NỖI SỢ nhìn từ LOẠI HÌNH VĂN HÓA GIỚI (Trường hợp NỖI SỢ ở NAM GIỚI) – Phần 1

TRẦN DUY KHƯƠNG
(Trường Đại học Thủ Dầu Một, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Sợ là dạng cảm xúc phổ quát của con người. Tuy vậy, tùy vào những điều kiện vùng miền, địa vị xã hội, lứa tuổi… khác nhau mà nỗi sợ sẽ có biểu hiện khác nhau; trong đó, sự khác biệt giới tính sẽ mang lại cho nam giới và nữ giới những nỗi sợ riêng biệt. Từ lí thuyết loại hình văn hóa, bài viết đi đến kết luận: Khác với nỗi sợ mang tính âm ở nữ giới, nam giới có nỗi sợ mang bản tính dương. Nỗi sợ này tích cực tác động vào quá trình vận hành xã hội, tạo nên sự phát triển không ngừng cho con người.

Từ khóa: giới tính; loại hình văn hóa; nam giới; phát triển xã hội; sợ.

1. Giới thiệu chung

     Sợ là một trạng thái cảm xúc mang tính phổ quát của con người. Cũng như những cảm xúc khác, sợ luôn có vai trò nhất định trong cuộc sống. Tuy vậy, do thường bị cho là gắn liền với sự thất bại, sự chậm tiến nên nỗi sợ ít được nhìn nhận thấu đáo về giá trị tích cực của nó trong cuộc sống, đặc biệt là khi nhìn nhận từ phương diện văn hóa giới. Trong bài viết này, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu ở nỗi sợ của nam giới, từ đó tập trung làm rõ hai vấn đề như sau: nỗi sợ ở nam giới khác gì so với nỗi sợ ở nữ giới; nỗi sợ ở nam giới có đóng góp như thế nào trong sự phát triển xã hội.

     Trên thực tế, việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa nỗi sợ với giới tính nói chung và nỗi sợ ở nam giới nói riêng đã được đề cập nhiều ở những công trình nghiên cứu về tâm lí và bệnh lí, ở những nghiên cứu này, sợ được xem là một trạng thái tiêu cực đơn thuần của con người. Ở những nghiên cứu về văn hóa xã hội, nỗi sợ tuy được nhắc đến nhưng vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt là chưa đề cập sâu về bản chất và vai trò của nỗi sợ ở nam giới. Chẳng hạn như trong quyển Sự thống trị của nam giới, khi nghiên cứu về vai trò của người đàn ông trong xã hội, Bourdieu (2017) đã gián tiếp nhìn nhận về nỗi sợ bị đánh mất vị thế ở nam giới. Hoặc như, khi nghiên cứu về tình trạng hiếp dâm, McKibbin và các cộng sự (2008) đã chỉ ra rằng, nỗi sợ bị yếu thế chính là động cơ chủ đạo khiến nam giới gây ra các vụ hiếp dâm. Tuy nhiên, phạm trù nỗi sợ ở nam giới được nhắc đến trong các công trình này đa phần chưa phải là đối tượng nghiên cứu chính. Do vậy, việc chỉ ra được bản chất và vai trò của nỗi sợ ở nam giới là một điều cần thiết để nhìn nhận khách quan về trạng thái cảm xúc này, đặc biệt là khi đặt nó trong quá trình vận hành và phát triển xã hội.

     Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp loại hình trong quá trình triển khai nội dung bài viết. Theo Trần Ngọc Thêm, loại hình là “chùm đặc trưng cần và đủ cho phép khu biệt một nhóm phân loại với các nhóm phân loại còn lại” (Tran, 2013, p.83; 2016, p.126). Không chỉ vận dụng vào nghiên cứu các nền văn hóa, phương pháp loại hình còn được sử dụng hữu hiệu để nghiên cứu các đối tượng văn hóa cụ thể, điển hình như nỗi sợ ở nam giới. Trong bài viết này, chúng tôi đi tìm bản chất, vai trò của nỗi sợ ở nam giới trong so sánh với các chủ thể khác (điển hình là so với nữ giới và với cộng đồng nói chung), từ đó xác định loại hình nỗi sợ ở nam giới.

