Sách giáo khoa do người Việt viết – khoảng trống cần tô đậm trong lịch sử giáo dục thời phong kiến
THE TEXTBOOKS WRITTEN BY VIETNAMESE PEOPLE –
A HIGHLIGHTED GAP IN HISTORY OF EDUCATION IN THE FEUDAL PERIOD
Tác giả bài viết: PHẠM VĂN THỊNH
(Trường Đại học Thủ Dầu Một)
TÓM TẮT
Sách giáo khoa do người Việt viết là một bộ phận làm nên sắc thái của nền giáo dục phong kiến Việt Nam, có thể gợi mở hướng nghiên cứu những giá trị lịch sử của kho tàng sách giáo khoa thời phong kiến. Sử dụng phương pháp lịch sử, bài viết này thu thập, hệ thống hoá các thể loại sách giáo khoa do người Việt viết để sử dụng trong dạy và học thời phong kiến. Kết quả cho thấy, các bậc danh Nho, khi làm quan hay dạy học đã viết ra khá nhiều sách giáo khoa theo các thể loại sách luân lý, sách diễn giảng kinh truyện, sách khoa học thường thức, sách tập làm văn, ngôn ngữ, truyện ký. Các thể loại sách này phù hợp và đáp ứng nhu cầu dạy và học đồng thời gợi mở một số vấn đề cần nghiên cứu như: nhu cầu viết sách, nhận thức, quan điểm giáo dục, phương pháp sư phạm thời xưa, kinh nghiệm quản lý sách giáo khoa tham khảo trong nhà trường.
Từ khoá: biên soạn, giáo dục, phong kiến, sách giáo khoa.
ABSTRACT
Textbooks written by Vietnamese people are a part of the nuances of Vietnamese feudal education, and it can suggest directions for researching the historical values of feudal textbook treasures. Using the historical method, this article collects and systematizes all types of textbook written by Vietnamese people for use in teaching and learning during feudal times. The results show that famous Confucian scholars, when working or teaching, have written many textbooks in the categories of moral books, books explaining sutras, books on common science, books on writing, and language, telling stories. These types of books are suitable and meet the needs of teaching and learning while also suggesting a number of issues that need to be researched such as: the need to write books, awareness, educational perspectives, ancient pedagogical methods, and experiences of managing reference textbooks in schools.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Từ xưa đến nay, bất cứ thời đại nào, chế độ xã hội nào, sự nghiệp giáo dục không thể thiếu thầy, thiếu sách; trong đó sách giáo khoa luôn đóng vai trò là phương tiện chính yếu cho cả người dạy và người học. Ở các trường học Việt Nam thời xưa, khi xã hội chưa có nhiều tài nguyên phục vụ học tập, sách giáo khoa là công cụ dạy và học của thầy và trò, được nhân dân quý trọng như một phương châm, luân lý nuôi dưỡng con người. Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã có những tổng kết về giá trị của sách rất đáng trân trọng như: Dạy con đọc sách thánh hiền / Còn hơn để lại bạc tiền đầy rương; Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường; Yêu con sách chất đầy nhà, ghét con đi chợ mua quà cho con”… (Nguyễn Mạnh Hùng, 2017). Tìm hiểu về sách giáo khoa do người Việt biên soạn trong nền giáo dục phong kiến xưa sẽ góp phần hiểu rõ hơn về lịch sử giáo dục Việt Nam. Kho tàng sách giáo khoa này còn góp phần hiểu biết về trình độ, năng lực, tinh thần dân tộc của người thầy thời xưa. Bài viết này khảo sát sơ bộ kho tàng sách giáo khoa do người Việt biên soạn với mong muốn gợi mở một hướng nghiên cứu để có thể thấy rõ hơn đặc trưng, các sắc thái của nền giáo dục phong kiến, góp phần đánh giá công lao, trước tác của một số thầy giáo, trí thức Việt nam thời phong kiến.
