Phủ đệ triều Nguyễn: Không gian, kiến trúc mang tính “chuyển tiếp” giữa sự quyền uy và truyền thống

Tác giả bài viết: Thạc sĩ, Kiến trúc sư  VÕ TUẤN ANH
(Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

1. Mở đầu

     Nhắc đến Huế, dường như ai cũng biết đến giá trị kiến trúc di sản thời Nguyễn cũng như các giá trị văn hóa đã trầm tích qua bao thế hệ, để hun đúc thành một “xứ” Huế rất riêng mà không thể lẫn vào đâu được trong mạch văn hóa xứ Đàng Trong. Để chứng minh điều đó thì các di sản kiến trúc thời Nguyễn và Nhã nhạc cung đình Huế đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, để rồi Huế mặc nhiên tự hào là Cố đô cuối cùng của một đất nước ngàn năm văn hiến.

     Trong nguồn mạch chung của kiến trúc di sản ở Huế đã được công nhận, còn một bộ phận không gian – kiến trúc phủ đệ, tuy không nằm trong danh sách những di tích thuộc di sản văn hóa thế giới, nhưng được coi là hệ thống những công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị về nhiều khía cạnh khác, từ đó đóng góp vào diện mạo và cảnh quan không gian – kiến trúc đô thị Huế.

     Ở một bình diện khác, các phủ đệ đã dần “chuyển dịch” từ trong “cung cấm” như thuở sơ khai để dần trở thành các không gian kiến trúc mang tính quyền uy nhưng chan hòa trong đô thị Huế, và dần về sau, mặc nhiên trở thành những công trình kiến trúc chuyển tiếp giữa sự “kín cổng cao tường” vào giữa các không gian kiến trúc đô thị và cộng đồng, để từ đó có sự tiếp nối cho kiến trúc truyền thống xưa và dẫn nhập cho đến bây giờ.

2. Giới thiệu về phủ đệ triều Nguyễn

     2.1. Phủ đệ triều Nguyễn

     Phủ đệ là loại công trình kiến trúc nhà ở, là những khuôn viên nhà vườn, được xây dựng khá cầu kì, qui mô có lịch sử xuất hiện và tồn tại gắn với dòng dõi hoàng tộc, quan lại đại thần thời phong kiến. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, những phủ đệ đầu tiên đã ra đời từ thời tiền Lê, Lý, Trần,… và phát triển mạnh với số lượng phong phú dưới thời các vua Nguyễn1. Thời kỳ đầu các Hoàng tử, Vương hầu quý tộc thường được nhà vua phong tước rồi cử đi trấn trị ở những vùng hiểm yếu, quan trọng, nhất là những vùng biên giới xa xôi. Ở những nơi đó, họ được coi là đại diện triều đình và được hưởng những chính sách ưu đãi như lập phủ, được ban cấp ruộng đất, từ đó hình thành nên các phủ2.

     Đến thời nhà Nguyễn các hoàng tử, công chúa từ 18 đến 20 tuổi đều phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài Tử Cấm Thành lập phủ để ở. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phủ đệ là nơi ở của các thân vương, thân công, thái tử, hoàng tử đã được tôn phong sau khi đã trải qua 3 kỳ thi. Đệ trạch là nơi ở của các công nữ, hoàng nữ đã được tôn phong là công chúa đã được gả chồng. Các sách biên khảo ngày nay liên quan đến sinh hoạt cung đình, hoàng tộc Nguyễn Phúc đều khẳng định: nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử lúc sinh thời gọi là phủ, công phủ, hoặc là vương phủ; nơi ở của các công nữ, công chúa lúc đã gả chồng và được tôn phong gọi là đệ, đệ trạch.

     2.2. Quá trình hình thành hệ thống phủ đệ thời Nguyễn

     Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Phú Xuân – Huế. Việc chọn Huế làm kinh đô, xây dựng kinh thành là cơ hội để hình thành và phát triển hàng loạt các phủ đệ của hoàng thân quốc thích, quan lại đại thần… nhà Nguyễn, góp phần tạo nên một tổng thể các công trình đa dạng, hoành tráng và mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử.

