Phương pháp bảo vệ sức khỏe từ bàn tay (Phần 1)

     Bây giờ, chúng tôi sẽ chú trọng giới thiệu một lượt cụ thể cách tiến hành và hiệu dụng của “Phương pháp bảo vệ sức khỏe từ bàn tay” đơn giản dễ làm. Cách này không chỉ bao gồm việc thông qua các thủ pháp đè ấn, xoa nắn, gõ đánh để tiến hành kích thích đối với 2 tay mà còn gồm cả việc sử dụng dụng cụ thường ngày trong gia đình để tiến hành rèn luyện 2 tay. Phương pháp nói ra ở đây đều kinh qua thực tiễn xác thực có hiệu quả rõ rệt.

1. Xoa sát 2 tay

     Giấc ngủ đầy đủ là cơ sở giữ gìn sức khỏe cho con người, nhưng với tiết tấu căng thẳng của xã hội hiện đại, thường tạo thành áp lực tinh thần cho mọi người mà ảnh hưởng tới giấc ngủ. Rất nhiều người buổi tối khó đi vào giấc ngủ, do đó không được nghỉ ngơi đầy đủ. Để có thể mau chóng đi vào giấc ngủ, biện pháp tốt nhất là tiến hành kích thích đối với bàn tay. Chỉ cần lợi dụng thời gian 2 phút trước khi đi ngủ, nằm ở trên giường đem 2 bàn tay đối xứng nhau, hơi dùng sức xoa sát về trước và sau (H. 2), thì có thể đi vào giấc ngủ ngon lành rất mau chóng, ngày hôm sau sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái.

2. Xoay chuyển ngón tay cái

     Nếu cảm thấy thể lực không sung túc, chớ ngại thử cho ngón tay cái xoay chuyển vòng tròn 360º. Cần chú ý, khi xoay chuyển cần phải cho đầu ngón cái vạch thật hết mức thành hình vòng tròn. Ban đầu cũng có thể hơi khó, nhưng sau khi xoay chuyển được vài lần, ngón cái sẽ có tiết tấu mà xoay chuyển, lại còn cảm thấy tâm trạng thoải mái. Thông thường ta cho ngón tay cái xoay chuyển theo các hướng thuận chiều kim và nghịch chiều kim đồng hồ mỗi lần chuyển chừng 1 ~ 2 phút là được (H. 3).

3. Tự mình bắt tay

     Nắm tay vào nhau cũng có thể dùng làm cách bảo vệ sức khỏe cần nên lợi dụng, phương pháp đơn giản nhất là “tự mình bắt tay”. Đây chính là bàn tay trái và phải áp vào nhau mà cùng tiến hành bắt tay, mấu chốt nằm ở ngón cái tay phải cần có ý thức dùng sức mạnh bóp giữ vào cơ mô út (bờ cạnh bàn tay mé bên ngón út) của tay trái, ngón cái tay trái thì cần dùng sức chụp nắm vào mô út của bàn tay phải. Nắm chặt được 3 giây trở đi mới buông 2 tay, rồi lại đặt bàn tay trái phải lên nhau để cùng nắm chặt lại 5 ~ 6 lần (H. 4). Mỗi ngày kiên trì rèn luyện như vậy, nội tạng sẽ từ từ được tăng cường, thể lực cũng sẽ tăng lên gấp bội.

4. Đan ngón tay

     Khi cảm thấy đầu óc đờ đẫn (mụ mẫm), tinh thần khó tập trung, chớ ngại đem ngón tay của 2 tay đan vào nhau mà cùng vặn vẹo. Có thể có người đem ngón cái tay phải đặt ở mặt trên, có người thì đem ngón cái tay trái đặt ở bên trên. Ngón cái tay nào đặt ở bên trên sẽ sinh ra các hiệu quả khác nhau, cho nên sau khi đem ngón cái tay này đặt ở trên để đan vào nhau xong, cần đổi cho ngón cái tay kia ở trên mà đan vào nhau. Nếu làm như vậy mà cảm thấy không được thoải mái, đấy là do đã áp dụng động tác khác với lúc bình thường nên tạo cho đại não một thứ kích thích, do vậy, có thể thúc đẩy nâng cao công năng của đại não.

