So sánh biểu tượng “Hổ” trong thành ngữ của Trung Quốc và Việt Nam

Tác giả bài viết: LƯƠNG VÂN HUY* , NGUYỄN THỊ XUÂN**
(*,** Khoa Đông phương học, Đại học Lạc Hồng, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Ý nghĩa được biểu thị trong thành ngữ là sự đúc kết của một đất nước, một nền văn hoá của dân tộc và cũng là sự kết tinh của trí tuệ. Thông qua một thành ngữ, chúng ta có thể hiểu được sâu sắc hơn về văn hoá mà nó chứa đựng, chúng ta cũng có thể tìm hiểu về nền tảng văn hoá, lối suy nghĩ và lối sống của một quốc gia, một dân tộc thông qua một số câu thành ngữ. Việc nghiên cứu so sánh biểu tượng “hổ” trong thành ngữ của Trung Quốc và Việt Nam làm đề tài nghiên cứu, mong rằng thông qua nghiên cứu này giúp các bạn học tiếng Trung sẽ hiểu rõ hơn về văn hoá Trung Quốc thông qua hình tượng “hổ”.

Từ khóa: Tiếng Việt, Tiếng Trung, Hổ, Thành Ngữ.

ABSTRACT

     The meaning expressed in idioms is the synthesis of a country, a culture of the nation and the crystallization of wisdom as well. Through an idiom, we can understand more deeply about the culture it contains, we can also learn about the cultural background, way of thinking and way of life of a country or people. The study and comparison of the “tiger” symbol in Chinese and Vietnamese idioms is a research topic. Hopefully, through this study, Chinese learners will have a better understanding about Chinese culture through the image of “tiger”.

Keywords: Vietnamese, Chinese, Tiger, Idiom.

x
x x

1. Lý do chọn đề tài

     Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước sống bên nhau, từ xưa đã có tình cảm tương thân, học hỏi lẫn nhau. Mặc dù ngôn ngữ của hai quốc gia không giống nhau nhưng lại có nhiều mối liên hệ và nét tương đồng giữa lịch sử và văn hóa. Hiện nay, việc giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều người. Những nét đặc sắc của văn hóa thể hiện ở việc biểu đạt và truyền bá ngôn ngữ. Thành ngữ là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong ngôn ngữ của hai quốc gia, thành ngữ đã phản ánh những thay đổi trong tư tưởng, tình cảm và trái tim của nhân dân hai nước. Thành ngữ chủ yếu xuất phát từ đặc điểm chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, môi trường địa lý và điều kiện sống của mỗi quốc gia, dân tộc. Thành ngữ là bộ phận quan trọng của từ vựng ngôn ngữ, thành ngữ bao gồm các từ hoặc cụm từ. Thành ngữ có tính cố định và tính đặc biệt trong việc sử dụng, vì vậy các nhà ngôn ngữ học luôn coi thành ngữ là một bộ phận đặc biệt của từ vựng. Mặc dù trong một câu thành ngữ chỉ có vài từ, nhưng nó có thể phản ánh tương đối rõ nội hàm văn hóa và những nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Trong tiếng Hán và tiếng Việt có khá nhiều thành ngữ, thành ngữ không chỉ có đề tài phong phú, giàu tính triết lí mà còn gợi tả tình cảm chân thực, biểu đạt nhiều khía cạnh.

     Nền văn hóa của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, vị trí địa lí của hai nước đều tiếp giáp với nhau. Chính vì vậy, ngày nay càng nhiều người Trung Quốc học tiếng Việt và số lượng người Việt Nam học tiếng Trung Quốc ngày càng tăng lên. Một yếu tố quan trọng để có thể học tốt ngoại ngữ đó là nắm vững văn hóa quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó.

     Nền văn hóa của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, nhưng cũng tồn tại ít nhiều điểm khác biệt. Trong hai con vật “rồng” và “hổ” thì “rồng” là con vật linh thiêng do người xưa do người xưa tưởng tượng ra. Từ thời xa xưa đến nay, con người đã đặt tâm tư, nguyện vọng của mình vào con “rồng”. Trong văn hóa của người Trung Quốc và Việt Nam, mọi người đều biết rằng “rồng” là một con vật hư cấu, nhưng trong tâm thức của mọi người, “rồng” là một con vật cao quý và thiêng liêng. Ở Trung Quốc và Việt Nam đều có tục thờ rồng, nhưng mức độ thờ cúng khác nhau.

     Không giống như “rồng”, “hổ” là loài động vật có thực. Nhắc đến “hổ” chúng ta đều biết “hổ” là loài mãnh thú thuộc họ mèo được mệnh danh là chúa sơn lâm, chúa tể của muôn loài. Hổ là hình ảnh tượng trưng của văn hóa Phương Đông. Trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều tác phẩm văn học có liên quan đến loài “hổ”, trong các tác phẩm này miêu tả tới sự dũng mãnh, quyền uy, sức mạnh của loài hổ và sự hung ác tàn bạo của loài hổ. Ngoài những hình ảnh đó, hình ảnh con hổ còn được dùng để làm hình tượng, tiêu chí, hình ảnh quảng cáo trong một số lĩnh vực. Từ đó cho thấy hình tượng con hổ có liên quan mật thiết tới đời sống của con người, đặc biệt là thành ngữ tục ngữ về loài hổ được thông qua truyền miệng từ đời này sang đời khác. Hổ đều là vật thờ tổ của hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Do đó, trong quá trình phát triển và tiến hóa lịch sử của tiếng Hán và tiếng Việt, có tương đối nhiều thành ngữ có chứa từ “hổ” được sáng tác để phản ánh các quan niệm và nội hàm văn hóa khác nhau của các nền văn hóa.

     Bởi vì loại hình thờ cúng “hổ” và tầm quan trọng của văn hóa ở Trung Quốc và Việt Nam, thông qua các thành ngữ có chứ từ “hổ” trong tiếng Hán và tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của hai quốc gia. Việc nắm vững các thành ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho người Việt học tiếng Trung và người Trung Quốc học tiếng Việt. Trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình, tác giả cũng thấy có ít bài báo viết về các thành ngữ có chứa từ “hổ”. Qua bài báo này, tác giả cung cấp cho người đọc tài liệu tham khảo, hy vọng sẽ giúp người đọc nắm vững nội hàm văn hóa của các thành ngữ Hán Việt có chứ từ “hổ”. Vì những lí do trên, tác giả quyết định chọn nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ Hán-Việt có chứa từ “hổ” làm đề tài nghiên cứu.

2. Mục tiêu nghiên cứu

     Phân tích ý nghĩa tích cực và tiêu cực hình ảnh của “hổ” trong thành ngữ của Việt Nam, Trung Quốc. Tác giả thông qua thu thập mọi tư liệu, tài liệu về loài hổ viết rồi tiến hành nghiên cứu phân tích, so sánh những điểm giống và khác nhau trong nội hàm văn hóa được phản qua thành ngữ có chứa từ “hổ” trong hai ngôn ngữ.

3. Phương pháp nghiên cứu

     Để thực hiện đề tài này, tác giả đã tập trung sử dụng các phương pháp sau đây:

     Phương pháp nghiên cứu tài liệu: bằng cách đọc, phân tích và sắp xếp các tài liệu có liên quan về các thành ngữ Hán Việt có chứa từ “hổ” và tìm ra các tài liệu lịch sử có liên quan.

     Phương pháp thống kê: tác giả thống kê ra những thành ngữ có chứa “hổ” trong tiếng Trung và tiếng Việt.

     Phương pháp phân tích so sánh: thông qua việc phân tích so sánh các tài liệu đã tìm, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt, sau đó tìm ra nguyên nhân của sự khác nhau trong thành ngữ có chứa “hổ” của hai nước.

