Quốc tổ Hùng Vương trong tâm thức và hành xử của người Việt
KING HUNG IN THE MIND AND BEHAVIOR OF
VIETNAMESE PEOPLE
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
TÓM TẮT
Thật hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại có chung một ngôi đền thờ Tổ và hằng năm cả dân tộc đều hành hương về ngôi Đền Tổ ấy để tưởng nhớ Tổ tiên mình (các vua Hùng) như Việt Nam ta. Nếu như phong tục hành hương về cội nguồn của nhiều dân tộc trên thế giới thường mang tính tôn giáo (như người theo đạo Phật tìm đến Tây Trúc, Người theo đạo Cơ đốc Giáo tìm về Jerusalem, Người theo đạo Hồi tìm về Mecca…) thì đây, người Việt hằng năm lại hành hương về đất Tổ với tấm lòng thờ phụng Tổ tiên. Từ một nhân vật huyền thoại, Hùng Vương đã trở thành một nhân vật lịch sử, thành Quốc tổ. Đó là cả hành trình đi tìm cội nguồn của dân tộc Việt. Và trên hành trình đó, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Quốc tổ Hùng Vương trong tâm thức và hành xử của người Việt ngày càng hiện lên đậm nét..
Từ khóa: Quốc tổ Hùng Vương, thờ phụng Tổ tiên, cội nguồn, tâm thức, hành xử.
ABSTRACT
It is very hard to find the same country in the world having a common ancestor temple as Vietnam and every year the whole nation makes a pilgrimage to this common ancestor temple to pay tribute to the ancestor (Hung kings) . If the customary pilgrimage to the origin in many nations around the world is often associated with religion (For example, Buddhists try to get to India, Christians wish to find Jerusalem, Muslims desire to find the Mecca…), every year the Vietnamese go on a pilgrimage to the ancestral land with the heart of ancestral worship. From a legendary figure, King Hung became a historical figure, a national ancestor. It is the journey to find the origin of Vietnamese people. And on that journey, through many events, ups and downs of history, King Hung in the mind and behavior of Vietnamese people appear increasingly bold.
Key words: King Hung, ancestral worship, origin, mind, behavior.
x
x x
1.
Quốc tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt: từ vô thức đến hữu thức Qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước, chúng ta biết rằng danh xưng Hùng Vương xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ V trong cuốn Nam Việt Chí1. Cũng trong thế kỷ này, cuốn Giao châu ngoại vực ký và Quảng Châu ký có ghi chép về nhân vật trước vua Thục với danh xưng là Lạc Hầu, Lạc Vương, Lạc Tướng. Dù có nhiều cách gọi khác nhau như vậy (Hùng Vương hay Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng) nhưng thật ra đều nhằm chỉ người đứng đầu tổ chức xã hội ở khu vực nước ta đương thời. Trong khi đó, thư tịch Việt nhắc đến danh xưng Hùng Vương sớm nhất là Việt điện u linh tập (VĐULT – ra đời năm 1329). Trong truyện thần Tản Viên của VĐULT có nhắc đến Hùng Vương với tư cách là một ông vua có “đất rộng, dân đông”. Tuy nhiên, Hùng Vương lúc này chỉ là cái bóng mờ nhạt, xuất hiện nhằm làm nổi bật thần thông của ông thần núi Tản Viên mà thôi. Hơn thế, theo VĐULT, Hùng Vương lúc này chưa được phong thần, chưa trở thành đối tượng thờ cúng. Bởi thế mà trong lần phong thần năm 1285 do VĐULT ghi lại thi họ Trần chỉ phong thần cho Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Hậu Lý Nam Đế, Sơn Tinh mà không hề nhắc gì tới Hùng Vương.
