Quan hệ Việt – Pháp trong bối cảnh quốc tế mới
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THU HẰNG
(Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế)
Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập và phát triển hiện nay là một nhu cầu tất yếu không thể cưỡng lại được của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam và Pháp vốn có mối quan hệ lâu dài trong lịch sử, cộng thêm những chuyển biến tích cực của bối cảnh thế giới và khu vực cùng chính sách đối ngoại mở của hai nước đang ngày càng tạo ra những chiều hướng tốt đẹp cho sự hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng đẩy mạnh quan hệ với Pháp, bởi điều này không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển của mỗi nước trong thời kỳ mới.
1. Những nhân tố tác động đến việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt – Pháp
1.1. Nhân tố chủ quan
Có thể nói, quan hệ Việt – Pháp đã diễn ra từ rất sớm trong lịch sử. Ngay từ thế kỷ XVI – XVII, những nhà truyền giáo Pháp đến Việt Nam, mang theo một tôn giáo mới và được một bộ phận dân chúng Việt Nam đón nhận. Tuy nhiên Hiệp ước Versailles (1787) đã làm xấu dần đi mối quan hệ giữa hai nước, bởi về sau người Pháp đã dùng Hiệp ước này làm cơ sở pháp lý để đòi hỏi những quyền lợi và xâm nhập vào Việt Nam. Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại cảng Đà Nẵng, và đến năm 1884 về cơ bản Pháp đã hoàn thành sự xâm chiếm đó. Thực dân Pháp cho rằng, họ có mặt ở Việt Nam là để thực hiện sứ mệnh khai hoá văn minh, nhưng thực chất đó chỉ là lời biện minh của kẻ đi xâm lược. Đối với người Pháp, Đông Dương là miếng mồi béo bở, là nơi cung cấp nhân lực, vật lực để phục vụ cho những tham vọng của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Từ năm 1945 đến năm 1954, mối quan hệ duy nhất giữa hai nước chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa một kẻ đi xâm lược với một dân tộc đang tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại kẻ xâm lược. Và chính sức mạnh của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã giúp nhân dân Việt Nam làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, buộc thực dân Pháp phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.
Sau Hiệp định Genève 1954, mặc dù chiến tranh Pháp – Việt đã kết thúc, nhưng quan hệ giữa hai nước cũng chưa có sự khởi sắc do những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp của thế giới thời kỳ Chiến tranh lạnh, và hơn nữa nhân dân Việt Nam lại đang phải tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên trong thời gian này, Chính phủ Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Ngày 29/8/1963, Tổng thống De Gaulle tuyên bố mong muốn một Việt Nam độc lập với bên ngoài, hoà bình thống nhất bên trong, hoà hợp với các nước láng giềng, và cho rằng chính sự can thiệp của Mỹ là nguồn gốc gây ra chiến tranh và đòi Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam. Trước việc leo thang chiến tranh của Mỹ, Pháp đã đồng ý cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập phòng Thông tin tại Paris năm 1968. Năm 1973, Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán tại Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình giữa Việt Nam với Mỹ. Kể từ đây, quan hệ Việt – Pháp bước sang một trang mới, hai nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới, khai thông và phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Lịch sử là cái chúng ta không thể phủ nhận, cũng không thể thay đổi được. Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước có những giai đoạn thăng trầm, nhưng đó chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để quá khứ đau thương không tái hiện lại trong tương lai. Sự có mặt từ rất sớm của người Pháp ở Việt Nam cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực giáo dục, hành chính, thiết kế hạ tầng cơ sở mà chiến tranh và thời gian chưa làm mất đi hoàn toàn. Người Việt Nam luôn tín nhiệm với những thành tựu kỹ thuật của người Pháp, và ngược lại người Pháp tìm thấy ở người Việt Nam những đức tính quý báu: cần kiệm, thông minh, dũng cảm… nhân dân hai nước có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen và phong tục tập quán của nhau. Vì vậy, phát triển các mối quan hệ song phương về mọi mặt giữa hai nước mang lại những lợi ích lớn lao cho cả hai phía.