4. Tổng quan tình hình nghiên cứu

     4.1 Tình hình nghiên cứu trong nước

     Ở Việt Nam, những nghiên cứu về thành ngữ có liên quan tới động vật phải kể đến: bài nghiên cứu “Sự khác nhau về nội hàm văn hoá của hai từ rồng (龙, Dragon) và chó (狗, Dog) trong ngôn ngữ Việt-Hán-Anh” của tác giả Liêu Linh Chuyên năm 2014, tác giả đã nghiên cứu những nét tương đồng và những nét dị biệt trong cách tri nhận về “rồng” và “chó”. Đồng thời kết quả của bài nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra kết quả giúp độc giả đã hiểu được cách tri nhận về “rồng” và “chó” mang những ý nghĩa khác nhau của các dân tộc [2].

     Trong công trình “so sánh hàm nghĩa văn hoá các từ chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt” của tác giả Trịnh Thị Thanh Huệ năm 2007. Tác giả đã phân tích, so sánh và đối chiếu hàm nghĩa văn hoá trong hai ngôn ngữ Hán và Việt. Kết quả nghiên cứu so sánh đối chiếu đã giúp cho độc giả thấy được những sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm văn hoá giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.

      Bài nghiên cứu “Từ ngữ chỉ tên gọi các loài cá và tôm trong ca dao tục ngữ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Hoa năm 2010, tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu những từ ngữ chỉ tên gọi loài tôm, loài cá được dùng trong ca dao và tục ngữ Việt Nam. Kết quả của bài nghiên cứu đã giúp cho độc giả hiểu được và có cái nhìn mới lạ về hình ảnh con cá và con tôm trong ca dao tục ngữ của Việt Nam. Bài viết “Biểu trưng ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt (trên cứ liệu thành ngữ có yếu tố chỉ tên gọi động vật)” của tác giả Trịnh Cẩm Lan năm 2009, tác giả đã thể hiện sự phê phán và chê bai một cách khéo léo về con người thông qua việc mượn hình ảnh và thuộc tính của các loài động vật như: voi, hổ, diều hâu, chào mào,…

     Trong bài viết “Hình ảnh con trâu trong thành ngữ tục ngữ và ca dao Việt Nam” của tác giả Hà Quang Năng năm 1997. Qua bài viết, tác giả đã phản ánh phong tục tập quán, quan niệm, điều kiện lịch sử và hoàn cảnh sống của dân tộc Việt Nam trước đây. Hơn nữa, tác giả đã thống kê được hơn 60 tục ngữ, 30 thành ngữ và có một số bài ca dao có chứ hình ảnh con “trâu”.

     Trong công trình “Thế giới động vật trong thành ngữ tiếng Việt” của tác giả Đỗ Thị Thu Hương năm 2017, tác giả đã nghiên cứu và thống kê ra được 95 loài động vật có trong thành ngữ tiếng Việt. Tác giả đã cho độc giả thấy rằng hình ảnh của các loài động vật trong thành ngữ tiếng Việt rất phong phú và đa dạng. Các công trình vừa được nhắc tới bên trên, các tác giả đã vận dụng các lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận để ứng dụng vào những phạm trù khác nhau được thể hiện qua thành ngữ.

     4.2 Tình hình nghiên cứu ngoài nước

     Ở nước ngoài, những nghiên cứu về thành ngữ có liên quan tới động vật phải kể đến: bài viết “中国关于虎的民俗” (Văn hoá dân gian của Trung Quốc về loài hổ) của tác giả 徐春茂 (Từ Xuân Mậu), tác giả đã tập trung phân tích và giới thiệu văn hoá dân gian về loài “hổ” của Trung Quốc. Bài báo “关于跟狗有关的汉越成语对比” (So sánh biểu tượng con chó trong thành ngữ của Việt Nam và Trung Quốc) của tác giả 阮有胜 (Nguyễn Hữu Thăng), tác giả đã thông qua hình ảnh của “chó” của hai quốc gia để nói về đạo đức, hành động, hiện tượng xã hội, tình yêu và gia đình, tác giả cũng giúp người đọc thấy được sự giống nhau và khác nhau về biểu tượng “chó” trong thành ngữ của hai quốc gia.

     Bài viết “汉越成语中动物词语“马”的文化意义对比分析” (Phân tích và so sánh ý nghĩa văn hoá của thành ngữ có chứa từ “ngựa” trong tiếng Hán-Việt) của tác giả 武兴 (Vũ Hưng), tác giả đã so sánh, phân tích và đối chiếu ý nghĩa văn hoá của thành ngữ có chứa “ngựa” trong hai quốc gia, đồng thời tác giả đã thông qua hình ảnh con “ngựa” để nói về các ý nghĩa văn hoá như con người, quân sự, trạng thái, tư tưởng và bối cảnh. Công trình “汉越生肖词语对比研究” (Nghiên cứu đối chiếu từ ngữ chỉ con giáp trong tiếng Hán và Việt) của tác giả 裴氏恒娥 (Bùi Thị Hằng Nga) năm 2015, tác giả là người Việt Nam và là nghiên cứu sinh tại Trung Quốc, trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của lớp từ 12 con giáp trong tiếng Hán và Việt bằng các phương pháp như so sánh đối chiếu, thông qua khảo sát và phân tích. Luận án tiến sĩ “中英动物词文化对比研究” (Nghiên cứu đối chiếu văn hoá từ ngữ chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Anh) của tác giả 郝丽 (Hách Lệ) năm 2010, tác giả đã thống kê và thu thập những từ ngữ chỉ động vật, cùng là một loài vật giống nhau, nhưng về mặt văn hoá và giá trị ngữ nghĩa của hai ngôn ngữ thì đều khác nhau hoàn toàn, tác giả đã giúp người đọc thấy được những điểm tương đồng và khác biệt về văn hoá thông qua các từ ngữ chỉ con vật trong hai ngôn ngữ Hán và Anh. Tiếp theo là công trình “汉语动物词语之的国俗语义研究” (Nghiên cứu ngữ nghĩa đất nước học của từ ngữ chỉ động vật trong tiếng Hán) của tác giả 李月松 (Lý Nguyệt Tùng) năm 2008, tác giả đã cho người đọc thấy rằng ngữ nghĩa đất nước học của từ ngữ chỉ động vật trong tiếng Hán phản ánh rất rõ nét đặc trưng về tư duy và quan niệm luân lý truyền thống của người Trung Quốc.

     Tương tự như vậy, đề tài nghiên cứu “汉越动物成语比较研究” (Nghiên cứu so sánh đối chiếu thành ngữ có yếu tố chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt) của tác giả 阮氏青香 (Nguyễn Thị Thanh Hương) năm 2011. Đề tài nghiên cứu “汉语动物成语问题研究” (Nghiên cứu thành ngữ có yếu tố chỉ động vật trong tiếng Hán) của tác giả 房培 (Phòng Bồi) năm 2007.

5. Biểu tượng của “Hổ” trong thành ngữ Trung Quốc

     Ở Trung Quốc, tục thờ “hổ” cũng là một hiện tượng văn hóa vô cùng quan trọng. Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Trung Quốc, cũng có rất nhiều động vật có thật, nhưng trong đó, tục thờ “hổ” quan trọng nhất. Trong văn hóa Trung Quốc, “hổ” là một loài vật có thực, được tôn lên ngang hàng với rồng. Sở dĩ người Trung Quốc họ tôn thờ và sùng bái “hổ” là vì hổ có bản lĩnh, sức mạnh và uy quyền. Cùng với sự phát triền của thời đại, cho đến nay, nhiều người Trung Quốc vẫn còn thờ “hổ”, trong suy nghĩ của họ thì “hổ” và “rồng” có vị trí quan trọng như nhau. Vì thế, trong văn hóa Trung Quốc, có rất nhiều thành ngữ có chứa từ “hổ” đã phản ánh rất nhiều nội dung về văn hóa.

