Sự hình thành của cảng thị ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa – lịch sử Hải Phòng (1802 – 1888) – Phần 1
Tác giả bài viết: VŨ ĐƯỜNG LUÂN
(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội)
Đặt vấn đề
Trái với quan điểm của chủ nghĩa thực dân vốn đánh giá thấp vai trò của các cộng đồng cư dân địa phương trong sự hình thành hệ thống cảng thị ở châu Á thời thuộc địa, một số nghiên cứu gần đây đang muốn nhìn nhận lại vấn đề này. Thực tế cho thấy, hệ thống kinh tế truyền thống và các cộng đồng cư dân địa phương đã có những ảnh hưởng nhất định đối sự hình thành các cảng thị ở châu Á1. Bài viết này muốn đóng góp thêm những nhận thức mới về sự đa dạng trong quá trình hình thành cảng thị ở Đông Nam Á và châu Á thời kỳ đầu thuộc địa qua trường hợp Hải Phòng – một cảng thị ở miền bắc Việt Nam.
Trên cơ sở các tài liệu lưu trữ của Việt Nam và Pháp, tác giả của chuyên luận muốn làm rõ bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội vùng duyên hải đông bắc trong phần lớn thế kỷ XIX, các biện pháp quản lý của nhà nước phong kiến Việt Nam cũng như sự can thiệp và các hoạt động của người Pháp ở Hải Phòng cho tới trước khi trở thành nhượng địa. Những điều đó không chỉ góp phần lý giải những điều kiện đưa Hải Phòng từ một vùng đất sình lầy trở thành một cảng thị hiện đại mà còn làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa nhà nước, các cộng đồng cư dân và chính quyền thực dân ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao từ cuối thời kỳ độc lập đến giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa.
Vùng đất Hải Phòng2 trước mở cửa (1802 – 1872)
Những bất ổn chính trị và an ninh
Vùng đất Hải Phòng từ lâu đã được xem như là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng đông bắc Bắc Bộ trước thế kỷ XIX. Duới thời Hán, hầu hết các thương nhân Đông Nam Á đều mang hàng hoá của Trung Hoa từ Hải Phòng xuống các trung tâm trung chuyển của người Malay1. Vào thế kỷ X, Hải Phòng từng là địa điểm diễn ra chiến thắng Bạch Đằng (白騰) – một thắng lợi quan trọng, chấm dứt thời kỳ thống trị của các đế chế Trung Hoa ở Việt Nam suốt hơn một nghìn năm. Cho đến trước thế kỷ XV, cửa sông Bạch Đằng vẫn là cửa ngõ giao thông chủ yếu để vào Đàng Ngoài2. Theo các tài liệu của triều Nguyên thì vào thế kỷ XIII – XIV, hai địa điểm quan trọng trong các hoạt động buôn bán với Quảng Châu ở Giao Chỉ là Tuanshan và Jichai (có thể là Đồ Sơn và Cát Hải)3. Từ đầu thế kỷ XVII, vùng đất phía nam của thành phố Hải Phòng hiện nay đóng vai trò là hải khẩu của hệ thống thương mại gắn liền với hoạt động các thương nhân Châu Âu4.
Theo Kuo-tung chen từ thế kỷ XVIII, do những hạn chế về kỹ thuật hàng hải các thuyền buôn của Trung Quốc chủ yếu đi theo con đường vượt qua đảo Hải Nam rồi đi dọc theo bờ biển của Việt Nam, Campuchiavà Xiêm sau đó đến bán đảo Malaysia và thế giới Đông Nam Á mặc dù con đường này còn xa hơn so với ngoài khơi5. Như vậy, với vị trí cửa ngõ của biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Hoa, vô hình chung vùng duyên hải đông bắc (bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng hiện nay) trở thành địa điểm chiến lược trên con đường thương mại khu vực. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng được xem như một trong những địa điểm thuận tiện nhất cho các tuyến đường giao thông và trao đổi hàng hoá giữa khu vực ven biển với vùng châu thổ bởi xung quanh vùng đất này được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi dày đặc nối liên với trung tâm của Đàng Ngoài và vùng thượng du sông Hồng6.