     Để thể hiện uy quyền về mọi mặt, từ thời Gia Long, những qui định nghiêm ngặt về xây dựng đã được ban hành. Điều 156 của bộ luật Gia Long qui định:

     Nhà ở trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền đất hai cấp, hay chồng mái, không được sơn son và không được trang trí. Nhà khách của các quan đại thần, nhất và nhị phẩm có 7 gian và 9 vì kèo, nóc mái được trang trí hoa hay động vật, cửa chính mở rộng theo 3 gian và 5 vì kèo và không được trang trí3.

     Đối với phủ đệ của hoàng thân quốc thích còn có thêm những qui định khác:

     Phàm dựng nhà phủ, hoàng tử, công chúa thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian, chung quanh mái chồng hợp thành một tòa, lợp ngói âm dương, 4 bề bao quanh bằng tường gạch, mặt trước, mặt sau mở một cửa vào, trong cửa xây bình phong4.

     Dưới triều Minh Mạng việc xây dựng phủ đệ cho các hoàng tử công chúa được coi là việc quan trọng, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con cháu. Ngoài Quốc Tử Giám, họ còn mở nhiều nơi dạy học trong kinh thành dành riêng cho hoàng tử, hoàng tôn và hoàng thân. Năm 1817, vua Gia Long thiết lập Tập Thiên đường. Đến năm 1823, vua Minh Mạng củng cố lại, đặt các chức hoàng tử giáo đạo (2 viên, lấy quan văn từ tam phẩm trở lên), tán thiện (2 viên, quan tứ ngũ phẩm), bạn độc (1 viên quan lục thất phẩm)5. Nhà vua ra chỉ dụ:

     Cấp nhà vườn để làm chỗ nghỉ ngơi đọc sách, nên chú trọng đến việc đọc sách và bút mực để ngày một tu tiến, kịp thời, còn việc rong chơi ở ngoài đường phố, đua đòi nơi thị thành đều là lỗiđạo vậy6. Theo lệ thường bấy giờ, các hoàng tử 18 đến 20 tuổi đều phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài tử cấm thành7.

     Vào năm 1822, vua Minh Mạng lại đưa ra qui định cụ thể hơn đối với việc xây dựng phủ đệ cho con cháu: “Phàm làm nhà phủ hoàng đệ, hoàng nữ, trưởng công chúa, chính đường và tiền đường đều 3 gian 2 chái lợp ngói âm dương, các khoảng hành lang, cánh gà, nhà bếp, chiếu theo đó mà làm8. Đến năm 1839, nhà vua lại qui định: “Các hoàng tử, hoàng thân ở riêng không được làm nhà 3 nóc và lâu đài cùng bài trí9.

     Đến thời vua Thiệu Trị (1841), lại ban hành thêm qui định về việc xây phủ lập đệ. Việc xây dựng các phủ đệ cho các hoàng tử, thân công, hoàng đệ, thái trưởng công chúa thì giảm bớt một nhà tiền đường, chỉ còn chính đường 3 gian, 2 chái, có tường bao bọc xung quanh. Trước sau mở một cổng vào rộng 64 trượng, tường cao 5 thước 5 tấc. Còn các nhà khác thì chiếu theo đó mà làm10.

     Như vậy, những phủ đệ ở Huế đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn, nhưng số lượng còn rất ít và các dấu tích của nó đến nay không nhiều và khá mờ nhạt. Phải đến thời các vua Nguyễn, nhất là từ thời vua Minh Mạng trở đi, những phủ đệ của nội thân, quốc thích nhà vua, những quan lại, đại thần có công với triều đình mới thực sự được xây cất nhiều. Việc xây dựng phủ đệ phải tuân thủ theo những qui định của triều đình về kiến trúc và trang trí.

     2.3. Một số quy định của triều Nguyễn về phủ đệ

     – Điều 156 của bộ luật Gia Long qui định: Nhà ở trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền đất hai cấp, hay chồng mái, không được sơn son và không được trang trí. Nhà khách của các quan đại thần, nhất và nhị phẩm có 7 gian và 9 vì kèo, nóc mái được trang trí hoa hay động vật, cửa chính mở rộng theo 3 gian và 5 vì kèo và không được trang trí.