Đến thời Lê Sơ ở thế kỷ XV thì truyện tích Hùng Vương đã bắt đầu có sự bộc phát lan tràn và hội tụ trong nhiều tác phẩm mà còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Trong đó, chúng ta phải kể đến Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) của Vũ Quỳnh và Kiều Phú2 được xem là tập hợp những truyện tích về ông vua cổ thời xa xưa, góp phần mang lại bộ mặt mới cho nhân vật Hùng Vương. Đáng chú ý là trong tập hợp các truyện tích xa xưa ấy, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã đặt truyện Hồng Bàng lên đầu sách. Phải chăng các tác giả của LNCQ muốn thông qua đó để giải thích nguồn gốc dân tộc và sử dụng truyện tích ấy như chiếc cầu nối hư ảo với thực tế, nối huyền thoại với lịch sử Việt cổ xa xưa? Và trong khi danh xưng Hùng Vương được xen vào một cách không cần nguyên cớ gốc gác gì3 trong hầu hết các truyện tích ở LNCQ thì trong truyện Kim Quy4, Hùng Vương được hiện ra khá rõ nét thông qua mối liên hệ với An Dương Vương. Theo LNCQ, An Dương Vương không xây được thành là bởi “tinh khí núi sông này có con vua trước nhập vào để báo thù” [8; tr.25]. Rõ ràng qua đây, nhân vật Hùng Vương dần “thoát khỏi cái vỏ thần thoại của truyện Hồng Bàng, trở thành cội rễ bám chắc trong trí người đọc, củng cố cái chân lý của lý trí, biểu hiện qua bằng cớ sách vở mới” [8; tr.25]. Tuy nhiên ý niệm “quái” của LNCQ vẫn khiến cho nhân vật Hùng Vương còn mang đậm màu sắc hư ảo.
Phải đến Hồ Tông Thốc5 với tác phẩm Việt sử lược, Hùng Vương mới được chính thức đưa vào chính sử với tư cách là người mở nước, dựng nhà. Theo Phan Huy Chú thì sách này có quyển I chép thế phổ 18 đời Hùng Vương, quyển II chép về nhà Triệu [1; tr.22]. Việc xếp Hùng Vương có trước nhà Triệu, việc nêu lên con số 18 đời Hùng Vương một cách rành rẽ như vậy trong tác phẩm Việt sử lược chứng tỏ cho chúng ta thấy bước tiến rõ nét trong nhận thức về Hùng Vương – người đã có công tạo dựng nên đất nước.
Tiếp nối Hồ Tông Thốc, ý niệm về sự tồn tại của vua Hùng – ông vua mở nước ngày càng vững chắc trong tâm thức của vua quan và dân chúng thời Lê sơ. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông chính thức cho quan chức lập ngọc phả của Hùng Vương, vị “thánh vương ngàn đời” của đất Việt. Từ đây, Hùng Vương có tông phả ở thế gian và trở thành đại diện cho quốc thống với tư cách là Thánh tổ, được chính quyền trung ương chính thức công nhận. Và đúng như trong lời tựa năm 1479 khi tường trình công việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã khẳng định sự hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để đưa họ Hồng Bàng vào chính sử “vượt được sự tự ti trước kia từ một quan niệm chia xẻ văn hóa có thứ bậc đến sự chấp nhận văn hóa ngang hàng mà vị hoàng đế phải dùng lời lẽ nặng nề với viên sứ thần mới thay đổi được” [8, tr.25]. Như vậy, từ đây Quốc tổ Hùng Vương đã đi vào sử nhà nước, chính sử, và trở thành một phần của sử Việt.
2. Quốc tổ Hùng Vương trong cách hành xử của người Việt qua các thời kỳ lịch sử
Cùng với sự phát triển không ngừng trong nhận thức của người Việt về Quốc tổ Hùng Vương là sự thay đổi trong cách hành xử của người Việt theo hướng tích cực nhằm tôn vinh vai trò của các vua Hùng – những người đã có công dựng nước, lập nhà trong buổi đầu lịch sử.
