Sự bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa

SUSTAINABILITY IN TOURISM DEVELOPMENT IN SA PA

Tác giả bài viết: LÃ THỊ BÍCH QUANG
(Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

TÓM TẮT

     Bài viết đánh giá sự bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa (Lào Cai) trên ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường để chỉ ra sự khác biệt trong tư duy và hành động của mỗi bên, và những khó khăn trong quá trình đạt được sự bền vững. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm giúp du lịch Sa Pa phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng và tạo dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Việt Nam.

Từ khóa: du lịch, du lịch bền vững, Sa Pa (Lào Cai).

ABSTRACT

     The article discusses 3 dimensions of the evaluation for sustainable development of tourism in Sa Pa (Lao Cai Province) including Economics, Society and Environment to express the differences between thinking and action in the process of achieving sustainability. Based on that, suggestions and solutions are offered to exploit the considerable potential and build the unique brand, which contributes to the significant development of Vietnamese tourism.

Keywords: toursim, sustainable tourism, Sa Pa (Lao Cai).

x
x x

1. Mở đầu

     Trong những năm qua, phát triển du lịch bền vững (PTDLBV) đã trở thành một chủ đề nghiên cứu thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như giới kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến quy hoạch và phát triển du lịch (Byrd, 2007). PTDLBV bắt buộc phải cân nhắc tới các yếu tố và nguyên tắc của phát triển bền vững dựa trên 3 khía cạnh: kinh tế – xã hội – môi trường. Có nghĩa là phải đảm bảo được lợi ích kinh tế thiết thực và lâu dài cho tất cả các bên tham gia, phải có được sự tôn trọng và bảo vệ tính xác thực của văn hóa xã hội và di sản cũng như các giá trị truyền thống và phải hướng tới sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên. PTDLBV là khái niệm không mới đối với du lịch Việt Nam, nhưng ở thời điểm hoạt động du lịch chịu nhiều tác động và gặp không ít khó khăn, thì PTDLBV trở thành mối quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước nhà. Hiện nay, rất nhiều địa phương trong cả nước chọn PTDLBV làm định hướng phát triển, Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương đó.

     Sa Pa là một điểm nóng trong phát triển du lịch, đặc biệt sau khi hệ thống đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và dự án cáp treo Fanxipan đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Số lượng khách đến với Sa Pa tăng đột biến mang lại doanh thu lớn cho địa phương, tạo sinh kế và thu nhập cho nguời dân bản địa. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự gia tăng của du khách khiến cho Sa Pa quá tải về mọi mặt như giao thông tắc nghẽn, mất điện, mất nước… gây bức xúc cho du khách và tranh cãi trong nhân dân. Để có cái nhìn tổng thể và đánh giá khách quan về tính bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa, bài báo tập trung phân tích về thực trạng, tiềm năng phát triển, sự tham gia của các bên liên quan; từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch hướng tới sự bền vững.

2. Khái quát về tình hình phát triển kinh tế – xã hội huyện Sa Pa

     Sa Pa là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Lào Cai, giáp ranh với các huyện Bát Xát (phía Bắc), Phong thổ, Than Uyên tỉnh Lai Châu (phía Tây), huyện Văn Bàn (phía Nam), huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai (phía Đông). Nằm ở độ cao trung bình từ 1500m-1800m nên khí hậu toàn huyện mang sắc thái ôn đới.

     Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư Lào Cai (2017), Sa Pa có tốc độc tăng trưởng kinh tế nhanh, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn huyện (GRDP) và cơ cấu kinh tế có chuyển dịch tích cực, tỉ trọng ngành nông nghiệp chiếm 18,5%, tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 28,12%; tỉ trọng ngành dịch vụ chiếm 53,38%, tăng 4,99% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 32,063 triệu đồng, tăng 16,8% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 343,531 tỉ đồng, vượt 15% so với dự toán tỉnh giao.