     5.1 Biểu tượng của “hổ” mang ý nghĩa tích cực trong thành ngữ Trung Quốc

     Khi nhắc đến hổ của Trung Quốc, không thể không nhắc đến việc hổ là biểu tượng của các bậc đế vương. Người Trung Quốc họ quan niệm rằng, những vết sọc trên trán của hổ liên tưởng đến chữ 王 (vương), theo tiếng Trung có nghĩa là vua. “Hổ” được coi là vị vua của muôn thú, là chúa sơn lâm, nên các vị vua Trung Quốc so sánh mình với hổ, hy vọng bản thân mình có thể bản lĩnh như hổ và có thể cai trị lãnh thổ của mình như hổ cai trị rừng. Cho nên chữ “王”vua cũng bắt nguồn từ đây. Người Trung Quốc coi hổ là chúa sơn lâm. Do đó, cũng có ít câu thành ngữ có từ “hổ” có thể phản ánh được nội dung này, ví dụ: “一山不藏二虎” câu thành ngữ này có nghĩa là một núi không thể có 2 hổ, cũng như một
nước không thể có 2 vua [4].

     “Hổ” ngoài biểu tượng là các bậc đế vương, “hổ” còn là biểu tượng của quyền uy và sức mạnh. Trong tiềm thức của người Trung Quốc, “hổ” là một ác thú và nó hung dữ bậc nhất trong 12 con giáp. “Hổ” là con vật hội đủ các đức tính như: hiên ngang, dũng cảm, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Chính nhờ những đức tính đó mà nó trở thành biểu tượng của quyền uy và sức mạnh. Mỗi vị vua đều oai phong lẫm liệt, khiến cho dân phải thần phục và tôn thờ giống như tôn thờ “hổ”. Có câu thành ngữ“龙行虎步”long hành hổ bộ, câu thành ngữ này mô tả dáng vẻ hơn hẳn người thường của bậc đế vương, bậc tướng lĩnh, ngoài ra nó còn miêu tả dáng vẻ hiên ngang; diện mạo oai hùng của họ. Trong thành ngữ Trung Quốc, có rất nhiều thành ngữ chứa từ “hổ” để nói về điều này, ví dụ:“龙腾虎跃”rồng cuốn hổ chồm (chỉ chỗ đất hiểm yếu hay một địa điểm chiến lược),“龙争虎斗”long tranh hổ đấu (ám chỉ những trận đấu của các vị anh hùng hào kiệt có chí khí ngút trời, là những trận đấu so tài năng giữa những người này, thông thường là trao đổi võ học hoặc khiêu chiến sinh tử với nhau), “龙潭虎穴” long đàm hổ huyệt (chỉ những vùng hang ổ nguy hiểm, chất chứa nhiều nguy hiểm mà con người không thể lường trước được) ,“卧虎藏龙” ngọa hổ tàng long (chỉ con hổ đang nằm và con rồng ẩn náu, khi đó sẽ không ai biết con “hổ” dữ tợn thế nào và con “rồng” có sức mạnh ra sao, cụ thể hơn là chỉ những người tài vẫn chưa được phát hiện tài năng vốn có hoặc những người có tài nhưng lại giấu tài, không muốn cho người khác biết)… từ những thành ngữ này, chúng ta có thể thấy rằng: thông thường biểu tượng của “hổ” được dùng để mô tả sự uy nghiêm và quyền lực đều xuất hiện biểu tượng của “rồng”. Hình tượng “hổ” trong truyền thống văn hóa Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng, nó chỉ đứng sau “rồng”. Trong Chu dịch – Càn quái văn có ghi: “Mây từ rồng, gió từ hổ”, rồng bay lên trời, hổ đi dưới đất, hổ và rồng là nét đặc sắc của văn hóa phong tục dân tộc có sức sống vô cùng mãnh liệt, “rồng” và “hổ” kết hợp với nhau tạo thành biểu tượng của thịnh vượng và cát tường. Người xưa cũng sáng tác những câu thành ngữ để thể hiện tinh thần và khí thế hào hùng của dân tộc Trung Hoa, ví dụ: “long đằng hổ dược”, “sinh long hoạt hổ”. Hơn nữa, văn hóa “long-hổ” đã thấm sâu vào y học, nghệ thuật, chính trị và quân sự của Trung Quốc.

     Bên cạnh đó, “hổ” còn tượng trưng cho lòng dũng cảm và kiên cường của người lính. Ở Trung Quốc cổ đại, dấu hiệu để điều binh hồi xưa được gọi là “虎符”- hổ phù, là tín vật của các vị vua cổ đại ban quyền lực quân sự trao cho tướng lĩnh mệnh đi tham chiến, nếu không có hổ phù thì thống soái không có quyền điều binh khiển tướng. “Hổ” là chúa sơn lâm, nói đến rừng là nghĩ ngay tới vị vua – “hổ”. Trong chiến tranh, “hổ” tượng trưng cho sức mạnh uy quyền của vị tướng quân dũng mãnh, can trường, rất được các binh lính tôn kính. Trong tiếng Hán có tương đối nhiều câu thành ngữ như vậy, ví dụ: “虎视眈眈”hổ thị đam đam – nhìn chằm chằm như hổ đói,“如狼似虎”như lang tựa hổ (hung dữ như hổ và sói, hung bạo và tàn nhẫn),“调虎离山”điệu hổ ly sơn (lừa cho hổ ra khỏi núi, ngụ ý rủ người khác ra khỏi vị trí ẩn nấp thuận lợi để dễ bề tấn công), “虎口余生” thoát khỏi miệng hùm (thoát khỏi những tai hại),“不入虎穴焉得虎子” không vào hang hùm sao bắt được cọp con (chỉ người phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó), “龍精虎猛”long tinh hổ mãnh (chỉ tinh lực dồi dào và ý chí chiến đấu sôi sục),“龙骧虎步” long tương hổ bộ (chỉ khí phách hùng tráng và quyền thế),… Thành ngữ “龙精虎猛”long tinh hổ mãnh (mô tả lên tinh lực dồi dào và ý chí chiến đấu sục sôi).

     “Hổ”, ngoài tượng trưng cho các vị vua các vị tướng lĩnh, quân đội, các lực lượng quân sự, “hổ” còn tượng trưng cho địa vị tối cao. Vì hình tượng bên ngoài của loài “hổ” dũng mãnh, uy nghiêm, nên người ta cho rằng “hổ” có địa vị cao quý giữa muôn loài. Vì thế, có rất nhiều câu thành ngữ mượn hình ảnh của “hổ” để nói lên vị thế của con người, mô tả những vị anh hùng hào kiệt, ví dụ: “人中龙虎”nhân trung long hổ (dùng để mô tả một người hào kiệt),“猛虎出山”mãnh hổ xuất sơn (mô tả hành động dũng cảm và nhanh nhạy giống như hổ dữ từ trong rừng ra), “豹头环眼” báo đầu hoàn nhãn (đầu beo mắt hình vành khuyên, ví dáng người oai vệ dũng mãnh) [7]

     Trong văn hóa Trung Quốc, hổ còn tượng trưng cho sức mạnh và tượng trưng cho hình ảnh tràn đầy sức sống. Cũng chính vì những đặc tính ưu việt của loài “hổ”, cho nên người Trung Quốc rất sùng kính và tôn thờ “hổ”. Thành ngữ của Trung Quốc cũng mượn rất nhiều hình ảnh của “hổ” để nói lên sức sống tràn đầy của con người, ví dụ: “虎背熊腰” mình hổ thân gấu (chỉ người cao to lực lưỡng, khỏe mạnh), “虎头虎脑”hổ đầu hổ não (đầu hổ não hổ, khỏe mạnh kháu khỉnh, thường chỉ trẻ em), “虎腾虎跃” rồng bay hổ chồm (chỉ khí thế mạnh mẽ). “虎背熊腰” hổ bối hùng yêu (lưng hổ eo gấu, cao lớn vạm vỡ) [9].

