PHÁT ÂM theo PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ – Những ƯU ĐIỂM và HẠN CHẾ

PHAN TRẦN CÔNG
(Thạc sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM)

TÓM TẮT

     Vấn đề của người học ngoại ngữ luôn là ngôn ngữ mình đang học có những chuẩn mực nào, những gì mình được học có phải là chuẩn mực không và “tiếng chuẩn” trong ngôn ngữ đó là gì? Khi bắt đầu tiếp cận một ngôn ngữ, người học luôn ý thức mình đang tiếp cận ngôn ngữ đó thông qua một giáo viên với những đặc trưng ngôn ngữ riêng biệt của cá nhân cũng như đặc trưng phương ngữ của giáo viên đó. Dù thể hiện bằng một phương ngữ hay đặc trưng ngôn ngữ của một cá nhân thì những gì người học được tiếp cận vẫn mang đầy đủ những đặc trưng của ngôn ngữ mà họ đang học, là một trong những biến thể của ngôn ngữ đó. Vấn đề là biến thể đó khác với những biến thể khác thế nào, xa hay gần với “tiếng chuẩn”, hiệu lực của nó thế nào trong cộng đồng, những ưu điểm và nhược điểm của nó là gì…? Trường hợp phương ngữ Nam bộ, trên phương diện ngữ âm, bài viết đi vào phân tích những đặc trưng ngữ âm của phương ngữ Nam bộ, những điểm người giáo viên cần ý thức điều chỉnh trong môi trường sư phạm cũng như những lý giải cần thiết để người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các vùng phương ngữ trong cộng đồng ngôn ngữ nhằm tăng hiệu quả và phạm vi giao tiếp.

Từ khóa: phương ngữ, phương ngữ Nam, ngôn ngữ toàn dân, phát âm tiếng Việt.

1. Cơ sở lý thuyết

     1.1. Ngôn ngữ và phương ngữ

     Đối với một người nói tiếng Việt, hay bất kỳ một người đang sử dụng một ngôn ngữ nào như ngôn ngữ thứ nhất, thì không phải là họ nói ngôn ngữ đó mà là đang hiện thực hóa ngôn ngữ đó thông qua phương ngữ mà mình đang sử dụng. Đối với giáo viên dạy tiếng cũng không có ngoại lệ.

     Trên lý thuyết thì không có ngôn ngữ nào không có phương ngữ. Phương ngữ là một khái niệm ngôn ngữ học, trong đó mỗi phương ngữ được đặt trong thế đối lập giữa nó với phương ngữ khác và giữa nó với tiếng chuẩn. Phương ngữ được hình thành một cách tự nhiên trong lòng một ngôn ngữ với nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do sự biến đổi khác nhau và không đồng đều giữa các cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó trong một phạm vi địa lý nhất định cùng với việc tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau. Đối với người bản ngữ, khả năng tiếp thu và hiểu một phương ngữ khác thì tùy thuộc vào kinh nghiệm tiếp xúc, giao tiếp và môi trường sống của mỗi người.

     Đối với người học ngoại ngữ, khi mới bắt đầu, học viên không thể không có những băn khoăn nhất định về phương ngữ của giáo viên đứng lớp. Ở trình độ cao hơn, học viên cũng lắm khi ngỡ ngàng trước một phương ngữ mới tiếp xúc (của giáo viên mới hay với người bản ngữ khác). Đối với học viên tiếng Việt (HV) cũng thế, khi học tiếng Việt như một ngoại ngữ, HV tiếp xúc với một hay một vài giáo viên trong lớp là chính thì ý thức về phương ngữ chưa rõ ràng lắm. Nhưng khi học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, tức học trong môi trường ngôn ngữ đang học, HV có cơ hội tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt ngoài lớp học nhiều hơn. Khi đó HV sẽ nhận ra những khác biệt giữa những gì đã học trong lớp và thực tế ngôn ngữ ngoài xã hội.