     Dân số trên địa bàn huyện Sa Pa tính đến năm 2015 là 58.568 người, cuối năm 2016 gần 60.000 người. Số người trong độ tuổi lao động huyện Sa Pa năm 2016 là 33.678 lao động, chiếm gần 60% dân số toàn huyện. Dân số tập trung đông nhất tại thị trấn Sa Pa theo thống kê năm 2016 là 10.399 người, mật độ dân số trung bình 290 người/km2 (cao hơn tỉnh Lào Cai 106 người/km2) trong khi đó sức chứa tối đa của thị trấn Sa Pa theo tính toán là 6000 khách/ngày. Điều đó gây nên tình trạng quá tải tại thị trấn Sa Pa. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa tại thị trấn Sa Pa diễn ra nhanh, mật độ dân cư cục bộ rất cao, trở thành đô thị tập trung với hình thái và lối sống phổ biến của thành thị. Khu vực trung tâm được tận dụng quỹ đất một cách triệt để cho mục tiêu thương mại kinh doanh.

     Sa Pa là nơi có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có 6 dân tộc chính: Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xa Phó (Phù Lá). Các đồng bào dân tộc sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nghề rừng và những ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre… Dân tộc Kinh cư trú chủ yếu ở trị trấn Sa Pa, sống bằng nghề nông nghiệp và dịch vụ thương mại. Tuy du lịch khu vực khá phát triển nhưng người dân tộc thiểu số hưởng lợi từ du lịch còn hạn chế, do đó đời sống đồng bào dân tộc còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp.

3. Khái quát về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch huyện Sa Pa

     Khí hậu ở Sa Pa thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Mùa hè mát và có nhiệt độ trung bình từ 15-180C. Theo chỉ tiêu đánh giá sinh khí hậu của các học giả Ấn Độ thì Sa Pa là nơi có điều kiện khí hậu rất thích hợp với sức khỏe con người, do vậy đây là cơ hội thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Do ảnh hưởng của yếu tố địa hình, hướng sườn và quy luật đai cao (càng lên cao nhiệt độ càng giảm), nên chế độ nhiệt ở Sa Pa cũng biến đổi nhanh chóng theo độ cao. Mùa đông ở Sa Pa rất lạnh (do ảnh hưởng của gió cực đới và độ cao địa hình), nhiệt độ thường xuyên xuống thấp từ 50C-100C. Điều thú vị nữa khi đến Sa Pa là du khách có thể cảm nhận được thời tiết của bốn mùa trong một ngày: sáng và chiều là thời tiết của mùa xuân, mùa thu; trưa là thời tiết của mùa hạ và đêm là thời tiết của mùa đông. Do vậy, Sa Pa đã trở thành nơi nghỉ mát lí tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.

     Ruộng bậc thang là đặc trưng của địa hình núi cao Sa Pa xen kẽ với đồi núi thấp. Do bị chia cắt lớn cùng kĩ thuật canh tác lâu đời của người dân bản địa nơi đây đã tạo nên ruộng bậc thang có hình thái uốn lượn, vừa kì vĩ vừa đẹp mắt, cuốn hút du khách thập phương. Trong đó phải kể đến ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa, nơi đây đã được xếp hạng di sản cấp quốc gia vào tháng 10/2013.

     Tài nguyên nước của Sa Pa phong phú, đây là đầu nguồn của hai hệ thống suối Bo và suối Đum. Hàng năm, hai con suối này được bổ sung lượng mưa đáng kể, để lại một khối lượng lớn nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt phong phú tạo nên thác nước đẹp được thêu dệt thành câu chuyện trữ tình như Thác Bạc, Thác Tình Yêu, Thác Cát Cát. Nguồn nước ngầm, theo tài liệu khảo sát của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia (1994) – Viện Địa lí: Trữ lượng tự nhiên nước ngầm của Sa Pa ở mức 383.566 m3/ngày, độ pH từ 6 – 8,50C, độ khoáng hóa từ 0,16-0,75g/l và các thành phần hóa học đạt yêu cầu nước dùng cho sinh hoạt. Sa Pa còn có nguồn nước siêu nhạt ở Tắk Cô (xã Trung Chải), có giá trị rất lớn cho sức khỏe nên cần được đầu tư và nghiên cứu để đưa vào khai thác sử dụng. Đặc biệt, nguồn suối nước nóng (Bản Hồ) có nhiệt độ đến 400C, có giá trị lớn đối với du lịch nghỉ dưỡng. 

