Phát huy, khai thác tiềm năng, vai trò cộng đồng trong quá trình bảo tồn di sản văn hoá truyền thống Thăng Long – Hà Nội
Tác giả bài viết: Tiến sĩ LƯU MINH TRỊ
(Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội)
Quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển Thủ đô đã hun đúc nên truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Lịch sử cũng đã lưu lại trên vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi” này một khối lượng di sản văn hoá truyền thống đồ sộ, phong phú với hơn 5000 di tích lịch sử – văn hoá, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, hơn 1000 lễ hội và nhiều di sản vật thể, phi vật thể khác. Nhân dân, cộng đồng là lực lượng chủ yếu đã xây dựng, sáng tạo nên các công trình di sản đó, và chính họ đã và đang giữ gìn di sản văn hoá truyền thống với sự quản lý, bảo trợ của Nhà nước…
1. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng với nhiều di sản văn hoá truyền thống đặc sắc
Thủ đô Hà Nội ngày nay có diện tích 3.344,7km2, dân số 6.448.837 người (năm 2009); 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, 576 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn. Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, lại được bồi đắp, dung nạp cả một kho tàng văn hoá vùng đất Sơn Tây, Hà Đông và Mê Linh với bao danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hoá, làng nghề, làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội cổ truyền… Sơn Tây thuộc xứ Đoài, một trong “tứ trấn” và là một phần của đất Phong Châu thời các vua Hùng; Hà Đông là đất Sơn Nam Thượng – miền đất văn hiến của Đại Việt; Mê Linh là quê hương của Trưng Trắc và Trưng Nhị, kinh đô thời Trưng Vương (năm 40 – 43).
Hà Nội – Thủ đô, trái tim của Tổ quốc có vinh dự quản lý bảo tồn một khối lượng khổng lồ di sản văn hoá truyền thống.
Di sản văn hoá là bộ phận trọng yếu của nền văn hoá dân tộc bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể.
Về di sản văn hoá vật thể:
Theo thống kê đến năm 2009, trên địa bàn Hà Nội có 5175 di tích, trong đó có 2095 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 931 di tích đã được xếp hạng cấp Thành phố. Đặc biệt Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO quyết định công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới từ 1/8/2010, Khu Phủ Chủ tịch là Di tích Quốc gia đặc biệt. Các di tích nổi tiếng khác là: Khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, quần thể di tích Khu vực hồ Hoàn Kiếm (Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài vua Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lê), đền thờ và lăng Ngô Quyền cùng với Làng cổ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu di tích đền Sóc và tượng đài Thánh Gióng ở huyện Sóc Sơn, “Tứ trấn” Thăng Long (đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đình Kim Liên), khu di tích Phù Đổng (huyện Gia Lâm), khu di tích chiến thắng Đống Đa (tượng đài Quang Trung), thành cổ Sơn Tây, khu phố cổ Hà Nội, di tích nhà 48 phố Hàng Ngang – nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở Vườn hoa Vạn Xuân, tượng đài Lênin (Công viên Lênin), Hồ Hữu Tiệp và xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, tượng đài “Bác Hồ và Bác Tôn” ở Công viên Thống Nhất… Hà Nội có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, sông Hồng, sông Đà, vùng núi Ba Vì…
Hà Nội hiện đã tìm được nhiều di vật, cổ vật hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng… Các cuộc thám sát khảo cổ học ở Cổ Loa, hồ Ngọc Khánh, trung tâm Hoàng thành Thăng Long… đã tìm thấy nhiều di vật, cổ vật quý hiếm ở các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Đó là Trống đồng Cổ Loa, mũi tên đồng (khu di tích Cổ Loa), đạn đá, giáo móc câu, đinh sắt, mũi tên kim loại, phác vật vũ khí… đào được ở hồ Ngọc Khánh thuộc Giảng Võ trường (nằm ở địa phận các làng Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Mã – nay thuộc quận Ba Đình). Đặc biệt, các cuộc khai quật khảo cổ ở Đoan Môn (Thành Cổ Hà Nội, năm 2000), ở 18 phố Hoàng Diệu năm 2002 – 2003 đã phát lộ nền móng một số công trình kiến trúc ở phía tây điện Kính Thiên (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Hàng triệu hiện vật đã được khai quật. Nhiều hiện vật đẹp như tượng và phù điêu hình rồng, phượng, uyên ương trang trí trên ngói úp nóc hay đầu ngói ống, bệ đá trang trí cánh sen, những viên gạch ghi chữ Hán, các đồ ngự dụng và gia dụng…
Về di sản văn hoá phi vật thể:
Thăng Long – Hà Nội ngàn năm đã để lại một sản phẩm tinh thần phong phú, nơi hội tụ văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ và mọi miền đất nước, đặc biệt là văn hoá dân gian.