     Từ đó đặt ra một số vấn đề sau:

     1) Trả lời câu hỏi của HV “Tiếng Việt tôi đang học là tiếng Việt gì?”

     2) “Tiếng Việt” giáo viên muốn dạy là “tiếng Việt” gì?

     3) Các “loại tiếng Việt” này khác nhau thế nào và ưu thế của mỗi “loại”?

     Ngay từ đầu hoặc không sớm thì muộn, giáo viên cần phải giải quyết những vấn đề trên một cách hợp lý.

     1.2. Vấn đề phương ngữ và tiếng chuẩn đối với tiếng Việt

     Phương ngữ (regional dialect, dialect) là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác. Như vậy, phương ngữ là cái trực tiếp và là cái đầu tiên mà người học được tiếp xúc bằng giác quan trên bề mặt, còn cái hệ thống, cơ chế tạo ra nó mới thực sự là ngôn ngữ. 

     Về sự khác biệt giữa các phương ngữ, ngoài những khác biệt về từ vựng, thỉnh thoảng gây khó khăn trong giao tiếp, những khác biệt về ngữ âm, giọng nói là khác biệt rõ rệt nhất và được biểu hiện thường trực trong quá trình nói năng. Một học viên đã từng học với một giáo viên, khi chuyển sang học với giáo viên khác với một phương ngữ khác thường dễ nhận ra những khác biệt trong cách phát âm. Đôi khi, học viên dễ rơi vào tình trạng nghi ngờ, hoang mang. Khi đó giáo viên cần có những lý giải nếu cần thiết. Mặc dù có những khác biệt giữa các phương ngữ (ngôn ngữ nào cũng thế), nhưng các phương ngữ đó không nằm ngoài ngôn ngữ, thứ tiếng đang học. Dù là phương ngữ nào của tiếng Việt thì cũng không nằm ngoài tiếng Việt và không ít thì nhiều đều mang những đặc trưng của tiếng chuẩn.

     Về khái niệm tiếng chuẩn, đó là hệ thống thống nhất được chuẩn hóa giữa các biến thể. Vào giai đoạn trước khi có nhà nước, phương ngữ phát triển tự phát. Khi nhà nước ra đời, ngôn ngữ được chuẩn hóa và mang tính quy chế nhà nước, ngôn ngữ toàn dân hình thành trên cả nước, đồng thời vẫn có sự phân hóa theo từng địa phương của từng phương ngữ, thổ ngữ, có sự phân chia theo chức năng. 

     Về phương diện ngôn ngữ học, tiếng chuẩn là một phạm trù chứ không phải một thứ tiếng cụ thể ở một địa phương (hay một giai đoạn) cụ thể nào. Đó là những đơn vị, hệ thống, cơ chế qui nạp những biến thể là các phương ngữ cụ thể. Đối với tiếng Việt, một ngôn ngữ có hệ thống chữ ghi âm tương đối hoàn thiện thì về phương diện ngữ âm, chữ viết là cơ sở để xác định tiếng chuẩn. Hay nói cách khác, phát âm theo tiếng chuẩn là cách phát âm gần với chính tả nhất.

     Đối với việc dạy tiếng Việt, nhu cầu của HV có thể là muốn học theo giọng Bắc, giọng Trung hay giọng Nam, nhưng trước hết, chúng ta cần dạy cho HV phát âm theo tiếng chuẩn trước, nhất là đối với phần phát âm, vì một số lý do sau: (1) người học và nói ngoại ngữ thì cần phải học và nói theo một theo hình thức chuẩn nhất của ngôn ngữ đó, (2) giúp HV có cơ sở để viết đúng chính tả, (3) học viên chỉ có thể ý thức rõ ràng những nét dị biệt giữa các phương ngữ khi vốn tiếng Việt đã ở mức tương đối. Hoặc bằng kinh nghiệm giao tiếp, HV có thể tự khái quát hóa những hiện tượng phương ngữ trong môi trường giao tiếp của mình và có thể tự điều chỉnh để quay về hình thức chuẩn đã được học, (4) hình thức chuẩn (tiếng chuẩn) luôn bao hàm các biến thể (phương ngữ) chứ một biến thể thì không bao hàm những biến thể khác và hình thức chuẩn.

