“Quê hương của Lê Hoàn” và “Công việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Lê Hoàn trên đất Hà Nam”
Tác giả bài viết: Giáo sư; Nhà giáo Nhân dân PHAN HUY LÊ*
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Với vai trò là chủ tọa Hội thảo “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp”, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát biểu tổng kết. Bài Tổng kết của Giáo sư gồm 4 nội dung: “Quê hương của Lê Hoàn”, “Sự nghiệp của Lê Hoàn”, “Vị trí của Lê Hoàn trong lịch sử dân tộc” và “Công việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Lê Hoàn trên đất Hà Nam”.
Thánh địa Việt Nam học (https://thanhdiavietnamhoc.com) xin trích đăng phần tổng kết của Giáo sư về nội dung “Quê hương của Lê Hoàn” và “Công việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Lê Hoàn trên đất Hà Nam”. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
x
x x
I. Quê hương của Lê Hoàn
Tất cả các ý kiến nêu lên đều có căn cứ trong sử sách cổ. Bộ sử xưa nhất còn lại đến nay là Đại Việt sử lược biên soạn vào cuối thời Trần khoảng năm 1377, cho rằng quê hương của Lê Hoàn ở Trường Châu, sinh ngày 15 tháng 7 năm năm đầu niên hiệu Thiên Phúc vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn tức năm Bính Thân – 9361. Nhưng cũng theo Đại Việt sử lược, vua Lê Đại Hành mất năm ất Tỵ – 1005, thọ 65 tuổi (tính theo tuổi ta, thêm 1 tuổi mụ) thì năm sinh phải là: 1005 – (65 – 1) = 941. Như vậy rõ ràng Lê Hoàn không thể sinh vào năm 936. Các bộ sử sau này đều chép đúng năm sinh của Lê Hoàn là năm Thiên Phúc thứ 6, tức năm Tân Sử – 941. Trường Châu sang thời Lý đổi là phủ Trường Yên, thời Lê sơ chia làm hai phủ Trường Yên và Thiên Quan. Phủ Trường Yên thời Lê sơ và thời Nguyễn là vùng các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Gia Khánh, Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Phủ Thiên Quan thời Lê sơ là vùng huyện Nho Quan, một phần huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình.
Sau đó bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn nữa, nhưng được thâu tóm vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư được khắc in năm 1697 thời Lê Trung hưng. Đại Việt sử ký toàn thư chép Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn, tức năm Tân Sửu-941, là người ái Châu tức Thanh Hóa[1].
Sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn trong thời gian sống lưu vong trên đất Nguyên, viết xong khoảng thời gian 1335-1339. Trong sách, mục Gia thế họ Lê, tác giả chép Lê Hoàn “người ái Châu”[2].
Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) cũng chép Lê Đại Hành “người ái Châu[3].
Đại Việt sử ký tiền biên do Ngô Thì Sĩ biên soạn, con là Ngô Thì Nhậm trình lên Quốc sử quán thời Tây Sơn rồi được sửa định và khắc in xong năm 1800 như bộ Quốc sử của vương triều Tây Sơn. Bộ sử này chép Lê Hoàn “người ái Châu”, nhưng lại thêm một ghi chú “Xét thấy Lê Đại Hành là người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, chứ không phải người ái Châu. Sử cũ chép nhầm”[4].
Như vậy là cho đến cuối thế kỷ XVIII, các sách sử đều chép Lê Hoàn người ái Châu hay Trường Châu và Đại Việt sử ký tiền biên là bộ sử đầu tiên đã phê phán “Sử cũ chép nhầm”, xác định Lê Hoàn “người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm”. Đây là quan niệm mới của Ngô Thì Sĩ so với Việt sử tiêu án trước đó, nhưng cũng có thể do con ông là Ngô Thì Nhậm hay Quốc sử quán Tây Sơn hiệu chỉnh? Tuy chưa có đủ cứ liệu để xác định người đầu tiên đưa ra sự thay đổi này nhưng cần ghi nhận sự thay đổi nhận thức này khởi đầu từ Đại Việt sử ký tiền biên thời Tây Sơn.
