Sắc Chăm

 Thư mục chuyên đề Văn hóa Chăm

     Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất (57.137), chiếm gần 50% người Chăm ở Việt Nam. Họ sống tập trung thành từng làng palei riêng biệt và bảo lưu đậm nét nhiều tập tục truyền thống như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới gả, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề…mang bản sắc văn hoá riêng.

1. Làng Palei Chăm:

     Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận có tất cả 22 làng palei thuộc 13 xã và 4 huyện thị (Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm). Trong đó được phân chia ra thành hai cộng đồng: Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo) và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Mỗi cộng đồng tôn giáo lại sinh sống thành từng palei riêng biệt. Trong tổng số 22 làng palei thì có 15 làng Chăm Ahiêr và 7 làng Chăm Awal. Mặc dù là một dân tộc Chăm Ahiêr và 7 làng Chăm Awal. Mặc dù là một dân tộc Chăm nhưng phân chia ra làm hai nhóm Chăm, ảnh hưởng đạo giáo khác nhau (Ahiêr và Awal), sống tách biệt nhau. Tuy vậy hai nhóm này vẫn cùng mang một đặc trưng văn hoá chung.

     Palei Chăm thường định cư trên những vùng gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa và nương rẫy. Mỗi palei có khoảng từ 300 – 400 hộ gia đình, tập hợp bởi nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Các khuôn viên nhà ở được bố trí theo hướng Bắc – Nam.

     Trong mỗi palei Chăm đều có một đền thờ thần (sang Pô yeang) và ở đầu làng có nhà làng (sang palei). Cách palei không xa thường có một nghĩa địa (kút, ghôr). Mỗi palei Chăm đều có đơn vị quản lí hành chính thôn, đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… Bên cạnh đó còn có Hội đồng phong tục (Hội đồng già làng) chăm lo cúng tế và cùng với chính quyền tham gia giải quyết những vụ bất đồng của các thành viên trong làng liên quan đến phong tục, tập quán. Palei Chăm có luật tục riêng gọi là adat. Nếu như Palei Chăm là đơn vị cư trú cổ truyền mang tàn dư của công xã nông thôn thì gia đình lại là bộ phận hình thành nên đặc trưng ấy. Gia đình trong palei Chăm được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ, bao gồm gia đình lớn (mưngawôm pruang) và gia đình nhỏ (mư ngawôm sít). Thành viên cơ bản trong gia đình được tính theo huyết thống bên mẹ. Trong mỗi gia đình có đàn bà lớn tuổi đứng đầu gọi là “Po sang” (chủ nhà). Các gia đình có cùng chung một mẹ sinh ra thường bố trí chung nhà cửa trong một khuôn viên. Tương tự như vậy, các gia đình chung một dòng họ phía mẹ thường bố trí nhà cửa cùng dãy với nhau. Mỗi dòng họ có một tộc trưởng đứng đầu gọi là “akauk gơp”. Ngày xưa trưởng tộc là đàn bà, ngày nay được thay thế bởi người đàn ông. Nhiệm vụ của trưởng tộc là quản lí các thành viên, giải quyết những vấn đề thắc mắc giữa các thành viên và chăm lo, tổ chức cúng tế những lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến tộc họ. Mỗi dòng họ trong làng được phân biệt với nhau bằng nghĩa địa của dòng họ mẹ (kút, ghôr). Mỗi dòng họ có một vật thờ tổ gọi là “Chiết atâu” (Chiếc Atâu là một loại giỏ đan bằng tre hình hộp vuông có nắp đậy, dùng để bỏ y trang, đồ cúng lễ của tổ tiên tộc họ. Chiếc Atâu chỉ được đem ra ngoài khi tộc họ có dịp cúng lễ).

