Quan điểm hiện đại về khái niệm văn bản
IU.M. LOTMAN*
Khái niệm văn bản thuộc loại những khái niệm chính yếu của ngôn ngữ học và kí hiệu học. Theo truyền thống Saussure, văn bản được xem là sự biểu hiện của ngôn ngữ. Jakobson, Greimas và nhiều người nữa đã hiểu khái niệm ấy theo ý nghĩa như thế với sự khác biệt không nhiều. Theo ý nghĩa này, văn bản đối lập với ngôn ngữ như các cặp đối lập: cái được biểu hiện – cái không được biểu hiện, cái vật chất – cái lí tưởng và cái không gian phân giới – cái ngoài không gian. Đồng thời, do ngôn ngữ hoạt động như một cơ cấu mã hoá văn bản, cho nên tất cả những yếu tố quan trọng được sinh ra trong ngôn ngữ tự nó đều được xem là cái hiển nhiên, còn những gì không có trong ngôn ngữ (trong một ngôn ngữ cụ thể) thì không phải là yếu tố mang tính khu biệt ý nghĩa. Cho nên văn bản bao giờ cũng là văn bản của một ngôn ngữ cụ thể. Điều ấy có nghĩa, ngôn ngữ bao giờ cũng có trước văn bản (không nhất thiết theo ý nghĩa tạm thời, mà có thể theo một ý nghĩa lí tưởng nào đó).
Suốt một thời gian dài, niềm tin nói trên đã quyết định xu hướng chú ý của giới ngôn ngữ học. Văn bản được xem là chất liệu mà ở đó các qui tắc của ngôn ngữ được thể hiện, trong một mức độ nào đấy, giống như khoáng thạch mà nhà ngôn ngữ học sử dụng để đúc nên cấu trúc ngôn ngữ.
Quan điểm như thế đã giải thích rõ chức năng giao tiếp của ngôn ngữ, tức là chức năng nằm trên bề mặt, rất dễ nắm bắt bằng những phương pháp phân tích đơn giản nhất và vì thế suốt một thời gian dài, nó được xem là chức năng cơ bản, thậm chí, một số nhà ngôn ngữ học xem đó là chức năng duy nhất. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, có thể nhận ra rất rõ, sự quan tâm đang chuyển dịch từ ngôn ngữ tới văn bản (từ cấu trúc tới lời nói), sự chuyển dịch này đã chuẩn bị để các nhà ngôn ngữ học và kí hiệu học tiếp nhận những chức năng khác, phức tạp hơn của các hệ thống kí hiệu học.
Hãy tưởng tượng một không gian kí hiệu học[1], trên đó, ở sườn bên này là sự phân bố của các ngôn ngữ nhân tạo và các siêu ngữ, ở trung tâm – không gian văn hoá – là các ngôn ngữ tự nhiên, còn sườn bên kia là các tổ chứ kí hiệu học phức tạp thuộc loại ngôn ngữ thi ca (ngôn ngữ nghệ thuật nói chung) và các hệ thống phái sinh khác. Nếu chỉ xuất phát từ chức năng giao tiếp được hiểu là thông điệp chuyển từ người phát tới người nhận với sự chính xác tối đa[2], thì buộc phải thừa nhận, rằng ngôn ngữ đạt hiệu quả cao nhất là các ngôn ngữ nhân tạo, vì chỉ có chúng mới có thể bảo toàn tuyệt đối ý nghĩa ban đầu. Chính cái quan niệm này đã trở thành cơ sở tâm lí hơn là cơ sở khoa học cho một thứ thái độ trịch thượng rất phổ biến ở những năm 1960 với các ngôn ngữ thi ca như những ngôn ngữ được tổ chức theo kiểu “vô tích sự”, phi kinh tế. Chẳng những thế, người ta còn quên rằng, ngay từ những năm 1930, những nhà ngôn ngữ tầm cỡ, ví như R. Jakobson, đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng, lĩnh vực ngôn ngữ thi ca tạo thành phạm vi quan trọng nhất của ngôn ngữ học nói chung.
Các công trình nghiên cứu văn bản văn hoá cho phép rút ra thêm một chức năng nữa của của các hệ thống ngôn ngữ và, ứng với nó, các văn bản. Ngoài chức năng giao tiếp, văn bản còn có chức năng tạo nghĩa, do nó hoạt động không giống như một bao bì đựng nghĩa thụ động, mà như một cỗ máy sinh nghĩa.
