Pháo Tết

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ sử học)

1. QUỶ SƠN THẢO

     Tục truyền, ngày xưa có loài quỷ dữ tên là Sơn Thảo hay đến quấy phá loài người vào ngày đầu năm. Biết loài quỷ sợ tiếng nổ, nên loài người đã chuẩn bị sẵn ống tre tươi, ống nứa hoặc lồ ô – hai đầu có hai mắt, được khoan một lỗ nhỏ để đổ nước vào bịt kín. Vào đêm trừ tịch, người ta đốt một đống lửa trước nhà, rồi ném ống tre vào. Gặp lửa, nước sôi, ống tre phát nổ. Sơn Thảo bỏ chạy.Về sau, khi có thuốc pháo người ta vấn pháo bằng nhiều lớp dây tre rút thật chặt, dùi ngòi, đem đốt, gây tiếng nổ lớn. Loài quỷ càng sợ càng chạy xa.

2. PHÁO TẾT

     Từ đó người ta có tục đốt pháo vào đêm trừ tịch lúc Giao thừa. Ý nghĩa thần thánh ấy ngày nay đã mờ nhạt, chỉ còn lại ý nghĩa tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới. Tục đốt pháo là một tập tục phổ biến. Pháo là Tết, Tết là pháo. Vào đầu thế kỷ nầy, ta còn thấy một hình dạng một cái pháo có ngòi, do hiệu Quảng An xuất, với bốn chữ “Liên thăng báo hỉ” (h.160).

     Chúng ta không thấy loại pháo do làng Thị Cầu làm ra. Pháo này ngòi dùi ngang bụng chứ không dài dọc, nên còn gọi là pháo nến – vì trông giống hình cây nến, làng này có tục thi đốt pháo. Một quả pháo đại treo trên cột cờ, dân làng dùng những chiếc pháo nến do họ tự làm lấy với hai loại giấy bắt lửa để ném lên đốt. Ai đốt nổ sẽ được lãnh thưởng.

     Song có nhiều năm không dễ gì đoạt giải, nên ông cai đám phải cầm hương châm ngòi.

     Người Mường ở tỉnh Hoà Bình – miền Trung du Bắc bộ – vào giờ Giao thừa lại bắn “tụ” – tức súng thần công – tục gọi là bắn “chàng tịch” chớ không đốt pháo…

     Ngoài Thị Cầu còn có một số nơi đã tự làm được pháo như Bình Đà (Hà Tây), Đồng Kỵ (Hà Bắc)… việc tổ chức đốt pháo thật rầm rộ với các loại pháo có tên gọi ngộ nghĩnh. Ngoài loại pháo có tên to, nhỏ, ngắn, dài, dọc, ngang còn có tên pháo đùng, pháo tép, pháo vịt, pháo cây, pháo thăng thiên, pháo cối, pháo trúc…

     Riêng tại vùng Nghệ Tĩnh – ngoài việc đốt pháo còn đốt “lói” (pháo lói) với tiếng vang rền khiến cho thú vật nuôi trong nhà – vì quá sợ hãi – đã bỏ trốn đến sau Tết mới về. Do đó có câu:“Chạy như chó pháo lói”.

Hình 160: “Liên thăng báo hỉ” – Pháo Tết

3. PHÁO “LÓI”

     Xưa kia, vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh thường tự sản xuất lấy loại pháo “lói” tức loại pháo lớn hơn pháo “đùng”. Người dân tại đây dùng thân cây “thầu dầu” trộn với thuốc pháo, vấn ngòi rồi nhồi cả vào cái ống tre dài chừng 15 phân tay. Ống tre này để mắt dưới
đít có đường kính độ 2 hay 3 phân tây. Như vậy dân quê đã tạo được loại pháo lói, đốt rất kêu. Thuở ấy, vùng Đức Thọ, Linh Cảm có tục lệ dành cho những kẻ dám cả gan vào tận sân các nhà giàu có hay nuôi chó dữ để đốt loại pháo lói này vào đêm giao thừa. Nếu pháo kêu to làm cả nhà giật mình thì đây là điềm tốt lành cho nhà giàu ấy. Người đốt pháo nên ra mắt gia chủ để được tiền thưởng. Ngược lại, pháo tịt ngòi thì chỉ còn cách rút êm kẻo ăn đòn

__________
(1) Theo TRẦN XUÂN TUY – Pháo Tết – Trường Vinh – Xuân Giáp Thìn – Sài Gòn 1964, trang 46.

     Ngày nay Việt Nam đã huỷ bỏ tục lệ đốt pháo (kể từ năm At Hợi – 1995). Từng hộ gia đình phải làm giấy cam kết không đốt pháo tại địa phương mình. Người đốt pháo – bất kỳ là ai – phải chịu hình phạt nặng. Một tờ báo tại Hà Nội đã bị đình bản vì thiếu tinh thần ủng hộ lệnh cấm đốt pháo của Nhà nước. Được biết tại Sài Gòn trước đây cũng đã từng cấm đốt pháo từ năm Canh Tý (1960).Vào thời ấy, vi phạm lệnh đốt pháo không chỉ bị phạt vi cảnh mà còn bị nhốt vào trại tế bần (1).

     Câu đối Tết dành cho người mù vẫn nêu lên được 2 điều cơ bản: tiếng pháo và cây nêu.

“Tối ba mươi dạo gót đá cây nêu: À! Tết!
Sáng mùng một vểnh tai nghe tiếng pháo: Ờ! Xuân!”

__________
(1) Theo TRẦN XUÂN TUY – Pháo tết – Trường Vinh – Nội san của Hội Ái Hữu Cựu học sinh trường Vinh – Xuân Giáp Thìn – 1964 -tr. 46).

     Pháo trúc là loại pháo dùng ống tre nhồi diêm sinh cùng than xoan, bịt kín, lèn lên chặt 2 đầu, rồi đốt ngòi để gây nổ. Pháo này có tên là bộc trúc tức pháo trúc. (Từ thế kỷ 7, người Hoa đã phát minh thuốc súng và sử dụng kết quả này để đốt pháo).

     Bên cạnh các loại pháo gây nổ nêu trên – nổ từng tiếng một hay nổ thành từng tràng (pháo tràng). Còn loại pháo hoa cà, hoa cải. Đây là loại pháo giống như pháo bông. Để làm, dân làng dùng ống nứa, nhồi thuốc vào thật chặt. Thuốc có pha sẵn bụi gang và nhọ nồi.

     Vào đêm giao thừa, trời tối đen như mực loại pháo này bốc lên phát ra những tia sáng óng ánh trông như hoa cà, hoa cải. Tia sáng do thuốc pháo phát ra màu sáng xanh biếc do có bụi gang mà có màu sáng đỏ lửa do có nhọ nồi./.

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)