Chúng ta biết rằng, trong tư duy tôn giáo Việt cổ còn đọng lại tín ngưỡng vật tổ có từ rất xa xưa, thuở con người còn chưa đủ sức mạnh tách ra khỏi giới thực vật và động vật để ngự trị nó. Do vậy, có hiện tượng những thị tộc, bộ lạc người Việt cổ xem một động vật hay thực vật nào đó là tổ tiên của mình và thờ phụng chúng. Tín ngưỡng tô tem đã ra đời và tồn tại trong hoàn cảnh đó. Đến khi người Việt cổ chuyển từ kinh tế chiếm đoạt sang kinh tế trồng trọt và chăn nuôi thì họ có khả năng nhận thức sâu sắc hơn tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Từ đây, niềm tin vào nhiên thần vốn có trước đó chuyển sang nhân thần và tín ngưỡng tô tem cũng phai nhạt dần để nhường chỗ cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Vị nhân thần tức vị thần – người lớn nhất bấy giờ hiển nhiên sẽ là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và các tộc người của nước Văn Lang: vua Hùng. Việc sùng bái vị thủ lĩnh đã có công thành lập ra liên minh bộ lạc, hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên này trong buổi xa xưa ấy đã khơi nguồn cho truyền thống đẹp nhất của dân tộc Việt: truyển thống tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Theo truyền thuyết lịch sử kể lại, Thục Phán – vị vua dựng nên nước Âu Lạc, tiếp sau nước Văn Lang của các vua Hùng – đã dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh và nguyện sẽ nối nghiệp các vua Hùng xây dựng, bảo vệ giang san, Tổ quốc. Cũng theo truyền thuyết ghi chép lại, vào những năm 40 đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng khi dấy binh khởi nghĩa đã nguyện thề trước các bậc tiền bối linh thiêng rằng:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đưa lại nghiệp xưa họ Hùng”
Ắt hẳn trong những lời thề nguyền đó đã chứa đựng yếu tố tín ngưỡng linh thiêng về sự biết ơn với các vua Hùng – những người đã có công dựng nước, lập nhà và cũng hàm chứa trong đó cả niềm mong mỏi về sự phù trợ, che chở của các vua Hùng – tổ tiên của cả dân tộc.
Tuy Hùng Vương sớm trở thành vị thần – người lớn nhất được nhân dân sùng bái từ rất lâu như vậy, song việc thờ cúng vua Hùng chỉ được nhà nước chính thức khẳng định vào cuối thế kỷ XV dưới triều vua Lê Thánh Tông. Vậy là ký ức của tập thể nhân dân về người cầm đầu một vùng đất, một giang sơn riêng trước thời ngoại quốc đã được chính thức hóa dưới thời Lê Thánh Tông khi nhu cầu tự khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát về một quốc gia độc lập, tự chủ được đặt ra. Hay nói cách khác việc chính thức thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương thời bấy giờ của nhà nước chính là sự hiện thực hóa rõ nét nhất cho tính độc lập, tự chủ của quốc gia và cho cội nguồn của dân tộc.
Với vua Lê Thánh Tông, một khi đất nước là của vua6 thì ông vua có công mở nước tức vua Hùng phải được tôn trọng, đề cao. Bởi thế, Lê Thánh Tông đã đặt việc thờ cúng những ông vua dựng nước thành việc hệ trọng của quốc gia và xem đó là nền tảng cho uy quyền của các vương triều trên đất Việt sau này. Năm 1470, Lê Thánh Tông đã cho lập ngọc phả Hùng Vương “vị thánh ngàn đời của cả nước”. Từ đấy, các vua Hùng đã có tông phả ở thế gian để những năm về sau triều đình phong kiến dùng làm biểu tượng tế trời. Từ đó cho đến vương triều Nguyễn, cùng với việc tôn vinh Nho giáo làm quốc đạo thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó thờ cúng tổ tiên của cả nước là các vua Hùng ngày càng được đề cao. Chính triều Nguyễn đã từng nói rằng: “Thờ cha mẹ, tổ tiên chẳng ra gì, ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua để đâu, dẫu không cúng Phật cũng chẳng sao”[3, tr.289]. Qua sự phê phán Phật giáo – một tôn giáo vào nước ta tự lâu đời và là một tôn giáo “được lòng dân nhất”, triều Nguyễn muốn tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó có thờ Quốc tổ Hùng Vương và xem nó như là phương tiện củng cố vương quyền tập trung của triều đại mình.
