Quỹ di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội (Phần 2)
Tác giả bài viết: Tiến sĩ TẠ HOÀNG VÂN
(Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn)
3 . Tạo lập những giá trị kiến trúc đặc trưng trong lòng đô thị
Thực tiễn và những công trình hiện đang song hành với sự phát triển của xã hội chứng minh kiến trúc Pháp đã tạo nên dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng mạnh mẽ đến bộ mặt đô thị của Hà Nội. Từ cưỡng bức, cộng sinh, chuyển hóa, kiến trúc Pháp đã dần khai thác những yếu tố kiến trúc phù hợp tự nhiên và đặc điểm nhân văn của Hà Nội… Ở mỗi công trình kiến trúc Pháp, có thể nhận thấy đầy đủ tư duy phân tích của phương Tây, tư duy dung hòa, tổng hợp của phương Đông… hiện diện trong ngôn ngữ, đường nét kiến trúc qua mỗi giai đoạn phát triển. Giá trị lịch sử nổi bật nhất của kiến trúc Pháp ở Hà Nội là đã tạo lập một quỹ di sản kiến trúc đô thị; là bài học cho kiến trúc Việt Nam tiếp cận với kiến trúc phương Tây trong xu thế hội nhập hiện nay.
Bằng những hiểu biết, kinh nghiệm về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng; các kiến trúc sư thổi làn gió mới vào kiến trúc truyền thống ở Hà Nội và đã thu được khá nhiều thành công.
a. Giá trị kiến trúc và mỹ thuật
Người Pháp lúc đầu đã mang vào Việt Nam những kiểu mẫu kiến trúc Châu Âu xa lạ với truyền thống của người Việt, thế hiện cả trong quy hoạch đô thị và xây dựng công trình kiến trúc. Kiến trúc Pháp dần khẳng định các giá trị của mình bằng sự chiếm lĩnh những không gian đô thị lớn, thiết lập hệ thống quy hoạch phố xá kiểu Châu Âu. Không gian giữa khu phố cổ và khu phố cũ được chuyển hóa bằng việc đan xen các công trình kiến trúc và quảng trường lớn tại các nút giao thông. Các loại hình kiến trúc mới được tìm tòi; các giải pháp kiến trúc được tạo lập, cùng với ngôn ngữ kiến trúc biểu hiện đã cho thấy sự tiếp cận với mỏi trường tự nhiên và xã hội bản địa. Kết quả là sự ra đời các sản phẩm và một nển kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam (Hình 14).
Bên cạnh loại hình kiến trúc tôn giáo và nhà ở truyền thống, các loại hình kiến trúc mới trở nên phổ biến như: công trình quân sự, công trình công sở, nhà hành chính và dinh thự, các sở văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế; công trình giao thông; công trình thương mại, hiệu buôn; công trình công nghiệp. Riêng với kiến trúc tôn giáo, các chi tiết kiến trúc Đông Tây được thể hiện rất sâu sắc và lựa chọn rất hài hòa (Ile de France 2009).
Như đã nói ở trên, người Pháp mang kiến trúc vào Việt Nam trước hết là thông qua con đường tôn giáo. Các nhà thờ được xây dựng sử dụng các chi tiết kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Ví dụ nổi bật là nhà thờ lớn Hà Nội hay Nhà thờ Chính tòa (phố Nhà Chung) do hai đức Giám mục Puginier và Phúc xây dựng (1882 -1886 ). Nhà thờ dài 55m, rộng 20m ; cao 20m . Nhà thờ nổi tiếng về những bức tranh kính màu, bên trong kết cấu gạch; gỗ với bộ vì kiểu chông rường trên nóc nhà thờ.
Một công trình tiêu biểu khác nổi bật phong cách kiến trúc Á Âu là nhà thờ Cửa Bắc do kiến trúc sư Hébrarđ thiết kế, xây dựng từ năm 1927, khánh thành 1/2/1931 . Nhà thờ có nhiều tầng mái, lớp mái không đều nhau mô phỏng bộ mái nhà truyền thống vùng Bắc Bộ. Trần nhà được làm bằng nan tre đan với nhau như thuyền nan. Công trình hòa minh vào không gian kiến trúc: xung quanh nhưng đồng thời lại là điểm nổi bật của không gian này (Hình 7).
Xu hướng tìm tòi bản sắc riêng trong kiến trúc Pháp ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung về sau càng trở nên chủ đạo trong các công trình kiến trúc của các kiến trúc sư người Pháp và sinh viên Việt Nam được đào tạo ở trường Cao đằng Mỹ thuật Đông Dương.
Kiến trúc Pháp với đường nét phân vị theo sự chuẩn mực của kiến trúc cổ điển châu Âu đã được Á Đông hoá bằng cách đưa các chi tiết kiến trúc truyền thống bản địa lên trên các thân tường, lớp mái dốc, hiên. Thêm vào đó sự sáng tạo về bố cục và chi tiết cửa, hành lang, các chi tiết cột, lan can, con tiện… đã tạo cho công trình gần với dáng dấp của kiến trúc châu Á (Hình 8). Các công trình đưực nghiên cứu tỉ mỉ về tỷ lệ giữa cấu kiện với
khối lớn của công trình. Phong cách kiến trúc đa dạng, góp phần tạo nên những kiểu thức hoàn mỹ và sắc thái riêng biệt của nghệ thuật tạo hình kiến trúc Pháp ở Việt Nam.
Có hai hình thức tổ chức mặt tiền phổ biến là: kiến trúc nhà ở có tường hoa chắn mái và kiến trúc nhà có conson đỡ mái. Chi tiết trang trí trên mặt tiền công trình (tường; lan can, conson, đấu hồi, mái…) được đặc biệt chú trọng vể tỷ lệ, màu sắc Á Đông, thay cho các chi tiết châu Âu, khá phù hợp với phong cách kiến trúc cổ điển. Chi tiết kiến trúc hiện còn sót lại khá nhiều của các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội là bộ mái, hệ thống conson, trang trí đầu hồi… đặc biệt là tường rào thể hiện ranh giới giữa các công trình, mặt phố… bằng nghệ thuật uốn hoa sắt – một kỹ thuật mới ở Việt Nam khi đó.
Các để tài trang trí chủ yếu có nguồn gốc mỹ thuật Việt Nam và các nước trong khu vực cũng được biến tấu, để có bố cục và trang trí đẹp, hài hoà. Một số mô típ giữ nguyên gốc theo đề tài Á Đông dùng chủ yếu cho các nhà ở, biệt thự. Trong khi đó ở nhiều công trình công cộng, cả hai chi tiết kiến trúc Âu – Á được phối hợp sử dụng.