     Đơn vị cơ cấu căn bản của hệ thống thân tộc của người Chăm là mẫu hệ gia tộc. Những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc và quan trọng nhất. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út. Phụ nữ Chăm nắm quyền quyết định trong gia đình. Vai trò Cậu (cey) được đề cao và vẫn còn chi phối mạnh mẽ trong gia đình người Chăm hiện nay.Nói chung sinh hoạt làng (palei), gia đình (mưngawôm), tộc họ (gơp tian) của người Chăm phản ánh đậm nét chế độ mẫu hệ thể hiện trên các mặt: sự phân hoá xã hội, quan hệ về gia đình và hình thức hôn nhân; hình thái tín ngưỡng; phương thức sản xuất và quyền sở hữu tài sản… Vì vậy cơ chế xã hội truyền thống người Chăm gắn bó chặt chẽ với nhau và được vận hành bằng luật tục (adat). Họ sống trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Cùng nhau bảo vệ, lưu giữ thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hoá của tổ tiên. Có thể nói làng palei, gia đình người Chăm là mắc xích quan trọng, gắn liền chặt chẽ với nhau, tạo nên một cơ cấu xã hội cổ truyền bền vững, trở thành cái nôi bảo tồn và lưu giữ văn hoá Chăm, lễ hội Chăm trong suốt những tháng năm thăng trầm của lịch sử dân tộc.

2. Đời sống kinh tế:

     Người Chăm định cư trên dải đất miền Trung với đặc điểm địa hình là miền đất hẹp, kéo dài và được cấu tạo bởi ba vùng: Núi – Đồng bằng – Biển cả. Khí hậu nơi đây khắc nghiệt, khô ẩm, nhiều nắng, ít mưa. Điều kiện tự nhiên, địa lí môi sinh đó đã hình thành nên nền kinh tế của người Chăm.

     Trong nền kinh tế truyền thống của mình, người Chăm có một nền nông nghiệp phát triển khá sớm. Từ lâu đời họ đã biết đắp đập khai mương để trồng lúa nước mà đến nay vẫn còn các dấu vết các công trình thủy lợi trên dải đất miền trung như: đập Do Linh (Quảng Trị), đập Nha Trinh và đập Marên (Ninh Thuận). Họ còn có kĩ thuật canh tác ruộng nước khá cao. Tùy theo loại ruộng như ruộng gò (hamu tamu), ruộng cát (hamu cwah), ruộng sâu (hamu dhong) mà họ có kĩ thuật canh tác và sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao như loại giống lúa chiêm, lúa mùa (padai bidiên, padai halim, paday ia ok, padai kuprok…). Do đó không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc và người Kinh đều du nhập giống lúa của người Chăm mà họ thường gọi là “lúa Chiêm”. Bên cạnh làm ruộng người Chăm còn là những người làm vườn giỏi. Họ trồng nhiều hoa màu và cây ăn trái như ngô, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, chuối, dừa, hồ tiêu… Nhờ đó mà dân cư có hoa quả và ăn rau xanh 4 mùa. Bên cạnh nghề nông, người Chăm còn biết khai thác những khu rừng lớn có các loại gồ mun, trầm hương, vỏ cây làm thuốc nhuộm… rất được ưa thích trên thị trường. Họ cũng biết khai thác tài nguyên khoáng sản ở xứ họ để đem bán ở xa. Người Chăm còn làm nghề biển, họ là những thủy thủ can trường, là những người buôn bán giỏi. Những chiếc thuyền buôn của họ thường vượt biển khơi đi đến hải cảng Trung Quốc và có mối quan hệ với các nước Java trong thời cổ trung đại. Nói chung kinh tế truyền thống của người Chăm bao gồm cả nghề nông, nghề đi biển và khai thác rừng. Ba hình thái kinh tế đó đã góp phần làm cho đời sống kinh tế Chăm phát triển phồn thịnh và hiện nay còn in dấu ấn đậm nét trong lễ hội Chăm. Tuy nhiên ngày nay, một số ngành kinh tế truyền thống đã bị mất đi. Hiện nay người Chăm không còn làm nghề biển. Tuy một số làng Chăm ở Ninh Thuận như Bỉnh Nghĩa, Tuấn Tú vẫn còn sống gần biển nhưng họ không làm nghề biển mà lại quay lưng với biển. Đa số (khoảng 95%) người Chăm Ninh Thuận ngày này sống bằng nghề nông, và một số ít làm nghề chăn nuôi và khai thác rừng. Đến nay họ vẫn còn phát huy truyền thống làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Chăm hiện nay.

Trích dẫn tệp PDF từ: Thư viện tỉnh Ninh Thuận

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sắc Chăm