     Tài nguyên du lịch nhân văn là những giá trị quý cho phát triển du lịch. Các tài nguyên này bao gồm những giá trị văn hóa vật thể như di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, những sản phẩm thủ công truyền thống… Những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội… thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương. Tài nguyên du lịch nhân văn tại Sa Pa hiện nay bao gồm các loại hình như: Tài nguyên du lịch – lễ hội, tài nguyên du lịch chợ truyền thống, tài nguyên du lịch nghề thủ công truyền thống, tài nguyên du lịch kiến trúc nhà ở và tài nguyên ẩm thực.

     Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai với tổng chiều dài 264 km đi qua địa phận 5 tỉnh đã hoàn thành và đi vào khai thác năm 2013. Hệ thống cáp treo lên đỉnh Phanxipan được đưa vào sử dụng là bước ngoặt thay đổi tình hình phát triển du lịch Sa Pa.

     Số lượng du khách đến với Sa Pa tăng đột biến. Tổng số khách du lịch đến với Sa Pa trong năm 2016 là 970.000 lượt khách, chiếm 35,02% tổng số lượt khách du lịch đến với tỉnh Lào Cai, trong đó du khách quốc tế là 745.000 người, chiếm 76,8%. Tuy nhiên, số ngày khách lưu trú bình quân tại Sa Pa chỉ là 2 ngày/khách. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ 300.000 – 950.000 VNĐ/ngày, trong đó, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khoảng từ 650.000 – 850.000 VNĐ/ngày (tương đương khoảng 30-40 USD/ngày). Khách nội địa chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế với mức chi tiêu từ 450.000 – 650.000 VNĐ/ngày (tương đương khoảng 20-30 USD/ngày). Nguồn thu du lịch chủ yếu từ ăn uống, lưu trú. Sắp tới, dự án đường cao tốc Lào Cai – Sa Pa hoàn thành và dự án xây dựng cảng hàng không Lào Cai đang được triển khai sẽ mở ra tiềm năng lớn để phát triển du lịch Sa Pa, thu hút nhân lực lao động và du khách đến với Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng. Theo số lượng thống kê năm 2017, du khách trong và ngoài nước có xu hướng đổ mạnh về Sa Pa, tính đến 31/12/2017 lượng du khách đến với Sa Pa đã đạt hơn 1,7 triệu lượt người, gần gấp hai lần so với năm 2016, đem lại doanh thu gần 2000 tỉ đồng. Đây sẽ là cơ hội vàng để du lịch ở Sa Pa phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai, 2017).

Bảng 1. Hiện trạng khách khu lịch đến với Sa Pa giai đoạn 2010-2017

Đơn vị tính: Nghìn người

Năm
2010
Năm 2014Năm 2015Năm 2016Năm 2017
Tổng450.258849.0001.200.000970.0001.720.000
Khách nội địa319.655596.000991.361745.0001.460.270
Khách quốc tế130.603253.000208.369250.000259.730
Thời gian lưu trú trung bình2,52,72,252,01,8

4. Đánh giá sự bền vững trong phát triển du lịch ở Sa Pa

     Để đánh giá sự phát triển bền vững du lịch tại Sa Pa, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế 5 phân khu du lịch theo quy hoạch phát triển Sa Pa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (thị trấn Sa Pa, Tả Phìn, Thanh Kim, Tả Van – Séo Mý Tỷ, Bản Khoang – Tả Giàng Phình), thời gian từ 15-18/12/2016 và từ 22-27/02/2017. Nghiên cứu đã phỏng vấn 10 cán bộ thuộc cơ quan quản lí nhà nước, 4 doanh nghiệp, 1 NGOs (tổ chức phi chính phủ) và 18 người dân địa phương. Dữ liệu định tính thu được cùng với dữ liệu thứ cấp đã được tổng hợp và phân tích cẩn thận để làm rõ hơn quá trình tham gia của từng bên liên quan, tìm hiểu sự khác biệt trong tư duy, hành động và lợi ích thu được của các bên, từ đó đánh giá tính bền vững trong quá trình phát triển du lịch tại Sa Pa.