Mặc dù có những điều kiện khá thuận lợi song tình hình chính trị khu vực này từ đầu thế kỷ XIX này lại thường xuyên mất ổn định. Hậu quả của những cuộc nội chiến liên miên từ cuối thế kỷ XVIII cùng với việc duy trì một mức thuế và chế độ lao dịch khá nặng đối với nông dân của triều Nguyễn đã tác động mạnh mẽ vào đời sống kinh tế của các cư dân ven biển Hải Phòng vốn đã ít ruộng đất canh tác lại thương xuyên bị thiên tai đe doạ. Cuối cùng, nạn đói dịch bệnh và tình trạng nông dân xiêu tán diễn ra thường xuyên như một hệ quả tất yếu. Năm 1830, toàn bộ Đàng Ngoài xảy ra nạn đói trong đó nhiều nhất là khu vực trấn Hải Dương là đã khiến giá gạo tăng tới gấp 3 lần1.
Năm 1833, chỉ riêng trấn Hải Dương số lượng dân xiêu tán đã lên tới 13.000 người. Năm 1834, một trận dịch bệnh lớn ở huyện An Dương đã cướp đi sinh mạng của 300 người. Những thống kê từ tư liệu địa bạ ở Hải Phòng vào nửa đầu thế kỷ XIX cho biết có tới hơn 50% số ruộng đất của khu vực này bỏ hoang không thể canh tác được.
Những người nông dân bị dồn tới bước đường cùng đã không còn con đường nào khác là tham gia các cuộc đấu tranh chống lại chính quyền mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành diễn ra vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Mặc dù diễn ra trên một địa bàn khá rộng với căn cứ chính ở Trà Lũ (Nam Định) song trong thời gian đầu xây dựng lực lượng, những người đứng đầu cuộc nổi loạn này đã chọn Đồ Sơn (một đảo ở ven bờ Hải Phòng) làm căn cứ chiến lược. Đến những năm 1860, một cuộc khởi nghĩa khác ở khu vực này cũng nổ ra dưới sự chỉ huy của Lê Duy Phụng đã lôi kéo một lực lượng lớn nông dân, chiếm lĩnh toàn bộ vùng cửa biển Hải Phòng chống lại quân đội của triều đình. Thậm chí, nhiều cộng đồng dân cư địa phương đã tham gia trực tiếp và vùng đất Hải Phòng gần như trở thành lãnh địa riêng của quân phiến loạn. Các cuốn sách mô tả bởi các nhà nghiên cứu cửa triều đình đều thừa nhận: “dân chúng vùng này phần nhiều hung hãn, mà nhất là các xã Quần Mục, Đồ Sơn, Phong Cầu, Đức Phong, Tú Đôi lại càng dữ tợn lắm. Người các xã Phúc Hải, Minh Liễn, Quế Lâm, Trà Hương thì phần nhiều xảo trá”2 . Mặc dù các cuộc khởi nghĩa này cuối cùng đều thất bại song dường như nó đã tạo ra tình trạng mất kiểm soát của chính phủ trong suốt một thời gian dài.
