Phân tích SO SÁNH NGỮ NGHĨA THÀNH NGỮ, ĐIỂN CỐ trong TÁC PHẨM của NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU và TRONG TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU (Phần 1)
LÊ QUANG THIÊM
(GS TS, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
1.
Trong bài này, để thấy rõ hơn ngữ nghĩa của loại đơn vị đặc biệt (thành ngữ và điển cố) trong văn liệu cổ điển thế kỉ XIX với hai tác giả tiêu biểu thuộc hai thời kì là đầu – cuối thế kỉ này, chúng tôi thử so sánh ngữ nghĩa thành ngữ và điển cố trong Truyện Kiều với thành ngữ và điển cố trong văn phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Sự phân tích so sánh ngữ nghĩa này dĩ nhiên là thuộc loại lịch sử so sánh. Nó khác với so sánh – lịch sử ở chỗ, theo quan niệm của chúng tôi là: so sánh các sự kiện ngôn ngữ diễn ra trong lịch sử (theo tuần tự thời gian trước – sau). Tuy nhiên ngữ liệu chỉ giới hạn trong một ngôn ngữ và nhiệm vụ là làm rõ sự giống nhau và khác nhau, những đặc trưng của hiện tượng được so sánh thuộc hai thời kì đó. Nó cũng chú ý làm rõ những biến đổi, phát triển của đối tượng được nghiên cứu mà không nhằm mục tiêu xác định họ hàng, ngữ hệ, hình thức, tiền thân,… thuộc các ngôn ngữ (hay giả định các ngôn ngữ khác nhau) được nghiên cứu.
Đối tượng phân tích so sánh chúng tôi khảo sát là nghĩa của thành ngữ và điển cố. Giới thuyết về thành ngữ và điển cố chúng tôi khảo sát đã được nói rõ trong một bài đã công bố (Ngữ nghĩa thành ngữ và điển cố trong Truyện Kiều). Nói tóm lược chúng tôi gọi chúng là những biểu thức (biểu thức thành ngữ và điển cố) bởi tính lời nói, tính linh hoạt trong sử dụng và cả tính sáng tạo, tính mới mẻ mà tác giả văn phẩm thể hiện trong tác phẩm của họ. Đáng lẽ ra việc phân tích so sánh phải được tiến hành cân bằng là so sánh ngữ nghĩa thành ngữ và điển cố trong toàn bộ văn phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với hai loại đơn vị tương ứng đó trong toàn bộ văn phẩm của Nguyễn Du. Tuy nhiên điều kiện lí tưởng nghiêm nhặt này hiện không có điều kiện thực hiện. Bất đắc dĩ buộc lòng chúng tôi tạm chấp nhận lấy kết quả phân tích thành ngữ và điển cố trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để so sánh và trộm nghĩ với giá trị mặc nhiên của Truyện Kiều cũng đủ đại diện cho phần văn liệu còn lại của Nguyễn Du. Quả là mọi sự so sánh đều khập khiễng thì đây là một khập khiễng về phương pháp chúng tôi nhận hạn chế về mình. Bù lại chúng tôi tập trung vào ngữ nghĩa của thành ngữ và điển cố trong văn phẩm Nguyễn Đình Chiểu để vừa phân tích miêu tả vừa liên hệ so sánh với Nguyễn Du. Mức độ chú ý trọng tâm nội dung và sự liên hệ so sánh như vậy vừa cho phép làm rõ thực trạng trong văn phẩm Nguyễn Đình Chiểu vừa góp phần làm rõ đặc trưng của hiện tượng được so sánh thuộc hai thời kì của hai tác giả tiêu biểu này.
Cách phân tích xác lập ngữ nghĩa trên văn bản tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu cũng thống nhất như cách xác lập nghĩa biểu thức biểu hiện trong cách dùng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Điều này có nghĩa là dựa vào chức năng, sự biểu đạt nghĩa cụ thể của từng biểu thức để xác lập nghĩa khái quát cho chúng. Sau đó sẽ chú tâm nhiều vào việc xác lập quan hệ hệ thống, nghĩa là trọng tâm nội dung chủ đề mà tác giả dùng hoặc sáng tạo trong sáng tác. Sự liên hệ quy chiếu phạm vi ánh xạ, quan tâm của tác giả trong quan hệ với thời cuộc và nội dung tác phẩm cũng được làm sáng tỏ. Lần lượt chúng ta sẽ bắt đầu phân tích so sánh điển cố tiếp sau là thành ngữ.
2.