Nhiều công trình với những giải pháp về không gian mặt bằng, quy mô và kiểu thức kiến trúc đa dạng… vừa phản ánh những nhu cầu sử dụng khác nhau của xã hội, vừa phản ánh những quan điểm thẩm mỹ của từng thời kỳ, tạo nên sự đột phá về ngôn ngữ kiến trúc. Trên cơ sở đó, tạo ra một mô hình kiến trúc phương Tây kết hợp những giá trị thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông, đặc biệt là thích nghi với môi trường tự nhiên Việt Nam. Các công trình kiến trúc này đều đạt hiệu quả tốt trong tổng thể quy hoạch không gian vùng Hà Nội (Hình 9)3.
Thành công lớn nhất của người Pháp khi xây dựng khu phố Pháp là sự kết hợp song hành giữa kiến trúc công trình và quy hoạch không gian đô thị. Khu phố được quy hoạch theo nguyên tắc của một thành phố vườn.
Đầu thế kỷ XX, khu vực phía nam Hồ Gươm được chú trọng xây dựng hệ thống đường theo mạng ô cờ, được quy hoạch và trang bị kỹ thuật đô thị tạo nên những ô phố vuông vắn. Trên những ô phố, chia thành các khu nhỏ để xây dựng biệt thự độc lập, có vườn riêng. Trên nguyên tắc quy hoạch và kiến trúc đó, khu vực người Pháp xây dựng trên khu thành cũ Hà Nội đã khá hoàn thiện. Vào năm 1904; tổng diện tích thành phố là 950ha, trong đó “khu vực nhà ở (người Pháp và người Việt) chiếm 528 ha, khu quận sự 76ha, khu hành chính gần 37ha, đường phố 114ha” (Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông 1995:70). Vậy là sau 30 năm xây dựng; người Pháp đã có một khu vực dành riêng cho người Pháp và theo kiểu Pháp.
Quy hoạch kiểu ô bàn cờ với những trang trí hình học mang tính thực dụng cao. Các công trình xây dựng theo tỷ lệ chuẩn mực của Châu Âu, có sử dụng nhiều thủ pháp và vật liệu của người Á Đông. Sự kết hợp giữa các không gian mở gồm quảng trường; vườn cây, hồ nước… tạo sự liên hoàn với hệ thống không gian lưu thông (các đại lộ) đã hình thành một cảnh quan đô thị có tầm nhìn rộng, đồng thời tăng thêm khả năng thông thoáng của môi trường đô thị. Với những yêu tố đó; khu vực phố cũ tái hiện rõ ràng nhất sự chuyển biến hình thái đô thị truyền thống sang hình thái đô thị phương Tây, mà trường hợp Hà Nội là một minh chứng sống động thông qua các yếu tố văn hoá; dân cư, ngôn ngữ kiến trúc.v.v, dựa trên các nhân tố tự nhiên, địa hình, địa mạo…
“Khu phố Tây” được hình thành như vậy và được gọi như vậy để phân biệt với khu phố truyền thống 36 phố phường cạnh đó. Đó là một trường hợp đặc biệt trong cấu trúc hình thái đô thị Hà Nội; biểu hiện bản sắc văn hóa của một đô thị có lịch sử lâu dài và liên tục. Những năm cuối thế kỷ XX, diện tích khu phố Pháp được khoanh vùng hẹp hơn (thuộc phạm vi quận Hoàn Kiếm – Hà Nội cũ), có diện tích 210ha, nằm chủ yếu ở phía nam hồ Hoàn Kiếm với bốn tuyến đường chính như đã nêu. Trong bài viết này; tác giả để cập đến khu phố Pháp với phạm vi rộng hơn trong tương quan với thủ đô Hà Nội mở rộng. Từ đó, có thể khái quát và đánh giá vai trò; giá trị của quỹ kiến trúc Pháp ở Hà Nội.
Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc Pháp không chỉ ở sự biến tấu đa dạng của đường nét kiến trúc của mỗi phong cách mà còn ở chỗ nó luôn thể hiện được những giá trị tinh thần và không bao giờ tách khỏi giá trị tâm linh. Khi nghiên cứu về không gian hồ Hoàn Kiếm, có thể nhận thấy các di tích tập trung quanh hồ thể hiện sự chuyển biến về phong cách kiến trúc rất rõ (theo trục thời gian, không gian và trục giao thông bắc nam ..). Riêng ở khu vực này đã tập trung thể hiện rất rõ tinh thần của kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Đó là quy hoạch có ý đồ và định hướng lớn của người Pháp.
Khu vực Hồ Gươm được chia thành các vùng nhỏ (Ảnh 3 )4
Bắc: Khu phố cổ – không gian Việt/không gian truyền thống
Đông: Khu phố Pháp – phong cách kiến trúc Pháp
Nam: Khu phố có nghề truyền thống
Tây Nam – Đông bắc: Khu phố mới phát triển (nằm xen kẽ)
Các hệ quỵ chiếu tâm linh (Ảnh 4)
Công trình chính/Quảng trường lớn: Nhà thờ lớn, Ngân hàng Nhà nước, Nhà Hát lớn
Công trình Tôn giáo: Đình Phù Ủng – Đình Trúc Lâm – Đình Vũ Thạch
Đền bà Kiệu – Đền Ngọc Sơn – Đền Vũ Thạch
Chùa Phù Ủng – Chùa Bà Đá – Chùa Vũ Thạch
Tháp Rùa – Tháp Bút – Tháp Hoà Phong
Tượng Đức Mẹ – Tượng vua Lê -Tượng Vua Lý Thái Tổ
Khu vực/tuyến đường: thuần Việt – Pháp Việt – Không gian kiến trúc mới
Đến nay, kiến trúc Pháp ở Hà Nội vẫn giữ vai trò trung tâm và là điểm nhấn trong tổng quan đô thị.
b. Giá trị kỹ thuật xây dựng
Yếu tố khiến cho công trình kiến trúc Pháp tạo lập được giá trị bền vững tại các đô thị ở Việt Nam chính là việc xử lý công trình phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam và xây dựng những nền tảng trong quy hoạch đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị đương thời.