     “Hổ” cũng là biểu tượng của sự may mắn, đồng thời “hổ” còn được tôn sùng là linh vật. Trong tiếng Hoa, chỉ có “chuột” và “hổ” mới được gọi bằng một cái tên cung kính là có chữ “老” đứng trước, như: 老鼠、老虎. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc thường dùng “hổ” để nói về những nhân vật xuất chúng và những người mạnh mẽ còn trẻ tuổi thường được mọi người gọi là “những con hổ nhỏ” để thể hiện sự kì vọng của mọi người.

     5.2 Biểu tượng của “Hổ” mang ý nghĩa tiêu cực trong thành ngữ Trung Quốc

     Chuyện gì cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Trong suy nghĩ của người Trung Quốc, hình ảnh “hổ” cũng có mang ý nghĩa tiêu cực. Mặc dù “hổ” có bản lĩnh, sức mạnh, nhưng khi nhắc đến “hổ”, họ cũng có những hình ảnh tiêu cực xuất hiện trong suy nghĩ. “Hổ” tượng trưng cho kẻ thù độc ác và hung dữ. Chúng ta đều biết “hổ” là vua của muôn loài mãnh thú. Nói đến “hổ”, họ sẽ nghĩ tới những cuộc giao chiến giữa các loài muôn thú, sẽ thấy được hình ảnh của “hổ” dũng mãnh và đáng sợ. “Hổ” đại diện cho sự độc ác và hung hãn, chủ yếu ở 2 mặt: (1) tính hung hãn của “hổ”, (2) nỗi sợ hãi của con người đối với loài “hổ”. Người ta thường nói bản tính loài hổ thường hung hãn là bởi vì hổ là thợ săn phục kích, “hổ” rất giỏi tấn công, nhanh nhạy, thành thạo về kỹ năng săn mồi, thuần thục về kỹ thuật chiến đấu. Con người đã sáng tác ra rất nhiều câu thành ngữ có liên quan tới những đặc tính của loài “hổ”, ví dụ: “饿虎擒羊”,như hổ vồ dê, “饿虎扑食” nhanh như hổ đói vồ mồi (ẩn dụ hình ảnh hung bạo và nhanh chóng)… con người thường có cảm giác sợ “hổ” bởi vì bản tính hung dữ và nhanh nhẹn của nó. Người ta cũng mượn những đặc tính của loài “hổ” để ví những vị anh hùng hào kiệt, ngoài ra còn dùng để miêu tả những người quá hung dữ và ghê gớm, khiến cho người khác có cảm giác sợ hãi. Ví dụ: “放虎归山” thả hổ về rừng (ám chỉ việc gián tiếp vô tình gây hại cho một xã hội hoặc môi trường sinh sống ở đó), “为虎添翼” chắp cánh cho hổ, nối giáo cho giặc (ví hành động tiếp tay cho giặc, hoặc giúp đỡ, khuyến khích người có hành động sai trái). “饿虎饥鹰” ngạ hổ cơ ưng (hổ đói ưng đói, ưng và hổ đói khát thì việc gì cũng có thể làm, ví với người tham lam hung ác).

     Thành ngữ có chứa từ “hổ” còn tượng trưng cho những tình huống và hoàn cảnh nguy hiểm. Ý nghĩa này xuất phát từ những bộ phận tấn công đối phương cực kì ghê gớm và nguy hiểm trên cơ thể của “hổ”, chẳng hạn như móng vuốt, miệng, đuôi,… Ngoài ra, nó còn xuất phát từ ảnh hưởng của việc loài hổ tấn công và làm hại con người, do đó đã tạo ra một cảm giác sợ hãi cho con người. Thứ hai, “hổ” luôn khiến cho người khác có cảm giác “hổ” sẽ tấn công và ăn thịt mình. “Hổ” rất hung hãn và dữ dằn, mọi người thường không tiếp xúc hoặc lại gần với “hổ” để tránh gặp phải những điều đáng tiếc sẽ xảy ra. Đối với con người, tiếp xúc với “hổ” là một điều gì đó rất đáng sợ. Trung Quốc cũng có rất nhiều câu thành ngữ nói về ý nghĩa này, ví dụ: “握蛇骑虎”ác xà kị hổ (cầm rắn cưỡi hổ, ví hoàn cảnh nguy hiểm), “骑虎难下” đâm lao phải theo lao (chỉ việc đã làm thì phải làm theo tới cùng dù cho có thành bại đi chăng nữa), “撩虎须” vuốt râu hùm (ám chỉ việc dại dột, chọc tức người có quyền lực)…

6. Biểu tượng của “hổ” trong thành ngữ Việt Nam

    “Hổ” từ lâu đã giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam. Ngoài tên thường gọi là “hổ”, nó còn có một số tên gọi khác như sau: Khái, Hùm, Kễnh… “Hổ” được gọi với nhiều tên như thế là sở dĩ con người rất sợ loài thú này. Bởi vì sợ “hổ”, nên thời xưa khi người dân vào rừng đốt than lấy củi, họ thường lập miếu để thờ “hổ”, và gọi “hổ” với cái tên là “chúa sơn lâm”. “Hổ” là loài thú có sức mạnh tự nhiên, táo bạo và liều lĩnh nên được các loài vật tôn “hổ” là chúa của rừng núi. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam coi hổ là loài vật linh thiêng, họ quan niệm rằng: “hổ” có thể giúp con người xua đuổi vận đen, giúp người dân diệt trừ tai họa, hơn nữa còn có thể ngăn ngừa tà ma. Cái nhìn dân gian Việt Nam về “hổ” được thể hiện qua cách gọi tên, thể hiện qua các thành ngữ, những câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn… Cũng giống như hổ của Trung Quốc, “hổ” của Việt Nam cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực.

     6.1 Biểu tượng của “Hổ” mang ý nghĩa tích cực trong thành ngữ Việt Nam

     Biểu tượng “hổ” của Việt Nam cũng giống với Trung Quốc, “hổ” cũng tượng trưng cho hình ảnh của vua, biểu tượng của quyền uy và sức mạnh. Người Trung Quốc họ ví “hổ” với vua vì những vết sọc trên trán của hổ có chữ “王 ”vương, người Việt cũng dùng hình ảnh “hổ” để tượng trưng cho vua, nhưng không phải vì chữ “王”trên trán của “hổ”, là bởi vì “hổ” dũng mãnh và uy lực. Nhắc đến “hổ”, mọi người sẽ liên tưởng ngay tới một hình ảnh bất khuất và kiên cường. “Hổ” gầm khiến ai ai cũng phải khiếp sợ, không dám lại gần. “Hổ” là chúa sơn lâm, cho nên bất kì động vật nào trong rừng cũng không bao giờ dám đọ sức với “hổ”. Sự oai phong của hổ trong rừng cũng giống như quyền uy của mỗi vị vua trên đất nước của mình. Khi nhà vua ban hành mệnh lệnh, thì bất kể một người dân thường nào cũng không dám chống lại. Trong thành ngữ Việt Nam, có một số câu thành ngữ lấy hình ảnh của vua để miêu tả “hổ”, ví dụ:“跟皇帝交朋友如跟虎开玩笑”làm bạn với vua như đùa với hổ, nghĩa đen của câu thành ngữ này là: vua là một người có quyền uy, là người nắm giữ tất cả các quyền lực tối cao, cho nên có thể kết thân với vua là một điều may mắn, nhưng việc ở bên vua rất dễ gặp nguy hiểm, chỉ cần hơi sơ ý một chút cũng có thể bị mất mạng. Cũng giống như động vật, không một con vật nào dám lại gần và tiếp xúc với “hổ”, bởi vì chúng biết “hổ” sẽ biến chúng thành một bữa ăn bất cứ lúc nào. Nghĩa bóng của câu thành ngữ này là đối với những mối nguy tiềm tàng đó, tốt nhất là chúng ta không nên lại gần.

