Phát triển LÀNG NGHỀ CHÈ truyền thống tỉnh Thái Nguyên: Thực tiễn tại một số làng nghề ở vùng chè Tân Cương, Trại Cài và La Bằng
Tác giả bài viết: Đồng Duy Khánh1*, Dương Quỳnh Phương2,
Nguyễn Xuân Trường3, Nguyễn Hồng Ly2
TÓM TẮT
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nghề trồng và chế biến chè. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng phát triển của làng nghề chè truyền thống qua thực tiễn ở một số vùng chè nổi tiếng của tỉnh, đó là Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), La Bằng (huyện Đại Từ). Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng bao gồm: Phương pháp tổng hợp, phân tích tư liệu; phương pháp thống kê; phương pháp khảo sát thực địa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong phát triển hiện nay, các làng nghề chè truyền thống của tỉnh Thái Nguyên vẫn được phát triển cả về quy mô, số lượng, chất lượng và là sinh kế chủ lực cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề chè chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Để trở thành vùng phát triển chè bền vững gắn với các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên, tỉnh cần phải có sự kết hợp đồng bộ các giải pháp, phù hợp trong điều kiện hiện tại.
Từ khóa: Làng nghề; Chè Truyền thống; Phát triển; Thái Nguyên.
x
x x
1. Giới thiệu
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nổi tiếng về nghề truyền thống trồng và chế biến chè, các làng nghề trồng chè chiếm khoảng 90% trong tổng số các làng nghề truyền thống của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng tập trung như: Tân Cương (thành phố (TP) Thái Nguyên); Phúc Thuận (TP Phổ Yên); Trại Cài, Minh Lập, Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ); Khe Cốc, Tức Tranh (huyện Phú Lương), La Bằng (huyện Đại Từ),…. Những làng nghề chè này từ lâu đã gắn liền với văn hoá chè mang đậm bản sắc của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bền vững của Việt Nam nói chung [1],[2] và các nghiên cứu về điều kiện phát triển cây chè, thực trạng phát triển cây chè, phát triển các làng nghề ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng [3]-[5]. Đồng thời, cũng đã có những công bố về giải pháp phát triển các làng nghề truyền thống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm các làng nghề[6], [7]. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên bình diện về phát triển làng nghề chè truyền thống ở tỉnh Thái Nguyên qua thực tiễn ở một số làng nghề chè trong xu thế hội nhập và phát triển. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 -2030″. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn bền vững [8]. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề chè Thái Nguyên theo hướng bền vững có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới. Bài báo này tập trung phân tích những vấn đề về thực trạng bảo tồn và phát triển các làng nghề chè đặc sản nổi tiếng tập trung theo khu vực như: Tân Cương (TPThái Nguyên); Trại Cài (huyện Đồng Hỷ); La Bằng (huyện Đại Từ), trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp.
2. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích tư liệu: Nghiên cứu về bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chè nói chung và phát triển các sản phẩm từ làng nghề chè nói riêng có quan hệ chặt chẽ tới các điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế- xã hội địa phương, vì vậy phương pháp này có ý nghĩa quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã thu thập các báo cáo khoa học và tài liệu hội thảo, các báo cáo, số liệu thống kê của các ban ngành và cơ quan; sách, báo, tạp chí, các tác phẩm đã xuất bản… có liên quan đến nội dung phát triển làng nghề truyền thống và phát triển nghề chè trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Tất cả các số liệu, tư liệu, tài liệu trên được chọn lọc, phân tích và xử lý.
– Phương pháp khảo sát thực địa: Công tác thực địa có mục đích cơ bản là kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu; đối chiếu và lên danh mục cụ thể từng đối tượng nghiên cứu; sơ bộ đánh giá các yếu tố cần thiết cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chè tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên; cụ thể, tại Tân Cương (TP Thái Nguyên),Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), La Bằng (huyện Đại Từ).
– Phương pháp thống kê: Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chè. Ngoài ra, phương pháp thống kê còn được vận dụng nghiên cứu thực trang phát triển làng nghề truyền thống chè thông qua các chỉ tiêu phát triển cơ bản.