Vào thời kỳ này, kỹ thuật lắp dựng công trình truyền thống Việt Nam được kết hợp với kỹ thuật tính toán khoa học thích ứng với loại vật liệu xây dựng và thiết kế công trình trước khi xây dựng. Lần đầu tiên, các công trình xây dựng có bản vẽ kỹ thuật (Hình 10)5. Nhận thức về tính chất phức tạp của nền đất trong điểu kiện địa chất ở Việt Nam, các nhà kỹ thuật Pháp đã đưa ra nhiều giải pháp thích hợp. Vì vậy, nhiểu công trình có tuổi đời hơn 100 năm vẫn chưa bị lún nứt. Giải pháp kết cấu kết hợp kỹ thuật xây dựng mới của Pháp (bê tông, cốt thép…) với kỹ thuật cổ truyền của Việt Nam ( cọc tre, hố cọc cát…). Các loại vật liệu (đá, bê tông, thép, ximăng…) được sử dụng rất hợp lý trên mỗi hạng mục của công trình, vừa tạo ra sự hài hòa về kiến trúc, vừa thể hiện đặc điểm của phong cách kiến trúc đó và hơn hết là mang lại khả năng chống chọi với điểu kiện khí hậu ở khắp các miền khác nhau của Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, nhiều loại vật liệu, kỹ thuật và công nghệ xây dựng mới được du nhập.
+ Bê tông cốt thép lẩn đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, lúc đầu chỉ được sử dụng ở các công trình lớn, về sau trở nên thông dụng cho các nhà ở kiểu biệt thự. Loại vật liệu này đem lại cho công trình kiến trúc nhiều khả năng phong phú hơn về tổ hợp khối.
+ Vật liệu sắt thép được sử dụng rộng rãi; phát huy tác dụng đối với kết cấu vi kèo vượt khẩu độ lớn. Đó là điểm mạnh để có thể xây dựng các công trình lớn. Loại thép hình dùng nhiều nhất cho sàn nhà, dầm, lanh tô.
+ Vật liệu kính được đưa vào sử dụng rộng rãi kết hợp với chớp gỗ lần đầu có ở Việt Nam.
+ Vật liệu đất nung rỗng giữa để làm sàn kiểu Zoellner và Rella do Công ty Gạch ngói Đông Dương sản xuất theo kỹ thuật Pháp.
+ Ngói ardoise được mang từ Pháp sang để lợp các công trình hành chính và một số dinh thự.
Một thành công khác nữa của người Pháp khi du nhập các phong cách kiến trúc vào Việt Nam là khai thác, tìm tòi và thiết kế các công trình; biến đổi chúng một cách linh hoạt, khiến cho có khả năng ứng xử với thiên nhiên và đối phó với khí hậu. Ví dụ, đối với biệt thự; nhà ở thì dùng ôvăng, mái hắt; ô hoa… Công trình công cộng thường dùng hiên có cửa sổ chớp gỗ, trên mặt đứng nếu không có hiên thì dùng ôvăng kéo dài… Nhà mang phong cách hiện đại thì sử dụng ôvăng bê tông cốt thép, cửa cuốn sáo có thể thay đổi độ nghiêng bất kỳ. Công trình có phong cách Đông Dương thì cùng ô văng mái dốc lợp ngói che cửa, che tường…
Bộ mái công trình ở mỗi phong cách kiến trúc khác nhau thì lại có cách xử lý khác nhau. Cửa sổ mái có chức năng làm thông thoáng khí nóng cho tầng áp mái, vừa là trang trí thẩm mỹ cho công trình. Các chi tiết cửa sổ mái với các thành phần (xà gồ, cầu phong, nitô) cũng khá đa dạng. Các cửa sổ này thường nhỏ, phỏng theo các cửa sổ trong các công trình tôn giáo.
Bộ mái nhà Pháp làm bằng vật liệu địa phương; một số chi tiết kỹ thuật Pháp, thể hiện bởi bàn tay người thợ Việt Nam đã làm phong phú thêm kỹ thuật xây dựng cổ truyền.
+ Các biện pháp xử lý vi khí hậu trong điều kiện tự nhiên Việt Nam như: thông gió tự nhiên, cửa sổ gỗ che chắn ngoài hiên, hệ thống ban công, lozia… đặc biệt là cây xanh đã có tác dụng điều tiết khí hậu tạo ra khoảng không gian đệm giữa công trình và môi trường xung quanh, điều hòa khí hậu trong khu vực. Đối với không gian đô thị thì hệ thống quảng trường, hồ nước, cây xanh tạo nên sự liên hoàn, tăng khả năng thông thoáng cho môi trường đô thị.
+ Kỹ thuật xử lý thoát nước cho công trình và đô thị mang lại cho thành phố luôn vệ sinh sạch sẽ. Ở công trình mái dốc, máng tôn, máng kẽm được sử dụng cho những chỗ giao cắt khi mặt phẳng mái thay đổi, phù hợp với chức năng sử dụng bên trong. Đặc biệt, vào giai đoạn cuối (sau năm 1930) kiến trúc sư Krruze đã sáng tạo loại máng nước ẩn trong mái đã được áp dụng rộng rãi, tăng thêm hiệu quả thẩm mỹ cho công trình. Những năm cuối ở thế kỷ X X, nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn áp dụng biện pháp kỹ thuật này.
Việc du nhập kiến trúc Pháp vào Hà N ội đã làm thay đổi quy mô, đường nét nghệ thuật, kết cấu kỹ thuật, vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, chính các công trình kiến trúc Pháp đã được thiết kế phù hợp với khí hậu cũng như điều kiện sống của người Hà Nội và hoàn toàn mang dáng dấp riêng biệt.
c. Quản lý xây dựng và phát triển đô thị
Không còn bó hẹp trong phạm vi của một khu phố, các công trình kiến trúc Pháp đã có sự phân bố rộng rãi theo không gian và quy mô các công trình (Hình 17 )6.
Trong suốt thời kỳ 1921-1936; K TS. Hébrard – người được toàn quyền Đông Dương cho phép quản lý xây dựng, thiết kế đô thị Hà Nội đã chủ trương tạo dựng một “Paris” thông qua hình ảnh đô thị Hà Nội với bố cục vế cấu trúc chặt chẽ, mang tính biểu tượng rất đặc trưng cho trường phái quy hoạch kiểu Pháp (Hình 11).
Trong quá trình quy hoạch của mình, khu vực quảng trường Ba Đình được lấy làm điểm tròn Puginier – hạt nhân chính. Khu vực tây bắc Hà Nội trở thành một quảng trường với không gian rộng tập trung nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Ý đồ này đã tạo nên sự hài hoà về không gian và thẩm mỹ kiến trúc cho Hà Nội. Hình thức kiến trúc của các công trinh mang tính đột phá, thể hiện sự hài hoà với không gian và khí hậu của Việt Nam (Emmanuel Pouille 2003 :1 2 2 ) (Hình 12 )7.
