Những “kỷ lục” giá trị lịch sử -văn hóa của chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư  TỐNG TRUNG TÍN
(Viện Khảo cổ học)

     Chùa Phật Tích (chùa Vạn Phúc) nằm ở phía Nam sườn núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha) thuộc xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đó là vị trí rất đẹp mà văn bia chùa (1686) từng ca ngợi: “Đoái trông có đất tốt Tiên Du, núi đẹp Phật Tích ứng thế ở phương Nam, núi Phượng Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang án đó ngưng lại vuông tròn, nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vòi vọi sáng loà”.

     Chùa là một trong những di tích lớn nổi tiếng thời Lý, còn lưu giữ được nhiều vết tích nghệ thuật Lý còn lại đến ngày nay. Tuy nhiên, các tài liệu ghi chép về chùa đều có niên đại khá muộn. Sớm nhất là tấm bia đá Vạn Phúc đại thiền tự bi trước sân chùa (nay đã bị vỡ) dựng năm 1686 cho biết: “Vua thứ 3 nhà Lý, năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư 1057, cất lên cây tháp quý ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn trăm thước ruộng, xây chùa chẵn một trăm toà”.

     Khoảng cuối thế kỷ 18, Tùng niên Phạm Đình Hổ viết: “Chùa Phật Tích ở núi Lạn Kha do vua Anh Tông nhà Lý dựng lên, cung son điện vẽ san sát trong núi”.

     Như vậy các tài liệu trên đây đã cho biết vào khoảng năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã xây chùa, tháp và pho tượng đá với quy mô thật là to lớn. Tấm bia năm 1686 còn miêu tả chi tiết hơn về chùa Phật Tích thời Lý: “Trên đỉnh núi mở ra một toà nhà đá, cấp trong điền tự sáng như ngọn lưu ly, điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại lớn. Trên thềm bậc đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao, cung Quảng vẽ hoa nhị hồng…”.

     Đáng tiếc các cảnh tượng đó chỉ còn là những mô tả trong văn bia. Vào thời điểm dựng tấm bia này, chùa Phật Tích đã được trùng tu và kể từ đó liên tục được tu bổ cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Trước năm 1954, trước khi chùa bị huỷ hoại hoàn toàn, chùa Phật Tích vẫn còn 61 gian với nhiều thành phần: Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện, Hậu đường, hành lang, miếu thờ, nhà tổ và 32 ngọn tháp mộ có niên đại từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

     Chắc chắn đó không phải là hình ảnh chùa Phật Tích thời Lý như dân gian lưu truyền có tới 300 nhà (tam bách ốc) và cây tháp cao ngàn trượng.

     Ngay tại di tích này vẫn còn lại những tầng nền đá lớn và nhiều di vật điều khắc có phong cách thời Lý. Đặc biệt năm 1937 – 1940, một số cuộc khai quật khảo cổ học nhân đợt trùng tu chùa của trường Viễn Đông Bác Cổ, học giả Pháp là L.Bezacier đã tìm thấy được vết tích móng nền của cây tháp và nhiều di vật quý. Đáng chú ý có những viên gạch ghi niên đại: “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo” (1065).

     Các niên đại trên gạch xây đều thống nhất với niên đại Lý của chùa ghi trong văn bia và thư tịch cổ vừa dẫn ở trên. Niên đại trên gạch gợi ý đến ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1066, vua Lý Thánh Tông xây tháp núi Tiên Du” (1285).

     Như vậy, chùa và tháp Phật Tích được xây dựng trong một thời gian khá dài, ít nhất là khoảng 10 năm (1057 – 1066). Trải bao năm tháng thăng trầm, các di tích, di vật của chùa còn lại rất ít. Tuy nhiên, những di tích, di vật đó lại giữ những “kỷ lục” về giá trị lịch sử – văn hóa trong kho tàng nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

1. Chùa Phật Tích có các tầng nền kiến trúc chùa to lớn vào bậc nhất trong các chùa thời Lý với những di tích kiến trúc độc đáo.