3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
3.1. Thực trạng phát triển làng nghề chè truyền thống ở tỉnh Thái Nguyên
3.1.1. Khái quát chung
Theo số liệu thống kê năm 2021, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè và sản lượng chè lớn nhất cả nước (250,7 nghìn tấn, chiếm 23,95 % sản lượng chè búp của cả nước). Diện tích chè toàn tỉnh đã đạt trên 22.445 ha, trong đó, tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng tốt đạt gần 17.300 ha, chiếm trên 77%. Diện tích sản xuất tập trung được đầu tư thâm canh và sản xuất theo qui trình VIETGAP, hữu cơ tăng nhanh, đến nay đạt gần 6.000 ha [9].Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 190 làng nghè chè truyền thống được phân bố ở hầu hết các huyện thành phố, trừ huyện Phú Bình (năm 2021) [9]. Các làng nghề chè truyền thống tuy đứng trước sự cạnh tranh rất lớn từ bên ngoài nhưng người dân Thái Nguyên đã gìn giữ, bảo vệ và phát triển các làng nghề chè như giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Cây chè không chỉ giúp phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn là cây trồng đã gắn bó với các giá trị văn hóa lâu đời của người dân Thái Nguyên. Đáng chú ý, sự phát triển làng nghề chè ở tỉnh những năm qua đã góp phần hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng tập trung như: Tân Cương (TP Thái Nguyên), Phúc Thuận (TP Phổ Yên), Trại Cài, xã Minh Lập và Sông Cầu (Đồng Hỷ), Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng (Đại Từ), trong đó có một số xã có 100% số xóm được công nhận là làng nghề truyền thống như: La Bằng (Đại Từ), Phúc Trìu (TPThái Nguyên)…
3.1.2. Các vùng chè có làng nghề chè truyền thống tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên
a. Vùng chè Tân Cương (TPThái Nguyên)
Vùng chè Tân Cương thuộc TP Thái Nguyên là vùng chè nổi tiếng nhất Thái Nguyên, nằm cách trung tâm TPThái Nguyên khoảng 10km về phía Tây Nam. Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã là Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà của TP Thái Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương.Vùng chè Tân Cương có hơn 30 làng nghề chè truyền thống với nhiều làng nghề chè truyền thống nổi tiếng và có mặt từ lâu đời như: làng chè truyền thống xóm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, Cây Thị,… (bảng 1).
Bảng 1. Diện tích, số hộ gia đình và lao động
của một số làng nghề chè truyền thống vùng chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên
STT | Tên làng nghề | Diện tích (ha) | Tổng số hộ tham gia làng nghề chè (hộ) | Tổng số lao động (người) | Năm công nhận làng nghề |
1 | Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 1 | 72 | 123 | 420 | 2014 |
2 | Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2 | 87 | 141 | 308 | 2011 |
3 | Làng nghề chè truyền thống xóm Cây Thị | 25 | 80 | 198 | 2012 |
4 | Làng nghề chè truyền thống xóm Khuôn 2 | 51 | 68 | 245 | 2011 |
Các làng nghề chè truyền thống vùng chè Tân Cương có diện tích tương đối lớn, hầu hết các hộ dân trong làng đều tham gia làng nghề chè, số lượng lao động trong làng nghề chè truyền thống của vùng chè Tân Cương khá đông, trung bình mỗi làng nghề có trên 200 lao động. Tuy nhiên, giữa các làng nghề chè truyền thống trong vùng chè còn có sự chênh lệch về diện tích, số hộ tham gia làng nghề và lực lượng lao động. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với người dân đẩy mạnh bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; từ đó, góp phần khẳng định vị thế cây đặc sản, sản phẩm chủ lực, thế mạnh của thành phố Thái Nguyên.
b. Vùng chè Trại Cài (huyện Đồng Hỷ)
Vùng chè Trại Cài có khoảng 600ha chè kinh doanh (sản lượng bình quân đạt 7.200 tấn/năm), trong đó có 400ha ở xã Minh Lập, 200ha ở xã Hòa Bình. Hiện nay, xã Minh Lập có 4 Hợp tác xã chè là Hương Trà, Hà Phương, Nguyên Việt, Trại Cài; và các làng nghề chè truyền thống gồm: Cà Phê, Sông Cầu, Trại Cài. Các làng nghề chè truyền thống ở vùng chè Trại Cài đều được công nhận năm 2010, hiện nay có khoảng hơn 90% người dân làm chè và thu nhập chính của họ đều từ sản xuất và kinh doanh chè (bảng 2).
