Sinh hoạt thường nhật của các vua Nguyễn (II – Minh Mạng)

(Minh Mạng (1790-1840))

Tác giả bài viết: TÔN THẤT BÌNH biên soạn

     Theo tương truyền, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu nằm mơ thấy thần dâng một cái ấn ngọc đỏ như mặt trời, rồi sinh ra một hoàng nam, sau này lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mạng.

     Vua Minh Mạng là người nghiêm túc trong công việc. Ông lại có tính thận trọng. Những chương sớ trong ngoài dâng lên, nhà vua đều xem hết. Việc thường thời điện dụ cho các nha, nghị chỉ phê phát, việc quan trọng thời nghị soạn bối chỉ, hoặc giao bản thảo, hoặc châu phê.

     Luật pháp dưới triều Minh Mạng hẳn được thi hành một cách nghiêm trọng. Câu chuyện nhà vua ra lệnh chặt tay Nguyễn Đức Tuyên, tư vụ nội vụ ăn bớt nhựa thơm công quỹ để răn đe tham nhũng là một trường hợp điển hình. Đương thời nhà vua rất ưa sự thẳng thán. Trên các cổng ở lăng Minh Mạng, dòng chữ “Chính đại quang minh” thường xuất hiện ô chính giữa 4 cột.

     Nhà vua nghiêm nghị này, có lần phạt con trai mình vì tội gây ồn ào lúc vua đang đọc sách. Nguyên khi còn hoàng tử chưa xuất phủ, Miên Thẩm (sau này là Tùng Thiện Vương) ưa tổ chức diễn tuồng và thích tự đóng vai. Một hôm, mới hết canh hai Miên Thẩm đi nổi trống lên, giáp một lớp tuồng, có em là Miên Trinh (Tuy Lý Vương) cầm trống chầu.

     Đang say sưa trong lớp tuồng sinh động Miên Thẩm không nghỉ đến là vua Minh Mạng rất bực mình khi đang tập trung tư tưởng mà bị quấy phá. Nghe tiếng trống chầu, nhà vua sắc hỏi. Sáng hôm sau, Phủ Tôn Nhơn dâng phiến, phụng châu phê: “Khởi cổ ở trong thành mà không xin phép. Miên Thẩm phải phạt bổng 2 năm, và phải đống cửa 3 tháng luôn, không được dự triều hạ”.

     Phạt Miên Thẩm vì tội đánh trống tuồng trong đêm không xin phép, nhưng vua Minh Mạng cũng rất thích xem tuồng và có lúc đã viết một lớp tuồng. Nhân lễ Tứ tuần Đại khánh, Nguyễn Bá Nghi phụng chỉ soạn vở “Quần trân hiến thọ”, nhà vua đã tham gia viết một đoạn về nhân vật Táo Chúa.

     Nhà vua thường xem tuồng ở Duyệt Thị Đường trong Hoàng cung. Hai câu đối do chính nhà vua sáng tác cho ta thấy quan niệm của ông đối với nghệ thuật như thế nào:

     “Âm nhạc tịnh trần, hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí, nghiêm xuy tề hiến, thủ kỳ nhị nhi giới kỳ phi!”

     (Âm nhạc bày ra, hòa được lòng và dưỡng được chí. Tất cả bày biện, ta hãy tiếp những lẽ phải điều hay trong đó và nhìn những cái sai lầm để răn mình).

     Trong đời sống thường nhật, có lẽ vua Minh Mạng là người được hưởng nhiều thú vị nhất trong các vua triều Nguyễn. Vua có nhiều vợ, phần lớn là người miền Nam; như bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên nhân Hoàng hậu) là người Biên Hòa, con của Phước Quốc Công Hồ Văn Bôi, Hai vương phi sủng ái nhất là bà Hiền phi Ngô Thị Chính, con của chưởng cơ Ngô Văn Sở và bà Lê tân Nguyễn Gia Thị, con của phó vệ úy Nguyễn Gia Qúi. Hiền phi sinh được 4 Hoàng tử và 2 Công chúa, Bà Nguyễn Gia Thị sinh được 7 Hoàng tử và 3 Công chúa. Hai bà này thường hay xung đột nhau, bà Ngô Thị Chính cậy mình được vua yêu nên thường đánh ghen các bà khác làm vua Minh Mạng nhiều lúc cũng lâm vào tình trạng khó xử chẳng khác gì vua Gia Long vậy.

     Tương truyền bà Hiền phi thường nói với những người thân cận rằng: “Dù vua có yêu thương tôi bao nhiêu đi nữa thì khi từ biệt cõi trần, tôi cũng ra đi hai tay không mà thôi”. Vua Mình Mạng nghe được đến khi bà mất đã thân hành đến tận chỗ bà nằm, đem theo 2 nén vàng bảo kẻ phục dịch mở hai bàn tay ra, nhà vua để hai nén vàng vào rồi ngậm ngùi nói: “Đây, trẫm cho phi cái này để cho khỏi ra đi hai bàn tay không”.

     Vua Minh Mạng chỉ thọ đến 51 tuổi, nhưng có đến 142 người con, 78 trai, 64 gái.

     Theo thường lệ, mỗi đêm nhà vua chấm cho Thái giám gọi 5 bà vào hầu; mỗi canh một bà. Tương truyền nhà vua có phương thuốc “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” nên hiệu quả khá khả quan chăng? Sau đêm thấm nhuần ơn mưa móc của quân vương, Thái giám chuyển danh sách 5 bà ấy cho Tôn Nhơn Phủ, phủ này chuyển một danh sách khác cho Quốc sử quán, như vậy để sau này vào ngày mãn nguyệt khai hoa, xem thử từ ngày vua đòi đến kỳ sinh nở có đúng ngày đúng tháng không.

     Khi vua nghi ngơi cũng có 5 bà hầu hạ: một bà vấn thuốc, têm trầu sẵn, một bà đắm bóp, một bà hát ru và một bà chực sân để chờ khỉ vua thức dậy, cần sai bảo việc gì thì phải làm ngay.

TÔN THẤT BÌNH

     Vua Minh Mạng trọng những tiến bộ khoa học kỹ thuật phương Tây. Một quan người Pháp Philippi Vannier (có tên Vỉệt là Nguyễn Văn Chấn) có dâng hai thước đồng Thái Tây tên là đồng nhật khuy, chưa ai biết được phép dùng thế nào. Nhà vua thường khảo sát, tìm tòi cách sử dụng trong những khỉ thong thả; khi đã hiểu được cách dùng mới bảo Phan Huy Thực và Nguyễn Danh Bi rằng: Thước đồng này bằng, nghiêng, cao, thấp phân biệt độ số, gần thời đo được núi non, xa thời xem được trời đất, phép tài lắm”, nhân mới chỉ bảo rõ ràng, khiến tự suy nghiệm.

     Sách ”Quốc triều chánk biên” có chép một đoạn về sự lưu tâm khoa bọc kỹ thuật Tây phương áp dụng vào trong nước của vua Minh Mạng như sau:

     “Tháng 4, ngài ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước khiến sở võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đưòng vỡ nồi nước, máy không chạy, người Đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân vì cớ tâu không thiệt, đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗí người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng phi long hạng lớn; đốc công và binh tướng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”.

     Xem vậy, vua Minh Mạng là người tiến bộ, tuy nghiêm khắc trong công việc, nhưng không đến nổi tàn ác như giai thoại kể rằng nhà vua đă ra lệnh giết một cung phi ngay khi biết được nàng đã hôn mình do 5 năm hầu vua mà vua chẳng đoái hoài đến!

     Nếu nhà vua là người nhẫn tâm thì chẳng có câu chuyện nhà vua đặt trong tay bà Hiền phi 2 lạng vàng chỉ do một lời nói thông thường của bà trong câu chuỵện thường nhật với các người thân cận, chứ không trực tiếp nói với nhà vua.

NguồnĐời sống cung đình triều Nguyễn, (Tôn Thất Bình biên soạn),
NXB Thuận Hóa, năm 1993

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sinh hoạt thường nhật của các vua Nguyễn (II – Minh Mạng) – Tác giả: Tôn Thất Bình biên soạn