Điều này có quan hệ với những dữ kiện thực tế mà các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá đểu biết rất rõ, theo đó, không phải ngôn ngữ xuất hiện trước văn bản, mà là văn bản xuất hiện trước ngôn ngữ. Có thể nhập vào đây một phạm vi các hiện tượng vô cùng rộng lớn. Trước tiên, cần phải tính tới tuyệt đại đa số các văn bản cổ xưa thuộc các mảnh vỡ văn hoá mà chúng ta từng biết. Thông thường, chúng ta nhận được một văn bản nào đó (văn bản ngôn từ, kiến trúc, điêu khắc…) đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh tự nhiên và được giải mã trong ngữ cảnh ấy bằng những bộ mã nào đấy mà với chúng ta đã bị mất từ lâu. Quá trình tìm hiểu bao gồm việc dựng lại các bộ mã theo văn bản, sau đó giải mã văn bản này (và những văn bản tương tự như nó) bằng sự trợ giúp của mã ấy. Thực tế, trường hợp thứ nhất không có gì khác biệt với trường hợp thứ hai, tức là trường hợp chúng ta tiếp xúc không phải với các văn bản cổ, mà là những tác phẩm nghệ thuật mới nhất: tác giả tạo ra một văn bản hi hữu, tức là văn bản bằng một ngôn ngữ vẫn chưa được biết tới, còn độc giả, muốn hiểu văn bản, cần chiếm lĩnh cái ngôn ngữ mới đã được tạo ra ad hoc[3]. Thực tế, ở trường hợp thứ ba, trường hợp học tiếng mẹ đẻ, cũng có cơ chế như vậy. Đứa trẻ cũng nhận được các văn bản trước khi biết các qui tắc, nó tái tạo cấu trúc theo văn bản, chứ không tái tạo các văn bản theo cấu trúc.
Tất cả các trường hợp trên có một đặc điểm chung. Trong quá trình văn bản hoạt động văn hoá , cái ý nghĩa ban đầu đã đặt vào đó buộc phải được nhào nặn lại, phải chế biến và thay đổi, hệ quả là nó dẫn tới sự gia tăng ý nghĩa. Vì thế, có thể gọi chức năng này của văn bản là chức năng sáng tạo. Nếu ở trường hợp thứ nhất, mọi sự thay đổi đều là sai lầm, là sự xuyên tạc nghĩa, thì ở trường hợp sau, nó lại có xu hướng tạo ra nghĩa mới (liên hệ với ý kiến của Ernst Theodor Amadeus Hoffmann trong Lời tựa cho cuốn Quan điểm sống của Mèo Murr về vai trò sáng tạo của dấu tích, cũng như những trường hợp từng nhiều lần được các nhà văn như L. Tolstoi và A. Akhmatova nhấn mạnh về sự tham gia của các sai lầm và những chữ viết sai vào quá trình sáng tạo). Nếu ở trường hợp thứ nhất, tiếng ồn có thể nuốt mất thông tin, thì ở trường hợp sau nó lại biến đổi thông tin một cách sáng tạo.
Sự khác biệt của các chức năng làm thay đổi ý niệm về văn bản. Ở trường hợp thứ nhất, văn bản là sự thể hiện của một ngôn ngữ. Về nguyên tắc, nó mang tính đồng cấu và đồng chất[4]. Trong những trường hợp văn bản xuất hiện trước ngôn ngữ và người nhận thông tin còn phải lựa chọn, hoặc kiến tạo ngôn ngữ cho văn bản ấy, thì cái khả năng đọc văn bản trong các hệ thống của một số loại văn phạm lúc nào cũng túc trực sẽ được kích hoạt (liên hệ với trường hợp Những đứa con của thuyền trưởng Grant của Jules Verne, trong đó, người giải mã phải xác định xem một đoạn nào đó được viết bằng ngôn ngữ nào trong số các ngôn ngữ có khả năng được sử dụng giống nhau ; sự lựa chọn ngôn ngữ sẽ làm thay đổi ý nghĩa của văn bản). Khi ta lĩnh hội tác phẩm nghệ thuật hay tiếp nhận các văn bản thuộc loại văn hoá khác, tình huống trên luôn luôn hiện diện, tức là, nó làm thành tuyệt đại đa số các trường hợp trong không gian kí hiệu học. Với ý nghĩa như thế, là cỗ máy tạo nghĩa, về nguyên tắc, văn bản mang tính dị chất và dị cấu. Về mặt này, có thể xác lập qui tắc: văn bản là sự thể hiện đồng thời của một số ngôn ngữ. Mối quan hệ trò chơi và đối thoại phức tạp giữa những tiểu cấu trúc đa dạng tạo thành trạng thái đa ngữ bên trong văn bản chính là cơ chế tổ chức ý nghĩa.