     – Gia Long năm thứ 15 (1816), chuẩn định: Phàm dựng làm nhà phủ, hoàng tử, công chúa thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian, chung quanh mái chồng hợp thành một tòa, lợp ngói âm dương, 4 bề bao quanh bằng tường gạch, mặt trước, mặt sau mở một cửa vào, trong cửa xây bình phong.

     – Minh Mạng năm thứ 3 (1822), chuẩn y lời tâu: Phàm nhà phủ hoàng tử, hoàng đệ trưởng công chúa, công chúa, chính đường, tiền đường đều 3 gian 2 chái, và lợp ngói âm dương, các khoản nhà hành lang cánh gà, nhà bếp chiếu theo lệ mà làm.

     – Minh Mạng năm thứ 11 (1830), dựng nhà Kiều Đông 3 gian 2 chái, để cho các hoàng tử còn bé ở (các nhà dưới này cũng như thế), sau này phụng chỉ đổi tên là nhà Quảng Thiện.

     – Minh Mạng năm thứ 12 (1831), dựng nhà Quảng Phúc 5 gian 2 chái.

    – Minh Mạng năm thứ 13 (1832), dựng nhà Quảng Cư 5 gian 2 chái.

     – Minh Mạng năm thứ 18 (1837), dựng nhà Quảng Thiện, chuẩn theo khuôn mẫu nhà Quảng Học. Lại dựng nhà Hòa Cảm ở vườn Thường Thanh 3 gian 2 chái.

     – Minh Mạng năm thứ 19 (1838), định lệ các hoàng tử, hoàng thân ở riêng thì không được làm nhà 3 nóc và lâu đài cùng trang trí.

     – Minh Mạng năm 20 (1839), chuẩn lời tâu: Phàm các sở nha có cần tu bổ, đều do phủ thuộc khám xét làm phiếu, tước công ở nhà ấy tự làm tập tâu lên, giao bộ sức khám đích xác phúc tâu lên đợi chỉ.

     – Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), chuẩn y lời tâu: sau này phàm dựng làm nhà phủ hoàng tử công, hoàng tử, thân công hoàng đệ, thái trưởng công chúa, trưởng công chúa và công chúa thì giảm bớt một tòa tiền đường, còn nhà chính thì 3 gian 2 chái, có tường bao bốn chung quanh, trước sau mở một cửa vòm, rộng 64 trượng, tường cao 5 thước 5 tấc, còn nhà chính thì chuẩn y kiểu mẫu cũ.

     – Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), chuẩn cho lời nghị về các hoàng tử chưa từng ban cho nhà phủ, nếu có tình nguyện chiểu giá lĩnh tiền tự làm lấy, thì về vật liệu cần dùng mỗi một sở nhà phủ chiết cấp tiền 300 quan.

     – Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), chuẩn y lời dụ về các hoàng muội chưa từng ban cho nhà ở, nếu có tình nguyện lĩnh tiền tự làm cũng chiết cấp mỗi một sở nhà ở là 300 quan tiền.

     2.4. Thực trạng các phủ đệ thời Nguyễn tại Huế

     Sự đa dạng về vị trí cho thấy sự tương ứng với mỗi khu vực khác nhau của đô thị Huế đều có sự xuất hiện của các phủ đệ, từ đó trở thành các hạt nhân kiến trúc mang tính quyền uy ẩn trong lòng kiến trúc dân gian. Khu vực phân bố hệ thống các phủ đệ hiện nay:

     – Khu vực Kim Long, Hương Long có các phủ: Phủ ấn Quang, phủ Cẩm Xuyên Quận Vương, phủ Diên Phúc Trưởng Công Chúa, phủ Đức Quốc Công, phủ Khoái Châu Quận Công, phủ Phước Quốc Công, phủ Quy Quốc Công, phủ Vĩnh Quốc Công.

     – Khu vực Vĩ Dạ – Phú Thượng có các phủ đệ: phủ Diên Khánh Vương, phủ Đông Cung Nguyên Soái, phủ Định Viễn Quận Vương, phủ Kiến An Vương, phủ Kiến Tường Công, phủ Khánh Quận Vương, phủ Lãng Quốc Công, phủ Nghĩa Hưng Quận Vương, phủ Phong Quốc Công, phủ Phù Quang Quận Vương, phủ Thiệu Hóa Quận Vương, phủ Tuy Biên Quận Công, phủ Tuy Lý Vương.