Nước Pháp hiện nay là một quốc gia phát triển về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Liên minh châu Âu và là một trong những trụ cột của liên minh này. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt – Pháp, đặc biệt là quan hệ kinh tế đang có những bước phát triển vượt bậc với nhiều hứa hẹn. Vì vậy, việc mở rộng và tăng cường mối quan hệ toàn diện Việt – Pháp không chỉ là tranh thủ những lợi thế của mối quan hệ truyền thống trước đây để phát triển, mà còn tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam xâm nhập vào Liên minh châu Âu, mở rộng và phát triển các quan hệ song phương, đa phương với các nước thành viên trong tổ chức này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hội đủ những điều kiện để thu hút sự quan tâm của nước Pháp. Đặc biệt, Việt Nam có thị trường rộng lớn với hơn 80 triệu dân, thị trường Việt Nam cũng không mấy xa lạ với Pháp, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng ngày càng cởi mở. Việt Nam còn là thành viên tích cực và quan trọng của tổ chức ASEAN, có thể làm cầu nối cho Pháp mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Việt Nam và Pháp tuy khác nhau về trình độ phát triển, về thể chế chính trị và cũng gặp không ít rào cản, nhưng từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, xuất phát từ lợi ích của chính mình, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ Việt – Pháp không chỉ dừng lại trong mối quan hệ song phương mà còn diễn ra trong khuôn khổ của các mối quan hệ đa phương thông qua các tổ chức và diễn đàn khu vực thế giới như APEC, ASEAN, EU…
Trong khoảng hơn 10 năm đầu kể từ sau khi thống nhất đất nước, mặc dù số lượng chưa lớn nhưng Việt Nam đã xuất khẩu thường xuyên sang Pháp với nhiều mặt hàng như than, các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp… Từ năm 1988 đến năm 1990, Pháp luôn là nước đứng đầu trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới 53 triệu USD… Lãnh đạo hai nước cũng đã có những chuyến thăm và làm việc trên tinh thần hữu nghị, hợp tác nhằm tăng cường sự hiểu biết và mở ra những cơ hội mới cho quan hệ giữa hai phía, chẳng hạn như vào tháng 4/1977 Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm sang Pháp. Về phía Pháp, vào tháng 9/1978 Bộ trưởng Ngoại giao Pháp De Guiringard cũng đã sang thăm Việt Nam.
Từ năm 1986 trở đi, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới đất nước và đã đạt được những thành tựu bước đầu, nhưng về cơ bản cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ và hiệu quả hoạt động kinh tế chưa cao. Nhận thức sâu sắc những biến động của tình hình thế giới và trong nước, ngay từ Đại hội VII (1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hội nhập theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ kinh tế với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. (1)
Về phía Pháp, sau thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương, vai trò của Pháp ở khu vực này trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh kết thúc, những nền kinh tế năng động ở khu vực này tiếp tục phát triển mạnh, cục diện chính trị ở châu Á có nhiều thay đổi, Pháp nhận thấy rõ những lợi ích của mình do đó đã nhanh chóng điều chỉnh lại chính sách đối ngoại. Đặc biệt, từ những năm 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế Pháp có nhiều biểu hiện của quá trình suy thoái, thị trường nội địa vì thế cũng kém sôi động, trên thị trường thế giới hàng hoá Pháp không đủ sức cạnh tranh trước các đối thủ. Trong bối cảnh trên, Pháp đã thay đổi chiến lược và địa bàn đầu tư kinh tế ra các nước, trong đó có chính sách đa dạng hoá ở châu Á. Pháp mong muốn tìm kiếm một thị trường ổn định ngoài châu Âu, hướng tới một thị trường đầy tiềm năng và quen thuộc là châu Á, điều này được thể hiện trong việc hoạch định chính sách châu Á mới của Pháp vào năm 1994.
Sự gặp gỡ giữa hai đường lối của hai Nhà nước xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của chính bản thân mỗi nước đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi mặt lên một tầm cao mới.