     Như trên đã trình bày, chùa Phật Tích được xây dựng ở một vị trí rất đẹp ở sườn phía Nam của núi Lạn Kha. Để có mặt bằng dựng chùa, người thời Lý đã san bạt núi thành bốn bậc cấp cao dần từ chân núi lên trên. Dấu vết các tầng nền này còn rất rõ:

     – Tầng nền thứ nhất, nằm ngang với mặt bằng của đường làng (và cũng là đường lên chùa) hiện nay. Vết tích của tầng nền này chỉ còn sót lại một số tảng đá kè bó nền. Trên tầng nền này có hai chiếc ao hình chữ nhật.

     – Tầng nền thứ hai, dài 58m, cao 3,70m. Chính giữa tầng nền có một con đường đá rộng 5m với 80 bậc cấp. Toàn bộ tường nền được kè bó bằng các khối đá lớn hình khối chữ nhật được gia công khá nhẵn chồng xếp lên nhau. Trên tầng nền này hiện nay không còn vết tích kiến trúc gì. Theo nhân dân kể lại thì trước đây, tầng nền này có trồng hoa mẫu đơn để hàng năm mở hội hoa xuân.

     Tuy nhiên, có thể đoán ở đây là nơi có dấu tích chùa Phật Tích thời Lý vì có một đôi chỗ do đào xới ngẫu nhiên, khảo cổ học đã thấy dấu vết của các móng trụ sỏi thời Lý.

     – Tầng nền thứ ba, dài 58m, rộng 62m, cao 5m. Vật liệu xây dựng tầng nền này tương tự như các tầng trên: toàn bộ được kè bó bằng các khối đá lớn hình khối hộp chữ nhật.

     Chính giữa tầng nền có mở một đường đi có kè đá để lên chùa. Hai bên con đường đi này có hai dãy tượng thú đá (xem phần điêu khắc ở phần tiếp theo).

     Trên tầng nền này, các vết tích vật chất còn lại cho thấy đây là vị trí xây dựng các kiến trúc quan trọng của chùa trong suốt ngàn năm qua như:

     + Các vết tích kiến trúc thời Lý.

     + Vết tích chùa Phật Tích được trùng tu vào thế kỷ 17.

     + Ngôi chùa nhỏ mới xây gần đây.

     Các tài liệu của kỹ sư Pháp L.Bezacier cho biết: năm 1937 – 1940, nhân dịp trùng tu toà Thượng điện, ông đã khai quật phần nền tháp và tìm thấy một số bức chạm đá, đất nung và những viên gạch xây có niên đại 1057.

     Năm 2008 – 2009, việc đào móng phục hồi chùa Phật Tích đã làm xuất lộ lại móng tháp này và được khảo cổ học nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

      Móng tháp dày 1,87m, từ độ sâu 9,60m đến 11,47m được gia cố bằng sỏi và đất sét với kỹ thuật đầm nện rất chắc chắn tương tự như cách gia cố móng trụ sỏi ở Hoàng thành Thăng Long. Trên phần móng sỏi là lớp móng gạch và đế hình vuông (9,24m x 9,18m), dày 2,50m, các góc móng được xây xếp uốn cong lên theo kiểu ao đình. Nếu chỉ so các móng gạch xây tháp thì móng tháp Phật Tích cũng là một kỷ lục về độ kiên cố.

     – Tầng nền thứ tư: dài khoảng 60m, cao 3,50m. Tường bao của tầng nền này cũng tương tự như các tầng nền dưới.

     Lối lên tầng nền được mở về hai bên cạnh rộng 1,65m với 10 bậc cấp lát đá. Từ thế kỷ 17, tầng nền này là nơi xây các tháp mộ của các sư tăng của chùa. Vết tích nghệ thuật Lý duy nhất còn lại là một ao rồng hình chữ nhật (Long Trì) cách mép nền 14,30m, sâu 2m, dài 7m, rộng 5m. Ao cũng được kè bó bằng đá tảng, có 13 bậc cấp đi xuống rộng 2m được lát bằng đá xanh. Toàn bộ lòng giếng được lát đá và chạm nổi hình một con rồng cuộn mang phong cách thời Lý. Giếng Rồng thời Lý cũng là một tác phẩm duy nhất hiện thấy ở nước ta.