2. Khái quát về nỗi sợ

     Sợ là một trong những trạng thái tâm lí rất phổ biến ở con người trong quá trình sinh tồn và phát triển. Những nhận định về sợ từ các từ điển bách khoa, từ điển tâm lí học, từ điển ngôn ngữ… thường cho rằng, sợ là trạng thái tâm lí xuất hiện khi đối mặt với các hiện tượng gây nguy hại. Nếu xét ở một thời điểm nhất định thì sợ là trạng thái tâm lí xuất hiện khi con người nhận thức ra hoặc đối mặt với mối nguy hiểm hoặc một uy lực nào đó vượt quá phạm vi kiểm soát của bản thân, nhưng nếu xét theo quá trình thì sợ là kết quả của những trải nghiệm khi đối mặt với những mối nguy hiểm từ trong quá khứ. Có nghĩa là, trong một đời người, sự tăng dần lên của số tuổi cũng tỉ lệ thuận với những nỗi sợ tích tụ trong mỗi bản thân. Nếu chiếu vào lịch sử của nhân loại, sự tiến hóa của loài người cũng đồng hành cùng với những nỗi sợ trong cuộc sống.

     Trong đời sống, nỗi sợ mang lại những chiều hướng tác động khác nhau cho con người, đặc biệt là khi đặt nỗi sợ đó vào các tọa độ văn hóa khác nhau. Ví dụ như việc lo sợ bản thân bị yếu thế trước người khác một mặt sẽ khiến con người phấn đấu tìm mọi cách để có thể vượt lên người khác (chiều hướng tích cực), nhưng sau đó, họ sẽ trở nên đa nghi, chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương hơn khi gặp phải những bất trắc (chiều hướng tiêu cực). Ngược lại, sự thành công quá sớm hoặc quá lớn có thể sẽ gây ra sự chủ quan ở đa số người, sự tự tin này có thể khiến họ dễ dàng bị rơi vào sự khốn cùng (chiều hướng tiêu cực), nhưng để có thể tiếp tục tồn tại, họ lại học cách biết sợ và vượt qua nỗi sợ bằng hành động (chiều hướng tích cực). Như vậy, vòng đời con người sẽ luôn là một vòng tuần hoàn giữa thành công và thất bại, đó cũng chính là vòng tuần hoàn giữa nỗi sợ và sự tự tin. Một khi vòng tuần hoàn giữa hai chiều hướng này bị phá vỡ, con người sẽ đi vào con đường cụt và sẽ nhanh chóng bị tàn diệt.

     Tuy nhiên, xét về bản chất, bất kì nỗi sợ nào cũng đều có những tác động vào sự vận động của xã hội. Song song với việc gây nên những xáo trộn tiêu cực trong tâm sinh lí của con người, những nỗi sợ hợp lí cũng trở thành một trong những tác nhân quan trọng kích thích sự nỗ lực của từng cá nhân, còn những nỗi sợ bất hợp lí sẽ bị điều chỉnh dần dần và bị thay thế bằng nỗi sợ khác, từ đó, xã hội sẽ liên tục được tiến hóa. Khi xã hội phát triển đến một chặng mới, những nỗi sợ mới lại xuất hiện và tiếp tục kích thích sự vận động của xã hội. Do vậy, Wang Fuzi nhận định: “Có sợ thì mới có phát triển, ấy mới gọi là ‘sống trong lo sợ, chết trong an lạc’ (生於憂患,死於安樂)” (Wang, 2008).

     Như vậy, nỗi sợ tuy mang đến cả những hệ quả tiêu cực lẫn tích cực, nhưng đó lại là một trong những dạng cảm xúc thiết yếu nhất của con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, sợ luôn là một tác nhân quan trọng trong quá trình vận hành và phát triển của xã hội.