Sang thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú vẫn cho rằng Lê Hoàn “người ái Châu”[5]. Nhưng sau đó, từ quốc sử đến địa chí có một sự thay đổi căn bản trong nhận thức về quê hương Lê Hoàn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục là bộ quốc sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đó có lời chua ghi rõ “Lê Hoàn: người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm”[6]. Bộ địa chí lớn nhất là Đại Nam nhất thống chí biên soạn từ thời Tự Đức (1848-1883) và đến thời Duy Tân (1907-1916) được hoàn chỉnh và khắc in năm 1909. Trong Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Hà Nội (tỉnh Hà Nội lúc đó gồm cả Hà Nam), mục Lăng mộ chép “Mộ tổ của Lê Đại Hành ở bên miếu xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm” và dẫn lại ý kiến của Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án “Lê Đại Hành người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm” và ghi chú “Bảo Thái tức Ninh Thái”[7]. Tiếp đến mục Đền miếu lại chép “Miếu Lê Đại Hành: ở xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm” và ghi thêm “xã ứng Thiên thuộc huyện này và xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Oai cũng có miếu thờ”[8]. Như vậy các tác giả đã xác định xã Bảo Thái (Ninh Thái) có mộ tổ và miếu thờ của Lê Hoàn tức quê gốc của Lê Hoàn. Cũng Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Thanh Hóa, mục Đền miếu chép: “Miếu Lê Đại Hành hoàng đế: ở xã Trung Lập, huyện Thụy Nguyên, chỗ này là cơ chỉ cũ của tiên tổ nhà vua, có thuyết nói chỗ này là nhà cũ của Lê Đại Hành, sau nhân đấy lập miếu, nay vẫn còn bia đá”. Nhưng lại chép tiếp một đoạn nghi vấn: “Xét: Sử chép nhà vua người ái Châu, năm Lê Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), hàng huyện sai sửa lại đền, Thượng thư Nguyễn Thực nghĩ soạn văn bia, ví đất này như Chư – Phùng, chỗ sinh của vua Thuấn và Kỳ – Tân, chỗ sinh của Chu Văn Vương. Ngô [Thì] Sĩ lại nhận rằng Lê Đại Hành người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, không rõ họ Ngô căn cứ vào đâu?”[9]. Tuy vẫn còn nghi ngờ về căn cứ của ý kiến mới cho rằng quê hương Lê Hoàn là xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, nhưng Đại Nam nhất thống chí đã có sự phân biệt mộ tổ tiên của Lê Hoàn ở Bảo Thái, Thanh Liêm, Hà Nam và miếu Lê Đại Hành Hoàng đế ở Trung Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Nhìn lại lịch sử ghi chép quê hương của Lê Hoàn qua các bộ lịch sử và địa chí thì tựu trung có 3 ý kiến khác nhau: (1) ái Châu, (2) Trường Yên, (3) Bảo Thái, Thanh Liêm. Rõ ràng các tư liệu ghi chép không thống nhất về quê hương Lê Hoàn và từ đó, xuất hiện những quan niệm khác nhau của các học giả hiện nay là điều tất nhiên.
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, ngoại trừ Đại Việt sử lược chép quê hương Lê Hoàn ở Trường Châu, còn các bộ sử khác đều cho quê hương Lê Hoàn ở ái Châu tức Thanh Hóa. Từ cuối thế kỷ XVIII mới xuất hiện ý kiến cho rằng quê hương Lê Hoàn ở Bảo Thái, huyện Thanh Liêm. Sang thời Nguyễn, quê hương Lê Hoàn qui về hai nơi là Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và Trung Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nếu chỉ giới hạn trong tư liệu thư tịch thì rất khó, hầu như không thể xác minh được quê hương Lê Hoàn. Cơ sở để xác minh phải là các nguồn tư liệu khác ngoài các bộ chính sử và địa chí trên, đó là nguồn tư liệu địa phương tại các địa điểm, di tích liên quan đến quê hương Lê Hoàn. Hai địa bàn chủ yếu là Bảo Thái (Thanh Liêm, Hà Nam) và Trung Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ngoài kết quả khảo sát đã được công bố, rất may, tôi cũng có dịp về khảo sát cả hai nơi này.