Văn hoá dân gian Hà Nội rất phong phú. Đó là: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, dân ca, ca dao…; nghệ thuật tạo hình, tranh khắc gỗ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Vân Canh); ca nhạc như ca trù, hát xẩm, hát văn, chèo, tuồng…; múa rối nước; múa dân gian (ở Triều Khúc – Thanh Trì, Văn Đức – Gia Lâm…); ẩm thực với các món ăn ngon, độc đáo như: phở, chè, cốm Vòng và bánh cốm Hàng Than, bánh tôm Hồ Tây…; trang phục (áo dài…); nghề thủ công truyền thống (làng nghề, các phố “hàng” ở khu thị dân xưa, nay là Khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm; lễ hội truyền thống; nếp sống “thanh lịch” người Hà Nội… Đặc biệt, Hà Nội có 1095 lễ hội truyền thống (nhiều nhất cả nước), nay vẫn được bảo tồn và phát triển, tiêu biểu như: lễ hội Đền Sóc, lễ hội Gióng, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Đống Đa, hội chùa Láng, hội Triều Khúc, hội đền Và, hội chùa Thầy, hội bơi Đăm, lễ hội đền Voi Phục, lễ hội đền Bạch Mã, hội thi thổi cơm Thị Cấm…
2. Đặc điểm của di sản văn hoá truyền thống Thăng Long – Hà Nội và vai trò của cộng đồng trong quá trình sáng tạo, bảo tồn di sản văn hoá
Văn hoá truyền thống Thăng Long – Hà Nội bao gồm hai loại hình đặc trưng: văn hoá làng và văn hoá đô thị.
Văn hoá làng
Như đã biết, làng là một cộng đồng dân cư nông thôn của người Việt trên vùng sông Hồng, sông Mã, sông Lam… có lịch sử mấy thiên niên kỷ. Sử học đã chứng minh rằng, trong lịch sử Việt Nam hơn nghìn năm Bắc thuộc, đã có lúc nước bị mất nhưng làng không mất. Làng vẫn được giữ vững, phục hồi tái lập trên khắp đồng bằng sông Hồng, rồi tái sinh trên dải đất miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Chính văn hoá làng đã làm cho làng có sức mạnh bền vững như thế. Văn hoá làng vẫn tồn tại đến ngày nay (dù đang thay đổi và phát triển mới…) với sự ngưng kết đậm đặc biểu hiện trong lối sống, phong tục tập quán, kho tàng văn hoá dân gian, tín ngưỡng – tôn giáo. Văn hoá làng còn có cả một cơ sở vật chất là đình, đền, chùa, lũy tre, cây đa, bến nước… Những yếu tố vật thể và phi vật thể trên không đứng đơn lập, rời rạc mà hòa quyện vào nhau, tích hợp thành bản sắc văn hoá làng, lưu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Văn hoá làng là bộ phận hữu cơ của văn hoá truyền thống Việt Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng.
Những thành tố tạo nên tổng thể văn hoá làng là: gia đình, dòng họ; tín ngưỡng đa thần – ngôi đình và ngôi chùa; tính tự trị, tự quản, hương ước làng xã, hội làng.
Quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng quê hương đã hình thành nên văn hoá làng Việt Nam đặc sắc và độc đáo.
Câu hỏi đặt ra: Ai tạo nên văn hoá làng? Có thể trả lời: Quá trình lịch sử – tự nhiên xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam đã hình thành nên văn hoá làng và thiết chế văn hoá làng. Nhân dân, cộng đồng làng xã là lực lượng chủ yếu tạo dựng và duy trì nên văn hoá làng. Văn hoá dân gian, phong tục, ẩm thực, lễ hội… do nhân dân, cộng đồng làng xã sáng tạo ra. Người dân và cộng đồng làng xã đã góp công, của để xây dựng đình, chùa, đền, miếu…
Ta nói vài nét về ngôi đình: Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam, nơi đây có ba chức năng được thực hiện: hành chính, tôn giáo và văn hoá. Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các “việc làng”, để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng (một vị hoặc nhiều vị) được gọi là “Thành hoàng làng (là những người có công với nước, với dân được vua phong thờ ở đình đó; cũng có nơi thần được thờ không phải do vua phong, nhưng là người có công lao đầu tiên lập làng, hoặc ông tổ nghề đã dạy nghề cho dân; có nơi thần được thờ là thiên thần hay nhiên thần). Người nông dân dành cho đình làng những tình cảm tốt đẹp nhất. Từng người dân và cả cộng đồng làng dồn công sức và góp tiền của để xây ngôi đình quê hương mình thành một kiến trúc lớn nhất trong làng mình.
Ở làng xã còn có đền, nghè, miếu… (thờ thần) đều do người dân và cộng đồng làng xã xây dựng nên để tôn vinh những vị có công với dân làng, với đất nước (nhân thần hay thiên thần, nhiên thần).
Hằng năm có lễ hội ở đình, đền và chùa làng. Lễ hội làng quê được tổ chức rất trang trọng, nhân dân địa phương và các nơi về dự để tưởng nhớ đến các vị thần có công với đất nước và địa phương bản quán. Trừ số ít lễ hội do nhà vua hay quan lại các cấp đứng ra tổ chức (các thần thuộc thượng đẳng thần – những nhân vật lịch sử nổi tiếng, những vị thiên thần quan trọng…), còn hầu hết lễ hội đều do nhân dân địa phương tổ chức.
Mùa thu năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Trải dài lịch sử ngàn năm, nơi đây hình thành hai khu vực đặc trưng là Hoàng thành và Khu thị dân “36 phố phường”. Khu thị dân ở phía đông Hoàng thành, đó là những xóm làng nông nghiệp, những phường thủ công và khu chợ. Như vậy là Kinh thành Thăng Long dần hình thành văn hoá cung đình – với những kiến trúc cung và điện, đài và các, những điệu nhã nhạc và múa chầu, những lễ hội cung đình (vua xem đua thuyền, hội đền Quảng Chiếu, hội thề Đồng Cổ, tế xã tắc,…). Đồng thời, hình thành văn hoá ở khu thị dân. Khu vực này biến đổi theo quá trình đô thị hoá và giao lưu của Kinh thành và mọi miền đất nước. Khu “36 phố phường” hình thành rõ nét từ thời Lê (từ thế kỷ XV), từ thế kỷ XIX đến nay đã có nhiều thay đổi. Đó là khu phố cổ hiện nay ở quận Hoàn Kiếm. Khu thị dân của Kinh thành xưa, một không gian đô thị nhộn nhịp với những nhà hình ống san sát nhau, đường phố bàn cờ, sinh hoạt lối sống cộng đồng dân cư tấp nập (làm nghề thủ công, buôn bán…). Nét đặc biệt là trong khu thị dân xưa (nay là khu phố cổ) đã được cộng đồng dân cư các nơi (ngoại thành Thăng Long, các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…) về làm nghề thủ công đã xây dựng những đình, đền, chùa, hội quán (có 112 di tích tổ nghề, đình, chùa, hội quán… ở khu phố cổ). Cùng với các di tích lịch sử – văn hoá là lễ hội cổ truyền như lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đình Yên Thái, lễ hội chùa Cầu Đông, lễ hội đền Phả Trúc Lâm (thờ tổ nghề da giầy), lễ hội nghề Kim Hoàn (đình Kim Ngân ở 42 Hàng Bạc)…