2. Tổng quan tài liệu
Cho đến nay, các công trình về lịch sử giáo dục phong kiến Việt Nam được xuất bản hầu hết chưa đề cập đến thành tựu về sách giáo khoa do người Việt biên soạn. Trong số các ấn phẩm được xuất bản đa phần tập trung ghi chép các sự kiện giáo dục, quy chế, tổ chức nhà trường và thi cử. Tiêu biểu như Phan Huy Chú (1969) ghi chép những sự kiện xảy ra trong các khoa thi của Việt Nam qua các triều đại; trong đó có thể lệ thi Hương, thi Hội, thi Đình, số người đậu trong các khoa thi qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Vũ Ngọc Khánh (1985) trình bày một số nét đại cương về tiến trình lịch sử và vai trò nhà nước phong kiến Việt Nam trong việc thực hiện chức năng giáo dục. Nguyen Q Thang (2005) mô tả nguồn gốc khoa cử Việt Nam, hệ thống giáo dục thời xưa, sách giáo khoa và chương trình thi, cách thi. Nguyễn Đăng Tiến (1996) trình bày về tổ chức giáo dục, khoa cử; việc lựa chọn, sử dụng và đãi ngộ những người đỗ đạt cao của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đinh Khắc Thuận (1996) phân tích và hệ thống một số khía cạnh về giáo dục và khoa cử như: thể chế, tổ chức trường học, nội dung học tập, thi cử, nội dung bài thi, người đỗ đạt và truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học. Ngoài một số ấn phẩm trên, những năm gần đây, một số bài viết về giáo dục phong kiến Việt Nam cũng được xuất bản trên các tạp chí trong nước. Trần Thị Diệu Linh (2019) nghiên cứu về đặc trưng của giáo dục phong kiến Việt Nam; Trần Thị Hạnh (2021) nghiên cứu quá trình phát triển giáo dục Nho học ở Việt Nam từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15.
Trên cơ sở kế thừa một số tư liệu từ các ấn phẩm trên, bài viết này tham khảo và sử dụng một số kết quả từ các công trình nghiên cứu thư tịch Hán Nôm Việt Nam trong thời gian gần đây (Trịnh Khắc Mạnh, 2021) cùng một số ấn phẩm về lịch sử nhân vật lịch sử, danh nhân Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng, 1992; Trần Văn Giáp, 2003; Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, 2004)… Trên cơ sở nội dung sách và mục tiêu sử dụng, bài viết phân chia và trình bày theo 4 loại: 1) sách luân lý, 2) sách khoa học thường thức, 2) sách giảng kinh truyện, 4) sách tập làm văn, ngôn ngữ và truyện ký.
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Sách luân lý
Luân lý là quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người, trong gia đình và xã hội, còn gọi là đạo làm người, nếp nhà là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình học tập của học sinh thời xưa. Sách luân lý là sách truyền bá đạo đức làm người trong xã hội, chủ yếu là lời cổ thánh tiên hiền dạy luân thường đạo lý, cách tu thân xử thế, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung với nước, hiếu với cha mẹ tổ tiên, cần cù lao động, tôn sư trọng đạo, siêng năng học tập cầu tiến bộ, biết bao dung, vị tha, yêu thương nhau, sống vì cộng đồng. Loại sách này vừa sử dụng để dạy trẻ, cũng là dạy tất cả mọi người, cả nam, nữ, trẻ, già, bao gồm mọi từng lớp, khuyên bảo cho trở nên người đủ tư cách ở gia đình, xã hội. Đây cũng là loại sách được trí thức Việt Nam quan tâm và biên soạn sớm nhất. Theo Nguyễn Huệ Chi (1977), những quyển sách luân lý sớm nhất được viết vào thời Trần. Vua Trần Thánh Tông vừa là minh quân, vừa là học giả uyên thâm. Trong các sách của ông biên soạn đã có nhiều quyển sử dụng cho việc dạy học như: Cơ cầu lục [Chép việc nối dõi nghiệp nhà], Di hậu lục [Chép để lại cho đời sau] (Lê Văn Hưu, 1998). Lê Văn Hưu (1998) cũng cho biết, tháng 12 năm Nhâm Tuất (1382), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ngự ở điện Bảo Hòa cho triệu tập các quan viên trong triều là Thiêm tri nội mật viện sự Nguyễn Mậu Tiên, Lang Trung bộ Lễ Phan Nghĩa và gia thần Đào Sư Tích sai viết bộ sách Bảo Hòa điện dư bút [Viết lúc rảnh rỗi ở điện Bảo Hoà]. Bộ sách gồm tám quyển. Đào Sư Tích được Thượng hoàng sai viết bài tựa. Đây là bộ sách giáo khoa riêng dành cho các hoàng tử nhỏ tuổi. Cung Bảo Hòa vừa là thư viện vừa là trường học của các hoàng tử. Những quyển sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam này đến nay đã thất truyền.
Từ thế kỷ 16, 17 trở đi các nhà Nho rất quan tâm đến việc viết sách phục vụ dạy học, chủ yếu là các sách khuyên răn các nếp nhà, nếp người trong gia đình, dòng tộc và xã hội. Phùng Khắc Khoan là nhà Nho với nhiều tác phẩm để đời, trong đó có 2 quyển sách giáo khoa. Quyển Huấn đồng thi tập [Tập thơ dạy trẻ], gồm 172 bài vịnh thời tiết, khí hậu, cây cỏ, côn trùng… để dạy trẻ (hiện nay chỉ còn khoảng 30 bài. Quyển Đa thức tập [Tập thơ biết nhiều], khi đọc Kinh thi thấy có tên các loại cỏ cây, chim muông, côn trùng, cá… ông làm ra tập thơ này. Cũng như Huấn đồng thi tập, Đa thức tập viết ra với mục đích giáo huấn và cung cấp kiến thức cho trẻ. Có thể xem đây là những quyển sách giáo khoa quý giá thời đó. Đặng Đình Tướng (người thi đỗ giải nguyên năm 21 tuổi (1669), sau đó lại đỗ Đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất, 1670) đã viết quyển Thuật cổ quy huấn, 8 chương. Nội dung sách “nói về những điều khuyên răn và xin chúa Trịnh ban cho thế tử”. Nguyễn Tông Quai (Nguyễn Tông Khuê, người thi đỗ Hội nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm quan ở Viện Hàn lâm) đã viết quyển Ngũ huấn tự quốc âm [Thuật lại năm điều luân thường], gồm 646 câu thơ Nôm song thất lục bát. Lý Văn Phức là một trong những nhà Nho đầu thế kỷ 19 để lại hàng chục ấn phẩm cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó sách giáo khoa có 2 quyển là: Tự thuật phú [Phú tự thuật], viết theo thể tứ lục, kể thân thế của mình với mục đích đề cao đạo làm con, Phụ châm tiện lãm [Giáo huấn phụ nữ], viết theo thể song thất lục bát. Ngô Thế Vinh có quyển Nữ huấn tân thư. Đặng Huy Trứ (một nhà nho tiên phong trong công cuộc đổi mới thế kỷ 19) viết quyển Việt sử thánh huấn diễn nghĩa. Trần Bích San, một danh sĩ Việt Nam thời Nguyễn, viết quyển Gia huấn ca, còn được gọi là Thơ tam khôi (người đương thời gọi ông là Tam nguyên Vị Xuyên). Đặng Xuân Bảng viết: Huấn tục quốc âm ca (gồm 4 bài ca Nôm khuyên dạy con cái và người đời: Huấn tử Quốc âm ca, Khuyến hiếu diễn âm ca, Bát phẩm diễn âm ca, Thái thượng cảm ứng Quốc âm ca), Cổ nhân hành ngôn lục (ghi lại những lời nói hay, việc làm đẹp của cổ nhân đáng làm gương cho hậu thế ra sao), Cư gia khuyến giới tắc (là những câu danh ngôn trong lịch sử Trung Quốc dùng làm khuôn mẫu răn dạy con cháu trong nhà giữ đạo luân thường, bỏ thói hư tật xấu). Nguyễn Trịnh Hoằng viết quyển Khuyến thiện quốc ngữ ca. Lê Đại viết Tân nữ huấn ca. Trong thư tích Hán Nôm hiện nay còn lưu trữ một số ấn phẩm thuộc thể loại luân lý như: Bùi gia huấn hài, Cư gia khuyến giới, Gia huấn ca, Huấn mông tập, Huấn nữ diễn âm ca, Huấn nữ tử ca, Huấn tục quốc âm ca, Khuê huấn ca, Minh đạo gia huấn,.. (Trần Văn Giáp, 2003). Nội dung sách thường tuyển chọn, chú giải, bình giảng những bài ca nói về kinh nghiệm quý báu của ông cha, thể hiện cách thức giáo dục con cái từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, tùy vào lứa tuổi, bổn phận, thiên chức của con trai hay con gái. Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), nội dung luân lý trong cách sách giáo khoa này chưa thể vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến nhưng có tính thiết thực, lại được truyền thụ bằng văn vần quốc âm nên dễ đọc, dễ nhớ, được nhân dân ưa chuộng.
3.2. Sách diễn giảng kinh truyện
Kinh truyện là những tác phẩm bằng tiếng nước ngoài. Các tác phẩm kinh truyện được sử dụng trong nhà trường, trong học hành thi cử thời phong kiến là sách của Trung Quốc như Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử, Bắc sử, Nam sử…. Ngay những quyển sách dùng cho bậc vỡ lòng cũng là sách Trung Quốc như Tam tự kinh, Minh tâm, Minh đạo, Tam thiên tự… đều là sách Trung Quốc. Loại sách này thường khó học, khó tiếp thu cho người Việt là lẽ đương nhiên. Trong quá trình sử dụng, không ít thầy giáo có tinh thần dân tộc đã không mấy hài lòng. Vì thế, họ đã cố gắng biên soạn ra một số quyển sách với hình thức chọn lọc những chương, đoạn, những nội dung của sách kinh truyện cần thiết cho dạy học, hoặc phù hợp với đặc điểm xã hội Việt Nam để diễn giải, bàn bạc, chú dẫn. Theo Trịnh Khắc Mạnh (2021), thì Chu Văn An, người được bổ làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, giảng dạy kinh điển Nho gia cho Thái tử đã soạn bộ Tứ thư thuyết ước, đây có thể nói là tác phẩm đầu tiên của người Việt Nam luận giải về Tứ thư. Đến thế kỷ 14, Hồ Quí Ly biên soạn sách Minh đạo bàn về Luận ngữ và dịch chương “Vô dật” trong Kinh thư ra quốc ngữ để sử dụng vào việc dạy học. Các triều đại phong kiến kế tiếp theo, Lê sơ – Mạc – Lê Trung hưng – Tây Sơn và Nguyễn ngày càng quan tâm luận giải luận giải Tư thư và Ngũ kinh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Quí Thích là những danh Nho có nhiều tác phẩm luận giải về kinh truyện. Theo thống kê của Trịnh Khắc Mạnh (2021), chỉ riêng sách luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh, hoặc có nội dung liên quan đến Tứ thư và Ngũ kinh hiện còn lưu trữ ở Viện Hán Nôm có đến 40 quyển, trong đó nhiều quyển sách này được sử dụng trong việc dạy học.
Về Tứ thư, những quyển tiêu biểu có: Tứ thư sách lược (những bài văn sách, đề tài lấy từ bộ Tứ thư dùng làm mẫu cho người viết văn thi cử), Tứ thư tiết yếu (tóm lược và chú thích những nội dung chính của bộ Tứ thư), Tứ thư tinh nghĩa (gồm những bài văn sách chọn lọc ở các trường và các khoa thi dùng làm tư liệu tham khảo cho những người học viết văn khoa cử), Tứ thư ước giải (diễn giải một số chương trong Tứ thư bằng chữ Nôm), Tứ thư văn tuyển (gồm 288 bài kinh nghĩa chọn lọc, đề tài lấy từ Luận Ngữ, dùng làm mẫu trong lối văn thi cử), Tứ truyện nghĩa tuyển (gồm những bài kinh nghĩa, đề tài lấy từ Tứ thư chọn từ các khoa thi của các trường dùng làm tài liệu tham khảo cho những người đi thi), Tiểu học Tứ thư tiết lược (trích một số đoạn lấy trong bộ Tứ thư)…
Về Ngũ kinh, có những quyển: Ngũ kinh loại thuyết (chép những bài văn sách, đề tài lấy trong Ngũ kinh), Ngũ kinh thí thiếp (426 bài thơ, đề tài lấy trong Ngũ kinh), Ngũ kinh tiết yếu (những điểm cốt yếu của Kinh Dịch, kinh Xuân Thu), Ngũ kinh tiết yếu diễn nghĩa (giải nghĩa bằng chữ Hán và chữ Nôm về Ngũ kinh), Ngũ kinh tinh nghĩa (chép những bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong kinh Xuân Thu , dùng làm mẫu cho người viết văn khoa cử), Ngũ kinh tinh nghĩa đoản thiên (chép 115 bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong Kinh Lễ, dùng làm mẫu cho người làm văn khoa cử), Ngũ kinh xuyến châu tự (giới thiệu ý nghĩa, mục đích và giá trị của Ngũ kinh).
Riêng Kinh thư có những quyển Thư kinh diễn nghĩa (dẫn giải và chú thích từng thiên, từng đoạn và từng câu văn trong Kinh Thư), Thư kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa (chú giải và diễn Nôm Kinh Thư), Thư kinh lược văn (tuyển những bài văn sách từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư), Thư kinh tiết yếu (tóm lược nội dung Kinh Thư, có chú thích và bình luận), Thư kinh tinh nghĩa (tuyển những bài kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư để làm tư liệu cho học sinh chuẩn bị đi thi), Thư lược vấn (tuyển 50 bài văn sách từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư để làm tư liệu cho học sinh chuẩn bị đi thi).
Kinh Xuân thu có các sách Xuân thu chế nghĩa (tuyển 64 bài kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Xuân thu để làm mẫu cho học sinh chuẩn bị đi thi), Xuân Thu diễn nghĩa (diễn Nôm, có chú thích, Kinh Xuân thu), Xuân Thu lược sao (nêu một số luận điểm của Kinh Xuân Thu), Xuân Thu lược văn (tuyển 46 bài văn kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Xuân thu để làm mẫu cho học sinh chuẩn bị đi thi), Xuân Thu nghĩa lệ tổng luận (bàn về ý nghĩa Kinh Xuân Thu)…
Bên cạnh Tứ thư, Ngũ kinh, các loại kinh truyện khác như Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung cũng được nhiều danh nho quan tâm chọn lọc, chú giải để phục vụ việc học tập. Đại học có sách Đại học tích nghĩa [Giảng giải Đại học]. Luận ngữ có sách Luận ngữ ngu án (chú thích lời của Khổng tử trong sách Luận ngữ), Luận ngữ tinh hoa ấu học (trích các câu chữ trong Luận ngữ để dạy trẻ em học chữ Hán), Luận ngữ tiết yếu (tóm tắt những điểm cốt yếu trong sách Luận ngữ), Luận ngữ tinh nghĩa (121 bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong sách Luận ngữ). Mạnh tử có quyển Sách Mạnh học bậc cao trung học giáo khoa (diễn Nôm sách Mạnh tử, có chú thích và lời bình). Trung dung có quyển Trung dung diễn ca (diễn Nôm 33 chương trong sách Trung dung), Trung dung giảng nghĩa (giải nghĩa 33 chương trong sách Trung dung, sau mỗi câu chữ Hán có kèm câu giải nghĩa bằng chữ Nôm), Trung dung thuyết ước (ghi tóm lược nội dung sách Trung dung), Trung học Ngũ kinh toát yếu (ghi tóm lược nội dung bộ Ngũ kinh).
Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), loại diễn giảng kinh truyện bao gồm cả những quyển sách dịch từ chữ Hán ra chữ Nôm như: Đại học giảng nghĩa (dịch Đại học ra chữ Nôm), Chu dịch quốc âm ca (giải nghĩa và dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm, diễn Nôm lời của 64 quẻ theo thể thơ lục bát), Thi Kinh giải âm (dịch từ các bộ Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm nhằm cải chính việc giáo dục), Luận ngữ diễn ca (dịch sách Luận ngữ thành thể Lục bát), Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa (dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm), Dịch kinh giảng nghĩa (dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm)…
3.3. Sách khoa học thường thức
Quy chế học tập thời phong kiến chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn, không định thời gian, không chia bộ môn; sách dùng để dạy học cũng không thống nhất. Do đường lối từ chương, khoa học, sách được dùng chính thức trong nhà trường, học tập chủ yếu là loại sách luân lý, kinh truyện hoặc văn chương. Sách khoa học thường thức không bắt buộc phải có trong học tập và thi cử. Sách liên quan đến khoa học, toán học, địa lý do từng thầy tìm dạy hoặc do học sinh tự tìm lấy mà đọc.
Xuất hiện sớm nhất về loại sách này là những quyển sách về địa chí Việt Nam như: An Nam chí lược (1339) của Lê Trắc, Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1806) của Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1833) của Phan Huy Chú; Địa lý tiết yếu của Lê Bá Đôn, Nam Quốc địa dư giáo khoa thư của Lương Trúc Đàm; một số sách địa chí vùng miền như: Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An; Hải Đông chí lược (1772) của Ngô Thì Nhậm; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Hưng Hóa xứ phong thổ lục (1778) của Hoàn Bình Chính… Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), mỗi nhà nho đi làm quan, dạy học ở một địa phương nào thường có ý thức soạn sách về địa phương đó. Các loại địa chí, huyện chí, tỉnh chí khá nhiều: Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Cao Bằng thực lục (1810) của Nguyễn Hựu Cung; Bắc Thành địa dư chí lục (1845) của Lê Chất; Hưng Hóa ký lược (1856) của Phạm Thận Duật; Cao Bằng tạp chí (1920) của Bế Huỳnh…
Về toán học, sớm nhất phải kể đến quyển Đại thành Toán pháp do Lương Thế Vinh biên soạn là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở Việt Nam (1463), được sử dụng làm sách dạy toán cho người Việt đến tận thế kỷ 19. Tiếp theo là quyển Lập thành toán pháp của Vũ Hữu, Chỉ minh toán pháp của Phan Huy Ôn, Di trai toán pháp của Nguyễn Hữu Thận, Bút toán chỉ nam của Nguyễn Cẩm, Chỉ minh lập thành toán pháp của Phan Huy Khuông, Cửu chương lập thành tính pháp (quyển sách toán in sớm nhất Việt Nam), Toán pháp quyển (Đỗ Đức Tộ), Thống tông toán pháp (Tạ Hữu Thường). Đại thành toán học chỉ minh (Phạm Gia Kỷ). Hiện trong thư tịch Hán Nôm Việt nam vẫn còn một số sách toán chưa rõ tên tác giả và năm biên soạn như: Cửu chương lập thành toán pháp, Cửu chương toán pháp lập thành, Đại thành toán học chỉ minh Đại thành toán pháp, Lập thành toán pháp, Thống tông toán pháp, Toán điền trừ cửu pháp, Toán học cách trí, Toán học để uẩn, Toán học tâm pháp, Toán pháp, Toán pháp kỳ diệu, Tổng tụ chư gia toán pháp đại toàn, Trùng đính Toán học chỉ nam tân biên, Ý Trai toán pháp nhất đắc lục, Toán học tâm pháp, Toán học để uẩn, Toán học cách trí, Toán điền trừ cửu pháp… (Tạ Duy Phương, 2020).
Trong mảng sách về khoa học thường thức, đáng chú ý là loại sách lịch sử cũng được viết khá nhiều. Theo Nguyễn Thị Hường (2012), khảo sát sách dạy lịch sử trong kho sách Hán Nôm tại Viện Hán Nôm lưu trữ đã có 186 văn bản liên quan đến sách lịch sử. Cũng theo Nguyễn Thị Hương, Ấu học Hán tự tân thư, Tiểu học quốc sử lược biên, Trung học Việt sử toát yếu có thể là ba cuốn sách tiêu biểu về loại sách dạy lịch sử của Việt Nam thời xưa. Cho đến nay, tuy chưa xác định được thời gian xuất hiện loại sách này nhưng trong thư tịch còn lưu trữ thì rất dễ nhận thấy những quyển sách nổi tiếng như: Quốc sử tiểu học (Phạm Đình Hổ), Việt sử tân ước toàn biên (Hoàng Đạo Thành), An Nam sơ lược sử học (Phan Văn Thụ). Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), có cả những quyển lịch sử Trung Quốc do người Việt biên soạn như: Tiểu học Bắc sử lược biên, Bắc sử tân ban toàn biên…
Đầu thế kỷ 20, phong trào Duy tân và nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục nỗ lực thực hành bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục, báo chí, tuyên truyền, cổ động. Nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã thành lập Ban Tu thư để biên soạn, dịch thuật các tài liệu học tập và tài liệu tuyên truyền. Để thay đổi lối học từ chương, khoa cử, Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng đưa vào giảng dạy các kiến thức tự nhiên, kỹ thuật cần thiết cho đời sống như: quan hệ giữa nước với dân, nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập, lòng yêu nước, bàn về cái hại của khoa cử, thuế khóa, pháp luật, chấn hưng thực nghiệp, máy móc, ích lợi của đại công nghiệp, tiền tệ…. Nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục tồn tại trong một thời gian khá ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều quyển sách có giá trị như: Văn minh Tân học sách, Luân lý giáo khoa, Quốc dân độc bản có nhiều nội dung về chấn hưng thực nghiệp, khoa học kỹ thuật.
3.4. Tập làm văn, ngôn ngữ, truyện ký
Nhà trường phong kiến với lối học từ chương, khoa cử; bài thi đều tuân theo các thể loại riêng, có quy tắc nhất định; kinh nghĩa, văn sách, chiếu, chế, biểu, thơ, phú… đều có phép hành văn nghiêm ngặt. Vì thế, những quyển sách hướng dẫn cho việc dạy và học là rất cần thiết. Sách tập làm văn là những quyển chuyên trình bày cách thức làm thơ, văn ở trong lúc học hay lúc đi thi với mục tiêu hướng dẫn lề lối học tập cho học sinh. Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), dạy làm văn chủ yếu thuộc loại sưu tầm. Những người dạy học thường thu thập những bài văn hay của các sĩ tử qua các kỳ thi, nhất là những bài nổi tiếng để làm khuôn mẫu cho người học sau học hỏi, bắt chước. Loại sách này xuất hiện từ thời Lê như quyển Lịch khoa tử lục (Tăng Cáp), Thiên Nam lịch khoa hội phủ tuyển (Lí Trần Quán), Hương thi văn tuyển… Các trường học cũng thường cho tập hợp bài của thầy giáo hoặc của những học sinh xuất sắc để làm văn mẫu. Ngày nay còn lưu truyền các trường Bái Dương của Ngô Thế Vinh, trường Nghi Am của Nhữ Bá Sĩ có loại sách này khá nổi tiếng. Riêng Ngô Thế Vinh đã viết nhiều quyển sách loại này như: Trúc Đường phú tập, Trúc Đường phú tuyển, Trúc Đường thi văn tập, Trúc Đường thi văn tập tuỳ bút, Trúc Đường thi văn thảo, Trúc Đường tuỳ bút.. (Trần Mỹ Giống, 2017). Nhữ Bá Sĩ cũng biên soạn một số quyển như: Đạm Trai thi khóa, Nghi Am học thức, Nghi Am biết lục… (Trần Văn Giáp, 2003). Trong kho tàng thư tịch cổ Hán Nôm hiện còn lưu giữ một số sách tập làm văn khá nổi tiếng như: Thi pháp tắc lệ (Nguyễn Hữu Lập), Tân thức luận thể (Phan Như Khuê), Khâm định đối sách chuẩn thẳng…
Về thể loại ngôn ngữ, người Việt Nam biên soạn những quyển sách dạy chữ Hán cho học sinh dễ nhớ, từng chữ một. Có quyển được sắp xếp theo kiểu từ điển. Quyển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa của tác giả Trần Xuân Ngọc Lan (có tài liệu viết là Trịnh Thị Ngọc Trúc) là cuốn cổ nhất trong lịch sử tiếng Việt. Nó được biên soạn vào năm Tân Tỵ giữa thế kỷ 15. Tiếp đó có sách Chỉ Nam quốc ngữ, Nhật tụng thường đàm, Tự học cầu tinh, Đại Nam quốc ngữ… là những quyển sách về thể loại ngôn ngữ khá nổi tiếng do người Việt biên soạn. Theo Vũ Ngọc Khánh (1985), loại sách này còn một số quyển từ vựng như Tam thiên tự, Thiên tự văn, Ngũ thiên tự, Nam phương danh vật bị khảo…
Về thể loại truyện ký, người Việt cũng có ý thức biên soạn những tấm gương sáng về học tập, thi cử hay đức hạnh để người học noi theo. Có những quyển ký sự luân lý như Nhị thập tứ hiếu (kể lại sự tích của những tấm gương hiếu thảo) do Lý Văn Phức viết, Tứ thập bát hiếu ký sự tân biên do Đặng Huy Trứ viết. Có những quyển sưu tầm sự tích của những người đỗ đạt như Khoa bảng tiêu kỳ, Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đăng khoa lục sưu giảng, Quốc triều hương khoa lục… là những bộ sách ghi lại các khoa thi Hội và danh sách những người đỗ đạt trong các khoa thi của nhà nước phong kiến.