1.2. Nhân tố khách quan
Thế giới hiện nay đang có những chuyển biến mạnh mẽ với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự gia tăng của thương mại và đầu tư; những biến động phức tạp của tình hình thế giới tạo nên những thách thức to lớn đối với hoà bình, an ninh của mỗi nước cũng như trong khu vực và trên thế giới; chính sách của các nước lớn trong việc phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng… đã chi phối đến sự phát triển của quan hệ Việt – Pháp.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Nga rút khỏi căn cứ Cam Ranh của Việt Nam, Mỹ rút khỏi căn cứ ở Philippines đã tạo nên những khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á – một khu vực giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, giao thông, quân sự của thế giới. Thêm vào đó, sự phát triển với tốc độ cao và rất năng động của các nền kinh tế ở khu vực này đã có sức hấp dẫn đối với nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới, nhất là những cường quốc đã tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhiều nước trong số đó muốn Việt Nam là cầu nối để họ vươn ra phát triển quan hệ với các nước trong khu vực. Chính sách đó của các nước trên gặp thuận lợi là nhiều nước ở Đông Nam Á muốn tăng cường quan hệ với những nước lớn để tạo ra những sự cân bằng quyền lực giữa các nước lớn ở khu vực này, với mong muốn khu vực này không biến thành chiến trường của các cường quốc như trước đây. Bên cạnh đó còn để tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa những nước trên đã được ký với các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác.
Tóm lại, sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, do tình hình mới của thế giới cũng như của Việt Nam, như sự gặp nhau về lợi ích, quan hệ giữa những nước lớn với Đông Nam Á mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng cần được đẩy mạnh. Là một nước vốn có mối quan hệ rất sớm với Việt Nam trong lịch sử, Pháp không muốn là nước chậm chân trong việc tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực quan trọng này. Sự tăng cường quan hệ của các nước lớn với Việt Nam là nhân tố khách quan thúc đẩy Pháp tăng cường quan hệ với Việt Nam, từ đó đưa đến quan hệ giữa hai nước phát triển lên một bước mới.
2. Những thành tựu cơ bản của quan hệ Việt – Pháp
2.1. Trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao
Ngay khi Mỹ đang thực hiện chính sách cấm vận đối với Việt Nam, các chuyến thăm cấp cao của Chính phủ hai nước vẫn thường xuyên diễn ra. Ngoài các chuyến viếng thăm ở cấp Bộ trưởng, các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thống Pháp Francois Mitterand (2/1993); của Thị trưởng Paris, Chủ tịch Đảng Cộng hòa Jacques Chirac (1/1994); của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6/1993), Chủ tịch nước Lê Đức Anh (5/1995)… và đáng lưu ý là chuyến thăm nhân dịp Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VII các nước nói tiếng Pháp của Tổng thống Jacques Chirac đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi với Cộng hòa Pháp. Tiếp đó, ngày 6/6/2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm nước Pháp theo lời mời của Tổng thống Jacques Chirac và lãnh đạo chính quyền Cộng hòa Pháp (1) – sự kiện này đánh dấu mốc đáng ghi nhận trong quan hệ chính trị, ngoại giao Việt – Pháp. Và gần đây nhất tháng 3/2013, nhân hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm Cộng hòa Pháp hai ngày (từ 26- 28/3/2013). Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra Thông cáo chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược. Thông cáo khẳng định, trên cơ sở mối quan hệ truyền thống, lịch sử giữa hai nước, sự phát triển năng động hiện nay của mối quan hệ đó, “hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược trong năm Pháp – Việt, nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước” (2) .
2.2. Trên lĩnh vực thương mại và đầu tư
– Về thương mại: do thành tựu của công cuộc đổi mới và thành công của nền kinh tế mở, từ năm 1997, Việt Nam đã đạt mức xuất siêu sang Pháp. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đạt 621,375 triệu euro (tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2009) (3) . Trong cơ cấu xuất nhập khẩu hiện nay, thì hàng nhập của Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, các sản phẩm có giá trị cao. Còn hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng chất lượng cao như giày dép, hàng dệt may, thực phẩm đông lạnh, điện thoại và linh kiện… trong số đó mặt hàng điện thoại có kim ngạch cao nhất, đạt 448,8 triệu USD (chiếm 27% tỷ trọng). Kế đến là giày dép các loại với 24,8 triệu USD trong tháng 12/2011 (tăng 3,67% so với tháng 12/2010), tính chung năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu 244,8 triệu USD hàng giày dép sang Pháp (tăng 25,81% so với năm 2010). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vượt 15,6 tỉ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trên 38%, mức cao nhất trong 5 năm qua và là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam ra thế giới, trong đó thị trường Pháp chiếm 1,4% tỷ trọng, đạt kim ngạch 201,9 triệu USD (tăng 38,05% so với năm 2010). Đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011 sang thị trường Pháp là mặt hàng thủy sản, đạt 131,7 triệu USD (tăng 8,26% so với năm 2010). Tính riêng tháng 12/2011, xuất khẩu mặt hàng này sang Pháp đạt 17,1 triệu USD (tăng 1,99% so với tháng 12/2010) (1) .