Có thể nhận thấy rằng trong bốn tác phẩm: Lục Vân Tiên (LVT), Dương Từ Hà Mậu (DTHM), Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (NTVĐ) và Thơ – Văn tế (TVT) thì ba tác phẩm dẫn trước dùng khá nhiều từ ngữ Hán và điển cố như: kiến ngãi bất vi, thủ thiện thụ nhơn, bĩ cực thái lai, hữu tam bất biến, thế gia vọng tộc, bồi thường nghịch thiên, v.v. Riêng các dạng điển cố, chúng tôi nói là dạng, biểu thức điển cố bởi một bộ phận lấy từ tiếng Hán, tích Hán chứ không hẳn là điển cố đúng nghĩa. Bộ phận này số lượng chiếm gần 10% trong tổng biểu thức thành ngữ và điển cố, cụ thể theo con số thống kê là: 71/715 (9, 93%).
Khác với điển cố trong Truyện Kiều, điển cố dùng trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu có hình thức và cội nguồn khá đa dạng. Điển cố trong Truyện Kiều do nguồn gốc tác phẩm là cốt truyện từ Trung Quốc nên điển cố dùng để thể hiện bối cảnh xã hội, nhân vật, địa điểm xảy ra sự kiện có tính xác định thời đại, sự việc hơn. Điển cố trong Nguyễn Đình Chiểu nhiều trường hợp là liên hệ, mượn cớ để diễn giải, răn dạy, mượn chuyện xưa để giáo huấn thời nay, cắt nghĩa căn nguyên, nguồn gốc sự tích, tác động giáo dục: “Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm, Để dân đến nỗi sa hầm sảy hang” (LVT). “Mặc đời Kiệt Trụ mắc đời Nghiêu” (DTHM). “Kiệt Trụ là vua Kiệt thuộc nhà Hạ, vua Trụ thuộc nhà Thương, hai vua này đều bạo ngược vô đạo hoang dâm nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Quốc…”. Hoặc điển tích “am Hán chùa Lương” được tác giả dùng để khái quát “gợi chung những am đạo thờ thần tiên thời Hán vũ đế và những chùa thờ Phật thời Lương vũ đế…” (5, 1999) dùng trong NTVĐ: “Lửa Tần, tro Hạng vừa nguôi dấu. Am Hán, chùa Lương lại réo dầy”. Cũng như vậy trường hợp dùng: “Bạo Tần dọn chỗ cho Lưu”, “Trời khiến bầy hùng dấy đuổi hươu”. Tác giả nhắc đến Tần, Lưu những tên riêng – nhân vật lịch sử Trung Quốc để khái quát nội dung rằng: “Nhà Tần bạo ngược, lòng dân li tán, ngã về với Lưu Bang như dọn chỗ cho Lưu Bang diệt Tần, lập nên vương triều nhà Hán”. Trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu cũng có dùng những điển tích, điển cố dùng trong Truyện Kiều. Âu đó cũng là lẽ thường ví như các điển “Chiêu Quân cống Hồ”, “gối hoàng lương”: “Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai” (TK). Tuy nhiên do điều kiện lịch sử, nội dung tác phẩm và thời đại sáng tác với nét riêng đóng góp của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mà điển cố trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu vừa nặng Hán song cũng vừa có nét dân dã Việt, có điển cố mang màu sắc, sự tích Việt. Chẳng hạn bên cạnh việc dùng điển cố: “Bầu Hồ Linh”, “Bầu Nhan Uyên” nguồn gốc từ Trung Quốc như: “Bầu Nhan Uyên” là Bầu nước của Nhan Uyên. Nói cảnh nghèo mà vui việc học. Nhan Uyên tức là Nhan Hồi, tự Tử Uyên người nước Lỗ thời Xuân Thu học trò của Khổng Tử, rất ham học…” hoặc “Bầu Hồ Linh” là “Bầu thiêng. Theo Vân Cáp Thất Tiêm, Thi Tồn người nước Lỗ học được phép tiên, thường đeo một cái bầu to bằng nửa cái đấu, có thể hoá thành vật thu chứa cả trời đất…”, Nguyễn Đình Chiểu tạo ra điển cố “Bầu hồ lô”. “Bầu hồ lô” là cây bầu quả to, phơi khô, bỏ hết ruột dùng làm bầu rượu. Đồng thời cũng chỉ lớp da bọc thân thể con người”: “Ngư rằng: Một cử nhân, lấy da bao thịt làm bầu hồ lô” (NTVĐ).