     – Khu vực Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hậu có các phủ đệ: phủ An Thành Vương, phủ Cẩm Giang Quận Công, phủ Gia Hưng Vương (A), phủ Gia Hưng Vương (B), phủ Hòa Thịnh Vương, phủ Hoài Đức Quận Vương, phủ Hoằng Hóa Vương, phủ Lạc Biên Quận Công, phủ Nghi Quốc Công, phủ Nghĩa Quốc Công, phủ Ngọc Sơn Công Chúa, phủ Phù Mĩ Quận Công, phủ Phúc Lộc Trưởng Công Chúa, phủ Quãng Biên Quận Công, phủ Thọ Xuân Vương, phủ Thoại Thái Vương, phủ Tuy An Quận Công, phủ Vĩnh Tường Quận Vương.

     Ngoài ra, còn có các phủ đệ khác nằm rải rác ở các khu vực phường Phú Nhuận, Phú Hội, Vĩnh Ninh, Xuân Phú và ở vùng nông thôn ven đô: phủ An Hóa Công, phủ An Thường Công Chúa, phủ Hàm Thuận Công, phủ Hân Vinh, phủ Huấn Vũ Hầu, phủ Kiến Hòa Quận Công, phủ Lạc Hóa Quận Công, phủ Mĩ Hóa Công, phủ Phong Quận Công, phủ Tùng Thiện Vương, phủ Tương An Quận Vương.

     Gắn với quá trình hình thành và phát triển của các triều đại vua chúa Nguyễn trên đất Phú Xuân – Huế, phủ đệ cũng dần hình thành và phát triển với tính chất là phủ đệ của các bậc vương hầu quí tộc, hoàng thân quốc thích của triều đình. Đương thời, theo lệ thường các hoàng tử, công chúa từ 18 đến 20 tuổi đều phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài Tử Cấm Thành, nếu căn cứ vào Nguyễn Phước Tộc phả hệ để tính ra phủ đệ thì phải có trên con số một trăm phủ đệ đã được xây dựng trên đất Huế11. Nhưng thống kê từ các nguồn tài liệu và qua khảo sát, hiện tại ở Huế có gần 50 phủ đệ với qui mô lớn nhỏ khác nhau và hiện tại chỉ có khoảng hơn 15 phủ đệ còn hiện diện khá nguyên vẹn hoặc ít thay đổi hình thức kiến trúc. Hiện tại các công trình này hầu hết đều được sử dụng với mục đích thờ phụng.

     Qua thời gian, với sự kế tiếp sử dụng sinh hoạt, thờ cúng của nhiều thế hệ trong gia đình, nhiều phủ đệ hiện vẫn còn tồn tại và góp phần tạo nên diện mạo và cảnh quan của đô thị Huế, nhưng cũng không ít những công trình đã bị lụi tàn do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai. Bên cạnh đó là những biến động, đổi thay của gia đình và xã hội đã làm mất đi một phần di sản kiến trúc của đô thị Huế. Phủ đệ là vậy, đất vườn phủ cũng bị chia cắt để mua bán trao tay, nhằm giải quyết sự thiếu hụt kinh tế trước mắt, hoặc chia cho con cháu xây nhà làm nơi ở riêng, khiến cho nhiều vườn phủ bị thu hẹp, thậm chí bị phá vỡ cấu trúc chung của khuôn viên phủ đệ.

     Nhìn chung, qui mô các phủ không đồng đều do diện tích khởi dựng và một phần từ sự biến tướng của đô thị, có phủ chỉ còn lại một khoảnh đất chỉ đủ cho một am thờ tổ tiên, ngược lại có phủ lại có khuôn viên rộng lớn, như phủ Tương An Quốc công, diện tích khoảng 16.500m2. Do sở thích và điều kiện của mỗi người nên vị trí xây dựng cũng như qui mô diện tích khuôn viên, cấu trúc nhà, vườn,… của các phủ đệ mỗi nơi mỗi khác nhưng nhìn chung đây là những công trình kiến trúc vừa mang yếu tố cung đình lẫn màu sắc dân gian, nhìn qua có vẻ tách biệt nhưng ẩn sâu trong nó lại có những gần gũi với nhà cửa của tầng lớp thường dân.