2. Chùa Phật Tích là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo nhất thời Lý

     Trang trí kiến trúc được thể hiện trên vật liệu đất nung và đá, nhưng phong phú nhất là đá. Đá được sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau: đá xây cửa tháp, vòm tháp, đấu kê, đá xây tường, chân tảng… Tuỳ theo mỗi vị trí của kiến trúc có những đề tài trang trí khác nhau. Tất cả các hình trang trí đều được chạm nổi phù điêu ở mặt ngoài. Có một số vị trí chạm thành các tượng tròn. Ở đây tôi chỉ kể những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất thời Lý duy nhất chỉ thấy ở Phật Tích.

     – Bức chạm Hộ Pháp (Lokàpàlà) duy nhất ở Việt Nam thời Lý

     Hộ Pháp cũng là vị thần hộ vệ Phật pháp. Về vị trí, Hộ Pháp thường được bố trí ở ngoài cùng như Tam quan, Tiền đường. Ở chùa Phật Tích tìm thấy một pho tường bằng đá nhưng chưa rõ được đặt ở đâu.

     Khác với tư thế đứng nghiêm của Kim Cương, Hộ Pháp ở chùa Phật Tích hơi nghiêng về phía trước, mình hơi vặn, hông lệch, chân choãi với một cơ thể rất cường tráng. Khuôn mặt của Hộ Pháp rắn rỏi và có phần hơi gân guốc, cằm vuông, má hơi gồ, mắt xếch, lông mày rộng, mũ nổi cao, mồm rộng mím chặt.

     Võ phục của Hộ Pháp khá giản đơn: đầu đội vành mũ tròn (sau mũ có hoa tròn), tóc giắt dưới vành mũ, toàn thân một tấm áo choàng rộng chùm kín người, các nếp gấp lớn, mềm tạo thế bay dạt về phía sau. Quần bó sát chân, giầy mũi cong, dây lưng mềm thắt chặt. Đây là bức chạm Hộ Pháp duy nhất tìm được dưới thời Lý.

     – Chân tảng đá hoa sen chạm dàn nhạc (Ghandharvà) duy nhất ở Việt Nam

     Đã tìm thấy tất cả 5 chân tảng đá. Tất cả các chân tảng đều tương tự như nhau về hình dáng, kích thước và trang trí: hình khối vuông (74cm x74cm x 3cm).

     Mặt chân tảng chạm thành hình hoa sen tròn có gương sen tròn đường kính 50cm. Phần gương sen tròn là nơi đặt cột. Xung quanh gương sen có 16 cánh sen toả ra, xen giữa có 16 mũi sen phụ. Trong lòng cánh sen đều có chạm đôi rồng chầu.

     Đặc biệt trên bốn mặt đứng của mỗi chân tảng, đều có chạm 4 dàn nhạc, mỗi dàn có 10 nhạc công tương tự như nhau cả về bố cục, tư thế và phục sức.

     Về mặt bố cục, ở chính giữa dàn nhạc có một hình “lá đề” được thể hiện bằng các hình dấu hỏi và 3 bông hoa cúc. Mỗi bên lá đề đều có 5 nhạc công đối xứng hướng về phía hình lá đề vừa nhảy múa vừa tấu nhạc. Điệu nhảy của các nhạc công là điệu Tam gấp (Tribhanga): phần thân thẳng đứng, một chân chống thẳng xuống dưới, một chân co gập về phía trước, phần đầu ngả vuông góc với phần thân. Nhìn chung các nhạc công đều có thân hình thon thả, khuôn mặt trái xoan, phục sức cầu kỳ với những lớp xiêm y mềm mại, vành mũ kết hoa, tóc dài uốn bồng cao, quanh người có các dải lụa mềm uốn lượn.

     Về nhạc cụ tính từ trái sang phải gồm có: trống to (người thứ nhất), nhị (người thứ hai), sao ngang (người thứ ba), đàn nhiều dây (người thứ tư), người thứ năm chưa rõ loại nhạc cụ, phách (người thứ sáu), đàn tì bà (người thứ bảy), tiêu dọc (người thứ tám), đàn nguyệt (người thứ chín), trống cơm (người thứ mười).