Quy hoạch phương Tây trong khu phố Pháp đảm bảo tốt về cơ cấu hạ tầng kỹ thuật và tiện nghi sinh hoạt. Cấu trúc đô thị mới được hình thành theo một hệ thống đường phố kiểu ô bàn cờ, khác với mạng lưới đường xá mang tính tự phát của đô thị Việt Nam, đường đi quanh co, chỗ rộng, chỗ hẹp không thống nhất.
Những con đường trên các ô phố mới quy hoạch có không gian rộng tạo bởi hệ thống đường bộ. Các yếu tố: mặt đường, hè đi bộ, cây xanh, đèn chiếu sáng tạo nên không gian thoáng cho đô thị; thỏa mãn nhu cầu đi lại ở tuyến giao thông hiện đại, mà cho đến nay, sau gắn một thế kỷ vẫn chưa lạc hậu.
Các yếu tố quy hoạch của người Pháp cho đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, hệ thống đường xá được thiết kế hợp lý, đảm bảo nhu cầu giao thông và thoát nước. Bố cục ô bàn cờ vuông vức, tạo lập không gian theo chiều Bắc Nam (Bà Triệu, Hàng Bài); chiều Đông Tây (Tràng Tiền – Hai Bà Trưng).
Trên bốn tuyến phố này, các công trình được bố trí chặt chẽ xen lẫn cây xanh. Mỗi tuyến phố được lựa chọn các loài cây riêng tô điểm cho không gian và sắc màu của đô thị: cây phượng (Lý Thường Kiệt), hoa sữa (Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo), xà cừ (Hai Bà Trưng; Bà Triệu); các công trình được ngăn cách bằng hàng rào sắt và cây leo. Đó thực sự là một quy hoạch chặt chẽ có tính toán, tạo nên những đặc trưng về không gian và cảnh quan cho mỗi tuyến phố. Những hàng cây đầu tiên trong khu vực này đều được trồng ngay khi bắt đầu mở đường. Ngoài tác dụng tạo bóng mát và làm đẹp cho các tuyến phố, còn có tác dụng cản bớt gió trong khu vực nội thành.
Quảng trường; nút giao thông được nhắc lại nhiều trong các quy hoạch của người Pháp (Quảng trường 19 /8 , quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục, quảng trường Nhà thờ lớn…) vừa tạo ra được khoảng không gian rộng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vừa là điểm bố trí các công trình kiến trúc quan trọng. Công viên, vườn hoa công cộng được bố trí hợp lý làm hấp dẫn thêm cảnh quan đô thị và tạo sự hài hòa với môi trường thiên nhiên. Tuy vậy, về cơ cấu chức năng trong đô thị thời thuộc địa có những vấn đề thể hiện sự phân biệt bất bình đẳng; phản ánh bản chất của chính sách thực dân như: tách riêng giữa khu vực người Âu với người bản xứ trong một đô thị, Ưu tiên phát triển đô thị, ưu tiên phát triển đô thị bản xứ hiện có hơn xây dựng thành phố mới, chú trọng tiện nghi cho người Âu.
Các công trình tiêu biểu đã phân tích ở trên cho ta thấy rõ sự giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc Đông – Tây tạo nên nhiều tác phẩm thể hiện rõ nét di tích kiến trúc của thời thuộc địa. Các công trình nhà ở trong khu phố cũ mang nhiều dáng vẻ khác nhau, biến động qua các thời kỳ lịch sử, dần dần thích ứng với đời sống xã hội ở Việt Nam. Từ chỗ xa lạ chưa thích nghi đến chỗ hòa nhập và chịu ảnh hưởng trở lại. Cuối cùng; sau 70 năm xây dựng, người Pháp đã để lại một đô thị có quy hoạch khá hoàn chỉnh (Hình 18). Ngày nay, khu phố cũ đã có biến dạng nơi ít, nơi nhiều, song hình dáng của kiến trúc thời Pháp thuộc vẫn còn lưu lại ở từng đoạn phố, từng ngôi nhà, mỗi cụm kiến trúc và đặc biệt các không gian văn hóa vẫn đậm đà hương vị rất đặc trưng.
4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá kiến trúc Pháp là đỉnh cao của kiến trúc cận đại, có giá trị đặc biệt trong lịch sử kiến trúc thế giới; nó không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà còn tồn tại ở nhiều nước khác ở châu Âu và châu Á. Ở bất kỳ nơi đâu có sự hiện diện của kiến trúc Pháp thì đều tác động đến trào lưu kiến trúc và xâm nhập, ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, gọi kiến trúc Pháp là quỹ di sản đô thị bởi nó bao hàm các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan đô thị. Cho đến nay, đối với Hà Nội, kiến trúc ở các khu phố cũ thời Pháp thuộc vẫn giữ vai trò trung tâm của thủ đô. Sự xuất hiện các loại hình nhà ở kiểu Pháp trong khu phố cũ những năm cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX là mốc đánh dấu một giai đoạn mở đầu cho quá trình hình thành đô thị thời kì cận hiện đại ở Việt Nam. Đây là một trong những loại hình di sản quý giá của Hà Nội. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản này góp phấn to lớn vào việc gìn giữ lịch sử và đảm bảo tương lai phát triển bển vững của thủ đô. Mặc dù khu phố Pháp được phân định ranh giới theo các giai đoạn quy hoạch trong lịch sử, nhưng các công trình kiến trúc mang phong cách Pháp lại nằm rải rác ờ ba khu vực di sản là khu Hoàng Thành, khu phố cổ, khu phố Pháp. Trong quá trình lập quy hoạch thủ đô Hà Nội mở rộng, các nhà quy hoạch luôn lấy bài học quy hoạch khu phố Pháp của các kiến trúc sư Pháp hơn 200 năm trước, để suy ngẫm, nghiên cứu và rút kinh nghiệm.
Hiện trạng di sản kiến trúc Pháp
Kết quả khảo sát năm 1994, cho thấy, tổng số có 1049 các công trình được được phân bố rải đều ở các khu phố người Pháp xây dựng (Fujim ori và nnk 2007: 32). Trong đó, 50 công trình đã thay đổi mục đích sử dụng ban đầu và được nâng cấp tốt hơn. Nhiều công trình được chọn làm đại sứ quán, văn phòng công ty nước ngoài, văn phòng chính phủ… được bảo tồn tốt. Các biệt thự được sử dụng làm đại sứ quán cũng phù hợp với nội dung mục đích sử dụng nên được bảo quản tốt. Còn gần 1000 công trình khác đang bị xuống cấp. Nhiều nhà bị cơi nới, khiến công trình biến dạng, làm mất dần hoặc mất hẳn vẻ nguyên gốc.