Đặc điểm của văn bản như một cỗ máy sinh nghĩa nói trên đã đặt nó vào hàng đẳng cấu với những hiện tượng ví như ý thức cá nhân của con người cùng sự bất đối xứng về mặt chức năng của hai bán cầu đại não và văn hoá cùng cơ cấu nội tại về nguyên tắc mang tính dị chất và dư thừa của nó. Ở đâu cũng chỉ có một cơ chế tạo nghĩa mà thôi: hệ thống phiên dịch nội tại của các tiểu ngôn ngữ ở một văn bản nào đó sẵn có trong tương quan với sự bất khả phiên dịch cạn kiệt.
Ba chức năng của văn bản có quan hệ với vấn đề kí ức văn hoá. Ở khía cạnh này, các văn bản tạo nên những chương trình nén chặt trí nhớ. Toàn bộ lịch sử văn hoá của nhân loại đã thể hiện rất rõ, từ đáy sâu của quá khứ văn hoá tăm tối, các văn bản riêng lẻ còn đến được với chúng ta có khả năng tái thiết hàng loạt lớp văn hoá, phục hồi kí ức. Với ý nghĩa như thế, có thế so sánh, không hề mang tính ẩn dụ, văn bản với hạt giống sinh vật, loại hạt giống, là cỗ máy sinh sản thông tin, có thể chuyển tới một môi trường sinh thái xa lạ mà vẫn bảo toàn được tỉ lệ nẩy mầm cao, tức là tái tạo được bộ nhớ về cái cây đã sinh ra chúng.
Với ý nghĩa như vậy, văn bản có xu hướng biểu tượng hoá và biến thành các biểu tượng văn hoá. Khác các dạng kí hiệu khác, những biểu tượng lưu giữ kí ức như vậy sẽ có khả năng tự trị cao so với ngữ cảnh văn hoá của mình và có thể hoạt động không chỉ trong lát cắt văn hoá đồng đại, mà cả trên trục lịch đại của nó (so sánh với ý nghĩa của biểu tượng cổ đại và biểu tượng Kitô giáo đối với mọi lát cắt của văn hoá châu Âu). Trong trường hợp này, một biểu tượng riêng lẻ luôn hoạt động như một văn bản, tự do di chuyển vào trường biên niên của văn hoá và bao giờ cũng gắn bó phức tạp với các lát cắt đồng đại của nó.
Bởi vậy, trong quan niệm của kí hiệu học hiện đại, văn bản không phải là nhân tố mang nghĩa thụ động, mà hoạt động như một hiện tượng năng động, chứa đựng mâu thuẫn nội tại – nó là một trong số những khái niệm nền móng của kí hiệu học hiện đại.
__________
[1] Tiếng Nga: “семиотический континуум” (tiếng Pháp: continuum sémiotique).- ND
[2] Trường hợp chính xác cao nhất ở đây sẽ là: truyền đạt các mệnh lệnh, các tín hiệu ước lệ. Ý nghĩa có sẵn từ trước cần chuyển tới người nhận sẽ được nạp vào hệ thống. Mô hình “ý nghĩa – văn bản” miêu tả miêu tả đích thị những trường hợp này.
[3] Tiếng Anh trong nguyên bản của Iu.M. Lotman, nghĩa là “nhằm mục đích đặc biệt”.-ND.
[4] Tiếng Nga: “гомоструктурен и гомогенен”.- ND.
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: Ю. М.Лотман.- Статьи по семиотике культуры и искусства / Предисл.С. М. Даниэля, сост. Р. Г. Григорьва. Спб.: Академический проект, 2002. Стр. 17-23.
(https://thanhdiavietnamhoc.com)