     Đến đây, đối với ba câu hỏi được nêu ra ở phần 1.1 thì chúng ta đã trả lời được 2 câu.

     1) Âm tiếng Việt mà các HV đang nghe, đang học là phương ngữ của giáo viên.

     2) Nhưng không phải hoàn toàn là phương ngữ của giáo viên, tức không phải cách phát âm tự nhiên vì giáo viên đã tự điều chỉnh theo tiếng chuẩn trong môi trường sư phạm.

     Vấn đề còn lại mà chúng tôi đặt ra là cho các giáo viên là người miền Nam, cũng là mục đích của bài viết này. Đó là những khác biệt của phương ngữ Nam bộ so với tiếng chuẩn là gì và khả năng, mức độ điều chỉnh của người miền Nam (theo tiếng chuẩn) thế nào. Đồng thời cũng giúp học viên ở trình độ cao hơn có cái nhìn khái quát về sự khác biệt giữa phương ngữ Nam bộ về mặt ngữ âm.

2. Hệ thống ngữ âm trong phương ngữ Nam bộ

     Từ phần này, chúng tôi dựa theo quan điểm phân chia tiếng Việt thành 3 vùng phương ngữ để so sánh các vùng phương ngữ khác ngoài phương ngữ Nam bộ. Chia tiếng Việt thành 3 vùng phương ngữ lớn: phương ngữ Bắc (PNB), phương ngữ Trung (PNT) và phương ngữ Nam (PNN) là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu và phù hợp với quan niệm dân gian. Về mặt địa lý thì PNB là từ Thanh Hóa trở ra. Từ Thanh Hóa vào đến Huế là PNT và từ phía nam đèo Hải Vân trở vào đến cực nam là PNN. Tiêu chí nổi trội là sự khác nhau về thanh điệu giữa 3 vùng phương ngữ này dễ dàng nhận thấy. Khi quan sát các tiêu chí khác như ngữ âm, từ vựng thì quan điểm này càng được khẳng định. Chỉ có sự khác nhau về vị trí của vùng Thanh Hóa, có người cho Thanh Hoá thuộc phương ngữ Bắc (Nguyễn Bạt Tụy), có người xếp vào phương ngữ Trung (Hoàng Thị Châu).

     2.1. Phụ âm đầu trong PNN

     Hệ thống phụ âm đầu trong các phương ngữ Nam

     – Yếu tố ngạc hóa trong các phụ âm ngạc hóa của thế kỷ XVII Bj, Dj, Zj không mất đi như ở PNB mà lấn át phụ âm trước nó và biến thành phụ âm j (mặt lưỡi-ngạc, xát, hữu thanh);

     – [v] và [z] trong PNB được phát âm thành [j];

     – Tuy nhiên Bj đang được giữ lại (không chuyển thành [v] như trong PNB) trong ngôn ngữ truyền thông nhằm giảm lượng từ đồng âm, nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày thì không còn (trở thành [j]);

     – Xuất hiện w ở vị trí phụ âm đầu là hệ quả tác động của âm đệm – w- đến các phụ âm mạc và hầu đứng trước nó (sẽ nói rõ hơn ở phần âm đệm).

     Ở các tỉnh Nam Trung bộ (đèo Hải Vân đến Ninh Thuận) các phụ âm tiền ngạc được phát âm quặt lưỡi như trong PNT (tr, s). Nhưng ở Nam bộ thì có xu hướng đồng hóa, không phân biệt tr – ch, s – x. Phụ âm r có nhiều biến thể khác nhau từ âm rung r cho đến âm xát z hoặc g (vùng Tây Nam bộ).