3. Văn hóa giới và sự phân định thuộc tính giới

     Giới tính là đối tượng được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu xã hội học khi nghiên cứu sự vận động của xã hội trong quan hệ với sự nhìn nhận về vai trò của nam và nữ. Trong khi đó, văn hóa giới (性別文化, tức văn hóa giới tính) lại được chú ý khi nghiên cứu về đặc trưng văn hóa trong quan hệ với sự nhìn nhận về vai trò của nam và nữ. Trong bài viết về xây dựng văn hóa giới tính, Yuan Ling Er chỉ ra rằng, văn hóa giới là khái niệm dùng để chỉ nền văn hóa mà ở đó có điều kiện lợi cho bình đẳng giới, cho sự tồn tại, phát triển công bằng và hài hòa nhằm tương thích với sự phát triển của xã hội (Yuan, 2011). Tuy vậy, cách hiểu này còn khá nghiêng về hướng nghiên cứu xã hội hơn là văn hóa. Trong khi đó, trang Baike định nghĩa như sau: “Văn hóa giới là quan niệm và cách nhìn nhận của xã hội đối với giới tính nam, giới tính nữ cùng với mối quan hệ giữa chúng, cũng như những quy tắc và kết cấu giới tính nhằm thích ứng với quan niệm và cách nhìn nhận ấy” (Baike, 2019). Cách lí giải này cũng tương tự như cách nhận định của các nhà nghiên cứu về vai trò nữ giới trong lĩnh vực tình dục và văn hóa, như Starowicz (2008)1, như Liu, Carl, & Gao (2014, p.74)2… Tuy nhiên, những cách lí giải này chưa đi đến sự phân loại đặc trưng văn hóa cho từng nhóm giới tính.

     Ở phụ nữ, do estrogen quyết định kiểu nhân dáng nữ (ít cơ bắp, xương nhỏ), khiến ngay từ thời kì đầu của loài người, thế mạnh của phụ nữ là làm những việc cần đến sự khéo léo, bền sức (hái lượm, làm việc nhà, nuôi dạy con cái). Việc quán xuyến gia đình đã khiến cho phụ nữ quan tâm nhiều đến những tiểu tiết, nhạy cảm trước sự thay đổi nhỏ nhặt trong đời sống gia đình, từ đó dễ bộc lộ cảm xúc, sống bằng tình cảm nhiều hơn. Trong khi đó, testosterone ở nam giới lại quyết định kiểu nhân dáng nam (nhiều cơ bắp, xương to), nên họ được phân công làm những việc cần đến sức mạnh (săn bắt, cày cuốc…), cũng như vận động nhiều hơn trong xã hội để thể hiện vai trò cho mình3. Việc tập trung vào mục tiêu đảm bảo đời sống vật chất cho gia đình đã khiến cho nam giới quan tâm nhiều hơn đến việc phân tích vấn đề bằng lí trí, giải quyết bằng sức mạnh, từ đó hình thành nên những quy ước và giềng mối xã hội, tạo nên những cột mốc của lịch sử.

     Sự phân định thuộc tính giới tính không chỉ có ý nghĩa trong sự quy ước trật tự xã hội loài người, mà nó vốn được phản chiếu từ sự quy ước trật tự trong tự nhiên, tương tự như sự phân định bản chất giữa trời và đất, giữa sáng và tối…, tức là giữa thuộc tính dương và thuộc tính âm4.

     Đi từ lí thuyết này, chúng ta có thể tạm thời đưa ra nhận định như sau: Vì trật tự giới tính (thể hiện qua thuộc tính giới tính và hành vi giới tính) hầu như đã được phân định một cách tự nhiên ngay từ ban đầu, nên từ trong vô thức, mỗi nhóm giới tính cũng đều tự tìm cách bảo vệ đặc trưng giới tính của mình. Thậm chí, nhằm đoạn tuyệt những biểu hiện không thuần chất về giới tính, ở nam giới còn có tục cắt bao quy đầu và nữ giới có tục cắt âm vật.