Về di tích Lê Hoàn ở xã Trung Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, năm 1964 tôi và GS Phan Đại Doãn đã về khảo sát. Tại đây, có một đền thờ Lê Đại Hành khá khang trang và có một ngôi mộ gọi Lăng Hoàng khảo tức mộ cha Lê Hoàn nằm ở ngay sau đền, trong phạm vi của đền, cách chỉ có 700m và một ngôi mộ thư hai gọi là Lăng Quốc mẫu tức mộ mẹ Lê Hoàn, ở cách khoảng 2km, tại làng Yên Lạc, nay là xã Phú Yên. Trong đền có hai tấm bia quý. Một tấm bia khắc vào năm Hoàng Định thứ 2 (1602) và một tấm bia khắc vào năm Vĩnh Tộ 8 (1626). Hai tấm bia có niên đại thế kỷ 17, đều nói rằng Lê Đại Hành sinh ra ở làng Trung Lập. Tại đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc thời Lê Trung Hưng và 5 đạo sắc thời nhà Nguyễn[10]. Cụ từ và các cụ già còn cho chúng tôi biết trong đền còn có một số bảo vật thiêng không ai được xem. Mãi đến năm 2008, nhân dịp về Thanh Hóa chuẩn bị Hội thảo về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, tôi mới đề nghị lãnh đạo tỉnh trực tiếp giới thiệu tôi thăm lại đền Lê Đại Hành ở xã Trung Lập. Lần này các cụ giữ đền mới cho tôi xem xem bảo vật. Trước đây các cụ đặt trong một cái tráp bằng gỗ rất đẹp, sau không yên tâm mới bỏ tiền ra mua một cái két bằng sắt rất chắc chắn, khóa chặt lại và do một tổ gồm ba cụ phụ trách, không ai được xem cả. Khi mở két sắt phải làm lễ và phải có ba cụ chứng kiến. Quả thật đây là một số cổ vật rất quý, trong đó có những đồ sứ đời Tống, một số đồ chạm khắc bằng bạc khá cổ. Theo lời lưu truyền qua các thế hệ do các cụ kể lại thì đây là những di vật của Đại Hành Hoàng Đế. Đây là những cổ vật quý nếu có điều kiện cần được giám định về thể loại và niên đại một cách khoa học.
Qua những di tích, văn bia và truyền thuyết, có thể khẳng định xã Trung Lập là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn, nơi có lăng mộ của cha mẹ và nơi ông đã sinh ra.
Về làng Bảo Thái, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, tôi có một lần về khảo sát cùng với GS Vũ Minh Giang ngày 14-8-2016 và đọc nhiều báo cáo về các di tích, tư liệu liên quan đến Lê Hoàn. Thời Lê Trung hưng, làng Bảo Thái thuộc tổng Hương Ngãi, huyện Thanh Liêm, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Vì kiêng húy tên vợ chúa Trịnh Kiểm và mẹ chúa Trịnh Tùng là Từ Nghi thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo nên Bảo Thái đổi làm Ninh Thái. Nay Bảo Thái thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, có 4 thôn: Vực, Đò, Nhuế, Cõi[11].
Khi về đây khảo sát, thăm các di tích, nghe kể các truyền thuyết thì ấn tượng đầu tiên của tôi đây là một không gian đậm đặc thông tin về Lê Hoàn. Tôi nhấn mạnh là đậm đặc thông tin về Lê Hoàn. ở Thanh Hóa có đền miếu, có cổ vật nhưng di tích, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian không nhiều. Còn ở đây thì phải nói là dày đặc, đi đâu cũng nghe các cụ nói về Lê Đại Hành Hoàng Đế cùng với một hệ thống đền miếu, lăng mộ và cả một kho tàng truyền thuyết về Lê Hoàn. Tư liệu ở đây khá đa dạng, di tích nhiều, truyền thuyết dân gian phong phú và khá tập trung, khá thống nhất. Một kinh nghiệm điền dã của tôi khi thấy một vùng nào đó có một dấu tích đậm đặc về một sự kiện hay nhân vật ấy là phải đặc biệt quan tâm. Khi đi sâu vào khảo sát, nghiên cứu, thấy các thông tin có xu hướng thống nhất thì đó là cơ sở để có thể đưa ra những nhận xét, kết luận đáng tin cậy. Vùng Bảo Thái có một hệ thống di tích, tư liệu và truyền thuyết về Lê Hoàn vừa phong phú vừa khá thống nhất.