Điều đáng chú ý ở đây là, các nếp sinh hoạt đô thị được hình thành (ăn, ở, quan hệ xã hội…) cùng với sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo ở khu “36 phố phường” được chuyển dịch từ nông thôn – văn hoá làng, ra kinh thành, tạo nên văn hoá thị dân… Ngày nay, trong đời sống đô thị mới (ngày càng hiện đại), văn hoá đô thị cổ truyền dần thay đổi, văn hoá cung đình không còn nữa, nhưng những giá trị truyền thống của văn hoá này vẫn còn tồn tại (nhất là khu phố cổ Hà Nội), với nếp sinh hoạt văn hoá đường phố hiện đại, hoà quyện với những nét văn hoá truyền thống. Như vậy là, nhân dân đã tạo dựng nên xóm làng, phố nghề, đường phố… Nhân dân, dòng họ, cộng đồng cũng xây dựng các công trình tín ngưỡng – tôn giáo để thờ cúng tổ tiên, tổ nghề, người có công với dân với nước. Đồng thời, chính người dân và cộng đồng đã và đang giữ gìn, tôn tạo di sản truyền thống mà cha ông để lại.
Những điều nêu trên về văn hoá làng, văn hoá đô thị trong quá trình xây dựng và phát triển Thăng Long – Hà Nội, cho thấy:
– Nhân dân và cộng đồng là lực lượng chủ yếu sáng tạo, xây dựng nên di sản văn hoá truyền thống. Một số ít di tích như Hoàng thành, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một số đền thờ những người có công lớn với nước, những vị thiên thần + nhiên thần đặc biệt, thì do Nhà nước phong kiến đầu tư xây dựng, quản lý. Trong tổng số hơn 5000 di tích lịch sử – văn hoá ở Hà Nội (đình, chùa, đền, phủ, quán…) thì có tới 95% là do nhân dân làng xã, cộng đồng và dòng họ xây dựng, quản lý. Trong số hơn 1000 lễ hội truyền thống ở Hà Nội thì hầu hết do dân làng tổ chức. Một số rất ít lễ hội (ngày xưa và cả thời nay) do Nhà nước các cấp tổ chức (thường là 5 năm, 10 năm mới tổ chức lớn). Hiện nay, ở Hà Nội có lễ hội đền Sóc, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Gióng, lễ hội Đống Đa… là do cấp huyện, quận chủ trì tổ chức; còn lại, các lễ hội đều do xã, phường và các di tích tổ chức.
Các cơ sở làng xã tổ chức lễ hội (hàng năm, 5 năm tổ chức lớn…) là đúng với truyền thống văn hoá cộng đồng, văn hoá làng…
– Nhân dân, cộng đồng luôn là lực lượng chủ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá truyền thống.
3. Những giải pháp phát huy, khai thác tiềm năng, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hoá truyền thống
Di sản văn hoá truyền thống Việt Nam do Nhà nước quản lý chung theo Luật Di sản Văn hoá. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng với hệ thống toàn ngành có trách nhiệm giúp Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc tham mưu và triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá. Ở cơ sở xã, phường, thôn xóm và từng di tích có ban quản lý, tiểu ban quản lý di tích, các chùa có nhà sư trụ trì… Thông qua các ban hay tiểu ban quản lý và các tổ chức xã hội về văn hoá mà nhân dân tham gia tự quản di tích… Một số di sản văn hoá phi vật thể cũng thông qua trưởng thôn hay tổ mặt trận, chi hội di sản văn hoá… mà tập hợp lực lượng giữ gìn, phát huy như rối nước, hát chèo, múa cổ truyền…
Để phát huy, khai thác tiềm năng, vai trò của cộng đồng trong quá trình bảo tồn di sản văn hoá truyền thống, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
3.1. Về quản lý của Nhà nước, chỉ đạo của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Để thi hành Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần đề ra kế hoạch thực hiện, đồng thời xây dựng quy hoạch về bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá, quy hoạch bảo tồn văn hoá dân gian… trên địa bàn Hà Nội.