     4.1. Về kinh tế

     Thực tế cho thấy du lịch đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Sa Pa, cho phép đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập mang tính bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2016 đạt 1690 tỉ đồng, ước đạt năm 2017 là 2275 tỉ đồng, thu ngân sách nhà nước từ du lịch ước đạt 45 tỉ đồng, tỉ lệ gia tăng ngành du lịch chiếm 33% tổng giá trị gia tăng của huyện Sa Pa (xem Bảng 2) (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai, 2017).

Bảng 2. Doanh thu từ khách du lịch đến với Sa Pa giai đoạn 2010-2017

Đơn vị tính: Tỉ đồng

Năm 2010Năm 2014Năm 2015Năm 2016Năm 2017
Tổng thu từ khách du lịch327,7656111416902275

     Thông qua thu nhập từ du lịch trực tiếp hay gián tiếp, nhiều gia đình người kinh và dân tộc thiểu số ngày càng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Du lịch mang lại nguồn thu cho huyện Sa Pa bằng việc thu thuế, phí tham quan và một số nguồn thu khác. Đồng thời du lịch cũng mang lại cơ hội để tăng nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do người dân tộc thiểu số tham gia du lịch vẫn còn thụ động và tự phát, công việc đảm nhiệm còn giản đơn (hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ vận chuyển, khuân vác hành lí cho du khách, kinh doanh lưu trú tại các làng bản…) nên thu nhập ít hơn so với các đối tượng khác. Tỉ lệ người dân tộc được hưởng lợi từ du lịch chiếm một tỉ lệ thấp so với tổng số dân ở Sa Pa. “Đồng bào thu được nhiều chứ, nuôi bán gà bản, lợn bán 120.000đ/kg, bán cho nhà hàng khách sạn. Ngoài ra còn trồng rau su su, làm hướng dẫn viên, khuân vác đồ cho du khách nữa… thu nhập cao hơn làm ruộng nương nhiều” (phát biểu của lãnh đạo huyện Sa Pa). Ngoài ra, các mặt hàng và các dịch vụ mà đồng bào cung cấp thường bị trả giá thấp, đôi khi người dân bán đi sản vật có giá trị (dinh dưỡng và kinh tế) cho tiêu dùng du lịch rồi lại mua về cho gia đình những sản phẩm giá trị thấp. “Đồng bào bán 1 con gà bản với giá 150.000đ/kg thì thu đựợc hơn 200.000đ, nhưng rồi ra chợ mua về 4 cái đùi gà công nghiệp rất to có hơn 60.000đ, cả nhà ăn thoải mái mà còn mua được bao nhiêu đồ dùng sinh hoạt khác nữa” – lãnh đạo xã cho biết.

     Hiện ở Sa Pa có khoảng 154 cơ sở homestay, giá thuê phòng thường từ 70.000 – 100.000đ/người/đêm, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn… Nhiều cơ sở homestay được đầu tư bài bản, quản lí tốt, biết cách kết nối với các công ti lữ hành và quảng bá trên website trong và ngoài nước đa phần là do người Kinh ở Sa Pa hoặc dưới xuôi lên làm chủ, hoặc là do người nước ngoài ở lại thuê nhà của đồng bào làm kinh doanh homestay trực tiếp. Các cơ sở homestay do người bản địa làm chủ chỉ thu được những khách lẻ, thời gian lưu trú không nhiều và phụ thuộc nhiều vào hướng dẫn viên và công ti lữ hành tại Sa Pa và Hà Nội, do vậy lợi nhuận thu về không được bao nhiêu. Một người dân là chủ hộ kinh doanh homestay và nhà hàng cho biết: “Vợ chồng em ở xuôi lên, cửa hàng em mở được hơn 3 năm rồi, khu này của em hơn 1 ha. Trừ đi tất cả các khoản chi phí mỗi năm cũng để ra được vài 500-700 triệu. Em không phải nộp bất kì khoản thuế hay phí gì cả vì được miễn mà, chỉ phải khai báo khách và nộp 10.000đ/khách ngủ qua đêm cho xã”.