Khu di tích trung tâm có đền Lăng hay đền Hạ, khu Mả Dấu hay Lăng Hổ Táng. Đền Lăng nay ở thôn Cõi, xã Liêm Cần, thờ “tứ vị Hoàng đế” là Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều cùng “tam vị Đại vương” là Nguyễn Minh bạn chiến đấu của Lê Hoàn với vợ là Nhữ Hoàng Đê, Thiên Can đại vương. Đền Lăng ở chân núi Lăng, trước đây phía trên còn đền Thượng trên đỉnh núi thờ Đinh Tiên Hoàng, đền Trung ở giữa núi thờ Lê Hoàn, đều bị tàn phá trong chiến tranh. Mả Dấu hay Lăng Hổ Táng nằm trên gò đất cao bên núi Lăng. Đó chính là mộ tổ của Lê Hoàn đã được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí. Tại xã Liêm Cần và các xã Thanh Bình, Thanh Lưu lân cận còn nhiều di tích và địa danh liên quan đến quê hương tổ tiên và các hoạt động quân sự của Lê Hoàn.
Truyền thuyết thì khá dày đặc, không những lưu truyền trong nhân dân mà còn được phản ánh trong thần tích, ngọc phả[12], trong thơ văn. Đặc biệt từ các nguồn tư liệu lịch sử và dân gian, đã hình thành một bản trường ca về Lê Hoàn thường gọi là Sách Lê Vương hay Sách thiêng đời Lê Vương hay Hoàn Vương sự tích hay Hoàn Vương ca tích. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường cùng nhóm tác giả đã dày công sưu tầm và xuất bản bản trường ca đó với tên Hoàn Vương ca tích gồm 8.879 câu thơ lục bát[13].
Tổng hợp các tư liệu tại Bảo Thái, có thể nêu lên mấy thông tin sau đây:
1) Ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc, vốn người ở Trường Yên Thượng cùng vợ là Cao Thị Khương về lập nghiệp ở Bảo Thái. Tương truyền ông Lộc làm nghề đơm đó tức nghề bắt cá, nuôi một con hổ trông nom đó cá. Một hôm ông đi ăn giỗ, mặc áo quần khác nên đêm ra xem đó thì hổ tưởng người lạ đã vồ chết ông. Sau hổ nhận ra chủ, đã cõng ông lên ngọn đồi bên núi Lăng, rồi mối đùn thành mộ thiên táng[14]. Đó là Mả Dấu hay Lăng Hổ Táng, gần đây được xây dựng lại và khắc bài thơ Lê gia hổ tàng mộ của Lê Tung, bản chữ Hán và bản dịch vào hai phiến đá đặt trước mộ[15]. Lê Tung vốn tên là Dương Văn Bản được ban quốc tính vua Lê nên đổi thành Lê Tung, người làng An Cừ, xã Liêm Thuận gấn đó. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1484, làm quan đến Thượng thư Bộ Lễ, Đông Các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử giám Tế tửu tri Kinh diên sự, tước Đôn Thư bá. Ông đã từng biên soạn sách Việt giám thông khảo tổng luận in ở đầu bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư[16]. Ông là một nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà sử học nổi tiếng thời Lê sơ. Như vậy tổ tiên của Lê Hoàn có thể ngược lên đời ông nội là Lê Lộc, vốn gốc ở Trường Yên sau lập nghiệp và chết ở Bảo Thái. Tại đây còn lăng mộ (Mộ Dấu hay mộ Hổ táng), đền thờ cùng nhiều truyền thuyết và thơ văn cho phép xác nhận điều đó.
2) Con trai của Lê Lộc là Lê Hiền, vợ là Đặng Thị Khiết, sinh ra trên đất Bảo Thái. Chưa rõ vì lý do gì, ông bà đã chuyển cư vào Thanh Hóa. Tại quê hương mới ông bà sinh ra Lê Hoàn. Khi Lê Hoàn mới lớn lên, khoảng 7 tuổi, thì mẹ chết rồi sau đó ít lâu, cha cũng qua đời. Lê Hoàn nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng thông minh và được một viên Quan sát họ Lê ở ái Châu nhận làm con nuôi. Chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, chép “cha là Mịch, mẹ là Đặng thị”, được “viên quan sát họ Lê” “nhận làm con nuôi”. Chữ “Mịch” gồm chữ “bất” là không và chữ “kiến” là thấy. Chữ Mịch có nghĩa là tìm kiếm, khi ghi tên người là Mịch cũng có nghĩa là chưa biết, phải tìm kiếm. Những tư liệu ở Bảo Thái cho phép bổ sung vào chính sử, cha Lê Hoàn là tên Lê Hiền và vợ là Đặng Thị Khiết. Sau khi lên làm vua, Lê Hoàn đã phong cha làm Trường Hưng Vương, mẹ họ Đặng làm Hoàng Thái Hậu.