Theo các con số thống kê của Sở Kiến trúc Quy hoạch, thì số lượng biệt thự còn nguyên trạng 15%; số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích 80% ; số còn lại đã bị phá đi xây dựng mới. Thierry Huan – chuyên gia cảnh quan đô thị có nhiều năm nghiên cứu ở Việt Nam đánh giá: sự xuất hiện của nhiều công trình cao tầng, đặc biệt là nhà ở được xây mới theo kiểu giả phong cách Pháp khiến khu phố cũ này trở nên khó nhận diện. Trong đó; tình trạng phổ biến là việc sát nhập các thửa đất để xây dựng những tòa tháp cao tầng làm khách sạn, văn phòng, theo phong cách hiện đại. Các tòa nhà này làm phá vỡ mối quan hệ về tỷ lệ và nguyên tắc tạo sự cân đối (Ile de France 2009).
Yếu tố không thể thiếu trong cảnh quan kiến trúc khu phố Pháp là hệ thống cây xanh. Những hàng cây có từ đó đến nay vẫn liên tục được duy trì, bảo dưỡng. Nhiều loại cây phong phú; có giá trị. Đa số vẫn là những cây có tán rộng như phượng, me, muồng vàng, điệp, bằng lăng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các công trình kiến trúc dành cho không gian cũng đã dần bị lấn chiếm bởi nhu cầu sinh sống. Đây là điểm đáng lưu ý khi tiến hành bảo tồn trùng tu hay thiết kế đô thị trong khu vực có kiến trúc đặc thù này.
Từ năm 1990-1995, nhiều công trình (đặc biệt là nhà ở) được xây dựng mới theo kiểu giả phong cách Pháp khiến cho khu phố càng trở nên khó nhận diện hơn. Những thay đổi đó có xu hướng làm biến dạng khu phố Pháp. Xu hướng phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ quốc tế ngày càng tập trung trong khu phố Pháp (nhất là vùng xung quanh khu vực Hồ Hoàn kiếm) vì đây được coi là khu vực có vị trí đẹp. Bên cạnh khu trung tâm mang tính chiến lược, khu vực này còn đáp ứng được những chức năng mới gắn liến với quá trình phát triển kinh tế: một cấu trúc đô thị đẩy đủ về chức năng và các hướng tiếp cận đều thuận tiện. Đến nay, kiến trúc thuộc mọi chức năng sử dụng đều thấy ở khu phố này: nhà ở, công sở, cửa hiệu kinh doanh, công trình hạ tầng xã hội… có những tuyến phố có chức năng kinh doanh vượt trội hơn những tuyến phố khác.
Một số khu vực của khu phố Pháp hiện nay không bị xáo trộn nhiều về mặt cấu trúc đô thị so với các sơ đồ quy hoạch do người Pháp lập từ những năm 1920 và những đồ án quy hoạch quy mô lớn của Hà Nội thời kỳ đó. Nhưng những kiến trúc bên trong thực sự đang xuống cấp và cần thiết phải có đề xuất bảo tồn các giá trị về kiến trúc, quy hoạch, không gian xanh.
Thực trạng đang dần bị biến dạng của kiến trúc Pháp là do sức ép phát triển của xã hội và của chính chủ nhân của nó. Di sản quý giá này của Hà Nội cần được bảo tồn có trọng điểm, sao cho vẫn giữ được không gian chung trong vùng trung tâm của thủ đô Hà Nội mở rộng. Cùng với các khu vực di sản khác, khu phố Pháp và các công trình kiến trúc Pháp phải được coi là sự kết nối của lịch sử, văn hóa, kiến trúc và sự hài hòa trong không gian đô thị lịch sử Hà Nội.
Đề xuất bảo tồn khu phố Pháp
Những thành công mà người Pháp đã làm được là những căn cứ có tính khoa học để chúng ta nhìn nhận chặng đường phát triển kiến trúc nước nhà trong những năm qua. Kiến trúc nước ta đang ở trong điều kiện thuận lợi để khẳng định tính dân tộc của mình, rút ra từ bài học của kiến trúc Pháp, được sáng tạo bởi các kiến trúc sư biết khai thác nhân tố khí hậu, bản sắc văn hoá địa phương để thể hiện trong mỗi công trình kiến trúc.
Căn cứ vào các công trình hiện còn, ba khu vực bảo tồn cho các di sản kiến trúc Pháp được đề xuất như sau (Hình 19).8
Khu vực I:
phía Bắc: Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ
phía Nam: đường Tràng Thi
phía Tây: đường Trần Quang Khải
Khu vực II: phía Bắc: đường Tràng Thi
phía Nam: đường Nguyễn Du
phía Tây: đường Trần Khánh Dư
phía Đông: đường Lê Duẩn
Khu vực III : phía Bắc: đường Nguyễn Du
phía Nam: đường Đại Cồ Việt
phía Tây: phố Huế
phía Đông: đường Nguyễn Đình Chiểu
Nhìn trên bản đồ phân vùng di tích, có thể nhận thấy sự dàn trải của công trình kiến trúc Pháp tương đối rộng trên toàn bộ khu vực nội đô Hà Nội (khu trung tâm cũ).
Trên cơ sở ba vùng đề xuất, việc bảo tồn khu phố Pháp, kiến trúc Pháp cần tập trung vào ba yếu tố chính: cấu trúc/hình thái đô thị; phong cách kiến trúc đặc trưng của một thời kỳ và đặc trưng của vùng; và các công trình kiến trúc riêng lẻ.
Bảo tồn cấu trúc/hình thái đô thị
♦ Khu vực 1: Hồ Gươm và các vùng phụ cận. Khu vực được quy hoạch tập trung nhiều công trình quan trọng của chính quyền Pháp trong thời gian chiếm đóng Hà Nội. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa rất có giá trị của thủ đô.
Bảo tồn cấu trúc đã được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh theo phong cách kiến trúc Pháp, tạo thành một trung tâm có đầy đủ các chức năng: hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí. Bảo tồn các trục, tuyến đường, quảng trường và các nút giao thông
♦ Khu vực 2: Khu vực phía Nam Hồ Gươm đây là khu vực người Pháp quy hoạch các khu nhà ở chủ yếu cho công chức người Việt làm trong bộ máy chính quyền của thực dân Pháp. Khu vực này được định hình khá hoàn chỉnh vào năm 1911. Cấu trúc theo dạng ô cờ tương đối đều nhau.