Bằng cách sáng tạo vừa nêu, dựa vào sự tích thời cuộc trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu có một số lượng không nhỏ những điển cố như vậy. Những điển cố này ghi dấu ý nghĩa xã hội – lịch sử đáng trân trọng. Nói về “tấm bảng ghi công” trong bài văn tế có câu: “Bài văn phá lỗ cờ chưa tế, Tấm bảng phong thần gió đã kinh” (Điếu Trương tướng quân). “Bảng phong thần” là tấm bảng phong thần cho Trương Định. Nói ý rằng nghĩa quân đã xây đền thờ Trương Định như một vị Thần hoàng để tỏ lòng thương mến, cảm phục,… Hoặc điển cố “Ấn Bình Tây” trong câu: “Ngọn cờ phấn nghĩa trời chưa bẻ, Cái ấn Bình Tây đất vội chôn” (Điếu Trương tướng quân) tức là con dấu “Bình Tây đại nguyên soái của Trương Định” hoặc “Ấn Đốc Binh” là con dấu của chức quan võ lo việc đốc xuất, chỉ huy quân lính, tức con dấu của Phan Tòng. Ông chính là Phan Ngọc Tòng, hương giáo ở làng An Bình Đông (Ba Tri) nổi dậy chống Pháp,… bị hi sinh tại Gò Trụi năm 1867, nên có thơ rằng: “Sao ra nhảy nhót giữa vòng danh, Son đóng chưa khô ấn đốc binh” (Điếu Ba Tri Đốc binh Phan Tòng),…
3.
Thuộc phạm vi nội dung thành ngữ trong bốn tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu cũng có những đặc trưng khác với bình diện nội dung trong Truyện Kiều của Nguyễn Du về đại thể nếu như nội dung thành ngữ trong Truyện Kiều tập trung vào ba chủ đề lớn: Đó là: 1– Chủ đề nói về thiên nhiên. 2– Chủ đề nói về con người và số phận con người và 3– Chủ đề nói về bộ mặt xã hội, cảnh huống xã hội. Trong các tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngữ nghĩa thành ngữ, xét tuyệt đại bộ phận cũng có thể phân thành ba phạm vi. Đó là: 1– Thế cuộc phong trào kháng Pháp, ghét bọn tay sai bán nước đớn hèn, 2– Nêu gương việc học, xây dựng đạo lí nhân tâm xã hội và 3– Nói về cuộc đời, thân phận người phụ nữ. Đi vào ngữ nghĩa cụ thể từng phạm vi chủ đề cho thấy rõ hơn nội dung của các thành ngữ được sử dụng và sáng tạo.
Nói về hoàn cảnh Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, Nguyễn Đình Chiểu đã tả: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây”. Thời cuộc xã hội Việt Nam đã bước vào thời kì mới! Nếu như chuyện binh đao, các phong trào nông dân mà nhân vật Từ Hải của Truyện Kiều như một điển hình thì xã hội thời Truyện Kiều vẫn là xã hội phong kiến cổ đại 100%. Đó là xã hội mà Nguyễn Du từng phác thảo: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”… thì thời đại Nguyễn Đình Chiểu sống và miêu tả là cận hiện đại với: “Trối kệ tàu thép đồng súng nổ”… “Binh tướng nó hãy chật sông Bến Nghé, làm nên bốn phía mây đen”, bởi giặc Pháp và bè lũ tay sai (Điếu TTQ). Trước vũ khí mới áp đảo, thế giặc hung hăng “Giặc cỏ om sòm mưa lại nhóm, Binh sương lác đác nắng liền thâu” là một cách đánh để chống lại “Binh sương giáp sắt” của kẻ thù, một loại binh khí sắc loáng, áo giáp bằng sắt của Pháp. Những “bao tấu bầu ngòi” những “hoả mai đánh bằng rơm con cúi” là vũ khí mà nghĩa quân có được để chống giặc. Nghĩa quân yêu nước với “gan vàng dạ sắt”, “thà chết xông lên”, “kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh”… Không những thế họ trừng trị luôn bọn theo chân giặc “bán nước buôn dân” không đường chạy thoát. Bọn “bội thường nghịch thiên”, tức là bọn “làm trái đạo lí luân thường, nghịch lại lẽ trời” cũng bị trừng trị: “Liên năm theo nước Tây Dương, Ăn hồn cái lũ bội thường nghịch thiên” (DTHM). Sự hi sinh của Trương Tướng quân, của Ba Tri Đốc binh Phan Tòng thật oan nghiệt, nhanh chóng trước thế giặc cỏ “tàu đồng súng lớn”. “Bóng bọt hình hài vừa ló thấy, Ngút mây phú quý bỗng tan đi” (Điếu Phan Tòng). Và tiếp theo vì nghĩa quân yếu thế, khi không còn thủ lĩnh, cũng nhanh chóng tan rã trước sức tấn công của kẻ thù. Kết thúc bi thương này được Nguyễn Đình Chiểu so sánh thật đau lòng.