3) Lê Hoàn sinh ra và lớn lên trên đất Thanh Hóa. Từ đời cha đã chuyển vào Thanh Hóa, vì vậy tại xã Trung Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh đền thờ Lê Đại Hành còn có mộ cha (lăng Hoàng Khảo) và mộ mẹ (lăng Quốc Mẫu). Thanh Hóa (Ái Châu) là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn, nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhưng thời gian ông sống ở Thanh Hóa không nhiều, vừa lớn lên ông đã trở về quê ông nội ở Bảo Thái để gây dựng lực lượng, tham gia cuộc đấu tranh thống nhất sơn hà của Đinh Tiên Hoàng, rồi làm quan tại triều Đinh đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) lên đến chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội nhà Đinh. Từ năm 980 Lê Hoàn được quân sĩ và triều thần suy tôn làm Hoàng đế, sáng lập vương triều Tiền Lê (980-1005), tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư cho đến lúc mất. Vì vậy thời gian Lê Hoàn sống và hoạt động ở Thanh Hóa rất ngắn nên các di tích, truyền thuyết để lại không nhiều. Còn Bảo Thái và rộng ra huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bên bờ sông Đáy, vừa là quê hương ông nội, vừa là một địa bàn chiến lược trọng yếu. Vì vậy Lê Hoàn nhiều lần về đây không chỉ thăm quê tổ mà còn chiêu mộ lực lượng trong sự nghiệp dẹp Mười hai sứ quân do Đinh Tiên Hoàng lãnh đạo và cả trong kháng chiến chống Tống do chính ông lãnh đạo. Dấu ấn Lê Hoàn ở Bảo Thái và vùng phụ cận rất đậm và ăn sâu trong lòng dân.
Kết luận
Từ những thông tin trến đấy, đối chiếu với tư liệu trong sử sách, có thể rút ra những kết luận sau:
1. Sử sách chép Lê Hoàn người Trường Châu (Ninh Bình) hay ái Châu (Thanh Hóa) hay Bảo Thái (Hà Nam), mỗi ý kiến đều có những căn cứ nhất định, nhưng chỉ qui về một địa phương là không rõ ràng và xác đáng.
2. Qua hội thảo, có thể đi đếnkết luận rõ ràng:
2.1. Trường Châu (Ninh Bình) là nơi ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc cùng vợ là Cao Thị Khương đã từng sinh sống và từ đó chuyển đến Bảo Thái lập nghiệp. Không rõ quê gốc của Lê Lộc ở đâu, nhưng ông chỉ sống ở Trường Châu trong một thời gian ngắn.
2.2. Bảo Thái (Hà Nam) là quê hương của Lê Lộc, ông nội của Lê Hoàn. Tại đây Lê Lộc sinh ra Lê Hiền là cha của Lê Hoàn. Bảo Thái là quê hương hai đời (không trọn vẹn) của Lê Hoàn, có thể coi là quê tổ của Lê Hoàn. Đại Nam nhất thống chí cũng coi “mộ tổ của Lê Đại Hành” ở Bảo Thái.
2.3. Thanh Hóa (ái Châu) là nơi Lê Hoàn sinh ra. Lê Hiền và vợ là Đặng Thị Khiết chuyển vào Trung Lập, huyện Thọ Xuân, từ đây sinh ra Lê Hoàn, sau được viên Quán sát họ Lê nhận làm con nuôi. Đây là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn và quê hương của cha nuôi.
Theo tôi, đây là những kết luận có căn cứ khoa học và có sức thuyết phục cao. Trên cơ sở những nguồn tư liệu được sưu tầm và phân tích, đối chiếu, giám định, hội thảo “Lê Hoàn: quê hương và sự nghiệp” của chúng ta đã kết thúc được một cuộc thảo luận kéo dài nhiều thập kỷ, đi đến những kết luận được sự đồng thuận cao của những người tham dự. Đấy là thành công lớn nhất của hội thảo và cũng là đóng góp khoa học có nhiều ý nghĩa của hội thảo.