     Nhìn chung, phụ âm đầu là một ưu điểm của PNN. Mặc dù có xu hướng đồng hóa nhưng trong phong cách chính luận hay học sinh trong trường học vẫn có thể phân biệt tr-ch, s-x dễ dàng. Bên cạnh đó PNN còn phân biệt d/gi [j] với r trong khi PNB tất cả là [z]. Như vậy, các cặp phụ âm cần phân biệt đối với giáo viên miền Nam thì các cặp phụ âm cần phân biệt là tr-ch, s-x và v-d/gi.

     2.2. Âm đệm trong PNN

     2.2.1. Âm đệm kết hợp với âm đầu (âm trước nó)

     Sự kết hợp của âm đệm trong âm tiết không tự do như nguyên âm do vai trò thứ âm của chúng, chúng phụ thuộc nhiều vào những yếu tố đứng trước (phụ âm đầu), đứng sau (nguyên âm). Nguyên tắc kết hợp đáng chú ý của âm đệm là tuân theo xu hướng dị hóa. Tức là hai âm có cùng đặc tính như nhau thì không đứng gần nhau. Do đó, âm đệm [-w-] vốn là âm có tính chất môi không đi với các phụ âm đầu – môi như m, b, v, ph.

     Trong PNB và PNT, âm đệm [-w-] ít ảnh hưởng nhiều đến âm tiết. Đối với phụ âm đầu, chúng chỉ không kết hợp với những phụ âm môi kể trên.

     Trong PNN, âm đệm [-w-] tác động mạnh mẽ đến phụ âm đầu:

     1) [-w-] tác động mạnh đến những phụ âm mạc (k, ng, g, x) và họng (h, q) đứng trước và biến đổi theo hai xu hướng:

     – Đồng hóa hoàn toàn: mất hẳn phụ âm đầu – xuất hiện phụ âm [w]:

w > w: oan [wa], uyên [wieng], uỳnh uỵch [wừn wựt]

hw > w: hoa huệ [wa wệ], huy hoàng [wi wàng], huênh hoang [wân wang]

ngw > w: nguyễn [wiễng], ngoài [wài], nguy [wi]

kw > w: qua [wa], quên [wên], quần [wừng], quen [weng]

     – Đồng hóa bộ phận: phụ âm chỉ bị môi hóa, còn các tính chất khác vẫn được giữ lại: Xw > f (tính chất xát, vô thanh được giữ lại): khoai [fai], khoái [fái], khuya khoắt [fia fắt]…

     Riêng trường hợp gw trong tiếng Việt chỉ có 1 trường hợp từ “goá”, lẽ ra [gw] ở đây trở thành [v] nhưng lại chuyển thành [j] như những âm tiết khác bắt đầu bằng [v] trong PNN. Vì vậy con đường biến đổi ở đây là: gw > v > j, bà góa [bà já].

     2) [-w-] bị triệt tiêu sau những phụ âm còn lại, tức những phụ âm răng, lợi, ngạc. Vd: tuyên truyền [tiêng triềng], xuân xanh [xưng xanh], lý luận [lí lựng], nhuần nhuyễn [nhừng nhiễng],….

     2.2.2. Âm đệm kết hợp với nguyên âm (âm sau nó)

     Do cơ chế dị hoá nói trên, âm đệm không kết hợp với các nguyên âm tròn môi u, ô, o và nguyên âm đôi .