Năm 2012, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt – Pháp vượt ngưỡng 3 tỉ USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp hơn 2 tỉ và nhập khẩu từ Pháp hơn 1 tỉ). Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng Câu lạc bộ doanh nhân VCL – France tổ chức một Hội thảo bàn tròn với chủ đề “Chiến lược ngoại thương Việt Nam đến năm 2020 và cơ hội cho các doanh nhân Pháp” tại Neuilly sur Seine. Hội thảo đã cung cấp cho doanh nhân 2 nước những thông tin về Chiến lược ngoại thương Việt Nam đồng thời cho rằng các doanh nhân hai nước có thể khai thác nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác sản xuất và kinh doanh trong các ngành may mặc thời trang, giày da, đồ gỗ và chế biến thực phẩm (2) .
Ngoài những hoạt động thương mại song phương giữa hai nước, Pháp đã tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ký kết hiệp định hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU), ký kết các hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hợp tác hàng không… Sự ủng hộ này thúc đẩy sự hợp tác bền chặt hơn nữa về kinh tế giữa Việt Nam với Pháp nói riêng cũng như Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) nói chung.
– Về đầu tư: Pháp là nước đầu tư hàng đầu của Phương Tây vào Việt Nam. Đa số các đầu tư của Pháp được thực hiện dưới hình thức liên doanh. Công ty liên doanh là hình thức hai bên cùng góp vốn theo một tỷ lệ nhất định nhằm hạ giá thành sản phẩm, nhờ sự kết hợp tiềm lực mạnh của Pháp về vốn, kỹ thuật, công nghệ với nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Sự đầu tư của Pháp tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, Pháp mới chỉ tập trung đầu tư cho khu vực miền Nam (chiếm 78%), còn miền Bắc chỉ chiếm 20%, miền Trung lại càng ít hấp dẫn (chỉ chiếm 2%).
Ngoài đầu tư, Pháp còn tích cực thực hiện chính sách viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, tổ chức hội nghị các bên viện trợ cho Việt Nam, cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi. Việt Nam là một trong số ít nước được hưởng cả 3 kênh tài trợ tài chính của Pháp: Nghị định thư tài chính, Tổ chức phát triển Pháp, Quỹ hợp tác ưu tiên và Quỹ trợ giúp đặc biệt doanh nghiệp.
2.3. Trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục
Đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam của Pháp là lớn nhất so với các nước châu Âu khác. Ngay từ năm 1992, ngân sách giành cho giáo dục của Pháp tại Việt Nam là 50 triệu Franc và ngày càng tăng. Số sinh viên Việt Nam được nhận học bổng cũng như sang Pháp du học ngày càng nhiều. Mỗi năm có từ 400 đến 600 học sinh, sinh viên được nhận học bổng, nhất là ngành Y. Tại Việt Nam, Pháp tập trung giảng dạy ngôn ngữ, cải cách hành chính, xây dựng pháp luật, tài chính ngân hàng… Trung tâm trao đổi văn hóa với Pháp là một minh chứng cho nỗ lực phát triển đào tạo, trao đổi văn hóa Pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh giáo dục, giao lưu văn hóa Việt – Pháp cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Pháp là đối tác quan trọng trong việc tổ chức các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay, tổ chức triễn lãm văn hóa Chăm tại Paris, tuần lễ phim Pháp tại Hà Nội… Đánh giá về hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa của Pháp và Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh nhận định: đó là các hoạt động đa dạng và hiệu quả giữa hai nước. Việt Nam luôn coi Pháp là “đối tác trọng điểm” trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật như múa, âm nhạc, phim, thư viện… Năm 2012, giữa Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh với Bộ trưởng Văn hóa Truyền thông Pháp Frédéric Mitterrand đã có cuộc hội đàm tại Paris, hai bên đã thống nhất ủng hộ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp năm 2013, và trong khuôn khổ Quỹ đoàn kết ưu tiên, Chính phủ Pháp đã viện trợ 1,4 triệu Euro cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam (1) .