– Bảo tồn mạng đường trực giao kiểu ô bàn cờ là đặc trưng trong cấu trúc không gian của Hà Nội, các tuyến đường rộng có cây xanh hai bên, các góc ngã tư có mặt đứng công trình xén vát, có điểm tấm nhìn mở rộng.
– Bảo tồn cấu trúc không gian ô phố đa dạng:
+ Nhà đơn lập trên từng thửa đất.
+ Cấu trúc hỗn hợp vừa có nhà ở, vừa có cơ quan hành chính và thương mại.
+ Cấu trúc với những thửa đất rộng, đôi khi chiếm toàn bộ ô phố, và có chức năng hoàn toàn độc lập.
♦ Khu vực 3: Trong khoảng từ năm 1915 đến năm 1945; khu trung tâm được người Pháp tiếp tục quy hoạch phát triển về phía nam dành cho các công chức làm việc cho Pháp. Khu vực này nằm về phía Đông của hồ Bảy Mẫu và hồ Thiền Quang, khoảng khu phía nam phố Nguyễn Du đến phố Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân hiện nay.
– Cấu trúc đô thị vẫn theo dạng ô cờ với các lô phố, các tuyến đường nhỏ hẹp. Nhà ở theo dạng nhà chia lô mặt phố, mặt tiền khoảng 4-6m, chiều cao trung bình 2 tầng.
– Bảo tồn hệ thống đường phố dạng ô cờ không đồng đều với các ô phố có quy mô nhỏ, mật độ xây dựng cao tạo nên cấu trúc nhà liền kề.
Bảo tồn phong cách kiến trúc đặc trưng từng khu vực
♦ Khu vực 1: Phía đông Hồ Gươm: Các không gian công cộng, các thửa đất và công trình xây dựng đều được xác định quy mô rất rộng, tạo cho khu vực này diện mạo khá hoành tráng. Nhiều không gian xanh, đồng thời giải pháp xử lý nút giao thông hình nan quạt tạo nên diện mạo của một thành phố châu Âu. Đây là khu vực tập trung phần lớn các công trình và di sản đặc biệt, với sự kết hợp giữa nhiều phong cách kiến trúc.
– Phần phía tây Hồ Gươm: Nhà thờ lớn – kiến trúc phương Tây cùng với quảng trường phía trước và phố Nhà thờ được bố trí ngay trong lòng khu phố cổ có cấu trúc dày đặc kiểu truyền thống tạo nên hiệu ứng tương phản rất mạnh của sự kết hợp Đông – Tây.
♦ Khu vực 2: Là khu vực tập trung nhiều biệt thự. Trên các ô phố, chia thành nhiều lô đất nhỏ, trên đó xây dựng nhà ở loại biệt thự độc lập có vườn riêng, theo phong cách kiến trúc ở các địa phương Pháp.
♦ Khu vực 3: Tập trung công trình kiến trúc có quy mô nhỏ, nhà liền kề. Bảo tồn các công trình kiến trúc
Đối tượng bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội gồm hai thể loại chính:các công trình công cộng và nhà ở.
Công trình công cộng: hiện nay phần lớn được sử dụng với chức năng là cơ quan của nhà nước như trụ sở, ngân hàng, nhà hát, trường học, nhà ga… ngoài ra cũng kể đến một số công trình công cộng có tính chất kỹ thuật công nghiệp như nhà máy nước, nhà máy điện, cầu Long Biên.
Nhà ở: được xây dựng thời Pháp có hai dạng phổ biến là dạng nhà ở biệt thự và nhà ở dạng lô phố. Việc bảo tồn các công trình biệt thự này cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của Luật Di sản Văn hóa, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, pháp lệnh về nhà ở và thông tư số 38 /2009 /T T -BXD ngày 08 /12 /2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị.
UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành phân ra 3 loại biệt thự để quản lý trên cơ sở xác định cấp độ và nguyên tắc bảo tồn.
Cấp độ 1: Đối với biệt thự có giá trị về kiến trúc, bảo tồn nguyên trạng về không gian và hình dáng kiến trúc công trình, diện tích đất khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng.
Cấp độ 2: Với những biệt thự cấp độ 2 cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải đảm bảo các điểu kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng; số hộ sử dụng.
Cấp độ 3: Không cần bảo tồn, tôn tạo đối với những biệt thự còn lại, thực hiện quản lý về sử dụng, cải tạo, sửa chữa theo quy định.
UBND thành phố cũng xác định diện nhà biệt thự không bán gồm: 42 biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi phía Nam đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, phía Tây đường Hoàng Diệu, phía Bắc phố Trần Phú, đường Hùng Vương; Lê Hồng Phong, phía Bắc phố Đội Cấn, phía Đông phố Ngọc Hà)…
Đối với các công trình biệt thự cần phân nhóm phân cấp để thực hiện bảo tồn và quản lý; xây dựng tiêu chí xác định giá trị các biệt thự, đánh giá tình trạng xuống cấp từ đó để xuất các giải pháp trùng tu tôn tạo.
Các công trình kiến trúc nhà ở dạng lô phố thời Pháp được xây dựng nhiều ở khu vực phố cổ, phố cũ. Tuy nhiên, do chưa có các quy định về quản lý, do sự phát triển kinh tế, thể loại công trình kiến trúc dạng này bị thay đổi rất nhiều. Hiện nay, chỉ còn một số nhà ở đơn lẻ có giá trị nằm rải rác trong khu phố cổ hoặc trên các tuyến phố cũ. Cần lựa chọn một số ngôi nhà hoặc đoạn phố để bảo tồn như một minh họa cho một loại hình kiến trúc nhà ở của Hà Nội.
Bảo tồn không gian đô thị, cảnh quan kiến trúc
+ Kiểm kê toàn bộ các công trình kiến trúc Pháp còn lại. Những công trình ít có giá trị về lịch sử, và nghệ thuật, không được coi là di sản thì có thể tiến hành cải tạo, dỡ bỏ thay thế bằng công trình mới theo chức năng mới. Tuy nhiên, trong quy hoạch vẫn cần phải khống chế chiều cao đối với những toà nhà mới, vật liệu xây dựng, chi tiết kiến trúc cần khuyến khích dùng một số chi tiết của kiến trúc trong phố cũ.
+ Tôn trọng các giá trị hình thái của cấu trúc mặt bằng quy hoạch, mạng lưới đường phố, cách chia ô phố, các lô đất định vị vị trí xây dựng các toà nhà theo chỉ giới cần được tôn trọng, các hình thức quy hoạch trên đã tạo nên một đặt trưng riêng cho khu phố Pháp.
+ Tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc theo phong cách châu Âu, Pháp và khu vực trên các trục phố, khu phố.
+ Giữ lại các công trình có giá trị về phong cách kiến trúc, nhất là các công trình ở vị trí nhấn trên các trục đường trong tổng thể không gian. Những công trình này được đánh giá là di sản của đô thị, chúng tạo nên nét đặc trưng và hấp dẫn của hình thái không gian kiến trúc đô thị trong khu vực.
+ Việc xác định mặt đứng trên các trục phố cần tiến hành làm sớm trên cơ sở có đầy đủ số liệu vẽ ghi, đạc hoạ hiện trạng.
+ Các công trình xây mới; xây xen mốc giới của công trình cũ ở bên cạnh phải dành khoảng không gian cây xanh thích hợp; hạn chế về mật độ xây dựng ở các phố cũ, đảm bảo sự hài hòa của tỷ lệ và ngôn ngữ kiến trúc.
5. Kết luận
Trong xu hướng hội nhập và phát triển, việc nâng cao vai trò vị thế của Thủ đô Hà Nội trên trường quốc tế là một nhu cầu tất yếu. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua việc mở rộng Thủ đô Hà Nội. Hà Nội mở rộng có tổng qui mô diện tích tự nhiên 3.344; 6km2; với tổng qui mô dân số 6.350.000 dân. Phạm vi mở rộng Thủ đô Hà Nội cho thấy đây là địa bàn có thể đáp ứng cho các yêu cầu phát triển bển vững và lâu dài của Thủ đô với những lợi thế to lớn. Riêng vùng nội đô Hà Nội đã ôm trọn ba khu vực di sản quan trọng là Khu chính trị Ba Đình (được xác định là trung tâm Hoàng Thành Thăng Long trong lịch sử và được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa thế giới năm 2010), khu phố cổ và khu phố Pháp.
Riêng với khu phố Pháp, ta có thể nhận thấy những nỗ lực lớn của người Pháp trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, mở mang Hà Nội nhằm xây dựng một đô thị hiện đại ở thời điểm đó. Mặc dù công cuộc xây dựng này nhằm nhiều mục đích, nhưng xét về mặt tích cực, chúng ta cần thừa nhận đã học tập nhiều kinh nghiệp của người Pháp trong quy hoạch và quản lý đô thị. Không gian truyền thống với “thành quách, lâu đài”, đền miếu, phường thủ công, làng xóm của Hà Nội dần bị thay thế bởi không gian đô thị mới với những yếu tố đặc trưng về kỹ thuật xây dựng, sự phong phú của các loại hình, phong cách kiến trúc và phương pháp quy hoạch có nguyên tắc.
Sau gần 100 năm, các quy hoạch đó gần như vẫn giữ nguyên được tính tiện ích và tầm nhìn quy hoạch rất bài bản, khoa học. Các kỹ thuật xây dựng khoa học của Châu Âu đã phát huy được các ưu điểm trong quy hoạch đô thị Hà Nội. Chúng tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực cùa đời sống xã hội, dẫn đến sự hình thành một cấu trúc không gian đô thị hoàn toàn mới ở Hà Nội.
Nếu nhìn lại những bản đồ quy hoạch qua các năm 1873, 1885, 1888, 1890, 1898, 1902, 1904, 1911; 1915, 1929… sẽ thấy một quá trình liên tục thay đổi, hoàn thiện và chỉnh trang đô thị… Bản đồ Hà Nội ( 11/ 1932) do Em est Hébrard thể hiện, cho thấy tổ chức hình thái đô thị “không phải theo cơ hội phát triển nhà đất và những luống di dân mà theo một phương pháp quy hoạch dự đoán trước quá trình phát triển và coi trọng tính thẩm mỹ của đô thị” (Emmanuel Pouille 2003:121-122). Đến năm 1943; tức là sau gần 70 năm đặt chân đến Hà Nội, người Pháp đã có tới 60 năm dành cho các hoạt động xây dựng quy hoạch thành phố.
Nhìn trên bản đồ 1943; có thể nhận thấy một cấu trúc đô thị tổng hợp; với sức chứa 200.000 dân (Philippe Papin 2000: 2 2 5 ). Đây cũng là nơi có sự hiện diện của nhiều cộng đồng dân cư, trong đó người Việt, Hoa, Pháp là quan trọng nhất. Hai nền văn hóa (Việt – Pháp), hai dòng kiến trúc (bản địa – ngoại nhập), để đứng chân ở một vị trí trang trọng trong cấu trúc cơ thể đô thị Hà Nội, thì không thể tránh khỏi có “độ vênh” nhất định. Tuy nhiên, những cố gắng trong suốt 200 năm qua đã khiến cho kiến trúc Pháp tìm được tiếng nói chung và từng bước hòa nhập vào đời sống và dòng chảy của lịch sử đô thị Hà Nội.
Chính những thuận lợi về địa hình; thiên nhiên và văn hóa Hà Nội đã được các kiến trúc sư khai thác một cách tài tình để tạo nên những sản phẩm kiến trúc kiểu Pháp ở Việt Nam. Vi thế hơn hai thế kỷ trôi qua, khu phố Pháp vẫn giữ nguyên dáng vóc quy hoạch – kiến trúc chuẩn mực. Đây là điểm quan trọng nhất cho những đóng góp về quy hoạch và kiến trúc Pháp ở thù đô Hà Nội nói riêng và các đô thị khác ở Việt Nam nói chung. Nhìn nhận những giá trị đang hiện diện của quỹ kiến trúc Pháp là để có định hướng đúng đắn trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhằm mục đích xây dựng một thủ đô Hà Nội hiện đại, kết tụ những tinh hoa của thời đại và bản sắc văn hóa dân tộc.
Chú thích:
1. Tòa nhà của Bộ Ngoại giao, công trình được quen gọi là “Nhà trăm mái”, một điển hình của phong cách kiến trúc Đông Dương.
2. Công trình được thiết kế theo phong cách Gothic và xây trên nền chùa Báo Thiên thời Lý.
3. Con sơn và đấu củng là chi tiết vốn được sử dụng trong các công trình cổ của Việt Nam cũng như ở các kiến trúc cổ Châu Á đã được biến thể đa dạng bằng gỗ hay bê tông cốt thép. Chi tiết ở đầu con sơn, các đoạn thắt giữa, uốn cong được đẽo gọt công phu có tính thẩm mỹ cao.
4. Đây là sản phẩm của Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận (VIAP 2008).