Một yếu tố khác cũng tác động không nhỏ đến tình hình an ninh của Hải Phòng là sự bùng nổ của nạn hải tặc. Theo các điều tra của quan lại triều Nguyễn thì phần lớn hải tặc ở vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung và khu vực Hải Phòng nói riêng có nguồn gốc từ miền nam Trung Hoa. Các báo cáo liên tục gửi về kinh đô Huế trong nhiều năm, cho biết việc các toán hải tặc đã gây ra những cuộc đột kích lớn ở các cửa biển Hoa Phong (cửa Nghiêu Phong), Bạch Đằng, cửa Liêu và vùng Vạn Ninh3. Thậm chí đã có lần lực lượng này đã tấn công trực tiếp vào các đồn binh và trị sở của chính quyền địa phương. Các nhóm hải tặc cũng đồng thời liên kết với các lực lượng khởi nghĩa nông dân nhằm đối phó với quân đội triều đình. Năm 1826, Phan Bá Vành với một đạo quân khoảng hơn 5000 người đã liên kết cùng với hải tặc nhà Thanh quấy rối toàn bộ khu vực ven biển các huyện Nghi Dương, Tiên Minh, trấn Hải Dương1. Năm Tự Đức 24 (1871), toán cướp biển dưới sự chỉ huy của Hoàng Tề tràn vào các đồn bảo vệ cửa biển ở tỉnh Hải Dương, hai đồn ấy đều bị giặc chiếm mất, quan quân nhiều người bị thương và chết, súng và khí giới bị giặc cướp hết. Theo mô tả của thuyền trưởng Senez vào năm 1872 thì trên đảo Cát Bà (噶婆) có một làng Trung Hoa, trước mặt làng này có đậu khoảng 200 con thuyền của hải tặc, mỗi thuyền vũ trang từ 10 – 20 khẩu đại bác và trên thuyền có khoảng 7 – 8000 người. Những người phương Tây đầu tiên khi thám sát vùng cửa biển Hải Phòng đã kể lại: “Con sông này (sông cửa Cấm2) cũng như những kênh lạch tới sông đã bị quân cướp duyên hải đánh chiếm hồi tháng 1-2 vừa qua. Các ghe cướp đến tận Hải Dương. Người ta đã run lên về những tội ác mà đám cướp khốn nạn này gây ra”.
Sự tồn tại của nhiều vấn đề phức tạp ở vùng duyên hải Hải Phòng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XIX thực sự đã có những ảnh hưởng nhất định đối với chính sách của nhà nước. Bản thân chính quyền Việt Nam đã phải thừa nhận miền đất duyên hải Hải Dương và Quảng Yên thuộc hạt Bắc Thành, phần nhiều là nơi đầm vực để cho giặc biển ẩn nấp, mà trong đó thì Đồ Sơn ở Hải Dương lại càng xung yếu3. Do đó mối quan tâm lớn và chính sách chủ yếu của triều Nguyễn đối với khu vực Hải Phòng tập trung vào các vấn đề quốc phòng và an ninh.
Ngay từ thời Gia Long, triều đình Huế đã đẩy mạnh các hoạt động tiễu trừ hải tặc và đã đạt được những kết quả nhất định4. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những nguy cơ từ các lực lượng hải tặc đã chấm dứt bởi vì ngay sau đó nhiều toán hải tặc mới từ miền nam Trung Quốc cũng như những tàn dư từ các cuộc khởi nghĩa nông dân đã lại được hình thành. Trong khoảng những năm 1832 – 1838, quân đội triều Nguyễn cũng đã tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn, kiểm tra và tiêu diệt các toán hải tặc hoạt động trên các đảo nhỏ ở vùng duyên hải đông bắc. Nhiều võ quan cao cấp của triều đình Huế như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương đã từng được cử trấn giữ vùng đất này trong nhiều giai đoạn khác nhau với một mục đích duy nhất là ổn định tình hình an ninh.