Bảng 2. Diện tích, số hộ gia đình và lao động
của một số làng nghề chè truyền thống vùng chè Trại Cài của tỉnh Thái Nguyên
STT | Tên làng nghề | Diện tích (ha) | Tổng số hộ tham gia làng nghề chè (hộ) | Tổng số lao động (người) | Năm công nhận làng nghề |
1 | Làng nghề chè truyền thống Sông Cầu | 54 | 75 | 247 | 2010 |
2 | Làng nghề chè truyền thống Cà Phê | 68 | 100 | 236 | 2010 |
3 | Làng nghề chè truyền thống Trại Cài | 72 | 100 | 240 | 2010 |
Các làng nghề chè truyền thống vùng chè Trại Cài có diện tích nhỏ hơn so với các vùng chè nổi tiếng khác trong tỉnh Thái Nguyên, diện tích trung bình khoảng 50 -70 ha. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân trong làng đều có diện tích trồng chè và tham gia làng nghề chè với lực lượng lao động tương đối đông, trên 230 lao động/1 làng nghề chè.
c. Vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ)
Vùng chè La Bằng là một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 35 km về phía Bắc và cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 8 km. Chè La Bằng được phân bố ở 10/10 xóm, nhưng tập trung nhiều nhất tại các xóm La Cút, Tiến Thành, Rừng Vần, Kẹm và Đồng Đình… Đặc biệt, năm 2011, 10/10 xóm của La Bằng đều được công nhận là làng nghề chè truyền thống. Năm 2012, sản phẩm chè La Bằng được trao giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, đây chính là bước đệm thuận lợi cho nghề làm chè và người trồng chè ở La Bằng để từng bước xây dựng thương hiệu chè La Bằng trên thị trường. Hiện nay (năm 2021), trên địa bàn xã La Bằng đã hình thành 02 hợp tác xã chè, 10 làng nghề, 05 tổ hợp tác, với gần 400 ha chè, 100% người dân của xã trồng chè và có thu nhập chủyếu từ trồng chè.
3.1.3. Về năng suất và sản lượng chè
Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích, sản lượng và năng suất tăng qua các năm. Năm 2015, cả tỉnh mới có 21.127 ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt 202.325 tấn. Đến năm 2020, diện tích tăng lên 22.399 ha, sản lượng đạt 244.432 tấn [9]. Trong vòng 5 năm từ năm 2015 đến 2020, diện tích và sản lượng chè của Thái Nguyên đều tăng (diện tích tăng 1.272 ha, sản lượng tăng 42.107 tấn). Toàn tỉnh đã phát triển trên 15 mô hình trồng chè theo quy trình VietGAP, 1 mô hình UTZ, 1 mô hình Biocer International chủ yếu là của các hợp tác xã (HTX), các làng nghề chè đặc biệt là làng nghề chè truyền thống. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ba vùng chè Tân Cương, Trại Cài, La Bằng có diện tích, sản lượng và năng suất cao nhất, cụ thể như trong bảng 3.
Bảng 3. Diện tích, sản lượng và năng suất
của một số vùng chè tỉnh Thái Nguyên, năm 2020
Vùng chè | Diện tích (ha) | Sản lượng (tấn) | Năng suất trung bình (tạ/ha) |
Tân Cương | 1.300 | 20.300 | 150,7 |
Trại Cài | 600 | 7.200 | 120,0 |
La Bằng | 400 | 2.300 | 100,0 |
Vùng chè Tân Cương có năng suất trung bình cao nhất (150,7 tạ/ha), sản lượng đạt 20.300 tấn/ năm, đang đáp ứng tương đối tốt nhu cầu từ thị trường, sử dụng nguồn lao động hợp lý.
Ngoài ra, các vùng chè tỉnh Thái Nguyên còn có chức năng là bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống, đặc biệt là văn hóa chè, thông qua việc bảo tồn và gìn giữ các làng nghề chè truyền thống. Sự khác biệt về diện tích, sản lượng và năng suất chè giữa các vùng chè và giữa các làng nghề chè truyền thống còn được thể hiện qua bảng 4.