Những hoạt động hợp tác văn hóa giáo dục trên đây thể hiện sự tôn trọng, hợp tác hữu nghị, hoà bình, là cầu nối cho sự tăng cường trao đổi, chuyển giao tri thức của hai nền văn hóa truyền thống.
Như vậy, xuất phát từ lợi ích của mỗi quốc gia trong bối cảnh quốc tế mới, xu thế toàn cầu hoá, quan hệ Việt – Pháp đã chuyển từ căng thẳng sang đối thoại, hợp tác. Đây là mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể chế chính trị, trình độ phát triển khác nhau, xa cách về địa lý nhưng hai bên đã vượt qua mọi rào cản, rút ngắn khoảng cách để xích lại gần nhau hơn.
3. Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp
3.1. Những cơ hội và thách thức của quan hệ Việt – Pháp trong bối cảnh quốc tế mới
Trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, quan hệ Việt – Pháp đứng trước không ít cơ hội và thách thức mà Chính phủ hai nước phải biết nắm bắt và vượt qua. Về cơ hội, Việt Nam đang từng bước khẳng định nền kinh tế của mình ở châu Á và trên thế giới. Với chế độ chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, tiềm năng tiêu thụ của thị trường Việt Nam khá hấp dẫn, nguồn nhân lực Việt Nam giá rẻ cùng với chính sách kinh tế mở, khuyến khích đầu tư… Việt Nam đang trở thành cầu nối, là cửa ngõ cho các nước phương Tây xâm nhập vào thị trường ASEAN và châu Á.
Từ khi đất nước được độc lập và thống nhất, Việt Nam liên tiếp đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao cũng như hợp tác quốc tế, như Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc, thành viên của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); nhiều nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trên thế giới cũng đã đến Việt Nam như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh…. càng khẳng định thêm vai trò của Việt Nam trong những vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu.
Về thách thức, thứ nhất là sự khác biệt giữa hai nước về ý thức hệ, chế độ chính trị và trình độ phát triển; thứ hai là khoảng cách địa lý xa nhau, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hoá, dẫn đến giá thành hàng hoá cao khó cạnh tranh; thứ ba là sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, vì đa phần các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pháp hầu hết đều trùng với sản phẩm của các nước trong khu vực. Vì vậy, việc tranh giành thị trường và khách hàng là không thể tránh khỏi, chất lượng hàng hoá của Việt Nam so với thị trường thế giới vẫn chưa cao, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nổ lực rất nhiều để chiếm lĩnh thị trường Pháp; thứ tư, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có của Việt Nam như tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, mà các lợi thế này sẽ có lúc cạn kiệt. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài cho xuất khẩu để bảo đảm một sự phát triển bền vững cho tương lai đất nước; Ngoài ra, sự hạn chế về công nghệ, trình độ nhân lực, trình độ quản lý, sự thông hiểu pháp luật quốc tế, các thủ tục hành chính còn rườm rà… là những trở ngại không thể khắc phục một sớm một chiều.
3.2. Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp
– Về chính trị, cần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với Việt Nam trên phạm vi quốc tế, thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời củng cố lòng tin và sự yên tâm làm ăn lâu dài của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Chính sự tiếp xúc về chính trị, tăng cường quan hệ ngoại giao sẽ giải toả những vướng mắc tâm lý, những đắn đo không cần thiết, đặc biệt với những doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp.
– Về kinh tế, Nhà nước cần có quy hoạch chính sách cụ thể để phát triển các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu như hàng dệt may, giày dép, thuỷ hải sản. Đặc biệt, để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng hoá, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành, nâng cao sự hiểu biết về thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Từ đó, nghiên cứu tiềm năng sản xuất hàng xuất khẩu của cả nước, của từng vùng, từng địa phương và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Về nhập khẩu, Việt Nam nên ưu tiên nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Phát triển thêm nhiều trung tâm xúc tiến thương mại tại Pháp và Việt Nam, tăng cường sự hỗ trợ của các Đại sứ quán đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tìm kiếm đối tác.
