SỞ THÍCH của NGƯỜI TIÊU DÙNG và XU HƯỚNG TIÊU DÙNG RAU QUẢ ở thành thị Việt Nam
Nikki P. Dumbrell (1), Wendy J. Umberger (1*), Di Zeng (1),
Nguyễn Anh Đức (1, 2), Larissa Pagliuca (1)
Giới thiệu
Việt Nam là quốc gia đang chuyển đổi. Với sự tăng tưởng về thu nhập và nền kinh tế ngày càng hội nhập, thị trường bán lẻ thực phẩm cũng đang thay đổi. Ví dụ, việc triển khai hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị và trung tâm thương mại tại các khu vực đô thị Việt Nam (Reardon và cộng sự 2012) đã có tac động đến hành vi chi tiêu và tiêu dùng thực phẩm (Mergenthaler và cộng sự 2009). Việc hiểu được các thay đổi đối với thị trường bán lẻ và sở thích cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng là cần thiết để định hướng các người sản xuất và các ngành dịch vụ nhằm sản xuất những sản phẩm đang có nhu cầu, tạo sự khac biệt cho các đặc tính của sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, cũng như hình thành các kênh tiếp thị tương ứng (Minot và cộng sự 2015). Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định sở thích của người tiêu dung và xu hướng mua rau quả – hai sản phẩm có gia trị cao và ngày càng quan trọng với những nông hộ quy mô nhỏ tại khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Phương pháp
Dữ liệu được thu thập thông qua một cuộc khảo sát nghiên cứu hộ gia đình toàn diện tại bốn thành phố của Việt Nam: Thành phố Hồ Chi Minh, Hà Nội, Lào Cai và Sơn La. Khảo sát được chỉnh sửa dựa trên các nghiên cứu trước đây của Umberger và cộng sự (2015) và Toiba và cộng sự (2015). Dữ liệu được thu thập từ khoảng 2000 hộ gia đình từ tháng 12-2016 tới tháng 3-2017 (với 4 tuần nghĩ trong dịp Tết). Các hộ gia đình được lựa chọn sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hai giai đoạn: (1) Các phường được lựa chọn dựa trên tỷ lệ dân số, (2) 14 hộ gia đình được lựa chọn ngẫu nhiên tại mỗi phường. Khảo sát bao gồm các câu hỏi để thu thập thông tin về đặc điểm nhân khẩu – xã hội học cũng như mức chi tiêu cho 93 loại thực phẩm, hành vi mua sắm, các yếu tố tác động đến sự lựa chọn thực phẩm, mức độ tiếp cận với hệ thống bán lẻ thực phẩm v.v. Những người được khảo sát là thành viên trưởng thành trong hộ gia đình chịu trách nhiệm đưa ra phần lớn quyết định mua sắm thực phẩm cho toàn hộ.
Kết quả
Trung bình, mỗi hộ gia đình thành thị dành khoảng 8-9% mức chi tiêu hàng tháng cho thực phẩm để mua các loại trái cây và 12-13% cho các loại rau. Hơn 90% số tiền chi cho các loại rau quả là tại các chợ truyền thống (như chợ chính thức và chơ tạm) trong đó 47-52% dành cho mua trái cây và khoảng 58-67% cho mua rau tại các chợ chính thức. Trong khi đó, 6-10% mức chi tiêu còn lại tại hệ thống bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng đặc biệt). Lý do chính khiến người tiêu dùng mua sắm tại các chợ truyền thống là “thực phẩm ở đây tươi”. Khi người tiêu dùng được hỏi về yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua rau quả, đặc tính phổ biến nhất là “an toàn thực phẩm” sau đó mới đến “độ tươi” của sản phẩm (Hình 1).
Người tiêu dùng được hỏi là họ có bao giờ thấy/nghe về rau quả được đưa ra thị trường/bán với các nhãn mác hoặc thông tin khac nhau (xem hình 2 về danh sach nhãn mác và/hoặc thông tin), và họ có bao giờ mua rau quả có dán nhãn hoặc giấy chứng nhận không. Chưa đầy 80% người được hỏi trả lời rằng họ đã từng thấy hoặc nghe về rau quả có dán nhãn/chứng nhận, nhưng cũng không ngạc nhiên khi có chưa đầy 60% nói rằng họ từng mua những rau quả này (Hình 2). Đa phần người tiêu dùng ý thức được về các sản phẩm có dán nhãn đảm bảo an toàn (79%), xuất xứ (73%), và không có thuốc bảo vệ thực vật (72%), và đã từng mua các sản phẩm có dán nhãn về các đặc tính này (lần lươt là 51%, 55% và 43% ).
Thảo luận và kết luận
Với thu nhập gia tăng và bối cảnh bán lẻ thay đổi, có thể kỳ vọng người tiêu dùng sẽ tăng cường mua thực phẩm tại hệ thống bán le hiện đại (Reardon và cộng sự 2003). Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng người tiêu dùng ở thành thị Việt Nam tiếp tục mua phần lớn rau quả tại hệ thống chợ truyền thống. Người tiêu dùng coi “an toàn thực phẩm” và “độ tươi” là những yếu tố quan trọng nhất khi quyết định mua một loại rau quả cụ thể.