II. Công việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Lê Hoàn trên đất Hà Nam
Trong hội thảo chỉ có một báo về Qui hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích thời Lê Hoàn trên vùng đất Hà Nam của Tiến sĩ Trương Văn Quảng. Chúng ta dễ dàng thống nhất là trong việc xây dựng qui hoạch chung không nên bó hẹp trong phạm vi nhỏ của Bảo Thái thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, mà phải mở rộng tầm nhìn không chỉ trong phạm vi của tỉnh Hà Nam, mà trong một không gian rộng lớn hơn của cả vùng Hà Nội, trong đó Hà Nam là tỉnh cực Nam được coi như cửa ngỏ phía Nam của cả vùng. Di sản văn hóa Hà Nam chúng ta cũng không nhìn thuần túy ở các di tích cụ thể, từng di tích riêng lẻ mà phải nhìn nó trong một tổng thể bao gồm cả môi trường sinh thái, không gian lịch sử, trong đó các di tích đã từng tồn tại. Tôi nhất trí cần qui hoạch trên một tầm nhìn rộng lớn, có ý nghĩa lâu dài như vậy. Còn trong phạm vi tỉnh Hà Nam, chúng ta biết tỉnh cũng đã có quy hoạch bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong phạm vi của tỉnh. Vấn đề đặt ra trong hội thảo này là bàn thêm về các di tích Lê Hoàn.
Qua kinh nghiệm của nhiều vùng, nhiều tỉnh, trước hết lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh cần nhận rõ trách nhiệm, cần có nhận thức sâu sắc và có sự quan tâm thực sự đến việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa về Lê Hoàn. Trước hết là phải bảo tồn, đừng để di sản xuống cấp, đừng để di sản bị hủy hoại. Trong bảo tồn cần đặc biệt lo bảo tồn các yếu tố gốc của di sản. Trên cơ sở qui hoạch đã được xây dựng, cần có kế hoạch triển khai từng bước. Trong quan niệm vể di sản cũng cần thấy bao gồm cả di sản vật thể và di sản phi vật thể cùng mối quan hệ mật thiết giữ hai loại hình di sản đó. ở Bảo Thái, các di tích về Lê Hoàn về qui mô không lớn và gắn liền với mỗi di tích là Thần tích, Ngọc phả, hoành phi, câu đối, tác phẩm văn học liên quan và các các truyền thuyết dân gian. Cụm di tích Lê Hoàn ở Bảo Thái lại không thể tách rời với các di tích của các làng xã lân cận, cho đến cả di tích cả Tịch điền ở núi Đọi. Tất cả đều phải lập hồ sơ khoa học đầy đủ. Di tích Lê Hoàn ở Hà Nam lại có quan hệ với di tích Lê Hoàn ở các tỉnh khác, đặc biệt là với Thanh Hóa, Ninh Bình. Tôi hoan nghênh ý kiến phát biểu của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam là nên tổ chức buổi làm việc Thanh Hóa và Ninh Bình để cùng trao đổi tư liệu, thông tin và cùng bàn về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Lê Hoàn. Một số di tích hư hỏng hay xuống cấp nặng, cần có kế hoạch trùng tu, tôn tạo. Trên lĩnh vực này có thể xã hội hóa, chính quyền với nhân dân, các nhà hảo tâm cùng chung sức đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo. Về mặt này tôi cũng xin được chia sẻ một kinh nghiệm. Nhiều nơi công việc xã hội hóa đã từng dẫn đến việc trùng tu không tuân thủ luật Di sản văn hóa, có nơi gần như phá dở di tích rồi xây dựng lại một kiến trúc hoàn toàn mới, các yếu tố gốc và kiểu dáng của di tích hoàn toàn bị hủy hoại. Cách trùng tu đó thực chất là phá hủy di tích, cần phải được loại trừ.
Cùng với bảo tồn là công việc phát huy giá trị. Yêu cầu phát huy trước hết công tác tuyên truyền quảng bá, làm thế nào để cộng đồng cư dân, nhất là lớp trẻ, hiểu biết sâu sắc về giá trị của di sản, tự hào với quê hương và tự có trách nhiệm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị. Con người và sự nghiệp của Lê Hoàn cần được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn thành sách hay tư liệu đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Trên cơ sở bảo tồn tốt, di sản về Lê Hoàn cũng như di sản lịch sử, văn hóa của tỉnh là một tài nguyên du lịch trong kinh tế du lịch của tỉnh. Khai thác du lịch cũng cần có kế hoạch, cần liên kết với các khu di tích khác, xây dựng tour du lịch, sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách.