3. Sự ảnh hưởng kiến trúc phủ đệ lên kiến trúc truyền thống Huế

     3.1. Nghệ thuật tạo cảnh – nhà vườn

     Phủ đệ, như đã nói ở trên, là các “cơ ngơi” riêng của các ông hoàng bà chúa tự lập nên bằng chính tiền lương và bổng lộc mà triều đình ban tặng cho họ. Có thể có các quy mô khác nhau, nhưng phần lớn phủ đệ đều có diện tích khá lớn. Vì thế các phủ đệ có điều kiện để phát triển theo những hình dáng, bố cục mang đặc trưng riêng. Tuy nhiên tất cả đều tuân thủ theo những nguyên tắc về phong thủy nghiêm ngặt mà cái nôi là kinh thành và lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, để từ đó tạo nên một nghệ thuật về tạo cảnh và sân vườn. Nhìn chung, tổng thể một phủ đệ thường có Nhà Chính, Nhà Phụ, Bình Phong, Bể Cạn, biểu tượng Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ, vườn – cây, lối vào, hàng rào và cổng. Từ đó sức lan tỏa của nghệ thuật này vào kiến trúc truyền thống thật sự rộng khắp và đa dạng. Tuy nhiên nó vẫn thống nhất và thể hiện được sự chắt lọc khắt khe thể hiện ở ba yếu tố thường được áp dụng rộng rãi ở các nhà ở truyền thống Huế.

     Bình phong: Xét theo phong thủy thì đây là một “tiền án”- là một hệ thống tường ngăn nhẹ, ngắn và thấp được xây bằng xi măng hoặc các vật liệu khác, nằm án ngữ ngay trước cửa chính của ngôi nhà. Nó có mục đích chính là hạn chế các hoạt động trực diện thẳng vào ngôi nhà, có thể là một ánh mắt nhìn hay một cơn gió. Bình phong có nhiều dạng khác nhau, từ đơn giản là một bụi cây cắt tỉa thành hoặc là dạng được xây dựng kiên cố và trang trí một cách tỉ mỉ, công phu.

     Bể cạn: Xét theo phong thủy thì đây là yếu tố “minh đường” – là một cái bể nhỏ có diện tích vài mét vuông hoặc là một cái hồ rộng đến vài trăm mét vuông tùy theo từng không gian của quần thể ngôi nhà. Bể cạn thường nằm sau bình phong và gần với ngôi nhà, nó có tác dụng tạo yếu tố thanh lọc không khí, giúp cho ngôi nhà được dịu mát hơn. Bên cạnh đó bể cạn còn được chủ nhân nuôi cá cảnh và trồng các cây sống ở nước như sen, súng…

    Hàng rào chè tàu: Trước khi vào các công trình kiến trúc bên trong phủ đệ, hầu như phải đi qua một cái cổng và hàng cây thân thảo lá nhỏ được cắt tỉa gọn gàng mang một màu xanh mướt đặc trưng mà thường được gọi tên là hàng rào cây chè tàu. Chưa có tài liệu nào cho biết xuất xứ cụ thể của loài cây này, nhưng có thể nói chè tàu và hàng rào trồng bằng cây chè tàu như là một phần không thể thiếu của nhà vườn Huế nói chung và nhà rường nói riêng, nó là hiện thân của sự mộc mạc bình dị nhưng rất đỗi nên thơ.

     Ngoài ra, yếu tố tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ còn được sử dụng khá rộng rãi. Thông thường, hai yếu tố này được gia chủ sử dụng các yếu tố cây xanh trồng vào hai bên nhà để tạo thành.

     Với biến động của lịch sử và sự di cư, mà có nhiều người dân ở từ các vùng khác đến định cư gần các phủ đệ. Và việc học hỏi cũng như “bắt chước” nghệ thuật phong thủy và tạo cảnh sân vườn là điều đã diễn ra tất yếu. Dễ thấy, việc xuất hiện bình phong và bể cạn gần như ở tất cả các ngôi nhà dân sinh và dần trở thành những yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống Huế. Mặt khác đó cũng chính là sự trân trọng thiên nhiên để góp phần xây dựng nên một đô thị luôn lấy yếu tố cây xanh làm hàng đầu.