     Đây là những bức trang chạm nhạc công hoàn chỉnh nhất và cũng là duy nhất trong thời Lý và thời Trần.

     – Hàng tượng linh thú duy nhất trong nghệ thuật trang trí chùa tháp ở Việt Nam.

     Hàng tượng thú trang trí trước tầng nền thứ hai. Trước tầng nền thứ hai có trang trí mười con thú gồm: sư tử, voi, “tê giác”, trâu, ngựa đối xứng từng đôi qua lối lên chùa.

     Về hình thức, các tường đều được tạc bằng đá liền khối bao gồm hai phần: phần bệ hoa sen và tượng.

     Bệ hoa sen hình khối hộp chữ nhật (1,60m x 1,12m x 0,75m). Mặt bệ có chạm hai lớp cánh sen. Giữa bệ co lại có chạm các con vật đang nối tiếp nhau bước đi.

     Trước mặt bệ, các hình thú đều có hình khối tròn mập. Đặc trưng của từng con vật được diễn đạt rất sinh động. Sư tử có phần bờm rộng xoáy ốc, toàn thân phủ hoa tròn cánh xoáy, tư thế ngồi xổm, mặt hướng về phía đường đi. Voi có vòi dài, đầu hướng thẳng về phía trước. “Tê giác” có phần đầu hơi thuôn nhìn chếch lên trên. Ngựa có bờm mượt, trâu có sừng và tai (đã bị gãy), ngoảnh đầu nhìn vào phía trong.

     – Pho tượng đá lớn nhất, đẹp nhất và có niên đại sớm nhất thời Lý.

     Tượng Phật, văn bia, thư tịch cổ đều cho biết ở chùa Phật Tích có pho tượng lớn, mình vàng.

     Tượng cao 1,82m, ngang gối rộng 1,40m. Nếu tính cả bệ thì toàn bộ pho tượng cao 2,72m. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên đài sen, hai chân khoanh xếp bằng tròn, hai bàn tay xếp chồng lên nhau đặt ngay ngắn trước lòng, hai đầu ngón tay cái chạm nhau theo thế “Định ấn”. Thân tượng thon thả, cân đối, vai nở, bụng thon, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, vầng trán thanh tú, sống mũi cao, khối u (Uniça) trên đỉnh đầu nổi cao, tóc xoắn ốc.

     Áo cà sa của Đức Phật được thể hiện thành nhiều nếp gấp mềm mại.

     Phần bệ gồm có đài sen có hai lớp cánh sen chạm rồng và phần bệ bát giác. Riêng phần bệ bát giác được chia thành nhiều bậc cấp. Ba bậc cấp trên được chạm rồng trên các mặt đứng (MH2), hoa cúc trên các mặt nằm. Các bậc cấp dưới cùng đều chạm hoa văn sóng nước hình “nấm”.

     Ở Việt Nam trong thời Lý còn có 3 pho tượng đá khác. Đó là tượng Phật chùa Hoàng Kim (Hà Nội) có niên đại 1099 và tượng Phật tháp Chương Sơn (Nam Định) có niên đại 1108 – 1117) và chùa Huỳnh Cung (Hà Nội). Tuy nhiên không có pho tượng nào có thể so sánh được với tượng chùa Phật Tích về kích thước, độ hoàn hảo của mỹ thuật và hơn thế lại có niên đại sớm nhất thời Lý.

     Bấy nhiêu “Kỷ lục” của chùa Phật Tích, có thể nghĩ rằng chùa Phật Tích là ngôi chùa có giá trị bậc nhất trong kho tàng nghệ thuật chùa tháp Việt Nam thời Lý.

Nguồn: Viện nghiên cứu phật học phối hợp Trường Đại học Mỹ thuật tổ chức
Hội thảo Khoa học: “Phật tích trong tiến trình lịch sử” tại Chùa Phật Tích, 10/05/2011

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Những “kỷ lục” giá trị lịch sử -văn hóa của chùa Phật Tích (Bắc Ninh)
– Tác giả: PGS Tống Trung Tín