong một bộ phận thanh nữ Việt. Gần như chưa bao giờ yếu tố phương Tây được quảng bá dày đặc như thế trên mặt báo: lối sống tiêu dùng mang phong cách váy áo Paris, kem bôi mặt hiệu Radium, hình ảnh gây mê mẩn của những nữ phi công Mĩ, kể cả lời kêu gọi khuyến khích phụ nữ Việt học chơi quần vợt. Nói như Shawn McHale, trong giai đoạn này, “sự hưng khởi của văn hóa in ấn”, “một bầu khí quyển công cộng” được hình thành đã tạo điều kiện cho một không gian phát ngôn mở cho chủ thể nữ, cũng như cho những vấn đề vốn quá thường xuyên bị gạt ra bên lề (Shawn McHale, 2013). Tuy nhiên, theo phản biện của David Marr, chính lúc này, giới hạn cũng được đặt ra: Những truyền thống phương Tây được tuyên bố không phù hợp với Việt Nam là khiêu vũ, sơn móng tay, và các cuộc thi sắc đẹp. Bằng việc quảng cáo thường kì, Phụ nữ tân văn góp phần phổ biến “áo dài”, một sản phẩm thời trang sửa đổi phong cách từ trang phục truyền thống dành cho phụ nữ giai cấp thượng lưu trong xã hội cũ. Dù bị đóng cửa, với đối tượng độc giả đông đảo (vượt ra ngoài phạm vi tầng lớp trung-thượng lưu) cùng cách đặt vấn đề trực diện và đa dạng, tờ báo đã tạo cảm hứng cho những lên tiếng về quyền phụ nữ trong phong trào Mặt trận bình dân sau này (David Marr, 1984, tr.235-248).
Không phải ngẫu nhiên David Marr từ chối việc lựa chọn thuật ngữ “nữ quyền” để nói về những biến chuyển trong ý thức về vai trò và quyền phụ nữ trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Thay vào đó, ông dùng cách diễn đạt “vấn đề phụ nữ” (the question of women) để đi vào khảo sát một động hướng nhìn lại (hay ý thức lại) các vấn đề về nữ giới trong những năm đầu thế kỉ, như một nỗ lực phản biện nhưng cũng chưa hoàn toàn thoát ra khỏi sức trì néo của truyền thống. Đó là một hiện thực tất yếu mà một xã hội đã sống quá lâu trong truyền thống như Việt Nam phải đối mặt, nhưng cũng là một thách thức đáng kể để mọi giá trị cố hữu có cơ hội được đưa ra xét lại. Thái độ nước đôi với truyền thống (dù là ở chủ thể nam giới hay nữ giới) trong giai đoạn này, mà ở đây cụ thể là truyền thống quan niệm về phụ nữ, không gì khác, chính là biểu đạt rõ nét nhất cho tâm thế phương Đông trước những thách thức và đòi hỏi tất yếu phải thay đổi trong những va chạm đầu tiên với phương Tây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. David G. Marr (1971). Vietnamese Anticolonialism.1885-1925. Berkeley & Los Angels, Univ.of Calif. Press.
2. David G. Marr (1984). Vietnamese Tradition on Trial: 1920-1945. University of California Press.
3. Đặng Văn Bảy (2014). Nam nữ bình quyền. ĐH Hoa Sen & NXB Hồng Đức.
4. Lý Tế Xuyên (1960). Việt điện u linh. NXB Văn hóa. Dẫn theo Vietnamese Tradition on Trial (David Marr).
5. Nguyễn Duy Oanh (1974). Chân dung Phan Thanh Giản. Bộ Giáo dục, Saigon. Dẫn theo Vietnamese Tradition on Trial.
6. Phạm Quỳnh (1943). Thượng chi văn tập. Tập 1. Éditions Alexandre de Rhodes Hanoi. Dẫn theo Vietnamese Tradition on Trial.
7. Shawn McHale (2013). In ấn và quyền lực: Những tranh luận Việt Nam về địa vị của đàn bà trong xã hội, 1918 – 1934, (Hồ Liễu dịch). phebinhvanhoc.com.vn.
8. Trần Huy Liệu (1927). Một bầu tâm sự. Saigon. Dẫn theo Vietnamese Tradition on Trial.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề
Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay,
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1086 đến trang 1102)
Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)