Bên cạnh các chiến lược quân sự, triều Nguyễn đã sớm nhận thức việc phải xây dựng một hệ thống an ninh quốc gia đủ mạnh để bảo vệ và quản lý vùng duyên hải. Ngay đầu những thập niên 30 của thế kỷ XIX, Minh Mệnh, vị vua thứ hai của triều Nguyễn đã cho quan lại đi điều tra đo vẽ tất cả các đảo nhỏ ở khu vực đông bắc để vẽ thành bản đồ phục vụ các hoạt động quốc phòng và quản lý vùng biển. Năm 1827, sau khi đẩy lui các lực lượng nổi dậy của Phan Bá Vành từ Đồ Sơn xuống phía nam châu thổ, vương triều này cho thiết lập một đồn biên phòng ở các xã Minh Liễn, Thù Du thuộc huyện Nghi Dương1 với một lực lượng đồn trú khoảng 150 lính. Năm 1840, một pháo đài khác cũng được thiết lập ở phía bắc của sông Cấm lấy tên là Ninh Hải. Năm 1864, theo đề nghị của một viên quan là Nguyễn Văn Lý về việc lập các đồn luỹ ở các cửa biển của tỉnh Hải Dương trong đó có một đồn thuộc huyện Nghi Dương và một đồn nằm ở huyện An Dương, ngay cạnh cửa sông Cấm. Như vậy, trước những năm 1870s, ở khu vực cửa biển Hải Phòng đã hình thành một hệ thống đồn luỹ khá kiên cố trong đó các đồn luỹ ở vùng cửa sông Cấm.
Tuy nhiên bắt đầu từ những thập niên 60 đến những thập niên 70, những khó khăn tài chính cũng như sự đe doạ đối với an ninh quốc gia từ phía thực dân Pháp ở Huế – Đà Nẵng và đồng bằng Nam Bộ đã ngăn cản các nỗ lực tiêu diệt hải tặc. Kèm theo đó các cuộc khởi nghĩa nông dân và biến cố chính trị diễn ra suốt thời gian dài đã làm tình hình an ninh vùng duyên hải rơi vào tình trạng không kiểm soát. Những người thương nhân Châu Âu khi đến Bắc Kỳ vào thời gian này đã phản ánh một thực trạng tồi tệ: “Chỉ còn quân giặc cướp Trung Hoa vẫn tiếp tục hoành hành trên bờ biển miền bắc Việt Nam và cũng giống như xưa kia chúng đã gây nên biết bao tội ác đẫm máu…Không được bảo vệ, những người Annam khốn khổ chỉ có một đường thoát thân là bỏ chạy. Phần nhiều các làng xã bị tấn công bất thần. Khi ấy thì đàn ông, đàn bà, trẻ con bị dồn lên thuyền và đem về Trung Hoa. Đối với đàn ông thì chúng bắt cạo trọc đầu rồi bắt sang làm cu li ở Cuba hay Peru. Đàn bà và trẻ con thì còn dành cho những công việc ti tiện hơn”2.
Buôn lậu và sự bùng nổ của các hoạt động kinh tế phi chính thức
Có thể do những bất ổn về an ninh mà phải đến những thập niên 50 – 60 của thế kỷ XIX, vấn đề thương mại ở Hải Phòng mới thực sự được chú ý. Một lý do khác nữa đó là từ đầu thế kỷ XIX, việc triều Nguyễn đã chủ trương mở trung tâm kinh tế đối ngoại cho Đàng Ngoài ở Nam Định (một địa điểm nằm ở phía nam của châu thổ sông Hồng)3. Trong khi đó, việc cấm buôn bán các mặt hàng đem lại nhiều lợi nhuận như lúa gạo, kim loại màu, tơ sống… đã khiến cho các hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ diễn ra trong một phạm vi rất hạn hẹp, chủ yếu trên cơ sở việc cung cấp các mặt hàng xa xỉ phẩm cho nhà vua và các tầng lớp quý tộc. Điều này rõ ràng không thể đáp ứng được nhu cầu trao đổi khá lớn của các thương nhân Trung Quốc nhất là trong bối cảnh phát triển của nền sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa và sự bùng nổ của hoạt động kinh tế ở miền nam Trung Hoa. Từ giữa thế kỷ XIX, do những bất ổn chính trị nhà nước Việt Nam có chủ trương hạn chế các hoạt động buôn bán với nước ngoài nên đã càng thúc đẩy các hoạt động buôn bán phi pháp. Vùng đất Hải Phòng với vị trí cửa ngõ nối liền vùng biển với vùng nội địa nhanh chóng trở thành địa điểm chủ yếu của các hoạt động buôn lậu.