     Ở Việt Nam, “hổ” còn tượng trưng cho sức mạnh. “Hổ” là chúa sơn lâm, là chúa tể của rừng núi, vua của muôn loài… “hổ” là dã thú có sức mạnh, là động vật tinh khôn, to khỏe và nhanh nhẹn, hung dữ, dám đối địch nhiều thú to khỏe khác cùng với tiếng gầm rống rung chuyển núi rừng gây khiếp đảm cho muôn loài, Việt Nam có rất nhiều câu thành ngữ lấy hình ảnh của “hổ” để mô tả, ví dụ: “勇猛如虎”mạnh như hổ, thành ngữ này không chỉ vỏn vẹn ba chữ “mạnh như hổ”, mà câu thành ngữ đã ví von để nhấn mạnh sức mạnh của loài “hổ”, có sức mạnh to lớn, không một ai chống lại được. Khi nói đến sức mạnh và lòng dũng cảm, điều đầu tiên người Việt Nam sẽ nghĩ đến ngay hình ảnh của “hổ”. “Long tranh hổ đấu” (龙争虎斗), “lưỡng hổ tương tranh” (两虎相争),qua 2 câu thành ngữ này chúng ta có thể thấy rằng, ở một góc độ nào đó, suy nghĩ của người Việt Nam và người Trung Quốc có chút tương đồng. Cả 2 nước đều lấy hình ảnh của “rồng” và “hổ” cùng ghép lại với nhau để tạo nên một câu thành ngữ. Thông thường, những thành ngữ có “rồng” và “hổ” hầu hết đều mang ý nghĩa ca ngợi. Trong tình huống này cũng tương tự, 2 câu thành ngữ đều nói lên sức mạnh, quyền uy của “rồng” và “hổ”.

     Ngoài những điều mà chúng ta đã đề cập ở trên, trong một số thành ngữ ở Việt Nam, có một số thành ngữ có chứa từ “hổ” cũng biểu thị sự may mắn, gặp được nhiều cơ hội tốt. Sở dĩ nhiều công trình kiến trúc như lăng mộ, nhà ở, cung điện… đều đặt tượng “hổ” là bởi vì trong tiềm thức của người Việt, “hổ” tượng trưng cho sức mạnh và sự uy linh, trấn giữ cửa ải ngũ phương, chống lại tà ma. “Hổ” có thể dùng sức mạnh và bản tính hung dữ của nó để hạ gục tất cả những đối thủ muốn cạnh tranh với nó. Người Việt Nam đã mượn hình ảnh con “hổ” để nói về một người nào đó gặp được một cơ hội rất tốt, lên như diều gặp gió, như “hổ mọc thêm cánh” (如虎添翼),“như hổ mọc cánh” (如虎长翼)… loài vật này còn đặc trưng bởi tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh nên “hổ” được người ta tôn lên làm vị trí Chúa tể của rừng núi, là con vật linh thiêng. Nếu như “hổ” có thêm một đôi cánh, thì sức mạnh của hổ không gì sánh bằng, lúc đó “hổ” không chỉ còn là chúa tể sơn lâm, mà còn là chúa tể của bầu trời. Nếu điều đó có thật, thì trên trái đất này không có bất kì đối thủ nào có thể hạ gục được loài hổ. Người Việt Nam cũng sử dụng câu thành ngữ này để nói về một người nào đó đã có một điều kiện tốt, lại gặp được một cơ hội cực kì tốt nên có một tiền đồ rất tươi sáng. Khi nhắc đến “hổ”, thì không thể không nhắc đến việc “hổ” tượng trưng cho năng lực và tài năng. Điều này nằm ở hình tượng thực tế của loài “hổ”, “hổ” có năng lực phi thường, khí phách anh hùng, không sợ hãi bất cứ điều gì, người Việt Nam đã mượn trực tiếp hình ảnh của loài “hổ” để ví von tài năng và năng lực của con người, ví dụ: “hổ phụ sinh hổ tử” (虎父生虎子),“hổ phụ nhi lân” (虎父儿鳞)…Trong văn hóa của người Việt, để ca ngợi phụ tử trong một gia đình nào đó, người Việt thường thích sử dụng 2 câu thành ngữ này. “Hổ phụ nhi lân” hai hình ảnh “hổ” và “lân” được sử dụng trong câu thành ngữ này, trong văn hóa Việt Nam, “hổ” và “lân” đều là 2 con vật có bản lĩnh và uy nghiêm khiến con người phải khiếp sợ. Người Việt coi vị thế của “hổ” và “lân” đều ngang nhau, không con nào kém cạnh con nào, thành ngữ “hổ phụ nhi lân” chính là nói người cha rất tài ba nhưng người con cũng không hề kém cạnh, hai người đều rất giỏi giang.

     6.2 Biểu tượng của “Hổ” mang ý nghĩa tiêu cực trong thành ngữ Việt Nam

     Cũng giống như hình tượng “hổ” của người Trung Quốc, hình tượng “hổ” của Việt Nam cũng có mang một chút ý nghĩa tiêu cực.

     Khi tới lúc một con vật nào đó đã đủ lớn và đủ mạnh, trong mắt người khác nó sẽ trở thành một mối đe dọa. Mặt trái của sức mạnh, uy quyền là hung dữ và đáng sợ. Sức mạnh và tiếng gầm thét của “hổ” là điều đáng sợ của con người và những loài muôn thú khác. “Hổ” chỉ cần gầm lên một tiếng đã khiến đối phương phải khiếp đảm. Việt Nam cũng có nhiều thành ngữ có chữ “hổ” để nói tới vấn đề này, ví dụ: “hổ đi báo tới” 虎去豹子来 (chỉ kẻ ác này đi, kẻ ác khác lại tới), “hùm thiêng rắn độc” 灵虎毒蛇 (chỉ những kẻ ác độc, ghê gớm, nham hiểm). Trong thành ngữ Việt Nam, nếu “hổ” và “rồng” cùng xuất hiện trong một câu thành ngữ thường sẽ mang ý nghĩa tốt, nhưng “hổ” và “báo” cùng xuất hiện trong một câu thành ngữ thì sẽ mang nghĩa xấu.

     “Hổ” ngoài mang những ý nghĩa nguy hiểm và hung tợn, còn dùng để chỉ một người nào đó làm việc không đáng tin cậy, luôn gây ra những rắc rối và tạo nên những hậu quả nghiêm trọng, ví dụ: “thả hổ về rừng” (放虎归山). “Hổ” là chúa tể sơn lâm, cho nên đưa hổ về rừng, về với địa bàn của hổ, lúc đó hổ sẽ trở lại trạng thái bản lĩnh và hung tợn. Thành ngữ này có hàm ý là nếu một người nào đó khi làm bất cứ việc gì mà không cân nhắc và suy nghĩ kĩ càng sẽ để kẻ thù và kẻ xấu về vị trí mà mình đang có lợi thế, cuối cùng sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Cũng có thành ngữ chứa từ “hổ” mang ý nghĩa làm một việc gì đó vô cùng nguy hiểm. “Ngồi trên lưng cọp” (坐在老虎背上) – đây là một chuyện hết sức ngu ngốc, nếu như “hổ” giận dữ, ngồi trên lưng hổ chắc chắn sẽ mất mạng. Câu thành ngữ này phản ánh những người làm việc mà thiếu suy nghĩ chín chắn.

