Núi sông xứ Huế qua Ô Châu cận lục
MOUNTAINS AND RIVERS IN HUẾ IN Ô CHÂU CẬN LỤC
Tác giả bài viết: PHAN THUẬN AN
(Thành phố Huế)
TÓM TẮT
Sách Ô Châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An (người Quảng Bình) biên soạn xong vào năm 1555 sau khi dựa vào 2 tập viết tay của 2 Nho sinh đồng hương viết về vùng Thuận-Quảng. Đây là sách địa phương chí đầu tiên của vùng đất này. Nó mang nội dung phong phú và giá trị cao về học thuật.
Bài viết này chỉ đề cập đến 4 ngọn núi (Thương Sơn, Hương Uyển, Quy Sơn, Hải Vân) và 2 con sông (Linh Giang, Đan Điền) của xứ Huế mà tác giả sách ấy đã ghi chép gần 500 năm trước nhưng vẫn còn có giá trị đến ngày nay. Khi viết Ô Châu cận lục, cổ nhân đã thổi hồn mình vào trong tác phẩm bất hủ này.
ABSTRACT
Ô Châu cận lục (Recent records of Ô Prefecture) compiled by Dr. Dương Văn An (coming from Quảng Bình Province) in 1555 based on two manuscripts about Thuận-Quảng region written by two young scholars who were his fellow-countrymen. This is the first monography, rich in content and academically valuable, about that land. This article only mentions four mountains (Thương Sơn, Hương Uyển, Quy Sơn, Hải Vân) and two rivers (Linh Giang, Đan Điền) in Huế that the author recorded nearly 500 years ago, but still valid today. When compiling Ô Châu cận lục, the author devoted the thoughts to his immortal work.
x
x x
Năm nay là đúng nửa thiên niên kỷ kể từ năm sinh của Dương Văn An (1514-2014), người đã “nhuận sắc, tập thành” sách Ô Châu cận lục. Ông người làng Tuy Lộc [nay thuộc xã Lộc Thủy], huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; đậu Tiến sĩ vào năm 1547 dưới triều nhà Mạc và làm quan ở Đông Kinh (Hà Nội ngày nay).
Trong lời tựa của sách ấy, Dương Văn An cho biết rằng vào năm 1553, nhân dịp về quê để tang mẹ, ông tìm được hai tập viết tay của hai Nho sinh người đồng hương viết về phủ Triệu Phong và phủ Tân Bình, trong đó ghi chép rõ về núi sông, sản vật, phong tục, nhân vật… của địa phương. Lấy làm vui mừng, ông bèn tham khảo thêm các tín sử, tra cứu tiếp những chuyện truyền khẩu trong dân gian; chỗ nào rườm rà thì bỏ bớt, chỗ nào sơ lược thì bổ sung thêm, rồi đặt tên sách là Ô Châu cận lục. Sau hai năm khảo cứu và biên soạn, ông hoàn tất công trình của mình vào năm 1555. Một điều đáng tiếc là mãi đến hiện nay, vẫn chưa ai tìm ra được tên tuổi và hành trạng của hai tác giả Nho sinh ấy để vinh danh họ. Cho nên, phần lớn các bản dịch ra tiếng Việt đều chỉ ghi là do Dương Văn An biên soạn mà thôi. Dù sao đi nữa, đây cũng là công trình địa phương chí đầu tiên của vùng Thuận-Quảng với giá trị học thuật rất cao.
Sách tương đối mỏng, chỉ gồm 231 trang chữ Hán, nhưng nội dung phong phú. Tác giả cho người đọc thấy được bức tranh tổng thể và diện mạo nhân văn một thời của vùng đất. Giá trị học thuật của quyển sách đã được chứng minh bằng số lượng 5 bản dịch ra tiếng Việt được ấn hành tại cả 3 thành phố Sài Gòn, Huế và Hà Nội trong vòng chưa đầy 50 năm.(1) Ngày nay, sống sau Dương Văn An gần 5 thế kỷ, mỗi khi nghiên cứu những đề tài liên quan đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất này, các học giả đều phải tham khảo sách ấy, xem đó như là một tài liệu tối cần.
Dưới đây, chúng tôi chỉ đề cập đến một chủ đề rất nhỏ trong nội dung phong phú của Ô Châu cận lục. Đó là núi sông xứ Huế cách đây khoảng 500 năm về trước qua con mắt của tác giả sách này. Cổ nhân đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin bổ ích. Tác giả đã mô tả và ca ngợi vẻ đẹp của một số ngọn núi và một số con sông mà ngày nay chúng ta thấy vẫn còn nguyên giá trị.