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị, hội thảo chỉ trao đổi trên một số quan điểm và yêu cầu chung. Nếu thấy cần thiết tỉnh có thể tổ chức thành một hội nghị chuyên đề.
Xung quanh vấn đề quê hương và sự nghiệp Lê Hoàn, tất nhiên còn một số vấn đề mà hội thảo hôm nay không đi sâu và về mặt nghiên cứu cần tiếp tục phát hiện và thu thập thêm tư liệu. Trên yêu cầu chủ yếu, hội thảo đã phác họa được một bức tranh toàn cảnh về con người và sự nghiệp Lê Hoàn, đóng góp nhiều tư liệu và nhận thức về vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn trong lịch sử dân tộc. Thành tựu và đóng góp lớn nhất là đã xác định rõ ràng quê hương của Lê Hoàn với những cứ liệu khoa học đáng tin cậy, chấm dứt tình trạng thảo luận kéo dài đã nhiều thập kỷ.
__________
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Q.1-13a, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, T.1, tr. 220.
[2] Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch, Nxb Lao động, Hà Nôi 2009, tr. 213.
[3] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch Nxb Thanh niên, Hà Nội 2001, tr. 107.
[4] Đại Việt sử ký tiền biên, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr. 166.
[5] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội 1960, T. 1, tr. 158.
[6] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q. 1-5a, bản dịch Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998, T.1, tr. 239.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, T.3, tr. 195.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, T. 3, tr. 196.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, T. 2, tr. 251-552.
[10] Phạm Tấn, Phạm Tuấn, Hoàng Tuấn Phổ, Địa chí huyện Thọ Xuân, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2005, xác định đền mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ VII; bia năm Vĩnh Tộ 8 (1626) cao 1,65m, rộng 0,84m, dày 0,29m, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Thực soạn, nói về quê hương, thân thế và việc xây đền; bia năm năm Hoằng Định 2 (1602) cao 1,10m, văn bia do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn, nói về thể lệ ruộng đất thờ cúng. Trong đền ngoài các đạo sắc, còn có 5 lệnh chỉ về ruộng đất của các chúa Trịnh (tr. 639).
[11] Xã Liêm Cần ngoài 4 thôn của Bảo Thái còn hợp nhất với xã Động Xá có 5 thôn: Nhất, Nhì, Tam, Từ, Ngũ, thành 9 thôn.
[12] Đền Lăng và Đình Yến lưu giữ 2 ngọc phả: Đinh Tiên Hoàng Đế ngọc phả lục và Tiền Lê tam vị hoàng đế.
[13] Bùi Văn Cường chủ biên, Hoàn Vương ca tích, Nxb Lao động, Hà Nội 2011.
[14] Tôi xin lưu ý là trước đây khi về khảo sát quê hương Nguyễn Xý ở Nghệ An, cũng bắt gặp một truyền thuyết về hổ táng giống hệt như câu chuyện về Lê Lộc[14]. Hai truyền thuyết cách xa nhau về không gian (Nghệ An và Hà Nam) và thời gian (thế kỷ X và XV) mà tại sao lại giống nhan đến như thế? Xem: Phan Huy Lê, Nguyễn Xý (1397-1465), trong Tìm về cội nguồn, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 987-988; Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình, Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Nghệ An 1993, tr.5-6.
[15] Bài thơ Lê gia hổ táng mộ Mộ hổ tàng nhà họ Lê
Thiên lý giang hồ, đáo thử hương, Giang hồ ngàn dặm đến nơi đây,
Lâm trung ẩn ước bích viên tường. Tường rêu thấp thoáng dưới bóng cây.
Công ngư tầm thực Bông sơn giản. Khe nước núi Bông đi đổ đó.
Hổ táng phong trung địa linh cương, Táng trên non bắc hổ đem thây,
Hậu phát cát tường vi tường súy. Điềm lành sinh cháu thành hổ tướng.
Kế vi hòang đế hiển thần phương. Xưng bậc đế vương trị quốc hay.
Tứ quan bất kiến hà cao luận, Ngẫm xem bốn mặt thiếu cao dày,
Tam đại di truyền cổ thuyết chương. Sách nói ba đời còn rõ nét.
[16] Lê Tung, Việt giám thông khảo tổng luận, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển thủ, 1a-21b, bản dịch, Sđd, T.1, tr. 117-130.
Trích dẫn từ: https://hanam.gov.vn/
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)