Do được nhà nước bảo hộ và điều tiết giá cả nên giá lúa gạo ở Việt Nam khá rẻ so với các tỉnh biên giới phía nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, vì thế việc buôn bán loại mặt hàng này cũng đem lại lợi nhuận cao. Vào những năm 1824, giá gạo ở Quảng Đông, vào thời điểm cao nhất 1 thạch gạo có giá từ 4 -5 lạng bạc1 ; so với giá gạo ở miền bắc vào cùng thời điểm, giá gạo ở Quảng Đông cao hơn từ 10 đến 12 lần. Năm 1876 – 1877, giá gạo ở Đàng Ngoài là khoảng 1 lạng bạc/ 1picul thì ở Trung Quốc có giá gấp đôi trong khi chi phí vận chuyển lại khá rẻ2. Mặt khác, do hai châu Vạn Ninh và Vân Đồn do có rất ít ruộng đất để canh tác cho nên bên cạnh phần lúa gạo do nhà nước cung cấp hàng năm, nhân dân ở hai khu vực này được triều Nguyễn cho phép đi thuyền ra biển đi mua lương thực ở các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực Hải Phòng. Chính vì thế thương nhân người Hoa cũng lợi dụng tình hình này để thu mua lúa gạo3.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương thì tại cửa biển Nghiêu Phong (nay là khu vực cửa Nam Triệu, Hải Phòng) có nhiều phú thương người Hoa thuê thuyền chở đến đậu, thường có đến trên dưới 300 – 400 chiếc. Họ đem nhiều tiền bạc gửi các người buôn lậu ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để làm sự bán đổi ngầm”4. ở địa phận sông trước mặt đồn Trực Cát, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, thuyền buôn nước Thanh đến đậu ở đó, buôn trộm gạo có lúc lên tới hàng trăm chiếc5.
Một trong những mặt hàng buôn khác khá đặc biệt của các thương nhân người Hoa ở Hải Phòng là phụ nữ. Cho đến những năm 1870s, theo báo cáo của các giáo sĩ thừa sai tại Đàng Ngoài thì nạn buôn bán đàn bà vẫn tiếp tục được tiến hành như thời xưa cho dù không trắng trợn bằng. Người ta phát hiện rằng trong nhiều năm ở một khu chợ thuộc phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông hàng trăm người đàn bà Annam đã bị đem đi bán, và những người đàn bà này chủ yếu được chở đến từ các bến cảng Hải Phòng và Trà Lý6.
Trước bối cảnh đó, triều đình nhà Nguyễn đã có ngay những biện pháp tích cực nhằm đưa các hoạt động buôn bán Hải Phòng vào khuôn khổ pháp luật. Một sở quan thuế cùng với một đồn biên phòng đã được thiết lập ngay sau đó ở khu vực trên sông Bạch Đằng với một mức thuế đối với các thuyền buôn Trung Quốc là 12 lạng bạc và chỉ hạn chế cho mỗi thuyền mua 100 kg gạo7. Ngay năm sau, tại khu vực sông Phương Chử thuộc huyện An Lão, (một nhánh của sông Cấm), một trạm kiểm soát khác được thiết lập nhằm ngăn chặn các thuyền người Việt từ các địa phương đến bán gạo cho thuyền buôn Trung Quốc ở Hải Phòng1. Nhưng dù vậy thì dường như các nỗ lực này vẫn trở nên vô nghĩa khi mà các thương nhân người Hoa đã không từ một biện pháp nào từ việc hối lộ quan lại địa phương cho đến giả mạo giấy phép, cải trang thành các thuyền người Việt để trốn thuế.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi chính quyền phát hiện ra hoạt động của một số thương nhân người Hoa có liên quan đến các lực lượng hải tặc và các cuộc khởi nghĩa nông dân đang diễn ra trên vùng duyên hải đông bắc. Nguyễn Trường Tộ trong một bản điều trần gửi vua Tự Đức đã nêu lên thực trạng: “Thuyền của người Thanh xưa nay ra vào các cảng khẩu đã thành thói quen, trong đó có cái đã biến thành thuyền ăn cướp, có cái đã trở thành thuyền buôn bán, có cái khi vào thì buôn, khi ra thì ăn cướp, có cái năm trước đi buôn, năm sau đi cướp, có cái đi buôn lỗ vốn trở lại ăn cướp…”. Ngoài ra, các thương nhân Trung Hoa cũng lợi dụng tình hình chiến tranh bán vũ khí cho các lực lượng chống lại triều đình Huế. Cuối cùng, năm 1855, theo đề nghị của các quan lại, triều đình Huế phải chính thức tuyên bố lệnh cấm các thuyền buôn nhà Thanh đến buôn bán ở Hải Phòng2.