7. So sánh biểu tượng “hổ” trong thành ngữ Trung Quốc và Việt Nam

     7.1 Điểm tương đồng

     Có thể thấy rằng thành ngữ Việt Nam và Trung Quốc có chứa từ “hổ” đều có nội dung, ý nghĩa rất phong phú. Tuy là cùng chung một hình tượng, nhưng ở hai nước Việt Nam và Trung Quốc, về mặt ý nghĩa văn hóa có nhiều điểm tương đồng và cũng tồn tại không ít điểm khác biệt.

     Từ những phân tích trên, chúng ta thấy được nhiều điểm tương đồng trong ý nghĩa văn hóa của thành ngữ Trung Quốc và Việt Nam có chứa từ “hổ”. Trước tiên, trong quan niệm của dân tộc hai nước Trung Quốc và Việt Nam, “hổ” của cả hai nước đều tượng trưng cho các bậc đế vương. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều coi “hổ” là chúa sơn lâm, vua của muôn loài, hùng dũng vô song, hung dữ khác thường, ai ai cũng sợ hổ. Từ chỗ vừa sợ hãi vừa kính phục dẫn đến sùng bái “hổ”. Hình tượng của “hổ” có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân trong các phong tục dân gian, tác phẩm văn học cũng như ngôn ngữ thông thường đều xuất hiện bóng dáng của hổ và tiềm ẩn yếu tố văn hóa “hổ”. Trong thành ngữ của Trung Quốc “một núi không thể có hai hổ” (一山不容两虎) nghĩa là một nước không thể có hai vua. Trong thành ngữ của Việt Nam “làm bạn với vua như đùa với hổ” (跟皇 帝交朋友如跟虎开玩笑), người ta dùng trực tiếp hình ảnh của vua để so sánh với “hổ”, điều này biểu thị “hổ” tượng trưng cho hình ảnh của vua.

     Thứ hai, trong tiềm thức của người Trung Quốc và người Việt, “hổ” đều tượng trưng cho thế lực hùng mạnh và uy quyền, điều này xuất phát từ việc hổ là hình tượng của vua. Mỗi vị vua đều uy nghiêm và quyền lực, khiến cho thần dân phải thần phục và kính nể, người dân sùng bái vua như muôn loài sùng bái “hổ”. Thành ngữ “虎步龙行”long hành hổ bộ, câu thành ngữ này dùng để mô tả dáng vẻ hơn hẳn người thường của bậc đế vương, bậc tướng lĩnh, đồng thời nó còn miêu tả dáng vẻ hiên ngang, diện mạo oai hùng của họ. Ở Việt Nam, câu thành ngữ này cũng được dùng để mô tả diện mạo oai hùng của các vị tướng lĩnh. Thành ngữ “khỏe như hổ” (勇猛如虎) của Việt Nam chỉ có ba từ và dùng để ví von, nhấn mạnh sức mạnh của loài “hổ”. Khi nhắc tới sức mạnh và bản lĩnh, người Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến “hổ”.

     Thứ ba, hình tượng “hổ” của hai quốc gia đều tượng trưng cho năng lực và tài năng. Điều này cũng xuất phát từ hình tượng của hổ, sức mạnh phi thường và bản lĩnh của “hổ” đã trực tiếp làm hình tượng cho năng lực và tài năng của hai quốc gia. Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều câu thành ngữ nói về vấn đề này, ví dụ: “人中龙虎” (nhân trung long hổ) dùng để mô tả những vị anh hùng hào kiệt trong cuộc sống,“猛虎出山”(mãnh hổ xuất sơn), “众虎同心” (chúng hổ đồng tâm) những câu thành ngữ này chỉ những vị anh hùng hào kiệt, hùng dũng, lực lượng mạnh mẽ, khí thế nhanh nhẹn, giống như hổ dõng dạc đi ra khỏi rừng núi vậy. Những câu thành ngữ của Việt Nam: “hổ phụ sinh hổ tử” (虎父生虎子), “hổ phụ nhi lân” (虎父儿麟),những câu thành ngữ này dùng để ví von khen ngợi phụ tử trong một gia đình mà cả 2 đều vô cùng tài giỏi. Ngoài những điểm tương đồng đã nói trên, “hổ” của Trung Quốc và Việt Nam cũng tượng trưng cho sự hung tợn và tàn ác. Điều này cũng xuất phát từ chính bản chất của loài “hổ”, “hổ” là chúa sơn lâm, là vua của muôn thú, khi nhắc đến “hổ”, họ thường nghĩ ngay tới những cuộc chiến tàn khốc giữa “hổ” với những con thú khác, những lần săn mồi của “hổ”, lúc đó “hổ” toát lên một hình ảnh dũng mãnh và hung tợn. Những thành ngữ của Trung Quốc ví dụ như: “饿虎扑食”nhanh như hổ đói vồ mồi,“饿虎擒羊”hổ đói vồ dê… Những thành ngữ của Việt Nam: “hổ đi báo tới” (虎去豹子来), “hùm thiêng rắn độc” (灵虎毒蛇).

     Thành ngữ có chứa từ “hổ” của Việt Nam và Trung Quốc còn tượng trưng cho những tình huống nguy hiểm, bởi vì “hổ” có dáng vẻ hung dữ và táo tợn, có những vũ khí sắc nhọn trên cơ thể như: móng vuốt, đuôi, miệng… điều đó khiến cho con người có cảm giác sợ hãi. “Hổ” có bản tính hung bạo, nên tất nhiên con người và các loài muôn thú chỉ có thể dám nhìn hổ từ xa, nếu như tiếp xúc gần với “hổ” sẽ dễ gây ra những hậu quả khó lường. Trung Quốc có thành ngữ: “羊落虎口”(dê rơi vào miệng cọp),“虎口逃生”(thoát khỏi miệng cọp)… những câu thành ngữ này đều chỉ kẻ yếu rơi vào tay những kẻ xấu xa. “Hổ” thường khiến cho con người có cảm giác sợ hãi, vì thế con người thường không lại gần “hổ”. Đối với con người, gần “hổ” là một điều gì đó rất đáng sợ. Thành ngữ Trung Quốc cũng có nhiều câu để nói về vấn đề này, ví dụ: “骑虎难下” (thế cưỡi trên lưng cọp), “虎口拔牙” (nhổ răng cọp, vuốt râu hùm). Thành ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều, ví dụ: “ngồi trên lưng cọp” (坐在老虎背上), “vuốt râu hùm” (虎口拔牙). Có thể thấy rằng ý nghĩa của hai câu thành ngữ “虎口拔牙”và “vuốt râu hùm” đều giống nhau.

     Một số thành ngữ của Trung Quốc và Việt Nam có chứa từ “hổ” cũng được dùng để nói những người không cân nhắc kỹ trước khi làm một việc nào đó, luôn để lại những rắc rối, thâm chí còn gây ra những hậu quả khôn lường, ví dụ: “thả hổ về rừng” (放虎归山). Nếu câu thành ngữ này của Việt Nam có nghĩa là một người làm việc nào đó không đáng tin cậy, để lại những phiền phức và hậu quả nghiêm trọng. Thành ngữ “放虎归山” cũng biểu đạt ý nghĩa như vậy.