A. Các ngọn núi
Có 4 ngọn núi nổi tiếng đã được ghi chép trong sách: núi Thương Sơn, núi Hương Uyển, núi Quy Sơn và núi Hải Vân.
1. Núi Thương Sơn
Về núi Thương Sơn, Dương Văn An viết rằng núi ở “tại đầu nguồn huyện Kim Trà. Dáng núi đẹp cao nhọn lên hơn hẳn các núi non bên hữu. Sánh nhìn bốn phía, trông như một kho đụn. Tương truyền trên đỉnh núi có giếng, nước trong và mát. Đáy giếng có cá bơi lội. Đây là một ngọn núi xinh đẹp lạ thường”.(2) Ngày nay, khi quan sát ngọn núi này trên thực địa, chúng ta thấy tác giả Ô Châu cận lục đã mô tả và đánh giá một cách chính xác. Đột khởi giữa vùng gò đồi phía tây nam đô thị Huế, đỉnh núi Thương Sơn cao 432m, thuộc địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà hiện nay. Dáng núi nhọn và cao hơn hẳn các núi đồi chung quanh, trông như một kho lúa (thương 倉), cho nên đặt tên như thế. Trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc Sử Quán triều Nguyễn còn gọi đây là núi Thiên Dữu (Thiên Dữu Sơn 天 山), vì hình dạng của nó trông giống “như vựa thóc”(3) (nghĩa đen của chữ “dữu” là vựa lúa) (xem ảnh 1). Còn trong bộ Đồng Khánh địa dư chí, hòn núi này được ghi trong sách và trên các bản đồ là núi Kim Phụng (Kim Phụng Sơn 金鳳山).(4) Nhưng, đó chỉ là những cái tên trong sách vở. Còn trong dân gian thì dân vùng nông thôn gọi là Hòn Đụn, và dân miền biển gọi là Núi Chúa. Như vậy, từ xưa đến nay, ngọn núi này có đến 5 tên gọi khác nhau. Dù sao, cũng vì nó có dáng dấp “xinh đẹp lạ thường” (tối kỳ tú) cho nên hình ảnh của Thương Sơn đã được triều đình vua Minh Mạng cho đúc nổi trên Chương Đỉnh vào năm 1836 (ảnh 2), và địa danh Thương Sơn đã được nhà thơ hoàng tộc Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819-1870) dùng làm bút hiệu của mình.
2. Núi Hương Uyển
Dịch từ “Hương Uyển Sơn” 香盌山 trong nguyên văn (uyển còn đọc là oản), nghĩa đen là núi bát hương. Đến triều Nguyễn, núi được đổi tên là Ngọc Trản Sơn 玉盞山, (5) nghĩa đen là núi chén ngọc. Oản và trản có cùng nghĩa: ngoài Bắc gọi là bát, ở Huế và trong Nam gọi là chén. Cho nên, ngôi đền thờ vị nữ thần ở đó được người dân địa phương gọi là điện Hòn Chén. Núi này thuộc địa phận làng Hải Cát, xã Hương Thọ hiện nay (ảnh 3). Tác giả sách Ô Châu cận lục đã mô tả: “Các ngọn núi bắt đầu từ phía tây bắc, núi tổ núi tông vươn cao chót vót, ngọn chủ ngọn khách thừa tiếp đón đưa, trùng trùng điệp điệp, chỗ như hổ ngồi, chỗ tựa rồng bay, nối dài đến sông lớn vực sâu thì dừng. Đặc biệt nhô lên hai ngọn hình tròn và cao, cảnh quan đẹp mắt, không khí trong lành, nom như hình cái bát hương”.(6) Vào năm 1918, một vị quan triều Nguyễn tên là Nguyễn Đức Quân khi đến viếng điện Hòn Chén, đã làm một bài thơ tức cảnh rất hay, hiện còn treo tại chỗ, trong đó có hai câu:
Đệ lâm bích thủy long lai viễn,
Nhất vọng thanh sơn hổ cứ hùng.
Tạm dịch:
Bên dòng sông biếc như rồng lượn,
Ở chốn non xanh tựa cọp ngồi.