     3.2. Nhà rường

     Phủ đệ thời Nguyễn thường là một không gian nhà vườn tương đối rộng, trong đó ngôi nhà chính là nhà rường hoặc rội12 làm bằng gỗ, lợp ngói và một hoặc nhiều ngôi nhà phụ giữa một khu vườn rợp bóng cây xanh. Nhà chính là nơi thể hiện các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của chủ nhân. Vật liệu xây dựng thường là loại gỗ đắt tiền như gỗ Mít hoặc Kiền,… Các vì kèo, đòn tay, xuyên, trến, liên ba, thanh vọng,… thường được chạm trổ một cách tỉ mỉ và công phu. Địa vị và gia cảnh của từng chủ nhân cũng được khắc họa bằng văn tự hoặc trang trí trên những hoành phi, câu đối,…

     Ban đầu hệ thống nhà rường gần như chỉ được sử dụng thi công cho hệ thống công trình kiến trúc liên quan đến hoàng tộc. Nhưng về sau với sự lan tỏa và hòa nhập của hệ thống phủ đệ vào trong cấu trúc chung của đô thị, khiến cho loại kiến trúc này được ứng dụng rộng rãi hơn đối với những gia đình có điều kiện thời bấy giờ, và tồn tại cho đến ngày nay.

     Nhà rường, nếu phân loại thì có nhiều dạng khác nhau, nhưng có thể kể đến ba dạng cơ bản, đó là: Nhà năm gian hai chái; nhà ba gian hai chái và nhà một gian hai chái. Ngoài ra còn xuất hiện các dạng nhà mặt phố hai tầng, nhà rội, nhà hạ rội… Trải qua thời gian dài, nhà rường lúc sơ khai thường được nhắc đến như một phần của kiến trúc truyền thống Huế.

4. Phủ đệ thời Nguyễn – nơi hình thành, “bảo lưu” tính cách Huế

     Dễ nhận thấy, hoàng cung và lăng tẩm của các bậc đế vương không làm nên tính cách Huế. Đó là nơi vương giả, với những quy định nghiêm ngặt và những điều húy kỵ, khiến cho nơi ấy trở nên vời xa trong mắt dân chúng. Phủ đệ mới là nơi trung chuyển lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian xứ Huế, từ đó, góp phần hình thành nên tính cách Huế, như nhận xét của nhà nghiên cứu Trịnh Bách:

     Chính các phủ đệ của ông hoàng bà chúa đã tạo ra cái phong cách Huế cho dân đế đô, vì chúng được xây ngoài phạm vi hoàng thành, xen lẫn với phố xá làng mạc. Cư dân chung quanh ngày xưa rất hãnh diện với các vương phủ trong bản hạt của họ. Họ cung cấp mọi dịch vụ cần thiết cho phủ, và cùng lúc đó họ học hỏi phong cách sống cung đình từ người trong phủ.

     Thỉnh thoảng chúng vẫn ta còn bắt gặp hoặc nghe thấy một ai đó gọi người đối diện là “mệ”. Đặc biệt hai người xưng hô lúc này không phải phụ nữ mà lại là đàn ông. Ở đây “mệ” không phải là một từ chỉ một người phụ nữ lớn tuổi được con cháu trong gia đình gọi là mệ, là mệ ngoại hay mệ nội…mà đây là một từ chỉ danh xưng cho một người Huế xưa và người đó thường gắn liền với việc xuất thân từ dòng dõi “hoàng phái”. Mặt khác, từ “mệ” cũng có thể hiểu theo lối ẩn dụ cho một loại tính cách ở con người Huế sau này cho đến hiện tại. Điều này cho thấy sự “len lỏi” và ảnh hưởng của tính cách “mệ” ở trên vào đời sống và con người xứ Huế. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn từng viết về tính cách đó:

     … Là sự trầm mặc, ít sôi nổi, nhưng khi có điều kiện thì cuồng nhiệt, thân ái; Đó là sự chậm rãi trong lời ăn, tiếng nói, nhưng luôn khuôn phép, thanh nhã; Đó là sự tế nhị, sâu sắc nhưng pha lẫn sự vô thường, ngạo nghễ14.