5. Cầu được xây dựng năm 1902; là một trong nhũng công trình sử dụng loại vật liệu sát đầu tiên ở Hà Nội. Bản vẽ số 10 có chữ ký của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hồ sơ số 6531, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Một góc bản vẽ số 10, đề án B; nhịp cầu dài 51 m200; mặt cắt dọc với con dấu và chữ ký của Daydé &Pillé (Tác giả chụp tại Triển lãm Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945. L’Espace 2009).
6. Bản đồ Hà Nội năm l885 cho thấy đã có sự phân khu: Thành cổ, phố cổ, phố Pháp.
7. Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là điển hình cho nguyên tắc quy hoạch điểm tròn Puginier, điểm hội tụ của các tuyến đường quan trọng và điếm chốt là một công trình lớn.
8. Phân khu bảo tồn khu phố cũ được VIAP đề xuất gồm 3 khu vực: Khu vực I. Khu vực Hồ Gươm, nơi tập trung các không gian công cộng, các thửa đất và công trình xây dựng đều được xác định quy mô rất rộng. Nhiều không gian xanh và nút giao thông hình nan quạt tạo nên diện mạo của một thành phố châu Âu. Đây là khu vực tập trung phần lớn các công trình và di sản đặc biệt, với sự kết hợp giữa nhiều phong cách kiến trúc. Phần phía tây Hồ Gươm, nổi bật là công trình Nhà thờ lớn được bố trí ngay trong lòng khu phố cổ có cấu trúc kiểu truyền thống tạo nên hiệu ứng tương phản rất mạnh của sự kết hợp Đông – Tây; Khu vực II . Khu vực tập trung nhiều biệt thự độc lập có vườn riêng; theo phong cách kiến trúc ở các địa phương Pháp; Khu vực III. Tập trung công trình kiến trúc có quy mô nhỏ, nhà liến kế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
André Masson, 2003, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Lưu Đình Tuân dịch, Nxb. Hải Phòng.
Charles Labarthe, 1883, “Ha Noi, capitale du Tong-kinh en 1883”, Revue de géographie. T.XIII; Juillet Décember, Paris. Conseil régional d’ille de France 1993, Hanoi-ville et mémoire,
Đặng Thái Hoàng; 1985; Kiến trúc Hà Nội thể kỷ XIX-XX, Nxb. Hà Nội.
Emmanuel Pouille, 2003, Hà Nội, chu kỳ của những đối thay (Hình thái kiến trúc và đô thị), Nxb. Khoa học Kỷ thuật; Hà Nội.
Ernest Hébrard, 1928, ưrbanisme en ỉndochine, I/Architecture, tập XLI, sổ 2, 15/2/1928.
Fụimori Terunobu, Phạm Đình Việt và cộng sự, 1997; Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội, Nxb. Xây dựng;
Hồ sơ đề cử UNESCO; 2009, Trung tâm di tích Hoàng Thành Thăng Long, UBND Tp. Hà Nội.
Hoàng Đạo Kính; 199S, “Những giá trị của di sản đô thị và kiến trúc Hà Nội”, Thông tin Lý luận.
Hữu Ngọc, L. Bortori; 2006, Kiến trúc Pháp ở Hà Nội, Nxb. Thế giới.
Ile de France (Pháp) và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, 1993, Dự án bảo tổn và phát triển khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm.
Ngô Huy Quỳnh, 1986, Kiến trúc Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
Ngô Trung Hải, 2008, “Khu phố cũ trong không gian Hà Nội mở rộng”, Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số S&6/2008, Tr. 50-51.
Nguyễn Bá Đang; 2003 (chú trì), Điều tra, khảo sát và lập hồ sơ ban đầu, xác định giá trị nghệ thuật kiến trúc của các loại hình kiến trúc công cộng trong các đô thị lớn đương đại của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Bộ Xây dựng.
Nguyễn Đình Toàn, 1997, Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hoá bản địa trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Hà Nội.
Nguyễn Đình Toàn và cộng sự, 2009, Hà Nội, đô thị lịch sử của tương lai, Tham luận Hội thảo quốc tế lần thứ 12; Diễn đàn UNESCO, Trường Đại học và Di sản, 5-10/4/2009.
Nguyễn Quốc Thông, 1988, “Những biến đổi hình thái không gian quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc”, Tạp chí Kiến trúc, 2/1988.
Nguyễn Thừa Hỷ, 1993, Thăng Long Hà Nội, thế kỷ XVII-XVIII-XIX, Hội Sử học.
Nguyễn Thừa Hỷ, 2010 Tuyển tập Tư liệu phương Tây,Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội.
Nguyễn Văn Uẩn, 2000, Hà Nội đầu thế kỷ XX, Nxb. Hà Nội.
Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, kiến trúc – lịch sử, 2004, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tr. 8.
Oliver Tessier, 2009; De la prise de la citadelle de Hanoi (1873) à son desmantèlement (1897): destructions et tranforma de Tespace urbain, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, 1000 năm vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long – EFEO Hà Nội, UBND Tp. Hà Nội, Nxb. Thế giới 2009.
Pédelahore, c . 1982; Hanoi, le miroir de Varchitecture indochinoise; Grase.
Pédelahore, c . 1982, Les éléments constitutifs de la ville de Hanoi. Grase.
Philippe Papin, 2000; “Histoire de HaNoi”, Fayard; Paris.
Phương án dự thi, 2009, Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Nhóm tác giả Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (VIAP), Bộ Xây dựng.
Pineau L. G. 1943, Urbanisme en Indochine, Hanoi.
Tom Fawthrop, 1994; Di sản của Hà Nội đang bị vây hãm, Xưa và Nay, 3 (6.1994).
Tống Văn Lợi; 2008, Quy hoạch đô thị Hà Nội thời kỳ 1873-1943 (qua tư liệu bản đồ)”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quản lý và phát triển Thăng Long Hà Nội, UBND Tp. Hà Nội, Chương trình KX 09, Hà Nội 3/2008, tr. 201.
Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông, 1995; Thăng Long Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa, Nxb. Xây dựng.
Trần Huy Liệu, 1960 (chủ biên), Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nxb. Sử học.
Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, 1975, Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.
Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, 2000, Lịch sử Hà Nội qua tài liệu lưu trữ (tập 1), Địa giới hành chính Hà Nội từ 1873 đến 1954, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội (2000).
Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, 2009, Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.
Viện Nghiên cứu Kiến trúc. “Việt Nam qua nền kiến trúc thuộc địa”, Tư liệu dịch. Viện Sử học, 1989, Đô thị cổ Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa: Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Di sản Lịch sử và những hướng tiếp cận mới, năm 2011
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quỹ di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội (Tác giả: Tạ Hoàng Vân) |