     Khi đã được cộng đồng thừa nhận về giới tính, cả hai giới sẽ gánh lấy những nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện những nhiệm vụ ấy trong cuộc sống cũng trở thành một dạng thói quen, đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng đồng thời là vinh quang. Do vậy, con người luôn sẽ có xu hướng lo sợ bản thân không gánh được trách nhiệm tương ứng với trật tự giới tính của mình, cũng như luôn có thái độ đề phòng trường hợp bị người khác mạo phạm, hạ thấp và đặc biệt là bị tước đoạt phần danh dự tương ứng với trật tự giới tính đó5.

     Trong thực tế, giới tính có thể được phân chia thành ba loại lớn: giới tính nữ, giới tính nam và giới tính trung gian. Những đối tượng lần lượt mang thuộc tính giới tính nam, thuộc tính giới tính nữ và thuộc tính giới tính trung gian đều được đặt trong một trật tự giới tính nhất định, họ luôn có những nỗi sợ nhất định trong mối quan hệ chằng chịt của xã hội.

     Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ nỗi sợ ở nam giới, để từ đó xác định loại hình nỗi sợ ở nam giới đóng vai trò như thế nào trong quá trình phát triển của con người.

4. Vai trò của nam giới trong trật tự giới tính

     Trong thế giới các loài động vật, phần đông những loài phát triển phức tạp thì con đực thường phải dùng đến trí và lực để cạnh tranh với những con đực khác nhằm giành quyền giao phối, giành quyền quản lí nhóm. Chỉ ở một ít loài động vật, con cái là kẻ thống trị (ong chúa, mối chúa…). Do vậy, ở hầu hết các loài động vật thì con cái thường chỉ có chức năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con (phát triển trong giai đoạn ngắn hạn, quy mô nhỏ), trong khi con đực lại có trách nhiệm bảo đảm cho sự phát triển không chỉ đối với con cái và con nhỏ mà còn có trách nhiệm đảm bảo sự phát triển của cả nhóm lớn. Ở loài người, trách nhiệm của người đàn ông còn nằm ở sự phát triển của cả cộng đồng. Do vậy, ở các loài động vật phức tạp nói chung và ở loài người nói riêng, trật tự xã hội dường như được định hình trên cơ sở mặc nhiên thừa nhận sức mạnh của con đực, của nam giới6. Khi nghiên cứu về vai trò của nam giới trong xã hội, Bourdieu cho rằng: sự phân chia lao động theo giới, sự phân phối nghiêm ngặt các hoạt động được thuận cho mỗi giới, sự phân phối các nơi chốn, các thời điểm, các phương tiện dành cho mỗi giới… vốn được thiết lập trên cơ sở của trật tự xã hội mà ở đó, cỗ máy tượng trưng lớn lao này được vận hành “nhằm phê chuẩn sự thống trị của nam giới” ở trong không gian lẫn trong thời gian (Bourdieu, 2017, p.9).

     Tuy vậy, trật tự xã hội này sẽ không được bảo đảm nếu các nhóm giới tính không bảo toàn được uy thế của mình, đặc biệt là ở nam giới. Một khi không gánh vác được trách nhiệm của mình, nam giới sẽ bị khủng hoảng, từ đó sản sinh nên cảm giác sợ hãi trước những đối tượng khác, cụ thể là trước nữ giới nói riêng và với cả cộng đồng nói chung

__________
1 Starowicz dẫn lại ý của J. Svang khi cho rằng, đặc điểm phổ cập của các hình thức gia trưởng phụ quyền và ưu thế nam giới trong quan hệ giới tính bắt nguồn từ chế độ nguyên thủy. Theo đó, sự phân biệt thể chất (đặc biệt là trong chiến tranh) đã xác định quyền lực của nam giới, trong khi đó, người phụ nữ trở thành công cụ của đàn ông. Ở một số nơi khi sức mạnh không giữ vị trí hàng đầu thì quyền lực mới thuộc về đàn bà, nhưng những nơi này dần dần sẽ thay đổi để đáp ứng xu thế phát triển chung của loài người.