     – Trong PNB, do xu hướng dị hóa mạnh, nên [-w-] không kết hợp với [ư] và [ươ], cũng như [ư] và [ươ] không kết hợp với âm cuối [-w] (PNB: ưu [iw], ươu [iêw]);

     – Trong PNT, kết hợp [wâ] ở Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên được thay bằng [wư]: tuần [twừn], sản xuất [sản swứt], quần quật [kwừn kwựt];

     – Trong PNN, âm đệm mất đi và còn lại ư chứ không phải â (vd trên). Đây là bằng chứng về sự kế thừa cách phát âm của miền Trung trong PNN. Một số thổ ngữ như ở Quảng Bình, Quảng Trị có hiện tượng âm đệm đồng hóa nguyên âm: quần [kùn], xuân [xun], quân [kun];

     Ngoài ra, ở một số thổ ngữ ở vùng Bắc Bình Trị Thiên còn có hiện tượng âm đệm đồng hóa nguyên âm: xuân > xun, quần > cùn. Ở Thanh Hóa, âm đệm -w- đồng hóa nguyên âm a theo sau nó: loạt > [lwọ:t], đoàn > [dwò:n].

     Do 2 xu hướng đồng hóa và triệt tiêu nói trên, có ý kiến cho rằng trong PNN không có âm đệm. Ở những vùng bán phương ngữ (các khu vực thành thị) là những vùng pha trộn nhiều phương ngữ và có đặc trưng ngôn ngữ có xu hướng chuẩn hóa mạnh thì âm đệm được thể hiện trong những kết hợp với e, a, ă, tức là với những nguyên âm mở (oe, oa, oă) rõ hơn. Trước nguyên âm a, âm đệm -w- đồng hóa nguyên âm giống như ở Thanh Hóa (loạt > [lwọ:t], đoàn > [dwò:n]).

     Tuy nhiên, với tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, nhận định này đã không còn đúng khi xu hướng chuẩn hóa trong phát âm đã nâng mật độ âm đệm xuất hiện hầu như trong các trường hợp và chỉ còn lại hiện tượng đồng hóa hoàn toàn khi kết hợp với , h, k.

     Chính vì thế mà đây không còn là vấn đề đáng quan ngại. Mặc dù âm đệm tác động nhiều đến âm tiết trong phương PNN nhưng thực tế chỉ thể hiện có phần rõ nét trong phong cách thân mật. Trên thực tế vẫn còn nghe thức phia (thức khuya), phái ăn phai (khoái ăn khoai), ngâm cú pha học (nghiên cứu khoa học), bà wại (bà ngoại),… nhưng với phong cách ngôn ngữ đặc biệt, thường là bông đùa. Còn trong giao tiếp chính thức, công việc, học đường, truyền thôn đại chúng… thì người nói tự điều chỉnh một cách tự nhiên. Trường hợp đồng hóa hoàn toàn khi kết hợp với , h, k mặc dù khá phổ biến nhưng cũng không khó điều chỉnh, đồng thời cũng không quá phức tạp trong việc giải thích cho học viên. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy học viên tiếp nhận hiện tượng này khá dễ dàng, một phần cũng nhờ môi trường ngôn ngữ ở Thành phố Hồ Chí Minh.

     2.3. Vần (nguyên âm + âm cuối)

     2.3.1. Đặc điểm của nguyên âm tiếng Việt

     Số lượng nguyên âm trong tiếng Việt mặc dù có những biến thể giữa các phương ngữ, tuy vậy, nhìn chung nguyên âm là hệ thống tương đối ổn định so với các hệ thống phụ âm đầu, âm đệm, âm cuối.

     – Hệ thống nguyên âm tiếng Việt:

     3 nguyên âm đôi ghi theo chính tả là: iê (iê, ia, ya, iê), ươ (ươ,ưa), uô (uô, ua).

     – Nguyên âm trong các âm tiết mở: trường độ nguyên âm kéo dài, lấp khoảng trống của âm cuối do trường độ âm tiết không thay đổi. Vì vậy hai nguyên âm ngắn ă, â không xuất hiện trong âm tiết mở;

– Đối lập giữa dòng trước và dòng sau thể hiện trong các từ láy âm: luân phiên giữa hai nguyên âm cùng độ mở:

o – e : nhỏ nhẻ, thỏ thẻ, móm mém, hom hem…

ô – ê : ngô nghê, sồ sề, ngông nghênh, chông chênh…

u – i : thút thít, thủ thỉ, mũm mĩm, chúm chím…;

