Phân tích SO SÁNH NGỮ NGHĨA THÀNH NGỮ, ĐIỂN CỐ trong TÁC PHẨM của NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU và TRONG TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU (Phần 2)
LÊ QUANG THIÊM
(GS TS, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
5.
Những thành ngữ rút ra từ lời ăn tiếng nói của nhân dân về cuộc đời, về con người cũng được sử dụng: “Bảng lảng bơ lơ”, “bá vơ bá vất”, “đong lưng cân thiếu”, “treo dê bán chó”, “trở trắng làm đen”, “chơi trăng quên đèn”, “ếch ngồi đáy giếng”, “đờn gảy tai trâu”, “nước xao đầu vịt”, “sen muống một bồn”, “lòng lang dạ cáo”, “đầu trâu mặt ngựa”, “nêu ngay bóng thẳng”,…
Về cấu tạo những thành ngữ này đều có 4 thành tố, tạo thành nhịp nhàng cân đối dễ đưa vào thơ lục bát. Nội dung ngữ nghĩa gần gũi với sự tình, hoàn cảnh, giáo lí phổ biến được tổng kết từ dân gian. Có thành ngữ được ông sáng tạo độc đáo. Ta thường gặp thành ngữ “cây cao bóng cả”. Ở tác phẩm của mình Nguyễn Đình Chiểu dùng “Nêu ngay bóng thẳng” nói ý rằng: Nêu là cây tre cao, trên ngọn có treo bùa chú để trừ ma quỷ, thường được dùng trước sân nhà trong dịp Tết Nguyên đán: “Muốn cho nguồn lạch sạch trong, Nêu ngay bóng thẳng ghi lòng lời ta” (NTVĐ). Nói đến hạng người không chịu học hành giáo hoá ông than phiền, dùng một lúc hai thành ngữ trong câu thơ: “Uổng thay đờn gảy tai trâu, Nước xao đầu vịt gẫm âu nực cười” (LVT). Chê những người hiểu biết hạn chế, xa lánh thời cuộc ông dùng thành ngữ “ếch nằm đáy giếng”: “Quán rằng sấm chớp mưa rào, Ếch nằm đáy giếng thấy bao lăm trời” (LVT). Phê phán thói giả dối, làm trái với “lòng dạ thẳng ngay” ông chê cười, mức độ thấp là sự “thay lòng đổi dạ”, nhanh chóng chưa gì đã “trở bàn tay”, “chơi trăng quên đèn”, bạc bẽo, “có mới nới cũ: Xin đừng “tham đó bỏ đăng”, “chơi lê quên lựu”, “chơi trăng quên đèn” (LVT). Ở mức cao là sự tráo trở lừa đảo trắng trợn “treo dê bán chó”: “Một mối xa thơ đồ sồ, nào để ai “chém rắn đuổi hươu”, Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ “treo dê bán chó” (Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong). Ông căm thù cả bọn cầm quyền man trá, hại nước để dân nước đến cảnh “sa hầm sẩy hang”, băng hoại đạo lí: “Đua nhau hai chữ tương khi, Trên quyền dưới trá đoái gì thiên luân” (DTHM). Thái độ ngay thẳng, sự phê phán thói hư tật xấu, những mặt trái trong “nhân tâm thế đạo” xã hội thời đại được Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện rất rõ trong thơ văn ông nói chung và trong một bộ phận thành ngữ nói riêng. Sự phê phán, tỏ thái độ của ông có nét khác với Nguyễn Du trong Truyện Kiều là khá thẳng thắn, bốp chát, quyết liệt như thốt ra từ cửa miệng của “dân ấp dân lân” trong xã hội Nam Bộ, Nam Kì lục tỉnh thời bấy giờ mà không cần gọt giũa điêu luyện như ngôn ngữ Truyện Kiều.
6.
Xét về bình diện ngữ nghĩa thành ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu so sánh với ngữ nghĩa thành ngữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có nét khác nữa, đó là bộ phận thành ngữ nói về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng có nói về Phật giáo, về việc Kiều đi tu, về Bạc Bà, Bạc Hạnh, song bộ phận thành ngữ nói về chủ đề này hầu như rất ít. Trái lại trong văn phẩm Nguyễn Đình Chiểu có nhiều hơn. Nhìn chung từ sự tích, nguồn gốc, giáo lí Nguyễn Đình Chiểu thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc về Phật giáo, về sự “an nhiên tự tại” nhưng không vướng vào mùi vị đạo học, về huyền học, về thiền,… mà lại bộc lộ rõ ở ông một thái độ nhập thế chắc chắn, thực tiễn. Đây là một ưu điểm tư tưởng đáng chú ý trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như vậy ở mặt ngược lại thơ văn, thành ngữ Nguyễn Đình Chiểu ít nói điều ngợi ca triều đình, về đức vua, về quan chế. Thực tế bức xúc ông cầm bút, hoàn cảnh trớ trêu cuộc đời biến ông thành nhà thơ dân gian, nhà văn của nhân dân khi tình cảm tâm hồn ông dành nhiều cho “dân ấp dân lân”, cho anh hùng nghĩa sĩ, cho nhân tâm thế đạo, cho quốc vận, dân tình, cho sự tình éo le. Ông đã được nhân dân tôn vinh, đón nhận như người phát ngôn cho mình, nói lên lòng dân dã chính trực của mình.