     4.2. Về văn hóa – xã hội

     Du lịch phát triển đã giải quyết được vấn đề lớn về việc làm tại Sa Pa. Cụ thể năm 2016 có khoảng 5200 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch và mang lại thu nhập bình quân khoảng 5,2 triệu đồng/người/tháng; năm 2017 có 5800 người tham gia làm du lịch và thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó số lượng người dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch khoảng hơn 2000 người.

Bảng 3. Hiện trạng lao động ngành du lịch huyện Sa Pa giai đoạn 2010-2016

Đơn vị tính: Người

Các chỉ tiêu20102013201420152016
Lao động ngành du lịch18502814323643005200
Lao động trực tiếp9471579181324003100
Lao động gián tiếp9031235142319002100
Đại học và trên đại học125152162198237
Cao đẳng, trung cấp240347385439 507
Nguồn: Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Lào Cai, 2017

     

     Du lịch đã góp phần đánh thức và bảo tồn các ngành nghề thủ công mĩ nghệ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Du lịch không chỉ quảng cáo truyền thống của địa phương ra nước ngoài thông qua du khách mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Lào Cai đến với các tỉnh thành khác trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.

     Nhiều lễ hội, phong tục truyền thống được duy trì, tái tạo và phát triển như Tết “Nhảy” của người Dao Đỏ; lễ hội xuống đồng của người Giáy (lễ hội Roóng Poọc)… đã làm cho các hoạt động văn hóa trở nên năng động và linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã góp phần khơi dậy các tiềm năng văn hóa, nâng cao nhận thức và thúc đẩy tích cực cho việc bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đâ, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và miền xuôi, văn hóa bản địa đã bị thay đổi nhiều. Các lễ hội không còn được giữ nguyên bản và thu hút người dân tham gia như trước. Với mục tiêu duy trì và bảo tồn lễ hội truyền thống, huyện phải hỗ trợ kinh phí và khuyến khích các xã liên kết tổ chức thành cụm. Ngoài ra, trang phục truyền thống của người dân cũng thay đổi nhiều, không được mặc thường xuyên trong các hoạt động bình thường hàng ngày. Theo nhận định của một người dân trong xã thì: “Thanh niên bây giờ toàn tóc xanh xanh đỏ đỏ thôi, mặc quần bò hết rồi, nghe nhạc Tây rồi, không mặc đồ truyền thống đâu. Chỉ đến ngày lễ tết mới bắt chúng mặc được”.

     Bên cạnh đó, việc đeo bám khách du lịch hiện nay vẫn còn diễn ra thường xuyên, chưa được giải quyết triệt để. Sa Pa đang có gần 500 trường hợp người dân hoạt động bán hàng bằng hình thức chèo kéo, đeo bám du khách; trong đó có cả người lớn và trẻ em, chủ yếu là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đặc biệt nguy hiểm là văn hóa phẩm đồi truỵ được bày bán tràn lan tại thị trấn; lực lượng và các tổ chức phản động len lỏi vào các bản làng, vào từng hộ dân thông qua hình thức du lịch homestay để tuyên truyền, kích động nhằm phá vỡ niềm tin của đồng bào vào Đảng và Nhà nước, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lí các cấp. Một lãnh đạo xã cho biết: “Xã phải cử công an, quân đội thường xuyên theo dõi, đi rình để đuổi đội tuyên truyền, kích động và chia rẽ người dân. Chúng thường nói xấu về văn hóa mình, nói xấu người nọ người kia để chia rẽ các dân tộc trong xã. Chúng thường lợi dụng việc đi du lịch để tuyên truyền trái phép. Người tuyên truyền là cả người Kinh và người Tây”.