– Việt Nam cần có chính sách thu hút mạnh mẽ hơn nữa và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Để thu hút vốn đầu tư, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài nhằm tạo một hành lang pháp lý hấp dẫn, cởi mở, minh bạch, ổn định. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư để triển khai thêm nhiều kênh đầu tư, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Nhà nước các cấp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tài chính và dịch vụ ngân hàng nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cải thiện công tác tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ODA từ Pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, giao thông vận tải, văn hóa giáo dục y tế, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực.
Tóm lại, quan hệ Việt – Pháp là mối quan hệ có bề dày trong lịch sử và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Mặc dù có những khác biệt nhất định về chế độ chính trị – xã hội, về trình độ phát triển, lại xa cách về mặt địa lý, nhưng do lợi ích của bản thân mỗi nước mà mối quan hệ hợp tác đã được khai thông và thu được nhiều thành tựu nổi bật. Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đạt được, Chính phủ hai bên cần có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm tranh thủ những thời cơ, vượt qua những thách thức, trở ngại của bối cảnh quốc tế mới để tạo bước chuyển biến đột phá trong quan hệ hai nước.
___________
(1) http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cs_doingoai/cs/ns040823162938
(1) http://vietbao.vn/Xa-hoi/Tong-bi-thu-Nong-Duc-Manh-tham-Cong-hoa-Phap/10913108/157/.
(2) http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2013/03/viet-phap-huong-toi-quan-he-doi-tac-chien-luoc/.
(3) http://vov.vn/Kinh-te/Trao-doi-thuong-mai-Viet-Nam-Phap-giu-da-tang-truong/147609.vov
(1)http://euvietnam.com/vn/newdetail/1768/26269/kim_ngach_xuat_khau_sang_phap_nam_2011_tang_truong_so_voi_cung_ky.vcci.
(2) http://vov.vn/Kinh-te/Kim-ngach-thuong-mai-Viet-Nam-Phap-co-the-vuot-3-ty-USD/240938.vov.
(1) http://www.baomoi.com/Viet-Nam-va-Phap-hop-tac-trong-nhieu-du-an-van-hoa/122/6273886.epi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Bin (cb) (2005), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Nguyễn Quang Chiến (1997), Cộng hòa Pháp – bức tranh toàn cảnh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Quế (2006), Chính sách đối ngoại của Cộng hòa Pháp trong giai đoạn sau chiến tranh lạnh, Tạp chí nghiên cứu Châu Âu, số 4/2006, trang 8-18.
4. Nguyễn Duy Quý (Cb) (2006), Tiến trình hợp tác Á – Âu và những đóng góp của Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
Internet:
5. http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cs_doingoai/cs/ns040823162938
6.http://vietbao.vn/Xa-hoi/Tong-bi-thu-Nong-Duc-Manh-tham-Cong-hoaPhap/10913108/157/
7.http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2013/03/viet-phap-huong-toi-quan-he-doi-tac-chien-luoc/
8.http://vov.vn/Kinh-te/Trao-doi-thuong-mai-Viet-Nam-Phap-giu-datang- truong/147609.vov
9.http://euvietnam.com/vn/newdetail/1768/26269/kim_ngach_xuat_khau_sang_phap_nam
_2011_tang_truong_so_voi_cung_ky.vcci
10. http://www.ugvf.org/index.php?option=com_content&view=article&id=57%3Atrinlam-anhqm-sn-vn-hoa-nghin-nmq-ti-phap-&catid=69%3Ahp-tac-phapvit&Itemid=69&lang=fr
11. http://www.baomoi.com/Viet-Nam-va-Phap-hop-tac-trong-nhieu-duan- vanhoa/122/6273886.epi
Nguồn: Hội thảo “Quan hệ Việt – Pháp, quá khứ và hiện tại”, Huế, 4-2013
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quan hệ Việt – Pháp trong bối cảnh quốc tế mới (Tác giả: ThS Nguyễn Thu Hằng) |