     – Sự khác nhau của bản thân nguyên âm giữa các phương ngữ không đáng kể, nguyên âm dòng trước, dòng sau ở PNT và PNN có xu hướng hơi dịch về phía giữa hơn so với PNB, và độ căng của lưỡi và môi cũng yếu hơn;

     – Nguyên âm dòng giữa được phát âm gần như thống nhất, trừ nguyên âm [a] được phát âm hơi dịch về phía trước trong các phương ngữ từ Phú Yên đến cực Nam;

     – Ngoài ra còn có hiện tượng nguyên âm chuyển sắc như ở Thanh Hóa: chị [chệi], ông cụ [ông kộu], hay một số thổ ngữ Bắc bộ: mẹ [mịe], to [tuo].

     2.3.2. Đặc điểm của phụ âm cuối tiếng Việt

     – Trong tiếng Việt, tất cả các phụ âm cuối đều khép (implosive) chứ không phải là một phụ âm cuối mở (explosive) như trong các ngôn ngữ Ấn-Âu;

     – Có quan hệ chặt với nguyên âm và thanh điệu. Các phụ âm [-p, -t, -k] chỉ đi với thanh sắc và nặng, hai âm [-nh, -ch] chỉ đi với các nguyên âm [i, ê, e];

     – 6 cặp phụ âm cuối tiếng Việt:

1. Phụ âm môi : m, p

2. Phụ âm đầu lưỡi : n, t

3. Phụ âm mặt lưỡi : nh, ch

4. Phụ âm gốc lưỡi : ng, k

5. Phụ âm mạc : ngm,  kp

6. Bán nguyên âm : w, j

     Các cặp phụ âm này tương ứng với nhau về tính thanh và tính chất mũi. Trong các phương ngữ, các phụ âm này có thể biến đổi nhưng đặc biệt là tính tương liên giữa hai vế của mỗi cặp vẫn được duy trì, vì vậy chúng có thể cùng tồn tại hoặc cùng biến mất, hiện tượng gì xảy ra cho vế bên này thì cũng xảy ra cho vế bên kia.

     – Mối tương liên của các cặp thể hiện qua từ láy:

-ngm,  -kp : xồng xộc, lông lốc, nhung nhúc, chòng chọc, sùng sục…

-ng/-k: khang khác, hừng hực, hăng hắc, phưng phức, răng rắc…

-nh/-ch: khanh khách, bành bạch, phành phạch, thinh thích, xềnh xệch…

-n/-t: sồn sột, phần phật, bèn bẹt, thin thít, kìn kịt, sìn sịt…

-m/-p: rầm rập, hâm hấp, sùm sụp, tăm tắp, him híp…

     2.3.3. Vần trong PNN

     * Sự tác động lẫn nhau giữa nguyên âm và phụ âm cuối tạo ra những biến đổi lớn về cả hai phía làm thay đổi hẳn hệ thống vần trong PNN về cả số lượng lẫn chất lượng. Sau đây là bảng vần trong PNN:

     (a) Trong PNN số vần giảm hẳn so với PNB và PNT. Bảng vần cho thấy khá nhiều vần trùng nhau. Các vần ở cột 2 và 4 với nguyên âm dòng giữa trùng nhau từng đôi một. Ở cột 1, nguyên âm dòng trước có 3 vần trùng nhau (-i:m). Ở cột 6, nguyên âm dòng trước và dòng giữa có 5 vần trùng nhau (-i:w).

     (b) Không có cặp phụ âm cuối [-nh, -ch] trong PNN (cột 3). Chúng trở thành [-n, -t] và nguyên âm cũng bị thay đổi (mình > mần, chênh vênh > chân vân, anh > ăn, kích thích > kứt thứt, chánh khách > chắn khắt…).