Có kế hoạch, quy hoạch cùng các chính sách đầu tư, chính sách thu hút sự đóng góp của nhân dân và cộng đồng, sẽ đưa đến kết quả cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Ở quận Tây Hồ do Uỷ ban Nhân dân quận, Phòng Văn hoá – Thông tin chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch và tăng cường quản lý, lại biết phát huy tiềm năng cộng đồng, nên nhiều di tích được tôn tạo.
3.2. Nêu cao tính chủ động và sáng tạo của các ban, tiểu ban, người trụ trì di tích và các tổ nhóm tự quản di sản xã, phường, thôn xóm và từng di tích
Đây là mô hình tổ chức vừa thể hiện sự quản lý của Nhà nước vừa thể hiện vai trò tự quản của cộng đồng. Ở Hà Nội hiện nay, nhiều quận và huyện lập ban quản lý di tích ở xã, phường; tiểu ban quản lý di tích được lập ra ở từng di tích (đình, đền, chùa…). Bài học thực tế ở nhiều cơ sở là nêu cao tính chủ động và sáng tạo của các tổ chức này. Qua ban hay tiểu ban quản lý di tích để xây dựng kế hoạch bảo tồn di sản, đặc biệt là từ đây để huy động tổng hợp cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ và tôn tạo di tích. Đình Khương Thượng (quận Đống Đa) là một điển hình bảo tồn di tích. Ban quản lý di tích của đình gồm các bác rất tâm huyết, luôn chăm lo, tôn tạo ngôi đình từ khi bị đổ nát, sau gần 10 năm vận động nhân dân (có sự đầu tư một phần nhỏ của chính quyền) tôn tạo, ngôi đình trở lại kiến trúc xưa trong khuôn viên được mở rộng, có sân rộng và hồ nước phía trước đình. Cụ Vũ Văn Tròn ở làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) đã tập hợp các ông, bà tâm huyết vận động nhân dân và các nhà tài trợ, xây lại ngôi đình Sở Thượng khang trang giá trị hơn 15 tỷ đồng.
3.3. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc vận động nhân dân và cộng đồng tham gia bảo tồn di sản văn hoá
Hệ thống chính trị nước ta có một khâu rất quan trọng là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân – các tổ chức xã hội. Tổ mặt trận, tổ đoàn thể phụ nữ, tổ phụ lão, chi đoàn thanh niên… có mặt ở khắp thôn xóm, đường phố. Đây là lực lượng xã hội có điều kiện tốt để vận động hội viên, đoàn viên… tham gia bảo tồn di sản văn hoá ở địa phương.