Bảng 4. Sản lượng và năng suất chè
của một số làng nghề chè truyền thống tỉnh Thái Nguyên, năm 2020
Tên | Sản lượng (tấn) | Năng suất trung bình (tạ/ha) |
Làng nghề chè truyền thống Thái Hưng | 525 | 50 |
Làng nghề chè truyền thống xóm Cây Thị | 510 | 170 |
Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 1 | 1656 | 230 |
Làng nghề chè truyền thống có sản lượng cao nhất trong ba làng nghề với năng suất 230 tạ/ha, sản lượng đạt 1656 tấn/năm là làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 1 thuộc xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Đây là một trong những làng nghề chè truyền thống có sản lượng, năng suất lớn trong các làng nghề chè của tỉnh.
3.1.4. Về thương hiệu chè và thịtrường tiêu thụ
Hiện nay Thái Nguyên có một thương hiệu chè địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó là “Tân Cương” và 6 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể bao gồm: nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, nhãn hiệu tập thể “chè La Bằng”, nhãn hiệu tập thể “chè Vô Tranh”, nhãn hiệu tập thể “chè Tức Tranh”, nhãn hiệu tập thể “chè Trại Cài”, nhãn hiệu tập thể “chè Phổ Yên”. Có thể thấy, một thương hiệu chè địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 6 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể đều là các vùng chè nổi tiếng với nhiều làng nghề chè truyền thống đã khẳng định được vị trí, chất lượng sản phẩm chè của vùng chè nói chung và các làng nghề chè truyền thống nói riêng.
Cùng với đó, tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá sản phẩm trà ra thị trường quốc tế, quản lý chất lượng cây chè, tạo niềm tin cho quốc tế đối với sản phẩm chè Thái Nguyên, đồng thời thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào trồng chè, chế biến, tạo các sản phẩm chè chất lượng cao, đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường quốc tế.
Thị trường tiêu thụ là yếu tố đầu ra cho sản phẩm, là yếu tố động lực của quá trình sản xuất. Thị trường chè của Thái Nguyên khá rộng, bao gồm thị trường trong tỉnh, trong vùng, trong cả nước. Bên cạnh đó, chè Thái Nguyên còn được xuất khẩu đi các nước trong và ngoài khu vực. Thị trường xuất khẩu của chè Thái Nguyên chủ yếu là Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Afganistan, Indonesia…với sản lượng xuất khẩu hơn 5.800 tấn. Năm 2020, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được tỉnh Thái Nguyên đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là sự khẳng định đối với chất lượng chè Thái Nguyên nói chung và các sản phẩm của làng nghề chè truyền thống nói riêng, là tiền đề, cơ hội rất tốt để vươn ra thị trường thế giới.
3.1.4. Về hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ chè được thể hiện qua các chỉ tiêu: giá trị hàng hóa, giá trị xuất khẩu, giá trị sản lượng chè/ha, thu nhập bình quân của người trồng chè… Doanh thu từ các sản phẩm chè có sự khác nhau giữa các làng nghề chè truyền thống (bảng 5).
Việc trồng và chế biến các sản phẩm từ chè có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh và có ý nghĩa với kinh tế hộ gia đình. Làng nghề chè truyền thống xóm Cây Thị có thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/người/năm. Hiệu quả kinh tế mà các làng nghề chè truyền thống đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.
Bảng 5. Doanh thu từ các sản phẩm chè
của một số làng nghề chè truyền thống của tỉnh Thái Nguyên năm 2020
Tên làng nghề | Diện tích (ha) | Sản lượng (tấn) | Số hộ thành viên | Thu nhập trung bình (triệu đồng/người/năm) |
Làng nghề chè truyền thống Thái Hưng (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) | 35 | 525 | 82 | 40 |
Làng nghề chè truyền thống xóm Cây Thị (xã Phúc Xuân, TPThái Nguyên) | 30 | 510 | 85 | 120 |
Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 1 (xã Tân Cương, TPThái Nguyên) | 72 | 1656 | 130 | 96 |
Theo số liệu năm 2021, bình quân toàn tỉnh, mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm, đặc biệt vùng chè Trại Cài, Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) đạt giá trị 500 – 600 triệu đồng/ha/năm; vùng chè La Bằng, Tân Linh (huyện Đại Từ) đạt 500 – 670 triệu đồng/ha/năm; vùng chè đặc sản Tân Cương đạt đến 750 triệu đồng/ha/năm [10].