     Sau đó, bạn cho đầu ngón tay hướng vào người mình, ngón cái một tay ở bên trên, đem các ngón tay của 2 tay đan vào nhau ở phần gốc ngón tay, rồi cho mé bên trong cổ tay của 2 tay cùng ép thật mạnh lại. Sau khi ép chặt một lúc, thì đổi cho ngón cái tay kia ở trên để bắt chéo các ngón tay vào nhau (H. 5). Như vậy cũng là một dạng tạo kích thích cho đại não. Thường đan vào nhau khoảng 3 giây thì cần nới lỏng ra, sau đó lại dùng sức mà ép chặt lại, tiến hành lặp lại vài lần.

5. Vỗ đánh bàn tay

     Chính giữa bàn tay tồn tại bộ vị trọng yếu giúp tăng cường công năng của trái tim, khai phát tiềm lực của đại não. Chỉ cần tiến hành kích thích mãnh liệt đối với chỗ này thì tiềm lực của đại não sẽ được khai phát. Nhờ vậy, với người sáng ra mà vẫn còn muốn nằm ườn trên giường không muốn dậy hoặc ban ngày mà vẫn còn ngủ gật, thì đầu óc sẽ trở nên phấn chấn, khoan khoái. Muốn đạt tới mục đích đó, chỉ cần vỗ đánh mạnh 2 bàn tay vào nhau là được.

     Đem 2 bàn tay chắp lại để khi vỗ phát ra tiếng “bốp, bốp”. Âm thanh này thông qua thần kinh thích giác mà truyền đến đại não, liền có thể tăng cường công năng của đại não. Nếu sáng ra mà vẫn còn thấy buồn ngủ, cả ngày lờ đà lờ đờ, trí nhớ giảm sút kém, sức chú ý cũng không được tập trung, thì cần phải tiến hành rèn luyện vỗ đánh bàn tay.

     Dạng phương pháp rèn luyện này rất đơn giản. Buổi sáng, nếu cảm thấy còn buồn ngủ, có thể đem 2 tay duỗi lên trên, vỗ đánh mạnh bàn tay vào nhau 3 lần. Tiếp đó, đem 2 tay đang duỗi lên phía trên đầu hạ xuống trước ngực, lại vỗ vào nhau 3 lần (H. 6). Cần chú ý, cổ tay cần dùng lực duỗi mở, ra sức cho ngón giữa của 2 tay trái phải ép thật sát vào nhau (khi vỗ 2 tay).

     Nhờ việc va chạm như vậy mà sự mơ hồ của đầu óc, sự buồn bực ở trong lòng đều có thể tiêu trừ hoàn toàn. Có được đầu óc tỉnh táo vào buổi sáng là khởi điểm trọng yếu nhất cho cả ngày. Thông qua vỗ đánh bàn tay mà tinh lực được sung túc để tiến hành học tập và công tác, lại nâng cao được hiệu suất.

6. Thao luyện tiết tấu ngón tay

     Đối với người già mà nói, rèn luyện đầu ngón tay là phương pháp bảo vệ sức khỏe giản đơn nhất. Loại phương pháp này không bị giới hạn bởi địa điểm và thời gian, mà ai ai cũng đều có thể làm được.

     Cách làm cụ thể là : Dùng ngón cái lần lượt bấm ấn vào đầu 4 ngón tay còn lại tức trước tiên bấm vào ngón trỏ 2 lần, ngón giữa 1 lần, ngón áp út 3 lần, ngón út 4 lần; sau đó đảo qua chia ra mà bấm vào ngón áp út 3 lần, ngón giữa 1 lần, ngón trỏ 2 lần.

     Nói cách khác, cần áp dụng dạng nhịp điệu : 2 – 1 – 3  – 4 – 3 – 1 – 2, làm như vậy, tổng cộng bấm 16 lần (H. 7).