“Tiếc mới một sồng ra đặt trụm, Cái xên con rã nghĩ thương thay” (Điếu Ba Tri Đốc binh Phan Tòng)… Và cảnh “kẻ còn người mất” tất yếu phải xảy ra. “Biết nhau chưa đặng mấy hồi, Kẻ còn người mất trời ơi là trời”… Rõ ràng bối cảnh xã hội mới, hoàn cảnh kháng Pháp thời cận đại cũng được ghi dấu, phản ảnh qua thành ngữ, điển cố mà thời Nguyễn Du không hề có.
4.
Nét đặc trưng nội dung thứ hai trong thành ngữ thuộc tác phẩm được bộc lộ rõ là nêu gương, giáo huấn việc học hành, góp ý xây dựng đạo lí nhân tâm xã hội. Có thể nói bộ phận nội dung này cũng phản ảnh tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, vốn là nhà giáo trở thành nhà văn hiếu thảo do khóc thương mẹ mà sống trong cảnh mù loà. Tuyên ngôn của ông trong cuộc đời thật đanh thép: “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ” (LVT).
Giới hạn trong phạm vi nhân sinh quan thời đại ông, Nguyễn Đình Chiểu tôn sùng Khổng Tử, xem Khổng Tử là thánh, gọi là “Khổng thánh” và kêu gọi mọi người học theo Khổng Mạnh. “Thấy đi có tấm thẻ bài, Đề rằng: Khổng Tử đại tài thánh vương” (DTHM) hoặc “Nhớ xưa đức Khổng thánh nhân, Kính ông Sự Miện vân vân chiếu thềm” (NTVĐ). Việc học hành, đạo đức trước hết là tôn kính ông bà, hiếu đễ với cha mẹ. Sự rèn luyện, noi gương tốt làm theo trở thành thói quen, thành phong tục của xã hội: “Hiếu đễ thành phong” đến mức “Nhớ câu hiếu đễ thành phong, Người trong nước Lỗ đều mong học đòi” (DTHM). Kinh sách thì học xuân thu là thứ kinh trị đời loạn, làm cho đời loạn trở thành chính đạo nên “kinh bát loạn” là kinh sách cần học: “Quyển kinh bát loạn tay không mỏi, Ngọn đuốc phò nguy gió chẳng xao” (DTHM). Và khái quát hơn nữa ông khuyến khích học “kinh thánh truyện hiền” rằng: “Đạo Nho là đạo trời cho, Truyện hiền kinh thánh nhiều pho dạy đời” (DTHM). Trong đối nhân xử thế ông đề cao “lòng dạ thảo ngay” và “ghét cay ghét đắng” “lòng dạ gươm đao”: “Bề ăn ở chi bằng đáy chốt, Dạ thảo ngay chi dốc keo sơn” (kí bào đệ thơ). “Trịnh Hâm trong dạ gươm đao, Bắt người đồng tử trói vào gốc cây” (LVT). Trong tình cảm vợ chồng ông biểu dương “Dạ thảo nằng nằng” tức là lòng quyết đợi chờ trông ngóng một cách dẻo dai, không “thay lòng đổi dạ” với người chồng, người yêu: “Tiếc thay dạ thảo nằng nằng, Đêm thu chờ đợi bóng trăng bấy chầy” (LVT)…
Nếu như trong Truyện Kiều những nhân vật điển hình tích cực và tiêu cực như Kim Trọng, Thuý Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Sở Khanh thì trong LVT nhân vật tích cực đáng biểu dương ca ngợi dưới ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu là Lục Văn Tiên, Kiều Nguyệt Nga… và nhân vật đáng chê trách, lên án như Kiệt, Tục, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, v.v. Ông nêu gương hành vi ứng xử “giữa đường dẫu thấy bất bằng chẳng tha”. Ông “ghét cay ghét đắng”, “ghét vào tận tâm” cái xấu, cái ác, cái ngang trái, phản đạo lí trong xã hội nhưng nhiễu thời bấy giờ. Nội dung nghĩa của thành ngữ Nguyễn Đình Chiểu sử dụng, sáng tạo có tính hiện thực xã hội và đạo lí sâu sắc.
Còn tiếp:
Mời xem: Phân tích SO SÁNH NGỮ NGHĨA THÀNH NGỮ, ĐIỂN CỐ trong TÁC PHẨM của NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU và TRONG TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU (Phần 2)