3.1.5. Một số tồn tại, hạn chế trong phát triển tại các làng nghề chè truyền thống
Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, có lợi thế và cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng việc phát triển cây chè của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có 42 mô hình sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận khoảng 600ha. Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến chè phần lớn vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào chế biến.
Tại các làng nghề chè, nguồn lao động tham gia với số lượng khá đông nhưng nhiều hộ trồng chè ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương… trình độ kiến thức hạn chế, vì thế cơ bản vẫn thực hiện quy trình đầu tư thâm canh, chăm sóc theo phương pháp truyền thống, chưa có nguồn lực đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chè. Hiện nay, nguồn nguyên liệu chè trên địa bàn của tỉnh thì phong phú, đa dạng nhưng người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liên kết sản xuất.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn có diện tích chè lớn nhất cả nước và chè là cây trồng chủ lực của tỉnh góp phần làm giàu cho nhân dân. Nhưng sản phẩm Trà Thái Nguyên hiện vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% nên chưa tương xứng với tiềm năng.
3.2. Bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề chè truyền thống ở tỉnh Thái Nguyên
Để duy trì giá trị văn hóa và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thương hiệu Trà Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đềán “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên”; trong đó, Festival Trà được tổ chức hai năm/lần là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh sản phẩm Trà thương hiệu Việt và giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực trong cách “thưởng Trà” của người Việt[11]. Theo đó, các vùng chè truyền thống, nổi tiếng, gắn với phương thức sản xuất cổ truyền trên địa bàn tỉnh như: Tân Cương (TP Thái Nguyên); Trại Cài (huyện Đồng Hỷ); La Bằng (huyện Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (huyện Phú Lương); Điềm Mặc (huyện Định Hoá)… được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hoá phi vật thể đặc trưng gắn với cây chè và sản phẩm trà. Từ năm 2013 đến nay (2021), tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công 03 kỳ festival trà với quy mô quốc gia, quốc tế. Không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, Festival Trà Thái Nguyên còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, đặc biệt là quảng bá các sản phẩm chè nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè và bảo tồn các giá trị từ các làng nghề chè truyền thống trước những biến đổi của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Một số mô hình tiêu biểu là hợp tác xã Tâm Trà Thái, hợp tác xã Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, hợp tác xã Chè Hảo Đạt; Không gian Văn hóa trà Tân Cương…
Trong giai đoạn 2015-2020, các làng nghề chè truyền thống của tỉnh Thái Nguyên đã tăng số lượng (bảng 6). Cùng với đó là việc phát triển cả về quy mô, chất lượng chè cũng như kết hợp hài hoà giữa bảo tồn giá trịvăn hóa và phát triển cây chè của người Thái Nguyên.
Bảng 6. Số làng nghề chè truyền thống tỉnh Thái Nguyên
được công nhận phân theo địa phương, giai đoạn 2015 -2021
STT | Tên huyện/ thành phố/ thị xã | Số làng nghề chè truyền thống (LN) |
1 | TP Thái Nguyên | 22 |
2 | TP Sông Công | 2 |
3 | Thị xã Phổ Yên | 5 |
4 | Đại Từ | 26 |
5 | Đồng Hỷ | 24 |
6 | Định Hóa | 13 |
7 | Phú Lương | 15 |
8 | Võ Nhai | 6 |
9 | Phú Bình | |
Tổng cộng | 113 |
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề chè truyền thống, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Văn bản số 593/UBND-CNN&XD về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè. Trong đó nêu rõ, nhiều năm qua, chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, có giá trị thương hiệu lớn của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, đã có những chính sách, đầu tư trong việc lập dự án phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp; quảng bá, xúc tiến thương mại phát triển du lịch cộng đồng, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, tham quan trải nghiệm đồi chè,… lựa chọn các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) làm quà tặng, trọng tâm là các sản phẩm chè đặc sản.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm của làng nghề chè truyền thống chưa cao, không có sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, mẫu mã đơn điệu, chưa đa dạng sản phẩm được chế biến từ chè. Các làng nghề chè truyền thống chưa quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Các sản phẩm của làng nghề chè chưa được quảng bá rộng rãi và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Kết cấu hạ tầng phục vụcho phát triển làng nghề chè truyền thống chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch làng nghề còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch [10].