     4.3. Về môi trường

     Phát triển du lịch theo hướng bền vững đã thay đổi được thói quen sử dụng nhiên liệu của người dân địa phương. Thay vì chặt cây, phá hủy môi trường sinh thái làm củi thì hiện nay trong các nhà hàng khách sạn phần lớn đã chuyển sang dùng gas hoặc điện để đun nấu và sưởi ấm.

     Tuy nhiên, bên cạnh đó, khách du lịch đến Sa Pa hàng năm đã tạo nên áp lực về vấn đề xử lí rác thải. Du khách đang tạo ra một khối lượng lớn rác không phân hủy sinh học, chỉ một số ít được tái chế, còn chất thải rắn phần lớn được xả ra phố rồi được thu gom, sau cùng xả xuống đầu dòng suối nằm sát phía Đông Nam thị trấn. Nhằm khắc phục dần các vấn đề về này, huyện Sa Pa đã có đề án chuyển rác ra Cốc San (nhà máy xử lí rác vô cơ cách thị trấn 8km) và đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh chấp thuận; ở thị trấn, bước đầu tiến hành phân loại rác nhưng chưa bài bản; rác vô cơ sẽ được chôn lấp tại Sa Pa (bản Khoang). Và hiện nay, Huyện cũng đang trình Ủy ban nhân dân Tỉnh thông qua kế hoạch mua lò đốt rác trị giá gần 20 tỉ để triển khai xử lí rác thải tại thị trấn và các xã, điển hình là các xã làm du lịch. Nếu kế hoạch này được thông qua thì việc nghiên cứu về tác hại và tác động của khói thải cũng là một vấn đề được đặt ra.

     Ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nổi cộm ở đây. Sa Pa chưa có công trình xử lí nước thải sinh hoạt, chất thải bể phốt từ các hộ gia đình thẩm thấu xuống các mạch nước hoặc xả trực tiếp ra các suối ngòi nhỏ trong khu vực. Ở khu vực nông thôn cũng chưa có hệ thống tiếp nhận nước thải. Về mùa khô, phần lớn lượng nước nước thải ngấm xuống đất. Mùa mưa, nước thải hòa cùng nước mưa chảy vào hệ kênh mương nông nghiệp và sông suối. Tỉ lệ hộ gia đình dùng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn còn thấp. Nhiều hộ gia đình chưa thu gom nguồn phân thải từ chăn nuôi dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ khi có mưa lớn. Hiện nay, Huyện đã bố trí xe gom rác một tuần một lần tại các xã làm du lịch rồi mang đến điểm tập kết và chôn lấp. Một lãnh đạo huyện cho biết là “đã ý thức được việc nước thải và rác thải sẽ ngấm xuống đất nhưng hiện nay chưa biết làm thế nào vì chưa có nhà máy xử lí”. Còn theo quan điểm của lãnh đạo cấp xã thì “môi trường cũng có ô nhiễm nhưng chưa đến mức, đồi núi nhiều thế, nước thải thì ít, do vậy có ô nhiễm nhưng vẫn chấp nhận được”.

     Như vậy, qua những phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng phát triển du lịch ở Sa Pa đã có nhiều khởi sắc. Trong những năm tới sẽ còn nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, có thể đánh giá chung là phát triển du lịch tại Sa Pa chưa thực sự đạt được bền vững, bởi vì bên cạnh những thành quả đạt được về số lượng du khách đến với Sa Pa tăng lên, cơ sở lưu trú được xây dựng hiện đại, dịch vụ cáp treo hoạt động ổn định… thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập và chưa đạt được một số tiêu chí quy định về sự bền vững như sức chứa, cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường như đã phân tích ở trên. Theo đánh giá của Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai: “Hiện nay, phát triển du lịch chưa là bền vững, người dân phải sống được bằng văn hóa bình thường của chính họ thì khi đó du lịch mới là bền vững, chứ hiện nay vẫn còn hiện tượng đeo bám, bán hàng rong trong người dân bản địa”.