__________
1 Dilip K.Basu, The Rise and Growth of the Colonial port cities in Asia , Topic 1: Relationship between the city and its hinterland, Universty of California, Berleley, University Press of America, 1985, pp 1-46; J.Kathitithamby – Wells, Introduction : An Overview in J. Kathitithamby – Wells and John Villers (edited), The Southeast Asian Port and Porlity : Rise and Demise, Singapore University Press, 1990. pp.1 -13; Indu Banga (edited), Ports and Their Hinterlands in India (1700 – 1950), Urban History of Association, Mannohar, India, 1992;
2 Tên gọi Hải Phòng được xuất hiện vào cuối những thập niên 70 của thế kỷ XIX trong các văn bản của Pháp với ý nghĩa chỉ tên gọi của thành phố. Khái niệm Hải Phòng theo các văn bản của triều Nguyễn chỉ là tên một cơ quan có trách nhiệm phòng thủ bờ biển. Vào thời điểm đó, Hải Phòng còn có tên gọi khác là Ninh Hải thuộc tỉnh Hải Dương. Thành phố Hải Phòng hiện nay có 13 đơn vị hành chính và khoảng 1,5 triệu dân.
1 C.G.F. Simkin, The Traditional Trade of Asia, Oxford University Press, London, 1968, pp.37
2 Li Tana, “A view from the sea, Perspectives on the Northen and Central Vietnamese Coast“, Journal of Southeast Asia Studies, 37 (1), 2006. pp 83 -102.
3 Liu Zhiquang, Cultural Exchange among Hepu, Qinzhou and Vietnam, Paper Presented in International Workshop “A Mini Mediterranean Sea”: Gulf of Tongking through History, Nanning, 14-15 March, 2008.
4 Đỗ Thị Thuỳ Lan, “Vùng cửa sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII: vị trí cửa sông và cảng Domea”, T/c NCLS, số 11-12, 2006; Nguyễn Quang Ngọc, “Domea trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII”, T/c NCLS số 10, 2007.