     Tại sao ý nghĩa văn hóa của thành ngữ có chứa từ “hổ” về cơ bản đều có nét giống nhau? Là vì “hổ” khác với rồng, rồng là động vật không có thật và về cơ bản thì con người có quan niệm về “hổ” đều giống nhau. Hơn nữa, Trung Quốc và Việt Nam có vị trí địa lí tương cận, trong cách suy nghĩ cũng có nhiều điểm tương đồng. Ngày nay, văn hóa Trung Quốc cũng ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa Việt Nam. Điều này cũng có thể giải thích rằng tại sao nhiều thành ngữ Việt Nam có chứa từ “hổ” lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong lịch sử, Việt Nam ta bị Trung Quốc đô hộ hơn 1000 năm, trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, người Việt ta cũng đã tiếp thu khá nhiều nền văn hóa của Trung Quốc. Chúng ta đều biết rằng: Việt Nam, Triều Tiên và Nhật bản đều là những quốc gia thuộc vòng tròn văn hóa Hán. Văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Nho giáo. Cho đến ngày nay, người Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau về cách suy nghĩ, nếp sống, tập quán sinh hoạt. Việt nam đã từng sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ chính thức của đất nước. Đến thế kỷ XX, chữ Hán được thay thế bằng các ký tự tiếng phổ thông và tạo ra bảng chữ cái Latinh. Trong chữ quốc ngữ, từ mượn tiếng Hán cũng là một phần quan trọng trong vốn từ vựng tiếng Việt. Người Việt dùng chữ Hán hoặc dùng từ mượn tiếng Hán cũng đồng nghĩa với những từ này. Điều này khiến cho cấu trúc và ý nghĩa của một số thành ngữ của Trung Quốc và Việt Nam có chứa từ “hổ” đều hoàn toàn giống nhau, ví dụ: “调虎离山”- “điệu hổ ly sơn” của Trung Quốc và Việt Nam. Hai thành ngữ này đều có cấu trúc và ý nghĩa giống nhau. Điều này có thể giải thích tại sao Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia độc lập và có một số thành ngữ hoàn toàn tương ứng, thứ nhất: văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới Việt Nam, lối suy nghĩ, phong tục tập quán có nhiều nét tương đồng. Do đó, trong quá trình phiên dịch, người ta trực tiếp dịch từ Hán sang Việt từng từ một. Thứ hai, Tiếng Việt dùng rất nhiều từ mượn tiếng Hán, trong đó có một số từ giống nhau về âm và nghĩa, ví dụ: “两虎相争” trong tiếng Hán tương ứng với “lưỡng hổ tương tranh” trong tiếng Việt.

     7.2 Điểm khác biệt

     Lịch sử Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Quốc, suy nghĩ của người Việt Nam cũng khá giống với suy nghĩ của người Trung Quốc. Từ những điểm tương đồng đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng nội hàm văn hóa của thành ngữ Trung Quốc và Việt Nam chứa từ “hổ” có nhiều điểm tương đồng và cũng tồn tại một vài điểm khác biệt.

     – Sự khác biệt về kết cấu câu trong thành ngữ Hầu hết ý nghĩa của thành ngữ Việt Nam và Trung Quốc có chứa từ “hổ” đều giống nhau, nhưng có một số thành ngữ dùng từ khác nhau, chẳng hạn như thành ngữ: “vuốt râu hùm, xỉa răng cọp” trong tiếng Việt với “nhổ răng từ miệng cọp”“ 虎 口 拔 牙 ”trong tiếng Trung, cả hai đều nói lên sự nguy hiểm, hành động liều mạng để làm một việc gì đó. Trong thành ngữ tiếng việt lấy hành động vuốt râu và xỉa răng để nói lên sự liều lĩnh, còn trong thành ngữ tiếng Trung không chỉ vuốt râu và xỉa răng mà một hành động càng liều lĩnh hơn là nhổ cả răng cọp. Đây là sự khác nhau về sự miêu tả nội dung hoàn toàn giống nhau. “Mãnh hổ nan địch quần hồ” có nghĩa là mãnh hổ tuy sức mạnh vô song nhưng không thắng nổi bầy chồn đông, nếu quần hồ cùng hùa đánh thì cọp không sao đỡ nổi, câu thành ngữ này cũng tương đương với câu thành ngữ của Trung Quốc “一虎难敌众犬”(nhất hổ nan địch quần khuyển, một con hổ cũng khó mà đánh lại một đàn chó). Mặc dù hai thành ngữ này đều có ý nghĩa giống nhau, nhưng cách dùng từ cuối cùng trong thành ngữ lại khác nhau. Trung Quốc dùng từ “khuyển”, nhưng Việt Nam dùng từ “hồ”. Thành ngữ “狼吞虎咽” (lang thôn hổ yên) của Trung Quốc, với câu thành ngữ “ăn như hùm đổ đó” của Việt Nam, đối với câu thành ngữ của Trung Quốc tả dáng vẻ ăn nhanh, ăn gấp gáp, ăn vội vàng, còn thành ngữ của Việt Nam có ý nghĩa là tả dáng vẻ ăn giống như hổ đói, chỉ cách ăn uống thô tục, thiếu văn hóa. Thành ngữ “龙行虎步” (long hành hổ bộ) của Trung Quốc miêu tả tướng mạo anh dũng và tuấn tú của vị tướng quân. Thành ngữ “râu hùm hàm én” của Việt Nam nghĩa cũng tương tự như thành ngữ của Trung Quốc nhưng dùng để chỉ tướng mạo của một người. Ngoài ra, thành ngữ Trung Quốc dùng hình ảnh “rồng” và “hổ”, còn Việt Nam dùng hình ảnh “râu hổ” “hàm én”. Đây là sự khác biệt trong cách dùng giữa hai quốc gia [15].

     – Sự khác biệt về sắc thái tình cảm và ý nghĩa biểu tượng của thành ngữ Hán-Việt có chứa từ “hổ”:

     Nói về con người:

     Việt Nam có câu thành ngữ: “Nam thực như hổ, nữ thực như miu” (nam ăn như hổ nữ ăn như mèo) mang nghĩa tốt, ý nghĩa là nam ăn mạnh bạo, ăn nhiều và ăn nhanh như hổ, còn nữ ăn nhẹ nhàng, ăn ít và ăn chậm như con mèo. Nhưng đó không phải là hành động xấu, chỉ là một ẩn dụ nói về bản chất của người đàn ông và người phụ nữ, là một người đàn ông không thể ăn ít, ăn nhẹ nhàng như phụ nữ. Trung Quốc cũng có câu thành ngữ “狼吞虎咽”(lang thôn hổ yên) cũng dùng để chỉ người, tuy nhiên thành ngữ này có phần khác so với thành ngữ của Việt Nam đó là thành ngữ này có mang nghĩa xấu, dùng để chỉ một người ăn nhanh, ăn nhiều, ăn ngốn nga ngốn nghiến giống như không ăn sẽ bị người khác ăn mất. Đây chính là sự khác biệt giữa hai thành ngữ.