Tầm quan trọng của các chợ truyền thống trong thị trường bán lẻ rau quả có thể phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về độ tươi cũng như văn hóa đi chợ hàng ngày và mua sắm với số lượng nhỏ (McDonald và cộng sự 2000). Từ phân tích trên cũng như kết quả nghiên cứu của Minot và cộng sự (2015) tại Indonesia, chúng tôi phát hiện ra rằng các nông hộ trồng rau quả quy mô nhỏ, hiện đang cung cấp cho các chợ truyền thống, dường như không bị đe dọa bởi sự mở rộng của hệ thống bán lẻ hiện đại tại đô thị Việt nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên mối quan ngại về an toàn thực phẩm tương đối cao đã chứng minh sự cần thiết đối với các nông hộ phải ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Các nông hộ quy mô nhỏ sẽ cần xây dựng các kênh tiếp thị trường mới, hoặc tiếp cận với các kênh tiếp thị sẵn có để tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua dán nhãn và/hoặc chứng nhận đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Những thị trường này hiện nay có thể chưa có với bằng chứng là chỉ có một số it người tiêu dùng mua trái cây và rau quả có dán nhãn/chứng nhận, nhưng những thị trường này có khả năng sẽ ngày càng quan trọng hơn.
Hình 1: Phần trăm số hộ gia đình lựa chọn […] là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trái cây (vàng) và rau (xanh).
Kết quả tổng hợp từ các mẫu tại các thành phố trong khảo sát: TP HCM, Hà nội,
Lào Cai, và Sơn La, Việt Nam (n=2021)
Hình 2: Phần trăm số hộ tiêu dùng đã từng nghe/thấy rau quả được bán
như là […] (xanh) và đã từng mua các sản phẩm này (xanh đậm).
Kết quả tổng hợp từ các mẫu tại các thành phố trong khảo sát: TP HCM, Hà nội,
Lào Cai, Sơn La, Việt Nam (n=2026)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. McDonald, H., Darbyshire, P., Jevons, C. 2000. Đi thường xuyên, mua ít: phản ứng của người dân Việt Nam với các siêu thị bán lẻ, Tạp chí Tiếp thị toàn cầu 13(4), 53-71.
2. Mergenthaler, M., Weinberger, K. Qaim, M. 2009. Sự chuyển đổi hệ thống lương thực tại các nước đang phát triển: Một nghiên cứu phân tích tách biệt hàm cầu về rau quả tại Việt Nam, Tạp chí Chính sách lương thực. 34, 426-436.
3. Minot, N., Stringer, R., Umberger, W.J., Maghraby, W. 2015. Thói quen mua sắm ở đô thị Indonesia và tác động tới hộ nông dân quy mô nhỏ, Bản tin về các nghiên cứu kinh tế Indonesia, 51(3), 375-388.
4. Reardon, T., Timmer, C.P., Barret C.B., Berdegué, J. 2003. Sự nổi lên của các siêu thị tại Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tnh, Tạp chí kinh tế nông nghiệp Mỹ 85(5), 1140-1146.
5. Reardon, T., Timmer, C.P., Minten, B. 2012. Cách mạng siêu thị tại Châu Á và các chiến lược phát triển mới nổi ảnh hưởng tới hộ nông dân quy mô nhỏ, Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ 109, 12332-12337.
6. Toiba, H., Umberger, W. J., Minot, N. 2015. Thay đổi dinh dưỡng bữa ăn và thói quen mua sắm siêu thị: Liệu có sự liên kết nào không? Bản tin về các nghiên cứu kinh tế Indonesia, 51(3), 389-403.
7. Umberger, W.J., He, X., Minot N., Toiba, H. 2015. Nghiên cứu mối quan hệ giữa sử dụng siêu thị và thừa dinh dưỡng tại Indonesia, Tạp chí kinh tế nông nghiệp Mỹ, 97(2), 510-525.
______________
Cơ quan:
(1) Trung tâm nghiên cứu lương thực toàn cầu và tài nguyên, Đại học Adelaide, 10
Pulteney St, Adelaide, SA, 5005, Australia.
(2) Bộ môn Phân tích định lượng, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
Tác giả đại diện
wendy.umberger@adelaide.edu.au
Từ khóa
Nhu cầu thực phẩm, khảo sát tiêu dùng hộ gia đình, thuộc tính niềm tin, chợ hiện đại, chợ truyền thống.
Nguồn:Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR)
Hội thảo Nghiên cứu và phát triên Nông nghiệp vùng Tây Bắc diễn ra tại Hà Nội.
Chủ đề “Núi cơ hội cho phát triển”
Ảnh đại diện do Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập.
Nguồn ảnh: http://nhanong.vn/