5 Kuo-tung Chen, The shipping and trade of Chinese junks in the Southeast Asia: A survey, Discussion Paper No.9339, Academia Sinica, Taiwan, November, 1993, p.7
6 Về cơ bản hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa và thương mại ở Đàng Ngoài thế kỷ XIX vẫn được dựa trên hai tuyến đường chính. Từ các cửa sông phía nam hạ châu thổ như Liêu – Lạc, Ba Lạt, Trà Lý, cửa Lân của hệ thống sông Đáy – sông Hồng, các thuyền buôn theo sông Hồng lên Nam Định rồi từ đó đến Hà Nội. Đây là tuyến giao thương chủ yếu được các thương nhân người Hoa sử dụng trong các thế kỷ XVII – XVIII. Tuyến thứ hai chủ yếu dựa vào hệ thống cửa biển ở đông bắc, đặc biệt là các cửa Nam Triệu, Bạch Đằng để từ đó theo hệ thống sông Thái Bình – sông Luộc lên Thăng Long. Đây là tuyến giao thông vốn rất có ý nghĩa về quân sự trước đó nhưng lại ít được sử dụng trong các hoạt động thương mại. Trong khi đó, những biến động địa chất ở vùng duyên hải Bắc Bộ và đặc biệt là những tác nhân bên ngoài của con người như quá trình khai hoang lấn biển, việc đào sông khơi ngòi… đã khiến cho các cửa biển ở Quảng Yên và Hải Dương ngày càng có ưu thế cho việc vận tải các loại thuyền cỡ lớn.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn (阮ợ?¯國?史館), Đại Nam thực lục (大南?實錄›) , T.3, tr.75.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh dư địa chí (同?慶地?輿?志?), école Francaise „d Etrême – Orient, Vol 1, pp.140.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.509, 571, 613, 620, 624, 639, 654, 723, 728, 729; T.2, tr.371-372,, 568.
1 Đại Nam thực lục, T.2, tr.558.
2 Cửa Cấm còn có tên gọi khác là cửa Trực Cát. Nhân dân địa phương giải thích rằng do lệnh cấm của triều Nguyễn đối với cửa biển này nên người ta mới gọi là cửa Cấm (nghĩa là cấm buôn bán).
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.2, Sđd, tr. 874.
4 Trong một trận chiến vào năm 1801, một số thủ lĩnh như Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài cùng bè đảng bị tiêu diệt. Ngay năm sau, một tướng lĩnh trong quân đội nhà Nguyễn là Ngô Đức Tuấn đã bắt được một lực lượng hải tặc lớn với 23 chiến thuyền cùng hơn 300 quân. Cũng cùng vào thời gian đó, chủ tướng Trịnh Thất bị bắt tại cửa biển Vân Đồn4. Mất người lãnh đạo, thiếu thốn về mọi mặt nhất là lương thực, nhiều nhóm hải tặc đã xin quy thuận triều đình ở Huế. Năm 1806, một tướng của Trịnh Thất là Lâm Tổng Huỳnh đã liên lạc với nhà Nguyễn để kêu gọi bè đảng ra hàng. Mặc dù một tướng lĩnh khác trong lực lượng hải tặc là Trịnh Nhất đã cố gắng duy trì và xây dựng một liên minh mới với một tổ chức lên đến 400 chiến thuyền và khoảng 70.000 người vào năm 1804 nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó liên minh này đã không còn tồn tại.
1 Nay thuộc khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng.
2 Romanet du Caillaud, Histoire de l’intervention francaise au Tonkin de 1872 à 1874, Challamel, 1880, tr.35.
3 Dưới thời Gia Long, các thuyền buôn ngoại quốc được đến phần lớn các cửa biển song kể từ thời Minh Mệnh, các thuyền buôn phương Tây chỉ được cập bến ở Đà Nẵng. Các cảng ở Bắc Thành chủ yếu dành cho các thuyền buôn Trung Hoa.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.2, Sđd, tr. 381 – 382. Theo cách đo của người Trung Quốc: 1 thạch tương ứng với 59,2 kg.
2 Raffi Gilles, Haiphong, Origines, Conditions et Modalités du Developpement jusqu’ à 1921”, Doctoral Thesis, Université de Provence, France, 1994. (Bản dịch tiếng Việt), tr. 62 (1 picul = 60 kg. Trung bình 1 lạng bạc vào thời điểm đó có giá khoảng 8 quan tiền)
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.3, Sđd, tr. 906 – 07.
4 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 749
5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 360.
6 Romanet du Caillaud, Histoire de l’intervention francaise au Tonkin de 1872 à 1874, Challamel, 1880, pp.196.
7 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 267.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 304.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 403.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.7, Sđd, tr. 926.
Nguồn (File PDF): Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp. Kính mời Quý độc giả xem tiếp: