PHÁT TRIỂN NGHĨA MỚI CỦA TỪ- Một phương thức góp phần làm giàu VỐN TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT giai đoạn 1900-1945 (Phần 2)

TRẦN NHẬT CHÍNH
(TS. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN)

     3.2.1 Ẩn dụ

a. Dựa trên sự tương đồng về hình thức

     Loại ẩn dụ trên có các từ ngữ: bướm, đuôi gà, đuôi nheo, đuôi sam, trói tôm, vòi rồng, mỏ vịt, mũ cánh chuồn, cờ lông công, cờ đuôi nheo, vỏ măng, gạch vồ. nhẫn khẩu mía, v.v..

b. Dựa trên sự giống nhau về chức năng

     Loại ẩn dụ này có các từ ngữ: đèn hoa kỳ, đèn pha, đèn điện… (chúng đều có chức năng thắp sáng như đèn dầu lạc trước đó).

c. Dựa trên sự giống nhau về màu sắc

     Loại ẩn dụ này có: màu tro, màu da cam, màu rêu, màu cánh gián, màu cánh sen, màu tro,…

d. Dựa trên sự giống nhau về thuộc tính, tính chất

     Cùng loại ẩn dụ trên có các tính từ đơn tiết như: tươi, mát, ngọt, cay, bẩn, nhơ, đen, đỏ, thấp, cứng,…

     Ví dụ: “…Nghe hắn nói đến cuộc sống sung sướng ở trốn thị thành mà nàng thấy mát lòng mát dạ. Thế là nàng chả còn nghĩ đến ai nữa, trốn nhà đi theo hắn”. (Nam Phong tạp lí, 1919).

e. Dựa trên sự giống nhau về hành động

     Ví dụ:

“… Một người đọc muôn người đều biết
Trí ta khôn muôn việc đều hay
Lợi quyền nắm được vào tay
Có cơ tiêu hoá, có ngày văn-minh.”
                                                                     (Tập thơ, phú, ca, rao)
                                                                       (Đăng Cổ tùng báo, số 806, trang 216)

     Loại ẩn dụ này có các động từ đơn âm như; nắm, bắt, đánh, ăn, giết, thu, thu hoạch, bay, lượm, đổ, vỡ.v.v.

     3.2.2 Hoán dụ

a. Lấy bộ phận thay cho toàn thể

   Ví dụ: “… Thế mà ông Nguyễn Năng – Quốc thân danh làm quan với Nhà-nước mà đã lạm dụng lòng tin của dân Phủ Thường để nói cho một người hội-viên thành phố tống đi thì chớ, bây giờ lại muốn dùng trén riệu (chén rượu) mà lo một chân Nghị-trưởng nữa. Như thế thì quan Phủ cũng có bỉ đời thực” (Đăng cổ tùng báo, số 824, tr 524).

b. Lấy cái được chứa đựng thay cho cái chứa đựng

– Tủ chè: Thứ tủ dài và thấp, dùng để đựng khay chè và các đồ quý.

4. Một vài nhận xét về sự phát triển nghĩa của từ giai đoạn 1900-1945

     4.1 Mặc dù cùng là con đường phát triển ý nghĩa của từ nhưng thuật ngữ hoá từ thông thường chưa phải là con đường phát triển nghĩa có tầm quan trọng của từ vựng tiếng Việt giai đoạn 1900-1945. So với mở rộng nghĩa, số lượng nghĩa mới được tạo nên bằng con đường thuật ngữ hoá còn quá ít (chỉ khoảng 5%). Điều đó có thể lý giải là vì những năm đầu thế kỷ XX, vốn từ vựng Tiếng Việt đang cần bổ sung gấp những từ ngữ còn thiếu hụt để gọi tên những sự vật, hiện tượng mới đang từng ngày, từng giờ xuất hiện trong đời sống thường nhật. Việc thuật ngữ hoá từ thông thường để cấp cho từ một ý nghĩa mang tính thuật ngữ chưa phải là điều mà con người nói chung và các nhà ngôn ngữ nói riêng quan tâm đến. Việc thuật ngữ hoá từ thông thường có chăng mới chỉ ở thời kỳ manh nha, chưa có ý thức của những người sử dụng Tiếng Việt. Phải đến những năm 40, khi Hoàng Xuân Hãn cho ra đời cuốn Danh từ khoa học thì vấn đề thuật ngữ hoá từ thông thường mới thực sự được quan tâm đến.

     4.2 So với thuật ngữ hoá từ thông thường, con đường mở rộng nghĩa bằng ẩn dụ và hoán dụ phát triển hơn (chiếm khoảng 95% trong tổng số các từ phát triển thêm nghĩa mới đã thống kê được). Mặc dù vậy, nhưng so với tổng số từ ngữ mới đã thống kê được thì số từ có thêm nghĩa mới cũng chưa phải là nhiều. Điều đó có thể giải thích là vào những năm đầu thế kỷ (1900-1945), vốn từ vựng tiếng Việt phát triển thiên về lượng hơn là về chất. Việc phát triển nghĩa mới của từ là vấn đề rất phức tạp và tinh tế. Nó đòi hỏi người sử dụng ngôn ngữ phải có tri thức về xã hội, có tư duy hình tượng tinh tế và nhạy cảm trước những biến đổi không ngừng của cuộc sống.

     4.3 Xét về nguồn gốc, giữa từ thuần Việt, từ Hán-Việt và từ Ấn-Âu, từ thuần Việt có khả năng chuyển nghĩa mạnh nhất (khoảng 80%), tiếp đến là từ Hán-Việt (khoảng 20%), không có sự chuyển nghĩa của từ ngữ gốc Pháp. Sở dĩ như vậy là vì, từ thuần Việt vốn là lớp tư cơ bản đơn tiết, đã được dùng từ lâu trong tiếng Việt, chúng lại thiên về việc định danh các sự vật, hiện tượng cụ thể, dễ hiểu nên việc có thêm nghĩa bóng sẽ không ảnh hưởng đến cách hiểu nghĩa gốc mà nó vốn có. Sau quá trình được nhiều người sử dụng và chấp nhận, nghĩa bóng đó mới trở thành nghĩa từ vựng của từ. Những từ có khả năng chuyển nghĩa thường là từ được sử dụng nhiều, tần số sử dụng cao, xuất hiện trong nhiều loại phong cách ngôn ngữ khác nhau. Những từ như vậy thuộc lớp từ dùng chung, từ toàn dân. Các lớp từ có phạm vi sử dụng hạn chế, từ nghề nghiệp, tiếng lóng, thuật ngữ, từ địa phương… ít có khả năng chuyển nghĩa. Tương tự như vậy, lớp từ Hán-Việt, vốn thiên về việc biểu thị các hiện tượng, hoặc khái niệm trừu tượng, các từ gốc Pháp thiên về định danh các danh từ hoá học. Phần lớn số từ của cả hai lớp từ này (Hán-Việt, Ấn-Âu) có tính thuật ngữ. Do vậy, việc chúng có thêm nghĩa mới là điều ít xảy ra.

     4.4. Về mặt từ loại, chúng tôi thấy giai đoạn 1900-1945, các động từ có khả năng chuyển nghĩa mạnh nhất (khoảng gần 40%). Trong đó phần lớn là các động từ đơn âm tiết. So với động từ, số từ chuyển nghĩa là danh từ ít hơn (khoảng 32%). Trong số những danh từ có thêm nghĩa mới, nhiều từ thuộc nhóm từ chỉ màu sắc như: Màu cánh gián, màu da cam, màu gan gà, màu hoa sen… hoặc các từ chỉ sự giống nhau về hình thức giữa một bên là sự vật cũ với một bên là sự vật mới xuất hiện. Ví dụ: Tóc đuôi gà, cờ đuôi nheo, mũ cành chuồn, cờ lông công…

     Số tính từ có thêm nghĩa mới ít hơn so với động từ và danh từ. (khoảng 28%). Giống như động từ, những tính từ có thể phát triển thêm nghĩa mới hầu hết cũng là những tính từ đơn tiết, thuần Việt, thuộc lớp từ cơ bản của tiếng Việt.

5. Kết luận

     Phát triển nghĩa của từ cũng là một trong những con đường phong phú hoá từ vựng. Giai đoạn 1900-1945, phát triển ý nghĩa mới của từ chưa phải là con đường cơ bản trong việc làm giàu cho từ vựng tiếng Việt bởi số lượng nghĩa mới của từ được tạo nên chưa nhiều. Mặc dù vậy, phát triển ý nghĩa mới của từ cũng đã phần nào làm cho vốn từ vựng tiếng Việt thêm phong phú, giúp cho con người biểu đạt được tư duy, tình cảm của mình một cách tinh tế và chính xác hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Budagov. P. A. (1977), Phát triển và hiện đại hoá ngôn ngữ là gì?

2. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Giáo dục, Hà Nội.

3. Huình Tịnh Paulus Của (1895-1896), Đại Nam quấc âm tự vị. Sài Gòn.

4. Nguyễn Thiện Giáp (1999), Từ vựng học tiếng Việt, Giáo dục, Hà Nội.

5. Trần Văn Giàu, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Viẹt (1988), “Chữ Quốc ngữ trên đất Sài Gòn – Gia Định những thế kỷ XVII – XVIII – XIX”, Địa chí văn hoá TPHCM, Tập 2, Nxb. Văn hoá.

6. Hoàng Văn Hành (1983), “Về sự hình thành và phát triển thuật ngữ tiếng Việt”, Ngôn ngữ, (số 4).

7. Hoàng Văn Hành (1991), Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá, Nxb KHXH. Hà Nội.

8. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Việt Nam từ điển, Hà Nội, Imprimerie Trung-Bắc-Tân-Văn.

9. Lê Khả Kế (1975), “Xây dựng thuật ngữ Khoa học bằng tiếng Việt”, tiếng Việt và việc dạy đại học bằng tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.

10. Mai Ngọc Liệu (1974), “Tiếng Việt trong 25 năm đầu thế kỷ 20”, Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Sài Gòn.

11. Hoàng Phê (chủ biên) (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nắng.

12. Xtêpanov.Y.U (1984), Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.