3. Núi Quy Sơn
Về Quy Sơn, tức là Núi Rùa, cao 146m, ở gần cửa biển Tư Hiền, Ô Châu cận lục viết: “Núi ở huyện Tư Vinh, gần xã Hoài Vinh. Phía ngoài thì bể cả bọc phương đông, phía trong thì một phần bể bao bọc quanh phương tây, phía nam thì cửa bể Tư Dung chảy ra. Trong có nhiều rạch quanh co, trên có những tháp [cổ] chót vót. Hình núi giống như cổ rùa, nên đặt tên thế”.(7) Đến năm 1776, Lê Quý Đôn (1726- 1784) cũng chép gần giống như vậy, nhưng ngắn gọn hơn.(8) Sau đó hơn một thế kỷ, Quốc Sử Quán triều Nguyễn còn gọi đó là núi Linh Thái (Linh Thái Sơn 靈蔡山) (nghĩa đen là núi hình rùa linh thiêng) hoặc núi Hãn Môn (Hãn Môn Sơn 捍門 山) (nghĩa đen là núi giữ cửa [biển]). Vào năm 1803, vua Gia Long khi đến đây thăm viếng đã nhận xét rằng: “Núi này, phía đông có biển cả, phía tây có phá Hà Trung, cũng là đất hình thắng…”.(9) Suốt gần 500 năm qua, dù trong sử sách gọi núi ấy bằng ba tên khác nhau như thế, nhưng trong dân gian vẫn chỉ quen gọi bằng một cái tên nôm na duy nhất là Núi Rùa. Hiện nay, núi này thuộc địa phận xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (ảnh 4).
4. Núi Hải Vân
Về núi Hải Vân (ảnh 5), tác giả Ô Châu cận lục viết: “Núi ở huyện Tư Vinh, có cửa ải Hải Vân, bên dưới sát bờ biển, bên trên dựng thấu tầng mây. Núi phân chia đường Nam Bắc, mây đưa đón khách vãng lai, vách đá cao ngất, là ranh giới giữa Thuận Hóa và Quảng Nam. Từ địa phận Thuận Hóa men đường mà đi ước hơn một ngày mới tới địa phận Quảng Nam. Đúng là nơi xung yếu của hai đạo, nên đã có quan ải để phòng bị”.(10) Trước đó hơn một thế kỷ, vào năm 1435, khi biên soạn công trình Dư địa chí đầu tiên của nước ta, Nguyễn Trãi đã nói đến địa danh “Ải Vân” như là một yếu điểm trên con đường từ Thuận Hóa vào Quảng Nam.(11) Trong bài thơ “Hải Vân Sơn” do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cảm tác nhân một dịp đi qua đèo Hải Vân để vào tuần du Quảng Nam, chúa đã nhận xét rằng đây là một “hiểm ải”. Đến năm 1826, vua Minh Mạng cho “xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ Hải Vân Quan, ngạch sau viết sáu chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan)”.(12) Và sau đó 10 năm, nhà vua đã cho đúc nổi hình ảnh “Hải Vân Quan” vào Dụ Đỉnh (ảnh 6). Đỉnh đèo tại đây ở cao độ 496m. Ngày nay, đi qua đèo này, “khách vãng lai” vẫn thưởng ngoạn được vẻ đẹp thiên nhiên hoành tráng của vùng núi Hải Vân như vào thế kỷ XVI.
B. Các con sông
Tác giả Ô Châu cận lục đã đề cập đến hai con sông quan trọng nhất của xứ Huế hiện nay là Linh Giang (tức Sông Hương) và sông Đan Điền (tức Sông Bồ).