     Ngoài ra, các trò chơi thường chỉ xuất hiện trong cung cấm bây giờ cũng có cơ hội “mở mang” ra với người dân xung quanh, để dần trở thành các trò chơi mang âm hưởng của văn hóa Huế. Các trò chơi có thể kể đến như: Đổ xăm hường, bài vụ, đầu hồ,… Ngày nay, cứ mỗi dịp xuân về, bên trong những con ngõ hẻm lớn nhỏ của Huế lại vang lên những tiếng reo vui của xúc xắc như một phần lưu dấu “nốt thăng” một thời của đất đế đô.

5. Kết luận

     Vượt qua khỏi giá trị về di sản và lịch sử mà ai cũng có thể nhận thấy, thì phủ đệ triều Nguyễn còn đó với những giá trị của văn hóa – kiến trúc, là “gạch nối” giữa hoàng tộc và dân gian để góp phần tạo nên một nền kiến trúc truyền thống, văn hóa đậm “tính cách” Huế. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, văn hóa cũng từ đó mà “nương” theo, tuy nhiên có những giá trị sẽ mãi trường tồn vì nó là cái “chất” cái “hồn” mà không thể lẫn vào đâu được. Bài viết không đi theo xu hướng nhận diện giá trị để rồi đề xuất yếu tố bảo tồn, vì có quá nhiều đề tài đã làm điều này. Bài viết chỉ muốn chia sẻ về những gạch nối – giá trị khác mang tính vô hình nhưng hữu ý của phủ đệ triều Nguyễn. Tuy nhiên, nhân đây bản thân mong muốn các giá trị vật thể của phủ đệ tồn lưu dài lâu, thì mặc nhiên một phần “phong vị” Huế sẽ có chứng tích và cơ hội được trường tồn./.

__________
1. Lê Duy Sơn (2002), Những phủ đệ ở Huế thời các vua Nguyễn, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế, Đề tài cấp bộ mã số: B2001-07-22, tr. 11.

2. Lê Duy Sơn (2002), Tlđd, tr. 11.

3. Nội các triều Nguyễn (1991-1994), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tập 1,2,3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 29.

4. Nội các triều Nguyễn (1991-1994), Sđd, tr. 29.

5. Lê Văn Thuyên (1997), Di tích – cảnh quan trên địa bàn Thành phố Huế và vùng phụ cận, tập 3, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế – Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế – Nhà bảo tàng Thành phố Huế, tr. 48.

6. QSQ triều Nguyễn (1993), Minh Mạng chính yếu, tập 3, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

7. Ưng Trình (1994), Tùng Thiện Vương tiểu sử và thơ văn, Nhà in Nam Việt, Nam Định, tr. 40.

8. Nội các triều Nguyễn (1991-1994), Sđd, tr. 151.

9. Nội các triều Nguyễn (1991-1994), Sđd, tr. 151-152.

10. Lê Duy Sơn (2002), Tlđd, tr. 14.

11. Nhiều tác giả (2002), Di sản văn hóa nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn, Phân Viện Nghiên cứu VHNT tại Tp. Huế – Sở VHTT Thừa Thiên Huế – Văn phòng Festival Huế.

12. Nhà Rội là nhà có kết cấu gỗ tương tự nhà rường nhưng có một cột cái chính giữa chống lên chỗ giao nhau của hai vì kèo, đỡ cây đòn đông.

13 Nguyễn Thị Thúy Vi, Lê Vĩnh An (2021), “Thuật ngữ kiến trúc cổ dùng trong nhà rường Huế”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 3.

14. Trần Đức Anh Sơn (2012), Phủ đệ – nơi lưu giữ Huế xưa, báo Thừa Thiên Huế điện tử (https://baothuathienhue.vn).

     Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Quý độc giả vui lòng xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa miền Trung 2022,
Chuyên đề Di sản Kiến trúc truyền thống

Download file (PDF): Phủ đệ triều Nguyễn: Không gian, kiến trúc mang tính “chuyển tiếp” giữa sự quyền uy và truyền thống (Tác giả: ThS Kts. Võ Tuấn Anh)