     Người lớn tuổi khi bắt đầu thao luyện ngón tay như thế này, cũng sẽ cảm thấy khá phức tạp. Thật ra, chỉ cần luyện tập lập lại, liền có được tiết tấu để chạm vào hoặc dời ra, lại còn luyện tập thuần thục rất nhanh. Tiến hành lặp lại vận động nhỏ nhặt đếm trên đầu ngón tay này sẽ khai phát được tiềm lực của đại não. Có thể nói, đây là một phương pháp đặc hiệu phòng ngừa chứng lú lẫn ở người già. Ngoài ra, nó còn là phương pháp tốt tích cực rèn luyện trí nhớ và sức tập trung. Không ngừng tiến hành kích thích đối với đầu ngón tay, còn có thể khiến cho khí huyết lưu thông tới tận đầu mút của ngón tay, từ đó xúc tiến tuần hoàn huyết dịch của toàn thân, cải thiện công năng của nội tạng.

7. Thổi gió ấm vào tay

     Hiện nay, có khá nhiều người khi dùng máy sấy tóc thổi gió vào đầu cho khô sau khi gội đầu. Nếu sử dụng máy sấy tóc tiến hành kích thích đối với bàn tay, tuy chỉ mất khoảng 3 ~ 4 phút, nhưng hiệu quả bảo vệ sức khỏe thu được lại rất lớn.

     Buổi sáng, bạn dùng máy sấy tóc thổi hơi ấm vào bàn tay, khi cảm thấy hơi nóng, liền đem máy sấy dời ra xa, sau đó lại áp tới gần mà sấy tiếp (H. 8). Tiến hành làm lặp lại như vậy từ 6 ~ 7 lần, khiến cho cả bàn tay đều được kích thích bởi luồng gió ấm của chiếc máy sấy tóc. Sau đó, cũng tiến hành kích thích giống như vậy đối với các móng tay. Làm được như vậy, thân thể sẽ cảm thấy tương đối ấm áp dễ chịu.

     Sở dĩ có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc tinh thần căng thẳng chủ yếu là do khí huyết toàn thân lưu thông không thông suốt, công năng nội tạng mất cân bằng. Nếu thân tâm cảm thấy mệt mỏi, mà vẫn phải gắng gượng tiến hành học tập hoặc công tác, thì hiệu suất sẽ rất thấp.

     Dùng máy sấy tiến hành kích thích, có thể nói là một phương pháp lý tưởng để khôi phục sức khỏe, hết mỏi mệt, giải trừ căng thẳng cho tinh thần.

     Vào mùa đông lạnh lẽo, thân người cảm tháy lạnh, điều đó nói lên khí huyết không được thông suốt. Nhưng vào mùa hè, nếu trong phòng làm việc có trang bị máy điều hòa không khí mà thân thể cảm thấy lạnh, thì cũng chứng tỏ huyết dịch không thể tới tận đầu ngón tay và chân. Lạnh rét có liên hệ với sự khó chịu của nội tạng. Bấy giờ, nếu có thể tắm rửa bằng nước nóng, dĩ nhiên có thể khiến cho cơ thể ấm áp, nhưng biện pháp đơn giản nhất vẫn là dùng máy sấy tóc tiến hành thổi gió ấm để kích thích. Đặc biệt là phụ nữ hoặc người sợ lạnh, nếu tiến hành kích thích ấm nóng theo cách này hàng ngày, có thể khiến bạn không còn sợ lạnh nữa.

Dựa theo bản tiếng Hoa : 按摩手足保健法 (第二版)
do NXB Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải phát hành tháng 6 năm 1999
Thái Lâm Hải – Tôn Thu Kiến –
Ngụy Thừa Sinh  & Thái Chấn Dương
Biên dịch: BAN TU THƯ (thanhdiavietnamhoc.com) – MINH HÙNG

     Còn tiếp:

     Mời xem:

1. BÀN TAY – Mấu Chốt Trong Bảo Vệ Sức Khỏe Con Người

2. Phương pháp bảo vệ sức khỏe từ bàn tay (Phần 1)

3. Phương pháp bảo vệ sức khỏe từ bàn tay (Phần 2)