1. Linh Giang
Sách viết: “Sông do hai nguồn Kim Trà, Đan Điền đổ đến, sông sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình. Phía tây nam thì có đền Tứ Vị, trạm Địa Linh. Phía đông bắc thì có chùa Sùng Hóa, bia Hoằng Phúc. Còn huyện nha, phủ thự đều đối nhau ở hai bên tả hữu”.(13) Trước Dương Văn An hơn một thế kỷ, Nguyễn Trãi khi viết sách Dư địa chí đã có đề cập đến con sông này cũng với cái tên Linh Giang,(14) nhưng bên trái chữ Linh còn có bộ thủy (ba chấm thủy). Còn ở Ô Châu cận lục thì chỉ viết là 靈江 (Linh Giang). Sau đó hơn hai thế kỷ, Lê Quý Đôn cũng viết như Dương Văn An.(15) Một điều nữa cần lưu ý là khi viết về tên con sông này, tác giả họ Dương đã tỏ ra bất nhất. Trong khi ở phần núi sông (Sơn xuyên môn, quyển 1), ông ghi nhận tên của con sông là Linh Giang như vừa trích dẫn, thì ở phần Thành thị (quyển 4), ông lại viết rằng tên của nó là “Sông cái Kim Trà” (Kim Trà Đại Giang 金茶大江). Mở đầu quyển 4, tác giả mô tả thành Hóa Châu như sau: “Hóa thành tại địa phận huyện Đan Điền, sông cái [Sông Bồ, chú của dịch giả] chảy qua phía tây, còn có một nhánh sông con chảy vào trong thành. Bên hữu sông này là nơi đặt nha môn đô ty, thừa ty và học xá phủ Triệu Phong. Sông cái Kim Trà [Sông Hương, chú của dịch giả] rót về nam. Phá ở phía bắc, đầm ở phía đông, ước ngàn vạn khoảnh, bốn mặt đều là sông nước bao quanh…”.(16)
Nội dung hai đoạn văn được trích dẫn trên đây đều có nói về cùng một thực thể địa lý tự nhiên mà ngày nay chúng ta gọi là Sông Hương (ảnh 7).
Dù sao đi nữa, cái tên xưa nhất của con sông này cũng là Linh Giang. Dưới thời Lê-Mạc, nó được gọi Kim Trà Đại Giang. Đến thời các chúa Nguyễn, khi huyện Kim Trà đổi thành huyện Hương Trà thì con sông chảy qua huyện này cũng được đổi tên thành Hương Trà Giang. Vào đầu thế kỷ XIX, Hương Trà Giang mới được gọi tắt là Hương Giang.(17) Với giá trị về nhiều phương diện của nó đối với Kinh thành Huế, vào năm 1836, vua Minh Mạng đã cho đúc nổi hình ảnh Hương Giang vào Nhân Đỉnh (ảnh 8).
2. Sông Đan Điền
Về con sông này, tác giả Ô Châu cận lục đã viết rằng đây “là sông lớn của huyện Đan Điền, có nguồn rất xa và dòng rất dài. Đền Minh Uy là ngôi cổ miếu khóa chặt ở đầu nguồn, tòa thành Thuận Hóa giữ vững ở cửa sông. Còn như xóm làng đồng ruộng, đất tốt dân đông. Chợ ở tây bắc, cầu ở phía nam, người xinh vật quý đều rải rác ở hai bờ nam bắc”.(18)
Địa danh “tòa thành Thuận Hóa” được nói đến trong đoạn sách vừa dẫn được dịch từ bốn chữ Hán trong nguyên bản: Thuận Hóa Đại Thành 順化大城, (19) tức là di chỉ mà ngày nay thường gọi là thành Hóa Châu. “Thành Hóa Châu là lỵ sở của châu Hóa, một thành lũy quan trọng ở vùng biên cương phía nam của nước Đại Việt từ thời nhà Trần, là một thành cổ đánh dấu bước đô thị hóa đầu tiên của xứ Huế”.(20) Di chỉ tòa thành này tọa lạc tại các làng Thành Trung, Thủy Điền và An Thành thuộc xã Quảng Thành huyện Quảng Điền hiện nay, gần ngã ba Sình (còn gọi là ngã ba làng Thanh Phước), nơi Sông Bồ đổ nước vào Sông Hương. (21)
Trong sách Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), sông này còn có tên là sông Phú Ốc (Phú Ốc Giang 富屋江) vì có một đoạn trung lưu của nó chảy qua làng Phú Ốc. Sở dĩ nó còn có một tên khác nữa là Sông Bồ, vì trên đầu sông, nó được tạo thành bằng bốn nguồn nước, mà nguồn thứ nhất là nguồn Sơn Bồ 山蒲, nằm cách Khe Trái 6 dặm về phía tây.(22) Còn theo Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức) thì nguồn Sơn Bồ có đến 31 thác nước, “ở lệch về phía tây nam huyện Phong Điền”. (23) Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, bồ là “loài cây lác”. Còn theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: lá cây bồ khi còn non thì ăn được, khi lá đã già thì dùng để dệt chiếu, đan quạt… Có lẽ ở hai bờ phía đầu nguồn của sông này mọc nhiều cây “bồ”, cho nên nó được gọi tên như thế (ảnh 9).