     “Cha hổ đẻ con liu điu” (ám chỉ việc cả gia đình từ cha đến con đều độc ác-tàn ác và ngang tàn giống như nhau, hổ cha dữ sinh ra hổ con dữ, giống như việc cha nào con đấy, cha làm điều xấu thì con cũng làm điều xấu). Trung Quốc cũng có thành ngữ tương tự như vậy nói về cha con, nhưng thành ngữ này lại mang nghĩa tốt “虎父生虎子”. “Trên rừng thì hổ lang, dưới làng thì mặt rỗ” (lời chế nhạo độc ác với người mặt rỗ), có ý nghĩa là trên núi có hổ, trong làng thì có mặt rỗ, miêu tả một người xấu xa, độc ác, người bị mặt rỗ, đặc biệt mô tả một người nào đó ghét người mặt bị rỗ. Trung Quốc không có câu thành ngữ nào tương tự như vậy. “Bảng hổ danh đề” khắc tên những người tài giỏi trong xã hội phong kiến xưa, người đỗ đạt đến thạc sĩ, tiến sĩ trở lên thì triều đình sẽ khắc tên họ trên bảng gỗ để tất cả mọi người sẽ nhìn thấy tên của họ. Nhìn chung thì những người được ghi danh trên bảng đều là những người tài năng xuất chúng, sau này sẽ làm quan lớn. Trong thành ngữ Trung Quốc có câu “Danh khôi hổ bảng” 名魁虎榜 có nghĩa là trong kỳ thi Hương thơi xưa đạt giải nhất, so với câu “Bảng hổ danh đề” không cùng ý nghĩa. Từ đó cho thấy Trung Quốc cũng không có câu thành ngữ nào tương tự như vậy. “Quần hồ bất như độc hổ” (Cáo bầy không bằng cọp một, đông mà hèn thì không bằng ít mà mạnh) ý nghĩa “độc” trong “độc hổ” ở đây được hiểu là đơn độc một mình nhưng có năng lực, còn “quần hồ” là bầy cáo (hoặc chồn) chỉ một nhóm người yếu kém. Một bầy hồ (bầy cáo) không bằng một con hổ đơn độc, là hình ảnh ẩn dụ nói một nhóm người tuy đông nhưng toàn là kẻ yếu kém, không bằng một người đơn lẻ, nhưng mạnh mẽ, dũng cảm và đầy tài năng. Trung Quốc không có câu thành ngữ tương tự như vậy. “Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê” ý nghĩa là: đừng bao giờ sợ miệng hùm, không phải sợ vảy rồng, không sợ kẻ ác, không sợ kẻ cường quyền, phải công chứng liêm minh. Trung Quốc không có câu thành ngữ nào như vậy “如虎添翼意思” – như hổ mọc thêm cánh. Ở Trung Quốc, thành ngữ này mang nghĩa tốt, nhưng ở Việt Nam thành ngữ này mang nghĩa trung tính (không mang nghĩa tốt và cũng không mang nghĩa xấu).

     – Lý do khác nhau của ý nghĩa biểu tượng trong thành ngữ có chứa “hổ”.

     Diện tích lục địa Trung Quốc khoảng 9,6 triệu km vuông, tuy là cùng một quốc gia nhưng văn hóa và phong tục của miền Nam và miền Bắc Trung Quốc có nhiều điểm khác nhau. Việt Nam là một đất nước có diện tích là 331 km vuông, nhỏ hơn so với Trung Quốc khoảng 30 lần. Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia khác nhau, nên tất nhiên sẽ có một số khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán và lối suy nghĩ. Ví dụ: “Nhất hổ nan địch quần hồ”, nghĩa là “Nhất hổ” là một con hổ, còn “quần hồ” là bầy cáo (hoặc chồn). Như vậy, nghĩa đen của câu tục ngữ trên đã hiển hiện trên mặt chữ: Một con hổ dù dũng mãnh cũng khó địch lại được với cả một bầy cáo, câu thành ngữ này khá giống với câu thành ngữ của người Trung Quốc “一虎难敌众犬” (một con hổ không thể đánh lại một đàn chó), mặc dù hai thành ngữ có nghĩa giống nhau nhưng cách sử dụng từ cuối cùng trong thành ngữ lại khác nhau, Trung Quốc dùng “khuyển”, Việt Nam dùng “hồ”. Ở đây chúng ta cần chú ý “Nhất hổ nan địch quần hồ” và “Quần hồ bất như độc hổ” đều là thành ngữ trong tiếng Việt nhưng vị trí có sự thay đổi dẫn đến nghĩa mà thành ngữ đó biểu đạt cũng không giống nhau. “Nhất hổ nan địch quần hồ”, nghĩa là một con hổ dù dũng mãnh cũng khó địch lại được với cả một bầy cáo, nói lên sự đoàn kết, còn “Quần hồ bất như độc hổ” chẳng thà một người có năng lực còn hơn là một nhóm người yếu kém, ở đây nói lên năng lực xử lý công viêc. Thành ngữ “龙行虎步” (long hành hổ bộ) mang ý nghĩa miêu tả tướng mạo anh dũng, tuấn tú của vị tướng quân. Câu thành ngữ “râu hùm hàm én” của Việt Nam ý nghĩa cũng giống câu thành ngữ “龙行虎步” của Trung Quốc, nhưng dùng để chỉ tướng mạo của người nào đó, hơn nữa thành ngữ Trung Quốc dùng “rồng” và “hổ”, tiếng Việt lại dùng “râu hổ” và “hàm én”. Đây là sự khác biệt trong suy nghĩ của người dân hai nước.

8. Kết luận

     Sau khi phân tích và so sánh nội hàm ý nghĩa văn hóa, tác giả đã đi đưa ra kết quả sau: Điểm tương đồng của “hổ” trong tiếng Trung và tiếng Việt đều tượng trưng cho vua, sự uy nghiêm và quyền thế, hổ còn tượng trưng cho năng lực và tài năng, sự tàn ác và hung hãn, bên cạnh đó hổ còn tượng trưng cho tình huống và hoàn cảnh nguy hiểm. Về cơ bản thì cũng tồn tại một số điểm khác biệt của “hổ” trong tiếng Trung và tiếng Việt như: khác nhau về kết cấu từ trong thành ngữ, sự khác biệt về sắc thái tình cảm và ý nghĩa biểu tượng của thành ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] https://gocphongthuy.net/bieu-tuong-rong-va-bach-ho-trongphong-thuy/

     [2] Liêu Linh Chuyên , Sự khác nhau về nội hàm văn hóa của hai từ Rồng (龙, Dragon) và Chó (狗, Dog) trong ngôn ngữ Việt – Hán – Anh, T/c NN & ĐS, 2014,số 6.

     [3] https://vi.wikipedia.org

     [4] Hoàng Văn Hành, Thành ngữ học Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học Hà Nội,2008.

     [5] https://vov.gov.vn/bieu-tuong-ho-trong-doi-song-van-hoa-cuacac-nuoc-chau-a-dtnew-350859

     [6] https://eva.vn/eva-tam/co-bao-nhieu-con-ho-trong-buc-tranhnay-c66a422298.html

     [7] Võ Dung, Võ Thùy Anh, Võ Quang Hào.Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2000.

     [8] https://soha.vn/4-loai-tranh-khong-nen-treo-trong-nha20221012115211187.htm

     [9] 黎氏玉.汉语和越南语含有“龙”、“虎”的成语对比研.[D].广西民族大学, 2019.

     [10] https://vtv.vn/thu-vien-anh/anh-dep-dong-vat-trong-tuan20140823134916946.htm

     [11] https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/ho-va-su-tu-gapnhau-cuoc-chien-khung-khiep-cua-2-chua-te

     [12] https://lichngaytot.com/phong-thuy/ho-trong-phong-thuy284-193319.html

     [13] https://vansudia.net/bieu-tuong-ho-trong-doi-song-van-hoacua-cac-nuoc-chau-a/

    [14] http://anhp.vn/hinh-tuong-con-ho-trong-van-hoa-viet-namd45861.html

     [15] 蒋俊杰.关于中韩“龙”、“虎”四字成语的对比比较.[D].上海外国语大学,2013.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Lạc Hồng, 2022, 10, 9-17

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): So sánh biểu tượng “Hổ” trong thành ngữ của Trung Quốc và Việt Nam
(Tác giả: Lương Vân Huy, Nguyễn Thị Xuân)