Thực tế cho thấy ở những thôn làng, khối phố có di tích hay di sản văn hoá dân gian, nếu được tổ mặt trận, tổ hội nông dân, chi đoàn thanh niên… đứng ra vận động nhân dân, nhất là những người hảo tâm đóng góp, thì ngôi đình hay đền, chùa ở đó có kinh phí để trùng tu. Một ví dụ: Huyện Đông Anh có di sản văn hoá ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục và một số làng có truyền thống hát chèo. Được ngành văn hoá quan tâm ở những nơi này Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo hình thành những hội, nhóm đứng ra khôi phục di sản quý báu của cha ông. Sau nhiều năm, các di sản văn hoá dân gian ở các thôn làng trên được bảo tồn, phát huy tốt. Đoàn Rối nước Đào Thục được đi biểu diễn cả ở một số nước châu Âu, châu Á. Các đội ca trù, hát chèo được đi biểu diễn ở các xã trong huyện và tham gia hội diễn cấp thành phố…
Những năm gần đây ta còn thấy vai trò của Hội Di sản Văn hoá và Hội Khoa học Lịch sử được phát huy ngày càng sâu rộng trong việc động viên hội viên và nhân dân bảo tồn di sản văn hoá. Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội ra đời từ năm 2001, dần dần phát triển, nay có gần 1000 hội viên ở 29 chi hội và tổ quản lý di tích trong nhiều địa bàn quận, huyện. Các hội viên, các chi hội và tổ quản lý di tích đã vận động cộng đồng tôn tạo hàng trăm di tích. Chi hội Chân tâm Di sản Văn hoá đã vận động đúc chuông cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chi hội di sản văn hoá phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) đã huy động đóng góp xây lại ngôi đền Hội Mỹ. Chi hội đền Hào Nam (quận Đống Đa) đã vận động nhân dân tham gia trùng tu lại ngôi đền và bảo vệ chống lấn chiếm đất của đền. Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội đã khởi xướng, chỉ đạo vận động hội viên và các nhà tài trợ xây dựng khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm với kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
3.4. Động viên khen thưởng sự đóng góp của nhân dân, cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hoá
Đây là công việc cần thiết, để phát huy nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hoá truyền thống. Ai khen thưởng? Đó là chính quyền các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội khen thưởng định kỳ hay đột xuất những cá nhân và tập thể có thành tích tu bổ tôn tạo di tích hay khôi phục văn nghệ dân gian…
Từng xã, phường, quận, huyện mỗi năm tổng kết công tác văn hoá thông tin… cần có khen thưởng các cá nhân và tập thể tích cực đóng góp vào các công tác bảo tồn di sản văn hoá. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng cần cấp giấy khen và tặng thưởng cho những người tích cực bảo tồn di sản văn hoá. Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội cứ 3 năm một lần mở hội nghị biểu dương những người xuất sắc bảo tồn di sản văn hoá. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội tổ chức họp mặt biểu dương 300 đại biểu xuất sắc và trao tặng cho họ danh hiệu “Người bảo vệ di sản”. Các hình thức khen thưởng trên có tác dụng động viên tinh thần đối với cá nhân và cộng đồng trong tham gia bảo tồn di sản văn hoá. Đồng thời, qua các phương tiện thông tin đại chúng, công bố những người và tập thể được biểu dương, càng làm cho việc khen thưởng trên lan tỏa rộng trong nhân dân.
4. Vài lời kết
Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, với di sản văn hoá truyền thống hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Nhân dân, cộng đồng luôn là lực lượng quan trọng, là chủ lực sáng tạo ra các công trình văn hoá…, và chính họ là người bảo tồn – phát huy giá trị di sản đó ở các làng xã, khu phố…
Ngày nay, việc phát huy, khai thác tiềm năng, vai trò cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hoá là rất thuận lợi. Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó Nhà nước (chính quyền các cấp) cần có kế hoạch, quy hoạch thực hiện Luật Di sản Văn hoá. Phát huy các ban, tiểu ban quản lý di tích, người trụ trì di tích và nhóm tự quản di sản để tiến hành huy động cộng đồng vào bảo tồn di sản văn hoá. Vai trò Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, nhất là Hội Di sản Văn hoá, Hội Khoa học Lịch sử… là cực kỳ quan trọng trong việc vận động, tập hợp, kêu gọi nhân dân, những người hảo tâm và cộng đồng đóng góp, tài trợ… vào việc bảo tồn di sản văn hoá truyền thống.
Nguồn: Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội Văn Hiến, Anh Hùng, vì Hòa Bình
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Phát huy, khai thác tiềm năng, vai trò cộng đồng trong quá trình bảo tồn di sản văn hoá truyền thống Thăng Long – Hà Nội (Tác giả: TS. Lưu Minh Trị) |