3.3. Giải pháp phát triển làng nghề chè truyền thống tỉnh Thái Nguyên
3.3.1. Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề truyền thống nói chung, làng nghề chè nói riêng
Để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã xác định phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm chè, cây ăn quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, quế và sản phẩm gỗ. Trong đó, cây chè là thế mạnh đặc biệt của tỉnh. Để sản phẩm chè của Thái Nguyên được nâng lên một tầm cao mới mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng chè tiếp tục sản xuất theo hướng chuyên sâu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, tỉnh Thái Nguyên cần rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống phù hợp với quy hoạch các cấp về đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụsản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề chè Thái Nguyên gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Đây thực chất là tái cơ cấu lại các làng nghề. Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển, đang mở rộng thị trường cũng cần có hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các làng nghề chè truyền thống còn được quy hoạch theo hướng chức năng riêng như làng nghề phục vụ sản xuất, làng nghề phục vụ du lịch và làng nghề vừa sản xuất, dịch vụ vừa phát triển du lịch.
3.3.2. Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề chè nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của trà Thái Nguyên” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển các làng nghề chè truyền thống gắn kết với phát triển du lịch[9]. Tuy nhiên, tỷ lệ khách du lịch đến các làng nghề chè truyền thống so với khách du lịch đến thành phố vẫn còn thấp. Thu nhập chủ yếu đến từ bán các sản phẩm thủ công, các làng nghề chè truyền thống mới chủ yếu chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường mà chưa được khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa, các hoạt động nhằm giúp du khách có được các trải nghiệm cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Để du lịch làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thành một loại hình du lịch trọng điểm thu hút khách du lịch, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư phải cùng chung tay góp sức, thay đổi ý thức hệ đã có từ lâu đời trong mỗi người dân về sự “an phận”. Những người dân trong làng nghề chè truyền thống phải hiểu được ý nghĩa của làng nghề trong phát triển du lịch, mở các lớp đào tạo ngắn hạn về du lịch.
Một trong những biện pháp phát triển du lịch làng nghề chè truyền thống là cần có sự kết nối sâu rộng hơn giữa các làng nghề để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Phương thức này sẽ nhân lên sức mạnh thương hiệu, góp phần giải quyết mối quan hệ bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề trong hội nhập. Cần đưa ra chính sách thuận lợi để các hộ dân tham gia làm du lịch, các giải pháp quản lý chất lượng đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ, đón tiếp, hướng dẫn, điều hành…
Phát huy lợi thế của các vùng chè trong đó có các làng nghề chè truyền thống có tiềm năng phát triển du lịch như: Tân Cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Điềm Mặc (huyện Định Hóa), Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương). Xây dựng các tuyến du lịch sinh thái, du lịch về nguồn gắn với các điểm đến là vùng chè đặc sản. Hỗ trợ tôn tạo Không gian văn hóa Trà Tân Cương, xây dựng các bảo tàng làng nghề, khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề gắn với thiết kế mẫu mã, đào tạo, các hoạt động thương mại sản phẩm làng nghề.
3.3.3. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chè
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, các trạm nghỉ ven đường quốc lộ số 3 và cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên, tuyến đường từ trung tâm TP Thái Nguyên đi Hồ Núi Cốc và các điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề.
Tổ chức lại sản xuất làng nghề chè theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển kinh tế tập thể, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị để cung cấp các dịch vụ cho các cơ sở sản xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng hiệu quả, nâng caogiá trị sản phẩm.
Nâng cao chất lượng hoạt động và hỗ trợ Hội chè Thái Nguyên phù hợp với quy định của pháp luật, như xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại trongnước và quốc tế. Hội chè đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, định hướng sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chủ động xác định nhu cầu và thực hiện công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề.