* * *
Tất nhiên, chừng ấy núi sông như vừa đề cập chưa phải là tất cả núi sông xứ Huế xưa nay. Bấy nhiêu sông núi chỉ là những thực thể địa lý tự nhiên đáng quan tâm nhất dưới con mắt của tác giả Ô Châu cận lục. Cho hay, vẻ đẹp và giá trị của một ngọn núi hay một dòng sông còn tùy thuộc vào quan niệm về nó của con người từng thời đại. Có những ngọn núi hay dòng sông khi chưa đi vào đời sống và tâm hồn con người thì chúng cũng bình thường, thậm chí vô danh như bao nhiêu sông núi khác. Nhưng khi một thực thể địa lý tự nhiên như núi Ngự Bình chẳng hạn, bắt đầu tham dự vào đời sống nhân văn của vùng đất bằng cách được hình tượng hóa và siêu nhiên hóa thành bức bình phong dùng để ngăn chặn những điều không tốt lành cho thủ phủ Phú Xuân của chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1687,(24) thì nó chính thức có danh phận và tên tuổi trên cõi đời này. Hoặc như trường hợp núi Bạch Mã ở phía nam xứ Huế, từ những thập niên đầu thế kỷ XX trở về trước, nó hầu như là một ngọn núi vô danh.(25) Mãi đến năm 1932, khi ông Girard phát hiện và dùng làm nơi nghỉ mát lý tưởng cho con người, thì nó mới trở nên ngày càng nổi tiếng.
Nói như thế để thấy rằng số lượng núi sông xứ Huế mà Dương Văn An đã ghi chép trong sách của mình không phải là thiếu sót mà chỉ là do sự hạn chế của thời điểm bấy giờ.
Dù sao đi nữa, với tình yêu chan chứa đối với quê hương, với giá trị văn chương và học thuật, khi viết Ô Châu cận lục, tác giả cũng đã thổi hồn mình vào tác phẩm bất hủ này.(26).
Chú thích:
(1) Ô Châu cận lục, bản dịch của Bùi Lương, Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961; bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1997; bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001; bản dịch của Văn Thanh và Phan Đăng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009; bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009.
(2) Bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, tr. 22.
(3) Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tập I, tr. 109; Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), Thừa Thiên phủ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1961, tập thượng, tr. 46.
(4) Đồng Khánh địa dư chí, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003, tập II, tr. 1.421, 1.436; tập III, tr. 297, 298.
(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), Thừa Thiên phủ, bản dịch đã dẫn, tập thượng, tr. 81-83.
(6) Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên, tr. 19.
(7) Bản dịch của Bùi Lương, tr. 13.
(8) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 95.
(9) Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), bản dịch đã dẫn, tập I, tr. 115.
(10) Bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, tr. 23.
(11) Ức Trai tướng công di tập: Dư địa chí, bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, Nha Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1966, phần chữ Hán: tr 93-96, phần chữ Việt: tr. 94-96.
(12) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học, Hà Nội, tập VIII, 1964, tr. 22.
(13) Bản dịch của Bùi Lương, tr. 17. (14) Ức Trai tướng công di tập: Dư địa chí, bản dịch đã dẫn, phần chữ Hán, tr. 93. (15) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tập I, 1972, phần chữ Hán, tờ 53b.
(16) Bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, tr. 91.
(17) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập II, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 428.
(18) Bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, tr. 26-27.
(19) Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên, tr. 183.
(20) Trương Thị Cúc, Nguyễn Xuân Hoa, Huế, những dấu ấn lịch sử và văn hóa, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2013, tr. 198-231.
(21) Xem sơ đồ thành cổ Hóa Châu ở trang 198 trong sách vừa dẫn.
(22) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), bản chữ Hán, quyển nhị, Thừa Thiên, tờ 29b. Đáng tiếc là trong bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1961, địa danh “Sơn Bồ” bị in nhầm thành “Sơn Hồ” (Thừa Thiên phủ, tập thượng, tr. 61).
(23) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), bản dịch đã dẫn, tập I, tr. 145.
(24) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập I, 1962, tr. 134.
(25) Có người cho rằng tên xưa của núi Bạch Mã là núi Cao Đôi (Cao Đôi Sơn 高堆山). Xem thêm: Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), bản dịch đã dẫn, tập I, tr.113; Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), bản dịch đã dẫn, Thừa Thiên phủ, tập thượng, tr. 51.
(26) Tham khảo thêm những đánh giá của Lương An về Dương Văn An trong bài “Dương Văn An và Ô Châu cận lục”, in chung trong quyển Tuyển tập Lương An, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2004, tr. 229-250.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (113), 2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Núi sông xứ Huế qua Ô Châu cận lục (Tác giả: Phan Thuận An) |