     4.4. Hạn chế và nguyên nhân

     Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của quy hoạch của Chính phủ thì Sa Pa cần phải quyết tâm và tập trung cao độ mới có thể đạt phần nào mục tiêu đó, bởi vì hiện nay, Sa Pa còn rất nhiều hạn chế về kinh tế, xã hội và môi trường như đã đề cập ở mục 4.3. Bên cạnh đó, Sa Pa còn đang phải đối mặt với vấn đề như xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể khu du lịch Sa Pa, vấn đề sức chứa tối đa tại thị trấn Sa Pa, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú và vui chơi giải trí.

     Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí đầu tư cho việc phát triển du lịch còn rất hạn chế, nhất là việc đầu tư bài bản trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lí chất thải có lợi cho môi trường và bảo tồn văn hóa truyền thống. Theo đánh giá của Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai: “Nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng rất cao, Sa Pa là khu du lịch quốc gia nhưng khi xin xây dựng đầu tư đường trong huyện nhưng vẫn phải tuân theo luật đầu tư công và Trung ương bảo phải dừng vì còn gặp nhiều khó khăn”.

     Công tác quản lí du lịch chưa hiệu quả, việc kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ du lịch chưa được thường xuyên, thiếu một cơ quan quản lí chuyên trách về du lịch của Lào Cai nói chung và của Sa Pa nói riêng; thiếu quy chế quản lí du lịch Sa Pa trong điều hành quản lí thực tế. Mặt khác, các thành viên trong Ban quản lí du lịch phần lớn làm việc dưới hình thức kiêm nhiệm, mức trợ cấp còn thấp cho nên không thể bao quát được hết các nội dung công việc liên quan trong lĩnh vực du lịch. Về vấn đề này, một cán bộ phòng Văn hóa Thông tin Huyện cho rằng: “Trung tâm thông tin văn hóa du lịch của huyện neo người lắm, chỉ có số ít chuyên trách về du lịch. Trung tâm đã thành lập “Đội quy tắc” để giải quyết triệt để hiện tượng đeo bám, bán hàng rong, xin tiền nhưng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa thôi”. Khi không có thành viên đội này, họ lại tràn ra, mình bắt về khuyên răn, trả về xã động viên nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, họ lại đâu vào đấy”.

     Sự liên kết của các thành viên trong cộng đồng làm du lịch còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ để cùng giúp nhau làm kinh tế. Độ chuyên nghiệp chưa cao, công tác marketing, tiếp cận và chăm sóc du khách còn bỏ ngỏ. Du khách đến với Sa Pa hầu như là tự tìm hiểu hoặc biết đến thông qua các công ti lữ hành đặt ở thành phố Lào Cai hoặc ở các thành phố khác trong nước.

5. Giải pháp hướng tới phát triển du lịch bền vững tại Sa Pa

     Với mục tiêu PTDLBV và xây dựng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, vươn tầm quốc tế, Lãnh đạo huyện Sa Pa, các cơ quan ban ngành và nhân dân huyện Sa Pa thống nhất cao quan điểm phát triển du lịch của huyện là đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cần phải chú trọng các giải pháp sau đây:

     – Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có đủ uy tín, có đủ năng lực, đảm bảo hiệu quả xã hội, trong đó người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch phải được hưởng lợi nhiều nhất (gắn với vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo…).

     – Tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm đặc thù, riêng biệt của Sa Pa; cần phải có quy hoạch cụ thể du lịch đối với từng vùng phù hợp, ví dụ cần phải quy định cụ thể số hộ gia đình được phép làm homestay, hộ nào được bán hàng lưu niệm, hộ nào được sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ… Điều đó khiến việc chuyên môn hóa trong từng khâu phục vụ được tốt hơn, tránh trường hợp hộ nào cũng có thể làm đủ các dịch vụ thì chất lượng phục vụ du khách không được tốt.

     – Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch: Cộng đồng dân cư cần phải được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch đó. Phải được đào tạo để nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và giá trị của chúng trong kinh doanh du lịch, từ đó sẽ có ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn và gìn giữ phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng một số mô hình cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kĩ năng, phương pháp làm du lịch nhằm dần dần thay đổi sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân; tích cực thúc đẩy quá trình tái đầu tư lợi tức thu được từ du lịch “quay lại” hỗ trợ cộng đồng và công tác bảo tồn tài nguyên du lịch.

     – Đẩy mạnh công tác thu gom và xây dựng nhà máy tái chế rác thải, nước thải; kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh và xả thải ra môi trường của doanh nghiệp, người dân và du khách. Phối kết hợp với các đơn vị liên quan (cảnh sát môi trường, tài nguyên môi trường…) thực hiện tốt việc thanh kiểm tra và xử lí nếu có vi phạm.

     – Thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ cả về kinh tế lẫn chính sách trong công tác tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và tái tạo lễ hội, phong tục truyền thống của nhiều dân tộc. Khuyến khích người dân giữ gìn và duy trì việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ và đặc biệt trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch mỗi khi đến Sa Pa. Giải quyết triệt để nạn đeo bám, bán hàng rong của người dân bản địa đối với khách du lịch. Tuyên truyền, vận động người dân cho trẻ đến trường, hỗ trợ thay đổi sinh kế mới và thậm chí áp dụng cả biện pháp cứng rắn để răn đe đối với những người dân tiếp tục đeo bám, bán hàng rong, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của du lịch Sa Pa.

     – Cần phải cụ thể hóa các tiêu chí về PTDLBV, phải có các nhóm chuyên gia của Trung ương, của khối các trường đại học, các tổ chức du lịch chuyên nghiệp trong và ngoài nước về địa phương tư vấn cách làm du lịch hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí để đạt được bền vững.

     – Tập trung chú trọng công tác đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh đạt chuẩn có trình độ nhận thức, hiểu biết rộng, chu đáo và thân thiện. Đặc biệt chú ý khuyến khích người dân địa phương tham gia công tác này, điều đó sẽ tạo nên động lực và sức hấp dẫn đối với du khách và gia tăng thu nhập cho người dân.

     – Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tiểu vùng cho phát triển du lịch. Đây được coi là một trong những vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế. Việc làm này giúp phát huy các tài nguyên thế mạnh của từng địa phương và kết nối các dịch vụ liên quan, góp phần vào phát triển kinh tế cộng đồng địa phương bền vững.

     – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, lưu động tới mọi địa bàn để nhân dân trong huyện, trong tỉnh được biết và nhất trí làm theo, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên và an ninh trật tự.

6. Kết luận

     Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, của việc phát huy lợi thế văn hóa – lịch sử – tự nhiên để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trong những năm qua, mức độ quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp du lịch và các nhà nghiên cứu về PTDLBV đã phản ánh yêu cầu thay đổi trong quá trình phát triển các dịch vụ du lịch, đó là phải đảm bảo sự bền vững trong phát triển du lịch. Nghiên cứu về sự bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa đã cho thấy phần nào bức tranh về thực trạng, tiềm năng du lịch địa phương. Qua đó khẳng định phát triển du lịch không chỉ dựa vào điều tra, khảo sát, lập dự án, xây dựng tiện nghi đáp ứng nhu cầu, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư mà còn cần sự phối kết hợp của các bên liên quan chặt chẽ và nhịp nhàng.

     Hơn nữa, để có một ngành du lịch phát triển bền vững thì cần phải tiến hành đồng bộ các yếu tố như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện; ổn định đời sống cho người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nguồn nhân lực. Chỉ khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, du lịch Sa Pa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung mới có thể đạt được bền vững như đã được quy định trong Luật Du lịch Việt Nam năm 2017: “Sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Quốc hội, 2017).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Byrd E.T. (2007). Stakeholders in sustainable tourism and their role: Applying stakeholder theory to sustainable development. Tourism Review. 62(2). 6-13.

      Quốc hội. (2017). Luật du lịch Việt Nam. Hà Nội.

     Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai. (2016). Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030”. Lào Cai.

     Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai. (2017). Báo cáo tổng kết năm 2017. Lào Cai.

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Sư Phạm TPHCM,
tập 15, số 2 (2018): 99-110

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa (Tác giả: Lã Thị Bích Quang)