4. Kết luận
Ngành chè tỉnh Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng cả về diện tích, năng suất và sản lượng chè, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, hình thành nên những vùng chè ngon nổi tiếng như: Tân Cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ)… Trong những năm qua,việc bảo tồn và phát triển làng nghềchè truyền thống đang được tỉnh Thái Nguyên quan tâm và chú trọng. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề chè truyền thống đã giữ gìn được các giá trịvăn hóa lâu đời của nghề chè Thái Nguyên cũng như những nét riêng biệt mang hương vị chè của tỉnh. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển các làng nghềchè truyền thống còn gặp không ít những khó khăn và hạn chế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển mạnh và bảo tồn được làng nghề chè truyền thống trong thời kì hội nhập với hiệu quả kinh tế cao, tạo dựng được thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường.
Xuất phát từ thực tiễn và những tồn tại trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề chè truyền thống, tỉnh Thái Nguyên cần đưa ra những định hướng, mục tiêu và giải pháp đúng đắn, kịp thời, cụ thể, mang tính chất đột phá để có thể phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội và vượt qua khó khăn, thách thức. Những chính sách quan tâm đầu tư phát triển, những dự án, đề án phát triển làng nghề chè truyền thống…sẽ có tác động lớn tới sự phát triển làng nghề chè của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cần xác định phát triển làng nghề là một trong những mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES
[1] X. T. Trinh, “Preservation and development oftraditional craft villages in a sustainable way,” Category: Vietnam on the way to innovation, August 02, 2014.[Online].
Available:https://tapchicongsan.org.vn/.[Accessed October 15, 2022].
[2] A. Le, “Developing traditional craft villages in the context of integration,” Category: Economy and integration, March 08, 2018. [Online].
Available:https://dangcongsan.vn/. [Accessed October 15, 2022].
[3] Q. N. Vu, “Factors affecting household income in tea villages in Thai Nguyen province,” TNU Journal of Science and Technology, vol. 158, no. 12, pp. 33-37, 2016.
[4] T. L. A. Nguyen and T. H. Dao, “The development of the relationship between workers inthe value brand only chain in Thai Nguyen province,” TNU Journal of Science and Technology, vol. 175, no. 15, pp. 189-195, 2017.
[5] T. M. H. Bui, H.T.Nguyen, and T. H. S. Le, “Developing the linkage of actors in the value chain of tea industry in Thai Nguyen province,” TNU Journal of Science and Technology, vol. 188, no. 12/3, pp. 21-25, 2018.
[6] V. P. Nguyen, T. T. D. Nguyen, and V. L. Nguyen, “Solutions to support product branding of craft villages in Quang Binh,” Journal of Science, Hue University, vol. 72B, no. 3, pp. 225-233,2012.
[7] H. T. Van and T. M. Ngo, “Research and select some cleaner production solutions for Viet Cuong vermicelli craft village, Dong Hy district, Thai Nguyen province,” VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences,vol. 32, no. 4, pp. 46-56, Dec. 2016.
[8] Vietnam Government, Program on conservation and development of Vietnamese craft villages in the period of 2021 -2030, Hanoi, 2022.
[9] Statistics Office of Thai Nguyen province, “Data on agriculture, forestry and fishery,” 2021.[Online].
Available: http://cucthongkethainguyen.gov.vn/nien-giam-thong-ke. [Accessed October 15, 2022].
[10] Thai Nguyen Provincial Craft Village Association, “Traditional tea villages,” 2022.[Online].
Available:http://www.langnghethainguyen.com/. [Accessed October 15, 2022].
[11] Kim Phuong and Phuong Cuong, “Thai Nguyen, the quintessence of Vietnam Tea,” 2013.[Online].
Available: https://nhandan.vn/thai-nguyen-tinh-hoa-tra-viet. [Accessed October 15, 2022].
Nguồn: TNU Journal of Science and Technology; 228(08):109-117
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Phát triển làng nghề chè truyền thống tỉnh Thái Nguyên: Thực tiễn tại một số làng nghề ở vùng chè Tân Cương, Trại Cài và La Bằng (Tác giả: Đồng Duy Khánh, Dương Quỳnh Phương, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Hồng Ly) |