4. Kết luận
Tìm hiểu kho tàng sách giáo khoa do người Việt biên soạn cho thấy một bức tranh khá sinh động về công việc viết sách của các danh Nho, người dạy học trong nhà trường phong kiến Việt Nam. Trước hết là số lượng không đến nỗi khiêm tốn, thể loại phong phú, trình độ đa dạng – từ bậc ấu học cho đến những thí sinh ứng thí tại các kỳ thi hội, thi đình. Đặc biệt là, phần lớn sách giáo khoa này được viết ra bởi các danh Nho, nhà giáo uy tín, có trình độ uyên thâm, có tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh nhà nước phong kiến chỉ công nhận các sách của Trung Quốc được sử dụng làm tài liệu chính thức trong nhà trường, những quyển sách do người Việt viết ra chưa bao giờ được sử dụng một cách chính quy mà chúng ta vẫn có được một kho tàng quý giá như vậy gợi mở một số vấn đề cần nghiên cứu. Một là, nhu cầu thực tế của việc tự viết sách để giảng dạy và học tập là một nhu yếu luôn có trong hoạt động giáo dục. Hai là, vấn đề sử dụng loại hình sách này như thế nào để khơi gợi, thúc đẩy, lan tỏa việc viết sách. Ba là khảo sát kỹ lưỡng kho tư liệu này có thể ẩn chứa trong đó những nhận thức, quan điểm giáo dục, phương pháp sư phạm thời xưa còn có ích cho hôm nay. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng gợi mở hướng nghiên cứu kinh nghiệm trong quản lý sách giáo khoa tham khảo trong nhà trường phổ thông hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Khắc Thuận (1996). Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm. NXB Khoa học Xã hội.
[2] Lê Văn Hưu và các tác giả (1998). Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn học.
[3] Nguyễn Đăng Tiến (1996). Lịch sử giáo dục Viet Nam trước cách mạng tháng tám 1945. NXB Khoa học Xã hội.
[4] Nguyễn Huệ Chi (1977). Thơ văn Lý Trần. Tập 2. NXB Khoa học Xã hội.
[5] Nguyễn Mạnh Hùng (2017). Những câu nói hay về sách và văn hóa đọc. NXB Lao Động.
[6] Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (1992). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. NXB Khoa học xã hội.
[7] Nguyễn Thị Hường (2012). Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. NXB Thế giới.
[8] Nguyễn Thị Thảo – Bạch Hào (2012). “Bùi Dương Lịch và Nghệ An ký”, in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 3). NXB Thanh Niên.
[9] Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3). NXB Khoa học xã hội.
[10] Tạ Duy Phương (2020). Những cuốn sách toán cổ xưa của người Việt. Tạp chí Tia sáng.
[11] Trần Mạnh Thường (2008). Các tác giả văn chương Việt Nam (tập 1). NXB Văn hoá thông tin.
[12] Trần Mỹ Giống (2017). Các nhà khoa bảng Nam Định (thời phong kiến). NXB Quân đội nhân dân.
[13] Trần Văn Giáp (2003). Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. NXB Khoa học xã hội.
[14] Trịnh Khắc Mạnh (2021). Thư tịch Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[15] Vũ Ngọc Khánh (1985). Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945. NXB Giáo dục.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 1(68)-2024
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sách giáo khoa do người Việt viết – khoảng trống cần tô đậm trong lịch sử giáo dục thời phong kiến (Tác giả: Phạm Văn Thịnh) |