Sống trong bóng tối mù loà, phải lánh giặc, tỏ thái độ bất phục tùng cộng tác của người yêu nước đối với giặc, ông phải chuyển cư, di tản, tìm nhiều kế sinh nhai như dạy học, bốc thuốc. Tác phẩm của ông trong hoàn cảnh ấy cũng có nói về ma thuật, phù thuỷ các loại phù phép chữa bệnh cứu người trong hoàn cảnh xa cách ánh sáng khoa học. Ông có nói đến hạng người “mê tín dị đoan” để tỏ rõ thái độ tín ngưỡng và giáo dục người dân. Những thành ngữ như: “đạo hoả phó thang”, “phi phù tứ quỷ”, “sái đậu thành binh”, “trừ ma ếm quỷ”, “biến hoá thần thông”,… là những sáo ngữ nghèo nàn, mang sắc thái ngữ nghĩa đặc trưng phù phép.
“Đạo hoả phó thang” có nghĩa là “giẫm lên lửa, dấn mình vào nước sôi”: “Pháp hay đạo hoả phó thang, Ngồi gươm đứng giáo mở đường thiên hoang” (LVT). Hoặc phù phép “sái đậu thành binh” là phép “rảy hạt đậu thành âm binh”: Phép hay sái đậu thành binh, Bện hình làm tướng phá thành Diêm vương” (LVT). Có khi lại “trừ ma ếm quỷ” tức là phép “dùng pháp thuật để trấn áp ma quỷ, làm cho thủ đoạn của chúng mất tác dụng”: “Đồng rằng: nghe tiếng thầy đây, Trừ ma ếm quỷ phép thầy rất hay” (LVT), “Đời xưa phép lạ ai bì, Trừ ma ếm quỷ việc gì chẳng hay” (DTHM). Nội dung ý nghĩa của những phù phép này vốn tồn tại phổ biến trong bối cảnh dân gian, xã hội nông nghiệp truyền thống, thậm chí còn tồn tại cho đến ngày nay. Nguyễn Đình Chiểu nói đến, dẫn vào trong tác phẩm của mình cũng là khía cạnh hiện thực cuộc sống mà ông gần gũi, trải qua trong đời. Âu đó cũng là một nét hiện thực sinh động mang tính nhân văn tâm linh trong một trạng thái xã hội tinh thần đậm tính phương đông truyền thống mà không phải mê tín dị đoan thái quá trong thơ văn ông.
7.
Khi phân tích so sánh ngữ nghĩa thành ngữ và điển cố trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có một nét đặc trưng nổi rõ là tính cổ điển chuẩn mực trong Truyện Kiều và tính dân dã mang nét địa phương Nam Bộ. Bộ phận thành ngữ điển cố gốc Hán, mượn Hán – Việt nhìn chung từ nội dung đến hình thức cải biên, sáng tạo không mấy khác Ví dụ như thành ngữ: “âm cực dương bồi”, “bỉ sắc tư phong”, “bình địa ba đào”, “cố quốc tha hương”, “thệ hải minh sơn”, v.v. không khác nhau trong hai tác giả. Có chăng do dùng trong tác phẩm với chủ đề nội dung khác nhau, tính trau chuốt khác nhau mà có sắc thái riêng, song không đáng kể. Bộ phận những thành ngữ thuần Việt cấu tạo theo dạng so sánh tình hình cũng như vậy. Ví dụ: “nhẹ như bấc”, “nặng như chì”, “phận bèo mây”, “chật như nêm”, “kín như bưng”, “dầu như dưa”, v.v.
Tuy nhiên bộ phận thành ngữ phản ánh thực tế cuộc sống, cảnh vật, phong tục, tính cách dân dã đa dạng trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, mang sắc thái địa phương Nam Bộ rõ nét. Ví dụ nói về cảnh huống, sự tình: “kêu mưa lúc gió”, “khô nai cơm bắp”, “không cành không vi”, “gặp nàn trút đãy”, “giải nạn cứu tai”, “giỡn sóng chơi mây”, “ép vợ ép con”, “gà hạc khác ngôi”, “của tiền tan bọt nước”, v.v. Nói về thái độ, cách ứng xử: “đòi cuộc đòi đàn”, “tham đó bỏ đăng”, “ở thấp chồm cao”, “bá vơ bá vất”, “đờn gảy tai trâu”, “lòng lang dạ cáo”, v.v. Bộ phận thành ngữ so sánh cũng có sắc thái riêng: “kiểng xinh như vẻ”, “lộn nhào như tương”, “lặng lẽ như từ”, “chịu chết như gà”, “òm sòm như nhái”, v.v. Bối cảnh xã hội li tán loạn lạc đau buồn, chia lìa phản ánh cách tạo thành ngữ sóng đôi tên riêng Hán xen Việt: “nay Di mai Hạ”, “sớm Hạ tối Liêu”, “hươu Tần rắn Hán”, “nam Tống bắc Liêu”, “bên Hồ bên Hán”, “anh Tấn em Tần”, “ngựa Hồ chim Việt”, “mẹ Bắc con Nam”, “cha Hồ mẹ Hán”, “Hồ Việt đôi phương”, v.v.
Từ một số dẫn liệu trên có thể thấy: từ nội dung, cách dùng từ ngữ, biến thể âm từ, cấu tạo,… mang dấu ấn Nam Bộ, nét riêng của nhà thơ trời Nam, Lục tỉnh rõ nét. Không còn nghi ngờ gì nữa một số phác vẽ so sánh nội dung ngữ nghĩa thành ngữ và điển cố trong văn phẩm Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu cho thấy nét đặc trưng nội dung, thời cuộc, phong cách và phạm vi vận dụng, sáng tạo cũng như tính thời cuộc, tính riêng địa phương bộ phận ngữ liệu này trong hai tác giả. Điều này phần nào nói lên điểm chung và đặc trưng, sự biến động, tính lịch sử nguồn ngữ liệu, tác phẩm và tác giả được khảo sát.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.
2. Nguyễn Thạch Giang, Từ ngữ – Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1999.
3. Hoàng Văn Hành (chủ biên), Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
4. Nguyễn Văn Hằng, Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.
5. Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.