2 Liu, Carl, & Gao cho rằng, nữ giới hoàn toàn không chỉ là đối tượng phụ thuộc trong văn hóa, mà nữ giới còn là sản phẩm của những mối quan hệ lịch sử xã hội. Có nghĩa rằng, phạm trù nữ giới được hiểu là một thực tiễn chính trị và xã hội được tạo ra theo thời gian và tái sản xuất vô thời hạn theo thời gian.

3 Ngay cả trong những nền văn hóa mẫu hệ hiện nay, tuy người phụ nữ vẫn có uy tín cao và được trọng vọng, nhưng nam giới vẫn là người có tầm quan trọng trong những việc săn bắn, tham gia chiến đấu; hoặc đôi khi, quyền của người mẹ được chuyển vị trí sang người cậu (dấu hiệu của giai đoạn chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ). Chính vì vậy, “không phải mẫu hệ thì có mẫu quyền” (Luong, 2005, p.21). Hơn nữa, theo quy luật chung, những xã hội do phụ nữ quản lí thường chỉ đảm bảo được sự tồn vong của họ trong một quy mô nhỏ (thị tộc, bộ tộc), cho nên đa số các xã hội theo chế độ mẫu hệ thường tập trung ở những cộng đồng chậm phát triển.

4 Xem thêm Bourdieu (2017, p.4-5).

5 Trong đời sống, để khinh miệt người đàn ông, người ta dùng biểu tượng của người đàn bà hoặc ngay chính đàn bà để gán cho người đàn ông, ví dụ như người Việt Nam nói “đàn ông mặc váy”, “lão đàn bà”… để chỉ người đó là đàn ông nhưng mang thuộc tính/tính cách là đàn bà.

6 Trong thực tế, loài người đã từng trải qua một thời kì quần cư và theo chế độ mẫu hệ: người phụ nữ quản lí và phân chia thức ăn hàng ngày cho các thành viên trong thị tộc. Trong hôn nhân, người phụ nữ giữ quyền chủ động, con cái sinh ra chỉ biết mẹ và theo họ mẹ (xem Buon Krong, 2017). Tuy nhiên, theo xu thế của sự phát triển, con người dần dần mở rộng địa bàn cư trú, mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp thêm, người phụ nữ ngày càng yếu thế hơn trong việc quản lí cộng đồng (đặc biệt là khi chiến tranh bộ tộc, bộ lạc xảy ra), cho nên, quyền quyết định dần dần rơi vào tay nam giới. Ở khu vực Đông Nam Á, vùng đảo Thái Bình Dương, một số nơi ở châu Phi, dấu vết chế độ mẫu hệ còn khá đậm nét, đặc biệt là ở những tộc người thiểu số ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chính vì bảo lưu chế độ mẫu hệ nên những khu vực này tương đối chậm phát triển, cư dân thường nghèo đói và không có đủ điều kiện của đời sống văn minh. Ở những khu vực này hiện nay, tuy quyền lực của người phụ nữ vẫn còn tồn tại ở một mức độ nào đó, nhưng theo xu hướng của sự phát triển chung, khởi đầu từ hình thức, chế độ mẫu hệ ở những khu vực này đã dần dần bị thay bằng chế độ phụ hệ (như trường hợp các cộng đồng thiểu số Tây Nguyên ở Việt Nam).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, Tập 17, Số 4 (2020): 584-597

     Mời xem tiếp:

NỖI SỢ nhìn từ LOẠI HÌNH VĂN HÓA GIỚI (Trường hợp NỖI SỢ ở NAM GIỚI) – Phần 2 (Tác giả: Trần Duy Khương)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)