     (c) Cặp phụ âm [-n, -t] gốc chỉ còn lại với hai cặp vần [-i:n, -i:t], [-ê:n, -ê:t]. Ví dụ: mít chín, trên hết, mệt ở Nam Trung bộ phát âm không có gì thay đổi. Nhưng ở Nam bộ lại nói là mứt chứn, trơn hớt, mợt tức là nguyên âm đều dịch vào giữa, ư thì ngắn lại còn ơ thì dài ra. Sau các nguyên âm còn lại, [-n, -t] đều biến thành [-ng, -k].

     Ngoài ra PNN còn có cặp [-n, -t] do [-nh, -ch] chuyển thành (-inh, -ênh, -enh > -ưn, -ân, -ăn). Do đó [-n, -t] đi cả với nguyên âm dòng trước và nguyên âm dòng giữa chứ không phải ở thế phân bố bổ túc cho [-ng, -k]. Chúng vẫn là những âm vị như ở PNB và PNT.

    (d) Cặp [-ng, -k] không chỉ đứng sau nguyên âm dòng giữa như ở PNB, chúng còn đứng sau tất cả các nguyên âm tròn môi và nguyên âm dòng trước e (tuy nhiên e có yếu tố chuyển sắc trung hòa ea– trường hợp chính tả viết vần en – cột 2).

     (e) Cặp [-m, -p] tự nó không biến đổi nhưng chúng tác động đến nguyên âm đứng trước chúng làm cho nguyên âm dòng sau mất tính tròn môi (um tùm > ưm từm, lúp xúp > lứp xứp). Hiện tượng này được xem là hiện tượng dị hóa ngược. Vì phụ âm môi đứng sau đã khử đi tính chất môi của nguyên âm đứng trước nó.

     (f) Trường hợp hai nguyên âm ngắn /ă/ và  đi với bán nguyên âm cuối -w và -j: /ă/ khi kết hợp với -w và -j thì trở thành [a]. Vd: máy bay > mái bai, cau > cao. Trường hợp / d/ (â), chỉ biến đổi thành [ă] khi kết hợp với –j. Vd: thầy > thày, cây > cay.

3. Thanh điệu trong PNN

     Sự phân bố của thanh điệu tiếng Việt phụ thuộc vào mỗi loại âm tiết khác nhau, tùy thuộc vào phụ âm cuối của âm tiết. Cụ thể, các loại âm tiết và sự phân bố của thanh điệu như sau:

(STT) Loại âm tiết Mô tả Thanh điệu
kết hợp
(1) Âm tiết mở Phụ âm cuối là zero 6 thanh
(2) Âm tiết nửa mở Phụ âm cuối là hai bán phụ âm cuối: –u và –j 6 thanh
(3) Âm tiết nửa khép Phụ âm cuối là các phụ âm mũi: –m, –n, –nh, –ng, -ngm 6 thanh
(4) Âm tiết khép Phụ âm cuối là các phụ âm tắc: – p, –t, –ch, –c, –cp(-kp) sắc nặng

     3.1. Sáu thanh của tiếng Việt trong PNN

     Như chúng ta đã biết, đặc trưng rõ nhất đối với hệ thống thanh điệu trong PNN là chỉ có 5 thanh. Trong đó thanh hỏi và thanh ngã không được phân biệt (trở thành một thanh), so với PNB thì hai thanh này được phân biệt rõ ràng.

     So sánh đường nét thanh điệu giữa PNB và PNN đối với âm tiết mở:

     Theo hình ảnh thực nghiệm trên, chúng ta thấy trong PNN:

     – Đường nét thanh hỏi và thanh ngã là như nhau. Chúng có điểm bắt đầu thấp hơn thanh ngang và thanh sắc, đi xuống và đi lên đến điểm kết thúc cao hơn điểm bắt đầu;

     – Còn thanh nặng thì cũng có đường nét tương tự nhưng chỉ đi lên một chút ở cuối và điểm kết thúc thấp hơn điểm bắt đầu. Khác với thanh nặng trong PNB, chỉ đi xuống, không đi lên ở cuối âm tiết, và kết thúc bằng một âm tắc thanh hầu.