Theo Hùng Vương và lễ hội đền Hùng [5] của tác giả Ngô Văn Phú, dưới thời phong kiến ở nước ta, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện qua đậm nét qua lễ hội đền Hùng đã quy tụ sự tham gia của nhân dân cả nước, kéo dài từ mồng 7, mồng 8 tới 16, 17 tháng 3 âm lịch. Xét về cấp độ, việc cúng giỗ vua Hùng do 3 cấp tiến hành: cấp nhà nước phong kiến, cấp làng xã sở tại và từng cá nhân riêng lẻ. Riêng nhà nước phong kiến thì tiến hành quốc lễ vào ngày 12/3 âm lịch là ngày giỗ tổ Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương). Lễ này cứ 5 năm tổ chức một lần vào các năm chẵn. Vào những năm ấy, ngay từ tháng giêng, triều đình đã cho treo lá cờ thần trên đỉnh núi Nõn báo cho đồng bào gần xa biết. Phẩm vật tế lễ do dân Trung Nghĩa (Hy Cương, Chu Hóa) phải lo, gọi là “dân trường tạo lệ”. Bù lại nhà nước miễn cho họ khoản sưu thuế phu phen. Sau khi đã tiến hành quốc lễ thì các làng xã xung quanh đền Hùng lần lượt tế lễ. Có thể nói, chính cuộc hành lễ của các làng xã đã tạo nên sự xúc động tâm linh mạnh mẽ trên cuộc hành hương hướng về nguồn cội. Đó là chưa kể hàng loạt hoạt động Hội diễn ra cả ngày lẫn đêm, bao gồm các trò chơi, văn nghệ chèo, tuồng… làm nên không khí cởi mở, vui tươi cho lễ hội đền Hùng xưa bên cạnh tính trang nghiêm, thiêng liêng của các hoạt động lễ nghi.
Đến thời Nguyễn, nhà Nguyễn đã quyết định lấy ngày 10 tháng 3 làm ngày triều đình tế lễ các vua Hùng, sau đó để làng xã tế lễ. Từ đấy, ngày 10 tháng 3 hàng năm trở thành ngày giỗ Tổ của cả nước ta. Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, cứ đến ngày này hằng năm, người Việt Nam ta dù sống ở bất cứ phương trời nào đều hướng về quê cha đất tổ. Nhiều người không tiếc tiền của, chẳng ngại xa xôi vất vả đã hành hương về đền Hùng thắp nén hương thành kính tưởng nhớ Quốc tổ Hùng Vương, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức con người Việt và hóa thân thành linh hồn dân tộc Việt. Tất cả những hoạt động lễ hội đã nêu trên chính là biểu hiện rõ nét cho tín ngưỡng thiêng liêng này.
Dường như sự uy nghi và sức cuốn hút mạnh mẽ của lễ hội đền Hùng khiến mỗi người dân Việt sau những lễ dâng hương thành kính ở nơi đây càng khắc sâu thêm ý thức về quốc Tổ, về đất Tổ và cội nguồn dân tộc. Tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương theo đó sẽ sống mãi trong tâm thức và hành xử của mỗi người dân Việt Nam trên suốt hành trình trở về nguồn cội…
___________
1 Tác phẩm Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn – đã làm quan ở Nam Hải vào khoảng năm 453, 456.
2 Một số nhà nghiên cứu, căn cứ vào hai bài Tựa của Vũ Quỳnh và Kiều Phú chép trong một vài bản của bộ sách đó, cho rằng có thể Trần Thế Pháp là tác giả nhưng những bản Lĩnh Nam chích quái lưu truyền đến hiện nay đều là bản biên soạn lại của Vũ Quỳnh và Kiều Phú.
3 Tác giả Lĩnh Nam chích quái đã có ý thức rằng những truyền thuyết nào cổ nhất thì phải mở đầu bằng mấy chữ: “Về thời Hùng Vương thứ…”. “Thứ 3”, “Thứ 6”, “Thứ 18” là thường được nói đến.
4 Truyện Kim Quy là một trong những truyện tích tiêu biểu thuộc Lĩnh Nam Chích Quái.
5 Hiện diện năm 1372 với chức Hàn Lâm Viện học sĩ.
6 Quan niệm: đất nước là của vua của vua Lê Thánh Tông thể hiện sự ảnh hưởng rõ nét của Nho giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, Nxb Sử học, Hà Nội .
[2] Lê Văn Hảo (1982), Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, Nxb Sử học, Hà Nội.
[4] Nguyễn Đức Lữ (Chủ biên) (2007), Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
[5] Ngô Văn Phú (1996), Hùng Vương và lễ hội đền Hùng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[6] Nhiều tác giả (1970), Hùng Vương dựng nước, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Nhiều tác giả (1974), Hùng Vương dựng nước, tập IV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8] Tạp chí xưa và nay (2005), số 241.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục, tập 2, số 2 (2012)
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quốc tổ Hùng Vương trong tâm thức và hành xử của người Việt (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh) |