     3.2. Thanh sắc và thanh nặng trong âm tiết khép (4)

     Tuy nhiên, thanh nặng và thanh sắc trong PNN xét trên có chu cảnh là âm tiết mở, loại âm tiết (1). Cả hai thanh này cùng có sự khác biệt giữa âm tiết khép (4) và ba loại âm tiết còn lại (1), (2) và (3).

     Thanh nặng và thanh sắc đối với ba loại âm tiết (1), (2) và (3) được thể hiện như nhau. Nhưng trong loại âm tiết khép (4) thì chúng có thay đổi đáng kể.

     Thực nghiệm chúng tôi tiến hành dưới đây với thanh sắc và nặng xuất hiện trong chu cảnh chỉ khác nhau bởi cặp phụ âm cuối đồng vị. Những đơn vị ghi âm là những từ có nghĩa đối với tất cả các nguyên âm trong kết hợp với các phụ âm của phụ âm cuối qua giọng đọc của cả nam và nữ.

     Dưới đây là một vài ví dụ minh họa:

     Nhận xét chung:

     – Về trường độ, âm tiết khép có xu hướng được thể hiện ngắn lại;

     – Thanh sắc của âm tiết (4) đi lên ngay sau khi bắt đầu trong khi trong âm tiết (3) thì đi ngang và có xu hướng hạ thấp trước khi đi lên;

     – Thanh nặng của âm tiết (4) đi thẳng xuống thấp trong khi trong âm tiết (3) thì đi xuống và đi lên đến điểm kết thúc thấp hơn không đáng kể, có khi bằng với điểm bắt đầu.

4. Kết luận

     Mỗi phương ngữ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Nếu PNB có ưu thế đối với thanh điệu, phần vần (mà đặc biệt là phụ âm cuối) thì PNN có ưu thế về phụ âm đầu. Tuy nhiên, xét về số lượng chệch chuẩn so với chính tả thì PNB có nhiều ưu thế hơn PNN.

     Bài viết của chúng tôi tập trung vào việc hệ thống hóa những khác biệt của PNN nhằm giúp giáo viên có những lý giải thỏa đáng khi cần thiết (chỉ khi cần thiết) với học viên. Đồng thời giúp giáo viên nắm bắt những hạn chế, khả năng khắc phục theo hướng chuẩn hóa trong việc dạy phát âm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Lê Thư, Nguyễn Văn Huệ, 1998, Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt, NXB Giáo Dục.

2. Đoàn Thiện Thuật, 2003, Ngữ âm tiếng Việt, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.

3. Jennifer Wilson, December 2008, Phonetics of Korean, Course Project (Linguistics Department, State University of New York at Buffalo).

4. Hoàng Thị Châu, 2004, Phương ngữ học tiếng Việt, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Huệ (chủ biên), 2008, Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài 1, NXB ĐH Quốc gia TP HCM.

6. Phan Trần Công, 2006, “Phương pháp dạy phát âm cho người bắt đầu học tiếng Việt – từ lý thuyết đến thực tiễn dạy tiếng”, trong Việt Nam học và tiếng Việt (Kỷ yếu hội thảo), NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.

7. Phan Trần Công, Chu Thị Quỳnh Giao, Trần Thị Tâm, 2009, “Luyện phát âm đối với thanh điệu tiếng Việt”, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Quốc tế 2009, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội.

8. Phan Trần Công, Trần Thị Tâm, Chu Thị Quỳnh Giao, 2010, “Luyện phát âm đối với nguyên âm tiếng Việt cho học viên Hàn Quốc”, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học và tiếng Việt – các hướng tiếp cận, Hà Nội.

9. Phần mềm thực nghiệm ngữ âm: Speech Analyzer 2.7.

Nguồn: Bài đăng trong Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt,
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 2011, NXB Tổng Hợp TP HCM, tr.16-31

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)